Nhật Bản duy tân 30 năm/Vài lời nói trước

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này


VÀI LỜI NÓI TRƯỚC…

Sau hai mươi mấy tháng công phu tìm kiếm góp nhặt những tài liệu cần dùng, tôi đánh bạo viết ra cuốn sách nầy, trong tâm não chỉ có mấy cái quan niệm sau đây là cốt yếu.

Một là để đóng góp vào kho sách quốc văn một cuốn sử-học. Nếu có những người chỉ ham đọc tiểu-thuyết, thi-ca, bài-văn, thần-quái chắc cũng có nhiều người biết đọc những sách về triết-lý, về học-thuyết, về khoa-học, về lịch-sử. Huống chi, bao giờ đọc sử cũng là một điều cần dùng bổ ích cho sự học-vấn, sự tấn-hóa của người ta. Cuộc hưng-vong suy thạnh của quốc-gia dân-tộc nầy, vẫn có thể do nơi sử-học làm tấm gương nên soi hay là dấu xe nên tránh cho quốc-gia dân-tộc kia. Nếu muốn soi gương sáng, theo dấu hay, tự nhiên chúng ta nên biết chuyện Nhựt-bổn duy tân tự cường cũng như nên học sử Pháp-quốc văn minh cách mạng, cùng là các nước tấn hóa hùng cường khác trong thiên hạ vậy.

Hai nữa, Nhựt-bổn duy tân tự cường thật là một hiện tượng lạ lùng quái gở ở trong lịch sử thế giới nhơn loại, xưa nay chưa hề thấy có. Cái hiện tượng ấy phát ra một cách không ngờ, một cách đáng sợ, người ta ở đâu xa xuôi ngàn muôn dặm, biển cách non ngăn, còn phải tìm tòi xem xét cho biết thay, nữa là mình đây ở gần một bên. Càng những dân tộc nào đang yếu muốn mạnh, ngu muốn khôn, dở muốn hay, hèn muốn giỏi, lại càng nên tìm tòi xem xét cho biết cái hiện tượng tấn hóa xưa nay có một đó.

Thiệt vậy, giữa lúc những nước chung nguồn hay khác nguồn văn hóa chủng tộc, xúm xít ở miền đông nầy, đều mê muội đắm chìm, làm con cá nằm giữa thớt đao chinh phục của Tây-phương, duy có một mình Nhựt-bổn vùng dậy quật cường và chống ngăn được làn sóng xâm lược đang ào ào từ tây sang đông, chỉ tràn tới mé biển Trung-quốc và xóm đảo Nam-dương là hết. Mà họ quật cường mau lẹ quá chừng: trên con đường văn minh hiện thời họ dung ruỗi vùn vụt như bay, trong ngoài ba bốn chục năm đuổi kịp Âu-Mỹ đã đi ba bốn thế-kỷ. Trăm công ngàn việc, bỗng dưng thay mặt đổi hình hết thảy, mà quốc thế dân-sự chỉ có tấn tới êm ru, không hề bị lay động tổn thương, không phải nhểu một giọt máu. Thế là trái hẳn với cái công lệ ở trong lịch-sử biến cách xưa nay, phàm quốc-gia dân tộc nào phút chốc đổi thay chính-trị văn hóa như thế, thường không tránh khỏi một phen khiến cho thế nước rung rinh, máu đào linh láng.

Lẽ thứ ba, tới kinh-tế và chánh-trị. Ta với Nhựt là hàng xóm láng giềng, địa thế ngó xiên nhau, chỉ tương cách có một con nước, một mặt biển không bao xa, vậy thì dầu muốn dầu không, lẽ tự nhiên phải có tiếp xúc quan hệ. Người ta phải biết căn nguyên và lực lượng của những kẻ từ cận lân hàng, để hoặc lựa chọn có thể cùng ai thân-giao, hoặc phòng ngừa ai có thể thừa cơ bắt gà đập chó nhà mình, không chừng có lúc ra mặt xâm vườn lấn đất của mình nữa là khác. Trong vòng quốc-tế lân giao, bà con ta phải biết căn nguyên lực lượng của Nhựt-bổn, chính vì lẽ đó.

Vị trí nước mình, cũng như Trung-quốc, chính là một thị-trường vừa tất nhiên, vừa thuận tiện để cho Nhựt-bổn phát-dương cái lực lượng to lớn của họ về kinh tế, công nghệ. Lâu nay, chúng ta đã thấy họ bắt đầu khai khẩn nhiều thứ khoáng sản ở phía bắc Trung-kỳ và từ từ mở mang các công cuộc mua bán đồ sộ ở mấy nơi đô thị lớn của ta. Còn vì nể ông địa chủ ở đây (tôi muốn nói người Pháp) ít nhiều, nên chi cái bước kinh-tế họ đi vào xứ mình khoan thai mà chắc chắn, nhưng cứ tấn tới luôn.

Bên Tinh-châu, kinh-tế lý tài Nhựt- bổn đang muốn áp đảo cả dân bổn-thổ và người Tây-phương ở đó. Ở Xiêm-la cũng vậy. Ở đây rồi cũng có ngày.

Bởi vậy tôi thường suy nghĩ, nếu như chúng ta không rán phấn-phát tự tồn, e một ngày kia không xa, đến những việc làm mối lợi lặt vặt, chẳng phải chỉ có Huê-kiều là tay kình địch mà thôi đâu, sẽ thêm người Nhựt nữa.

Phải biết lúc này chính là lúc Nhựt-bổn đang tầm ngầm bố trí thực hành cái chánh-sách Nam tiến.

Mãn-châu, Hoa-bắc chưa đủ. Nhựt đang muốn xâm lược Hoa-nam và tính toan tràn lấn xuống cả một vùng Nam-Dương gồm hết Ấn-độ, Hòa-lan, Phi-luật-tân, Xiêm-la, Tinh-Châu, mặc lòng những xứ này là lãnh thổ hay phạm-vi thế-lực của các nước Âu-Mỹ. Báo giới Đông-kinh từng nói lò mòi ra như thế, nhứt là phe quân-nhơn. Tuy không nghe họ kể gộp cả tên Đông-dương mình, nhưng Đông-dương nằm vắt ngang trên con đường nam-tiến của họ tất nhiên họ để trong tầm mục chẳng cần nói ra.

Nước cờ ngày nay Nhựt-bổn sửa soạn đi tới, ba bốn chục năm trước đã có nhiều người Pháp tiên liệu rồi. Tôi nhớ hình như có người Pháp đã nói câu nói truyền tụng nầy: “buông Á, lấy Phi” (Lâchons l'Asie, prenons l'Afrique).

Người khác cũng tiên liệu mà cang cường hơn, ví dụ thống tướng Pennequin, cách nay gần bốn chục năm, đã từng đoán định sự-thế tất nhiên mai sau, cho nên ngay hồi bấy giờ, ông đã chủ trương chánh sách khai hoá dân Việt-nam một cách rộng rãi và nên tổ chức ra quân-đội Việt-nam hẳn hòi, để mai sau hiệp lực với người Pháp giữ lấy quê hương đất nước nầy, chống ngăn cái lằn sóng tham-tâm vô yếm của đế-quốc Nhựt-bổn.

Nhiều lần trên mặt báo chí, tôi vẫn nhắc nhở tán-thành cái chánh kiến đó mãi.

Với giống người đông như ổ kiến mà chen chúc nhau, thiếu ăn nghẹt thở, thế tất phải xâm lấn tràn lan ra chung quanh cho được sanh tồn: với giống người thuở nay chỉ quen đánh úp người ta một cách bất ý vô tình, chứ không hạ chiến-thơ trước bao giờ, vậy tưởng xóm giềng lân cận như mình phải lo thủ thân giữ miếng luôn luôn mới được.

Tóm lại, cuốn sách tầm thường này chỉ do mấy cái quan niệm đã giải tỏ trên đây mà viết ra.

*
* *

- “Không hiểu tại sao Nhựt-bổn được văn minh hùng cường mau lẹ quá?”

Ấy là một câu thường nghe nhiều bà con mình hỏi nhau.

Việc gì ở đời cũng phải có nhơn quả tương sanh mới phát hiện ra được. Nói chuyện Nhựt-bổn duy tân tức là nói một chuyện nhơn quả.

Phải, họ duy tân được là bởi họ có đủ tư cách lực-lượng cần dùng, chớ không phải là một sự may mắn, ngẫu nhiên, theo như nhiều người lầm tưởng. Do sự xem xét vội vàng, nhiều người lầm tưởng quốc-thế của Nhựt-bổn cũng như Xiêm-la: chỉ là may mắn mà được độc lập tự tồn giữa lúc các quốc-gia chung quanh đều bị chinh-phục và giữa lúc những lằn sóng Âu-Mỹ xâm lược đổ tràn qua Đông-dương dữ dội. Trái hẳn lại, theo tôi tin chắc, giữa thế kỷ 19, nếu liệt cường Âu-Mỹ muốn lấy Xiêm-la làm thuộc-địa, thật dễ dàng như trở bàn tay, nhưng nếu muốn chinh phục Nhựt-bổn, chắc là không được. Vì Nhựt có tư-cách lực-lượng để độc lập tự tồn. Tư cách lực lượng ấy như là hột giống đã nằm sẵn ở dưới lớp đất rồi, đến lúc gặp thời tiết thúc giục, tự nhiên nó phải nảy mầm đâm ngọn mà trồi đầu lên thành cây.

Bởi vậy, độc-giả mở sách ra, sẽ thấy một chương đầu hết, tôi không ngại gì phải viết dài dòng nhiều giấy, là cốt bày tỏ ra vì sao trong lúc ba bề bốn bên ai nấy đều yếu hèn mất nước, mà chỉ một mình Nhựt-bổn duy-tân tự-cường được như ngày nay, nhờ họ sẵn có những mầm hay giống tốt thế nào? Phải biết từ xưa, dân tộc họ đã có nhiều cái tánh-cách đặc biệt: thượng võ, háo chiến, tự tôn, rất trọng danh dự, coi chết như không. Về văn-hóa tuy là họ cũng làm đệ tử nho giáo và văn tự Trung-quốc, nhưng họ biết lựa chọn để dựng lên một nền văn-hóa riêng. Ai nhắm mắt theo càn, cả từ văn-tự, khoa-cử, từ-chương, chế-độ, thì họ biết rút lấy tinh-hoa, biết dung hiệp, để lập ra một nền giáo dục thiết-thực riêng, tự đặt lấy một lối văn-tự riêng, chớ không chịu bắt bóng theo đuôi, người sao ta vậy. Ai say mê thờ kinh mãi học-thuyết Tống-nho, thì họ biết châm chước tùy thời và đón rước những cái học “Tri hành hiệp nhứt” và “Minh tâm kiến trị” của Vương Dương Minh. Ngay hồi Âu-hoá chưa sang Đông, chỉ có năm ba thương-gia giáo-sĩ Tây-dương phiêu lưu mạo hiểm qua đây, người Nhựt đã biết lần mò dọ hỏi về tình thế thiên hạ và học mót những thuật làm thuốc, thuật đúc súng luyện quân của người ta, chớ không cố chấp tự-kiêu như ai, một lúc có phước đã được người Tây-dương qua tận nhà mình cứu giúp và bày tài nghề ra trước mắt mình mà không biết mở mắt bắt chước!

Rồi đến giữa thế kỷ 19, ngó thấy sức mạnh của Tây-Phương dồn-dập sang Đông, có thể lấn lướt cả những Cù-lao Cửu-châu Tứ-quốc (九州四国 Kyushu Shikoku), người Nhựt tự nghĩ nếu mình không mau tự cường bình đẳng với Tây-phương, tất cũng mang họa vong quốc như ai. Ấy là lúc mầm giống nằm sẵn dưới lớp đất sâu đã được thời tiết thúc giục cho nứt mộng trồi đầu lên trên. Tức thời, từ trào-đình, mạc-phủ, quan-lại, cho đến sĩ-phu, hào kiệt, nhơn-dân, hết thảy đều tỉnh giấc thủ-cựu, dốc lòng tự tán, ai nấy hăm-hở như nhau. Dân tộc đã sẵn có tư-cách lực-lượng rồi, lại được vua quan sĩ thứ đồng tâm nhứt đức, thành ra ngày nay hô lên, ngày mai làm liền, công cuộc duy-tân phăng phăng đi tới như sóng tràn gió thổi: con đường văn-minh Âu-Mỹ đi chẩm rải trên ba thế kỷ, người Nhựt rút lại có ba chục năm!

Muốn thì được; thật người Nhựt đã biết muốn văn-minh, quyết lòng tự-cường, họ đã được văn-minh tự-cường đó. Bao nhiêu ý chí và nghị lực của con người ta, phô bày ra một mực rất cao. Chính họ đã treo lên lớn bự chói lòa một tấm gương “sống chết tự mình cho tất cả những quốc-gia suy-vị, những dân-tộc hậu-tấn trong thiên-hạ cùng soi, nên soi!

Vậy thì cuốn sách này chính là một cuốn sách nên viết ra; mà viết ra chắc không đến nỗi vô ích cho quốc-nhơn đồng bào thì phải.

ĐÀO - TRINH - NHẤT

(Saigon, Octobre 1936)

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này