Sơ cứu khi không có băng, gạc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hầu hết vết thương đều đến một cách bất ngờ, không lường trước được. Phần lớn chúng ta không hề sẵn sàng cho việc sơ cứu và cho đến khi tìm được hiệu thuốc để mua băng gạc cũng như những thứ cần thiết khác hay đến được bệnh viện trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng hơn, ta phải vật lộn với việc xử lý vết thương bằng bất kỳ vật dụng nào tìm được. Để đáp ứng yêu cầu chủ chốt của sơ cứu cơ bản: ổn định tình trạng nạn nhân, ngăn ngừa nhiễm trùng, cầm máu và cố định khi nghi ngờ gãy xương, bạn cần "suy nghĩ sáng tạo" và tận dụng mọi thứ hiện có hay tìm được. Bạn cũng nên cân nhắc trau dồi hiểu biết về sơ cứu bằng cách đăng ký khóa đào tạo sơ cứu và hồi sức tim phổi (CPR) do Hội Chữ Thập Đỏ hay Hiệp hội Tim mạch tổ chức.

Các bước[sửa]

Đánh giá tình trạng nạn nhân[sửa]

  1. Đánh giá tình huống. Dù nóng lòng giúp đỡ, nếu để bản thân cũng bị thương, bạn sẽ chẳng giúp ích được gì. Trước khi tiếp cận người bị nạn, hãy chắc rằng không có nguy hiểm nào, chẳng hạn như xe cộ, công trình dễ sụp đổ, dây điện bị sa xuống, nước chảy xiết, tình huống bạo lực, cháy nổ hay khí độc hại ở khu vực đó.[1] Nếu nguy cơ vẫn hiện diện và tiếp cận người bị nạn là quá mạo hiểm, hãy gọi giúp đỡ và giữ an toàn cho bản thân.[1] Tiếp cận nạn nhân khi an toàn được đảm bảo.
    • Một cách bảo vệ khác có thể bạn sẽ cần đến là mặc bất kỳ thiết bị bảo hộ cá nhân hiện có nào, chẳng hạn như găng tay, nhằm tránh lây nhiễm qua đường máu từ người bị nạn.[1]
  2. Đạt được sự chấp thuận. Trước khi tiến hành sơ cứu, bạn phải cố đạt được sự đồng thuận của người bị thương - lời nói hoặc cử chỉ. Bạn nên cho họ biết mình là ai, đã được đào tạo đến mức nào và sau đó, hỏi liệu bạn có thể sơ cứu cho họ hay không.[1]
    • Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, rối trí, thiểu năng trí tuệ, chấn thương hoặc bệnh nghiêm trọng, sự đồng thuận được ngầm hiểu là đã có và bạn được phép tiến hành hỗ trợ.[1]
    • Với trẻ nhỏ, bạn phải có được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người bảo hộ. Nếu họ không có mặt và đó là tình huống đe dọa tính mạng, sự đồng thuận được ngầm hiểu và bạn có thể tiến hành hỗ trợ các bé.[1]
    • Nếu người bị thương từ chối hỗ trợ, bạn buộc phải tôn trọng quyết định của họ, kể cả khi đó là vết thương nghiêm trọng và là tình huống đe dọa tình mạng.[1]
  3. Đánh giá các chức năng thiết yếu. Đó là nguyên tắc ABC: A - đường thở (airway), B – hơi thở (breathing) và C – tuần hoàn (circulation). Đặt nạn nhân nằm ngữa và cúi sát đầu, cổ nạn nhân để có thể đánh giá tốt hơn.[2]
    • Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, đừng quên trò chuyện trong lúc thực hiện nhằm giúp họ bình tĩnh và hạ bớt nhịp tim. Nếu có thể, cố hướng nạn nhân nhìn về chỗ khác để họ không thấy vết thương.
  4. Kiểm tra đường thở. Nếu người đó bất tỉnh và không có nguy cơ chấn thương cổ hay cột sống, đặt một tay lên trán và tay kia dưới cằm người bị nạn. Nhẹ nhàng đẩy trán bằng một tay và nâng cằm lên trên bằng tay còn lại để mở đường thở. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng mở ở đường thở của người bị nạn, [2] kiểm tra liệu có bất kỳ cản trở nào trong miệng của họ hay không.
    • Nếu tỉnh táo, có thể nạn nhân sẽ cho bạn biết liệu đường thở có bị tắc nghẽn hay không.
    • Nếu nghi ngờ chấn thương cổ hay cột sống, dùng biện pháp đẩy hàm: nắm giữ hai bên hàm và kéo lên, mở đường thở mà không ảnh hưởng đến cổ hay cột sống.
  5. Kiểm tra hơi thở. Quan sát sự nâng lên ở vùng ngực, lắng nghe tiếng khí ra, vào phổi, cảm nhận hơi thở bằng cách đưa mặt lại gần, ngay trên miệng nạn nhân.[2][3]
    • Nếu bất tỉnh nhưng vẫn hít thở bình thường, nạn nhân nên được đặt về tư thế hồi phục, nằm nghiêng một bên với đầu ngả ra sau, tay trên đặt dưới đầu và tay dưới gập lại hoặc duỗi thẳng. Chân cách xa mặt đất (chân trên) nên gập lại để có thể cố định và giữ nạn nhân không bị đổ về phía trước. Đừng chuyển nạn nhân về tư thế phục hồi khi nghi ngờ chấn thương cột sống. Theo dõi hơi thở của họ.[4]
    • Kiểm tra mạch đập. Bạn không cần đo mà chỉ cần kiểm tra sự tồn tại của mạch. Bạn có thể nhanh chóng cảm nhận mạch đập bằng cách đặt hai ngón tay ở cổ họng người bị nạn, ở vùng hõm vào, ngay một bên khí quản.[5] Ấn nhẹ.
    • Nếu nạn nhân không thở, tiến hành CPR hay hồi sức tim phổi. Nhớ rằng phương thức thực hiện được khuyến nghị của CPR đã thay đổi trong vài năm gần đây: nghiên cứu cho thấy CPR chỉ bằng ép ngực (không hà hơi, thổi ngạt) cũng hiệu quả như phương pháp truyền thống (bao gồm cả hà hơi, thổi ngạt). [6]
    • Để sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp, bạn nên tham dự lớp tập huấn về CPR nhằm học được quy trình thực hiện CPR một cách bài bản và có cơ hội thực hành.
    • Ý thức rằng CPR không phải là phương pháp gọn gàng, đẹp đẽ. Ép ngực thường dẫn đến gãy xương sườn. Hãy lường trước điều đó.
  6. Kiểm tra tuần hoàn. Một khi đã kiểm tra hơi thở, hãy quan sát, tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu chảy máu nghiêm trọng nào. Khi biết nạn nhân còn thở, bạn có thể chuyển sang xử lý các vết thương hở bằng cách ép chặt và nâng vùng bị thương lên cao hơn vị trí của tim. Phần 3 sẽ trình bày chi tiết hơn về vấn đề này.[2]
    • Quan sát dấu hiệu bị sốc. Giữ nạn nhân ấm và thoải mái. Cả sốc và thiếu máu đều có thể dẫn đến tình trạng thân nhiệt bị hạ. Bạn có thể trùm khăn, áo khoác hoặc bất kỳ vật giữ ấm nào cho người bị nạn.[2]
    • Để nạn nhân được yên tĩnh hết mức có thể. Dù đứng hay ngồi thì người đó cũng nên được giữ bình tĩnh và thanh thản.
  7. Gọi giúp đỡ. Một khi tình trạng của người bị nạn đã được ổn định, hãy nhanh chóng gọi Dịch vụ Khẩn cấp nhờ giúp đỡ. Nếu nạn nhân vẫn đang chảy máu, hãy yêu cầu ai khác gọi cấp cứu trong lúc bạn giúp đỡ họ.[7] Để hiểu quả, bạn phải chỉ định đích danh ai đó. Đừng hét vào đám đông mà hãy chọn một người và nói: "Anh! Người mặc áo xanh! Gọi 115!"
    • Nếu là người duy nhất ở đó, hãy dùng điện thoại của bạn để gọi giúp đỡ. Nếu không mang theo điện thoại, tìm người qua đường hoặc một nơi có thể sẽ có điện thoại.

Ngăn ngừa nhiễm trùng[sửa]

  1. Rửa sạch vết thương. Rửa và làm sạch vết thương với bất kỳ thứ gì bạn có. Hiển nhiên nước uống là lựa chọn đầu tiên – khi phù hợp để uống, chúng cũng phù hợp cho những mục đích sử dụng khác. Nếu không có nước sạch, bạn cũng có thể dùng đồ uống có ga, chẳng hạn như coca. Nếu may mắn tìm được một chai nước rửa tay nhỏ, hãy dùng nó rửa vết thương.[8]
    • Dừng dùng bất kỳ thứ gì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chẳng hạn như nước trái cây, thuốc mỡ hay sữa. Tương tự với nguồn nước ao hồ hay sông suối cáu bẩn. Nếu gần bờ biển, hãy để đại dương làm sạch vết thương. Nước biển mặn và có thể thay thế dung dịch nước muối, làm sạch vết thương của bạn.
  2. Cho nước chảy qua và rửa vết thương. Rửa vết thương dưới vòi nước chảy là biện pháp được khuyên dùng và đó là một trong những cách ngăn ngừa nhiễm trùng tốt nhất.[8]
    • Nếu có nước uống tinh khiết, hãy để nó chảy qua vết thương vài phút. Bạn nên dùng khoảng 2 lít nước – xấp xỉ một chai soda lớn.
  3. Chấm khô vùng bị thương. Tìm đồ có thể giúp bạn làm khô vết thương, chẳng hạn như mẩu vải, khăn hay vật liệu mềm khác. Tránh dùng bất kỳ vật dụng có lông nào bởi những sợi này có thể vương lại hoặc bám vào vết thương.[9]
  4. Chải sạch bụi bẩn, mảnh bám trên vết thương. Nếu không có nước, chất lỏng hoặc đang ở khu vực hoang vu, dùng một phần quần áo làm sạch mọi mảnh bám trong vết thương. Cố chọn phần sạch nhất trên áo hay quần.[8]

Kiểm soát tình trạng chảy máu[sửa]

  1. Kiểm tra vết thương. Bạn cần biết mức nghiêm trọng của tình huống mất máu cần xử lý. Ngay sau khi làm sạch vết thương, hãy kiểm tra độ sâu và bất kỳ dấu hiệu tổn thương mạch máu nào, chẳng hạn như máu chảy thành tia hay theo mạch đập. Trung bình, một người có khoảng 8 lít máu, mất 10% lượng máu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm mất ý thức và không đủ máu để nuôi những cơ quan thiết yếu trong cơ thể.[8]
    • Lúc này, bạn cũng nên đánh giá độ sâu của vết thương: một khi tìm được đến chăm sóc y tế, vết thương từ 1 cm trở lên thường cần được khâu.
    • Đừng di chuyển vật thể cắm vào vết thương. Để nguyên ở đó: chúng đang giúp ngăn chảy máu. Di chuyển chúng thật sự sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Với đối tượng này, chúng ta cần chuyên gia y tế để có thể lấy khỏi vết thương mà không làm tổn hại đến bất kỳ cơ quan nội tạng nào hay dẫn đến mất máu trầm trọng trong quá trình đó.[10]
  2. Cầm máu. Bởi không có gạc hay băng, hãy ép chặt vết thương bằng vật sạch và thấm nước, chẳng hạn như áo, khăn hay tất. Khi sũng máu, đừng lấy khỏi vết thương - điều này có thể phá vỡ bất kỳ sự đông máu đang hình thành nào. Thay vì vậy, đặt một vật khác lên trên và tiếp tục ép xuống.[7]
    • Nếu vật thể nào đó vẫn còn mắc kẹt trong vết thương, ấn chặt quanh vật đó. Ép vào vết thương giúp làm chậm tốc độ chảy máu.[7]
    • Nếu vết thương bị hở và chảy máu nhiều, cố bịt vết thương bằng khăn hay mền hoặc tampon nếu có rồi ép chặt. Lúc này, cầm máu quan trọng hơn vấn đề nhiễm trùng.
    • Một số khóa đào tạo sơ cứu gợi ý dùng gờ thẻ ngân hàng "bịt" vết thương – đó là vật tiện dụng bởi rất nhiều người có chúng. Nó không chỉ giúp ngăn chảy máu mà còn có thể phòng ngừa suy phổi (bẳng cách giữ không khí không xâm nhập vào vết thương) nếu đó là vết thương ở ngực.[11]
    • Nếu máu chảy ồ ạt, dùng một tay ép động mạch chính dẫn đến vùng bị thương trong lúc tay kia tiếp tục ép lên vết thương. Những vùng này được gọi là "điểm ép". Ví dụ, để giảm chảy máu ở tay, ép vào phía trong cánh tay ngay trên khuỷu tay hoặc ngay dưới nách. Nếu bị thương ở chân, ép vào vị trí ngay dưới gối hoặc ở vùng bện.[7]
    • Trong một số tình huống nhất định, có thể bạn sẽ cần dùng ga-rô. Ga-rô chỉ nên dùng ở tay, chân, khi ép chặt là không đủ để kiểm soát tình trạng chảy máu nguy hiểm ở chi hoặc ở đó có vết thương nguy hiểm tính mạng, chẳng hạn như tay, chân bị cán hay chặt đứt.[12]
  3. Đặt lại tư thế sao cho vết thương cao hơn tim. Nhờ đó, giảm mất máu. Nếu nạn nhân có thể ngồi, hãy để họ tự chuyển sang tư thế ngồi thẳng. Nếu nạn nhân không ngồi được, hãy giúp họ nếu có thể.[7]
    • Đừng để nạn nhân đi lại. Đi lại và đặc biệt là chạy có thể tác động đến hệ tuần hoàn như một chiếc bơm thứ hai và cũng như tim, trong nhiều trường hợp, chúng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề y tế.
  4. Che chắn chỗ băng bó. Bởi không có gạc hay băng, bạn cần dùng một phần quần áo (áo sơ-mi, áo khoác, tất, v.v.) hoặc những thứ khác (từ lều, bè, v.v.) để che chắn khi máu đã ngừng hoặc chảy chậm lại. Hoặc, bạn cũng có thể dùng cây đắp lên vết thương và cầm máu. Hãy tìm cây có lá đủ to, che được vết thương. Tùy hệ động thực vật trong khu vực, có thể bạn còn tìm được một số cây hay lá có khả năng chữa bệnh, chẳng hạn như Liên mộc.[7]
    • Tránh dùng khăn giấy hay giấy vệ sinh bởi chúng rất mỏng manh và có thể thật sự gây hại với vụn giấy và mảnh rách. Bất kỳ loại vải thấm máu tốt nào cũng có thể được dùng để ép vết thương.
    • Đừng lấy hoặc di chuyển những vật được dùng để băng bó này bởi làm vậy sẽ cản trở sự đông máu và khiến nạn nhân bị chảy máu trở lại. Khi sũng máu, hãy đặt vải khác lên trên.
    • Cẩn thận với vết thương ở ngực. Che chắn vết thương với những thứ như giấy bạc, túi bóng hay màng bọc thực phẩm. Chỉ che chắn 3 phía và trừ lại một hướng không băng bó để có lối cho khí thoát ra thay vì đi vào khoang màng phổi ở ngực. Khi khí vào khoang màng phổi, bệnh nhân có thể sẽ bị suy phổi.
  5. Siết chặt vùng băng bó. Xé quần áo thành từng dải hoặc dùng dây, băng keo, dây thừng cố định đồ băng bó. Đừng buộc quá chặt, gây trở ngại sự lưu thông của máu đến vùng bị thương.
    • Nếu không có bất kỳ vật gì để cố định đồ băng bó, hãy đơn giản ép tiếp, giúp hình thành máu đông.[7]

Cố định phần xương nghi ngờ bị gãy[sửa]

  1. Cẩn trọng trong việc di chuyển. Chỉ làm vậy nếu người bị nạn đang có mối nguy hiểm cận kề, chẳng hạn như cháy nổ, tai nạn xe hay những nguy cơ tiềm tàng khác. Nếu nạn nhân bị trượt ngã và cảm thấy đau cổ hoặc không thể cử động tay/chân, tuyệt đối đừng di chuyển họ. Khi nghi ngờ tổn thương tủy sống, hãy để nạn nhân ở yên tại chỗ cho đến khi cứu thương đến cùng cáng và vòng cổ. Cố định họ ở vị trí tìm thấy và gọi cấp cứu ngay lập tức.[13]
    • Bất kỳ di chuyển nào cũng có thể dẫn đến bại liệt. Do đó, trấn an người bị nạn trong lúc chờ cứu thương là điều tốt nhất có thể làm trong tình huống này.[14]
    • Với những trường hợp gãy xương khác, chẳng hạn như ở tay hoặc chân, chỉ tiến hành sơ cứu nếu cứu thương không thể đến sớm bởi di chuyển và xử lý gãy xương có thể sẽ lợi bất cập hại. Tuy nhiên, nếu không thể ngay lập tức được chăm sóc ở cơ sở y tế, bạn có thể hỗ trợ cố định xương và giảm đau với những chỉ dẫn dưới đây.
  2. Tạo đai đeo. Nếu bị thương chi trên, chẳng hạn như một cánh tay, bạn có thể dùng vai tạo đai đeo sẵn có một cách dễ dàng cùng áo sơ-mi hoặc áo len. Cẩn thận đặt tay không bị thương ngoài vạt áo trong lúc áo vẫn được choàng quanh cổ. Kéo áo lên đến khuỷu tay, gập khuỷu tay 90 độ và thả lỏng khủy tay trên phần áo đã được vén lên. Nhờ đó, cố định chỗ gãy trên vai, khuỷu tay, cẳng và cổ tay một cách an toàn.
    • Nếu có kéo hoặc dụng cụ khác, bạn cũng có thể cắt áo hoặc những đồ bằng vải khác, chẳng hạn vỏ gối, thành đai đeo truyền thống. Cắt vải thành một hình vuông to (250 cm2) và gấp chéo thành tam giác. Một đầu đai đeo nên đặt dưới cánh tay và vòng qua vai. Đầu còn lại vòng qua vai kia. Cột hai đầu sau lưng người bị nạn.[15]
    • Đai đeo không chỉ giúp giảm đau đáng kể mà còn giữ xương gãy không di chuyển.
  3. Dùng nẹp bó và đỡ tay hay chân bị gãy. Đừng cố nắn lại xương.[16] Để làm nạp, bạn có thể dùng những thứ có sẵn hoặc tìm được gần đó. Hãy tìm vật cứng, chẳng hạn như tấm ván, cây gậy, cuộn giấy báo, v.v.[13]
    • Nẹp nên dài quá khớp xương nằm trên và dưới chỗ gãy. Ví dụ, nếu chân dưới bị gãy, thanh nẹp nên kéo dài từ trên đầu gối đến quá mắt cá.[13]
    • Hộp các-tông là vật dụng cố định tuyệt vời cho chi dưới. Bạn sẽ phải xử lý đôi chút bằng cách xé hoặc cắt bớt các cạnh để chúng vừa vặn với vùng bị thương. Bạn cần đặt thẳng hộp trên mặt đất, luồn xuống dưới và bọc lấy chân. Cố định các miếng các-tông bằng băng keo, dây thừng hoặc vải xé từ quần áo của bạn. Đừng quên gấp cạnh hộp ở phần dưới nhằm hỗ trợ và cố định khớp xương – rơi xuống có thể sẽ vô cùng đau đớn trong tình huống này. Đừng cố di chuyển chi dưới. Hãy để nó ở vị trí thoải mái nhất với người bị thương.
  4. Bọc nẹp. Dùng quần áo, khăn, mền, gối hay bất kỳ vật mềm mại nào mà bạn có. Cố định nẹp ở vùng bị thương bằng thắt lưng, dây thừng, dây giày hay bất kỳ vật gì thuận tiện. Cẩn thận khi đặt nẹp, tránh làm cơ thể bị tổn thương thêm. Bọc kỹ để nẹp chỉ cố định mà không tạo thêm áp lực cho vùng bị thương.[13]
  5. Giảm thiểu tình trạng sưng tấy. Nếu có đá, chẳng hạn như ở thùng hay túi giữ lạnh, hãy chườm lên vùng bị thương để giảm thiểu sưng tấy. Trong trường hợp quẫn bách, bạn thật sự có thể dùng bất thứ gì lạnh, chẳng hạn như một lon soda lạnh.[17]

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn gọi giúp đỡ khi có thể. Trong lúc chờ cấp cứu, tiếp tục theo dõi đường thở, hơi thở và tuần hoàn của người bị nạn.[18]

Cảnh báo[sửa]

  • Bài viết này không thay thế lời khuyên y tế có tính chuyên môn, xử lý khẩn cấp hay đào tạo sơ cứu bài bản.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 http://www.redcross.org/images/MEDIA_CustomProductCatalog/m48840210_CPRO_Handbook.pdf
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 http://www.redcrossfirstaidtraining.co.uk/News-and-legislation/latest-news/2010/September/Tip-of-the-month-sept.aspx
  3. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000022.htm
  4. http://www.nhs.uk/conditions/accidents-and-first-aid/pages/the-recovery-position.aspx
  5. http://www.nhs.uk/chq/Pages/2314.aspx?CategoryID=72&SubCategoryID=725
  6. http://circ.ahajournals.org/content/122/18_suppl_3.toc
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 7,4 7,5 7,6 http://www.health.harvard.edu/family_health_guide/emergencies-and-first-aid-direct-pressure-to-stop-bleeding
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 Bret Nicks, Elizabeth Ayello, Kevin Woo, Acute Wound Management : Revisiting the approach to Assessment , Irrigation and Closure, Journal of International Emergency Medicine, 2010, Dec, 3 (4) 399-407.
  9. http://www.nhs.uk/chq/Pages/1054.aspx?CategoryID=72&
  10. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid/basics/art-20056604
  11. http://www.walesonline.co.uk/news/wales-news/tm_objectid=16653444&method=full&siteid=50082&headline=son-uses-credit-card-to-stem-stab-wound-name_page.html
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2660095/
  13. 13,0 13,1 13,2 13,3 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000040.htm
  14. http://www.health.harvard.edu/family_health_guide/emergencies-and-first-aid-how-to-splint-a-fracture
  15. http://www.health.harvard.edu/family_health_guide/emergencies-and-first-aid-how-to-make-a-sling
  16. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-fractures/basics/art-20056641
  17. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-fractures/basics/art-20056641
  18. http://www.csus.edu/aba/police/documents/erg/erg_cpr.pdf