Thư gửi Giáo sư Chu Hảo nhân dịp đọc về các giấc mơ trong Phân tâm học nhập môn của Sigmund Freud

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sơn tây, ngày 01/3/2008

Kính thưa Giáo sư.

Khi đọc phần nói về các giấc mơ của Freud, cảm nhận ban đầu của em là Freud đã có một kỳ công nghiên cứu về các giấc mơ. Nếu là người không nghiên cứu về giấc mơ thì có thể cho rằng Freud đã nghiên cứu khá cặn kẽ và có thể chấp nhận những quan điểm của Freud. Nhưng với tư cách là người nghiên cứu về hoạt động của hệ thần kinh và nghiên cứu về những giấc mơ là một phần trong đó, em thấy cần có những ý kiến về cách lý giải các giấc mơ của Freud.

Trước hết, về định nghĩa giấc mơ, em cũng có quan điểm giống với Freud, có nghĩa là không tìm kiếm một định nghĩa tổng quát bởi ai cũng có những giấc mơ. Vì vậy, khi người đọc thấy xuất hiện một định nghĩa nào đó trong sách của Freud thì hiểu đó là định nghĩa không tổng quát. Mặt khác, Freud cho rằng người ta không chỉ mơ trong lúc ngủ, mà còn mơ trong lúc thức. Em đồng tình với quan điểm này. Giấc mơ trong lúc thức là sự mơ mộng, sự tưởng tượng bằng hình ảnh không gắn với hiện tại. Nó là một phần của tư duy, tư duy bằng hình ảnh. Tư duy bằng lời nói, mặc dù có thể không gắn với hiện tại, những cũng không thể coi là giấc mơ bởi quan niệm của chúng ta là giấc mơ được thể hiện bằng các hình ảnh. Freud nói đó là sự biểu thị bằng thị giác. Với ý nghĩa không tổng quát nên các định nghĩa của Freud nếu có sự phù hợp thì chỉ phù hợp với một số dạng giấc mơ. Nếu dùng định nghĩa này làm định hướng nghiên cứu thì kết quả sẽ bị giới hạn hoặc sai lệch. Mặt khác, Em nói đến dạng giấc mơ ở đây bởi giấc mơ nhiều dạng. Freud đã không đặt vấn đề phân loại giấc mơ mặc dù đã phát hiện ra một số dạng giấc mơ như giấc mơ của trẻ con, giấc mơ thể hiện ham muốn, giấc mơ thể hiện và nối tiếp những hoạt động thần kinh lúc thức... Phân loại các giấc mơ là một điểm quan trọng bởi nó dẫn đến việc tìm hiểu ý nghĩa các giấc mơ và năng lực hoạt động thần kinh. Trong việc khảo sát các giấc mơ, có một điểm chung thú vị giữa Freud và em, đó là phát hiện ra giấc mơ thèm ăn mà Freud tìm thấy ở những người bị đói, còn em gọi đó là những giấc mơ của người nghèo. Em còn đưa thêm vào ý nghĩa của những giấc mơ về sự dự báo thiếu chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể do loại thức ăn chứa chất dinh dưỡng đó đem đến. Những giấc mơ về ăn uống có cơ chế hình thành từ thời thuỷ tổ của các tế bào thần kinh động vật. Các tế bào thần kinh thuỷ tổ là các đơn bào bị đói do không được trực tiếp tiếp xúc với nguồn dinh dưỡng trong tập đoàn đa bào chuyển hoá thành (em đã lấy ví dụ về sự hình thành tế bào thần kinh của loài thuỷ tức để minh hoạ). Freud không phân loại giấc mơ, không biết rằng năng lực hoạt động thần kinh khác nhau, môi trường sống và sự ghi nhớ khác nhau có thể dẫn đến sự hình thành các giấc mơ khác nhau, và nhiều giấc mơ khác nhau có thể có chung một ý nghĩa. Vì vậy Freud không lý giải được tại sao cùng nghe tiếng đồng hồ báo thức mà ba người có ba giấc mơ khác nhau. Có những giấc mơ thể hiện sự ham muốn, có những giấc mơ thể hiện sự kết nối giữa hoạt động thần kinh trong trạng thái ngủ với các kích thích hiện tại cả bên trong và bên ngoài cơ thể, (mà ba giấc mơ liên quan đến tiếng chuông đồng hồ báo thức mà Freud mô tả là ví dụ), có giấc mơ mang ý nghĩa phản ánh tình trạng sức khỏe và trạng thái cơ thể (thường do các kích thích nội thể tạo nên), có giấc mơ mang ý nghĩa đặc biệt là phản ánh khả năng hoạt động trí tuệ của người mơ, em gọi đó là những giấc mơ xa lạ, những giấc mơ có mức độ xa lạ càng lớn, những cảnh tượng trong mơ càng lạ lẫm thì năng lực hoạt động trí tuệ càng cao. Freud không biết điều này bởi không ai cho Freud biết là trong một hệ thần kinh có thể có năm phương thức hoạt động. Mặt khác, khi nghiên cứu về các giấc mơ, Freud đã định hướng và bị ràng buộc bởi tư tưởng phân tâm trong hoạt động thần kinh. Phân tâm là một trạng thái hoạt động thần kinh chứ không phải là một phương thức hoạt động thần kinh. Em không đưa trạng thái phân tâm thành một trạng thái cụ thể như năm trạng thái thần kinh mà em đã nêu trong cuốn “Điều gì sau những giấc mơ”, em mô tả nó dưới dạng tại một thời điểm có nhiều hướng hoạt động thần kinh, trong đó có một hướng chính mà chúng ta có thể nhận ra, còn các hướng khác bị che lấp (các hướng hoạt động ẩn) và chúng có thể được nhận ra trong một trạng thái hay thời điểm nào đó như trong các giấc mơ. Khi tìm được cách kích hoạt những hướng bị che lấp, các hướng này thể hiện những hình ảnh, những kết nối mà chúng đã tạo ra. Khi các hướng này hoạt động, chúng sẽ tạo ra sự ức chế trên hướng hoạt động chính. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó giúp cho sự giải toả căng thẳng thần kinh. Em chưa đọc phần chính của thuyết phân tâm vì vậy em chưa có đánh giá về thuyết này. Hướng nghiên cứu của em là để có thể lý giải được về các giấc mơ, phải tìm hiểu xem hệ thần kinh hoạt động như thế nào. Mà muốn biết được hệ thần kinh hoạt động như thế nào, phải tìm hiểu xem hệ thần kinh được hình thành như thế nào, tổ chức của hệ thần kinh ra sao, các yếu tố liên quan đến sự hình thành và hoạt động của nó.v.v... Vì vậy, nghiên cứu về các giấc mơ lại trở thành một phần trong nghiên cứu về hệ thần kinh của em và kết quả của việc nghiên cứu đó như Giáo sư đã được thấy trong cuốn “Báo cáo Khoa học” của em. Trở lại với Freud. Freud đã rất cố gắng trong khảo cứu và lý giải về các giấc mơ và sự phân tâm. Nếu so sánh về mức độ nhận thức của thời đại, Freud đã có một bước tiến lớn, nhưng so với yêu cầu của sự nhận thức đúng thì vẫn còn có khoảng cách. Freud cho rằng các giấc mơ là phản ứng của linh hồn chống lại những kích động phát sinh trong giấc ngủ. Có nhiều kích động phát sinh trong giấc ngủ, bao gồm các kích động ngoại thể và nội thể, còn có thể kể đến những kích động không thông qua các giác quan như sóng điện từ. Điều này có nghĩa là Freud đã đúng khi cho rằng có những kích động trong giấc ngủ. Nhưng nếu cho rằng linh hồn phản ứng chống lại những kích động đó thì lại là không có cơ sở. Trong một số trường hợp, có thể nói rằng hệ thần kinh không những không phản ứng chống lại các kích động, mà còn hưởng ứng với các kích động đó, và sự hưởng ứng thái quá đó dễ làm cho người mơ thức giấc. Freud cho rằng giấc mơ là một hiện tượng tinh thần. Thực ra, đến tận thời điểm này, nhân loại chưa biết chính xác tinh thần là gì. Vì vậy, gọi giấc mơ là một hiện tượng tinh thần sẽ đem đễn sự nhận thức mơ hồ. Qua sự thể hiện các ham muốn trong những giấc mơ và sự liên quan của giấc mơ tới các sự việc trước đó, Freud đã tìm thấy mối liên hệ giữa ý tưởng tiềm tàng và nội dung rõ ràng của những giấc mơ. Đây là phát hiện của Freud. Tạo hoá đã cho con người khả năng tư duy. Sự tư duy không chỉ tồn tại ở trạng thái hiện để tạo nên hướng tư duy chính, mà còn thể hiện ở trạng thái ẩn tạo nên các hướng tư duy khác đồng thời với quá trình tư duy trên hướng chính. Những hướng tư duy ở trạng thái ẩn đã tạo nên các ý tưởng tiềm tàng và trong một số trường hợp, mà cụ thể ở đây là giấc mơ, chúng chuyển sang trạng thái hiện. Nhưng trong trạng thái hiện này, chúng không tái hiện lại hoàn toàn quá trình tư duy hay ý tướng đó, mà có sự kết nối với những kích thích hiện tại hay bất kỳ những tế bào thần kinh nào đang trong trạng thái hưng phấn và tiếp nhận được sự kết nối đó. Tuỳ theo hệ thần kinh hoạt động theo phương thức nào mà người mơ có thể thấy giấc mơ của mình có liên hệ gần hoặc xa những hình ảnh mà người mơ được thấy hoặc đã tưởng tượng trong lúc thức. Sự kết nối này có thể so sánh với sự kết nối tạo nên các hành vi sai lạc và hoạt động sáng tạo. Khi các giấc mơ không phản ánh đúng các hình ảnh mà người mơ đã được thấy, Freud cho đó là sự biến dạng của các giấc mơ. Có thể gọi đó là sự biến dạng cũng được bởi bản chất của quá trình tư duy và giấc mơ là sự kết nối các chi tiết, các bộ phận hình ảnh, các cảnh tượng, nói chung là mọi cái mà người mơ ghi nhớ được theo một cách thức do chính hệ thần kinh của người mơ tạo ra, bao gồm cả những ghi nhớ về những cái do chính người mơ tưởng tượng. Mức độ biến dạng phụ thuộc vào mức độ hoạt động của các phương thức hoạt động thần kinh. Sự biến dạng nhiều nhất xảy ra ở người có năng lực hoạt động trí tuệ cao, ở mức biến dạng này, người mơ nếu không phân tích được kỹ càng thì sẽ thấy giấc mơ hoàn toàn xa lạ, còn với những hệ thần kinh hoạt động với phương thức phản ứng thần kinh thì sự biến dạng là không nhiều, cảnh tượng trong giấc mơ gần gũi với những gì họ thấy và thường lặp lại sau khoảng thời gian ngắn sau khi họ thấy các cảnh đó. Trong hệ thần kinh của trẻ con, do khối lượng các hình ảnh ghi nhớ chưa nhiều nên các phương thức hoạt động thần kinh chưa bộc lộ rõ, chưa tạo được nhiều liên kết mới nên mức độ biến dạng của các giấc mơ cũng không cao. Nhưng Freud cho rằng nguyên nhân của sự biến dạng của các giấc mơ là do có sự kiểm duyệt là không đúng. Trong thực tế, sự kiểm duyệt của hệ thần kinh chỉ có khi hệ thần kinh trong trạng thái thức và ở những người bình thường. Còn trong trạng thái ngủ, sự kiểm duyệt hầu như không có nên người mơ không định hướng được cho giấc mơ. Sự kiểm duyệt (hay sự kiểm soát và chọn lọc) trong lúc thức sẽ định hướng cho tư duy và cũng có thể hạn chế kết quả tư duy, còn trong giấc mơ do không có sự kiểm duyệt nên giấc mơ mơ có thể bay bổng và cho kết quả kỳ lạ. Sự kiểm duyệt thường là các quan niệm, các tư tưởng, các niềm tin được cho là đúng và trong một số trường hợp là hiện tại khách quan. Trong trạng thái thức, các quan niệm, tư tưởng, hay niềm tin được kích hoạt để chuyển sang trạng thái hưng phấn và định hướng cho tư duy, còn thực tại khách quan thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển tư duy theo hướng đã được định ra. Nếu sự kiểm duyệt (theo cách gọi của Freud) không thực hiện được chức năng của mình thì ngay trong lúc thức, con người cũng có thể mơ hoặc một số biểu hiện khác là sự mất tập trung, bị thôi miên hoặc không nhận thức được chính hành vi của mình. Sự kiểm duyệt chỉ có thể cắt đi chứ không thêm vào, còn giấc mơ nói riêng và sự tư duy nói chung là đưa thêm, cắt bớt, thay thế những chi tiết, bổ xung những cái mới làm cho những cái mà bộ não đã ghi nhớ bị biến dạng. Sự kiểm duyệt chỉ tạo ra các lỗ hổng chứ không tạo nên sự biến dạng bởi nó chỉ thực hiện việc cắt bớt. Vì vậy đưa sự kiểm duyệt vào trong giấc mơ và giải thích đó là nguyên nhân gây nên sự biến dạng của giấc mơ là không thỏa đáng.Trong giấc ngủ, chỉ còn hiện thực là có khả năng tác động lên hệ thần kinh và tạo ra các kết nối với giấc mơ, thúc đẩy hoặc kìm hãm giấc mơ đi theo một con đường nào đó. Do không phải giấc mơ nào cũng có sự xuất hiện của các tác động hiện thực, vì vậy vai trò kiểm duyệt nếu có của hiện thực cũng không phải lúc nào cũng có. Nói cách khác, nếu hiện thực tác động lên các giấc mơ thì chỉ nên coi chúng là một yếu tố của giấc mơ, chúng tham gia vào sự hình thành và tiến triển của giấc mơ chứ không thể nói chúng là sự kiểm duyệt.

Freud đưa ra khái niệm yếu tố tượng trưng trong giấc mơ. Điều này được Freud thừa nhận là một khái niệm chưa rõ ràng. Quả thực, trong giấc mơ có những chi tiết, những hình ảnh có vẻ tượng trưng cho một cái gì đó. Chúng ta chỉ cần chú ý thêm một ít về sự ghi nhớ và tư duy là chúng ta có thể hiểu được tại sao cái có vẻ là tượng trưng lại xuất hiện. Bộ não ghi nhớ hình ảnh thông qua hệ thụ cảm thị giác và hình ảnh được tập trung chú ý sẽ được ghi nhớ (hình ảnh chính). Nhưng sự ghi nhớ không chỉ giành riêng cho hình ảnh được chú ý mà có thể có những hình ảnh khác được thu vào tầm mắt cũng có thể được ghi nhớ đồng thời với hình ảnh chính. Còn sự tư duy hiểu theo cách đơn giản nhất là bộ não chia các hình ảnh, các từ ngữ, các câu nói thành các chi tiết rồi lắp ghép lại theo một kiểu mới, bao gồm cả việc lắp ghép từ các chi tiết, các từ ngữ của các hình ảnh khác nhau, các câu nói khác nhau để tạo ra hình ảnh mới, câu nói mới. Hình ảnh mới do bộ não tạo ra được chúng ta gọi là sự tưởng tượng, còn câu nói mới là sự suy nghĩ. Cả hai cũng được bộ não ghi lại để rồi nếu chúng xuất hiện trong giấc mơ, chúng có thể trở thành một yếu tố xa lạ hoặc mang dáng vẻ tượng trưng do tư duy mang đến cho giấc mơ. Còn yếu tố mang dáng vẻ tượng trưng do sự ghi nhớ hình ảnh đem đến xuất hiện bởi có sự kích hoạt chúng và hình ảnh chính, nhưng hình ảnh chính bị ức chế, còn chúng là không. Mặt khác, trong quá trình tư duy, con người luôn có ý thay thế cái này bằng một cái khác, tạo cho cái hiện hữu một sắc thái mới và làm cho nó trở thành một cái mang tính đại diện hay tính tượng trưng. Đây cũng là một yếu tố làm xuất hiện cái tượng trưng trong giấc mơ. Trong một số trượng hợp chúng có biểu hiện của ý nghĩa tượng trưng, còn trong những trường hợp khác chúng chỉ xuất hiện như một chi tiết, một hình ảnh trong chuỗi các hình ảnh của giấc mơ. Nói cách khác, sự tượng trưng của một vài yếu tố chỉ thay thế cho cái mà nó là tượng trưng trong một vài trường hợp cụ thể chứ không cho mọi trường hợp ngay trong một bộ não, với các bộ não khác nhau thì sẽ khó đảm bảo được tính tượng trưng. Vì vậy, nêu khái niệm yếu tố tượng trưng có thể dẫn đến sự lệch hướng cho những người nghiên cứu về hoạt động của hệ thần kinh khi họ hoàn toàn tin tưởng vào phân tâm học do Feud xây dựng.

Các giấc mơ có đời sống và tiếng nói của chúng, nghe và hiểu được chúng nói gì là một việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa. Nhưng làm được điều này thật không đơn giản bởi năng lực thần kinh, sự ghi nhớ và khả năng nhớ lại giấc mơ và những ghi nhớ khác có liên quan của mỗi người là rất khác nhau. Về cơ bản, chỉ có người mơ mới làm tốt được việc này trên cơ sở hiểu được mình, nắm được một số biểu hiện và sự phản ánh chung của các giấc mơ, phân tích được sự hình thành các liên kết mới trong mơ. Và vẫn còn một điều chưa có chứng cứ nhưng có thể tác động không thông qua các giác quan để tạo ra giấc mơ, đó là sóng điện từ. Nếu như sóng điện từ là một trong các kích động tạo nên giấc mơ thì đến nay chúng ta vẫn không biết gì về điều này và do đó vẫn còn những bí ẩn chưa được làm rõ. Chúng ta cho rằng chúng có thể kích động để tạo nên giấc mơ bởi khả năng xâm nhập thẳng vào não của chúng. Vì vậy con đường nghiên cứu về các giấc mơ vẫn còn phía trước. Mặc dù có một số điều em cần tranh luận với Freud, (thật tiếc là em không thể có được điệu này) nhưng em vẫn cảm ơn Freud bởi Freud giúp em hiểu sâu hơn những điều mình nghiên cứu. Khám phá ra trạng thái phân tâm trong hoạt động thần kinh và xây dựng nên môn phân tâm học là công lớn của Freud cho nhân loại. Nhưng để thực sự hiểu được đúng trạng thái này và phát huy hiệu quả trong việc chữa một số bệnh thần kinh liên quan đến trạng thái này thì rõ ràng vẫn còn có việc phải làm. Em có linh cảm rằng mình còn phải viết thêm về phân tâm học của Freud, nhưng em có nhiều việc cần làm hơn nên em xin tạm thời dừng ở đây. Cảm ơn sự quan tâm của Giáo sư tới bức thư này. Xin chúc Giáo sư mạnh khỏe.

Liên kết đến đây