Trở nên mạnh mẽ về tinh thần và cảm xúc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hãy thư giãn. Bạn có muốn đối mặt với thăng trầm của cuộc sống bằng sức mạnh và vẻ uyển chuyển không? Trở nên mạnh mẽ về tinh thần và cảm xúc không phải việc ngày một ngày hai. Nếu bạn coi những điều xui rủi bất ngờ của cuộc sống là cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn, bạn sẽ dần tích lũy được trí tuệ và sự sáng suốt, thứ mà bạn có thể thử thách trong hoàn cảnh thực sự khó khăn.

Các bước[sửa]

Xác định Thử thách và Đặt Mục tiêu[sửa]

  1. Hiểu thế nào là kiên cường trong cảm xúc. Mạnh mẽ, hay kiên cường, về mặt cảm xúc hoặc tinh thần là việc thích nghi tốt với căng thẳng, tổn thương, tai ương và thảm họa.[1] Sự kiên cường này không mang tính bẩm sinh — đó là một quá trình mà ai cũng tiếp thu được, và có thể tìm thấy ở những người bình thường quanh ta.[1]
    • Mạnh mẽ về cảm xúc không đồng nghĩa với việc bạn không phải trải qua những cơn đau hay nỗi thống khổ — sự kiên cường thường là kết quả khi một người phải đối mặt với những tình huống vô cùng khó khăn. Nó nghĩa rằng bạn sẽ học cách tự xây dựng lại mọi thứ hoặc "bật nảy lại" từ những trải nghiệm này.[1]
    • Để củng cố sự kiên cường trong mình, bạn sẽ muốn tập trung vào những kỹ năng cụ thể, ví dụ như: lên kế hoạch và thực hiện chúng, phát triển sự tự tin và góc nhìn tích cực đối với bản thân, học cách kiềm chế những cảm xúc và thúc giục mãnh liệt, giao tiếp và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.[1]
  2. Tìm hiểu cách điều chỉnh cảm xúc. Học cách kiềm chế cảm xúc là một bước quan trọng khác để trở nên mạnh mẽ về cảm xúc và tinh thần. Bạn không thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra trong cuộc sống, nhưng bạn luôn lựa chọn được cách phản ứng của mình.[2] Lần nữa, đây không phải kỹ năng bẩm sinh; mọi người đều có thể học kiềm chế cảm xúc của mình một cách hiệu quả.[2]
  3. Xác định những điều cụ thể mà bạn muốn thay đổi. Trước khi xây dựng sức mạnh tinh thần và cảm xúc, bạn cần liệt kê những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để tìm ra điều mà mình muốn thay đổi. Lên danh sách toàn bộ điểm mạnh và điểm yếu mà bạn có thể nghĩ tới. Khi đã hoàn thành danh sách này, hãy tìm cách biến từng điểm yếu thành mục tiêu để phấn đấu.
    • Ví dụ, bạn gặp khó khăn khi đòi hỏi đáp ứng những nhu cầu cần thiết của bản thân. Nếu muốn giải quyết vấn đề này, bạn sẽ coi mục tiêu của mình là trở nên quyết đoán hơn.[3]
  4. Hiểu rõ thế mạnh của bạn. Song song với việc xác định những yếu tố cần cải thiện, bạn nên dành thời gian để tự hào về điểm mạnh của mình. Đọc qua danh sách thế mạnh và khen ngợi bản thân về những nét tích cực này. Tự thưởng lúc này hay lúc khác sẽ giúp bạn tập trung vào những đức tính của mình, đồng thời gây dựng sức mạnh tinh thần và cảm xúc.[4]
  5. Xem xét những trải nghiệm quá khứ của bạn. Lý do khiến bạn thấy mình không đủ mạnh mẽ về tinh thần hay cảm xúc có thể liên quan tới một ký ức trong quá khứ. Dù điều đó chỉ mới xảy ra vài tháng trước hay từ khi bạn còn rất nhỏ, nó cũng có thể tác động tới sức mạnh tinh thần và cảm xúc của bạn. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ nhỏ bị lạm dụng, bỏ rơi hay gặp nhiều hiểm nguy thường có vấn đề trong cảm xúc và tinh thần, dẫn tới lạm dụng thuốc hoặc có ý định tự tử.[5]
    • Thử xác định xem liệu những trải nghiệm tiêu cực khi còn nhỏ có ảnh hưởng tới tình trạng tinh thần và cảm xúc của bạn không. Xem xét vì sao những trải nghiệm này lại ảnh hưởng tới bạn và chúng đã tác động ra sao.
    • Bạn có thể trò chuyện với bác sỹ trị liệu về những trải nghiệm khi còn nhỏ để hiểu, đối mặt và vượt qua chúng.
  6. Xác định liệu bạn có nghiện ngập và cần chữa trị không. Nghiện ma túy, rượu bia, tình dục hay những thứ khác có thể tàn phá sức mạnh tinh thần và cảm xúc của bạn. Nếu bạn nghĩ mình đang nghiện ngập, hãy tìm kiếm sự trợ giúp để loại bỏ thói xấu này. Bạn có thể phải điều trị nếu mức độ nghiện ngập đã trở nên trầm trọng. Trò chuyện với bác sỹ trị liệu hoặc bác sỹ nếu bạn thấy rằng cơn nghiện đang tàn phá sức mạnh tinh thần và cảm xúc của bạn.
  7. Ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của bạn trong nhật ký. Ghi nhật ký giúp bạn hiểu điều gì đã khiến bạn gặp khó khăn, và cũng là cách tốt để giải tỏa căng thẳng.[6] Để bắt đầu viết nhật ký, hãy chọn một chỗ ngồi thoải mái và lên kế hoạch dành ra khoảng 20 phút mỗi ngày để viết. Bạn có thể bắt đầu bằng cách viết về cảm giác hay suy nghĩ của mình, hoặc sử dụng các gợi ý. Một vài gợi ý bạn có thể dùng là:
    • “Mình thấy cạn kiệt sức lực khi…”
    • “Thử thách lớn nhất đối với mình là...”
    • “Nếu có thể trò chuyện với mình của hồi nhỏ, mình sẽ nói…”
    • “Khi cảm thấy buồn, điều tốt nhất mình có thể làm cho bản thân hoặc nói với chính mình là…”
  8. Cân nhắc trò chuyện với bác sỹ trị liệu. Nếu không có sự giúp đỡ, bạn sẽ gặp khó khăn để hiểu được vì sao mình đang vật vã, cũng như xác định được cách tốt nhất để đối mặt với cảm xúc của bản thân. Một chuyên gia về sức khỏe tâm lý có thể giúp bạn hiểu cảm xúc của mình và đối mặt với chúng.
    • Nhớ rằng cảm giác yếu ớt về tinh thần cũng như cảm xúc có thể là biểu hiện của vấn đề tâm lý cần được điều trị. Trò chuyện với bác sỹ trị liệu có thể giúp bạn hiểu điều gì đang xảy ra và đưa ra quyết định hành động đúng đắn nhất.

Giữ bản thân Ổn định[sửa]

  1. Tránh xa những tật xấu ảnh hưởng tới sự bình yên trong tâm hồn bạn. Nếu bạn đùa giỡn với sức khỏe tinh thần của mình bằng cách uống rượu, dùng thuốc kích thích, trộm cắp, lừa dối hay những hành vi tương tự, bạn đang khiến mình mất đi năng lực trở nên mạnh mẽ về cảm xúc và tinh thần. Hãy bắt đầu gạt bỏ những thói xấu trong cuộc sống, hay ít nhất là hạn chế để chúng không kiểm soát hành vi và cảm xúc của bạn. Nếu bạn nghiện thứ gì đó, hãy nhờ người khác giúp đỡ.
  2. Chăm sóc bản thân. Các bài tập vận động, đồ ăn lành mạnh, việc nghỉ ngơi và giải trí sẽ hỗ trợ phát triển và duy trì sức khỏe tinh thần cũng như cảm xúc của bạn. Khi quan tâm tới bản thân, bạn đang gửi tín hiệu tới não bộ rằng mình xứng đáng để được quan tâm. Hãy đảm bảo rằng bạn đã dành đủ thời gian để đáp ứng những nhu cầu vận động, ăn, ngủ và nghỉ ngơi cơ bản của mình.[7]
    • Tập thể dục thường xuyên. Đặt mục tiêu luyện tập 30 phút mỗi ngày.
    • Có chế độ ăn cân bằng với những món lành mạnh và không qua chế biến như hoa quả, rau củ, các loại hạt và chất đạm không béo.
    • Ngủ đủ tám tiếng mỗi đêm.
    • Dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để tập yoga, tập thở sâu hoặc thiền.
    • Uống nhiều nước, ít nhất tám ly mỗi ngày và nhiều hơn nếu bạn tập thể dục và toát mồ hôi.
  3. Làm giàu trí tuệ bản thân. Hãy thử thách bản thân không ngừng học hỏi. Bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và thông thái hơn khi tích lũy được nhiều kiến thức hơn. Đừng để bản thân bị bó buộc trong khuôn khổ, dù về tinh thần hay cảm xúc. Hãy tò mò, luôn nhận thức và hiểu biết về thế giới.
    • Đọc sách, xem các bộ phim hay, những vở kịch, buổi diễn múa ba-lê, và thưởng thức nghệ thuật dưới nhiều hình thức.
    • Sáng tạo thứ nghệ thuật của riêng bạn. Viết lách, vẽ, sáng tác nhạc, chạm khắc, đan len – bất kỳ điều gì kích thích khía cạnh sáng tạo của bạn.
    • Học những kỹ năng mới. Thử làm đầu bếp, thực hiện một vài dự án tự chế trong nhà, làm vườn, học cách lái xe số tay, học cách câu cá, tập luyện để chạy 5 ki-lô-mét.
    • Trò chuyện với mọi người. Có những cuộc nói chuyện sâu sắc vượt trên trò chuyện vụn vặt. Tìm hiểu tiểu sử của mọi người và chia sẻ câu chuyện của bạn.
  4. Cải thiện khía cạnh tâm linh của bạn. Rất nhiều người có được sức mạnh bằng cách chú ý tới cuộc sống tâm linh của họ. Tạo ra kết nối tới thứ lớn lao hơn chính mình – dù là gì đi nữa – cũng sẽ khiến linh hồn bạn mang đầy sức mạnh và ý thức về mục tiêu. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng những điều mang tính tâm linh và hành động cầu nguyện sẽ giúp giải tỏa căng thẳng và rút ngắn thời gian phục hồi khi ốm bệnh.[8] Tâm linh tồn tại dưới nhiều dạng thức, và quan trọng là tìm được thứ có hiệu quả với bạn. Không có cách nào là đúng nhất để trở nên linh hướng.
    • Cân nhắc tới nơi thờ cúng để cầu nguyện cùng những người khác.
    • Bắt đầu tập thiền hoặc yoga.
    • Dành thời gian tận hưởng thiên nhiên và ngưỡng mộ cái đẹp của thế giới tự nhiên.

Tạo ra Sức mạnh Tinh thần và Cảm xúc[sửa]

  1. Đặt mục tiêu hợp lý và thực hiện chúng.[1] Bạn có thể tập cách tạo dựng sức mạnh tinh thần bằng việc đặt ra các mục tiêu có ý nghĩa và cố gắng từng bước đạt được chúng. Để đi từ bước này tới bước tiếp theo, bạn cần chuyên tâm, vượt qua mọi chán chường hay đau đớn, và bền bỉ cho tới khi bạn thành công. Đó không phải là chiến thắng dễ dàng, và càng rèn luyện nhiều, bạn càng dễ dàng đạt được mục tiêu của mình hơn.
    • Nếu bạn có những mục tiêu quá lớn và tưởng chừng không thể với tới được, hãy chia chúng thành những bước nhỏ hơn mà bạn có thể thực hiện được.[9] Giả sử, nếu muốn cố gắng trở nên quyết đoán hơn, bạn có thể đặt mục tiêu là nói thẳng ý kiến của bản thân ba lần mỗi tuần. Những biểu hiện này có thể nhỏ bé, như việc nói với người yêu rằng bạn muốn ăn tối ở một nhà hàng cụ thể thay vì chiều theo ý muốn của người đó.
    • Hãy giữ thái độ "bền bỉ". Kiên quyết rằng kể cả khi có vật cản, bạn cũng sẽ tiếp tục cố gắng, dù mục tiêu trước mắt là tiếp tục công việc, hoàn thành một dự án, quản lý tài chính của bạn, v.v.
    • Coi thất bại là cơ hội học hỏi. Thất bại đơn thuần là những vật cản tạm thời với nhiều bài học cho mỗi chúng ta.
  2. Vững vàng trước sự tiêu cực. Những điều tiêu cực có thể tấn công bạn bằng nhiều cách khác nhau: có thể từ bên trong, dưới hình thức suy nghĩ tiêu cực và tự thoại tai hại, hoặc do tác động ngoại cảnh, ví dụ như nhận xét tiêu cực hoặc lạm dụng từ những người khác. Dù việc loại bỏ hoàn toàn những điều tiêu cực vượt quá tầm kiểm soát của mỗi người, bạn vẫn có nhiều cách để kiểm soát chúng.
    • Kiềm chế những suy nghĩ tiêu cực bằng cách xác định và thử thách chúng. Tìm hiểu thêm qua bài Đối mặt với Những Suy nghĩ Tiêu cực.
    • Dù bạn có thể hạn chế tiếp xúc với những người tiêu cực hoặc độc hại xuống mức tối thiểu — thậm chí loại bỏ họ hoàn toàn khỏi cuộc đời mình — đôi khi những người này lại là người thân trong gia đình, đồng nghiệp, hoặc những người mà bạn buộc phải tương tác. Thay vì trầm trọng hóa sự tiêu cực của họ, bạn có thể học cách không chú ý tới họ và đặt ra giới hạn với những người này. Bài viết wikiHow sau, Đối mặt với Những Người Tiêu cực, là nguồn thông tin tuyệt vời hướng dẫn cách thực hiện hành động trên.
  3. Tự thoại tích cực để xây dựng sức mạnh tinh thần và cảm xúc của bạn.[1] Những khẳng định tích cực hàng ngày sẽ giúp bạn phát triển sức mạnh tinh thần và cảm xúc của mình. Dành ra vài phút mỗi ngày để nhìn vào gương và động viên bản thân. Bạn có thể nói ra những điều mình tin tưởng ở bản thân hoặc những điều bạn muốn tin tưởng ở bản thân.[10] Một số ví dụ về khẳng định tích cực bao gồm:
    • "Mình đang cố gắng trở nên mạnh mẽ về cảm xúc mỗi ngày."
    • "Mình đang học những cách hiệu quả để kiềm chế căng thẳng và tử tế hơn với bản thân."
    • "Mình biết rằng nếu mỗi ngày mình cố gắng từng chút một để đạt được mục tiêu này, mình sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn về tinh thần và cảm xúc."
  4. Học cách giữ bình tĩnh khi chịu áp lực. Khi hoàn cảnh trở nên cam go hơn, bạn sẽ nhận thấy cảm xúc của mình chỉ chực tuôn trào. Khi giữ mình một chút thay vì hành động bốc đồng và phản ứng lại, bạn sẽ có thời gian để cân nhắc các lựa chọn và tìm ra con đường khôn ngoan nhất.
    • Dành thời gian đếm từ 1 tới 10 có vẻ sáo rỗng, nhưng nó thực sự có lợi. Trước khi phản ứng đầy cảm tính với điều gì đó, hãy dừng lại, hít thở sâu, và suy nghĩ kỹ.[11]
    • Thiền có thể giúp giữ bình tĩnh, bởi bài tập đó dạy bạn trở nên khách quan hơn với cảm xúc và suy nghĩ của mình. Thay vì phản ứng lại, bạn có thể nhìn thấy những suy nghĩ và cảm xúc của mình để nhận định rằng, "Phải, mình thực sự đang cảm thấy thất vọng," và nghĩ tới việc nên làm gì tiếp theo.[12]
  5. Bỏ qua những điều vụn vặt. Nếu bạn nhạy cảm với những điều nhỏ nhặt gây khó chịu hay những lời châm chọc mà ai cũng phải đối mặt hàng ngày, bạn sẽ dành quá nhiều thời gian và sức lực cho những điều mà xét cho cùng cũng không quan trọng gì cả. Khi chỉ chăm chăm vào những điều vụn vặt, để ý tới chúng hay coi chúng là những phiền nhiễu to lớn, bạn không chỉ tự tăng căng thẳng trong chính mình mà còn gia tăng rủi ro tới tính mạng hơn.[13] Học cách điều chỉnh thái độ để bình tĩnh đối mặt với những căng thẳng nhỏ nhặt thường ngày sẽ giúp bạn kiểm soát được hoóc-môn căng thẳng (cortisol), bảo vệ bạn trước những nguy cơ như giảm thiểu hệ miễn dịch, tăng huyết áp và mỡ máu, hay rủi ro mắc các bệnh về tim.[13]
    • Thay vì căng thẳng, hãy tạo thói quen lành mạnh bằng cách nghĩ về những điều khiến bạn phiền muộn, giữ bình tĩnh, và quyết định cách tốt nhất, lành mạnh nhất và hiệu quả nhất để đối mặt với chúng.
    • Ví dụ, nếu chồng bạn thường xuyên quên đóng nắp tuýp kem đánh răng, hãy nhớ rằng điều đó có thể không quan trọng với anh ấy như quan trọng với bạn. Bạn có thể chọn cách giải quyết tình huống đó – tự đóng nắp tuýp kem đánh răng lại và nghĩ về những điều chồng bạn đã làm vì gia đình, hoặc dán một tờ giấy nhớ (dễ thương) trên tường để nhắc nhở nhẹ nhàng.
    • Lưu ý tới tính cầu toàn, nó có thể khiến bạn đặt ra những kỳ vọng quá cao, đồng thời phi thực tế, cho bản thân cũng như cuộc sống thường ngày, mà quên đi rằng có những yếu tố gây ảnh hưởng không nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
    • Thử một bài tập hình dung để rũ bỏ mọi điều vụn vặt đang làm phiền bạn. Giữ một viên đá nhỏ trong tay và tưởng tượng nó bao gồm mọi thứ đang quấy rầy bạn. Tập trung vào thứ tiêu cực đó và bóp chặt viên đá trong tay. Sau đó, khi bạn đã sẵn sàng, hãy ném hòn đá đi. Quăng nó xuống hồ hoặc ném xa ra bãi đất. Khi làm vậy, hãy tưởng tượng bạn cũng đang vứt bỏ mọi cảm xúc tiêu cực của mình cùng viên đá.[14]
  6. Thay đổi góc nhìn của bạn. Nếu bạn có xu hướng chìm đắm trong những vấn đề của bản thân, hãy tìm cách để có góc nhìn khác về cuộc sống và mọi tiềm năng của nó. Ai cũng sẽ đâm đầu vào ngõ cụt lúc này hay lúc khác; nhưng những người có sức mạnh cảm xúc và tinh thần sẽ tìm cách khác để đi tới đích của họ. Khi không thể ngừng suy nghĩ, hãy thử những phương pháp sau:
    • Đọc nhiều hơn. Đọc tin tức hoặc tiểu thuyết sẽ mở cánh cửa để bạn bước vào thế giới của những người khác, điều này sẽ nhắc nhở bạn rằng thế giới vô cùng rộng lớn và những vấn đề của bạn chỉ như giọt nước trong đại dương thôi.
    • Tình nguyện. Giao lưu với những người cần bạn giúp đỡ. Một vài nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động tình nguyện sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.[15]
    • Lắng nghe một người bạn. Lắng nghe một người nào đó cần lời khuyên từ bạn. Đặt bạn vào vị trí của người đó, đưa ra những lời khuyên chân thành và tốt đẹp nhất.
    • Du lịch. Bước ra khỏi bong bóng an toàn của bản thân sẽ giúp bạn có góc nhìn đúng đắn về hoàn cảnh của mình. Hãy tới nơi nào đó mới mẻ, cho dù chỉ cách xa một vài thị trấn.
  7. Có nhân sinh quan tích cực. Những người mạnh mẽ về tinh thần và cảm xúc không hay than phiền. Họ cũng gặp nhiều vấn đề như những người khác, nhưng họ đối mặt với chúng một cách bình thản và nhìn sự việc một cách tổng quát. Thái độ tích cực đối với những điều tốt đẹp trong cuộc sống và tiềm năng trong tương lai sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh tinh thần và cảm xúc để giải quyết những tình huống khó khăn. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy rằng nhân sinh quan tích cực có lợi cho cả sức khỏe thể chất của bạn.[16]
    • Hãy sống trọn những thời khắc hạnh phúc. Cố gắng tận hưởng những giây phút bên gia đình, bạn bè, thú cưng, v.v, càng nhiều càng tốt.
    • Nhìn vào khía cạnh tích cực của những tình huống khó khăn. Bạn luôn luôn có thể học được điều gì đó từ chúng.
  8. Thành thật với bản thân. Khả năng đối diện với sự thật là dấu hiệu lớn nhất thể hiện sức mạnh cảm xúc và tinh thần của một người. Nếu bạn chuẩn bị vượt qua chướng ngại vật, bạn cần có khả năng đối mặt với nó. Lừa dối bản thân về những điều đang diễn ra sẽ chỉ khiến bạn thêm tổn thương.[17]
    • Nếu bạn có xu hướng trốn chạy, ví dụ như xem vô tuyến để tránh xa những vấn đề của mình, hãy nhận ra thói quen xấu này và cố gắng loại bỏ chúng.
    • Hãy trung thực với bản thân về những điểm yếu của mình.

Giải quyết các Tình huống trong Cuộc sống[sửa]

  1. Suy nghĩ trước khi hành động. Khi đối mặt với một tình huống khó khăn, hãy dành thời gian đủ nhiều để suy nghĩ kỹ trước khi phản ứng hoặc đưa ra quyết định. Thói quen này sẽ giúp bạn giữ cảm xúc trong tầm kiểm soát cũng như cân nhắc các lựa chọn, và điều đó cần thiết bất kể hoàn cảnh bạn đang phải đối mặt là gì.[18]
    • Nếu có thể, bạn hãy dành thời gian cân nhắc tình huống và viết lại cảm xúc của mình.[2] Hãy cố xác định một điểm tích cực về tình huống đó, dù chỉ là điều vô cùng nhỏ bé.[2] Thay đổi nhỏ như vậy trong cách thức suy nghĩ cũng có thể tạo sự khác biệt lớn.
    • Hãy nhớ dành ít nhất 10 giây để suy nghĩ trước khi nói. Dù người yêu bạn nói rằng cô ấy muốn chia tay, bạn vẫn có thể dành 10 giây để suy nghĩ trước khi đáp lại. Cuối cùng, bạn sẽ thấy hài lòng vì hành động đó của mình.
  2. Xem xét mọi góc độ. Trong trạng thái bình tĩnh, trước khi quyết định nên làm gì, bạn hãy nghĩ rõ ràng về hoàn cảnh trước mắt. Điều gì đã thực sự xảy ra? Bạn có thể có những hướng đi nào? Luôn luôn có nhiều hơn một cách giải quyết vấn đề.[19]
    • Giả sử một người bạn rủ rê bạn thực hiện hành động phạm pháp, và bạn không chắc rằng mình nên chọn gì giữa lòng trung thành với bạn bè và sự tuân thủ pháp luật. Cân nhắc điểm tốt và xấu ở cả hai lựa chọn. Người đó có thực sự là bạn của bạn không khi anh ta muốn bạn phạm luật? Hay liệu rằng luật pháp có đang cản trở công lý thực sự?
  3. Xác định con đường đúng đắn và lựa chọn nó. Lấy lương tâm làm kim chỉ nam cho chính bạn. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người lựa chọn theo bản năng sẽ hài lòng với quyết định của họ hơn những người cẩn thận cân nhắc các lựa chọn.[20] Đôi khi đáp án rất dễ nhìn ra, và đôi khi thật khó để biết được điều đúng đắn mà bạn nên làm. Đừng để vấn đề trở nên trầm trọng hơn và vượt quá tầm kiểm soát; hãy đưa ra quyết định và thực hiện nó.
    • Hỏi ý kiến những người mà bạn tin tưởng. Hỏi ý kiến người khác là hoàn toàn bình thường khi bạn không chắc về con đường mình chọn. Tuy nhiên, đừng để họ xoay chuyển và khiến bạn thực hiện điều sai trái.
    • Tưởng tượng xem liệu người mà bạn ngưỡng mộ sẽ làm gì. Người đó phải điềm đạm, thật thà và tốt bụng. Người đó sẽ làm gì?
    • Xét cho cùng, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành động của mình. Hãy đưa ra quyết định tốt nhất có thể — một quyết định mà bạn có thể sống cùng với nó.
  4. Ngẫm nghĩ về trải nghiệm của bạn. Sau khi gặp phải một tình huống khó khăn, hãy cân nhắc điều gì đã xảy ra, bạn đã xử lý nó ra sao và kết quả như thế nào. Bạn có tự hào về hành vi của mình không? Bạn có muốn làm khác đi nếu có cơ hội không? Hãy cố gắng tiếp thu nhiều nhất có thể từ kinh nghiệm của chính mình. Sự thông thái sẽ chỉ đến với bạn qua phương thức rèn luyện này. Phân tích sự kiện đã xảy ra, thay vì cố gạt bỏ chúng, sẽ giúp bạn biết được sau này mình nên làm gì khi đối mặt với thử thách.[21]
    • Sẽ ổn thôi nếu mọi thứ không kết thúc như dự định của bạn. Nhắc nhở bản thân rằng mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ, và không phải lúc nào bạn cũng đạt được chính xác thứ mình muốn; điều này đúng với tất cả mọi người, dù cuộc sống của họ có vẻ tuyệt vời tới mức độ nào.[2]

Lời khuyên[sửa]

  • Tránh xa những người thiếu tôn trọng bạn và khiến bạn cảm thấy yếu đuối.
  • Thử tập thiền để giữ tập trung và bình tĩnh.
  • Cố gắng sống trọn từng phút giây của hiện tại, không nghĩ nhiều tới những thứ quấy rầy bạn trong quá khứ cũng như những điều ở tương lai khiến bạn lo lắng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 http://www.apa.org/helpcenter/road-resilience.aspx
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 https://www.mindtools.com/pages/article/newCDV_41.htm
  3. http://www.lifehack.org/articles/uncategorized/how-to-better-yourself-one-day-at-a-time.html
  4. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/self-esteem/art-20045374
  5. http://psychcentral.com/blog/archives/2014/06/28/adverse-childhood-experiences-affect-adult-behaviors/
  6. http://psychcentral.com/lib/the-health-benefits-of-journaling/721/
  7. http://psychcentral.com/lib/how-to-raise-your-self-esteem/
  8. http://psychcentral.com/blog/archives/2010/03/21/spirituality-and-prayer-relieve-stress/
  9. https://www.psychologytoday.com/blog/coaching-and-parenting-young-athletes/201311/keys-effective-goal-setting
  10. http://www.webmd.com/mental-health/tc/building-self-esteem-topic-overview
  11. http://www.webmd.com/sex-relationships/features/anger-management-counting-to-ten
  12. http://www.health.harvard.edu/blog/mindfulness-meditation-may-ease-anxiety-mental-stress-201401086967
  13. 13,0 13,1 http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0531556514002058
  14. https://www.psychologytoday.com/blog/your-wise-brain/201403/let-it-go
  15. https://www.psychologytoday.com/blog/the-empathy-gap/201308/the-caring-cure-can-helping-others-help-yourself
  16. http://psychcentral.com/blog/archives/2013/03/11/positive-psychology-the-benefits-of-living-positively/
  17. https://www.psychologytoday.com/blog/pathological-relationships/201211/telling-yourself-the-truth
  18. http://www.mindtools.com/pages/article/newCDV_59.htm
  19. http://advancedlifeskills.com/blog/emotionally-strong-during-adversity/
  20. http://www.lifehack.org/articles/featured/how-to-make-the-right-choice.html
  21. https://www.psychologytoday.com/blog/the-social-self/201009/reflection-critical-self-improvement

Liên kết đến đây