Phòng ngừa bệnh phù bạch huyết

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phù bạch huyết là tình trạng tích tụ chất lỏng trong các mô mềm của cơ thể do sự tắc nghẽn hay loại bỏ các hạch bạch huyết. Phù bạch huyết thường là do việc loại bỏ hạch bạch huyết sau điều trị ung thư nhưng cũng có thể là do yếu tố môi trường hoặc di truyền. Hầu hết bệnh phù bạch huyết đều xuất hiện trong vòng 3 năm sau phẫu thuật. Phù bạch huyết còn có thể là do sự phát triển bất thường của hệ bạch huyết khi sinh và triệu chứng có thể xuất hiện sau đó. Nhận biết triệu chứng và điều trị sớm là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh phù bạch huyết.

Các bước[sửa]

Phòng ngừa bệnh phù bạch huyết[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ ngay khi nhận thấy dấu hiệu phù bạch huyết. Dấu hiệu phù bạch huyết gồm có tình trạng sưng ở cánh tay, cẳng chân, bàn tay, ngón tay, cổ hoặc ngực. Nếu nhận thấy có dấu hiệu sưng hoặc các dấu hiệu khác (được nêu ở dưới), bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.[1]
    • Nhận biết dấu hiệu ban đầu là cách tốt nhất để ngăn bệnh trở nặng.
    • Không có cách chữa khỏi bệnh phù bạch huyết nhưng điều trị sớm có thể giúp giảm triệu chứng bệnh và ngăn chặn các triệu chứng khác.
    • Bệnh phù bạch huyết có thể xuất hiện vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi điều trị ung thư.
  2. Tránh trích máu từ cánh tay có nguy cơ mắc bệnh phù bạch huyết. Phù bạch huyết thường xuất hiện ở vị trí trên cơ thể được tiến hành phẫu thuật. Bạn nên tránh tiêm hoặc truyền tĩnh mạch ở tay có nguy cơ mắc bệnh phù bạch huyết [1]
    • Khi đo huyết áp, bạn nên đo ở tay ít có nguy cơ bị phù bạch huyết.
    • Nên cân nhắc việc mua vòng tay cảnh báo y tế để cảnh báo người khác không lấy máu, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm vào cánh tay có nguy cơ bị phù bạch huyết.
  3. Không nên tắm nước nóng quá lâu. Không để phần tay hoặc chân có khả năng bị phù bạch huyết tiếp xúc với nước nóng, hơi nóng hoặc những nơi có nhiệt độ cao. Nếu muốn tắm bồn nước nóng, bạn nên tránh ngâm tay vào nước.[2]
    • Không dùng túi chườm nóng hoặc các phương pháp điều trị bằng nhiệt khác.
    • Không nên mát-xa quá mạnh ở vùng có nguy cơ bị phù bạch huyết.
    • Nhiệt độ cao và mát-xa sẽ đẩy chất lỏng của cơ thể về vùng nhạy cảm, từ đó kích thích bệnh phù bạch huyết.
    • Hạn chế để cánh tay tiếp xúc với ánh nắng nếu có thể.
  4. Không mang vác vật nặng hoặc đeo túi nặng trên vai. Để phục hồi sau phẫu thuật hoặc điều trị ung thư, bạn nên tránh dùng bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể để mang vác vật nặng. Bạn nên cẩn thận để tránh tạo áp lực lớn do vật nặng lên cánh tay có nguy cơ bị phù bạch huyết.[2]
    • Khi mang vác vật nặng, bạn nên đưa cánh tay lên cao hơn hông.
    • Sau khi dần khỏe lại, bạn có thể từ từ mang vác các vật nặng.
  5. Không mặc quần áo hoặc trang sức quá chật. Nếu đồng hồ, nhẫn, vòng tay hoặc các trang sức khác thắt quá chặt, bạn nên nới lỏng ra hoặc ngừng đeo. Ngoài ra, nên mặc quần áo rộng và không cản trở chuyển động.[2]
    • Tránh mặc áo có cổ chật nếu có nguy cơ phù bạch huyết vùng đầu hoặc cổ.
    • Quấn hoặc thắt quá chặt quanh cổ, cánh tay, chân, cổ tay và các bộ phận khác trên cơ thể có thể gây tích tụ chất lỏng ở khu vực đó.
  6. Nâng tay/chân lên cao. Nếu có nguy cơ mắc bệnh phù bạch huyết, bạn nên nâng cao phần tay/chân có nguy cơ mắc bệnh lên cao nếu có thể. Cách này giúp ngăn chất lỏng tích tụ về tay/chân để tránh gây sưng.[3]
    • Biện pháp phòng ngừa này hiệu quả nhất trong việc ngăn bệnh phù bạch huyết phát triển ở cánh tay, bàn tay hoặc ngón tay.
    • Nếu nằm ngửa khi ngủ, bạn nên để chân cao hơn tim. Ví dụ, bạn có thể đặt một chiếc gối ở dưới đầu gối hoặc bàn chân.
  7. Thay đổi tư thế. Không ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu. Thay vào đó, bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên. Không bắt chéo chân khi ngồi và nên ngồi dựa lưng khi ở trên giường.[3]
    • Ngồi dựa lưng ngay thẳng khi ở trên giường giúp cải thiện lưu dẫn dịch bạch huyết trong cơ thể.
    • Bạn có thể đặt báo thức trong điện thoại hoặc đặt đồng hồ để nhắc nhở bản thân di chuyển thường xuyên. Ngoài ra, nên tận dụng những vật/sự kiện tự nhiên để nhắc bản thân di chuyển. Ví dụ, khi xem tivi, bạn nên đổi tư thế mỗi khi đến phần quảng cáo.
  8. Mặc quần áo bảo hộ. Vết cắt, cháy nắng, vết bỏng, vết côn trùng cắn, vết mèo cào đều có thể gây dồn chất lỏng về khu vực bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ phù bạch huyết. Mặc quần áo dài, rộng có thể giúp bảo vệ da khỏi những tổn thương này.[2]
    • Nên mặc quần áo rộng rãi, không quá chật.  
    • Không đeo tay áo bảo hộ (thường dành cho các vận động viên) vì tay áo sẽ ép chặt phần cánh tay.
  9. Bảo vệ tay chân khỏi chấn thương. Bất kỳ vết cắt, vết thương hở, vết xước, bỏng ở vùng cánh tay hoặc chân bị phù bạch huyết đều có thể gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng sẽ ngăn dịch bạch huyết lọc vi khuẩn và vi-rút. Dấu hiệu nhiễm trùng gồm có: sưng, đau, đỏ, cảm giác ấm và sốt. Nếu có những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được điều trị và kiểm soát nhiễm trùng.[2]
    • Không để các vật nhọn đâm vào da.
    • Luôn dùng cái đê khi may vá, đeo găng tay dày khi làm vườn và thoa kem chống côn trùng khi ra ngoài.
    • Giữ ẩm cho da bằng cách thoa kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để ngăn da khô và nứt nẻ.
    • Cần cẩn trọng hơn khi cạo râu nếu dùng dao cạo râu thông thường.
    • Nếu làm móng, bạn không được để cắt phải hoặc kéo đứt lớp biểu bì. Nên đi làm móng ở nơi có thợ biết rõ tình trạng sức khỏe của bạn để được lưu ý đặc biệt. Nếu thợ làm móng là người mới, bạn nên hỏi kỹ tình trạng sức khỏe của họ. Không làm móng ở nơi bị đánh giá vệ sinh kém hoặc nơi có khách hàng từng bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm vi-rút.
    • Đeo găng tay khi làm việc nhà hoặc làm vườn để tránh tổn thương vùng bàn tay, ngón tay hoặc móng.
    • Mang giày bít ngón, thoải mái để giảm nguy cơ tổn thương bàn chân và ngón chân.
  10. Áp dụng chế độ ăn cân bằng và ít muối. Mỗi bữa ăn nên có 2-3 phần hoa quả và 3-5 phần rau củ. Ăn thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm bánh mì, ngũ cốc, mì ống từ ngũ cốc nguyên hạt, cơm, rau củ quả tươi. Tốt nhất nên tránh tiêu thụ thức uống chứa cồn (tối đa 1 phần mỗi ngày). [4]
    • Tránh tiêu thụ thức ăn nhanh hoặc đồ ăn vặt nhiều calo, không đảm bảo dinh dưỡng. Không những nhiều calo và ít dinh dưỡng, những thực phẩm này còn chứa hàm lượng muối rất cao.
    • Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và sản phẩm thịt đã qua xử lý như xúc xích hoặc thịt hun khói.
  11. Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân hoặc béo phì đều góp phần làm tăng nguy cơ phù bạch huyết. Cân nặng dư thừa sẽ tăng thêm áp lực lên vị trí trên cơ thể đã bị sưng, từ đó ảnh hưởng đến quá trình lưu dẫn dịch bạch huyết.[5]
    • Chế độ ăn cân bằng, tập thể dục và tuân thủ đúng nguyên tắc là chìa khóa quan trọng giúp duy trì cân nặng lý tưởng.
    • Nếu cần sự giúp đỡ, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra gợi ý dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn.
  12. Duy trì lối sống lành mạnh. Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp ngăn bệnh phù bạch huyết phát triển. Bạn nên tuân thủ thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để có lối sống khỏe mạnh.[4]
    • Ngủ đủ giấc giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh phù bạch huyết.
    • Trao đổi với bác sĩ để thiết lập chương trình tập thể dục tốt cho sức khỏe. Các bài tập thể dục cường độ mạnh không được khuyến nghị. Bạn nên cố gắng tập thể dục hàng ngày.
  13. Không hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm hẹp mao mạch và các mạch máu nhỏ, khiến chất lỏng khó tuần hoàn tự do trong cơ thể. Hút thuốc lá còn lấy đi lượng oxi và các dưỡng chất cần thiết khác cho tuần hoàn chất lỏng được diễn ra suôn sẻ. Độ đàn hồi của da cũng bị tổn thương do hút thuốc lá. [6]
    • Nếu cần sự giúp đỡ để cai thuốc lá, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về cách bỏ thuốc. Hiện có nhiều nguồn trợ giúp để giúp bạn bỏ thuốc lá.
    • Bỏ thuốc lá còn giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư và vấn đề sức khỏe khác.

Nhận biết triệu chứng bệnh[sửa]

  1. Lưu ý vết sưng ở cánh tay, chân, vú hoặc bàn tay. Sưng mô mềm cánh tay hoặc chân là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh phù bạch huyết. Trong giai đoạn đầu, da vẫn còn mềm và vùng bị sưng sẽ lõm khi ấn xuống. [3]
    • Bác sĩ có thể dùng thước dây để đo vùng bị sưng và theo dõi vị trí sưng.
    • Ở giai đoạn sau của bệnh phù bạch huyết, vùng sưng sẽ trở nên chắc lại và cứng. Khi ấn vào vùng bị sưng sẽ không bị lõm xuống.
  2. Chú ý đến cảm giác nặng cánh tay hoặc chân. Bên cạnh vết sưng hoặc trước khi thấy vết sưng, bạn có thể cảm thấy chất lỏng tích tụ gây cảm giác nặng và khó di chuyển cánh tay hoặc chân. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh bạch huyết, đây có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh.[3]
    • Nếu từng tiếp nhận phẫu thuật, xạ trị hoặc phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết, bạn nên soi mình trong gương để phát hiện vùng sưng (nếu có).
    • So sánh hai bên cơ thể để tìm ra sự khác biệt.
  3. Lưu ý nếu gặp khó khăn trong việc di chuyển khớp. Cảm giác cứng ngón tay, ngón chân, đầu gối, khuỷu tay và các khớp khác có thể là dấu hiệu tăng dịch tích tụ do phù bạch huyết. Mặc dù có nhiều nguyên do gây cứng khớp nhưng áp lực ở khớp do tích tụ dịch cơ thể có thể là dấu hiệu của bệnh phù bạch huyết.[7]
    • Triệu chứng bệnh phù bạch huyết có thể xuất hiện từ từ hoặc xuất hiện cùng lúc.
    • Hiểu rõ bản thân để nhận biết dấu hiệu bất thường.
  4. Lưu ý nếu ngón chân hoặc chân cảm thấy ngứa, bỏng rát. Đó có thể là dấu hiệu của viêm mô tế bào - bệnh nhiễm khuẩn ở da và không lây nhiễm. Vì bệnh phù bạch huyết ảnh hưởng đến hệ miễn dịch nên bạn cần đi khám bác sĩ ngay khi thấy triệu chứng viêm mô tế bào.[8]
    • Viêm mô tế bào có thể do vết côn trùng cắn hoặc vết trầy xước.
    • Bác sĩ sẽ điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh. Không được chủ quan khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn vì nhiễm khuẩn có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng.
  5. Kiểm tra dấu hiệu da dày lên (tăng sừng hóa). Chất lỏng tích tụ có thể khiến da dày lên. Nếu nhận thấy vùng da dày hơn ở cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân hoặc những thay đổi khác ở da như nổi mụn nước hoặc mụn cóc, đó có thể là dấu hiệu của bệnh phù bạch huyết.[9]
    • Giữ sạch da là một bước quan trọng đối với người bị tăng sừng hóa.
    • Dùng kem dưỡng ẩm có tác dụng chữa bệnh hàng ngày và tránh dùng lotion chứa lanolin hoặc lotion có mùi thơm.
  6. Lưu ý khi thấy quần áo hoặc trang sức không vừa người. Người mắc bệnh phù bạch huyết thường cảm thấy không thoải mái khi mặc áo ngực, ngay cả khi không tăng cân. Ngoài ra, đeo nhẫn không vừa tay, không thoải mái khi đeo đồng hồ và vòng tay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh phù bạch huyết. [10]
    • Bạn có thể gặp tình trạng khó đưa vừa một bên cánh tay vào tay áo.
    • Vì triệu chứng bệnh phù bạch huyết có thể phát triển từ từ nên bạn sẽ không cảm thấy sưng ở vai hoặc cánh tay cho đến khi gặp khó khăn trong việc mặc áo. Nếu thấy quần áo chật một bên hoặc khó mặc vừa áo thun, áo khoác ôm người, bạn nên lưu ý để phát hiện dấu hiệu bệnh phù bạch huyết.
  7. Quan sát dấu hiệu da căng, sáng bóng, ấm hoặc đỏ. Da có thể "sáng bóng" hoặc "căng ra". Đó có thể là dấu hiệu viêm mô tế bào. Nếu màu sắc hoặc kết cấu của da thay đổi, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.[11]
    • Vùng da bị ảnh hưởng có thể lan rộng nhanh chóng khi quan sát.
    • Một số triệu chứng khác (không thường gặp) bao gồm mệt mỏi, sốt, đau nhức hoặc triệu chứng giống cảm lạnh.

Nhận biết dấu hiệu trên đầu/cổ[sửa]

  1. Lưu ý tình trạng sưng vùng mắt, mặt, môi, cổ hoặc dưới cằm. Dấu hiệu phù bạch huyết đầu và cổ thường xuất hiện 2-6 tháng sau điều trị ung thư ở vùng đầu. Đôi khi bệnh phù bạch huyết sẽ phát triển trong thanh quản và họng (miệng và cổ họng). Bệnh cũng có thể phát triển ngoài cổ và mặt hoặc cả hai, tùy thuộc vào kênh bạch huyết bị tắc nghẽn.[12]
    • Đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh phù bạch huyết vùng đầu hoặc cổ.
    • Tình trạng sưng nếu không kiểm soát có thể dẫn đến viêm và nhanh chóng trở nên mất kiểm soát.
  2. Cảm nhận tình trạng căng hoặc sưng ở vùng cơ thể bị ảnh hưởng. Vì sẽ khó nhìn thấy dấu hiệu sưng vùng đầu và cổ nên triệu chứng đầu tiên của bệnh phù bạch huyết ở đầu và cổ thường là thông qua cảm nhận. Bạn nên lưu ý nếu thấy bất kỳ dấu hiệu căng nào ở vùng đầu và cổ.[12]
    • Bạn có thể cảm thấy khó cử động đầu, cổ hoặc mặt. Da cũng có cảm giác cứng hoặc khó chịu mặc dù không nhìn thấy rõ dấu hiệu sưng.
    • Bác sĩ có thể tiến hành thêm xét nghiệm để kiểm tra bệnh phù bạch huyết, bao gồm kỹ thuật hạt nhân phóng xạ hình ảnh của hệ bạch huyết hoặc một kỹ thuật hình ảnh khác dựa trên việc tiêm thuốc nhuộm tương phản để thể hiện sự bất thường của tuần hoàn dịch bạch huyết.
  3. Cảnh giác nếu tình trạng sưng mắt ảnh hưởng đến thị lực. Mờ mắt, chảy nước mắt nhiều hoặc mất kiểm soát, đỏ mắt, đau hốc mắt đều có thể là dấu hiệu của hội chứng phù bạch huyết-lông mi kép. Đây là bệnh di truyền ngay khi sinh nhưng có thể đến tuổi dậy thì dấu hiệu bệnh mới xuất hiện. [13]
    • Sự tăng trưởng của lông mi mọc thêm dọc theo lớp lót bên trong của mí mắt cũng là dấu hiệu của hội chứng phù bạch huyết-lông mi kép.
    • Các vấn đề thị lực khác do căn bệnh này bao gồm giác mạc cong bất thường và sẹo giác mạc.
  4. Quan sát nếu gặp tình trạng khó nuốt, khó nói hoặc khó thở. Ở trường hợp phù bạch huyết nghiêm trọng hơn, mô sưng ở cổ và họng sẽ ảnh hưởng đến các chức năng bình thường. Bạn có thể bị chảy nước miếng hoặc rơi thức ăn khỏi miệng.[3]
    • Tình trạng sưng có thể dẫn đến nghẹt mũi hoặc đau trong tai. Sưng có thể ảnh hưởng đến tuyến xoang và hốc xoang.
    • Để xác nhận phù bạch huyết ở cổ và đầu, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Những xét nghiệm này cho thấy vị trí của dịch bạch huyết trong đầu.

Lời khuyên[sửa]

  • Ngay cả khi có nguy cơ mắc bệnh phù bạch huyết, bạn cũng nên đi khám bác sĩ để được loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng phù bạch huyết.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn như sốt trên 38°C, toát mồ hôi, ớn lạnh dai dẳng, phát ban trên da hoặc những bất thường khác trên da như đau, đỏ hoặc sưng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]