Spodoptera mauritia (Sâu đàn hại lúa)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Spodoptera mauritia1.jpg
Thành trùng sâu đàn.

Sâu đàn hại lúa (còn được gọi là sâu keo, sâu cắn chẻn) có tên khoa học Spodoptera mauritia (Boisduval, 1833), là một loài côn trùng thuộc họ Noctuidae (Ngài Đêm), bộ Lepidoptera (Cánh Vảy).

Phân bố[sửa]

Sâu đàn xuất hiện ở khắp các vùng trồng lúa trên thế giới, nhiều nhất là Ấn Độ, Australia, Bangladesh, Indonesia, Cambodia, Malaysia, Lào, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, miền Nam nước Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên. Ở Việt Nam sâu thường gây hại nhiều ở miền Nam.

Ký chủ[sửa]

Ngoài lúa, sâu còn có thể tấn công bắp, lúa miến, mía, đậu xanh, thuốc lá, đay, đu đủ dầu, khoai lang, cải bắp và các loại cỏ họ Poaceae (Hòa bản).

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Bướm có cơ thể dài từ 14-20 mm, sải cánh rộng từ 30-35 mm, thân màu nâu xám. Cánh trước màu đen xám với nhiều đốm và vân không rõ nét, gần cạnh ngoài có một đường gợn sóng đậm, đường vân phụ cạnh ngoài có màu trắng xám hình gợn sóng, bên trong có một vân cũng màu xám chạy song song và giữa cánh có một đốm đen to, dưới đốm này có một số đốm trắng nhỏ. Cánh sau màu trắng hơi nâu, cạnh ngoài màu nâu đậm. Bướm cái sống trung bình từ 7-12 ngày, đẻ từ 200-300 trứng thành từng ổ 50-100 cái ở mặt dưới lá.

Trứng hình tròn hơi dẹp, rộng từ 0,4-0,6 mm, mới đẻ màu trắng sữa, sắp nở chuyển sang màu vàng xám và sau cùng là xám đen, được đẻ thành từng ổ hình bầu dục, có lông màu vàng xám bao phủ. Thời gian ủ trứng từ 3-7 ngày.

Khi mới nở sâu non màu xanh lục, càng lớn sâu càng chuyển sang màu nâu, phần bụng có màu nhạt hơn phần lưng. Lớn đủ sức sâu dài từ 35-40 mm. Giữa thân có một sọc màu lợt, mỗi bên thân có 3 sọc màu nâu và màu xanh lục, phía trên ba sọc nâu có một hàng đốm đen hình bán nguyệt. Sâu có 5 tuổi và phát triển từ khi nở đến lớn hoàn toàn từ 15-24 ngày.

Nhộng dài 12-14 mm, màu nâu đậm, có hai gai nhỏ ở cuối bụng. Thời gian nhộng từ 7-15 ngày.

Vòng đời sâu đàn từ 30-55 ngày.

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Bướm hoạt động về đêm, nhất là đầu đêm và bị thu hút nhiều bởi ánh sáng đèn. Ban ngày bướm thường trốn ở mặt dưới lá hoặc trong cỏ ven bờ ruộng.

Vì sâu tuổi nhỏ có màu xanh giống như màu xanh của lá lúa và hay trốn trong lá non hay ở mặt dưới lá vào ban ngày nên khó phát hiện. Khi lớn sâu có màu đậm và vết ăn đứt phiến lá rất rõ nên dễ thấy. Sâu có tập quán sống tập trung thành từng đàn, sức phá hại rất nhiều và ăn lá lúa rất mạnh. Lúc nhỏ sâu chỉ ăn khuyết phiến lá từ ngoài vào, khi lớn sâu cắn đứt cả phiến lá, do đó sâu thường bị thiếu thức ăn và phải di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác thành từng đàn lớn nên có tên là "sâu đàn". Sâu có tập quán cuộn tròn mình khi đụng đến. Sâu thường ăn lá lúa vào ban đêm, hay ban ngày nếu trời âm u, có mưa nhỏ, làm hư phiến lá, giảm khả năng quang hợp của cây. Cây lúa non bị sâu tấn công nhiều sẽ trụi hết lá, phát triển không tốt và chết. Sâu làm nhộng dưới đất. Ở đồng bằng sông Cửu Long sâu xuất hiện theo sự xuất hiện của lúa, thường là ở giai đoạn đầu của cây lúa, ít khi thấy mật số cao khi lúa trổ.

Biện pháp phòng trị[sửa]

Biện pháp canh tác[sửa]

  • Làm sạch cỏ quanh ruộng.
  • Làm nương mạ xa nơi có cỏ.

Biện pháp sinh học[sửa]

  • Vì sâu có kích thước lớn và xuất hiện thành đàn nên dễ bị chim, chuột, cá và các loại thiên địch khác tấn công nên tương đối dễ phòng trị. Nếu sâu xuất hiện với mật số cao có thể thả vịt con vào ruộng để ăn hoặc cho nước vào ngập lá lúa trong ruộng để sâu bị trôi đi.
  • Bướm thường bị nhện săn bắt.

Biện pháp hóa học[sửa]

Áp dụng thuốc hoá học khi sâu đạt mật số cao.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, có thể nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305