Sống sót khi bị rắn độc cắn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chìa khóa để sống sót khi bị rắn độc cắn đó là giữ bình tĩnh và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Khi rắn độc cắn, chúng tiêm nọc độc (chất độc) vào cơ thể nạn nhân. Nếu không được chữa trị, vết cắn có thể gây tử vong. Nhưng nếu nạn nhân nhanh chóng được tiêm huyết thanh kháng nọc rắn, nó sẽ giúp ngăn chặn và đảo ngược tổn hại nghiêm trọng.[1]

Các bước[sửa]

Phản ứng Nhanh chóng và Bình tĩnh[sửa]

  1. Gọi điện thoại cho dịch vụ khẩn cấp. Tại Việt Nam, số điện thoại này là 112, 911 tại Mỹ, 999 tại Vương quốc Anh, và 000 tại Úc. Yếu tố then chốt để sống sót khi bị rắn độc cắn là tiêm huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt.
    • Gọi cho số điện thoại khẩn cấp ngay cả khi bạn không chắc chắn liệu con rắn đã cắn bạn có phải là rắn độc hay không. Không nên chờ cho đến khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu đó là rắn độc, nọc độc của nó có thể lây lan khi bạn chờ đợi.
    • Nhân viên trực tổng đài của dịch vụ khẩn cấp sẽ quyết định xem liệu họ có nên gửi xe cấp cứu/trực thăng đến giúp bạn hay là bạn nên tự mình đi đến phòng cấp cứu gần nhất.
    • Trong trường hợp thứ hai, bạn nên nhờ người nào đó chở bạn đến bệnh viện. Không nên tự lái xe. Khi nọc độc phát tán, nó có thể khiến bạn mờ mắt, khó thở, và tê liệt và từ đó gây khó khăn cho việc lái xe.[2]
  2. Mô tả về con rắn đã cắn bạn cho tổng đài viên dịch vụ khẩn cấp. Khi bạn gọi điện yêu cầu giúp đỡ, bạn có thể mô tả về con rắn đó cho tổng đài viên. Phương pháp này sẽ giúp họ có thể kịp thời chuẩn bị loại huyết thanh kháng nọc độc phù hợp với tình trạng của bạn, tuy nhiên, nhân viên y tế sẽ phải tiến hành tham khảo ý kiến của chuyên gia Kiểm soát Chất độc để lựa chọn phương pháp chữa trị thích hợp nhất.[3] Cung cấp càng nhiều thông tin về đặc điểm của con rắn càng tốt.[4]
    • Nó dài khoảng bao nhiêu?
    • Nó to bao nhiêu?
    • Màu sắc của nó như thế nào?
    • Hình dạng đầu rắn ra sao? Có phải nó có hình tam giác?
    • Đồng tử của rắn có hình dạng gì? Chúng tròn hay có đường kẻ sọc đứng?
    • Nếu bạn bè của bạn có thể nhanh chóng chụp ảnh con rắn đã cắn bạn trong khi bạn đang gọi điện cho dịch vụ khẩn cấp, hãy đem theo bức ảnh đó cùng bạn.
    • Không nên cố gắng trừ khử con rắn đó để mang nó theo. Hành động này rất nguy hiểm bởi vì bạn có nguy cơ sẽ bị cắn thêm một lần nữa, bạn chỉ đang lãng phí thời gian quý báu của mình trong việc nhận được huyết thanh kháng nọc rắn, và bạn càng di chuyển cũng như sử dụng sức lực của mình nhiều bao nhiêu thì nọc độc lại càng nhanh chóng phát tán ra toàn bộ cơ thể bạn bấy nhiêu.[2]
    • Một vài loại huyết thanh kháng nọc rắn khá đa trị – có nghĩa là nó có thể chống được nhiều loại nọc độc khác nhau.
  3. Giữ bình tĩnh. Bạn nên cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh, không động đậy và im lặng trong suốt khoảng thời gian di chuyển đến bệnh viện hoặc chờ đợi xe cấp cứu. Tim bạn đập càng nhanh thì lượng máu càng nhanh chóng lưu thông đến khu vực bị cắn, khiến nọc độc phát tán nhanh hơn.[2]
    • Vết cắn thường sẽ sưng tấy. Bạn nên nhanh chóng loại bỏ mọi trang sức và quần áo bó sát.
    • Hạ thấp khu vực bị cắn xuống dưới tim để giảm thiểu nọc độc lây lan sang mọi bộ phận còn lại của cơ thể.
    • Nếu bạn bị cắn tại cánh tay hoặc cẳng chân, bạn nên nẹp chúng lại để hạn chế chuyển động. Phương pháp này sẽ giúp bạn ngăn ngừa di chuyển khu vực này mà không hề hay biết. Bạn sẽ không muốn làm tăng sự lưu thông chất độc tại vị trí bị cắn.
    • Nếu bạn biết một người nào đó đủ khỏe để bồng bế bạn lên, bạn nên nhờ họ giúp để giảm thiểu sự lây lan của nọc độc khi phải bước đi.
    • Nếu bạn phải bước đi, bạn nên cố gắng hạn chế sử dụng sức lực của mình bằng cách không nên vác theo bất kỳ vật dụng nào khác (chẳng hạn như ba lô).
  4. Cho phép máu chảy khỏi vết thương. Ban đầu, lượng máu sẽ chảy khá nhiều bởi vì nọc rắn thường có chứa chất chống đông máu. Nếu vết rắn cắn đủ sâu để máu có thể bắn thành tia (ví dụ, vết cắn chạm phải động mạnh chính và bạn đang mất máu khá nhanh), bạn nên nhanh chóng áp một lực vào vết thương.
    • Mặc dù một vài nguồn thông tin cho rằng bạn hoàn toàn có thể rửa vết thương hoặc tại vị trí gần vết thương với xà phòng và nước, nhiều lời khuyên lại phản đối hành động này vì cho rằng dấu vết của nọc độc trong hoặc quanh vết thương có thể giúp chuyên gia y tế xác định loại rắn đã cắn bạn để lựa chọn loại huyết thanh kháng nọc phù hợp nhất.[5][4]
    • Che đậy vết cắn với băng sạch và không tẩm thuốc.[5]
  5. Quan sát triệu chứng của vết cắn. Triệu chứng có thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào loài rắn đã cắn bạn, vào mức độ nghiêm trọng của vết cắn, và lượng nọc độc đã được tiêm vào vết thương. Triệu chứng bao gồm:[6][2]
    • Đỏ, đổi màu và/hoặc sưng tấy quanh vết thương
    • Đau đớn cùng cực hoặc cảm giác bỏng rát
    • Nôn mửa
    • Tiêu chảy
    • Hạ huyết áp
    • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
    • Khó thở
    • Mờ mắt
    • Đau đầu
    • Chảy nước bọt
    • Toát mồ hôi, sốt và khát nước
    • Tê hoặc ngứa râm ran ở mặt hoặc chân tay
    • Mất phối hợp
    • Nói lắp
    • Sưng lưỡi và cổ họng
    • Đau bụng
    • Yếu người
    • Mạch đập nhanh
    • Co giật
    • Sốc
    • Tê liệt
    • Hoa mắt
  6. Cân nhắc lựa chọn của bạn nếu bạn đang ở khá xa trung tâm y tế. Hiện nay, hầu hết mọi loại điện thoại di động đều có chức năng GPS khiến nhân viên cứu trợ và đội ngũ y tế có thể xác định vị trí bạn ngay cả khi bạn đang đi bộ đường dài tại khu vực xa xôi hẻo lánh, vì vậy, bạn nên gọi điện cho dịch vụ khẩn cấp để bàn luận về phương pháp mà bạn có thể sử dụng. Bạn nên nhớ rằng, biện pháp điều trị hiệu quả nhất chính là huyết thanh kháng nọc độc. Không có nó, vết cắn có thể gây tử vong và gây thương tật vĩnh viễn. Nếu bạn không thể liên lạc với dịch vụ khẩn cấp, bạn có thể:
    • Tiếp tục đi bộ cho đến khi bạn đến được nơi mà bạn có thể gọi điện thoại yêu cầu trợ giúp. Nếu bạn thực hiện điều này, hãy cố gắng tiến hành càng nhanh càng tốt, nhưng cũng nhớ phải giảm thiểu tối đa sử dụng sức lực của mình. Nếu có bạn bè đi cùng bạn, hãy nhờ họ vác ba lô thay bạn.
    • Nếu đi bộ không phải là lựa chọn phù hợp với bạn, bạn nên rửa vết thương với xà phòng và nước để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
    • Băng bó quanh tay chân tại vị trí cách vết cắn khoảng từ 5 – 10 cm để hạn chế, nhưng không loại bỏ hoàn toàn, sự lưu thông máu. Bạn vẫn phải duy trì khả năng chuyển động của ngón tay. Biện pháp này sẽ giúp làm chậm sự phát tán của nọc độc mà không hủy hoại tay chân bạn.[7]
    • Nếu bạn có sẵn dụng cụ sơ cứu khi bị rắn cắn với thiết bị bơm hút, hãy sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhiều nguồn thông tin cho rằng dụng cụ này sẽ không đem lại hiệu quả trong việc loại bỏ nọc độc và sẽ làm lãng phí khoảng thời gian quý giá của bạn, nhưng nếu bạn không thể tiêm huyết thanh kháng nọc độc kịp thời, đây là phương pháp rất đáng để thực hiện.[7]
    • Nghỉ ngơi và giữ bình tĩnh. Hạ thấp khu vực bị cắn dưới vị trị của tim để làm chậm quá trình lây lan nọc độc. Không phải lúc nào rắn cũng tiêm nọc đọc vào nạn nhân mỗi khi chúng cắn, nhưng nếu có, chúng sẽ tiêm một lượng chất độc khá lớn. Bạn có thể sẽ gặp may.

Nhận biết Hành động nên Tránh[sửa]

  1. Không nên chườm lạnh hoặc chườm đá. Chườm lạnh hoặc chườm đá có thể giảm thiểu sự lưu thông máu, khiến nọc độc tích tụ tại các mô của bạn, và điều này có thể hủy hoại chúng.[7]
  2. Để yên vết thương. Không nên cắt ngang nó. Hành động này thường được thực hiện trước khi sử dụng dụng cụ hút, nhưng nó sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.[4]
    • Bởi vì nanh rắn thường có hình dạng cong, nọc độc thường sẽ không được tiêm vào vị trí như bạn nghĩ.[7]
    • Nọc rắn có thể đã bắt đầu phát tán.
  3. Không nên cố gắng dùng miệng để hút nọc độc ra ngoài.[2] Truyền nọc độc vào miệng của bạn sẽ khá nguy hiểm vì bạn có thể sẽ nuốt phải chúng thông qua màng chắn trong miệng của bạn. Và trong quá trình này, bạn có thể lan truyền thêm vi khuẩn từ miệng sang vết thương, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
    • Hầu hết chất độc sẽ ngấm vào cơ thể của bạn, vì vậy, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.
    • Mặc dù một vài nguồn thông tin khuyên bạn nên dùng thiết bị bơm hút,[2] nhiều tranh cãi khác cho rằng nó sẽ không hiệu quả.[4]
  4. Chỉ nên uống thuốc đã được kê toa. Không nên uống bất kỳ loại thuốc khác hoặc thuốc giảm đau trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Thuốc men không thể thay thế cho huyết thanh kháng nọc độc.[2]
  5. Không nên sử dụng dụng cụ sốc điện hoặc súng bắn điện cho vết thương. Chúng có thể làm hại bạn và chưa được chứng minh rằng sẽ đem lại hiệu quả.[4]
  6. Không sử dụng ga-rô. Giảm thiểu quá trình lưu thông máu sẽ khiến nọc độc tích tụ tại khu vực bị cắn gây hư tổn mô và ngăn chặn hoàn toàn tuần hoàn có thể gây hủy hoại cánh tay hoặc chân của bạn.[8]
    • Bạn nên cân nhắc áp băng ép tại vị trí khoảng 5 – 10 cm phía trên vết cắn để làm chậm sự phát tán của nọc độc nếu bạn không thể nào tìm đến trung tâm y tế một cách nhanh chóng.[7] Tuy nhiên, biện pháp này cũng sẽ khiến nọc độc tập trung tại khu vực này, làm tăng nguy cơ hủy hoại bộ phận đó.
    • Không nên loại bỏ hoàn toàn sự lưu thông máu tại tay hoặc chân của bạn.

Ngăn ngừa Rắn Cắn[sửa]

  1. Không chọc phá rắn. Nếu bạn trông thấy rắn, hãy đi vòng quanh chúng và giữ khoảng cách khá xa với chúng. Rắn có thể di chuyển rất nhanh khi tấn công.
    • Nếu bạn nghe thấy âm thanh của rắn chuông, hãy di chuyển khỏi khu vực đó ngay lập tức.
    • Hầu hết mọi loài rắn sẽ cố gắng trốn tránh bạn nếu có thể.
    • Không nên quấy rầy hoặc dùng gậy để chọc rắn.
    • Không cố gắng bắt rắn.
  2. Mang ủng dày và quần tất chống rắn cắn. Quần tất chống rắn cắn là loại quần tất bằng da mà bạn có thể chồng vào phía trên đôi giày của bạn, nó sẽ giúp bảo vệ chân bạn không bị rắn cắn. Chúng khá nặng để bạn có thể sử dụng trong quá trình đi bộ đường dài và khá nóng, nhưng rất đáng để bảo vệ bạn khỏi bị rắn cắn. Bạn có thể tìm mua loại tất được thiết kế riêng cho việc ngăn ngừa rắn cắn.[9]
    • Giày dép bảo vệ và quần tất chống rắn cắn là dụng cụ rất quan trọng khi bạn đi bộ đường dài vào ban đêm vì bạn có thể giẫm vào rắn mà không hề hay biết.
  3. Tránh xa khu vực có cỏ mọc cao. Cỏ mọc cao sẽ khiến bạn khó có thể nhận biết bước đi của mình và quan sát xem liệu bạn có đang ở gần một con rắn nào hay không. Nếu bạn buộc phải đi qua khu vực cỏ mọc cao, nơi mà rắn có thể trú ẩn, bạn nên dùng một chiếc gậy dài để quét ngang quét dọc khu vực cỏ mọc phía trước bạn. Gậy sẽ giúp gạt cỏ sang một bên để bạn có thể nhận biết sự hiện diện của rắn và khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy.
  4. Không nên di dời những tảng đá và khúc cây. Không được di chuyển tảng đá và khúc cây vì đây là vị trí mà rắn thường ẩn nấp bên dưới. Nếu bạn cần phải làm vậy, bạn nên sử dụng gậy dài và không cho tay vào bất kỳ một lỗ hổng nào mà bạn không thể trông thấy rõ phía bên trong.
    • Nếu bạn đang trồng cây là làm vườn tại khu vực có rắn độc sinh sống, bạn nên mang găng tay dày để bảo vệ đôi tay của bạn. Tốt nhất là bạn nên sử dụng loại găng tay bằng da dài để bảo vệ cả cánh tay chứ không phải chỉ riêng bàn tay bạn.
  5. Tìm hiểu cách để xác định loài rắn độc trong khu vực. Để bảo vệ bản thân, bạn cần phải tìm hiểu hình dáng của loài rắn độc trong khu vực bạn sinh sống và hết sức cẩn thận tránh xa chúng nếu bạn trông thấy chúng. Ngoài ra, bạn cũng nên nhớ luôn quan sát cẩn thận và lắng nghe âm thanh lách cách của rắn chuông. Nếu bạn nghe được âm thanh này, hãy di chuyển ra xa khỏi khu vực đó càng nhanh càng tốt!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây