Nhật Bản duy tân 30 năm/Chương VI. Trên đường chính trị

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Chương VI. Trên đường chánh trị

Đọc qua mấy chương ở trên rồi, chắc hẳn trong trí độc-giả tự-nhiên nảy ra cái cảm-giác nhứt định rằng Nhựt-bổn được duy-tân tự-cường, chính là do nơi dân-chúng khua động thành phong-trào xây-dựng lên cơ-sở. Đầu hết là sức dân, vua hiền quan sáng là sức thứ hai thôi.

Quả có như vậy thiệt.

Phàm một xã-hội nhơn-quần được văn-minh tấn-hóa, phần nhiều khi là nhờ có một số ít người chí-khí thức-thời đứng lên kêu gào dìu-dắt quần-chúng mà ra. Hạng đó cũng như hột giống, nó có gieo vãi trước, mới có nẩy mầm đâm ngọn, cây xanh lá tốt sau. Đã cần có hạng tiên-phong như thế phất cờ đi trước, song cũng lại cần họ phải có can-đảm thiệt-hành cái chủ-nghĩa của họ cho kỳ được, cho tới cùng; chớ nếu có chí-khí kiến-thức mà chỉ nói rồi thôi, thì có ích-lợi gì cho nhơn-quần xã-hội đâu. Hạng người như Nguyễn-trường-Tộ, Bùi-Phũng của mình ở đời Tự-Đức chẳng phải là bực chí-khí thức-thời đáng yêu đáng kính là gì; nhưng chỉ tiếc mấy ổng biết dùng có một cách là dâng sớ điều-trần mà thôi, ngoài ra không cố rán làm sao giục lòng thức tỉnh quốc-dân và tự mình hoạt-động, thành ra rốt lại mấy ông uổng mạng, mà chỗ thức-thời của mấy ông cũng vô-ích cho việc đời. Nếu đám người chí-khí thức-thời ở Nhựt-bổn bảy tám chục năm trước cũng thế, thì làm gì có nước Nhựt-bổn như ngày nay!

Sự-nghiệp duy-tân nước họ sở-dĩ xây-dựng lên được, chính bởi cái sức của đám “Hạ-ban Phiên-sĩ” làm chủ-chốt.

Thế nào là “Hạ-ban Phiên-sĩ”?

Khoảng trên đầu sách, đã có chỗ nói chế-độ phong-kiến ở Nhựt từ thế-kỷ 12 (Tây-lịch) trở đi, trên cao hết là Thiên-hoàng chỉ làm vua hư vị vô quyền, trong nước có trên 260 chư-hầu hay là phiên-chúa (藩主 -??), đều thuộc quyền thống-trị của Tướng-quân, là một võ-gia có thế-lực hơn hết, dựng ra Mạc-phủ, truyền nối đời đời, nắm trọn quốc-chánh trong tay, như kiểu mấy ông bá-chủ ở đời Chiến-quốc bên Tàu vậy. Xã hội có ba giai-cấp, là quý-tộc, sĩ-tộc và bình-dân. Bực sĩ là những người có chức-nghiệp hay là có học-thức. Đây nói về hạng “Hạ-ban Phiên-sĩ,(下班藩士-??) tức là chỉ vào bực sĩ ở trong nước Phiên mà lại ở vào lớp dưới. Nguyên là mỗi phiên-bang, có ông phiên-chúa (người trong quý-tộc), làm vua cai-trị, bầy tôi phò tá đều là lão-thần và phiên-sĩ, cha truyền con nối, làm thần thuộc đời đời. Phiên-sĩ chia ra có thượng-ban (上班 -??) và hạ-ban (下班 -??), nghĩa là bực trên, bực dưới. Phiên-sĩ bực trên là số ít mà nhà thì giàu, chức thì lớn, chỉ giúp đỡ chánh quyền trong phiên bang, chớ họ không làm sanh-nghiệp gì khác hết. Còn hạ-ban - bực dưới - chiếm số rất đông, phần nhiều nhà nghèo, nhưng có học-thức tài-cán, có tâm-chí siêng-năng, nhưng vẫn phải khuất-phục trước mặt đám thượng-ban luôn luôn.

Người có tài-năng học-thức mà bị đè-ép khuất-phục, không được mở mặt dương mày, thì còn gì bất-bình hơn? Bấy lâu, đám hạ-ban phiên-sĩ vẫn chứa lòng bất bình; thường rán phấn-đấu và tìm cơ-hội để thi-thố tài-năng của họ. Từ giữa thế-kỷ 18, họ giao-tiếp người Lan, nghiên cứu sách Lan, biết được chỗ tài giỏi của học-thuật Tây-phương và tình-thế các nước, liền vùng chỗi dậy ngay từ hồi bây giờ hoặc kêu gào sửa-sang chánh-trị, hoặc truyền-bá tân-học cho dân; thế là cái mầm duy-tân của Nhựt nhờ có đám sĩ-tộc thức-thời đã ương hột một trăm năm trước rồi vậy.

Dẫn mãi tới lúc đề-đốc Bá-lý qua, Mạc-phủ cả quyết khai-quốc, cho đến khi Minh-trị Thiên-hoàng thống-nhứt cả nước rồi thi-hành công-cuộc duy-tân trong 30 năm, đem Nhựt-bổn đặt lên ngang hàng Âu Mỹ, bao nhiêu những người bôn-tẩu quốc-sự, sáng-tạo duy-tân, đều là hạ-ban phiên-sĩ hết thảy. Nhà giáo-dục quốc-dân như Phúc-trạch Dụ-cát(福澤諭吉 - Fukuzawa Yukichi), Trung-thôn Kinh-vũ (中村 敬宇 - Nakamura Keiu) mà độc-giả đã biết, chính là hạ-ban phiên-sĩ, nhà chánh-trị đại danh như Đại-ôi Trọng-tín (大隈重信 - Okuma Shigenobu), Y-đằng Bác-văn ( 伊藤 博文 - Ito Hirobumi), cũng là hạ-ban phiên-sĩ, anh hùng như lục-tướng Nãi-mộc (乃木陸将 - Nogi Rikushou), hải-tướng Đông-hương (東郷海将 - Tougou Kaishou), cũng là hạ-ban phiên-sĩ nữa. Tóm lại, chính hạng người ở bực dưới của xã-hội Nhựt, đã đưa quốc-gia Nhựt lên cao.

Đừng thấy hạng dân vô quyền nằm dưới ở trong một xã-hội mà cho là thường! Hạng ấy đã có óc khôn, nảy ra sức mạnh và ý muốn, thì sức mạnh ý muốn đó phăng phăng đi tới, dầu thành đồng núi sắt cũng không cản được. Thì Nhựt-bổn nhờ sức mạnh ý muốn của đám hạ cấp sĩ-tộc mà trở nên văn-minh hùng-cường đó chớ gì?

Sức mạnh ý muốn của dân họ tràn lan bày tỏ ra đủ các phương-diện: Chương trên, ta đã thấy họ sốt-sắng tấn-tới trong trường giáo-dục; bây giờ ta thử xem họ vùng-vẫy trên đường chánh-trị. Mà xem họ vùng-vẫy trên đường chánh-trị, tức là xét cái lai-lịch của chế-độ Hiến-pháp nước Nhựt vậy.

DÂN-QUYỀN LÚC MỚI KHỞI-SỰ DUY-TÂN[sửa]

Độc-giả đã rõ sự tích hồi Minh-trị Thiên-hoàng quyết ý duy-tân, ngài dắt các vị công-khanh chư-hầu làm lễ tế-cáo trời đất thần minh mà thề 5 điều, thì chính điều thứ nhứt là thề “Rộng mở hội-nghị, muôn việc quyết-định ở nơi công-luận”. Thế là rõ-ràng vua Minh-trị tôn-trọng dân-quyền dư-luận và ngay từ ban đầu đã có chủ-tâm dựng lên chế-độ Hiến-pháp cho nước Nhựt vậy.

Liền đó trào-đình sắp-đặt lại, gọi là Thái-chánh-quan (太政官 - Daijoukan) tức là trung-ương chánh-phủ, ở trong chia ra là 7 cuộc (局-Kyoku). Dưới thì đặt ra hai chức là Nghị-định (議定- Gitei) và Tham-dự (参與-Sanyo), dùng để hỏi-han bàn định trào-chánh. Hạng nầy lựa chọn hoặc là phiên-chúa, hoặc là phiên-sĩ có tài-năng danh-vọng thì được, chớ không phân quý-tiện gì. Thứ lại đặt ra Trưng-sĩ 徴士(**) và Cống-sĩ 貢士(**), do các phiên chúa kén chọn tấn cử về trào, phiên lớn 3 người, phiên nhỏ 2 người hay một người, trào-đình dùng làm quan hạ-cấp nghị-sự, tức như hạ-nghị-viện sau nầy, còn hạng trên thì như thượng-nghị-viện.

Đồng thời, vua Minh-trị lại định rõ 3 quyền riêng nhau; ngài hạ dụ rằng: ”Quyền-lực trong nước từ đây nhứt thiết đều thuộc về một mình Thái-chánh-quan, khiến cho không có mối lệ chánh-lịnh do cả hai ngả ban ra như trước kia nữa. Còn quyền-lực của Thái-chánh-quan cũng chia riêng ba quyền Lập-pháp (立法 - Rippou), Hành-pháp (行法 - Gyouhou) và Tư-pháp (司法 - Shihou), để cho đứt hẳn chỗ lo thiên-trọng chuyên-chế”.

Vậy là Minh-trị chánh-phủ khơi nguồn đắp móng Hiến-pháp cho quốc-dân Nhựt từ đây, mà ở trong có ý noi theo cái thuyết “Tam quyền phân lập” của Montesquieu nước Pháp, rất là rõ-ràng.

Qua năm Minh-trị thứ 2, có “Tập-nghị-viện (集議院 -??)” mở ra, cũng là nơi nghị-sự của các phiên-sĩ do nhà nước chọn lựa sung vào. Sở-dĩ những người nghị-sự mà do nhà-nước chọn lựa, không có lẽ gì khác hơn là bởi dân-chúng mới ở chế-độ phong-kiến chuyên-chế vừa thoát ra khỏi, tự nhiên trong sự thay cũ đổi mới, đang còn bợ-ngợ, chưa đủ ngày giờ rèn tập tư-cách chánh-trị, cho nên chưa tập cách nhơn-dân bầu-cử được.

Dầu sao mặc lòng, ngay từ lúc ban đầu, chánh-phủ Minh-trị sắp đặt như thế, kể ra cũng khéo tôn-trọng dân-quyền công-nghị lắm. Nhờ lấy sự tôn-trọng dân-quyền công-nghị làm bia, mà chánh-phủ thi-hành được mọi việc cải-cách rất là mạnh-bạo. Ví dụ năm Minh-trị thứ 4, bỏ hẳn các phiên-bang, đổi ra làm huyện; lại tuyên-bố “Tứ dân đồng quyền (四民同権 - Shimindouken)” (sĩ, nông, công, thương có quyền như nhau), ấy đều là việc cải-cách mạnh-bạo; vì nước Nhựt vốn là nước phong-kiến, có giai cấp sang hèn đã lâu đời rồi, mà nay bỗng chốc xóa bỏ đi được, thật là hay.

Lúc ấy có lắm kẻ thấy chánh-phủ cải-cách táo-bạo quá như thế, thì tỏ ý bất-bình, nổi lên làm loạn. Nhưng chánh-phủ nhờ có những ông chúa-phiên thế-lực, tán-thành duy-tân, súm lại giúp sức, thành ra công-cuộc cải-cách cứ việc tấn-hành, mà mấy đám phản-loạn cũng dẹp được mau.

Bởi nhờ cái oai của các ông cường-phiên, chánh-phủ chế-phục thiên-hạ được, rồi lại bởi sự bãi-phiên, nên chánh-phủ phải thâu-dụng các ông vào những địa-vị trọng yếu ở trong trào, trong nước. Trong số nầy, hai cường-phiên Tát và Trưởng có thế-lực lớn hơn hết. Sau khi cơ-sở của chánh-phủ lần hồi vững vàng, vây cánh của hai cường-phiên đó giữ lấy những ngôi thứ trọng-yếu, rồi tác oai tác phước, làm cho cái tinh-thần ban đầu của chánh-phủ tôn-trọng dân-quyền công-nghị, nay phải lần mòn tiêu mất đi. Bè đảng cường-phiên - người ta gọi là “Phiên-phiệt, 藩閥-??)” - lại muốn dựng cờ nổi trống, chuyên-chế quốc-chánh trào-cang, không coi dư-luận ra gì nữa hết.

Bọn kiến-thức bất-bình lắm; họ khua dậy nhơn-tâm, để đòi dân-quyền và hối thúc Hiến-pháp. Đây là một thời-kỳ dân Nhựt hoạt-động trên đường chánh-trị rất hay.

Năm Minh-trị thứ 6, trào-đình bàn tính chánh sách đối phó với nước Hàn (tức Cao-ly), thành ra trong trào có cuộc chia rẽ lung tung, kẻ đi người ở. Cả bọn Tây-hương Long-thạnh 西郷 隆盛 - Saigo Takamori, Phó-đảo Chủng-thần 副島種臣 - Soejima Taneomi, Bản-viên Thổi-trợ板垣退助 - Itagaki Taisuke, Hậu-đằng Tượng-thứ-lang 後藤像次郎- Gotou Shoujirou và Giang-đằng Tân-bình (江藤新平 Etou Shimpei)đang làm chức Tham-dự tại trào, cùng rủ nhau từ-chức, vì họ chủ-trương nhứt định đánh Hàn, nhưng trào-đình không chịu nghe. (Ta coi Nhật mới khởi-sự duy-tân có sáu năm, mà muốn cử binh đánh người, cái dân-khí hăng-hái gan-gốc có ghê không?) Còn bọn Nham-thương Cụ-thị 岩倉具視 - Iwakura Tomomi, Đại-cửu bảo Lợi-thông 大久保利通 - Okubo Toshimichi, Mộc-hộ Hiếu-doãn 木戸考 - Kido Takayoshiđều chủ-trương hãy khoan sanh sự với ai, nên lo nội-chánh của mình sửa sang hẳn hòi đã rồi sẽ hay; bọn ấy ở lại trong trào như thường.

Trong bọn từ-chức bỏ đi kia, có 4 ông vẫn ở xẩn vẩn tại Đông-kinh để hoạt động chánh-trị bên ngoài, duy có Tây-hương Long-thạnh trở về quê-hương Lộc-nhi-đảo (Kagoshima) mở trường tư, rèn tập thanh niên về mặt chánh-trị. Vì sự yêu-cầu dân-quyền mà ba năm nữa Tây-hươngcử binh đánh lại trào-đình; câu chuyện ấy sẽ nói sau.

Giờ hãy nói tiếp theo câu chuyện trên. Giữa lúc trong trào mới xảy ra việc chia rẽ có kẻ ở người lui, thì có một người đi du-học bên Anh bấy lâu, nay trở về trào, tâu bày sự-tình Tây-phương. Người đó hết sức ngợi khen chế-độ nghị-viên của Anh-quốc, nói rằng Nhựt-bổn nên bắt chước; nếu không thì quyền chánh cứ ở mãi trong tay chuyên-chế của một hai ông cường-phiên hoài. Chánh-phủ nên làm sao mở rộng cái tinh-thần tôn-trọng công-nghị như hồi ban đầu ra, để cho quốc-dân có quyền tham-chánh mới được.

Nhơn đó, qua năm Minh-trị thứ 7, ngày 18 tháng giêng, họ Bản-viên 板垣 - Itagaki cùng 7 người bạn đồng-chí, dâng tờ biểu lên trào-đình, xin nhà vua mau mau mở ra nghị-viện dân-tuyển (nghị-viện do dân bỏ thăm bầu cử). Lạiđem tờ xướng-nghị đó đăng báo, công-bố cho quốc-dân hay. Bản-viên đặt tên rõ ràng “Dân-tuyển nghị-viện 民選議員 - Minsengi-in” là có chủ-ý chỉ rõ cơ-quan ấy thay mặt quốc-dân, tự dân bầu-cử ra, chớ không phải như “Tập-nghị-viện” kia là “Quan-tuyển nghị-viện 官選議員-Kansengi-in” do nhà nước lựa-chọn cắt cử.

KHUYỂN-DƯỠNG-NGHỊ[sửa]

Một nhà có công to trong hồi duy-tân, năm 1932(?), đang làm Thủ-tướng, bị bọn võ-quan quá-khích vô tận trong dinh bắn chết.

Hình phía dưới cuối bên phải:

Ba vị Tham-mưu-trưởng của Lục-quân, Hải-quân và Không-quân đều là bực thân-tộc nhà vua.

Lúc nầy bọn chí-sĩ muốn hiệp nhau lại thành ra chánh-đảng 政党 - Seitou như ở các nước Âu Mỹ, song còn e ngại một chút, là vì thuở đó hai tiếng “đồ đảng” còn phạm nhằm quốc-cấm; nhà-nước coi giống như nghĩa mưu-phản, hễ ai phạm thì trị tội và nêu tên ra giữa chợ búa. Muốn tránh cái họa đó, nên chi bọn chí-sĩ kết đảng, chỉ tự xưng là “Ái-quốc công-đảng 愛国公党”, để chỉ tỏ ra mình chẳng phải là đồ-đảng phi-vi hay là đồ bất-chánh vậy.

Tới đây, trí-thức dân Nhựt đã mở ra lần lần và sự giáo-dục hiệp-quần cũng tấn-tới khá rồi. Nhứt là nhờ có Phúc-trạch Dụ-cát (Fukuzawa Yukichi) chuyên việc dịch-thuật, ra sức cổ-động chủ-nghĩa bình-dân. Ngoài ra, lại có người dịch “Xã-hội khế-ước” (Contrat Social của J.J. Rousseau và tờ: “Nhơn-quyền tuyên-ngôn” (Déclaration des Droits de l'Homme) của nước Pháp, để thức-tỉnh quốc-dân, cho biết tôn-quý nhơn-quyền. Những sách ấy, dân nô-nức mua đọc, thành ra cái phong-trào dân-quyền tự-do nổi lên mạnh lắm. Dầu cho trong chánh-phủ có những tay cường-phiên chuyên-chế, không trọng dư-luận, nhưng dân sẽ bắt buộc phải trọng; không muốn cho lập chánh-đảng, nhưng rồi cũng có chánh-đảng cứ lập ra.

CHÍ-SĨ ĐỔ MÁU VÌ DÂN-QUYỀN VÀ CHÁNH-ĐẢNG[sửa]

Đây bước vào cái thời-kỳ dân Nhựt hoạt-động chánh-trị một cách hăng hái dữ tợn, vì dân-quyền và chánh-đảng mà có nhiều chí-sĩ đến đổ máu uổng mình.

Hồi nầy họ Mộc-hộ ở trong chánh-phủ (làm chức Tham-dự), ngầm kín làm đầu cho một bọn theo chủ-nghĩa “tiệm-tấn lập-hiến” (lần hồi tấn lên chánh-thể lập-hiến). Còn họ Bản-viên từ lúc bỏ chức Tham-nghị trở về vườn, ở trong dân-gian, thì công-nhiên làm đầu của phe tự-do cấp-tấn, muốn có nghị-viện dân-tuyển cho mau.

Tháng 2 năm Minh-trị thứ 7, một người trong đám cùng Bản-viên từ chức Tham-nghị (gọi là Tham-dự cũng thế) hồi năm ngoái, là Giang-đằng Tân-bình (後藤新平 - Goto Simpei), lật đật trở về quê-quán ở Tá-hạ (佐賀 - Saga). Bọn sĩ-tộc ở đây tôn Giang-đằng (後藤 - Gotou) lên làm thủ-tướng rồi cử binh chống lại chánh-phủ, đòi chánh-phủ phải gấp thi-hành Hiến-pháp. Chánh-phủ thấy vậy, giận lắm, thành ra cả phe Bản-viên cùng chánh-phủ tuyệt tình, trở nên thù-nghịch nhau.

Tức thời Bản-viên 板垣 cũng từ-giã Đông-kinh trở về quê-hương ở Thổ 土 mà tuyên-truyền thức-tỉnh quốc-dân; luôn dịp ép đòi chánh-phủ mau mau thi-hành chánh-sách tự-do tấn-bộ. Bấy giờ ở Tá-hạ và Thổ có “Lập-chí-xã, 立志社” dậy lên, nương theo lời tuyên-thệ của “Ái-quốc công-đảng” mà rèn tập tánh-cách tự-trị cho dân. Lại giãi bày những lẽ dân-quyền tự-do rất là hăng-hái. Đám thanh-niên nhập xã có tới bốn năm ngàn người. Thành ra “Lập-chí-xã” cùng với trường tư-học của Tây-hương Long-thạnh lập ra tại Lộc-nhi đảo, là hai đảng đồng-chí, găng với chánh-phủ trung-ương, làm cho chánh-phủ phải kiêng nể.

Nhờ có “Ái-quốc công-đản”g của Bản-viên xướng lập trước hết và truyền hịch trong nước, lần lần các nơi đều có những hội-xã chánh-trị mở ra, có tánh-chất và tôn-chỉ đại-khái như “Lập-chi-xã” trên đây.

Qua năm Minh-trị thứ 8, phe Bản-viên Mộc-hộ (lúc nầy Mộc-hộcũng mới từ-chức về vườn) mời các hội-xã nhóm hội chung ở Đại-bản (大阪 - Osaka), rồi công-bố hai điều đại-cương như vầy:

1* - Cái thuyết của chúng tôi nhứt định, là cầu có một chánh-phủ do nhà vua lập luật (nghĩa là tránh những mối tệ chuyên-chế của một hai cường-phiên).

2* - Chúng tôi muốn thiệt-hành cái thuyết ấy, cho nên phải đòi có chế-độ nghị-viện, để cho minh-bạch luật-phép trong thiên-hạ.

Rồi đó Mộc-hộ 木戸cùng Bản-viên lại trở vô chánh-phủ làm chức Tham-nghị như cũ. Nhà vua sai ổng cùng với Đại-cửu-bảo Lợi-thông大久保利通 và Y-đằng Bác-văn (伊藤 博文 - Ito Hirobumi) hiệp nhau khảo-cứu chánh-thể. Vua Minh-trị hạ chiếu, có câu: “Chánh-phủ Lập-hiến lần hồi dựng lên, trẫm và chúng dân đều được nhờ phước”. Liền khi ấy, chánh-phủ đặt ra Nguyên-lão-viện (元老院) và Đại-thẩm-viện (大審院); bấy giờ là ba quyền thiệt và phân-lập.

Từ đó, thuyết dân-quyền tự-do càng thạnh; khắp nước chỗ nào cũng lập hội kết xã và nghị-luận chánh-trị nổi lên rất cao.

Tháng 6 năm ấy (năm Minh-trị thứ 8), chánh-phủ mở ra hội-nghị địa-phương của nhà-nước, cho mỗi phủ huyện có hai người thay mặt dân đi dự hội, và cho các nhà làm báo được dự nghe. Song hồi nầy có nhiều tờ báo nói giọng kịch-liệt quá; họ công-kích chánh-phủ chỉ kiếm chuyện chần-chờ, không mau đặt nghị-viện dân-tuyển. Chánh-phủ phải giữ quyền mình cho nghiêm, liền ra điều-lệ làm báo, trị tội phỉ báng và kiểm-thúc ngôn-luận.

Đồng thời, giữa chốn trào-đình, cũng nổi lên chống nghịch nhau về chủ-nghĩa. Ví dụ Đại-cửu-bảo (大久保 - Okubo) vẫn chủ tiệm-tấn, còn Bản-viên thì cứ chủ cấp-tấn luôn luôn.

Vì chỗ bất đồng ý-kiến đó nên chi qua tháng 10, Bản-viên lại từ-chức Tham-nghị, lui về dân-gian, cho dễ ra sức thúc-giục nhơn-tâm mở-mang dư-luận.

Bọn chí-sĩ cấp-tấn nôn-nao đòi ban Hiến-pháp mở nghị-viện ngay, song chánh-phủ xét chưa phải thời, nên cứ ước hẹn dần dà mãi. Bởi vậy, đến tháng giêng năm Minh-trị thứ 10 (nhằm 1886), phe trường tư ở Lộc-nhi-đảo, tức là phe chánh-trị cấp-tấn, đồ đảng của Tây-hương Long-thạnh (西郷 隆盛 - Saigo Takamori) , tôn Tây-hương lên làm tướng, cử binh làm loạn, hỏi tội chánh-phủ. Ta nên biết bây giờ Tây-hương làm ông chủ trường tư, làm một nhà hoạt-động chánh-trị, chớ lúc cuối đời Mạc-phủ cách mười mấy năm trước, ông ta đã từng làm tới Lục-quân đại-tướng rồi. Bọn bất-bình thấy ông có tướng tài, nên họ tôn ông làm tướng, để cự với chánh-phủ. Song chúng quả bất địch, họ Tây-hươngbại trận mà chết. Ban đầu chánh-phủ cho ông ta là phản-thần, nhưng sau 12 năm, nhà vua nghĩ lại mà thương, bèn phong tước hầu cho con ổng. Tại kinh-thành Đông-kinh có dựng tượng đồng kỷ-niệm, chínhTây-hương là người tử-tiết vì chánh-trị đầu hết.

Tây-hương (西郷 隆盛 - Saigo Takamori) phẫn-uất vì trào-chánh bị bọn “Phiên-phiệt” chuyên quyền, nên khi cử binh khởi-nghĩa, có phát ra mấy vần thơ rất hùng. Bài thơ truyền tụng qua tới nước Nam mình, không mấy ông nhà nho không ngâm-nga thán-phục; có ông khoái ý, dịch ra quốc-văn. Ấy là bài:

大聲呼酒上高樓

雄気欲吞五大州

一片丹心三尺剣

揮拳先斬佞臣頭

Đại-thanh hô tửu thưởng cao-lâu,

Hùng khí giục thôn ngũ đại-châu,

Nhứt phiến đơn-tâm, tam xích kiếm.

Huy quyền tiên trảm nịnh thần đầu.

Tôi thấy ông Á-nam Trần-tuấn-Khải dịch[1]:

Hét lớn lên lầu đánh chén say,

Khí hùng như nuốt năm châu ngay.

Nột mảnh lòng son ba thước kiếm,

Lấy đầu quân nịnh cho biết tay.

Ông Nguyễn-bá-Học dịch ra điệu lục bát:

Năm châu ngon lắm ớ bay!

Rượu đâu? Cho mỗ bước ngay lên lầu.

Lòng son, ba thước lưu cầu,

Ra tay trước hãy chém đầu thằng gian.

Trong lúc Tây-hương cử binh, bọn bất-bình ở các nơi cũng túa lên hưởng-ứng, thành ra trong nước có nội-loạn lung tung.

Bấy giờ, Bản-viên 坂垣 liền thừa cơ-hội thúc-giục nhà-nước nên gấp gấp thành-lập chánh-thể Lập-hiến, cho yên lòng dân. Bản-viên sai xã-trưởng của “Lập-chí-xã” là Phiến-cương Kiện-cát (片岡健吉 - Kataoka Kenkichi, sau làm Nghị-trưởng Chúng-nghị-viện) lên tới kinh-đô dâng tờ kiến-nghị. Trong đó, đại ý xin chánh-phủ nên rộng xét công-luận, để sửa-sang những điều chánh-trị sai lầm, khiến cho ba quyền lập-pháp, tư-pháp và hành-chánh được vững-vàng đúng-đắn; vậy thì nên mau mau mở ra nghị-viện dân-tuyển, dựng lên cái nền Hiến-pháp.

Kể ra lời-lẽ của Bản-viên êm-đềm mà thống-thiết lắm; nhưng mà lúc ấy chánh-phủ đang lo dẹp loạn, không rảnh ngày giờ xem xét gì đặng, thành ra tờ kiến-nghị của Bản-viên vừa dâng lên là bị xếp xó ngay.

Phe cấp-tấn có gan dạ mưu mô dữ lắm; giữa lúc phe nội-loạn nổi lên, chánh-phủ lo giẹp như thế, có mấy người chức-sự ở trong Nguyên-lão-viện, là Lục-áo Tôn-quan 陸奥宗光-??), về sau làm Ngoại-giao đại-thần), Lâm-hữu-tạo 林有造 -??, về sau làm Đệ-tín đại-thần, tức là làm thượng-thơ bộ Bưu-chánh), cùng mấy bạn thanh-niên đồng-chí nữa, âm-mưu sắp đặt cử binh ngay ở Đông-kinh toan đánh đổ chánh-phủ để dựng lên chánh-thể Lập-hiến.

Nhưng rủi cơ mưu bại-lộ ra, cả bọn đều bị bắt hạ-ngục, cả Kiến-cương Kiện-cát, xã trưởng “Lập-chí-xã”, khi dâng thơ kiến-nghị còn đang xẩn-vẩn ở Đông-kinh đợi tin, nay cũng bị chánh-phủ hiềm-nghi, bắt nhốt vô khám.

Giữa cuộc huyết-đấu của chánh-phủ và nhơn-dân, chánh-phủ đại-thắng. Không mấy chốc, việc loạn ở miền Tây-nam dẹp yên được rồi, bọn bất-bình khắp cả trong nước đều nép tiếng, im hơi, không còn dám hó-hé lấy võ-lực ra để chống-cự gì nữa. Chừng cái oai của chánh-phủ càng to, mà chánh-thể Lập-hiến tới đây hình như muốn hỏng mất rồi.

Nhưng, may sao lại xảy ra một việc biến-động, khiến cho cái vận của chánh-thể Lập-hiến bỗng dưng lại xoay ra có thế hối-hả rộn-ràng: Ấy là việc hồi tháng 5 năm Minh-trị 11, người trọng-yếu của phe tiệm-tấn là Đại-cửu-bảo Lợi-thông bị thích-khách đón đường đâm cho mấy dao chết tốt. Vụ ám-sát nầy càng tỏ ra lòng dân nóng nảy tấn-hóa lắm vậy.

Chắc bởi thấy nhơn-tâm như thế, nên chi cách đó không bao lâu, chánh-phủ mở ra địa-phương hội-nghị ở các phủ huyện, tức là sắp-đặt thứ-tự để mở ra trung-ương hội-nghị về sau.

Luôn ba năm Minh-trị 11, 12 và 13, bọn Bản-viên Hà-giã Quảng-trung 河野 廣中 -??, sau cũng làm nghị-trưởng Chúng-nghị-viện) hai ba lần mở ra toàn-quốc đại-hội ở Đại-bản, mục đích đều là thỉnh-cầu chánh-phủ phải mở Nghị-viện cho mau. Cả thảy có 96 đoàn thể chánh-trị ái-quốc ở khắp trong nước, cộng hơn 9 muôn 8 ngàn hội-viên, cử đại-biểu đi dự hội.

Trước khi các phe dân-quyền nhóm đại-hội lần thứ ba, chánh-phủ thấy dân làm rộn quá, liền gấp đặt ra thể-lệ nhóm hội, rồi tức-tốc đánh dây thép truyền lệnh cho quan quyền ở Đại-bản phải ngăn cản đại-hội và giải-tán “Ái-quốc-xã” đi. Song, bọn chí-sĩ hay được tin trước bèn lật-đật nhóm hội sớm hơn và lập ra một đoàn-thể chung, gọi là “Kỳ-thành Quốc-hội Đồng-minh 期成国会同盟 -??” nghĩa là thề nhau hiệp sức hoạt-động kỳ cho đến lúc có Quốc-hội (tức là Nghị-viện) mở ra mới thôi.

Rồi Đồng-minh nầy phái Phiên-cương Kiện-cát cùng Hà-giã Quảng-trung 河野 廣中 thay mặt cho dân 2 phủ 22 huyện, đi lên Đông-kinh dâng tờ nguyện-vọng. Chánh-phủ kiếm cớ, không xét tờ ấy. Hai người tổng-đại-biểu lại đưa lên Nguyên-lão-viện, cũng bị cự nốt.

Đồng-minh liền đặt trung-ương tổng-bộ của mình ở ngay Đông-kinh thề rằng phải kêu gào cho được quá phần nửa quốc-dân ký tên đóng-dấu vào tờ nguyện-vọng, để đồng-minh làm cho đạt mục-đích mới nghe.

Hồi nầy, phong-trào chánh-trị nổi rùm cả nước; người ta không ước hẹn nhau mà cũng theo đuổi chung một mục-đích, có nhiều đại-biểu khắp nơi, kế tiếp nhau về kinh, hoặc tới các nha môn, hoặc viếng các đại-thần, ai nấy cùng bày tỏ kèo nài có một việc là thi hành Hiến-pháp. Chánh-phủ lấy làm phiền về sự phải tiếp chuyện các đại-biểu mỗi ngày, bèn ra một đạo pháp-lệnh mới, định rằng từ nay phàm ai có dâng thơ hiến kế gì, nhứt thiết phải do quan địa-phương xem xét rồi tâu về kinh mới được.

Bọn chí-sĩ kêu gào dân-quyền tự do thuở nay, cốt xúi người ta kéo nhau về kinh dâng tờ nguyện-vọng cho đông, là để ra oai với chánh-phủ, nhưng giờ chánh-phủ ra lệ mới kia rồi, thì cái mưu cao của bọn chí-sĩ không còn ăn thua được nữa. Từ nay, phong-trào lại xoay ra thế khác. Bây giờ bọn chí-sĩ lo gây dựng ra thế-lực của dân-chúng. Hoặc kết thành chánh-đảng; hoặc dạy dỗ nhơn-dân về việc chánh-trị, hoặc tổ-chức các cuộc diễn-thuyết khắp nơi. Cả nước hoạt-động chánh-trị, có vẻ rầm rộ lạ lùng. Họ Bản-viên thật là hăng-hái và chịu khó-nhọc, tối ngày đi ngược về xuôi, du-thuyết trong nước, làm kích-thích nhơn-tâm dữ lắm.

CHÁNH-ĐẢNG TRƯỚC NHỨT VÀ TRÀO-ĐÌNH PHẢI HẸN KỲ MỞ RA QUỐC-HỘI[sửa]

Qua năm Minh-trị thứ 14, có một việc quan-hệ về quốc-gia lý-tài, chánh-phủ tính làm, nhưng cách định xử-trí không khéo, làm cho dư-luận sôi-nổi dữ. Các báo viết bài công-kích chánh-phủ mỗi ngày. Lại có người tổ-chức ra những cuộc diễn-thuyết rất lớn để phản-đối công-nhiên.

Ngay giữa chánh-phủ, ý-kiến của các ông Tham-nghị cũng nghịch nhau, nhứt là Đại-ôi trọng-tín (大隈重信 - Okuma Shigenobu).

Ông nầy nguyên là phiên-sĩ ở Tá-hạ, nổi tiếng anh-tài tân-học, nên được trào-đình Minh-trị triệu vô kinh làm chức Tham-nghị. Ở trong trào Đại ôi giúp đỡ công việc duy-tân cải-cách rất nhiều; thứ nhứt các việc ngoại-giao tài-chánh ban đầu hết sức khó khăn rắc rối, mà Đại-ôi bàn tính sắp đặt hay lắm. Thế là bấy lâu Đại-ôi vẫn trung-thành phò-trợ chánh-phủ, nhưng đến khi có việc quan-hệ lý-tài nói đây, chánh-phủ tính làm, thì Đại-ôi gân cổ công-kích đáo để.

Việc ấy - một việc bán đất công ở Bắc-hải-đạo - do đám “Phiên-phiệt”ở trong trào-đình làm ngang. Bởi vậy Đại-ôi nói rằng nếu muốn cho tuyệt cái mầm “Phiên-phiệt” ỷ thế làm ngang đi, thì không có cách gì hay hơn là mau mau mở ra Quốc-hội, để cho dư-luận của dân cùng chánh-phủ được hiểu biết nương dựa vào nhau.

Không phải Đại-ôi chỉ nói suông mà thôi; nói rồi liền thảo ra một tờ biểu, sửa soạn dâng lên Thiên-hoàng ngự-lãm, trong đó Đại-ôi xin tới năm Minh-trị 16 thì phải mở Quốc-hội. Nội trào đều hoảng-kinh về lời xướng-nghị của Đại-ôi.

Lúc đó Minh-trị Thiên-hoàng đang ngự giá tuần du ở miệt đông-bắc. Đến hôm ngự về, liền đêm hôm ấy ngài triệu hết các đại-thần và tham-nghị vô nhóm trong cung, rồi lập tức bãi việc tính bán đất công kia đó, cho khỏi quốc-dân đến năm Minh-trị 22 thì mở Quốc-hội.

Thuở giờ chánh-phủ chần-chờ, dụ dự không nhứt định đến năm nào mới mở Quốc-hội. Nay nhờ có Đại-ôi dâng biểu thúc-giục, nên mới có kỳ hẹn đến năm Minh-trị 22. Nhưng vì Đại-ôi chủ-trương gấp mở Quốc-hội, có ý hối-thúc trào-đình như thế, trào-đình bãi chức Tham-nghị của Đại-ôi. Đồng thời có nhiều vị quan-liêu và tham-nghị cùng một ý với Đại-ôi, trong đó có Khuyển-dưỡng-Nghị 犬養毅 - Inukai Tsuyoshi, Thí-giả Văn-hùng 矢野文雄 (Yano??), Vĩ-kỳ Hành-hùng (尾崎行雄 - Ozaki Yukiou) v.v… cũng phải một lượt bãi chức nữa. Tóm lại, lúc ấy phàm những người nào có nhơn-duyên và đồng-ý với họ Đại-ôi, đều bỏ chức về vườn, không còn ai ở lại trong hoạn-lộ. Sau năm Minh-trị thứ 6, có vấn đề đánh Hàn mà trào-đình chia rẽ tới nay có việc biến-động nầy ở giữa chánh-phủ là việc lớn nhứt.

Bước ra ngoài hoạn-lộ rồi, Đại-ôi cùng với Bản-viên là hai tay thủ-lãnh chánh-trị hoạt-động ở trong dân-gian, ra sức hô-hào kết-lập chánh-đảng, đối-đầu với chánh-phủ. Huống chi Đại-ôi từng ở trong trào lâu ngày, bao nhiêu chỗ thực-tình và chỗ thiếu-sót của chánh-phủ ra sao, Đại-ôiđều thấu rõ hết, thành ra chánh-phủ kiêng sợ, coi Đại-ôi Bản-viênnhư hai địch-quốc lớn.

Từ trước đến giờ, trong việc chánh-trị hoạt-động tuy có những đoàn-thể nọ, đồng-minh kia lập ra rồi, nhưng đó chưa thiệt phải là chánh-đảng. Nay có sắc-chỉ hẹn kỳ mở Quốc-hội rồi, nhơn muốn rèn-tập nhơn-dân để nay mai đủ tư-cách tham-dự chánh-trị, nên chi Bản-viên bèn đứng ra tổ-chức một chánh-đảng, có chủ-nghĩa và kỷ-luật hẳn hòi, gọi là “Tự-do-đảng (自由党 - Jiyuutou)”.

Nhựt-bổn có chánh-đảng, thiệt là khởi thủy từ đây.

Cùng trong một ngày (15 tháng 10 năm Minh-trị 14), Đại-ôi lập ngay tại Đông-kinh một chánh-đảng, gọi là “Lập-hiến Cải-tấn-đảng 立憲改進党 - Rikken Kaishintou”.

Ngoài ra còn có mấy đảng khác nữa, nhưng kể sự lâu bền và có hệ-thống về lịch-sử, thì chỉ có đảng Tự-do của Bản-viên và đảng Cải-tấn của Đại-ôi mà thôi.

Bản-viên lấy tư-cách là tổng-lý đảng Tự-do, đi dạo khắp trong nước để tuyên-truyền diễn-thuyết, cổ-động lòng dân. Qua tháng 4 năm sau (Minh-trị 15), Bản-viên ở Đông-kinh, tới dự một cuộc đại-hội trong vườn Kỳ-phụ, bị thích-khách là Tương-nguyên Thượng-cảnh thừa cơ đâm trúng vào bụng. Nhưng may phước Bản-viên không chết. Tương-nguyên bảo rằng Bản-viên quá-khích, làm nhiễu-hại quốc gia, cho nên va đâm; và tưởng nếu đâm chết Bản-viên, thì phá đổ cả đảng Tự-do cùng tiêu. Ngay sau khi bị đâm, Bản-viên vẫn tỉnh và nói cứng:

- Bản-viên nầy dầu có chết đi nữa, “tự-do” không khi nào chết được đâu.

Nghe lời nói như thế, đủ rõ cái chí-khí của những tay hoạt-động chánh-trị trong hồi duy-tân ra thế nào? Nhờ có những tay đó mà dân-quyền chánh-đảng nước Nhựt được mau vẻ-vang tấn-tới vậy.

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HIẾN-PHÁP CÒN NHIỀU CHÔNG GAI[sửa]

Giữ lời ước-hẹn với dân, Minh-trị Thiên-hoàng lo dự-bị việc mở Quốc-hội. Tháng hai năm Minh-trị 15, ngài sai Y-đằng Bác-văn cùng mấy tay anh-tài bác-học qua Âu-châu khảo-cứu Hiến-pháp, Y-đằng qua ở Âu-châu xem xét đến một năm ngoài mới trở về. Sau lại đi Âu-châu khảo-cứu một lần nữa; lần nầy về nước mới thảo ra Hiến-pháp dâng lên Thiên-hoàng ngự lãm. Y-đằng dùng nhiều công-phu tâm-lực vào việc nầy. Đại-khái Hiến-pháp Nhựt-bổn gần giống như Hiến-pháp nước Đức. Nguyên-văn do Y-đằng thảo ra, có đôi chỗ chật-hẹp cho dân, nhưng chính vua Minh-trị sửa lại vì ngài muốn chủ-não Hiến-pháp trọng về mục-đích cho dân tự-do tấn-hóa.

Trong khi một mặt Minh-trị Thiên-hoàng sai họ Y-đằng đi Âu-châu khảo-cứu Hiến-pháp, một mặt chánh-phủ “Phiên-phiệt” bày đặt thêm những thể-lệ gắt-gao về việc kết xã lập hội, để trở-ngăn chánh-đảng khó phát-đạt.

Đã vậy mà lúc nầy mấy chánh-đảng lại tranh dành lẫn nhau rồi vu vạ cho nhau, quên mất kẻ thù chung của bọn mình, là chánh-phủ “Phiên-phiệt” kia, thành ra chánh-phủ thừa cơ-hội đó mà dùng thủ-đoạn cương-ngạch để đè ép chánh-đảng.

Các chánh-đảng phải chịu mọi sự thắt-ngặt không nổi cho nên phải rủ nhau giải đảng. Tới hai đảng mạnh thế nhứt, là đảng Tự-do của Bản-viên cùng đảng Cải-tấn của Đại-ôi cũng vậy. Nhưng chỉ bên ngoài họ làm bộ giải đảng, chớ bên trong vẫn giao-thông thinh khí với nhau và cứ bí-mật hoạt-động luôn.

Vì đó, mà luôn mấy năm, lòng dân bị bít mất đầu nọ, tất phải bung ra đầu kia: Có nhiều việc quá-khích bạo-động xảy ra, đến đỗi nhiều người ra tù vô khám vì tội quốc-sự-phạm, hay là bị xử đến tử-hình cũng có. Nhứt là hồi năm Minh-trị 19, chánh-phủ cùng các nước bàn tính sửa lại các điều ước đã ký từ mấy chục năm trước, trong đó có khoản quan-hệ về pháp-luật, chánh-phủ chịu để quan-tòa ngoại-quốc hiệp với quan-tòa Nhựt xử kiện. Khoản nầy làm cho dư-luận nhơn-dân sôi-nổi dữ. Ngoại-giao đại-thần là Tĩnh-thượng-Hinh 井上馨 - Inoue Kaoru phải bãi chức và cả Nội-các Y-đằng phải nhào. (Ta nên biết từ cuối năm Minh-trị 18, trào-đình đã bỏ Thái-chánh-quan mà đổi ra Nội-các (内閣 - Naikaku) như các nước, có Nội các tổng-lý và đại-thần các bộ. Y-đằng Bác-vănlúc nầy làm Nội-các tổng-lý. Nước Nhựt có Nội-các bắt đầu từ đây).

Bây giờ, những chí-sĩ đảng-viên của các đảng cũ lại nhen-nhúm nổi dậy, có Hậu-đằng Tượng-thứ-Lang 後藤像次郎 - Gotou Shoujirouđứng ra liên-kết hết thảy các phe đảng hiệp lại cho có sức mạnh, Hậu-đằng nói:

- “Ngày nay không còn phải là ngày anh em trong nhà chúng ta tranh-“dành xích-mích nhau được nữa. Ta thử ngó qua đại-lục, con đường xe “lửa Tây-bá-lợi của Nga đang làm kia, không bao lâu nữa thì tới Mãn-“châu, kéo dài tới muôn dặm, đó thật là việc có quan-hệ tới sự sanh tử tồn “vong của Đông-dương mình. Vậy anh em chí-sĩ trong nước, nên bỏ “những điều tiểu-dị, lấy nghĩa đại-đồng, cùng nhau kết thành một đoàn-“thể lớn, đặng có thế-lực mà dùng ở trong Quốc-hội nay mai sắp mở ra “đây. Nếu như gặp phải chánh-phủ chuyên-chế thì chúng ta chỉ đá một “cái là nhào chớ lo gì!”

Các đảng-phái cũ nghe lấy làm phải, đều xúm theo ngọn cờ của Hậu-đằng mà trở nên một đoàn-thể có thế-lực rất lớn, bao vây cả chánh-phủ, khiến cho chánh-phủ e-dè lính-quýnh. Các chánh-đảng ở Nhựt có lúc thành cuộc liên-hiệp lại một cánh, là từ cuộc liên-hiệp nầy của Hậu-đằng làm được trước hết.

Giữa ngày lễ mừng Minh-trị Thiên-hoàng kỷ-nguyên năm thứ 22 (1889), Thiên-hoàng công-bố Hiến-pháp thi-hành và ân-xá cho các quốc-sự-phạm. Trải 22 năm, chí-sĩ hoạt-động chánh-trị, thúc đòi Hiến-pháp, thế là nay đã đạt tới mục-đích.

16 NĂM THAY ĐỔI 23 NGHỊ-VIỆN[sửa]

Ngày mùng 1 tháng 7 năm Minh-trị 23 (1890), nước Nhựt có cuộc tổng-tuyển-cử Chúng-nghị-viện thứ nhứt 衆議員(tức như Communes nước Anh hay Chambre dépultés nước Pháp).

Các nước ở Đông-phương, một nước có chánh-trị Hiến-pháp trước nhứt, chính là nước Nhựt.

Phép tuyển-cử ban đầu cũng lựa chọn kỹ-lưỡng, trong số 42 triệu dân Nhựt-bổn lúc ấy chỉ có 46 muôn người đi bỏ thăm, nghĩa là chưa được 1 phần 100 có quyền đầu phiếu.

Thuở đó phần nhiều dân chúng nước Nhựt còn chưa biết yêu-cầu lấy quyền tham-chánh; duy có số ít là hạng chí-khí học-thức biết sốt-sắng lập thành chánh-đảng và hoạt-động chánh-trị mà thôi. Bởi vậy lúc đầu, cái quyền đầu phiếu ít nhiều rộng hẹp thế nào, dân chúng không lấy làm vui buồn gì cả. Song cái số ít kia là cái sức mạnh gớm ghê, địa-vị chánh-trị của dân Nhựt mau tấn-tới chỉ nhờ về cái số ít đó.

Giờ các chánh-đảng lại nổi dậy hoạt-động tự-do. Không đảng nào không ra sức phấn-đấu với chánh-phủ, cái chỗ họ nghi-nan phòng sợ là xem chánh-phủ có giữ đúng tinh-thần Hiến-pháp không? Hay là đặt dùng Nội-các nào có xứng chức đúng tài hay không?

Rồi thì các đảng cũ tái-khởi và nhiều đảng mới tổ-chức ra, danh-hiệu đã nhiều mà chánh-kiến cũng lắm. Hai đảng “Hiến-chánh-đảng 憲政党”, và “Chánh-hữu-hội 政友会” có thế-lực ở nghị-viện Nhựt-bổn ngày nay, thay đổi nhau tổ-chức Nội-các bấy lâu, chính là khai sanh từ hồi Minh-trị duy-tân, sau khi ban hành Hiến-pháp ít năm.

Thiệt vậy, có Hiến-pháp ban hành rồi, phong-trào chánh-trị càng thêm hoạt-động; đã nói rằng lúc nầy có nhiều đảng mới lập ra, danh hiệu đã nhiều mà chánh-kiến cũng lắm. Có khi các chánh-đảng rời nhau ra mà phấn-đấu tranh-dành nhau về chánh-kiến dữ-dội; có khi các chánh-đảng hiệp nhau lại công-kích phản-đối chánh-phủ cũng dữ-dội. Vì đó mà chánh-phủ thường phải dùng cái quyền giải-tán Nghị-viện luôn: Từ Minh-trị 23 đến Minh-trị 39, trước sau 16 năm mà đổi thay tới 22 Nghị-viện. Ta xem như vậy, đủ thấy phong-trào chánh-trị nước Nhựt giữa hồi mới bãi cựu canh-tân đã bồng bột tấn-tới dường nào!

Tuy có lúc các chánh-đảng chia xé gây-gỗ nhau, nhưng không bao giờ họ quên chỗ quyền-lợi tối-cao của quốc-gia. Khi quyền-lợi tối-cao đó cần dùng cả nước đồng-tâm hiệp-lực, thì tức khắc các chánh-đảng liên-hiệp lại ngay. Ví dụ như hồi đánh Tàu năm 1894 và hồi đánh Nga năm 1904-1905, cả nước Nhựt kết-hiệp lại như một người để giúp-đỡ chánh-phủ đến cùng; họ nghĩ mấy lúc có quốc-gia đại-sự, không phải là lúc nên có đảng phái tư-tranh vậy.

CHÁNH-TRỊ HOẠT-ĐỘNG TRƯỚC SAU CÓ BỐN THỜI KỲ[sửa]

Phong-trào chánh-trị nước Nhựt có chỗ nhơn-quả tương-sanh rõ-ràng: Ta xét cuộc vận-động dân-quyền, tức là xét lịch-sử chánh-đảng, mà xét lịch-sử chánh-đảng tức là xét lịch-sử Hiến-pháp.

Thiệt vậy, ngay lúc đầu duy-tân, có cuộc vận-động dân-quyền do những tay chí-sĩ mạnh bạo chủ trương, mới có chánh-đảng lập ra để làm cơ-quan hoạt-động. Rồi có chánh-đảng xướng-xuất, rèn tập chánh-trị cho quốc-dân và thúc-dục chánh-phủ, nên chi mới sớm có Hiến-pháp thi-hành, nếu không thì chưa chắc năm Minh-trị 23, nước Nhật đã có Hiến-pháp đâu.

Nay muốn tóm thâu cái lịch-trình của dân-quyền chánh-đảng nước Nhựt ta có thể chia làm 4 kỳ:

1* - Kỳ thứ Nhứt, khởi từ năm Minh-trị thứ 7 có bọn Bản-viên, Hậu-đằng, Phó-đảo, Giang-đằng dâng biểu xin mở ra Nghị-viện dân-tuyển, cho đến năm Minh-trị thứ 14, là lúc họ Đại-ôi thoát-ly chánh-phủ, ra ngoài hoạt-động. Trong thời-kỳ nầy tuy chưa có chánh-đảng nào tổ-chức ra, nhưng cũng đã có nẩy mầm đắp móng lên rồi, mà Bản-viênchính là người sáng-lập chánh-đảng đầu hết.

2* - Năm Minh-trị 14, có chiếu của Thiên-hoàng kỳ hẹn với quốc-dân đến năm thứ 23 thì mở Quốc-hội. Lúc bấy giờ, Y-đằng Bác-văn cùng mấy vị quan-liêu khác vâng chỉ nhà vua đi qua Âu-châu xem xét để về thảo ra Hiến-pháp; còn dân chúng thì có hai đảng Tự-do và Cải-tấn thành-lập. Nhưng mà chánh-phủ đè nén rất nghiêm, cho nên đảng Tự-do phải đành giải-tán một lúc, rồi đến năm trước khi sửa-soạn mở ra Quốc-hội thì đảng ấy lại dấy lên, xây-dựng cái nền-móng dân đảng liên-hiệp về sau. Ấy là kỳ thứ hai.

3* - Từ năm Minh-trị 23, Quốc-hội mở rồi trở đi, là kỳ thứ ba.

Hồi nầy, hai đảng Tự-do và Cải-tấn, bề ngoài hiệp lại thành ra Dân-đảng để phản-đối chánh-phủ, và chính bên trong thì hai đảng xung-đột lẫn nhau. Chánh-phủ ra sức đề-phòng và chống trả lại; hoặc khi bắt giải-tán Nghị-viện, hoặc lúc phải can-thiệp vào việc tuyển cử. Tuy chánh-phủ ra oai làm khó các đảng không còn thiếu cách gì, nhưng vậy mà bao giờ phe phản-đối cũng chiếm được số đông ở trong Nghị-viện để làm ngặt chánh-phủ luôn luôn.

Tới năm 1894, sau trận Nhật-Thanh giao-chiến trở đi, thì tình-thế xoay đổi ra khác. Bây giờ chánh-phủ biết không thể đè nén các đảng được nữa; mà các đảng cũng hiểu rằng cứ thù-nghịch phản-đối chánh-phủ hoài, là sự bất-lợi. Đảng Tự-do bèn cùng chánh-phủ đề-huề trước hết; thứ đến đảng Tấn-bộ. Chừng đó hai đảng hiệp nhau lại tổ-chức ra Nội-các chánh-đảng. Trên đàn chánh-trị Nhựt, có Nội-các của đảng-phái bắt đầu từ đây. Song bên trong đảng-phái không được thuận-hòa nhau, thành ra Nội-các chánh-đảng phải rả một lúc, nhường cho những người không thuộc về chánh-đảng nào cả. Vậy đủ biết Nội-các vô đảng, vốn khó đứng yên đã đành, mà đến Nội-các chánh-đảng chưa tới ngày giờ chín-chắn thì cũng không vững nào.

4* - Đến kỳ thứ tư, khởi từ năm Minh-trị 31 trở đi, lúc Nội-các chánh-đảng, lúc Nội-các vô đảng, đắp đổi lẫn nhau. Tới đây chánh-phủ và chánh-đảng khéo nhường-nhịn dung-hòa nhau để sửa-sang quốc-chánh.

Tóm lại, chánh-trị nước Nhựt được mau tấn-tới mở-mang, thiệt nhờ cái công-phu của chánh-đảng gây dựng bồi đắp trong đó lớn lắm. Chánh-đảng có công khua-động thức-tỉnh người trong nước mau có giáo-dục chánh-trị, mau hiểu dân-quyền tự-do; chánh-đảng có công kiềm-chế những ngón chuyên-quyền và cứu chữa những điềusai sót của chánh-phủ trong lúc quốc-dân chưa có quyền tham-chánh, nhứt là ở trong chánh-phủ ban đầu lại có cái thế-lực ngang-tàng của đám “Phiên-phiệt”. Sau nữa là chánh-đảng có công hối-thúc Hiến-pháp được sớm ban-hành, Quốc-hội được mau thành-lập.

Có một chỗ Nhựt-bổn khác lạ người ta, ta nên nhìn biết, là các nước Âu Mỹ, thường thường có Hiến-pháp Quốc-hội trước, rồi mới có chánh-đảng sanh đẻ ra sau. Ví dụ như nước Anh là nước có Hiến-pháp làm kiểu-mẫu cho Nhựt bắt chước phần nhiều, xưa kia có Quốc-hội mở ra đến mấy trăm năm rồi mới có chánh-đảng; Nhựt lại trái hẳn: Trước có chánh-đảng rồi sau mới có Quốc-hội đẻ ra. Quốc-hội bên Anh là một nguyên-do sản-xuất chánh-đảng; còn chánh-đảng ở Nhựt thì lại là một cái động-lực làm mẹ của Quốc-hội; đó là cái đặc-sắc lạ-lùng của chánh-trị nuớc Nhật vậy. Còn nói gì trong cái thời-gian có vài chục năm, họ xông pha vùng vẫy trên đường chánh-trị không bao lâu mà có được Hiến-pháp hẳn-hòi như thế, kể ra mau chóng biết sao mà nói cho cùng.

Ta nên nhớ luôn luôn rằng: Trên con đường nầy hay là các con đường nào khác cũng thế, Nhựt-bổn đi tới mục-đích quá mau, đều là do nơi quyết-tâm và lực-lượng của dân hết thảy.

Chú thích[sửa]

  1. Trần-quân viết bài trong số báo Đuốc-nhà-Nam đặc-biệt ngày 9 Février 1934, cho bài thi trên đây của Y-đằng Bác-văn, ấy là sai lầm. Chính của Tây-hương Long-thạnh. Chỉ Tây-hương với thủ-đoạn cách-mạng của Tây-hương mới phát ra bài thơ như thế. Ta nên nhớ hồi đang duy-tân, phe đảng của hai phiên Tát và Trưởng chuyên-quyền, nắm giữ hết các địa-vị trọng-yếu, ngăn-trở dân-quyền, nên chi Tây-hương phẫn-uất mà khởi binh, mới phát ra cái khẩu-khí như bài thơ đó. Còn Y-đằng lúc ấy đang làm quan lớn trong trào, cọng-sự với phe đảng hai phiên Tát-Trưởng, thì làm gì có sự phẫn-uất ấy đâu.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này