Tòa án Công lý Quốc tế

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tập tin:Toan an cong ly quoc te.png
Bản đồ thể hiện các quốc gia dưới quyền tài phán của Tòa án Công lý Quốc tế

Toà án Công lý Quốc tế (tiếng Anh: International Court of Justice ICJ) là một phân ban trực thuộc Liên Hiệp Quốc, được thành lập vào năm 1945 với tiền thân là Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent Court of International Justice) có từ năm 1922. Tòa bắt đầu chính thức nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên có liên quan, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như các ủy ban khác trực thuộc Liên Hiệp Quốc như đã ghi rõ trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc từ 1946.

Tòa tọa lạc tại thành phố Den Haag (La Haye tiếng Pháp), Hà Lan.

Cơ cấu tổ chức[sửa]

Vấn đề cơ cấu tổ chức ICJ được điều chỉnh bởi các Điều 2 – 33 của Quy chế TAQT (Statute of the Court) và Điều 1 – 18, 32 – 37 Luật của Tòa (Rules of the Court). Theo đó, ICJ sẽ có Chủ tịch (President), Phó Chủ tịch (Vice – president), Toàn thể Tòa (Full Court), ban xét xử (Chambers), Registrar và Registry. Chủ tịch và Phó Chủ tịch của ICJ được bầu chọn mỗi 3 năm và có thể tái nhiệm ở lần bầu cử tiếp theo. Toàn thể tòa gồm một hội đồng thẩm phán độc lập với 15 thành viên, trong đó không thể có 2 thành viên có cùng quốc tịch. Những thành viên được chọn sẽ trở thành đại diện cho hệ thống pháp luật thế giới. Việc lựa chọn các thành viên không căn cứ vào quốc tịch hay khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, những năm gần đây hội đồng thẩm phán thường bao gồm: 5 thẩm phán đại diện cho mỗi quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, 3 thẩm phán của Châu Á, 3 thẩm phán của Châu Phi, 2 thẩm phán của Mỹ Latin, 1 của Tây Âu, và 1 của Đông Âu.

Thẩm phán ad-hoc[sửa]

Để bảo đảm tính công bằng trong xét xử, Quy chế của ICJ có quy định về việc: nếu một bên tham gia tranh tụng có thẩm phán của quốc gia mình là thành viên của bench thì bên kia có quyền chọn thêm một thẩm phán ad-hoc. Trường hợp cả hai bên tranh tụng không có thẩm phán của quốc gia mình thì mỗi bên sẽ được chọn thêm một thẩm phán ad-hoc cho mình. Thẩm phán ad-hoc tốt nhất nên chọn một trong những thẩm phán có tên trong danh sách ứng cử thành viên của ICJ. Các thẩm phán ad-hoc trong quá trình xét xử có quyền và nghĩa vụ như thẩm phán thành viên của ICJ.

Hội đồng xét xử[sửa]

Gồm có 15 thẩm phán được bổ nhiệm bởi Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ dựa trên danh sách tiến cử bởi Tòa án Trọng tài thường trực. Nhiệm kỳ của tòa là 9 năm, không hạn chế việc tái đắc cử miễn là đảm bảo quy tắc không có hai thẩm phán cùng quốc tịch. Một phần ba tòa được bầu lại mỗi 3 năm và trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, mỗi nước luôn có một thẩm phán đại diện trong tòa. Vấn đề được quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, và mọi phán quyết được đưa ra là phán quyết cuối cùng, không phải phúc thẩm. Chánh án hiện tại (2009) là thẩm phán Hisashi Owada của Nhật Bản.

Thẩm quyền tài phán[sửa]

ICJ có hai dạng thẩm quyền: thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quốc tế và thẩm quyền tư vấn.

Tư vấn[sửa]

Ngoài thẩm quyền xét xử, ICJ còn có thẩm quyền tư vấn theo yêu cầu của các cơ quan chính của Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên môn được Đại hội đồng cho phép. Thẩm quyền này được quy định tại điều 96 Hiến chương LHQ:

  1. Đại hội đồng hay Hội đồng bảo an có thể yêu cầu Tòa án quốc tế cho ý kiến tư vấn về mọi vấn đề pháp lý.
  2. Các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn, mà lúc nào cũng được Đại hội đồng cho phép, cũng có quyền hỏi ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế về những vấn đề pháp lý có thể đặt ra trong hoạt động của mình.

Mặc dù chỉ mang tính chất tham khảo và không có tính ràng buộc, những ý kiến tư vấn của ICJ có uy tín cũng như giá trị pháp lý rất lớn. Chúng góp phần phát triển luật pháp quốc tế và thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các quốc gia. Ngoài ra, Tòa còn có các dạng thẩm quyền khác (liên quan đến các vấn đề có tính tạm thời và hỗn hợp) như: thẩm quyền của Tòa đối với một tranh chấp liên quan đến chính thẩm quyền của Tòa đối với vụ việc; thẩm quyền của Tòa trong việc kiểm soát trình tự xét xử; thẩm quyền của Tòa đối với các biện pháp bảo hộ tạm thời; và việc chấm dứt các vụ tranh chấp…

Luật áp dụng[sửa]

Những vụ việc được đưa ra ICJ được giải quyết theo luật quốc tế. Luật được áp dụng tại Tòa được quy định tại điều 38(1) Quy chế TAQT (Statute of International Court of Justice). Theo đó, luật áp dụng gồm:

  • Các công ước quốc tế chung hoặc khu vực đã quy định về những nguyên tắc được các bên tranh chấp thừa nhận.
  • Các tập quán quốc tế với tính chất là những chứng cứ thực tiễn chung được thừa nhận như những qui phạm pháp luật.
  • Các nguyên tắc đã được hình thành từ lâu đời được các quốc gia văn minh thừa nhận.
  • Các nghị quyết xét xử (mang tính chất án lệ quốc tế) và các học thuyết của các chuyên gia có uy tín về luật pháp quốc tế của các nước khác nhau cũng có thể được coi là nguồn bổ trợ để xác định các qui phạm pháp luật phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án quốc tế.

Điều 38(2) đảm bảo quyền quyết định một vụ việc của Tòa, đảm bảo tính công bằng, nếu các bên đồng ý: "điều khoản này sẽ không phương hại tới thẩm quyền của Tòa trong việc đưa ra phán quyết cho vụ việc theo nguyên tắc en aequo et bono, nếu như các bên chấp thuận". Tòa có thể dựa vào điều 38(1) để xét xử vụ việc theo các quy định của luật được áp dụng. Mặt khác, Tòa cũng có thể dựa vào điều 38(2) để đưa ra một bản án đảm bảo tính công bằng và có thể chấp nhận được đối với cả hai bên.

Thủ tục xét xử[sửa]

Các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế chỉ mang ý nghĩa chính trị hơn là có hiệu lực thi hành, và mọi việc đều tùy thuộc vào thiện chí của các nước. Theo lý thuyết, nếu một bên từ chối thi hành phán quyết của tòa, vấn đề có thể được chuyển lên cho Hội đồng Bảo an LHQ xử lý, nhưng việc này thường lâm vào bế tắc vì năm thành viên thường trực thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết. Trong năm 2004 tòa đưa ra một phán quyết đầy tranh cãi bằng việc lên án hàng rào an ninh của Israel, kết tội hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế và phải dỡ bỏ hàng rào này ngay lập tức, cũng như bồi hoàn chi phí thiệt hại cho người Palestine. Israel phản đối quyết liệt quyết định trên và lờ đi, vẫn tiếp tục xây dựng và củng cố hàng rào an ninh. Và Israel không phải là nước đầu tiên phớt lờ quyết định của tòa, Argentina vào năm 1977 Hoa Kỳ vào năm 1984 cũng có các quyết định tương tự. Đến năm 2016 Tòa án đưa ra phán quyết về tranh chấp Biển đông giữa Trung quốc và Philippines, phán quyết nêu rõ những sai trái của Trung quốc ở Biển đông. Tuy nhiên Trung quốc cũng lờ đi các phán quyết của Tòa.

Chú ý[sửa]

Xin đừng nhầm lẫn Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) với Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) vì Toà án Công lý Quốc tế chỉ thụ lý các vụ việc tranh chấp giữa các quốc gia và không có quyền xét xử cá nhân, vì việc này là trách nhiệm của Tòa án Hình sự Quốc tế, cũng có trụ sở tại La Hay. Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ xét xử và truy tố các cá nhân phạm tội ác tồi tệ nhất như tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, tội diệt chủng,...

Chú thích[sửa]

Xem thêm[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây