Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương IV. Mở cuộc duy tân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Chương IV. Mở cuộc duy tân

Sự đổi thay vận-mạng của một dân-tộc quốc-gia, đã đành trước hết phải nhờ có bọn đương quyền khôn ngoan sáng suốt và bọn chí-sĩ thức-thời làm hướng-đạo tiên-phong, nhưng cũng phải nhờ nơi dân-tâm dân-khí có biết hăm-hở tấn-hóa tự cường mới được. Đó là hai sự cần dùng cho cuộc tấn-hóa, phải nương dựa lấy nhau và cùng đi với nhau. Nếu có bọn đương-quyền và chí-sĩ sốt-sắng cải-cách song bị phần đông người ta còn quá ngu-si thủ-cựu, tự họ không muốn khôn, muốn mạnh, hay là họ tưởng mình đã khôn lắm mạnh lắm rồi, như vậy thì việc quốc-gia lợi-ích, khó lòng trông mong thi-thố thành-tựu gì được. Trái lại nếu chí-sĩ có, dân-tâm có, nhưng vô phước mà bị đám người cầm quyền là lũ đầu óc ngu dại, cứ ngồi lỳ trên cao, lấy quyền to sức mạnh của chúng để đè ép cản trở ý muốn tấn-hóa của dân, thì việc quốc-gia đại-kế cũng không trông mong gì làm nổi. Dân tộc nào gặp cảnh ngộ thế ấy, kết quả đố khỏi hoặc là trong nước nổi lên một phen cách-mạng đổ máu gớm ghê, hoặc là bị mất nước với người ta, nếu không cũng bị lợi dụng và yếu hèn mãi; chắc ai cũng ngó thấy nhiều quốc-gia bị lôi kéo đắm chìm vào trong cảnh dưới đó - cảnh vong quốc - nhiều hơn. Nhựt-bổn đã có dân khá, lại không bị quan ngu, thành ra họ tấn-hóa tự-cường được là phải lắm.

Tuy ban đầu Mạc-phủ nhứt định chủ-trương khai-quốc mà dân-tâm xôn-xao phản-đối; chẳng qua chỉ là sự hiểu lầm chốc lát đó thôi; tới chừng có mấy hiệp súng ở Lộc-nhi-đảo (鹿児島 - Kogoshima) và Hạ-quan (下関 -Shimono Seki) thì cả nước tỉnh-ngộ như chớp nháng và mạnh bạo thay đổi tư-tưởng ngay. Chớ không cố-chấp. Bao nhiêu tâm-lực trước kia để vào chủ-nghĩa “tỏa-quốc nhương-di”, (**), nay dồn cả về một mục đích “văn-minh cải-cách”, vậy rồi nền duy-tân dựng lên.

ĐỨC-XUYÊN MẠC-PHỦ DÂNG TRẢ CHÁNH-QUYỀN[sửa]

Sau khi các nước ra oai bắn phá thành-trì của hai cường phiên Tát Trưởng rồi, thì cái tư tưởng “tỏa-quốc nhương-di” của bọn thủ-cựu khắp trong nước đều theo lằn khói thần-công đại-bác của ngoại-nhơn mà tiêu tan đi liền. Cuộc biến đổi tư-tưởng nầy phát khởi từ cuối năm 1864, chính lúc Hạ-quan vừa mới bị đoàn tàu bốn nước hiệp lại ra oai bắn phá, làm cho đảng “nhương-di” giựt mình hoảng vía, biết ngoại-nhơn có sức mạnh ghê, nước mình không sao chống cự nỗi; chống cự thì chỉ hiểm nguy thiệt hại cho mình.

Trông người rồi ngẫm lại ta mà cảm! Chẳng những người Nhựt đã tỉnh-ngộ không nên “tỏa-quốc nhương-di” mà thôi, đồng thời họ lại tỉnh-ngộ về chỗ sanh tử tồn vong của họ, tất nhiên phải tấn-hóa duy-tân cho bằng những kẻ đã tới bắt buộc họ mở cửa thông-thương và đã giơ súng ra hăm dọa nọ kia mới được. Giờ họ xoay ra cái tư-tưởng “đảo Mạc tôn Vương - 倒幕尊王 -?”, để làm cơ-sở cho cuộc duy-tân cải-cách.

Năm 1866, tướng-quân Đức-Xuyên Gia-mậu qua đời. Đức-xuyên Khánh-Hỉ (徳川慶喜 - Tokugawa Yoshinobu) vô ngồi Mạc-phủ để nối nghiệp nhà, cầm quyền nước.

Qua năm sau 1867, Hiếu-minh Thiên-hoàng (孝明天皇 - Koumei Tennou) thăng-hà, thái tử mới có 15 tuổi, lãnh ba món truyền-quốc thần-khí 2500 năm mà lên nối ngôi báu. Tân quân lên kế-vị năm 1867, qua năm sau - 1868 - đổi niên-hiệu là Minh-Trị nguyên-niên, ấy là Minh-Trị Thiên-Hoàng (明治天皇 - Meiji Tennou). Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại câu thơ truyền tụng của Corneille: “Giá cao chẳng đợi tuổi già mới nên” (La valeur n'attend pas le nombre des années), thật đúng hết sức. Vua Minh-trị lên ngôi tuy còn nhỏ tuổi mặc lòng, nhưng đã có tài cao trí lớn, chính ngài ra tay cải cách duy tân, mở ra kỷ-nguyên mới cho nước Nhựt, đưa nước Nhựt lên cõi phú-cường hạnh-phước vậy.

Trong khoảng ba bốn năm đang nói đây, nhơn-tâm quốc-luận hăm hở kêu gào chủ-nghĩa "đảo Mạc tôn Vương" dữ lắm. Ai cũng bảo chế-độ phong-kiến trên 680 năm nay là chế-độ Mạc-phủ cầm quyền, bây giờ phải đến ngày kết-thúc rồi. Ở đời nầy mà trong nước Nhựt-bổn còn có hai chánh-phủ: Một nơi chỉ giữ lấy danh-phận hư không, một nơi thì nắm trọn thực-quyền chánh-trị, khiến cho phép tắc chánh lịnh tách ra hai ngã, thể-thống quốc-gia coi chẳng ra sao. Hồi nước nhà còn khóa cửa sống riêng một mình, tuy không hại gì cho công việc quốc-gia, chớ một mai đây khai-quốc tự-tân, thì việc bang-giao tất phải lấy danh-nghĩa Thiên-hoàng để tỏ ra với liệt-quốc mới được. Có hai chánh-phủ cùng đứng trong một xứ, lấy danh-nghĩa mà nói, là sự trái ngược không thể nào dung. Vậy nay muốn lo quốc-gia đại-kế thì trước hết Mạc-phủ nên đem chánh-quyền dâng nạp lại trào-đình, và xóa bỏ cái chế-độ phong-kiến bảy trăm năm nay đi, để Thiên-hoàng chủ-trương, quốc-gia thống nhứt, có vậy thì việc lớn mới có thể kết quả thành-công được.

Ban đầu, do những nhà chí-sĩ có thành-danh kiến-thức đứng lên hô hào xướng-xuất chủ-nghĩa “tôn Vương đảo Mạc”, sau có nhiều ông chúa phiên (藩主, cũng tức là chư-hầu) hùng-cường trong nước nghe lấy làm phải, bèn ra sức tán thành. Tháng 4 năm 1867, trào đình vời các chúa phiên về kinh, nhóm hội chư-hầu, để hỏi ý kiến về quốc-sự, thì mấy ông chúa phiên thế lực đều tâu nên bãi Mạc-phủ. Rồi đó mấy ông sai sứ tới khuyên tướng-quân Khánh-Hỉ dâng nạp quyền chánh về Thiên-hoàng.

Khánh-Hỉ là bực anh hùng quyết đoán, yêu nước kính vua, tự trong bổn-tâm đã có chí muốn bỏ ngôi tướng-quân của mình lâu rồi, song còn sợ giữa lúc quốc-bộ gian nan mà mình bỏ chức thì trên vua dưới dân cho là mình trốn lánh trách-nhiệm chăng; nay thấy dân-tâm sôi nổi, quốc-sự dập dồn, tất phải có cái quyền tôn-nghiêm thống-trị của đức Thiên-hoàng mới có thể sửa sang đại-cuộc, lo việc duy-tân được. Bởi vậy khi nghe lời khuyên rất phải, thì Khánh-Hỉ vui mừng nhận theo liền. Rồi đó Khánh-Hỉ viết biểu dâng lên trào-đình, lời lẽ rất trung thành thống thiết, xin nạp lại quyền-chánh về Thiên-hoàng; tự mình lui về ở ẩn tại Tỉnh-cương, như là một tên dân thường vậy.

Ấy là việc ngày 14 tháng 10 năm 1867.

Thử hỏi thế-gian có mấy người ở ngôi cao chức trọng, có oai lớn quyền to, biết vì quốc gia đại-kế mà bỗng chốc lui bước từ ngôi được một cách thái-nhiên quân-tử như Đức-Xuyên Khánh-Hỉ (徳川慶喜- Tokugawa Yoshinobu) vậy không? Nghĩ lại có lắm quốc-gia đến lúc ngửa nghiêng hầu mất, mà bọn quyền-thần ngu dại, quan trưởng hư hèn, còn ngồi lỳ bám chặt lấy cái danh-vị hư-vinh của chúng, không để cho những người có tài đức thế vào, có lẽ cứu chữa được cơn nguy cuộc rối; than ôi! Quốc-gia nguy vong mà bọn ngu hèn cố vị tham quyền, thật là đáng giận, đáng bỉ!

Khánh-Hỉ trả quyền lui bước, thế là cái gia-nghiệp tướng-quân của họ Đức-Xuyên trải 250 năm đến đây hạ màn, mà cả cái chế-độ Mạc-phủ ở Nhựt-bổn dựng lên từ cuối thế kỷ 12 đến đây cũng chung cuộc.

Từ đó, toàn-quốc về đức Thiên-hoàng thống trị, chánh-phủ mới thành-lập, kỷ-nguyên mới bắt đầu.

Nhơn nói về chung cuộc Mạc-phủ, tưởng nên xét qua ảnh-hưởng luôn thể, cho tiếp câu chuyện, rồi sẽ trở lại công cuộc Minh-Trị duy-tân.

Một cái chánh thể lâu đời bền gốc, có quan-hệ thâm thiết với lịch sử, với chủng-tộc, với quốc-gia, như là Mạc-phủ ở nước Nhựt, nay bỗng dưng xóa bỏ đi, mặc dầu Khánh-Hỉ tướng-quân là bực quân-tử cao-nhơn, tự mình vui vẻ ngôi phú quí nhứt đời như là thảy chiếc giày hư vớ rách đi nữa, nhưng bề nào việc đó cũng là một việc đại-biến, không có lẽ nào không có ảnh-hưởng tới thế-đạo nhơn-tâm và quốc-gia chánh-trị ít nhiều. Chắc hẳn trong trí Khánh-Hỉ (Yoshinobu) tưởng ai cũng kính vua, yêu nước và có độ-lượng quân-tử như mình, cho nên khi thấy sự mình thối vị là sự chánh-đáng cần kíp, thì vội vàng dâng biểu phụng-hoàn đại-chánh rồi thì xuống đai tìm chỗ đi ẩn ngay, chẳng có liệu trước tương-lai và sắp đặt hậu-sự gì cả, vì đó mà xảy ra có nội loạn rắc rối một hồi.

Bấy giờ trong nước chia ra làm hai phái đông tây, một phái tôn Vua, một phái phò Mạc, xung đột nhau để dành lại quyền-thế. Phái phò Mạc là một số chư-hầu ở miền đông, không muốn khai-quốc duy-tân, vả lại có mang ơn Mạc-phủ đã phong hầu chia đất cho, ngoài ra còn 8 muôn tướng-sĩ là gia-thần bộ-hạ của Mạc-phủ, bấy lâu họ chịu ơn cơm áo tướng-quân, tự nhiên họ phải dốc-lòng trung-thành ủng-hộ tướng-quân đến cùng. Sau lúc Khánh-Hỉ bỏ ngôi lui bước rồi, thì cả bọn chư-hầu và tướng-sĩ phò Mạc nổi lên làm loạn ở nhiều nơi, nhứt là ở Quan-đông (関東 - Kanto), Áo-võ - 奥?(**), và Sương-quán (箱館 -?), ra mặt chống cự với trào-đình. Ban đầu loạn-đảng ép Khánh-Hỉ trở về Giang-hộ một lúc để dựng Mạc-phủ lại như cũ, nhưng Khánh-Hỉ không chịu. Công sứ Pháp-quốc muốn lấy binh-lực giúp cho Khánh-Hỉ thâu hồi đại-vị, Khánh-Hỉ cũng không nghe, chỉ khăng khăng giữ vững cái chí tôn Vua trả quyền, và lại ăn năn việc mình sơ sót ban đầu khiến nên có loạn. Song, loạn-đảng không có bao nhiêu người và chí-hướng của họ cũng trái nghịch với nhơn-tâm thời-thế, thành ra không có thực-lực gì. Binh trào-đình chỉ mất công đánh dẹp có hơn một năm, từ 17 tháng giêng 1868 tới 27 tháng sáu 1869, thắng luôn bốn trận, thế là bình-định được nội-loạn, càng tôn thêm oai quyền của trào-đình.

Hồi đó Khánh-Hỉ vẫn ở yên tại Tỉnh-cương, lấy thú gảy đờn xem sách làm vui, trải 30 năm mới dời về Đông-kinh; đến năm 1902, tức là năm Minh-Trị 35, đức Thiên-hoàng triệu vô bệ-kiến và phong cho Công-tước. Hình như lối 1910 hay 1911, Khánh-Hỉ mới qua đời. [1]

Người Nhựt đối với Khánh-Hỉ rất tôn kính nhớ thương, vì cái cử-chỉ cao-minh quân-tử của Khánh-Hỉ đã từ bỏ quyền-hành, phụng-hoàn đại-chánh, kể ra cũng là người có công với lịch-sử duy-tân của nước Nhật vậy. Nếu như lúc đó Khánh-Hỉ không chịu kết-thúc Mạc-phủ, thì nhơn-tâm không khỏi chia lìa, quốc-thế chẳng chịu ảnh-hưởng, chẳng những là cuộc duy-tân e chậm trễ khó khăn, mà lại còn sợ có một phen cách-mạng biến động gớm ghê, không tránh khỏi được.

NĂM LỜI THỀ VỚI TRỜI ĐẤT THÁNH THẦN[sửa]

Minh-Trị Thiên-hoàng lên kế vị ngày 14 tháng 2 năm 1867, đến ngày 14 tháng 10 năm đó, tướng-quân Khánh-Hỉ dâng biểu xin trả lại Thiên-hoàng tất cả đại-chánh quốc-gia, để ngài thống nhứt toàn quốc, thực hành duy-tân. Trong tờ biểu có câu nói như vầy, tỏ ra tấc lòng Khánh-Hỉ yêu nước kính vua rất là thành-thiệt:

“Hiện nay việc ngoại-giao càng ngày bề bộn khó khăn, trừ phi quyền chánh trào đình tóm thâu “về một đường, thì mối giềng phép tắc khó lòng mà dựng lên được.

Hạ-thần trộm nghĩ ngày nay tất phải sửa hẳn lệ xưa đi, đem chánh-quyền dâng lại trào đình, rộng cho quốc-dân cạn lời công-nghị, và muôn việc đều trông Thánh-thượng xem xét quyết đoán, rồi cả nước đồng lòng hiệp sức, cùng nhau bảo hộ hoàng-quốc, như thế thì nước nhà có thể tấn tới ngang hàng với vạn-bang trong thế giới đặng. Khánh-Hỉ tôi tận trung hy-vọng cho quốc-gia chỉ có một việc đó.”

Trào-đình chuẩn y lời tâu, liền ra tờ đại-hiệu-lịnh, bá-cáo trong nước về việc vương-chánh phục-cổ (王政復古 - quyền vua trở lại như xưa), tóm tắt lời cốt yếu như sau nầy:

“Đức-xuyên Mạc-phủ tâu xin trả lại quyền chánh của trào-đình đã giao phó cho từ xưa nay.

“Trào-đình y theo lời tâu đó. “Vậy từ nay trở đi, chức nhiếp-quan [2] cùng là Mạc-phủ đều bỏ dứt hẳn. Bây giờ trào-đình “trước hết tạm đặt ra 3 chức Tổng tài, Nghị-định và Tham-dự để trông coi liệu định các việc, lấy cái tôn-chỉ của đức Thần-võ lập-quốc ngày xưa làm gốc. Không kể là thế-tộc võ-biền, kẻ trên người dưới, phàm là quốc-dân, thì ai nấy đều phải đồng lòng ra sức lo tính việc chung.” “Trào-đình khuyên hết thảy dân-chúng từ đây đều nên gắng gổ tự tân, rửa cho sạch những cái thói hư tật xấu, đem lòng sốt sắng tận trung, đặng làm việc công, giúp nhà nước v.v…” Ấy là mấy lời đầu hết của Minh-trị Thiên-hoàng ra hiệu-lịnh duy-tân vậy.

*

Một nước ôm giữ những phép xưa thói cũ từ mấy ngàn năm, ngày nay bỗng chốc thay đổi sửa sang nhứt thiết, cho hạp thời-thế và kịp tây-phương, thật là một việc quan-hệ lớn lao hết sức. Muốn bày tỏ chỗ quan-hệ đó ra, và muốn cho dân biết những cái tôn-chỉ duy-tân ra thế nào, nên chi tháng 3 năm 1868, Minh-Trị Thiên-hoàng bèn dẫn hết thảy trào-thần văn võ, cùng là các bực phiêu-chúa chư-hầu (lúc nầy cũng đang còn chư-hầu, hai năm sau mới bãi hẵn) làm lễ rất nghiêm trang long trọng, tế-cáo trời đất tổ tiên, đọc lời thề gồm có 5 khoản:

1* - Mở ra hội-nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công-luận mà quyết-định;

2* - Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước;

3* - Văn võ một đường, từ công-khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người hăm hở sốt sắng.

4* - Thảy bỏ hết những thói hư mối tệ chất chứa lâu đời, từ đây gắng gổ duy-tân tự-cường, hiệp theo công-đạo của trời đất.

5* - Cầu trí-thức ở thế-giới, làm cho nước nhà trở nên mạnh lớn vẻ vang.

Rồi thề sao làm vậy, 5 lời thề nầy chính là chí-nguyện, quy-mô và chánh-sách của vua Minh-trị sửa sang thay đổi nước Nhựt, trước sau có chừng 30 năm, là trở nên một quốc-gia văn-minh, một dân-tộc hùng-cường, đứng ngang hàng với các nước Âu Mỹ. Vua Minh-trị là người sáng tạo ra nước Nhựt mới vậy.

*

ĐẠI-KHÁI CÔNG CUỘC PHÁ CŨ ĐỔI MỚI TRONG 30 NĂM[sửa]

Công-cuộc Nhựt-bổn duy-tân vừa mau chóng mạnh bạo, vừa vĩ-đại hoàn toàn, y như lời Minh-trị Thiên-hoàng đã thề với trời đất thần minh, khi đã dốc lòng ra tay biến hóa cải-lương, thì mỗi việc gì cũng biến hóa cải-lương hết thảy. Từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chánh-trị giáo-dục, nào là văn-hóa võ-bị, nào là công-thương, lý-tài, nào là cơ-khí, nghệ-thuật, cho đến những chuyện y-phục tầm thường, tập-quán lặt vặt, chẳng sót một vấn-đề nào hay một phương-diện nào mà không hóa xưa theo nay, đổi cũ ra mới. Có thể ví dụ như một cái vườn có ngàn gốc cây mọt hư khô héo, người Nhựt là lão làm vườn, đã đào từng gốc cây đó liệng đi, mà trồng cây khác mới lạ tươi tốt thế vào. Cách ít lâu, cái cảnh nhánh khô lá rụng, tiều tụy thê luơng của miếng vườn kia đều biến đi đâu hết, giờ ta ngó thấy toàn là cây lạ bông thơm, có muốn tìm lại những dấu-tích xưa cũng không còn nữa. Thiệt, Nhựt-bổn trừ-cựu canh-tân tới vậy lận!

Dưới đây có nhiều việc quan-hệ sẽ nói riêng hẳn từng nơi, nhưng ngay bây giờ thiết tưởng cũng nên tóm thâu cái đại-quan cho biết công-cuộc biến-hóa của nước Nhựt vừa mau chóng mạnh bạo, vừa vĩ-đại hoàn toàn ra thế nào? Sau khi vua Minh-trị hạ chiếu duy-tân rồi, thì nước Nhựt cũ bị xô một cái, là đổ ụp xuống. Về mặt chánh-trị, ngay năm Minh-trị thứ nhứt, đã bãi Mạc-phủ rồi, còn chư-hầu tuy chưa bãi, nhưng chẳng qua họ chỉ còn danh-nghĩa vậy thôi, chớ thực-quyền như trước không có nữa. Trào-đình vời các chúa-phiên về kinh làm mấy chức Nghị-định - 議定 (**) và Tham-dự - 参与(**); lại cho mỗi đất phiên lựa chọn đôi ba người có tài về trào làm Cống-sĩ (貢士 -?) tức là một chức quan nghị-sự. Những người nầy hiệp lại thành như một hội-nghị để phò tá nhà vua trong việc quốc-chánh. Ban đầu, nhà vua làm như thế, là cách huấn luyện và sắp đặt cho dân sau nầy có nghị-viện cả dân công cử như ở các nước. Đến năm Minh-trị thứ 4 (1871), chế-độ phong-kiến bãi hẳn: Các chúa-phiên (les Daimios(?)) đem hết đất nước của mình nạp lại trào đình, đổi ra làm huyện. Tới năm Minh-trị thứ 23 (1890) mới có Hiến-pháp ban hành và có Chúng-nghị-viện (衆議院 - Shugiin) mở ra từ đó.

Về mặt bình-dân, xưa kia họ là hạng người lao-khổ, ở dưới quí-tộc và sĩ-tộc, tới năm 1867, lịnh duy-tân tuyên bố hết thảy nhơn-dân bình-đẳng; ruộng đất để tự-do, người nông-dân bây giờ làm chủ ruộng mình, không phải chỉ như khi xưa họ nai lưng cày cấy làm mọi cho chúa-phiên, cho quý-tộc.

Các cửa biển đều mở tung ra cho ngoại-nhơn ra vô buôn bán tự do, Trải 1000 năm, Thiên-hoàng vẫn đóng đô ở thành Kinh-đô (京都 - Kyoto), giờ vua Minh-Trị dời đô về Đông-kinh (東京 - Tokyo) tức là thành Giang-hộ của Mạc-phủ Đức-Xuyên trước.

Cả âm-lịch và trào-đình y-quan cũng bỏ cũ theo mới.

Tóm lại chỉ trong ít tháng, bao nhiêu dấu cũ lệ xưa của Nhựt-bổn biến tiêu đi hết, nhường chỗ cho những cách tây phép mới thay vô.

Sự thay cũ đổi mới của Nhựt-bổn mau lẹ quá chừng, ai cũng phải kinh-hoàng sửng-sốt.

Mỗi việc nhỏ lớn gì cũng phải tạo lập ra mới mẻ hết thảy, thế mà mỗi việc nhỏ lớn gì họ cũng tạo lập ra đủ hết. Không sót cái hay nào của Tây-phương mà Nhựt không bắt chước; không có cơ quan chế độ nào hữu ích của Tây-phương mà Nhựt không làm theo. Xe lửa, tàu thủy, nhà băng, xưởng máy, cùng là mọi việc giáo-dục, công-nghệ, khoa-học v.v… thứ nào Nhựt-bổn cũng tổ-chức ra có đủ hết thảy trong một lúc.

Ta thử xem một vài con số như dưới đây, sẽ biết người Nhựt họ chạy phăng-phăng trên con đường duy-tân mau lẹ ra thế nào?

Năm 1870, nghĩa là sau khi quyết chí cải-cách mới có ba năm, thì đã làm xong con đường xe lửa thứ nhứt, nối liền Đông-kinh với Hoành-tân, 28 cây số. Con đường nầy họ làm hết hai năm mới xong, là vì họ tự làm lấy, chỉ mua tài-liệu của Âu-châu và mướn một vài người Âu-châu làm đốc-công thôi. Đến năm 1880, đường xe lửa dài được 117 cây số. Qua 1893 được 3.010. Tới 1903 lên 6.800.

Giây thép cũng tuôn ra mau như đường sắt vậy. Liền sau khi hạ lịnh cải-cách một năm, cuối năm 1868, đã có đường giây thép thứ nhứt từ Đông-kinh đi ra. Đến 1893, kéo dài được 13.576 cây số.

Việc quốc-phòng cũng lo sắp đặt ngay từ ban đầu, học theo cách luyện-quân của Pháp và Đức. Xưởng đúc súng đạn mở ra nhiều nơi. Sáu tháng đầu tiên, còn dùng người Âu-châu, trông coi chỉ vẽ; từ sáu tháng sau trở đi thì nhứt thiết người Nhựt làm một mình. Về hải-quân cũng vậy, trước hết họ còn mua của Âu-châu một đội tàu chiến, gồm có 7 chiếc tuần-dương, 7 chiếc thiết-giáp, 17 chiếc khinh-hạm, 30 chiếc ngư-lôi, và lại phái nhiều thanh-niên nhơn-tài đi qua Âu Mỹ học tập hải-quân. Không bao lâu, họ tự mở ra trường luyện-tập lấy và tự mở ra xưởng đóng tàu trận một mình, không phải nhờ cậy gì Âu Mỹ nữa.

Trong nước, từ trên xuống dưới, khắp chợ tới quê, ai nấy đều hăng hái về việc tự-tân tự cường. Các ông chúa-phiên đã trả đất lại cho trào-đình rồi thì xoay ra làm chủ ngân-hàng, chủ xưởng tàu, chủ nhà máy, còn tên tá-điền lao-khổ của mấy ông lúc trước thì bây giờ ra làm thợ máy nọ kia.

Về việc kết xã lập hội để mở mang thương-mãi kỹ-nghệ, người Nhựt cũng làm mau như bay, như biến. Kể tới năm 1894, nghĩa là duy-tân chưa đầy 30 năm, trong xứ đã có: 1.200 công-ty có vốn tới 300 triệu; 130 nhà băng lớn; 30 công-ty bảo-kê sanh-mạng; 17 công-ty điện-khí.

Giữa thời-kỳ duy-tân, về mặt công-nghệ bằng cơ-khí, chỉ trong vòng mươi năm, người Nhựt mở ra những nhà máy nọ nhà máy kia đầy dẫy ở các đô-thị. Ngay hồi năm 1880, nghĩa là mới duy-tân có 14 năm, đã có 20 nhà máy lớn, dùng tới 20.000 thợ. Nói chi bây giờ công-nghệ cơ-khí của họ phát-đạt tới cực-điểm, làm cho Âu Mỹ phải sợ; những ống khói nhà máy tua tủa lên trời, riêng một châu-thành Osaka, ngó như một đám ngọn cỏ đâm cao lên trên mặt đất vậy.

Tàu buôn của họ cũng mở mang rất sớm: Năm 1890, đã có 855 chiếc tàu buồm và 580 chiếc tàu chạy bằng máy hơi rồi. Việc canh-nông tấn tới sửa sang có kết quả lạ lùng: Từ nghề trồng dâu trồng trà, cho đến làm ruộng cấy lúa, nhứt thiết đều kinh-doanh theo cách mới, cho nên huê-lợi thêm ra rất nhiều. Công-nho trong khoảng 20 năm đầu, tăng số thâu-nhập lên ba lần nhiều hơn; kho bạc mỗi năm thâu vô tới 580 triệu. Số xuất-cảng cũng tăng lên bốn lần trong khoảng 12 năm: Từ 347 triệu hồi năm 1890 mà lên tới 1.326 triệu trong năm 1902; thật cổ kim đông tây chưa ai có cái kết quả lạ lùng như thế.

Lúc đầu, Âu-châu thấy Nhựt-bổn bắt chước họ thì họ cười thầm và nghĩ cho là vô hại, bởi vậy họ vẫn kêu là cậu nhỏ Nhật-bổn (le petit Japon). Nhưng đến năm 1894, họ thấy cậu học trò của họ thì phải giựt mình, đổi ngay cái tư-tưởng khinh-thị ban sơ. Năm 1894, cậu bé tý hon Nhựt-bổn dám đánh ông khổng-lồ Trung-hoa, chỉ trong mấy trận, là ông khổng-lồ bị cậu bé con đánh ngã nằm ngay đơ. Trung-hoa phải để cho Nhựt chiếm-cứ Triều-tiên là miếng mồi Nhựt vẫn thèm muốn từ xưa; ngoài ra còn phải bồi thêm Liêu-đông nữa. Nhưng liệt-cường Âu-châu ép Nhựt phải trả Liêu-đông cho Tàu; Nhựt đành lấy Đài-loan thôi. Sau Tàu nhường Liêu-đông cho Nga; Nga được đất nầy, trong lòng hớn hở cho là mình thắng trận ngoại-giao, không dè vì đó mà ít lâu về sau mang lấy một cái thua đại-nhục.

Đến năm 1900, lại có dịp cho người Tây-phương kính phục cái giá-trị của Nhựt-bổn hơn nữa. Năm đó, nước tàu có giặc Quyền-phỉ (les boxers) nổi lên, chủ ý là thù nghịch đánh phá người ngoại-quốc; có trút ngàn người Âu-châu bị giặc bao vây ở Bắc-kinh, không đường tẩu thoát, mà cứu binh chưa tới, tình-thế rất là hiểm-nguy. Trong 8 nước cùng ra binh để can-thiệp vào cuộc nội-loạn nầy, đội binh Nhựt-bổn tức tốc tấn lên Bắc-kinh đầu hết, giải được trùng vây, nhờ đó mà những người Âu-châu mới thoát nạn.

Rồi cách 4 năm sau - 1904-1905 - bỗng dưng như một tiếng sét đánh rung đất vang trời, cả thế-giới đều sửng sốt ngẩn ngơ: Cậu bé Nhựt-bổn dám nhảy lên đấm cú một ông khổng-lồ khác là Nga-la-tư, lúc bấy giờ là một nước hùng-cường đệ nhứt thiên-hạ. Ai không bảo ông khổng-lồ nầy nhai ngấu Nhựt-bổn như chơi. Thế mà trong 18(?) tháng, Nga bị bại trận thảm thê: Trên bộ thì thua về tay Nãi-Mộc tướng-quân (乃木将軍- Nogi shougun, Général Nogi), binh Nga không còn manh giáp mà về; dưới nước thì thua về tay Đông-Hương nguyên-soái (東郷元師 - Tougou Heihachiro), cả đoàn tàu trận Nga trên ba chục chiếc bị Nhựt bắn chìm ở eo biển Đối-Mã. Lần thứ nhứt trong lịch-sử nhơn-loại, người da vàng đánh ngã người da trắng. Chẳng phải riêng một mình người Nhựt lấy làm khoan khoái vẻ vang, mà cả đại-lục Á-châu, dân-tộc Hoàng-chủng cũng có ý vui mừng hỉ hả nữa. Từ đó, người Tây-phương bắt đầu để tâm lo nghĩ về “Cái họa da vàng” (Péril Jaune) mai sau. Từ đó, bắt đầu sản-xuất cái vấn-đề rắc rối lo ngại, gọi là Vấn-đề Thái-bình-dương (Question du Pacifique), mà người Nhựt chính là chủ động!

Một vài việc làm, một vài con số, như đã lược-thuật trên đây, đủ bày chứng cớ cho ta thấy công cuộc duy-tân tự-cường của Nhựt-bổn chỉ làm trong một thời-kỳ rất ngắn, và được thành-công mau lẹ, kết-quả vẻ vang là dường nào?

Một nước đang cũ hết sức cũ, yếu hết sức yếu, bỗng chốc trong vòng chỉ có 30 năm, xoay đổi ra mới thiệt là mới, mạnh thiệt là mạnh, cái kết-quả lạ lùng đó vẫn biết là trên nhờ có bực anh-quân thánh-chúa là Minh-trị Thiên-hoàng, nhưng chính là do nơi cái thông-minh, cái lực-lượng, cái khí-khái chung cả dân-tộc Nhựt-bổn mà nên vậy.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại bài ca “Á-tế-Á” của cụ Tán-Thuật [3] có đoạn nói về cái thành-tích Minh-trị duy-tân như vầy:

Minh mông một giải(?) Đông-dương,

Nước non quanh quất trông càng thêm đau.

Cờ độc-lập đứng đầu phất trước,

Nhựt-bổn kia vốn nước đồng văn.

Phương Đông nổi hiệu duy-tân;

Nhựt-hoàng Minh-trị anh quân ai bì?

Sức Thần-võ riêng về một họ,

Vùng Phò-tang chói đỏ góc trời!

Kể đời một trăm hai mươi hai,

Năm hai ngàn rưỡi năm mươi có thừa.

Sẵn cơ-hội trời đưa lại đó,

Chốn kinh-thành Giang-hộ dời sang.

Giẹp(?) Mạc-phủ, bỏ Phiên-bang,

Đổi dòng chánh sóc, thay lòng y-quan.

Khắp trong nước dân-đoàn xã-hội;

Nhà học-đường đã ngoại ba muôn.

Việc kỹ-nghệ, việc bán buôn,

Nơi lờ nấu sắt, nơi khuôn đúc đồng.

Trà, tơ, lụa, gai, bông, nhung, võ,

Mọi đồ sơn vân-mẫu pha lê.

Gươm và quạt, tản(?) và xe,

Đủ mùi hải lục, hiệp nghề công thương.

Đất Đại-bản mở trường đúc súng,

Xưởng Đông-kinh riêng cũng một nhà,

Tràng-kỳ thuyền-cuộc mở ra,

Giã-tân, Tu-hạ, ấy là hải quân.

Thuyền với pháo đã trăm lần chấn chỉnh,

Lại ngư-lôi bác-đĩnh ai tày?

Quan quân luyện tập đêm ngày,

Một nghề so với Thái-tây kém gì!

Duy-tân rồi tới năm Giáp-Ngọ (1894), vì chuyện Cao-ly mà Nhựt-bổn đánh Tàu đại-thắng:

Năm Giáp-ngọ đùng đùng sóng gió,

Vượt quân sang thắng trỏ Tam-Hàn.

Quân Lục-áo(?), tướng Đại-san,

Ra tay cho biết lá gan anh-hùng.

Đông(?)-tam-tĩnh đã thu trong tay áo,

Người trắng da ngơ ngáo giựt mình.

Cuộc hòa đâu khéo thình lình,

Chủ-trương nầy bởi Nga-đình vẽ khôn,

Bụng ái-quốc ghê hồn Nhựt-bổn,

Giận xung quanh khôn cản nghĩa đồng cừu.

Đã toan trở súng quay tàu,

Y-Đằng khen khéo mưu sâu vãn hồi.

Nhận bồi-khoản với Bánh-đài nhượng địa,

Trong mười năm rồi sẽ xem nhau.

Nga kia lớn nước lại giàu,

Bên giường giấc ngáy dễ hầu chịu yên.

Tới trận Nhựt-Nga đại-chiến hồi 1904-1905, Nhựt cũng toàn thắng:

Giáp-thìn trong tháng chạp tây,

Chiến-thơ hai nước định ngày giao-tuy.

Trận thứ nhứt Cao-ly lừng tiếng,

Khắp hoàn cầu muôn miệng đều khen.

Sa-trường xung đột mấy phen,

Ngọn cờ Áp-lục, tiếng kèn Liêu-dương.

Hải-quân nguyên-soái Đông-hương,

Lục-quân Nãi-mộc, ai đương anh-hùng?

Hội liệt-quốc diễn tuồng hòa-nghị.

Chấu đá voi, sự ấy cũng nực cười.

Xem trong hòa-khoản mười hai,

Điều nào Nga cũng chịu lui trăm phần.

Cuộc tang hải khuất thân từng lúc,

Đám liệt-cường nay cũng chen vai.

Khen thay Nhựt-bổn nhơn tài,

Từ đây danh-dự còn dài về sau.

Cả bộ sử tấn-hóa tự-cường của Nhựt-bổn, cụ Tán-Thuật mô tả thâu rút vào trong khuôn khổ mấy vần thơ khéo lắm.

*

CÁC NƯỚC ÂU MỸ CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ NHỰT-BỔN DUY-TÂN RA THẾ NÀO[sửa]

Vấn-đề nầy cũng nên biết, vì nó có ý nghĩa và có chỗ quan-hệ lý-thú của nó. Có người yên trí rằng mấy thế-kỷ trước, người Âu Mỹ lần mò qua Đông-phương là chỉ có mục-đích “thực-dân lược-địa” [4], mưu lấy sự tư-lợi mà thôi, chớ họ có lòng giúp đỡ cho ai khá lên như họ bao giờ. Với xứ nào, họ cũng dùng cách “tiên lễ hậu binh”; cho mấy ông thầy tu qua trước rồi kế đưa binh lính tới sau, kiếm cớ kia khác choán đất người ta thì có, khi nào giúp ai?

Sự yên trí nầy cũng có một phần phải ở trong, nhưng còn một phần chưa thiệt là phải. Có xứ họ tới cốt để lược-địa thực-dân, mà cũng có xứ họ tới sẵn lòng giao-hảo thông-thương và phò trợ khai-hóa cho; ấy là tùy nơi tình-thế và lực-lượng của giống người trong xứ mà họ để chưn vào. Tạo-hóa đối với muôn vật, cái gì mọc lên được thì vun bón thêm cho, cái gì nghiêng ngả thì đạp xô cho ngã; ở giữa loài người mạnh yếu với nhau cũng có cái lẽ thường như thế. Dân mạnh tới một xứ yếu, thấy xứ nầy vua hèn dân ngu, nói phải chẳng nghe, dạy khôn không hiểu, thì họ không chiếm trị còn để làm gì? Thứ quốc-gia dân-tộc thế ấy chẳng mất vào tay kẻ mạnh nầy cũng mất vào tay kẻ mạnh khác; sự suy vong đó đáng kiếp cho cái xứ có vua hèn dân ngu và sự xâm-lược cũng là cái quyền tự-nhiên của giống mạnh.

Còn như tới xứ nào xem ra có hạng trên trước khá, và dân cứng cỏi, thông minh, thì kẻ mạnh kia chẳng tiếc gì mà không vùa giúp cho khá, chỉ vẽ cho hay, chớ muốn nhai muốn nuốt chưa chắc đã trôi, chi bằng vun bón phò trợ người ta, cũng là cách kết-giao cầu lợi cho mình được.

Âu Mỹ đối với Nhựt-bổn trong thế-kỷ vừa qua ở vào trong cái trường hợp như vậy đó.

Trong cuộc Nhựt-bổn khai-quốc duy-tân, cố nhiên là Nhựt học theo bắt chước Âu Mỹ đã đành, nhưng chính thiệt Âu Mỹ cũng có lòng lành ý tốt mà phò trợ cho nhiều lắm.

Giữa thế-kỷ 19, vì vấn-đề thông-thương đính ước, mấy phen hầu gây ra cừu thù đại-biến, mà rốt lại Nhựt-bổn cũng được liệt-cường Âu Mỹ ân cần vừa giúp cho được tỉnh-ngộ duy-tân tới cùng. Ngay lúc đề-đốc Bá-lý nước Mỹ đem đoàn tàu chiến qua bắn súng ra oai, nhưng trong ý vẫn có lượng khoan-thai tử-tế, chỉ muốn cùng Nhựt-bổn giao-hảo thông-thương mà thôi; về sau cơ-nghiệp vẻ vang mới lạ của Nhựt-bổn dựng lên, thật là có nguồn suối đi ra bởi đó.

Kế sau đề-đốc Bá-lý, tới Cáp-lợi-tư qua làm công-sứ Mỹ ở nước Nhật, ông nầy rõ biết quan-lại của Mạc-phủ chưa rành ngoại-giao, nên chi ổng thường lấy chơn-tình thổ-lộ và giảng-giải cho nhà cầm quyền Nhựt-bổn lúc bấy giờ biết rõ những cái lợi khai-quốc thông-thương ra thế nào. Sở dĩ Mạc-phủ quyết lòng khai-quốc là nhờ có sự khuyên-bảo lợi ích của công-sứ Mỹ ban đầu, thây kệ dân-tâm phản đối xôn xao, Mạc-phủ cũng cứ khai-quốc. Cáp-lợi-tư lại khuyên Nhựt-bổn cần nên cấm tuyệt a phiến, kẻo có hại to cho nòi-giống; nhờ vậy mà Nhựt-bổn tránh hẳn được cái độc a-phiến từ đó đến giờ.

Hồi trong nước nổi lên phong-trào “Nhương-di” điên cuồng sôi nổi, xảy ra tới vụ đánh chết viên thông-ngôn ở dinh công-sứ Mỹ, làm cho công-sứ các nước phát giận, gởi thơ trách hỏi chánh-phủ Nhựt-bổn sao không hết lòng bảo-hộ ngoại-nhơn. Duy có một mình Cáp-lợi-tư rõ biết nội tình dân-tâm Nhựt-bổn, và cũng lượng xét Mạc-phủ có thành tâm khai-quốc lắm, thành ra chính viên thông-ngôn của ông bị hại vì tay của bọn thủ-cựu ở Nhựt, mà ông làm lơ, không trách hỏi phiền hà gì. Rất đỗi công-sứ các nước khác giận quá, rủ nhau hạ quốc-kỳ xuống mà bỏ đi Hoành-Tân, không chịu ở Giang-hộ nữa, vậy mà một mình ông Cáp-lợi-tư vẫn ở Giang-hộ không nhúc nhích, lại còn vì Mạc-phũ điều-đình dùm cho êm vụ bất-bình nầy.

Trong hồi Nhựt-bổn bắt đầu khai-quốc, mỗi việc gì người Mỹ cũng lấy lòng tử tế chỉ vẽ giúp đỡ cho, có bổ ích cho cuộc tấn-hóa của nước Nhựt nhiều lắm.

Năm 1859, Nhựt-bổn sai sứ qua Mỹ để trao đổi tờ ước đã ký với nhau, chánh-phủ Mỹ phái tàu trận ra đón rước và nghị-viện Mỹ bỏ thăm quyết-nghị lấy lễ quốc-tân 国賓, là lễ đãi khách chung cả nước mà tiếp đãi Nhựt-sứ, khiến cho người Nhựt lấy làm cảm động hết sức.

Cũng nhờ có chuyến đi sứ nầy mà nhiều người Nhựt-bổn càng dễ hiểu biết rành rẽ về những lễ-nghĩa ngoại-giao.

Cùng theo đi sứ lúc đó có hai người chí-sĩ về sau in sâu những dấu-tích to lớn vẻ vang trong lịch-sử Nhựt-bổn duy-tân, ấy là Thắng-Lân Thái-Lang (勝麟太郎 - Katsu Rintarou) và Phước-Trạch Dụ-Cát - 福澤 諭吉- Fukuzawa Ki-ichi).

Thắng-lân Thái-lang vốn là người ăn lộc của Mạc-phủ, mà đến lúc Minh-trị duy-tân lại sốt sắng hô hào, có công với đại-nghiệp quốc-gia nhiều lắm. Còn Phước-trạch Dụ-cát thì qua xem xét văn-hóa Âu Mỹ, rồi về nước chuyên-tâm vào công việc giáo-dục thanh-niên, rèn đúc nhơn-tài; nhiều tay anh-tuấn trong buổi duy-tân là học-trò của ông đào-tạo ra, chính ông đã mở ra một trường đại-học rất lớn đến nay vẫn còn gọi là Khánh-ứng đại-học (慶応大学 - Keiou daigaku)

Thuở đó người Nhựt xuất-dương cầu học ở các nước Âu Mỹ rất nhiều, mà chính người Âu Mỹ đem văn-nghệ học-thuật của họ vô truyền-bá cho Nhựt-bổn cũng chẳng ít; nhứt là người hai nước Mỹ và Anh đối với Nhựt-bổn dày công-lao phò trợ hơn hết.

Ban đầu khai-quốc, nhờ công sứ Mỹ là Cáp-lợi-tư mỗi việc bày lợi tránh hại cho Nhựt, như đã nói sơ ở trên. Sau tới công-sứ Anh là A-nhĩ-Kha-quật (阿爾??(**), viết theo sách Nhựt) khuyên bảo chỉ vẽ cho Nhựt-bổn đúc ra tiền-tệ mới, khiến cho Nhựt-bổn tránh được một mối hại to. Nguyên là hồi đó, chế độ tiền-tệ của Nhựt còn lôi thôi, nên chi vàng bạc trong xứ bị lọt mất ra nước ngoài rất nhiều; quốc-dân thấy vậy kinh-hoàng, nhưng không biết cách nào ngăn cản cho được. Bọn thủ-cựu càng được trớn mà oán trách Mạc-phủ về sự hại mở cửa cho ngoại-nhơn vô thông-thương. Công-sứ Anh lo dùm cho Nhựt, bèn trung-cáo Mạc-phủ mau mau đúc ra tiền vàng và in ra giấy bạc, nhờ đó mà cầm cản được cái hại lọt vàng ra ngoài. Người Nhựt ghi nhớ luôn luôn rằng công-đức nầy của công-sứ Anh cũng có lợi cho Nhựt như công-đức của công sứ Mỹ đã khuyên bảo cấm tuyệt a phiến kia vậy.

Đến cuối năm 1867, Khánh-Hỉ tướng-quân dâng nạp đại-chánh về Thiên-hoàng Minh-trị. Chánh-phủ Thiên-hoàng tư giấy khắp công-sứ các nước hay rằng những tờ ước do Mạc-phủ lúc trước đã ký với các nước, nay vẫn kế-tiếp thi-hành và việc giao hảo vẫn y như cũ. Có một bọn chư-hầu không ưng cải-cách, liền chia trong nước ra làm hai phe: Đông và Tây, xung đột với nhau. Ấy là nội-loạn. Trong vòng ít tháng, binh trào dẹp yên được loạn ở Quan-đông, Áo-võ; rồi một năm thì loạn ở Sương-quán cũng êm. Lúc đó nhơn-tâm chưa trọn lòng quy-hướng trào-đình, nghiệp thống-nhứt chưa được hoàn-thành, mà ngoại-nhơn đối với chánh-phủ cũ, tức là Mạc-phủ, xem ra tình ý vẫn còn trìu mến không phai. Nay chánh-phủ mới bổng chốc nói về việc kế-tiếp giao-hảo, công-sứ các nước chợt nghe, dầu muốn không sanh lòng nghi-ngại cũng không được. Bởi vậy các nước còn đang dụ-dự về sự nhìn nhận chánh-phủ mới.

Duy có công-sứ Anh đứng ra nhìn nhận chánh-phủ Thiên-hoàng trước hết, rồi sau công-sứ các nước lần lượt nhìn nhận theo, nhờ vậy mà địa-vị chánh-phủ mới lập ra đối với ngoại-bang được danh-nghĩa nhứt định. Công sứ Anh đối đãi như thế, là vì ổng với mấy ông tham-tán của ông ngày thường kết-giao với đám chí-sĩ Nhựt, rõ biết nội-tình nước Nhựt, nay cho sự Mạc-phủ trả quyền trào-đình chính là việc duy-tân cải-cách, chớ không phải là cách-mạng gì mà bảo rằng không nên nhìn nhận chánh-phủ mới. Nhơn đó ổng nói dùm với công-sứ liệt-quốc mà chánh-phủ Thiên-hoàng được nhìn nhận đều hết vậy.

Tóm lại, ban sơ khai-quốc có tình-thân của nước Mỹ, trong lúc duy-tân, có lòng tốt của nước Anh, người Nhựt kể ngoại-bang phò-trợ cho họ khai-hóa tấn-bộ, có hai việc đó là lớn hơn cả. Là vì Mỹ-quốc lấy tình thân- thiện mà mở ra kỷ-nguyên mới cho Nhựt. Anh-quốc thì lấy đại-nghĩa mà giúp cho việc chánh của Nhựt-bổn được dấy lên.

*

Ngoài ra, còn nhờ có hai cái thế biến cũng làm gốc nguồn cho cuộc duy-tân của Nhựt nữa.

Một cái thế biến từ trong ra.
Một cái thế biến ở ngoài vào.

Ta đã biết rằng khởi từ năm 1853 trở đi, Nhựt-bổn đang là một nước thủ cựu đáo để và đóng cửa tuyệt giao với ngoại-quốc gần ba trăm năm, vụt chốc mạnh bạo khai-quốc rồi mau chóng duy-tân được, là nhờ có một bọn chí-sĩ từng đọc sách Hòa-lan, biết chuyện Âu Mỹ, đứng lên kêu gào thúc giục mà ra.

Ý hẳn có nhiều độc-giả phải sửng sốt muốn hỏi điều nầy: Quái lạ! Từ năm 1854 trở về trước, Nhựt-bổn vẫn công-nhiên đóng cửa tuyệt giao, vậy chớ làm sao có bọn chí-sĩ từng đọc sách Hòa-lan biết chuyện Âu Mỹ được? Còn như anh Tàu với nước Nam mình đây, chẳng hề đóng cửa tuyệt giao lúc nào, thế sao Tàu với mình không có ai biết chuyện của Tây-phương được mảy may cóc rác gì, thiệt là khù khờ tức tối quá! Chính nước Nam mình, hồi đời vua Lê có lập ra một chỗ riêng gọi là Phố-hiến[5] cho người Tây-phương tới cư-ngụ thông-thương tự-do; lại sau đến đời Gia-long, đức thầy Bá-đa-lộc có rước nhiều người Pháp kỹ-sư và quân-gia tới xây thành, luyện quân, đóng thuyền, đúc súng cho vua nhà Nguyễn; ấy chính là những dịp cho ta mở mắt ra ngó thấy tài hay của Tây-phương và có thể học khôn họ được, nhưng vậy mà chớ hề có ai biết thâu thái lấy trí-thức Tây-phương một chút, đáng tiếc biết bao! Tới nay Nhựt-bổn hùng-cường vinh-diệu thế kia, còn Tàu với mình yếu-hèn thấp-thỏi thế nầy là đáng kiếp lắm.

Phải, tôi cũng suy-nghĩ như thế.

Thuở xưa ở Nhựt, Nho-học và Hán-văn cũng thạnh, cũng tôn như ở các xứ chung quanh cùng chung một nguồn văn-hóa với họ, song đám sĩ-phu học-giả họ không quá cố-chấp lỳ, tự-cao bậy, hết thảy ai cũng như ai đâu. Kỳ thiệt, trong đám nhà nho cố-chấp tự-cao, có nảy ra ít nhiều người có chí, muốn hiểu rộng thấy xa, chịu khó xem xét tài khôn sức mạnh của người ta, chớ không bo bo ôm chặt lấy những lý thuyết của Nghiêu-Thuấn Khổng-Mạnh, tưởng trong trời đất không có gì hơn được nữa.

Bởi vậy, giữa đời Mạc-phủ đóng cửa tuyệt-giao, trừ ra cho người Hòa-lan và người Trung-quốc là được phép ra vô mua bán tại Tràng-kỳ mà thôi, thì trong nước Nhựt đã có ít nhiều nho-sĩ cầu kỳ ham học, biết cái học-thuật phương-tây có lắm chỗ hay. Họ bèn rủ nhau đọc sách Hòa-lan, để nghiên-cứu về những môn học luyện binh, đúc súng, chữa bịnh, cùng là các khoa thiên-văn, bác-học, hóa-học nữa.

Những nhà chấp-chánh có trí rộng, cũng biết để tâm xem xét Tây-học; hoặc tự học lấy, hoặc sai người học rồi thuật lại cho mình nghe. Ví dụ hồi giữa thế-kỷ 18, có nhà Hán-học là Thanh-mộc-Văn-tàng - 青木文藏 - Aoki) vâng lịnh Mạc-phủ sai học chữ Hòa-lan, để tâu bày tinh-thế và học-thuật Tây-phương cho tướng-quân biết. Kế sau có những nhà Lan-học như Tiền-giả Lương-trạch 前野良澤 - (Maeno Ryotaku), như Bân-điền Huyền-bạch (杉田玄白 - Sugita Genbaku), đem sách thuốc Tây-phương dịch ra tiếng Nhựt.

Ngoài ra, có nhiều nhà văn-học, nhà chánh-trị, theo mấy thầy-thuốc Hòa-lan học tập Tây-văn. Dầu không thông hiểu Tây-văn, nhưng mà nhờ gần gũi ngoại-nhơn rồi cũng nghe qua học-thuật và tinh-thế liệt-quốc, cái hạng sĩ-phu đó lần hồi nảy ra cũng đông.

Ấy là giữa đời thủ-cựu, trong nước Nhựt đã có một bọn người tiên-giác, từng nghiên-cứu học-thuật phương Tây rồi vậy.

Tới năm 1853, có đoàn tàu trận Mỹ-quốc vô cửa Phố-hạ, cả đám nhà nho thủ-cựu trề môi nhún mỏ, tỏ ý khinh khi người Mỹ là mọi rợ, nhưng riêng hạng thức-giả thì không nghĩ như thế. Hạng nầy tuy còn số ít mặc lòng, cũng mạnh bạo đứng ra chống cãi với tất cả dư-luận sai lầm trong xứ; rán sức khuyên can ai nấy chớ có coi thường Tây-phương là mọi rợ mà nguy. Quốc-dân hăm he muốn đánh ngoại-nhơn, thì hạng thức-giả tỏ bày lợi hại, bảo đừng có chọc ghẹo đánh lộn với người ta mà thua chết. Dư-luận xướng lên chủ-nghĩa “Nhương-di” um sùm; hạng thức-giả cố giảng giải cái chỗ không thế nào “nhương” được đâu, tất phải giao-thiệp đón rước người ta, để lượm lặt lấy những chỗ hay của họ mà bổ vào chỗ dở của mình mới đặng.

Rồi ít năm sau, vụt một cái thời-thế nhơn-tâm xoay-đổi như chớp nháng, người Nhựt thay đổi tư-tưởng, mạnh bạo duy-tân, đó là nhờ có số ít thức-giả mở trí tỉnh hồn trước mà khuyên lơn dìu dắt hết thảy quốc-dân vậy.

Cái thế biến từ trong biến ra có nguồn gốc mối manh như vậy đó.

Người Hòa-lan, trong những thuở có một mình họ được Mạc-phủ rộng dung cho ra vô buôn bán, họ hay thân-cận với đám học-thức hữu-chí ở Nhựt-bổn và có công chỉ dẫn cho đám nầy về học-thuật Tây-phương nhiều lắm. Đến năm 1854 trở đi, Nhựt-bổn khai-quốc với Mỹ rồi, các nhà truyền-đạo và các nhà bác-học Mỹ bắt đầu sang Nhựt, phần nhiều có lòng sốt sắng rộng rãi, giao tiếp với người Nhựt một cách ôn hòa niềm nở, khiến cho bọn chí-sĩ trong nước lân la thân cận mà được mở mang về trí-thức mới rất nhiều. Hạng chí-sĩ về sau ra hoạt-động chánh-trị và có công-lao lớn trong cuộc duy-tân, được phong Bá-tước, như Đại-ôi 大隈(Okuma), như Phó-đảo (福島- Fukushima), như Hậu-đằng (後藤 - Goto), đều nhờ có sự tác-thành ban đầu của người Mỹ nhiều lắm.

Ngoài ra, các ông cố-đạo Thiên-chúa tầm-ngầm giúp ích cho cuộc tấn-hóa của Nhựt-bổn cũng nhiều. Ông thì chỉ vẽ khoa-học, ông thì giúp đỡ giáo-dục nọ kia, đều là làm ích dạy khôn cho người Nhựt; biết bao thanh-niên hữu-chí, nhờ có công ơn khai đạo thế ấy mà hóa ra bực anh-tài. Lại cũng vì đó mà thành ra người Nhựt không còn nghi ngờ thù ghét đạo Thiên-chúa như xưa nữa, rồi trở nên có tục tốt tự-do tín-ngưỡng và ít lâu nhảy vọt lên trên đài duy-tân.

Ấy là cái thế biến ở ngoài biến vào, làm gốc nguồn mối manh cho lịch-sử nước Nhựt mới vậy.

Chú thích[sửa]

  1. Đến giờ con cháu họ Đức-xuyên vẫn được trào-đình trọng-đãi, quốc-dân kính-tôn. Con của Khánh-Hỉ là Đức-Xuyên Gia-Đạt (徳川家達 - Tokugawa Iesato) được lập tước-công, hiện có một lúc làm Nghị-trưởng viện Quý tộc.
  2. Nhiếp-quan 攝官- ??) hay Quan-bạch - 官白 - ??), đều là chức-phẩm rất cao của trào-đình phong cho vị tướng-quân Mạc-phủ
  3. Nguyễn-Thuật, làm chức Tán-tương quân-vụ ở đời vua Hàm-Nghi, sau bỏ nước đi qua Nhựt-bổn rồi về ẩn-cư bên Tàu; tạ thế chừng ngoài mười năm nay. Cụ chính là nhạc-phụ của Tôn-Thất-Thuyết.
  4. Thực-dân lược-địa (殖民掠地-?)) : Dời dân mình đi ở nơi khác kiếm ăn và cướp lấy đất nước của người ta.
  5. Phố-hiến lúc đó là tỉnh Hưng-yên ở Bắc-hà bây giờ, nhiều người các nước Hòa-lan, Y-pha-nho, Bồ-đào-nha, Nhựt-bổn v.v… tới lập tiệm bán buôn đông đảo vui vẻ. Sự phiền-ba của Phố-hiến chỉ thua có thành Thăng-long tức là kinh-đô Hà-nội mà thôi, bởi vậy thuở ấy ta có câu phong-dao :”Thứ nhứt kinh-kỳ, thứ nhì Phố-hiến”.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này