Sống với bệnh tâm thần phân liệt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Với những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, sống một cuộc sống bình thường và hạnh phúc quả là không dễ dàng. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không thể. Để làm được điều này, bạn cần tìm một cách (hoặc nhiều cách) điều trị có hiệu quả, kiểm soát cuộc sống của mình bằng cách tránh những tác nhân gây stress và tạo một hệ thống hỗ trợ cho mình. Cho dù được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, bạn cũng đừng tuyệt vọng. Thay vì thế, bạn hãy khai thác sức mạnh bên trong mình và đối mặt với hoàn cảnh phía trước. Ở đây còn có các thông tin giá trị hướng dẫn làm sao để sống cùng với người mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Các bước[sửa]

Tìm kiếm cách điều trị[sửa]

  1. Bắt đầu ngay từ sớm. Bạn đừng nấn ná trong việc chữa trị bệnh tâm thần phân liệt. Nếu chưa được chẩn đoán chính thức, bạn hãy đến chuyên gia y tế càng sớm càng tốt để được điều trị ngay khi nhận ra các triệu chứng. Việc điều trị bắt đầu càng sớm thì kết quả càng khả quan. Ở nam giới, các triệu chứng thường bắt đầu từ khi còn rất trẻ đến giữa độ tuổi hai mươi, trong khi nữ giới thường xuất hiện các triệu chứng ở cuối độ tuổi hai mươi.[1][2] Các dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt có thể bao gồm:[1]:
    • Cảm giác ngờ vực.
    • Các suy nghĩ bất thường hoặc lạ lùng, ví dụ như tin rằng người bên cạnh đang muốn hại bạn.
    • Xuất hiện các ảo giác hoặc thay đổi trải nghiệm của các giác quan; ví dụ như nhìn, nếm, ngửi, nghe hoặc cảm thấy những thứ mà người khác không thấy trong cùng tình huống đó.[2]
    • Suy nghĩ hoặc lời nói lộn xộn.
    • Những triệu chứng “tiêu cực” (sút kém trong hành vi hoặc chức năng cụ thể) như thiếu cảm xúc, thiếu sự giao tiếp bằng mắt, thiếu sự biểu lộ trên nét mặt, không giữ vệ sinh và/hoặc thu mình lại.
    • Hành vi vận động bất thường và rối loạn, chẳng hạn như có dáng điệu kỳ quặc hoặc những cử động vô nghĩa hay thái quá.
  2. Tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ. Có nhiều yếu tố khiến một người có nguy cơ cao phát triển bệnh tâm thần phân liệt.[3]:
    • Tiền sử gia đình có bệnh tâm thần phân liệt.
    • Dùng các chất kích thích khi còn trẻ hoặc còn vị thành niên.
    • Trải qua tình trạng đặc biệt nào đó khi còn trong bụng mẹ như phơi nhiễm virus hoặc chất độc.
    • Gia tăng kích hoạt hệ thống miễn dịch do các tình trạng như sưng viêm.
  3. Gặp bác sĩ để được điều trị. Không may là bệnh tâm thần phân liệt không thể tự nhiên khỏi. Việc điều trị sẽ là một phần thiết yếu trong cuộc sống của bạn, và việc lập ra kế hoạch điều trị sẽ giúp bạn biến việc điều trị thành một phần trong các hoạt động thường ngày của mình. Để lên kế hoạch điều trị, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc và liệu pháp thích hợp nhất cho trường hợp của bạn.
    • Nhớ rằng mỗi người là một trường hợp khác nhau. Không phải mọi loại thuốc và cách trị liệu đều có tác dụng cho tất cả mọi người, do đó bạn cần tiếp tục tìm cách điều trị có tác dụng nhất đối với bạn.
  4. Hỏi bác sĩ về các loại thuốc bạn có thể lựa chọn. Đừng cố thử tìm thuốc trên internet. Có quá nhiều thông tin trên mạng, và không phải tất cả đều chính xác. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ, vì chỉ bác sĩ mới có khả năng xác định những loại thuốc nào thích hợp nhất để điều trị cho bạn. Các triệu chứng, độ tuổi và tiền sử bệnh của bạn là những yếu tố để tìm ra cách điều trị đúng.[4]
    • Nếu thấy khó chịu với các loại thuốc đang dùng, bạn cần cho bác sĩ biết. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc cho bạn thử dùng một loại thuốc khác.
    • Các thuốc thông dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt là thuốc chống loạn thần, tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh dopamine và serotonin.[5]
    • Các thuốc chống loạn thần không điển hình thường có ít tác dụng phụ hơn, do đó thường được ưa chuộng hơn, bao gồm:[5]:
      • Aripiprazole (Abilify)
      • Asenapine (Saphris)
      • Clozapine (Clozaril)
      • Iloperidone (Fanapt)
      • Lurasidone (Latuda)
      • Olanzapine (Zyprexa)
      • Paliperidone (Invega)
      • Quetiapine (Seroquel)
      • Risperidone (Risperdal)
      • Ziprasidone (Geodon)
    • Các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất thường có nhiều tác dụng phụ hơn (một số tác dụng phụ có thể gây hậu quá vĩnh viễn), và thường rẻ hơn. Các loại thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất gồm:[5]:
      • Chlorpromazine (Thorazine)
      • Fluphenazine (Prolixin, Modecate)
      • Haloperidol (Haldol)
      • Perphenazine (Trilafon)
  5. Thử dùng tâm lý trị liệu. Liệu pháp tâm lý có thể giúp bạn tuân thủ phác đồ điều trị, qua đó bạn có thể hiểu rõ bản thân và tình trạng của mình hơn. Hỏi bác sĩ để biết hình thức tâm lý trị liệu nào là phù hợp nhất với bạn. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng chỉ riêng liệu pháp tâm lý không thể chữa khỏi bệnh tâm thần phân liệt. [6] Một số hình thức phổ biến của tâm lý trị liệu là:[7]:
    • Trị liệu tâm lý cá nhân: Với liệu pháp này, bạn sẽ gặp riêng chuyên gia trị liệu để trao đổi về cảm giác của bạn, những vấn đề mà bạn có thể đối mặt, các mối quan hệ và các đề tài khác. Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bạn đối phó với những vấn đề xảy ra hàng ngày trong cuộc sống và hiểu rõ tình trạng của bạn hơn.
    • Liệu pháp gia đình: Ở hình thức trị liệu này, bạn và các thành viên thân thiết trong gia đình cùng tham gia trị liệu, qua đó mọi người có thể hiểu về tình trạng của bạn để giao tiếp và tương tác với nhau một cách hiệu quả hơn.[6]
    • Liệu pháp nhận thức là cách điều trị hữu ích cho người mắc bệnh tâm thần phân liệt.[8] Tuy nhiên, sự kết hợp của tâm lý trị liệu và thuốc men là phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị bệnh tâm thần phân liệt.[9][10]
  6. Cân nhắc về liệu pháp cộng đồng. Nếu vào bệnh viện để điều trị bệnh, bạn có thể nghĩ đến liệu pháp cộng đồng. Liệu pháp này sẽ giúp bạn xây dựng lại bản thân mình trong cộng đồng, tiếp nhận sự hỗ trợ cần thiết, đồng thời phát triển những thói quen hàng ngày và tương tác xã hội.[11][12]
    • Liệu pháp cộng đồng bao gồm một đội ngũ các chuyên gia nhiều ngành với các hình thức đánh giá và can thiệp khác nhau. Đội ngũ này có thể bao gồm chuyên gia trị liệu về lạm dụng chất, chuyên gia phục hồi nghề nghiệp và điều dưỡng viên.[13]
    • Bạn có thể tìm trên internet hoặc hỏi bác sĩ để tìm cơ hội điều trị bằng liệu pháp cộng đồng gần nơi bạn ở.

Kiểm soát cuộc sống[sửa]

  1. Tuân thủ việc uống thuốc. Việc bệnh nhân tâm thần phân liệt ngừng uống thuốc là tình trạng thường xảy ra. Bạn có thể dựa vào một số chiến thuật để cố gắng tuân thủ việc uống thuốc mỗi khi cảm thấy muốn ngừng uống thuốc.[14]:
    • Tự nhắc mình rằng thuốc được dùng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt, không phải để chữa dứt bệnh. Vì vậy nếu muốn cảm thấy khỏe hơn, bạn cần phải tiếp tục uống thuốc.
    • Tận dụng mọi nguồn hỗ trợ xã hội mà bạn có. Khi thấy khỏe, bạn nên nói với bạn bè và gia đình để họ khích lệ bạn tiếp tục uống thuốc khi bạn cảm thấy muốn ngừng.
      • Bạn có thể ghi âm lời nhắn cho bản thân bạn trong tương lai, nói rằng bạn đang tiếp tục uống thuốc và lý do của việc này (thuốc chỉ để điều trị chứ không chữa dứt bệnh) sau đó nhờ người nhà bật lên cho bạn nghe mỗi khi bạn muốn ngừng uống thuốc.
  2. Cố gắng chấp nhận căn bệnh của mình. Việc chấp nhận tình trạng của mình có thể giúp cho việc phục hồi trở thành trải nghiệm dễ chịu hơn. Trái lại, nếu bạn phủ nhận và cho rằng mọi việc vẫn ổn, hoặc nghĩ rằng bệnh của bạn sẽ tự nhiên khỏi, bạn có thể khiến bệnh trạng của mình diễn tiến xấu hơn.[15] Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải bắt đầu điều trị và công nhận hai vấn đề:
    • Đúng, bạn mắc bệnh tâm thần phân liệt, và việc chữa trị bệnh này là một thách thức.
    • Đúng, bạn có thể sống một cuộc sống bình thường, hạnh phúc.
    • Việc chấp nhận bệnh trạng của mình là điều quan trọng để tìm cách điều trị, và việc chuẩn bị tâm thế chiến đấu để có một cuộc sống bình thường sẽ giúp bạn có cuộc sống như mong muốn.[16]
  3. Tự nhủ rằng có nhiều cách để có một cuộc sống bình thường. Cú sốc ban đầu khi được chẩn đoán bệnh có thể rất khó khăn cho người bệnh và gia đình của họ. Tuy nhiên bạn có thể sống một cuộc sống như mọi người, dù phải mất một thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng của bạn và tìm ra phác đồ điều trị thích hợp.
    • Bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp khác có thể ít gặp khó khăn trong các tương tác xã hội, giữ được việc làm, có gia đình, thậm chí còn có thể xuất sắc trong cuộc sống.[16]
  4. Tránh các tác nhân kích thích. Cơn bệnh thường xuất hiện khi bạn quá căng thẳng. Vì vậy, nếu bạn mắc bệnh tâm thần phân liệt thì điều quan trọng là tránh các yếu tố gây căng thẳng khiến cơn bệnh bộc phát.[17] Có nhiều phương pháp đối phó với stress như:
    • Các tác nhân gây stress khác nhau tùy từng người. Việc tiếp nhận trị liệu có thể giúp bạn xác định những yếu tố gây stress, bất kể đó là một người, một tình huống hoặc địa điểm cụ thể nào đó. Khi đã biết các tác nhân gây stress, bạn hãy hết sức tránh khi có thể.
    • Ví dụ, bạn có thể thực hành các phương pháp thư giãn như thiền hoặc hít thở sâu.[17]
  5. Tập thể dục thường xuyên. Việc tập luyện không những giúp cơ thể giảm stress mà còn tiết ra chất endophin có tác dụng tăng cảm giác hạnh phúc.[18][19][20]
    • Thử bật loại nhạc tạo sự hứng khởi trong khi tập.
  6. Ngủ đủ giấc. Một đêm ngủ không ngon giấc có thể góp phần gây ra cảm giác căng thẳng và lo âu. Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm; tìm xem bạn ngủ bao nhiêu tiếng là đủ và cố gắng tuân theo.[21][20]
    • Nếu gặp rắc rối với giấc ngủ, bạn có thể thử chuẩn bị phòng ngủ thật tối và yên tĩnh bằng cách ngăn chặn mọi âm thanh lọt vào phòng, thay đổi môi trường xung quanh, đeo băng che mắt hoặc nút tai khi ngủ. Tạo thành thông lệ hàng ngày và thực hiện mỗi đêm.
  7. Ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ăn những thức ăn không lành mạnh có thể gây ra cảm giác tiêu cực, và điều này làm tăng mức độ căng thẳng. Do đó, điều quan trọng là ăn đúng cách để chống stress.[22]
    • Ăn thịt nạc, các loại hạt, hoa quả và rau.[22]
    • Chế độ ăn uống lành mạnh còn bao gồm thực đơn cân bằng. Tránh ăn quá nhiều một loại thức ăn.
  8. Thử dùng các phương pháp nhận thức. Mặc dù không thay thế được liệu pháp hoặc chuyên gia trị liệu, nhưng bạn cũng có thể dùng các phương pháp nhận thức để giảm nhẹ các triệu chứng.
    • Ví dụ, bạn có thể dùng một phương pháp gọi là bình thường hóa. Với phương pháp này, bạn sẽ coi những trải nghiệm loạn thần của mình như một phần trong cùng một thể liên tục bao gồm những trải nghiệm bình thường, đồng thời nhận thức rằng mọi người ai cũng có các trải nghiệm rất khác biệt với cuộc sống bình thường hàng ngày. Nhờ đó bạn có thể bớt cô độc và mặc cảm, và điều này sẽ tác động tích cực đến sức khỏe của bạn.[23]
    • Để đối phó với những ảo giác âm thanh như nghe thấy tiếng nói, bạn hãy thử tìm những bằng chứng chống lại nội dung của những lời nói đó. Ví dụ, nếu tiếng nói sai khiến bạn làm một điều xấu như trộm cắp chẳng hạn, bạn hãy liệt kê ra những lý do cho thấy đó không phải là ý kiến tốt (bạn có thể vướng vào rắc rối, đó là hành vi trái với đạo đức xã hội, gây thiệt hại cho người khác, hầu hết mọi người sẽ khuyên bạn đừng làm việc đó, vì thế bạn đừng nghe theo tiếng nói lạc lõng này). [24]
  9. Thử đánh lạc hướng. Nếu đang trải qua ảo giác, bạn thử tự làm phân tâm bằng cách nào đó, ví dụ như nghe nhạc hoặc tạo hình nghệ thuật. Bạn hãy cố gắng đắm mình hoàn toàn vào trải nghiệm mới để ngăn chặn các trải nghiệm không mong muốn.[24]
  10. Chống lại những suy nghĩ lệch lạc. Để đối phó với chứng lo âu xã hội có thể đi kèm với bệnh tâm thần phân liệt, bạn cần cố gắng xác định và chống lại các ý nghĩ lệch lạc. Ví dụ, khi trong đầu bạn có ý nghĩ như “mọi người trong phòng này đang nhìn mình”, bạn hãy thử đặt nghi vấn cho nhận định đó. Nhìn xung quanh phòng để tìm bằng chứng: có thật là mọi người đang nhìn bạn không? Tự hỏi mình rằng bạn có chú ý nhiều đến một người chỉ đi qua nơi công cộng không.[25]
    • Tự nhủ rằng một căn phòng đông đúc gồm nhiều người, do đó mọi người chỉ nhìn lướt qua tất cả và có lẽ không chỉ tập trung vào bạn.
  11. Cố gắng giữ cho mình bận rộn. Khi đã kiểm soát được các triệu chứng bằng thuốc và các phương pháp trị liệu, bạn nên cố gắng bắt đầu lại cuộc sống bình thường và giữ cho mình bận rộn. Thời gian rảnh rỗi có thể dẫn đến những ý nghĩ gây stress và khiến cơn bệnh bộc phát. Bạn có thể giúp mình bận rộn bằng những cách sau:
    • Tập trung nỗ lực vào công việc.
    • Sắp xếp thời gian cho gia đình và bạn bè.
    • Tìm một sở thích mới.
    • Giúp đỡ bạn bè hoặc làm công việc thiện nguyện.
  12. Tránh uống quá nhiều thức uống có caffeine. Lượng caffeine tăng đột ngột có thể khiến các triệu chứng “tích cực” của bệnh tâm thần phân liệt xấu đi (tức là có thêm các biểu hiện không mong muốn như ảo tưởng hoặc ảo giác); cho dù nếu bình thường bạn vẫn uống nhiều caffeine, việc uống hay ngừng uống caffeine cũng không khiến các triệu chứng tốt hơn hay xấu đi. Điều quan trọng ở đây là tránh sự thay đổi lớn và đột ngột trong thói quen dùng caffeine.[26] Theo khuyến nghị, một người không nên uống quá 400 mg caffeine một ngày. Tuy nhiên bạn cần nhớ là tính hóa học trong cơ thể và tiền sử sử dụng caffeine của mỗi người là khác nhau, vì vậy ngưỡng dung nạp của bạn có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút.[27]
  13. Tránh thức uống chứa cồn. Việc uống thức uống chứa cồn dẫn đến kết quả điều trị kém hơn, gia tăng các triệu chứng, và tăng tỷ lệ tái nhập viện. Bạn sẽ cảm thấy khá hơn nếu kiêng uống thức uống chứa cồn.[28]

Tạo một hệ thống hỗ trợ[sửa]

  1. Ở bên cạnh những người hiểu tình trạng của bạn. Bạn nên ở bên cạnh người có thể hiểu những gì bạn đang trải qua, nhờ đó bạn không bị căng thẳng vì phải giải thích căn bệnh của mình với một người không quen thuộc. Hãy dành nhiều thời gian cho người biết thông cảm, trung thực và chân thành.
    • Tránh những người thiếu nhạy cảm với những điều bạn đang trải qua hoặc người có thể khiến bạn căng thẳng.
  2. Cố gắng không rụt rè tránh né giao tiếp xã hội. Có thể bạn cảm thấy khó tập trung năng lượng và giữ bình tĩnh để giao tiếp với mọi người trong các tình huống xã hội, nhưng việc tương tác là cần thiết. Con người là sinh vật cần sống trong môi trường xã hội, và khi đó não của chúng ta sẽ giải phóng các hóa chất có thể giúp chúng ta cảm thấy an toàn và hạnh phúc.[15]
    • Thu xếp thời gian làm những điều bạn cảm thấy hứng thú cùng những người mà bạn quý mến.
  3. Bộc lộ cảm xúc và những nỗi sợ hãi của bạn với người đáng tin cậy. Bệnh tâm thần phân liệt có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn, do đó bạn có thể đẩy lùi cảm giác này khi tâm sự với một người bạn thân về những điều mà bạn đang trải qua. Việc chia sẻ những trải nghiệm và cảm xúc của bạn có thể rất có hiệu quả trong việc chữa bệnh và giải tỏa áp lực.
    • Bạn nên chia sẻ những trải nghiệm của mình, cho dù người nghe không có lời khuyên nào cho bạn. Bạn có thể bình tĩnh và tự chủ hơn chỉ bằng cách nói lên những suy nghĩ và cảm xúc của mình,
  4. Gia nhập một nhóm hỗ trợ. Việc gia nhập nhóm hỗ trợ đem lại nhiều lợi ích trong quá trình chấp nhận bệnh tâm thần phân liệt là một phần trong cuộc sống của bạn. Khi hiểu rằng những người khác cũng có các vấn đề như mình và tìm được cách để đối phó, bạn có thể hiểu rõ hơn và chấp nhận tình trạng của bạn.[29]
    • Tham gia vào nhóm hỗ trợ cũng có thể giúp bạn tự tin hơn về những khả năng của chính mình, bớt sợ hãi về chứng rối loạn này và những tác động của nó lên cuộc sống của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Sống với bệnh tâm thần phân liệt không hẳn là thảm họa như nhiều người lầm tưởng. Mặc dù đây là một chứng bệnh gây khó khăn cho người bệnh và cả gia đình, nhưng cuộc sống của người bệnh không phải thay đổi quá nhiều vì căn bệnh.
  • Bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn, miễn là bạn chấp nhận điều đang xảy ra và sẵn sàng tuân thủ phác đồ điều trị.

Cảnh báo[sửa]

  • Lưu ý rằng bệnh tâm thần phân liệt có tỷ lệ tự sát cao so với người bình thường. Nếu bạn có tư tưởng hoặc ý nghĩ tự sát, bạn cần tìm sự trợ giúp ngay lập tức để đảm bảo an toàn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/basics/symptoms/con-20021077
  2. 2,0 2,1 http://psychcentral.com/lib/living-with-schizophrenia/
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/basics/risk-factors/con-20021077
  4. Comer, J. R. (2008). “Abnormal psychology”. (7th Ed.) Princeton University Press, pp.518-523.
  5. 5,0 5,1 5,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/basics/treatment/con-20021077
  6. 6,0 6,1 http://psychcentral.com/lib/schizophrenia-treatment/
  7. http://www.webmd.com/schizophrenia/guide/schizophrenia-therapy
  8. http://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(13)62246-1/abstract
  9. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/schizophrenia/index.shtml
  10. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20819983
  11. Rector, N., Stolar, N., Grant, P. Schizophrenia: Cognitive Theory, Research, and Therapy. 2011
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3792827/
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3792827/
  14. http://psychcentral.com/lib/schizophrenia-treatment/
  15. 15,0 15,1 Keefe, R., Harvey, P, Understanding Schizophrenia. 2010
  16. 16,0 16,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2014/10/10/what-its-like-to-live-with-schizophrenia/
  17. 17,0 17,1 Allen, Francis. “Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders” (4th Ed.), American Psychological Association, 1990.pp. 507-511.
  18. http://psychcentral.com/lib/discontinuing-psychiatric-medications-what-you-need-to-know/?all=1
  19. https://www.cmha.bc.ca/get-informed/mental-health-information/improving-mh
  20. 20,0 20,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18505314
  21. https://www.cmha.bc.ca/get-informed/mental-health-information/improving-mh
  22. 22,0 22,1 https://www.cmha.bc.ca/get-informed/mental-health-information/improving-mh
  23. http://www.psychiatrictimes.com/schizophrenia/abcs-cognitive-behavioral-therapy-schizophrenia
  24. 24,0 24,1 http://www.neomed.edu/academics/bestcenter/list-of-60-coping-strategies-for-hallucinations.pdf
  25. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2811142/
  26. http://ps.psychiatryonline.org/doi/pdf/10.1176/ps.49.11.1415
  27. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/caffeine/art-20045678
  28. http://ovidsp.tx.ovid.com/sp-3.16.0b/ovidweb.cgi?WebLinkFrameset=1&S=CBPIFPFCMGDDLBBBNCKKICMCIPMAAA00&returnUrl=ovidweb.cgi%3fMain%2bSearch%2bPage%3d1%26S%3dCBPIFPFCMGDDLBBBNCKKICMCIPMAAA00&directlink=http%3a%2f%2fgraphics.tx.ovid.com%2fovftpdfs%2fFPDDNCMCICBBMG00%2ffs047%2fovft%2flive%2fgv038%2f00005053%2f00005053-198907000-00004.pdf&filename=Alcohol+Use+and+Abuse+in+Schizophrenia%3a+A+Prospective+Community+Study.&link_from=S.sh.29%7c1&pdf_key=FPDDNCMCICBBMG00&pdf_index=/fs047/ovft/live/gv038/00005053/00005053-198907000-00004&D=ovft
  29. Allen, Francis. “Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders”. (4th Ed.), American Psychological Association, 1990.pp. 507-511.