Sử dụng glutamin

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Glutamin là một aminô axít tham gia vào quá trình sản xuất protein, nó rất cần thiết cho sức khỏe cơ bắp, sự dẻo dai và khả năng hồi phục của cơ thể. Mặc dù glutamin được cơ thể sản xuất và cũng được cung cấp thông qua các nguồn thực phẩm, nhưng khi cơ thể chịu áp lực, một số tế bào như tế bào của hệ miễn dịch đòi hỏi hàm lượng glutamin cao hơn để có thể vận hành đúng chức năng.[1]

Các bước[sửa]

Hiểu về glutamin[sửa]

  1. Tự tìm hiểu về glutamin. Glutamine là một aminô axít do cơ thể sản xuất ra. Các aminô axít là thành phần cơ bản cấu thành nên protein, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và vận hành của tế bào.[2] Cụ thể, glutamin giúp loại bỏ chất thải còn gọi là amoniac ra khỏi cơ thể, đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch và tiêu hóa.
    • Glutamin được lưu trữ trong cơ bắp và phổi.[3]
  2. Tìm nguồn cung cấp glutamin thiên nhiên. Thông thường phần lớn lượng glutamin cần thiết là do cơ thể tự sản xuất và tiếp nhận thông qua chế độ ăn hằng ngày. Tuy nhiên, khi cơ thể chịu áp lực thì nó không thể sản xuất đủ glutamin, chẳng hạn như khi bị chấn thương hay nhiễm trùng. Trong trường hợp này chúng ta có hai cách nhận glutamin bổ sung, đó là qua thức ăn và thực phẩm chức năng.
    • Bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu glutamin vào chế độ ăn để bổ sung glutamin một cách tự nhiên. Glutamine có trong những thực phẩm giàu protein như sản phẩm từ sữa, cá, thịt và đậu.[4] Ngoài ra glutamin cũng có trong rau như bó xôi, cải bắp và mùi tây.[3] Tuy nhiên hàm lượng glutamin trong các thực phẩm này không thể nhiều bằng thực phẩm chức năng.
  3. Hỏi bác sĩ về thực phẩm chức năng bổ sung glutamin. Nếu bạn không nhận đủ glutamin qua thực phẩm, hoặc nếu cần bổ sung glutamin vì cơ thể chịu nhiều áp lực, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn về thực phẩm chức năng. Liều lượng và loại thực phẩm chức năng nên dùng đối với mỗi người không giống nhau, tùy thuộc nhiều vào thể trạng của bạn. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu có nên theo đuổi cách điều trị này hay không, và hướng dẫn về liều lượng glutamin nên dùng.
    • Thông thường liều dùng thực phẩm chức năng là 5-10g mỗi ngày, chia làm ba lần uống.[5] Tuy nhiên bác sĩ có thể khuyên bạn dùng đến 14g.
    • Những người có tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng bài tiết glutamin, chẳng hạn mắc bệnh thận hay gan, thì luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu uống loại thực phẩm chức năng mới.
    • Viên bổ sung glutamin được sử dụng để đối phó với nhiều vấn đề khác nhau, nhưng không phải tất cả đều được nghiên cứu chuyên sâu.[3]
  4. Xem xét các dạng thực phẩm chức năng. Mặc dù nên hỏi ý kiến bác sĩ về thực phẩm chức năng nhưng bạn có thể dễ dàng mua chúng ở nhà thuốc mà không cần toa, thường có hai dạng là L-glutamin và dạng thứ 2 được kết hợp trong viên bổ sung protein. Sản phẩm sẽ ghi rõ là chiết xuất thiên nhiên hay được tổng hợp. Có rất nhiều loại dường như được chiết xuất từ thảo mộc nên phù hợp với người ăn chay, tuy nhiên bạn vẫn nên kiểm tra nhãn mác.
    • Glutamin được bào chế thành viên con nhộng, dạng bột, dạng lỏng hay viên nén. Dạng bột và lỏng phù hợp hơn cho những người gặp khó khăn khi nuốt hoặc muốn dùng glutamin điều trị viêm miệng.[3]
  5. Uống thực phẩm chức năng đúng cách. Có một số nguyên tắc bạn cần tuân theo khi dùng glutamin. Bạn có thể uống khi bụng no hay đói, nhưng nhớ không được dùng chung với thực phẩm hay thức uống nóng, vì glutamin là một aminô axít nên sẽ chịu tác động của nhiệt độ. Glutamin chỉ nên uống với chất lỏng lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng.[4]
    • Glutamin dạng bột hay lỏng có thể hòa chung với nước lọc hay nước ép hoa quả có độ axít thấp như nước ép táo hoặc cà rốt. Nếu bạn uống chung với nước ép giàu tính axít (như cam hay chanh) hoặc nước nóng, chất lượng glutamate sẽ suy giảm và ảnh hưởng đến hiệu quả của nó.[3]
  6. Hiểu về tác dụng phụ và các cảnh báo. Vì glutamin được cơ thể sản xuất ra một cách tự nhiên nên hiếm khi nó gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, bạn nên tránh tiêu thụ glutamin quá nhiều vì nó có thể khiến dạ dày khó chịu. Nhờ bác sĩ tư vấn trước khi uống glutamin nếu bạn mắc bệnh gan hay thận, hoặc nếu đang mang thai hay cho con bú. Có thể bạn phải giảm liều lượng hoặc ngừng uống hoàn toàn.
    • Nói chung người ta khuyến cáo tránh uống bất kì thực phẩm chức năng nào với liều lượng cao, trừ khi được bác sĩ kê cho các điều kiện cụ thể.
    • Nên nhớ glutamin hoàn toàn khác với glutamate, axít glutamic, mononatri glutamate và gluten, vì vậy những người mắc chứng không thể dung nạp gluten không cần lo lắng về phản ứng tiêu cực với glutamin.
    • Tuy nhiên, một số người có thể phản ứng xấu với glutamin trong những trường hợp hiếm gặp. Triệu chứng bao gồm đau bụng, nôn, nhức đầu, ra mồ hôi và đau khớp xương. Nếu gặp trường hợp này bạn nên ngừng uống glutamin ngay và hỏi ý kiến bác sĩ.[6]

Sử dụng glutamin cho các trường hợp cụ thể[sửa]

  1. Uống glutamin để vết thương mau lành. Thực phẩm chức năng thường được sử dụng để hỗ trợ những người đang trải qua giai đoạn chịu áp lực vì chấn thương. Cortisol là hóc môn do cơ thể sản xuất ra khi bị chấn thương, phỏng và nhiễm trùng, nó khiến mức glutamin suy giảm. Một số nghiên cứu cho thấy viên bổ sung glutamin có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch và chống lại ảnh hưởng tiêu cực của vết thương.[7][8]
    • Glutamin còn giảm nhiễm trùng. Khả năng phục hồi cơ bắp vốn có của glutamin có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân phỏng hay vừa trải qua phẫu thuật.[3]
  2. Sử dụng glutamin xây dựng cơ bắp. Đây là thực phẩm chức năng phổ biến cho những người tập môn thể hình. Cũng giống như lúc bị chấn thương, cơ thể bạn trải qua áp lực tương tự trong thời gian tập luyện cơ. Các sợi cơ tạm thời bị phá vỡ và glutamin cùng với những aminô axít khác sẽ là nền tảng để cơ mới phát triển sau thời gian tập luyện. Người ta thường cho rằng nó cung cấp lại năng lượng và làm cơ bắp mạnh mẽ hơn sau thời gian tập luyện tiêu tốn nhiều sức lực.[9]
    • Mặc dù đây là một phương pháp phổ biến nhưng không có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn về công dụng của glutamin trong quá trình phát triển cơ.[10]
  3. Tăng mức glutamin thấp do ung thư gây ra. Bệnh nhân ung thư thường bị thiếu glutamin cũng như các chất dinh dưỡng vi lượng và vĩ mô khác. Chính vì sự thiếu hụt này mà người ta đang nghiên cứu về cơ chế tác động của việc bổ sung glutamin đối với bệnh nhân ung thư. Hiện nay glutamin được sử dụng cho những bệnh nhân suy dinh dưỡng đang trong quá trình điều trị, và bệnh nhân được cấy tủy xương.
    • Một số nghiên cứu chi ra glutamin có thể điều trị viêm miệng, là tình trạng viêm màng nhầy trong miệng, và hỗ trợ điều trị tiêu chảy liên quan đến hóa học trị liệu. [3]
  4. Xử lý các vấn đề khác. Có một số vấn đề sức khỏe khác mà nhiều nhà nghiên cứu tin rằng glutamin có thể hỗ trợ. Người bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có thể dùng viên bổ sung glutamin hỗ trợ điều trị,[11][12] lý do vì glutamin có vai trò trong việc bảo vệ màng nhầy trên vách đường tiêu hóa.[11] Uống một viên nén 5g, sáu lần mỗi ngày trong thời gian lên đến 16 tuần. Liều lượng này chỉ được uống trong thời gian giới hạn vì nó cao hơn nhiều so với liều thông thường.
    • Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy glutamin hỗ trợ tiêu chảy và viêm màng nhầy gần miệng, nhưng các nghiên cứu chưa chứng minh được tác dụng của nó đối với những bệnh khác về tiêu hóa như bệnh Crohn.[4][3][13]
    • Glutamin cũng giúp tăng cân ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Một vài nghiên cứu chỉ ra khi được dùng chung với các thực phẩm chức năng khác, glutamin có thể giúp tăng cân và tăng khối lượng cơ. Điều này có lợi vì bệnh nhân HIV/AIDS thường bị giảm cân nghiêm trọng và bị tiêu cơ. Ngoài ra nó cũng giúp người bệnh hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, đây là một yếu tố đáng cân nhắc.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]