Trí thông minh không tách biệt khỏi tình yêu
Giáo dục hiện đại, với mục đích phát triển trí năng, cung cấp ngày càng nhiều lý thuyết và thực hành, nhưng không mang lại sự hiểu biết tiến trình hiện hữu của con người. Chúng ta có tri thức rất cao; chúng ta đã phát triển tâm trí tinh xảo vượt bậc và chúng ta đã bị tiêm nhiễm bởi thói quen biện giải bằng sự tinh xảo của trí năng đó. Trí năng (intellect) thỏa mãn với các học thuyết và những giải thích, nhưng trí thông minh (intelligence) thì không; cho nên, nếu muốn thấu hiểu toàn bộ tiến trình hiện hữu của con người, cần phải có sự hòa hợp giữa khối óc và con tim trong hành động. Trí thông minh không tách biệt khỏi tình yêu.
Hầu hết chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn hoàn tất cuộc cách mạng nội tâm này. Chúng ta biết cách thiền, biết cách chơi dương cầm, biết cách viết văn, nhưng chúng không có sự hiểu biết của một hành giả, một nghệ sĩ dương cầm hay một nhà văn. Chúng ta không trở thành những kẻ sáng tạo được bởi vì chúng ta nhồi nhét vào trái tim và khối óc của chúng ta đầy những kiến thức, thông tin và sự kiêu mạn ; chúng ta tích chứa đầy những câu trích dẫn mà người khác suy tư và phổ biến. Thực tế thì chính kinh nghiệm đến trước, rồi ta mới phát biểu về kinh nghiệm đó sau. Vì thế cần phải yêu trước khi có thể diễn giải về tình yêu.
Thông tin, tri thức về thực tế, dù có gia tăng đến mấy thì cũng bị giới hạn bởi bản chất của nó. Sự khôn ngoan (wisdom) thì vô biên, nó bao gồm cả tri thức và hành động, vậy mà chúng ta chỉ bám chấp vào một cành và tưởng rằng đó là toàn bộ cái cây. Với sự hiểu biết phiếm diện, chúng ta không bao giờ có thể cảm nhận được niềm an lạc của toàn thể. Trí năng không bao giờ có thể dẫn đến cái toàn thể, vì nó chỉ là một phần, một mảng của toàn thể mà thôi.
Chúng ta đã tách biệt trí năng ra khỏi cảm giác và trong khi phát triển trí năng, chúng ta đã bóp chết cảm giác. Chúng ta giống như một vật thể ba chân với một cái chân dài hơn hai cái chân kia, và chúng ta đã bị mất thăng bằng. Chúng ta được đào tạo thành người có khả năng lý luận; nền giáo dục của chúng ta huấn luyện trí năng trở thành công cụ sắc bén, tinh xảo, có khả năng tích lũy và chính vì thế nó đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống chúng ta. Trí thông minh rộng lớn hơn trí năng nhiều, vì trí thông minh dung nạp được lý trí với tình yêu; tuy nhiên, trí thông minh, hay sự khôn ngoan chỉ có thể thành tựu khi ta tự biết mình, một sự hiểu biết sâu xa về toàn bộ tiến trình của bản ngã.
Điều thiết yếu cho con người, cả người già lẫn người trẻ, là làm sao sống một cách tràn đầy, trọn vẹn, và đó chính là lý do tại sao vấn đề chính yếu của chúng là bằng cách nào đào tạo cho ra một con người minh triết, một người biết dung hợp giữa khối óc vào con tim. Nhấn mạnh thái quá vào bất cứ mặt nào trong toàn thể quá trình hình thành nhân cách đều tạo ra quan điểm què quặt và méo mó về cuộc sống, và cũng chính cái sự méo mó này đã đang gây hầu hết những vấn đề nan giải cho chúng ta. Phát triển bất cứ một mặt nào trong toàn bộ tâm tính của chúng ta đều trở thành tai hại cho chính chúng ta cũng như cho xã hội. Vì thế, nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề về con người, thì quan điểm dung hợp giữa tình cảm và lý trí phải thật sự được xem trọng.
Trở thành một con người trung dung là phải hiểu toàn bộ tiến trình nhận thức của chính mình, cả những cái tiềm tàng lẫn những cái mở phơi. Thành quả này không thể đạt được nếu chúng ta quá chú trọng vào trí năng. Chúng ta gán cho việc đào tạo tâm trí tầm quan trọng quá lớn đến nỗi chúng ta xem nhẹ, hạ thấp và thậm chí còn triệt tiêu luôn việc đào tạo nội tâm. Lối sống thuần trí năng chính là con đường gây chia rẽ; bởi vì ý tưởng, giống như niềm tin (belief), không bao giờ có khả năng đem con người xích lại gần nhau, nhưng nó tạo ra toàn là những nhóm đối lập.
Chừng nào chúng ta còn phụ thuộc vào ý tưởng cho rằng lý trí là phương tiện để hình thành sự hợp nhất, thì chừng đó vẫn còn sự chia rẽ; và để hiểu được hành động chia rẽ của ý tưởng cũng chính là ý thức được đường lối của tự ngã, tức là những ham muốn của chính bản thân mình. Chúng ta cần tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh của đời sống và sự phản ứng của hoàn cảnh với chúng ta như thế nào, dù hoàn cảnh của tập thể hay cá nhân. Chỉ khi nào một người hoàn toàn ý thức được những họat động của bản ngã với những ham muốn và mưu cầu trái ngược của nó, hy vọng và sợ hãi của nó, thì người đó mới có thể điều phục được bản ngã.
Như vậy, chỉ có tình yêu hợp với suy nghĩ chín chắn mới mang lại cuộc cách mạng thực sự, một cuộc cách mạng trong nội tâm của chính chúng ta. Nhưng chúng ta phải yêu bằng cách nào? Chắc chắn là chúng ta không thể yêu bằng cách mưu cầu, tìm tòi những ý tưởng về tình yêu, nhưng khi chúng ta loại bỏ được lòng sân hận, khi chúng ta không có lòng tham, khi chúng ta ý thức được tự ngã mà nó chính là nguyên nhân của sự chia rẽ, thì chúng ta mới đi đến đích của tình yêu. Người nào bị tiêm nhiễm bởi thói quen tìm kiếm sự bóc lột, tham lam và ghen tỵ thì không bao giờ có thể yêu thương.
Nếu không có từ bi và trí huệ, sự áp bức và tội ác sẽ còn tiếp tục gia tăng. Những vấn đề mâu thuẫn của con người với con người chỉ có thể được giải quyết, không nhờ vào việc mưu cầu, học hỏi những ý tưởng về hòa bình, mà nhờ vào sự hiểu biết những nguyên nhân của chiến tranh tiềm tàng trong thái độ của chúng ta đối với cuộc sống, đối với những thế hệ của chúng ta ; và sự thấu hiểu này chỉ có thể đạt được bằng một nền giáo dục chân chính. Nếu chúng ta không thay đổi con tim, không thay đổi thiện ý, không biến cải nội tâm bằng cách ý thức tự ngã, thì chúng ta chẳng bao giờ có hòa bình, chẳng bao giờ có hạnh phúc cho chính mình và cho cả con cháu chúng ta.
Bản quyền[sửa]
Nguyên tác: Jiddu Krishnamurti. Dịch giả: Nguyễn Minh Vương. Dịch giả đã đồng ý cho phép Thư viện Khoa học VLOS được đăng lại. Mọi sự sao chép hay phát hành lại trên các trang web khác phải được sự đồng ý của dịch giả.