Trị rắn cắn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bị rắn cắn là ác mộng của những người đi bộ đường dài! Bạn thử tưởng tượng mình đang bước đi trên con đường ngập nắng, cảm giác như hòa nhập cùng thiên nhiên, bỗng từ đâu một con rắn lao tới và tấn công bạn. Khi gặp tình huống này bạn phải biết cách xử lý vết rắn cắn ngay lập tức. Nếu trị đúng cách thì bạn có thể sống sót ngay cả với vết cắn của loại rắn độc nhất. Bạn cứ thoải mái hòa nhập vào thiên nhiên, thưởng thức các buổi đi bộ, cắm trại hoặc đi ngắm cảnh, nhưng phải nhận thức về sự nguy hiểm của rắn và học cách xử lý khi bị rắn cắn.

Các bước[sửa]

Trị Vết cắn bởi Rắn độc[sửa]

  1. Gọi cấp cứu hoặc la lên để người khác tới hỗ trợ. Nếu không có ai xung quanh nhưng bạn vẫn còn đi được thì phải đi tìm người giúp ngay. Hầu hết các vết rắn cắn đều không nguy hiểm, nhưng nếu đó là rắn độc thì nhất thiết bạn phải được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Nhân viên sơ cấp cứu biết về loại rắn ở khu vực đó và họ cũng có đầy đủ dụng cụ chữa trị cần thiết. Gọi điện cho nhân viên y tế hoặc tới phòng cấp cứu ngay.
    • Bạn không cần phải biết đó có phải rắn độc cắn hay không, và cũng không thể phân biệt được nếu chỉ nhìn vào vết cắn. Tốt nhất là tìm biện pháp cấp cứu ngay bất kể vết cắn trông thế nào.
    • Giữ bình tĩnh. Hốt hoảng làm tăng nhịp tim, và nếu con rắn đó là độc thì nhịp tim nhanh càng khiến chất độc lan vào cơ thể nhanh hơn.[1] Cố gắng giữ bình tĩnh và yên lặng.
    • Nếu được bạn nên gọi tới phòng cấp cứu của bệnh viện để được họ hướng dẫn trong lúc chờ.[2]
  2. Để ý hình dạng bên ngoài của rắn.[1] Nhân viên sơ cấp cứu và bác sĩ điều trị cần bạn mô tả rắn để xác định xem đó có phải rắn độc hay không. Nếu được bạn hãy ghi nhớ hình ảnh con rắn, hoặc ít nhất nhờ người bạn đi cùng nhìn kỹ con rắn để xác nhận chắc chắn những gì bạn đã thấy.
    • Bạn không nên cố bắt rắn trừ khi có kinh nghiệm trong việc này, vì chúng rất nhanh nên luôn có lợi thế hơn.
    • Không bước tới gần rắn, hoặc nán lại để nhìn rõ hơn khi đang đứng trong tầm tấn công của rắn. Chắc chắn việc này không an toàn và bạn chỉ nên nhìn thật nhanh rồi tránh ra xa.
  3. Tránh xa rắn. Bạn nên tránh xa tầm tấn công của rắn ngay lập tức để không bị cắn lần hai. Rời xa chỗ bị cắn với khoảng cách an toàn, nhưng không chạy hay di chuyển quá xa. Nhịp tim bắt đầu tăng nếu bạn vận động nhanh, từ đó nọc độc lan nhanh hơn vào cơ thể.
    • Di chuyển tới nơi mà rắn ít có khả năng quay lại. Bạn nên tìm một tảng đá phẳng hơi cao hơn mặt đất, một nơi trống trải hoặc không có nhiều chỗ ẩn nấp cho rắn.
    • Sau khi tới được nơi an toàn bạn phải cố giữ yên cơ thể, tránh vận động.
  4. Cố định và đỡ chỗ rắn cắn. Không buộc garô nhưng cố giới hạn chuyển động chỗ rắn cắn, đồng thời giữ vết thương ở vị trí bằng hoặc thấp hơn tim. Đây là cách trì hoãn lây lan nọc độc rắn nếu không may đó là rắn độc.
    • Giữ vết thương thấp hơn tim sẽ làm chậm dòng chảy của máu nhiễm độc đi tới tim, bởi từ đó tim đẩy nọc độc đi khắp cơ thể.[1]
    • Nếu được bạn nên tự chế tạo một thanh nẹp để giữ cố định khu vực xung quanh chỗ rắn cắn. Sử dụng thanh củi hay tấm ván buộc vào một bên của vết cắn. Bạn có thể buộc cố định bằng vải vào phía dưới, giữa hay bên trên thanh củi.
  5. Cởi quần áo, đồ trang sức hay vật dụng đeo tại vết thương. Vết cắn của rắn độc gây sưng rất nhanh, ngay cả quần áo không bó sát cũng trở nên chật khi vết thương sưng.
  6. Vệ sinh vết thương thật sạch nhưng không lấy nước dội vào. Lấy tấm vải sạch nhúng vào nước rồi lau nhẹ vết thương, nhưng cố lau sạch nhất có thể. Sau khi lau xong bạn lấy vải sạch che lại.
  7. Ngồi chờ nhân viên y tế tới hoặc đi tìm người giúp đỡ. Cách tốt nhất là bạn phải được cấp cứu càng sớm càng tốt. Có một tin tốt là một khi bạn đã lau sạch vết thương và tháo hết đồ trang sức đeo ở đó, nếu sưng ít hoặc không sưng thì vết cắn này hầu như không thể do rắn độc gây ra. Tuy nhiên, nếu đúng là vậy thì vẫn có khả năng nhiễm trùng hoặc xuất hiện phản ứng nghiêm trọng của cơ thể như dị ứng, do đó bạn vẫn phải được chăm sóc y tế ngay.
  8. Tránh những hành động làm tình trạng xấu hơn. Có rất nhiều thông tin sai lệch về cách chăm sóc vết rắn cắn, thậm chí một vài trong số đó còn khiến bạn nguy cấp hơn.
    • Không cắt lấy nọc hoặc dùng miệng hút nọc ra ngoài. Rạch vết thương chỉ khiến vấn đề thêm trầm trọng và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bất kì ai hút nọc cũng có thể vô tình nuốt phải một ít và tự đầu độc chính mình.
    • Không buộc garô hay chườm đá lạnh lên vết thương. Các chuyên gia tin rằng garô hạn chế lưu thông máu quá mức, trong khi đó nước đá làm vết thương nặng hơn.[1][3]
    • Không uống rượu bia hay chất caffein vì chúng làm tăng nhịp tim dẫn tới lan rộng nọc độc tại vết thương. Nhưng bạn phải uống đủ nước.
  9. Hiểu về biện pháp chăm sóc y tế khi được cấp cứu. Tại phòng cấp cứu, nhân viên y tế sẽ trị sưng và đau cho bạn, và những triệu chứng khác do rắn độc cắn. Ví dụ như buồn nôn, chóng mặt, tê cứng, khó thở hay cảm giác nuốt không trôi. Họ cũng giám sát bạn để phòng tụt huyết áp, bất kì dấu hiệu tổn thương nào tới máu hay hệ thần kinh, phản ứng dị ứng và sưng.
    • Cách chữa trị phụ thuộc vào triệu chứng bạn đang gặp phải. Nếu không có triệu chứng gì hết bạn vẫn phải ở lại bệnh viện trong 24 giờ để quan sát tình hình, vì với một số trường hợp triệu chứng có thể xuất hiện trong thời gian này.
    • Nếu bạn bị rắn độc cắn, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc chữa rắn cắn (hay còn gọi là huyết thanh kháng nọc). Thuốc này là tổng hợp của các loại kháng thể, được sản xuất để hóa giải nọc độc rắn, an toàn và hiệu quả với cả người lớn và trẻ em. Tùy vào triệu chứng mà bạn có thể phải dùng nhiều hơn một liều.
    • Có khả năng bạn sẽ được uống kháng sinh phổ rộng để tránh nhiễm trùng vết thương, và tiêm ngừa uốn ván nếu bác sĩ thấy cần thiết.
    • Ngoài ra có trường hợp phải phẫu thuật khi vết cắn quá nặng.
  10. Làm theo hướng dẫn chăm sóc vết thương khi về nhà. Sau khi xuất viện, điều bạn cần quan tâm nhất là giữ vết thương sạch sẽ và băng kín, đồng thời làm theo hướng dẫn y tế về chăm sóc vết thương. Ví dụ, bạn cần biết bao lâu phải thay băng một lần, cách vệ sinh vết thương đang lành (thường bằng xà phòng và nước ấm), và cách nhận biết nhiễm trùng.
    • Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sưng, đau khi sờ, ửng đỏ, chảy dịch và nóng ở chỗ nhiễm trùng, hoặc xuất hiện một đợt sốt mới. Nếu có bất kì triệu chứng nào trên đây tại vết cắn thì bạn phải gọi điện ngay cho bác sĩ.
  11. Giữ bình tĩnh và chờ đợi nếu không thể liên lạc với đơn vị chăm sóc y tế. Nếu bạn đang ở một nơi hoang dã và đơn vị chăm sóc y tế không thể đến sớm, điều bạn cần làm nhất là phải giữ bình tĩnh và chờ nọc độc đào thải ra ngoài. Trong đa phần các trường hợp thì rắn không kịp bơm đủ nọc để gây tử vong. Trị từng triệu chứng khi chúng xuất hiện, và quan trọng nhất là phải bình tĩnh và hạn chế cử động tối đa. Nỗi sợ rắn và cảm giác hồi hộp sau khi bị cắn thường là nguyên nhân dẫn tới tử vong, vì tim đập quá mạnh khiến nọc độc nhanh chóng lan ra cơ thể.
    • Nếu bạn đang đi bộ đường dài và có thể tìm thấy người khác thì hãy nhờ họ gọi điện hay đi tìm sự giúp đỡ cho mình, hoặc nhiều khi họ có bộ dụng cụ bơm hút nọc rắn.

Trị Vết cắn bởi Rắn không độc[sửa]

  1. Cầm máu. Vết cắn của rắn không độc không thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bạn vẫn cần sơ cấp cứu để tránh nhiễm trùng. Cũng giống như cách xử lý vết thương bị đâm, đầu tiên bạn phải ép chặt miếng gạc hay băng y tế vô trùng vào vết thương để không mất nhiều máu.[4]
    • Không trị vết rắn cắn theo kiểu này trừ khi bạn đã chắc chắn tuyệt đối rằng đó là rắn không độc. Nếu có nghi ngờ thì bạn phải tìm biện pháp chăm sóc y tế ngay lập tức.
  2. Vệ sinh vết thương cẩn thận. Rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong nhiều phút, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước. Lau khô bằng gạc y tế vô trùng.[5] Dùng gạc y tế tẩm cồn nếu có sẵn.
  3. Trị vết thương bằng thuốc kháng sinh dạng bôi và băng. Thoa một lớp thuốc mỡ kháng sinh lên trên vết thương sạch, sau đó băng lại. Cách này không những bảo vệ vết thương mà còn chống nhiễm trùng.
  4. Tìm biện pháp chăm sóc y tế. Bác sĩ sẽ kiểm tra vết thương để chắc chắn nó đã được làm sạch và chăm sóc đúng cách. Bạn nên hỏi xem có cần thêm biện pháp điều trị nào khác không, chẳng hạn như tiêm phòng uốn ván.[6]
  5. Chú ý vết thương trong thời gian lành. Ngay cả vết cắn của rắn không độc cũng có thể nhiễm trùng, vì vậy bạn nên để ý các dấu hiệu nhiễm trùng như ửng đỏ, vệt mủ, sưng, chảy dịch hoặc sốt. Nếu có bất kì dấu hiệu nào thì bạn nên tái khám để được kiểm tra.
  6. Uống nhiều chất lỏng trong thời gian chờ lành. Trong thời gian vết thương lành bạn nhớ giữ cơ thể đủ nước.[7] Nói chung bạn nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.[8]

Hiểu về Rắn và Vết Rắn cắn[sửa]

  1. Tìm hiểu về rắn độc. Hầu hết các loại rắn đều không độc nhưng tất cả đều biết cắn.[9] Những loại rắn độc nhất là rắn hổ mang, rắn hổ, rắn san hô, hổ mang nước và rắn đuôi chuông. Dù nhiều loài rắn độc có đầu hình tam giác nhưng cách thực tế duy nhất để biết có phải là rắn độc hay không là phải sở hữu khả năng nhận diện rắn, hoặc xác định vị trí tuyến độc răng nanh trên xác rắn.[10]
  2. Xác định xem bạn có đang ở nơi có rắn độc sinh sống. Rắn hổ mang sống ở châu Á và châu Phi, rắn hổ sống ở khu vực phía nam và đông Hoa Kỳ, một số nơi ở Úc và châu Á. Các chủng loại rắn san hô có ở phía nam Hoa Kỳ, một số nơi ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Quốc và Đài Loan. Rắn hổ mang nước sinh sống ở vùng đông nam Hoa Kỳ, còn rắn đuôi chuông sống rải rác từ phía nam Canada và kéo dài xuống tận Argentina.
    • Một số nơi trên thế giới như Úc có mật độ rắn cực độc cao hơn những nơi khác. Nhớ rằng rắn độc có thể và thực sự đang sống trong các thành phố cũng như trong hoang dã, do đó bạn nên thận trọng.
  3. Tìm hiểu về vết rắn cắn. Khi bị rắn không độc cắn điều đáng lo nhất là nhiễm trùng và sưng. Trong khi với rắn độc, bên cạnh tổn thương và nhiễm trùng ở mô tế bào, bạn phải chú ý tới ảnh hưởng của nọc độc. Bình thường rắn không cắn trừ khi bị kích động hay có người điều khiển chúng.
    • Răng nanh của rắn có thể cố định hoặc thu vào trong khi chưa dùng tới. Rắn độc có một trong hai loại răng này, với rắn có răng nanh cố định như rắn hổ mang thì chất độc có khuynh hướng tác động lên hệ thần kinh, còn nọc độc của rắn có răng thu vào trong tác động vào tế bào máu.[10][11][12]
    • Tất cả các loại rắn đều mang trong mình những chất có thể phá hủy mô tế bào, vì vậy giới hạn tổn thương này là vấn đề cần quan tâm nhất khi bị rắn cắn.
  4. Hiểu về hành vi của rắn. Rắn là loài “máu lạnh”, nghĩa là chúng lấy nhiệt cho cơ thể từ môi trường xung quanh và ánh nắng mặt trời.[13] Chính vì vậy rắn và tai nạn rắn cắn không phổ biến ở nơi có khí hậu mát hoặc vào mùa lạnh, vì khi đó chúng đang ngủ đông.
    • Ngược lại càng tiến gần về phía xích đạo thì rắn càng nhiều, vì ở khu vực này chúng không phải ngủ đông và hoạt động mạnh mẽ hơn vào những ngày nóng.
  5. Tránh tiếp xúc với rắn. Cách tốt nhất để trị rắn cắn là tránh gặp rắn. Theo các chuyên gia về môi trường hoang dã thì đây là những cách tốt nhất để tránh rắn cắn:
    • Không ngủ hay nghỉ ngơi gần nơi có thể là chỗ ẩn náu của rắn. Ví dụ như bụi cây, nơi có cỏ mọc cao, tảng đá lớn và cây cối um tùm.
    • Không thọc tay vào các khe đá, khúc gỗ rỗng, bụi cây hoặc bất kì nơi nào rắn đang chờ mồi.
    • Chú ý nhìn xuống chân khi đi qua bụi rậm hay cỏ cao.
    • Không thử nhặt rắn dù là còn sống hay đã chết. Có một điều rất lạ nhưng có thật, đó là sau khi chết khoảng một phút rắn vẫn còn phản xạ cắn.
    • LUÔN LUÔN mang giày ống cao che hết mắt cá chân và lèn gấu quần vào trong giày.
    • Tạo tiếng ồn. Hầu hết rắn đều không muốn nhìn thấy bạn, cũng như bạn không muốn nhìn thấy chúng![14] Do đó để không làm rắn sợ bạn phải để chúng biết mình đang tới.
  6. Mua bộ dụng cụ trị rắn cắn. Nếu bạn thường xuyên đi bộ đường dài hoặc là nhà thám hiểm thì nên đầu tư mua bộ dụng cụ trị rắn cắn, bao gồm thiết bị bơm hút. Không sử dụng các loại có lưỡi dao hay bóng hút.[15]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn nghe thấy hay nhìn thấy rắn độc thì hãy đứng yên. Chúng nhìn không rõ nên sử dụng chuyển động để xác định mối nguy hiểm. Từ từ bước lùi lại, sau khi ra khỏi khu vực nguy hiểm thì bạn cảnh báo cho những người khác biết.
  • Để ý nhìn bước đi khi tới những nơi có cả người và rắn chuông sinh sống. Rắn chuông sẽ rung chuông ở đuôi để đuổi kẻ thù đi xa, vì chúng không muốn phải tấn công. Nhưng vì nạn săn bắt rắn chuông quá nhiều nên hành vi của chúng đã thay đổi ở nơi có người sinh sống. Ở nơi có nhiều người, rắn chuông ít khi rung chuông cảnh báo bạn, thay vào đó chúng tìm cách ngụy trang, mà chính vì vậy nên bạn dễ đạp nhầm lên chúng.
  • Một số người khuyên nên quấn băng đàn hồi chặt, nhưng không tới mức gây khó chịu, ở vị trí bên trên chỗ cắn từ năm tới tám centimet. Bạn có thể sử dụng nhãn hiệu băng ACE Bandage-S hoặc tự chế tạo từ vải áo đàn hồi. Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng tình với việc quấn băng đàn hồi, vì như vậy có thể làm nọc độc thoát ra nhanh chóng khi bạn tháo băng hay vật liệu khác ra khỏi vết thương. Những người chưa qua đào tạo sơ cấp cứu thường mắc sai lầm khi băng quá chặt, giống như garô, làm cản trở tuần hoàn máu dẫn tới tình trạng xấu thêm.
  • Không rạch vết thương để hút nọc độc, dù là hút bằng miệng hay dùng dụng cụ trị rắn cắn hút. Cách làm này không thể loại bỏ lượng độc tố đáng kể, và có khả năng làm tổn thương da nhiều hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây