Truyền cảm hứng sáng tạo cho con bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Mỗi người sinh ra đều có sẵn tính sáng tạo. Sáng tạo là sử dụng trí tưởng tượng, sự độc đáo, năng suất và khả năng giải quyết vấn đề để tiếp cận tình huống.[1] Nhiều người coi sáng tạo không phải là bản tính mà là kỹ năng có thể gây dựng, bạn càng quan tâm phát triển, con bạn càng sáng tạo! Mặc dù nghệ thuật là cách phổ biến để truyền cảm hứng sáng tạo cho con trẻ, còn có nhiều cách khác để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo cho trẻ!

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Đóng góp vào Tính Sáng tạo của Con bạn[sửa]

  1. Hãy làm gương. Suy nghĩ cởi mở và tìm ra nhiều giải pháp cho các vấn đề. Cho con bạn thấy bạn là người linh hoạt và sẵn sàng thử những điều mới mẻ.[2] Khi gặp khó khăn, hãy cho con bạn thấy bạn có thể tiếp cận vấn đề bằng nhiều cách khác nhau mà vẫn ổn.
    • Nếu con đặt câu hỏi, hãy sáng tạo trong cách bạn trả lời. Bạn có thể cùng con nghĩ ra nhiều lời giải trước khi trả lời câu hỏi. Ví dụ, con của bạn có thể hỏi: “Bố/mẹ ơi, mưa từ đâu tới ạ?” Bạn có thể cùng con suy nghĩ: “À… mưa đến từ bầu trời … còn cái gì cũng đến từ bầu trời nhỉ? Liệu chúng có thể đến từ bầu trời không?”
    • Nếu con bạn hỏi cách vẽ trái tim, hãy chỉ cho con nhiều cách vẽ khác nhau (như dùng đường thẳng, dùng dấu chấm, hay vẽ hoa theo hình trái tim), kể cả theo cách có tổ chức, hãy hỏi con bạn nghĩ ra một số cách vẽ.
  2. Khuyến khích chơi không sắp đặt.[3] Cho phép con bạn chơi mà không cần sắp đặt, tức là bạn không can thiệp, định hướng hay gợi ý. Chọn đồ chơi cho con không có mục đích cụ thể để con bạn tự tìm ra các cách chơi khác nhau.
    • Khuyến khích những hoạt động như tô màu, vẽ, và xây dựng.
    • Tránh hoặc có thật ít đồ chơi dạng nguyên nhân-hậu quả, như hộp hình nộm hay đồ chơi pop-up.
    • Đừng nhắc nhở con lúc chơi trừ khi có những xung đột rõ ràng.
    • Nếu con bạn nói: “Con mệt rồi”, hãy sắp xếp một số đồ chơi tạo thành câu chuyện và để con bạn hoàn thành. Ví dụ, bạn có thể xếp vài con búp bê và nói rằng chúng đi khắp mọi nơi trên thế giới. Điểm dừng chân đầu tiên là Praha, điểm tiếp theo sẽ là ở đâu? Nơi nào chúng muốn xem? Chúng sẽ đi bao lâu và đến bao nhiêu quốc gia?
  3. Cung cấp không gian. Hãy dành những khu vực riêng cho các hoạt động, đặc biệt là những hoạt động gây bừa bộn. Tạo không gian nghệ thuật để trẻ có thể vẽ và bầy bừa mà không ảnh hưởng đến toàn bộ ngôi nhà, hoặc khu vực thay trang phục để trẻ có thể bầy quần áo ở đó. Vào mùa Giáng sinh hoặc khi tặng quà sinh nhật, hãy đề nghị tặng dụng cụ vẽ, dụng cụ âm nhạc, đồ chơi xây dựng và quần áo.[4]
    • Xác định lại mục đích của mọi vật bạn có quanh nhà: khăn giấy hoặc thanh luồn giấy vệ sinh có thể trở thành gươm hoặc thuyền buồm.
    • Thử thách trẻ với việc tạo ra một thứ gì đó sử dụng những vật dụng thông thường trong nhà như giấy, giấy gói và ống giấy bọc.
  4. Phát huy ý tưởng. Dành thời gian động não để tìm ra các ý tưởng giải quyết vấn đề, sáng tạo hoạt động mới, hoặc làm ra những đồ vật mới. Đừng chỉ trích, đánh giá, hay nói về cái gì là điều hợp lý mà hãy khuyến khích dòng ý tưởng. Đừng chọn ý tưởng “hay nhất”. Tập trung vào quá trình đưa ra ý tưởng thay vì kết quả hay đánh giá.[4]
    • Khi thiếu cái gì (như bạn cần với tới vật gì đó nhưng không có thang), hãy bảo con bạn nghĩ xem có cách nào giải quyết vấn đề không.
    • Đọc truyện ngắn đến đoạn cao trào rồi dừng lại. Giờ hãy hỏi con bạn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và chúng sẽ giải quyết vấn đề như thế nào.
  5. Khuyến khích việc mắc lỗi và thất bại.[2] Những đứa trẻ sợ thất bại hoặc mắc lỗi có thể tạo ra rào cản cho chính mình trong quá trình sáng tạo.[4] Có thể trẻ cũng sợ đánh giá công việc của chính mình hoặc người khác đánh giá. Hãy chia sẻ thất bại của bạn với con mình và nhấn mạnh rằng đó là điều bình thường và con học hỏi được từ thất bại.
    • Thực hành tô màu bên ngoài đường thẳng cùng con bạn, bôi màu xanh hoặc tím lên da, hoặc làm những việc ngớ ngẩn để con bạn thấy rằng làm những việc khác lạ là bình thường.
    • Nếu con bạn buồn vì mắc lỗi, hãy tìm những giải pháp thay thế sáng tạo để sửa chữa. Nếu con bạn làm rách một tờ trong quyển sách tô màu, hãy gắn lại bằng hình dán, hoặc vẽ quanh vết rách để phù hợp với hình trong sách.
  6. Đặt những câu hỏi mở. Một số phụ huynh tự thấy mình hay vướng vào vòng câu hỏi đóng, như: “Đó là bông hoa đẹp phải không con?” hay “Sẽ rất vui đúng không con?” Thay vì đặt ra những câu hỏi như vậy, hãy đưa ra những câu hỏi mở để tạo cơ hội cho sự sáng tạo.[1] Bạn cũng hãy để trẻ trả lời một cách sáng tạo.
    • Bạn có thể nói: “Con thích bông hoa nào, vì sao vậy?” hay “Con nghĩ điều gì sẽ vui đây?”
  7. Hạn chế thời gian nhìn vào màn hình. Hạn chế đến mức tối đa thời lượng xem tivi hoặc nhìn vào màn hình như điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng vì xem quá nhiều có thể dẫn đến béo phì, mất tập trung, rối loạn cảm xúc và khó ngủ.[5] Thay vào đó, khuyến khích các hoạt động như đọc sách, nghe nhạc, vẽ hay tập kịch.[4]
    • Hẹn giờ khi trẻ xem tivi hoặc sử dụng máy tính bảng hay điện thoại để chúng biết rằng khi chuông hẹn giờ kêu có nghĩa là thời gian xem đã hết.
  8. Tập trung vào quá trình thay vì kết quả cuối cùng. Khích lệ hoặc ép buộc quá nhiều có thể ảnh hưởng đến tính sáng tạo, khiến trẻ phải cố đoán xem chúng cần gì thay vì tự khám phá.[4]
    • Thay vì đưa ra những lời ngợi khen như “con làm tốt đấy!” hay “con vẽ đẹp quá!”, hãy khen sự nỗ lực của con. Bạn hãy nói: “Bố/mẹ có thể nói rằng con đã làm việc cật lực.” hay “Chà, con dùng rất nhiều màu sắc trong bức tranh. Trông nó thật rực rỡ!”

Nuôi dưỡng Tính Sáng tạo của Con bạn[sửa]

  1. Giải quyết vấn đề bằng các cách khác nhau. Hãy đặt vấn đề cho con và yêu cầu giải quyết. Sau đó, yêu cầu con giải quyết bằng cách khác. Chú trọng vào quá trình thay vì kết quả cuối cùng. Khuyến khích nhiều cách giải cho cùng một vấn đề và nhiều đường dẫn đến một giải pháp.[4]
    • Đề nghị con tạo ra một ngôi nhà nhưng đừng nói rõ và bảo chúng có thể tạo bất cứ thứ gì mình muốn. Nếu con không làm được, hãy bảo con có thể vẽ ngôi nhà, xây nhà bằng que kem hoặc hộp carton. Khuyến khích con tạo ngôi nhà theo nhiều cách, kể cả làm chuồng chó hay nhà cho búp bê hoặc nhà cho một chú quỷ thân thiện.
  2. Cho phép trẻ khám phá sở thích của mình. Có thể bạn thực sự muốn con học đàn piano hoặc ba lê nhưng hãy để con chọn hoạt động mà chúng yêu thích.[4] Trẻ càng được tự do trải nghiệm trong các hoạt động, suy nghĩ của chúng càng linh hoạt.
    • Con bạn bị cuốn hút một cách tự nhiên vào những hoạt động chúng thấy thích thú. Hãy khuyến khích sự khám phá những hoạt động đó.
    • Những hoạt động có thể giúp tạo cảm hứng sáng tạo bao gồm: âm nhạc, múa, vẽ, điêu khắc, tô màu.
  3. Đăng ký cho con tham gia các hoạt động sáng tạo. Cho con tham gia các lớp dạy vẽ, múa, điêu khắc hoặc làm gốm. Nghệ thuật đặc biệt có ích cho trẻ vì giúp phát triển và thể hiện cá tính đang hình thành của chúng.[6] Chọn những hoạt động cho phép trẻ học kỹ năng cơ bản nhưng bổ sung cho tính sáng tạo của trẻ.
    • Tìm các lớp học này tại trung tâm cộng đồng, khu giải trí hay lớp học tư nhân.
    • Cho phép con bạn tự sáng tạo cũng như hợp tác với những đứa trẻ khác.
  4. Kết nối con một cách sáng tạo với những bạn học khác. Học tập cùng những đứa trẻ khác có thể rất thú vị và có tính giáo dục.[7] Tìm những câu lạc bộ hoặc hoạt động ngoại khóa dành cho trẻ em cho phép trẻ cùng nhau chơi và sáng tạo. Trẻ chơi cùng nhau và thể hiện sự sáng tạo với những trẻ khác có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng thú vị và khiến trẻ học hỏi được nhiều.
    • Trẻ có thể sáng tạo điệu nhảy, bài hát hoặc dự án khoa học hoặc những vật có thể hoạt động được như thuyền chẳng hạn.
  5. Khuyến khích học tập liên quan đến nhiều giác quan. Càng nhiều giác quan được sử dụng trong các hoạt động càng tốt.[2] Sử dụng sự di chuyển, âm thanh, kết cấu, mùi vị và thông tin trực quan. Bạn cũng có thể bật nhạc để làm nền. Một trong những cách học đa giác quan là học hát có chuyển động hoặc học múa, hay tự tạo ra những chuyển động.
    • Chơi với đất sét. Bạn có thể chọn đất sét nhiều màu có kết cấu khác nhau. Thực hành kể tên âm thanh do đất sét tạo ra khi được đập nổ và để ý mùi của chúng.
    • Nếu con bạn tham gia hoạt động có rất ít giác quan, hãy tưởng tượng ra những giác quan khác. Bạn có thể đặt câu hỏi về các giác quan, như: “theo con nghĩ âm thanh nào sẽ được tạo ra?”
  6. Đảm bảo không làm sai lệch các giả định của trẻ trừ khi điều đó hoàn toàn cần thiết. Nếu con của bạn bảo rằng gió được tạo ra bởi cây, hãy cho chúng biết rằng điều đó có thể đúng, và hỏi điều gì khiến trẻ nghĩ như vậy. Bằng cách cho trẻ phát triển giả thuyết của mình, chúng có thể khám phá sự sáng tạo! Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng khiến trẻ nghĩ rằng giả định kì quặc (và không chính xác) của chúng là sự kiện có thật; hãy chỉ ra đó là khả năng có thể xảy ra.
  7. Khích lệ mọi ý tưởng và bình luận một cách tích cực. Phản hồi tích cực và trên tất cả, khuyến khích con bạn sáng tạo. Nếu bạn nghĩ rằng: “Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra” hay “ý tưởng đó sẽ không bao giờ thành công”, hãy giữ những suy nghĩ đó cho bản thân và khen con vì đã suy nghĩ sáng tạo.
    • Nếu con bạn muốn tạo ra tàu vũ trụ để bay đến mặt trăng, hãy khuyến khích dự án đó và đừng nói rằng: “Đó là điều không thể”. Hãy giúp con chọn vật liệu làm tàu và khuyến khích con nghĩ thêm những cách khác để có thể đi đến mặt trăng.
    • Nếu bạn thấy khó có thể phê bình ý tưởng của con, hãy nói: “Đó là cách tiếp cận thú vị” hay “Bố/mẹ chưa từng nghĩ đến điều đó”.

Khuyến khích Kỹ năng Ra Quyết định[sửa]

  1. Tạo ra các sự lựa chọn thú vị cho con. Kỹ năng ra quyết định tốt cũng có thể giúp truyền cảm hứng sáng tạo cho con bạn. Khi trẻ cần phải quyết định, thử đưa ra một vài lựa chọn thú vị và bảo con hãy so sánh ưu điểm và nhược điểm của từng lựa chọn.[8]
    • Ví dụ, nếu con bạn muốn được thưởng một món gì đó trong siêu thị, bạn có thể khuyến khích trẻ chọn trong ba lựa chọn tốt cho sức khỏe như một thanh bánh yến mạch, một túi hoa quả sấy và một hộp sữa chua phủ quả hạch.
    • Đưa ra những ý tưởng hay để lựa chọn sẽ đảm bảo con bạn có lựa chọn tốt mà vẫn cho phép trẻ tưởng tượng những mặt tốt và xấu của từng lựa chọn. Quá trình này có thể giúp con bạn phát triển tính sáng tạo.
  2. Hướng dẫn con khi phải đưa ra những quyết định khó khăn. Khuyến khích trẻ nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau cũng có thể phát triển tính sáng tạo. Nếu con bạn phải đưa ra quyết định khó khăn, thử ngồi với con và nói về quyết định đó. Khuyến khích trẻ xem xét từng lựa chọn, đánh giá những mặt ưu và nhược của các lựa chọn đó.[8]
    • Đừng quyết định thay cho con, chỉ giúp trẻ đưa ra lựa chọn tốt nhất bằng cách cùng trao đổi về các lựa chọn đó và đặt câu hỏi nhằm khuyến khích trẻ suy nghĩ có phản biện. Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Con nghĩ kết quả của quyết định như vậy sẽ là gì?" Và, "Lựa chọn này có lợi ích gì so với các lựa chọn khác?"
    • Có thể bạn cũng muốn ngồi với con lần nữa sau khi đã ra quyết định và nói chuyện về việc quyết định đó hóa ra không như con nghĩ và liệu trẻ có còn nghĩ đó là lựa chọn tốt nhất nữa hay không. Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Giờ con đã biết, con có còn đưa ra quyết định như cũ không? Tại sao có hoặc tại sao không?"
  3. Sử dụng các ví dụ giả định. Đặt con bạn vào các tình huống khó xử giả định có thể là cách hay giúp trẻ phát triển kỹ năng ra quyết định, đồng thời nuôi dưỡng tính sáng tạo. Bạn có thể khuyến khích trẻ kiểm tra các quyết định khác nhau có thể xảy ra, cân nhắc kết quả tiềm năng và quyết định sẽ chọn như thế nào.[8]
    • Ví dụ, bạn có thể yêu cầu con tưởng tượng sẽ làm gì nếu bạn của con gian lận khi làm bài kiểm tra. Trẻ có nên mách cô về bạn đó không? Đối mặt với bạn về việc gian lận? Hay không nói gì cả?
    • Khích lệ trẻ xem xét mặt được và hạn chế của từng lựa chọn giả định. Ví dụ, nếu mách cô thì điểm tích cực là gì? Điểm tiêu cực là gì?
  4. Cho phép trẻ học hỏi từ những quyết định sai lầm. Có thể bạn muốn can thiệp mỗi khi con gây ra hoặc chuẩn bị mắc sai lầm, nhưng trẻ sẽ không học hỏi được gì nếu bạn làm như vậy. Thay vào đó, cố gắng kìm lòng và để trẻ tự mắc sai lầm.[8] Những gì con bạn học được từ kinh nghiệm sẽ đem lại những bài học quý giá về việc ra quyết định, đồng thời giúp truyền cảm hứng sáng tạo cho trẻ.
    • Ví dụ, nếu con bạn quyết định sử dụng thời gian rảnh sau giờ học ở trường để chơi trò chơi điện tử thay vì giải bài tập về nhà khó, bạn đừng can thiệp. Hãy để trẻ tự xử lý hậu quả của quyết định đó.

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn nói với trẻ rằng mọi vấn đề đều có nhiều cách xử lý.
  • Cái khó ló cái khôn; hãy giữ điều này trong đầu khi bạn quên mất một nguyên liệu làm bánh hay thiếu một bức ảnh trong nghệ thuật cắt dán.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này