Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương III. Trong lúc khai quốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Chương III. Trong lúc khai quốc

Nhựt-bổn nhìn nhận cái ngày đề-đốc Bá-lý đem tàu binh tới ra oai gõ cửa, bắt họ ký tờ ước ở Thần-nại-xuyên, ấy là ngày mở mối duy-tân tự-cường cho nước họ. Nghĩa là Nhựt-bổn có kỷ-nguyên lịch-sử mới, bắt đầu từ ngày ấy mà đi.

Kể về tinh-thần thì phải, nhưng về thiệt sự thì chưa. Thiệt sự đến năm 1868, Minh-trị Thiên-hoàng (明治天皇 – Meiji Tennou) đem văn võ bá quan tế cáo trời đất tổ-tiên thề nguyền 5 khoản, rồi hạ lịnh nhứt thiết cải-cách duy-tân, bấy giờ mới thiệt là ngày Nhựt-bổn bước vào kỷ nguyên mới.

Cái thời kỳ 15 năm, từ 1854 đến 1867, nội tình quốc-sự của Nhựt-bổn có lắm việc biến-động đổi dời, tức là những việc khơi nguồn đắp móng cho cuộc duy-tân tự-cường của họ. Bởi vậy, trong thời-kỳ nầy, chánh-thể, quốc-tình Nhựt-bổn ra sao, cùng là ảnh hưởng trí-thức của ngoại-nhơn đối với những hạng duy-tân chí sĩ ở Nhựt ra sao, ta cũng nên xét qua cho biết.

BỌN NHÀ NHO OÁN TRÁCH MẠC-PHỦ VỀ VIỆC MỞ NƯỚC[sửa]

Như trong khoản dưới chương 1 đã nói: về đời cận-cổ, Nhựt-bổn sanh ra chế-độ phong kiến mới, là Mạc-phủ tướng-quân, kéo dài một hơi đến 700 năm. Bắt đầu từ Nguyên-lại-Triều (源頼朝 - Minamoto no Yoritomo) dựng lên chế-độ ấy (Tây lịch 1986)

Ông đại tướng-quân thay mặt Thiên-hoàng, nắm lấy thực-quyền chánh-trị nước Nhựt, tự lập ra chánh-phủ riêng có thực-lực, gọi là Bá-phủ (霸府) hay Mạc-phủ (幕府 – Bakufu) rồi phong cho các tướng-sĩ thân tín của mình, mỗi người làm chúa một châu-quận tức là chư-hầu; hết thảy ở dưới quyền thống-thuộc của đại-tướng-quân. Họ nguyên là ông tổ của chế-độ Mạc-phủ vậy.

Từ đó về sau, trải qua nhiều cuộc trị loạn hưng vong, có mấy lần Mạc-phủ thay dòng đổi họ, theo lẽ mạnh được yếu thua. Trong khi đó, Thiên-hoàng vẫn truyền nối một hệ-thống từ xưa, nhưng ngài chỉ ở ngôi báu làm vì, chớ quyền-hành thì không có.

Hồi đề-đốc Bá-lý đem tàu binh vô gõ cửa Nhựt-bổn, và ký tờ ước Nhựt Mỹ ở Tần-nại-xuyên (神奈川 – Kanagawa), chính là hồi Mạc-phủ lập ở Giang-hộ (江戸 – Edo), dòng dõi họ Đức-Xuyên (徳川 – Tokugawa) làm tướng-quân. Chính Đức-xuyên tướng-quân đã thuận ký tờ ước Nhựt Mỹ vậy. Lúc nầy trên tướng-quân có đức Thiên-hoàng ngồi hư vị ở kinh-đô, còn dưới tướng-quân thì có 300 chư-hầu lớn nhỏ, chia nhau cai-trị nước Nhựt, tình thế rõ ràng là nước phong-kiến như Trung-quốc đời Châu, hay là như Âu-châu cổ thời.

Họ Đức-xuyên nối nhau làm tướng-quân, cầm chánh-quyền Nhựt-bổn luôn 250 năm. Trong hai thế-kỷ rưỡi đó, chỉ duy có lúc hạ lịnh khóa nước, đuổi các giáo-sĩ Bồ và Y, rồi bọn tín đồ Thiên-chúa ở trong xứ nổi lên làm loạn ít lâu, ấy là lúc có nội loạn khiến cho Mạc-phủ phải dùng binh-lực đánh dẹp mà thôi, ngoài việc ấy ra, cả nước được yên-ổn rất lâu dài, ta có thể nói rằng cổ kim đông tây chưa có nước nào được một lúc thái-bình vô sự lâu quá như thế.

Nhưng thái-bình lâu lắm cũng có chỗ hại; Từ tướng-quân chư-hầu đến sĩ-tốt nhơn-dân, trên dưới đều thong thả vui chơi, luôn mấy trăm năm, không phải động binh luyện võ, thành ra tướng-quân vốn lấy võ-lực oai-trị thiên-hạ mà võ-lực ấy lâu ngày không dùng, tự nhiên phải suy yếu đi. Thình lình đến lúc có ngoại nhơn đem tàu trận tới gõ cửa ra oai, bắt phải khai cảng thông thương, thì Mạc-phủ đành phải vâng theo, chớ không thể chống cự mà giữ riết cái chánh-sách khóa nước hơn 200 năm nay được nữa.

Thắng An Phòng - 勝安房 (勝海舟) - Katsu Yasuyoshi (Katsu Kaishuu), Đại Cửu Bảo Lợi Thông - 大久保利通 - Okubo Toshimichi, Tây Hương Long Thạnh - 西郷 隆盛 - Saigo Takamori, Mộc Hộ Hiếu Doãn - 木戸孝允 - Kido Takayoshi, Đông Hương Bình Bát Lang - 東郷 平八郎 - Togo Heihachiro

Bấy giờ cả nước náo-động kinh-hoàng, nghị-luận nổi lên như sấm vang bão dậy; ai cũng xôn xao trách oán Mạc-phủ sao có sái phép tổ-tiên, bỏ lệ quốc cấm, cho ngoại-nhơn tới lui buôn bán, để gây điều tai vạ hiểm nghèo cho quốc-gia? Dân cho Mạc-phủ chuyên quyền làm vậy là bất trung với vua, có tội với nước.

Nhứt là đám nhà nho thủ-cựu càng quai mỏ già hàm thống trách Mạc-phủ hơn hết.

Phải, cùng trong thuở ấy, nước Nhựt cũng không khác chi nước Nam mình đây, có đám nhà nho chỉ bo bo thủ-cựu, thích rung đùi ngâm thơ, ngoài Nghiêu-Thuấn Khổng-Mạnh ra họ không biết việc thiên hạ là gì hết. Huống chi Nhựt-bổn còn có cái tình-thế đặc biệt, là trải hai trăm mấy chục năm trời đóng chặt cửa ngọ, cấm tuyệt ngoại-nhơn, thành ra tình thế bên ngoài ra sao, trong xứ ít có ai hay biết. Lúc ấy quốc-dân vẫn đang say mê chuyện đọc sách Tàu, đang sùng bái những Nghiêu-Thuấn Khổng-Mạnh, mà giữ thói cô lập tự tôn, coi nhỏ thiên-hạ, tưởng trên đời không còn có ai và cũng không ai bảnh bao hơn mình. Bỗng chốc có việc ở Phố-hạ phát ra, Mạc-phủ nhượng bộ, khác nào một tiếng sét đánh vang lừng, đám nhà nho nghe phải chát tai nhức óc, rồi túa lên bi-thương phẫn-khích nọ kia, nhưng nhắm lại đó cũng là lý thế tự nhiên, không có chi lạ!

Trái lại, Mạc-phủ nắm chánh-quyền ở trong tay, thường có dịp cùng người Hòa-lan trú ngụ tại Tràng kỳ chuyện trò hỏi han, nhờ vậy mà hơi rõ tình-thế Âu Mỹ văn minh ra thế nào, cho nên Mạc-phủ tự biết việc khai-quốc là nên, là cần, không sao đóng cửa từ khách được nữa.

Song, khốn nỗi lúc nầy Mạc-phủ đã yếu thế đi rồi, chẳng những không đủ sức để cản ngăn lằn sóng quốc-dân chống chỏi oán trách mình, lại cũng không dám công-nhiên ra mặt để mở mang cuộc ngoại giao cho thiệt hẳn hòi rộng rãi mới là đúng chỗ cần dùng lợi ích cho nước nhà. Té ra Mạc-phủ đã thiếu lòng tự tin, mà cũng không trí dõng-đoán, cho nên tiếng rằng mở cửa ngoại-giao, chẳng qua chỉ là việc do sự thế bắt buộc vậy thôi, Mạc-phủ chập chờn lỡ dỡ ở giữa khoảng nửa úp nửa mở, nửa làm, nửa không, có hại cho đại cuộc nước Nhựt vô số, nếu không thì Nhựt có lẽ được duy-tân tự-cường sớm hơn mươi năm trước rồi.

Ví dụ hồi năm 1854, Mạc-phủ đã cùng đề-đốc Bá-lý ký tờ hiệp ước tại Tần-nại-xuyên rồi, trên kia đã nói tờ ước nầy nội-dung rất là giản-dị, chỉ nói sơ về khoản ghe tàu đi biển có gặp hoạn-nạn trôi dạt vô bờ, thì người hai nước cứu giúp lẫn nhau mà thôi, chớ chưa đá động gì đến việc giao-thông mậu-dịch. Mới vậy mà nghị-luận phản-kháng đã nổi lên trong dân-gian um sùm, làm cho mạc-phủ lính quýnh. Cách hai năm sau, (1856) viên tổng-lãnh-sự Mỹ là Cáp-lợi-tư (Harry, theo sách Nhựt: 哈利斯 -? (**)) đến tận Giang-hộ yết-kiến tướng-quân xin đổi lại tờ ước trước kia, mà ký tờ ước hòa-thân và mậu-dịch cho phân minh; luôn dịp ông ta khuyên Mạc-phủ nên mở tong cửa ngõ ngoại-giao với tất cả các nước. Rồi đó hai bên ký tờ ước mới, gọi là tờ ước Giang-hộ.

Lúc nầy, lằn sóng phản-kháng càng nổi lên cao, Mạc-phủ lo sợ quốc-luận ồn ào, liền sai sứ đem tờ ước trên đây về kinh-đô dâng lên Thiên-hoàng ngự-lãm và xin Ngài phê chuẩn cho. Song bao nhiêu lâu nay trào-đình đã xa cách với thực quyền chánh-sự, còn các vị công-khanh đại-thần trong trào cũng không có ông mô hiểu biết sự tình hải-ngoại ra thế nào; thành ra trào-đình không biết sao mà phê chuẩn tờ ước, để mặc tướng-quân nhận lấy trách nhiệm. Vả lại, các ông chư-hầu có quyền to thế mạnh, đang muốn dựa oai trào-đình để chống phá cái chánh-sách khai-quốc của Mạc-phủ, vì họ không chịu thay đổi lệ cũ phép xưa, họ càng tâu-bày xúi giục trào-đình đừng có phê chuẩn tờ ước.

Bởi mấy lẽ đó, sứ-thần của tướng-quân phải bồi hồi thất ý ở kinh-đô, rồi đành trở về Giang-hộ tay không. Mạc-phủ càng thêm lúng túng lo sợ, chẳng biết day trở thế nào! Thiệt, hồi nầy là hồi nội-tình Nhựt-bổn rắc rối khó khăn: Trên thì có cái trào-đình không quen thuộc chánh-sự, dưới thì có đám chư-hầu không thông hiểu ngoại-tình, còn quốc-dân lại hầu hết thủ-cựu, chí-sĩ đua nhau hô hào nghị-luận vang rùm, bao nhiêu mũi tên đều nhắm cả vào Mạc-phủ mà bắn. Võ-lực của Mạc-phủ đã vì sự thái-bình lâu đời mà suy yếu rồi, nay muốn đè ép quốc-luận để tự quyền làm việc lợi cho nước nhà, cũng là không đủ sức mới khổ!

Bên trong bị có tình thế khó-khăn như vậy, còn bên ngoài thì các nước Âu Mỹ hằng ngày tới thúc giục Mạc-phủ mau mau ký điều-ước với họ và mở hết các hải-cảng ra. Trong lúc đó, quan ngoại giao của Mạc-phủ gặp-gỡ tiếp rước người ngoài càng nhiều, thì càng biết rằng việc khai-quốc là việc phải làm, chớ không thế nào chần chờ thối-thác được. Chỉ tiếc rằng Mạc-phủ không dám công-nhiên tỏ bày lợi hại để hiệu triệu quốc-nhơn, thống-nhứt quốc-luận, thành ra việc làm vẫn cứ phải làm, mà không dám làm mạnh bạo và bị nghị-luận xôn xao công kích hoài!

Dầu sao mặc lòng, ta cũng phải nhìn nhận rằng Mạc-phủ cam chịu quốc-luận xôn xao công kích, nhưng cứ xóa bỏ chánh-sách khóa nước đã mấy trăm năm, mạnh bạo mở cửa ra cùng Âu Mỹ giao-thông mậu-dịch, ấy là Mạc-phủ có công lao ở trong cái cơ-sở khai-quốc của Nhựt vậy. Cơ-sở nầy có biết bao là hạng danh-nhơn chí-sĩ, hoặc lấy tri-thức, hoặc lấy khí-khái, đóng góp tài năng tâm lực vào mà xây-dựng lên; có lắm người lấy máu thịt mà đóng góp vào nữa là khác.

*

MẤY ÔNG CÁC-LÃO VỚI VIỆC NGOẠI-GIAO KHAI QUỐC[sửa]

Giữa lúc đề-đốc Bá-lý mới đến Phố-hạ yêu cầu Nhựt-bổn mở cửa thông-thương, thì vừa gặp nhằm lúc Mạc-phủ Đức-xuyên có tang sự: Tướng-quân Gia-khánh (家康 – Ieyasu) mang bịnh qua đời (1853), con là Gia-định (家定 - Iesada) lên nối ngôi, chưa quen việc chánh, kế vài năm cũng mất (1858). Tới Gia-mậu (家茂 - Ieshige), tuy còn nhỏ tuổi, nhưng vì là dòng chánh, nên được lên nối chức tướng-quân cho đến năm 1866 tạ thế. Vậy là trước sau 14 năm trời, ngôi tướng-quân ba lần đổi chủ, mà hết hai đời chủ là trẻ con, thành ra bao việc chánh đều ủy-thác quan-hệ ở trong tay mấy ông các-lão (家老 - Karo), bực đại-thần lão-quan của Mạc-phủ) gánh vác lo liệu hết thảy. Cũng may có mấy ông nầy là hạng tuấn-kiệt, nặng lòng ưu-quốc, rõ biết thời-cơ; chính tay mấy ông vun đắp lên cơ-sở khai-quốc buổi đầu, chớ nếu Nhựt-bổn gặp phải bọn lão-thần ngu muội như tình-cảnh một vài xứ khác ở phương Đông nầy cùng trong lúc đó, thì e vận-mạng nước Nhựt cũng xui xẻo như ai rồi không chừng. Thế mới biết cuộc hưng-vong suy-thạnh của một nước, khôn nhờ, dại chịu, có quan-hệ ở hạng người chấp-chánh lắm thay!

Các-lão của Mạc-phủ lúc bấy giờ đương đầu với cuộc ngoại-giao khó khăn và tự nhậm công việc quốc gia trọng-đại, cả thảy có bốn người, là: A-bộ Chánh-hoằng (阿部正弘 - Abe Masahiro), Quật-điên Chánh-mục(堀田正睦 - Hotta Masayoshi), Tỉnh-y Trực Bật (井伊直弻 - Ii Naosuke) và An-Đằng-đối-mã (安藤 對馬 – Andou?).

A-bộ Chánh-hoằng vốn là người để tâm xem xét về sự-tình của các nước ngoài, biết rằng Nhựt-bổn đến lúc không khai-quốc không xong, cho nên lúc có tàu Mỹ kéo tới ra oai ở Phố-hạ thì chính ông ta chủ trương khai-quốc, chính ông ta quyết-định việc ký tờ ước Nhựt Mỹ ở Tần-nại-xuyên. Bình thời, ổng hay khuyên nhủ thúc giục đám thiếu niên anh-tuấn nên đọc sách Hòa-lan, xét việc Âu Mỹ. Lại mướn thầy Hòa-lan tới chỉ vẽ cho Nhựt-bổn rèn tập về lục-quân và hải-quân lối mới. Vì một phần gánh vác quốc-gia đại-nhiệm, lo nghĩ nhọc nhằn quá, Chánh-hoằng phát đau, một phần nữa sức yếu tuổi già rồi, gánh vác đại sự không nỗi nữa, bèn tấn-cử và giao phó cho Quật-điên Chánh-mục nắm giữ then chốt ngoại giao. Lúc ấy ngoại-giao là việc quan-hệ hơn hết cho quốc gia. Không bao lâu, Chánh-hoằng qua đời thì Chánh-mục lên nối trọng chức.

Chánh-mục tuy không tự đọc chữ Hòa-lan được, nhưng mà sai bọn gia-thần hằng ngày đọc sách Hòa-lan rồi thuật lại cho mình nghe. Nhờ vậy mà Chánh-mục cũng thông hiểu tình thế hải-ngoại nhiều lắm, mới dám mạnh bạo cùng quan tổng-lãnh-sự Mỹ là Cáp-lợi-tư thương thuyết mà ký hai tờ ước khác về việc thông-giao và việc thông-thương, như đoạn trên kia đã có nói qua.

Hồi đó dưới Chánh-mục, có mấy tay văn-quan anh-tuấn, như bọn Nham-lại Trung-chấn (岩頼 忠震 – Iwase Tadanari), Tỉnh-thượng Thanh-trực (井上清直 – Inoue Kiyonao), Xuyên-lộ Thánh-mô (川路聖謨 - Kawaji Toshiakira), đều là hạng có tài năng cao rộng, hiểu rõ việc ngoài. Mặc dầu quốc-luận sôi nổi công kích về việc khai quốc thế mấy, bọn nầy cũng cứ đốc thúc tán thành việc đó là cần dùng cấp bách và hết sức biện bạc lợi hại cho mọi người nghe. Họ chính là hạng tiên-phong chí-sĩ khai-quốc vậy.

Nhứt là Nham Lại Trung Chấn học rộng văn hay, có tài hùng biện. Tờ ước Nhựt Mỹ ở Giang-hộ, chính là do tay Trung-chấn thảo ra.

Ấy tức là tờ ước mà Mạc-phủ sai sứ đem về kinh-đô tâu xin Thiên-hoàng phê-chuẩn, nhưng trào-đình để mặc Mạc-phủ làm sao thì làm, như chuyện ở trên xa đã nói. Lúc đó Chánh-mục bị tổng-lãnh-sự Mỹ là Cáp-lợi-tư yêu cầu phải ký tờ ước nầy, đem về kinh-đô tâu xin Thiên-hoàng phê chuẩn chưa xong thì vừa đụng có việc kế vị ở trong nhà tướng-quân xảy tới, thành ra Chánh-mục và bọn đồng-chí bổng mất quyền hành. Thế là tờ ước Giang-hộ trên đây còn đang lôi thôi chưa biết trào-đình nhứt quyết lẽ nào, thì trong ngôi các-lão ở Mạc-phủ đã có chuyện tan rã, thay quyền đổi tay.

Tới đây, Tỉnh-y Trực-bật phò ấu chúa là Gia-mậu và gánh lấy đại-sự, làm như thủ-tướng của Mạc-phủ, có toàn quyền nhiếp-chánh, gọi là Đại-lão (大老 - Tairou). Lúc nầy cả kinh-đô và toàn quốc, những kẻ không chịu sự mở cửa giao-thông, càng sôi nổi xôn xao dữ lắm. Mấy tờ ước đã bàn định ổn thỏa rồi, phần nhiều có cơ đến phải hủy bỏ.

Nhưng Tỉnh-y là người can cường quyết đoán, mỗi việc gì cũng hỏi han các-lão là Tùng-bình Trung-ưu (松平忠優 – Matsudaira Tadamasa) rồi tự mình gánh vác trách nhiệm nặng nề một cách rất là mạnh bạo. Tháng 7 năm 1858, Tỉnh y cứ việc ký tên trong tờ ước mới với Mỹ, ấy chính là tờ ước Giang-hộ đã nói kia vậy. (Tờ ước nầy qua năm sau hai bên có thêm vô mấy khoản về ngạch thuế nhập cảng, còn đại thể thì cứ giữ mãi tới năm Minh-trị thứ 27 tức là 1894, nghĩa là lúc Nhựt-bổn duy-dân hùng-cường rồi, tuy phải sửa lại toàn-văn, mà đại ý vẫn để y cũ không đổi; vậy càng tỏ ra thuở tân-cựu giao-thời, về việc ngoại-giao, Nhựt-bổn đã có tay cứng lắm rồi).

Hồi năm 1858, sau khi tờ ước Nhựt Mỹ ở Giang-hộ đã ký rồi, có nhiều nước khác đến xin Nhựt-bổn ký ước với họ, thì cũng phỏng theo kiểu mẫu của tờ ước Giang-hộ nầy cả. Bởi vậy tờ ước Giang-hộ đối với lịch-sử duy-tân của Nhựt-bổn là một việc trọng yếu lắm.

Lúc ấy theo chưn và bắt chước Mỹ-quốc mà được cùng Nhựt-bổn ký kết giao ước, có Anh, Nga, Pháp và Hòa-lan; người Nhựt gọi chung là "Ngũ-quốc đính-ước" (五国訂約 -?).

Tuy các nước lấy sự tử tế mà yêu cầu Nhựt-bổn mở cửa nước ra cùng họ ký tờ giao-hảo thông-thương, chớ trong đó họ vẫn giữ lấy phần hơn và không đãi Nhựt-bổn bằng cách bình-đẳng. Liệt-cường đãi Nhựt hồi đó cũng như kiểu đãi Trung-quốc mấy lâu nay vậy. Nghĩa là ở trong những cửa biển Nhựt-bổn mở ra làm chỗ ngoại-quốc thông-thương, có vạch riêng từng khu vực cho ngoại-nhơn ở tự do, gọi là “cư-lưu-địa (居留地 -) (**)”, tức là tô giới (concesion). Thuế ở đất cư-lưu, về phần ngoại-nhơn thâu, cho tới ngoại-nhơn có kiện thưa hay phạm tội gì, hoặc riêng họ với nhau, hoặc dính với người Nhựt, cũng đều do quan lãnh-sự của họ xử phân, gọi là “lãnh-sự tài-phán quyền - 領事裁判権 - Ryojisaibanken”, (droit d'exterrioritalité), chớ họ không chịu quyền xử phân của quan tòa Nhựt, vì họ cho pháp luật của Nhựt còn non nớt thấp thỏi, không đáng xử người văn minh.

Ngay lúc bấy giờ, người Nhựt cũng biết thế là mất quyền, là nhục quốc, nhưng ban đầu đành phải cam chịu, không biết làm sao. Đến sau khai-quốc rồi, không ngày nào mà chánh-phủ và quốc-dân Nhựt không phấn-phát lo toan để xé những điều-ước bất bình đẳng ấy đi. Có cách lo toan nào khác hơn là mình tỏ ra mình mạnh; hể mình mạnh thì tự nhiên người ta phải nhường bước và coi mình ngang vai bằng bực ngay. Trải mấy chục năm Minh-trị Duy-tân, Nhựt-bổn đã tỏ ra họ mạnh, nên chi đến năm Minh-trị thứ 27 (Tây lịch 1893), đầu hết là Anh-quốc cùng Nhựt sửa tờ ước cũ, ký tờ ước mới, không còn có tô-giới và quyền lãnh-sự tài-phán nữa.

Kế tới trận Trung-Nhựt chiến tranh, là đám vật lộn giữa “cậu tý hon” với “ông khổng lồ”, mà cả lục quân, hải quân Nhựt-bổn bá chiến bá thắng, làm cho binh mã nhà Thanh chạy thôi bán chết, manh giáp không còn. Liệt-cường thấy vậy phải nảy ra tấm lòng kiêng nể Nhựt-bổn. Bấy giờ các nước Mỹ, Nga, Ý, Đức, Pháp, Áo, Hung v.v…. hết thảy đều nối chưn Anh-quốc, cùng Nhựt sửa lại điều-ước khác hẳn. Tóm lại, đến cuối năm Minh-trị thứ 30, tức là năm 1897, tất cả các nước Âu Mỹ đều cùng Nhựt xé bỏ ước cũ, ký lại ước mới, lấy tinh-thần rất bình-đẳng mà đãi Nhựt; thế là bao nhiêu cái dấu vết táng quyền nhục quốc ở trong những điều ước ký với ngoại bang bắt đầu từ năm 1854 trở đi, tới nay Nhựt-bổn tỏ sức mạnh của mình ra mà bôi trơn rửa sạch vậy.

Nhơn nói chuyện “Ngũ-quốc đính ước” trong lúc Mạc-phủ mới khai quốc mà cây viết kéo thẳng tới chuyện 40 năm về sau, giờ ta lại nên trở về gốc cũ mà nói tiếp theo cho biết những tay lão-thần chí-sĩ của Nhựt lo toan công cuộc khai quốc lúc ban đầu hết sức khổ tâm và đến đỗi lưu huyết ra thế nào?

MÁU CỦA CÁC TƯỚNG TIÊN-PHONG KHAI QUỐC[sửa]

Trên kia đã nói hồi đó người Nhựt hầu hết vẫn đang mê man nho học, có thói tự-đại tự-tôn, rất mờ mịt tối tăm về tình thế Âu Mỹ. Trừ ra có đôi ba chục người được đọc sách Hòa-lan và năm bảy ông lão-thần phò tá Mạc-phủ, hơi biết sự thế ngoại-quốc, là hiểu cái chỗ nước nhà cần kíp khai quốc mà thôi. Thiệt nhờ có hạng cầm quyền và hạng có học ngoài như thế, nước Nhựt mới được mở mặt mở mày, chớ nếu họ cũng tối-tăm cố-chấp như nhứt ban dân chúng thì dòng giống non sông Đại-hòa đâu có vẻ vang rực rỡ như ngày hôm nay.

Nhưng lúc ban đầu, mấy người đi tiền-đạo tiên-phong mạnh bạo khai-quốc, mà bị dân chúng xôn xao công-kích, thiệt họ mang lấy khổ tâm ở vào khổ-cảnh, không biết sao mà nói cho cùng.

Hơn 250 năm khóa chặt hải cảng, cấm tuyệt ngoại-nhơn, nay Mạc-phủ tự biết là sự cần dùng lợi ích cho nước nhà, mà mở cửa giao-thông với ngoại bang, không thế không được. Song, dân chúng cho là việc trái nghịch với phép nước lệ xưa, nổi lên la ó rầm rầm: Mạc-phủ chuyên quyền làm xằng! Mạc-phủ phá hoại quốc-pháp! Lúc trước, một vị các-lão phò tá tướng-quân, cầm quyền Mạc-phủ là Quật-điền Chánh-mục, sai sứ đem tờ ước Giang-hộ (tờ ước Nhựt Mỹ thông-thương) về kinh-đô xin Thiên-hoàng phê chuẩn mà không xong, kế tới Tỉnh-y Trực-bật lên nối chức thế quyền, nghĩ mình là bực đại-lão Mạc-phủ, thôi thì cứ việc quyết định ký tờ ước với Mỹ cho xong, rồi sau tâu lên cho Thiên-hoàng hay cũng được, vì đó là việc ở trong chức quyền của mình được tự tiện mà.

Song, bọn chí-sĩ tôn-quân không chịu như thế; họ cho đại-lão Tỉnh-ylàm chuyện tự chuyên thế ấy là thất kính với đức Thiên-hoàng ở trên, và lại làm cho ấu-chúa (chỉ vào tướng-quân Gia-mậu đang còn nhỏ tuổi) mang tiếng bất nghĩa. Thành ra dư-luận nổi dậy như núi đổ sấm vang, trách tội Mạc-phủ đáo để, cái khí phẫn-uất của dân lúc nầy ồn ào nóng nảy quá, không thế nào cản được. Tuy vậy, Tỉnh-y cũng ra sức đè nén cái lằn sóng phản-đối và cứ việc hô hào chủ-trương khai-quốc. Khốn nỗi, phe tán thành thì hiếm hoi, còn phe phản đối thì đầy tràn trong nước. Bọn oán trách Mạc-phủ và phản đối chánh-sách khai-quốc, đến đổi kết phe lập hội, dùng tới võ-lực, ai tán thành khai-quốc thì họ “làm thịt”. Lúc nầy mặc dầu có bọn chi-sĩ vì phạm tội quốc-sự mà bị hạ ngục rất nhiều, nhưng phong trào phản đối vẫn cứ nồng nàn sôi nổi.

Chính mình Tỉnh-y, giữa ngày 24 tháng 3 năm 1860, từ nhà riêng đi vô trong thành bái yết tướng-quân, bị mười mấy người tử-sĩ đón đường đâm chết. Tỉnh-y là người thứ nhứt bị thiệt mạng vì chánh-sách khai-quốc vậy.

Nghĩ lại, bước đầu duy-tân cải cách của một quốc-gia nào cũng phải có những sự rối loạn hy sinh như thế. Người Nhựt nhìn nhận rằng máu của Tỉnh-y và những kẻ tiếp theo Tỉnh-y, chính là những tài-liệu để xây dựng lên đài văn-minh cường-thạnh của Nhựt-bổn ngày nay.

Tỉnh-y là người sáng suốt dõng cảm, chỉ vì yêu nước, lo sự lợi ích cho nước mà bị chết oan mạng, chừng đó oai quyền Mạc-phủ càng suy, quốc-luận xôn xao càng gắt. Đã vậy rồi các nước bắt chước Mỹ-quốc mà tới yêu cầu kết giao với Nhựt mỗi ngày mỗi đông, làm cho Mạc-phủ ở trong cái cảnh ngộ càng thêm khó khăn bối rối hơn nữa. Nhưng đến đây, việc nước đã làm thì đành phải làm tới, chớ không sao thụt lui được nữa. Bởi vậy Mạc-phủ thây kệ quốc-luận công-kích xôn xao, lại nghe lời thỉnh cầu thông-thương của nước Bồ-đào-nha, rồi cùng nước nầy ký một tờ ước, y như kiểu đã ký với 5 nước trước kia.

Người đứng giữa con sóng ngoại giao, trước mũi tên quốc-luận hồi nầy là An-đằng Tin-mục. Trong nước chê bai chánh-sách khai-quốc của Mạc-phủ càng ngày càng hồng-hộc như trận bão cơn giông, nhứt là sau khi Tỉnh-y Trực-bật bị đâm chết, rồi, bọn phản-đối lại hay dùng võ-lực đánh đập xâm-phạm tới ngoại-nhơn nữa.

An-đằng ở cảnh khó-khăn như thế mà điều đình được êm thấm và không thất-tín với liệt-cường, thật là có công ngoại-giao nhiều lắm.

Rồi sau, An-đằng cũng bị bọn phản-đối đón đường chém cho một dao, nhưng may khỏi chết.

Bọn phản-đối chánh-sách ngoại-giao khai-quốc đây, có cái danh-hiệu là Nhương-di-đảng (攘夷黨 -?), mục đích của họ hết sức chống ghét ngoại-nhơn; nói rõ, là người Âu Mỹ, mà họ cho là hạng man di nhung địch.

Nghĩ cũng thú vị ly kỳ cho cái thuyết Nhương-di của người Nhựt hồi đó, ban đầu có một ý nghĩa, rồi sau có một ý nghĩa khác. Ban đầu, họ khi rẻ Âu Mỹ, cho là di-địch, cho nên nhứt thiết họ cự tuyệt bài trừ, không chịu cùng Âu Mỹ giao thông, không muốn cho Âu Mỹ vào trong nước họ. Rồi một lúc sau, có dịp cho họ hoảng hồn sáng mắt, ngó thấy Âu Mỹ rõ ràng tài, mạnh, khôn, giỏi, mình phải học theo bắt chước mới được, thì bấy giờ mau mau họ tỉnh-ngộ tự-tân, cố học lấy những tài hay sức mạnh của Âu Mỹ sanh-tồn cạnh tranh, một ngày kia lấy ngay gậy ông đập vào lưng ông cho sướng!

Ấy, nhờ họ có cái tinh-thần mau tỉnh-ngộ tự-tân và tỉnh-ngộ rồi thì rất hâm hở mạnh bạo về sự tấn-hóa cho nên cuộc duy-tân tự-cường của họ được mau thành công kết quả đó.

*

MẤY TIẾNG SÚNG LÀM TAN MẤT KHÔNG-KHÍ NHƯƠNG-DI[sửa]

Kể ra người Nhựt coi Âu Mỹ như di-địch và có óc cự tuyệt ngoại-nhơn trải đã lâu đời rồi, chớ không phải đến hồi bắt đầu khai-quốc nầy mới có đâu. Căn do phát ra thiệt từ 300 năm trước, bọn giáo-sĩ Bồ Y cậy thế lộng hành, gây nên một phen rối loạn trong nước, thành ra Mạc-phủ phải hạ lịnh khóa cửa, xua đuổi ngoại-nhơn. Ban đầu Mạc-phủ lại truyền lịnh Nhương-di khắp nước, dạy dân cư xung quanh mé biển hễ thấy ghe tàu ngoại-nhơn kéo tới thì phải đánh đuổi đi. Người Nhựt có lòng ngờ ghét ngoại-nhơn, phần nhiều bởi đó mà ra.

Về sau Mạc-phủ tuy có bớt phép nghiêm-cấm đi, nhưng mà chuyện xưa còn in sâu trong óc dân, và lại lòng dân ngờ ghét ngoại-nhơn lâu ngày đã thành thói quen, chôn chặt vào trong trái tim khối óc rồi. Bởi vậy đến lúc khai-quốc lòng người nổi lên phản-đối mới dữ.

Bao nhiêu đời nay nước nhà vẫn nghiêm-cấm ngoại-giao, đến giờ bỗng chốc bị ngoại-nhơn kéo tới nài ép phải ký điều-ước nọ kia, tuy là Mạc-phủ cùng ít nhiều chí-sĩ thức-thời tự biết chánh-sách “khóa cửa cự di” là không thể ôm giữ được nữa, nhưng mà chu-hầu và quốc-nhơn hầu hết không hiểu tình thế ngoại-bang liệt-cường ra sao, thành ra họ thấy Mạc-phủ khai-quốc thì túa lên, phản đối dữ dội.

Lúc nầy trong hai trăm sáu chục chư-hầu nước Nhựt, có hai chư-hầu đất lớn thế to, vào bực cường-phiên (強藩 -?) (**), là Tát-ma (薩摩 - Satsuma) và Trường-châu (長洲 - Choshu) chống chỏi chánh sách khai-quốc gắt gao hơn hết. Bao nhiêu kẻ chi-sĩ bất-bình kéo đến đất nước của hai cường-phiên mà âm mưu hoạt-động, rồi phong-trào phản đối dữ tợn tràn lan khắp nước.

Họ nhao nhao lên cầu khẩn đức Thiên-hoàng xuống chiếu khu trừ ngoại-nhơn; hoặc muốn lấy thế dân-tâm dân-khí mà ép buộc Mạc-phủ không khai chiến với ngoại-nhơn không được. Nhưng Mạc-phủ và hạng chí-sĩ thức thời đã dư hiểu sức mạnh của Âu Mỹ và cũng dư hiểu sự khai-quốc là sự cần dùng lợi ích cho Nhựt-bổn, thế thì Mạc-phủ có khờ dại gì sanh sự khai chiến với Âu Mỹ mà mang hại cho quốc Âu Mỹ mà mang hại cho quốc gia, và lại chống cự liệu được mấy hơi?

Nhứt là đám sĩ-phu đã chịu giáo dục Hán-văn, tức là bọn nhà nho, thuở nay vẫn tự-tôn tự-đại, khinh rẻ người Tây-phương, cho người Tây-phương là di-địch, bây giờ thấy Mạc-phủ chủ- trương khai-quốc, tiếp rước ngoại-nhơn, thì họ phùng mang trợn mắt, la ó nhiều hơn ai hết.

Họ bất bình cùng trong một lúc kêu gào toan tính cả hai chủ-nghĩa: Một là tôn-vương, nghĩa là phá đổ Mạc-phủ đi, khôi-phục quyền chánh Thiên-hoàng như 700 năm về trước; hai là nhương-di, tức là xua đuổi nhứt thiết ngoại-nhơn, chẳng giao hảo thông-thương gì ráo.

Năm 1861, dân-tâm quốc-luận đang phực phực như lửa nóng nước sôi thế ấy, lại nhè xảy ra một việc ngoại-giao rắc-rối, làm như lửa cháy còn đổ dầu thêm. Ấy là việc Nga-quốc bỗng dưng đem binh chiếm giữ lấy cù-lao Đối-mã (對馬 -?) (**), định làm một nơi đồn lũy cho đội chiến thuyền của họ đóng tại Thái-bình-dương. Mạc-phủ hết sức năn nỉ mà Nga không chịu rút binh đi, trả đất lại cho Nhựt. Sau Mạc-phủ phải cậy ông công-sứ Anh can-thiệp gần nửa năm trời, bấy giờ Nga mới chịu lui. Nhưng Mạc-phủ cậy mượn ngoại-bang cứu giúp mình như thế, làm cho dân-tâm càng thêm tức giận, và từ đó lại càng thù ghét ngoại-nhơn.

Tóm lại bọn thủ-cựu bất-bình, trước hết còn lấy ngôn-luận kêu gào, kế sau dùng tới thủ-đoạn tàn sát. Hoặc chém những người chủ-trương tán-thành việc khai-quốc; hoặc đâm giết mấy tay lão thần mưu-quốc trong phủ tướng-quân, tức như chuyện Tỉnh-y Trực-bật bị giết chết và An-đằng Tín-mục thọ thương đó. Muốn làm cho Mạc-phủ phải khai chiến mà nguy, và muốn khiêu khích cho thành cuộc đại-biến, nên họ lại tới mấy nơi hải-cảng thông-thương, kiếm chuyện gây gỗ với ngoại-nhơn rồi đập phá cửa nhà và chém giết người ta nữa. Lúc nầy có nhiều ngoại-nhơn bị hại; rất đỗi một quan thông-ngôn của công-sứ Mỹ-quốc cũng bị bọn thủ-cựu bất bình đón đường đâm chết, làm cho công sứ các nước đều phát giận, rủ nhau hạ cờ xuống, bỏ Giang-hộ mà đi Hoành-tân.

Người các nước ở Nhựt-bổn hồi nầy đều lấy làm nguy; hai nước Anh Pháp phải đem binh ở dưới tàu lên thành Giang-hộ để bảo hộ dinh công-sứ của họ tại đó. Vậy cũng chưa đủ, các nước suy nghĩ tất phải ra oai trừng trị để cho bọn thủ-cựu bất-bình ở trong nước Nhựt khiếp vía một phen, có vậy thì sau ngoại-nhơn mới ở yên ổn được. Ấy là họ tính thế ra oai giữ mình vậy thôi, chớ hẵn không dè đâu rằng mấy phát súng thần-công của họ sắp bắn ra, chính là tiếng chuông đồng-hồ báo thức, làm cho người Nhựt tỉnh ngủ vùng dậy, đổi ngay đầu óc, rồi thì ba chân bốn cẳng, chạy rượt theo kịp Âu Mỹ trên đường tấn-hóa văn minh!

Các nước chủ tâm nhè mấy cái đầu nào cứng nhứt mà gõ vào ít hèo, tự nhiên châu-thân phải rúng, họ biết lúc bấy giờ hai chư-hầu Tát Trưởng là hai cường-phiên đứng đầu phản đối khai-quốc và thù ghét ngoại-nhơn hơn cả, cho nên họ quyết tới giữa nhà hai cậu nầy mà trừng trị một phen cho biết mặt nhau chơi.

Năm 1863, mấy chiếc tàu Anh kéo tới bắn phá thành-trì Lộc-nhi-đảo (鹿児島 - Kagoshima), là đất phong của chư-hầu Tát-ma (薩摩).

Qua năm 1864, - bận nầy lớn chuyện hơn - bốn nước Anh, Pháp, Mỹ, Hòa-lan hiệp tàu binh lại thành một đại-đội, rần rộ kéo tới Hạ-quan (下関 - Shimonoseki), là đất thuộc về chư-hầu Trường-châu mà chĩa súng vào bắn phá rầm rầm.

Hai hiệp súng nầy chẳng có ý-nghĩa chi là cách cừu-thù đối chiến; chẳng qua chỉ như câu chuyện 'trò” Nhựt mới định tựu học nhà trường văn-minh mà lại có ý khinh thầy, ghét thầy, cho nên “thầy” Âu Mỹ muốn gõ sơ một vài cây thước dằn mặt vậy thôi!

Nhưng, thiệt là hai hiệp súng tỉnh hồn duy-tân, hai hiệp súng cứu-tinh độ-mạng cho người Nhựt được trở nên vẻ-vang tốt đẹp.

Thiệt vậy, lúc bấy giờ hai cường-phiên Tát-ma Trường-châu và tất cả bọn nhà nho tự-phụ, bọn thủ-cựu bất-bình, nghe hai hiệp súng tan thành bể núi nầy rồi, ai nấy đều mở mắt giựt mình biết rằng ngoại-nhơn có súng lớn tàu to thế nọ, tài cao sức mạnh thế kia, mình đây dễ gì đuổi xua chống cự họ được. Chống cự họ mãi sẽ đến nguy hại quốc-gia trước mắt cho coi. Trời ơi! họ không phải là di-địch đâu, ta “nhương” gì nổi? Vả lại có muốn “nhương” họ thì ta cũng phải làm sao có những súng lớn tàu to, tài cao sức mạnh như họ, hay là hơn họ mới được chớ. Thôi bây giờ mình phải khai-quốc, phải cùng họ giao-hảo hòa-thân, không còn có thể nào đừng được nữa.

Vậy rồi trên từ chư-hầu dưới khắp quốc-dân, bỗng chốc đều sáng trí tỉnh hồn, bao nhiêu cái tâm não, cái khí-khái “khóa-nước cự-di” hôm đang sục sục như lửa cháy dầu sôi, thì nay bắt đầu lần hồi tiêu tan đi hết, mà đổi thay chói rạng bằng cái tâm não, cái khí-khái “duy-tân tự-cường”, đầu dây mối nhợ thật là mở ra từ đây.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này