Uống acidophilus với thuốc kháng sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tỉ lệ "lợi khuẩn" và "hại khuẩn" trong đường tiêu hóa thường luôn ở trạng thái cân bằng. Khi bạn uống thuốc kháng sinh để tiêu diệt hại khuẩn (vi khuẩn có hại) gây nhiễm trùng, bạn đồng thời cũng sẽ giết chết các lợi khuẩn (vi khuẩn có ích) trong đường ruột. Lợi khuẩn bị giảm đi sẽ tạo cơ hội cho hại khuẩn phát triển – nguyên nhân sản sinh độc tố, gây viêm và tiêu chảy. Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng một số loại probiotic như Acidophilus để giảm hiện tượng mất cân bằng này. Bạn nên biết cách sử dụng Acidophilus một cách chính xác nếu được kê đơn loại thực phẩm chức năng này trong quá trình uống thuốc kháng sinh.[1]

Các bước[sửa]

Giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh[sửa]

  1. Tham khảo ý kiến bác sĩ về loại và liều lượng Acidophilus sử dụng. Bác sĩ có thể chỉ định liều lượng hằng ngày cũng như dạng Acidophilus tốt nhất cho bạn. Liều lượng có thể dao động, tuy nhiên, người bị tiêu chảy do sử dụng thuốc kháng sinh nên tiêu thụ 10 - 20 tỷ CFU (đơn vị khuẩn lạc trong 1 ml mẫu) mỗi ngày.[2]
    • Bác sĩ có thể khuyến nghị liều lượng thấp hơn hoặc cao hơn, tùy thuộc vào loại thuốc kháng sinh bạn đang uống, thời gian uống thuốc và nguy mắc bệnh viêm đại tràng của bạn. Một số thuốc kháng sinh như Cephalosporin, Fluoroquinolones và Clindamycin thường gây tiêu chảy.
    • Ngoài ra, Acidophilus có sẵn dưới nhiều dạng bào chế khác nhau như viên nang, viên nén và bột. Bạn chỉ nên sử dụng dạng Acidophilus được bác sĩ khuyến nghị. Không được trộn các dạng acidophilus lại với nhau (ví dụ trộn viên nén với bột Acidophilus) vì mỗi công thức chứa chủng vi khuẩn khác nhau.
    • Sử dụng theo đúng thời gian mà bác sĩ khuyến cáo. Thông thường, bạn nên bổ sung probiotic lâu hơn ít nhất 1-3 tuần so với quãng thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh.[2]
  2. Uống Acidophilus và thuốc kháng sinh riêng biệt. Uống Acidophilus và thuốc kháng sinh cùng lúc sẽ không phát huy hiệu quả vì probiotic thúc đẩy lợi khuẩn phát triển, trong khi đó, thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt hệ thống lợi khuẩn trong cơ thể bạn.
    • Bạn nên uống Acidophilus ít nhất 1-2 tiếng trước hoặc sau khi uống thuốc kháng sinh. 2-4 tiếng cũng là khoảng thời gian được khuyến nghị.[2]
  3. Biết cách uống Acidophilus để tăng cường hiệu quả. Bạn nên đảm bảo Acidophilus chưa hết hạn sử dụng và được bảo quản đúng cách. Thực phẩm chức năng hết hạn sử dụng hoặc không được bảo quản lạnh theo yêu cầu có thể mất tính hiệu quả. Bạn nên đảm bảo tiêu thụ Acidophilus đều đặn. Đôi khi, bác sĩ hoặc nhà sản xuất thuốc sẽ khuyên bạn sử dụng Acidophilus cùng thực phẩm hoặc trước bữa ăn sáng, khi điều kiện pH trong dạ dày cao.[2]
  4. Tăng cường thực phẩm giàu Acidophilus. Sữa chua là một trong những thực phẩm giàu Acidophilus. Nhiều thương hiệu sữa chua bán trên thị trường chứa các probiotic như Acidophilus. Thậm chí còn có thương hiệu sữa chua quảng cáo về loại probiotic chứa bên trong sản phẩm.[3]
    • Ăn sữa chua hàng ngày giúp bổ sung thêm Acidophilus vào chế độ ăn. Tuy nhiên, bạn nên ăn ít sữa chua lại nếu đang sử dụng thực phẩm chức năng.

Tìm hiểu về Acidophilus và công dụng khi uống với thuốc kháng sinh[sửa]

  1. Tìm hiểu về Acidophilus. Acidophilus là gì? Acidophilus (Lactobacillus acidophilus hoặc L. acidophilus) là một "lợi khuẩn" trong cơ thể. Lợi khuẩn này giúp phân giải thức ăn trong ruột và sản sinh axit lactic để chống lại vi khuẩn có hại. Acidophilus có thể sản sinh tự nhiên trong cơ thể hoặc bạn có thể bổ sung ở dạng thực phẩm chức năng probiotic. Sử dụng Acidophilus giúp điều trị các bệnh về đường ruột cũng như nhiều bệnh khác.
    • Ngoài Acidophilus còn có rất nhiều probiotic có sẵn khác như chủng Lactobacillus. Tuy nhiên, Lactobacillus acidophilus là loại probiotic được sử dụng nhiều nhất.[1]
  2. Biết về công dụng và cơ chế hoạt động của Acidophilus với thuốc kháng sinh. Theo các nghiên cứu lâm sàng, Acidophilus giúp ức chế sự phát triển của mầm bệnh (tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như vi khuẩn xấu) trong đường tiêu hóa. Acidophilus được sử dụng để kiểm soát các bệnh tiêu hóa (ví dụ như hội chứng ruột kích thích), hỗ trợ tiêu hóa, giảm nhiễm nấm âm đạo, hỗ trợ điều trị các bệnh khác như nhiễm trùng phổi, bệnh về da và giảm tiêu chảy do sử dụng thuốc kháng sinh.[1][4]
    • Trong trường hợp tiêu chảy do sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng sinh mà bạn uống nhằm tiêu diệt vi khuẩn có hại đồng thời cũng sẽ giết chết các lợi khuẩn trong đường ruột. Tỉ lệ lợi khuẩn suy giảm có thể dẫn đến sự gia tăng của vi khuẩn có hại – nguyên nhân sản sinh độc tố, gây viêm và tiêu chảy.[5]
  3. Hiểu được tầm quan trọng của việc ngăn ngừa tiêu chảy do sử dụng thuốc kháng sinh. Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do sử dụng thuốc kháng sinh đều nhẹ và tự khỏi sau khi bạn ngưng uống thuốc. Tuy nhiên, tiêu chảy do sử dụng thuốc kháng sinh đôi khi có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng như viêm đại tràng (viêm loét trong đại tràng) hoặc viêm đại tràng giả mạc – một bệnh viêm đại tràng nghiêm trọng. Khoảng 1/3 trường hợp khi sử dụng thuốc kháng sinh dài hạn (thường là ở bệnh viện) sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng Clostridium difficile, một căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, khó chữa và gây tiêu chảy thường xuyên.[6]
    • Theo các nghiên cứu quan trọng gần đây, các probiotic như Acidophilus có thể ngăn ngừa hoặc giảm tiêu chảy do dùng thuốc kháng sinh và cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng Clostridium difficile hiệu quả.[7][8]
    • Nhiễm trùng Clostridium difficile thường xảy ra sau khi dùng các thuốc kháng sinh như Fluoroquinolon, Cephalosporin, Clindamycin và Penicilin.

Cảnh báo[sửa]

  • Ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị sưng mặt hoặc miệng - dấu hiệu của phản ứng dị ứng.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang mang thai, cho con bú, bị suy giảm miễn dịch, hoặc bệnh đường ruột trước khi uống Acidophilus hoặc thuốc kháng sinh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/lactobacillus-acidophilus
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 http://www.medscape.com/viewarticle/763157_5
  3. http://beneficialbacteria.net/probiotic-yogurt/
  4. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/790.html#Dosage
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/antibiotic-associated-diarrhea/basics/causes/con-20023556
  6. http://www.medscape.com/viewarticle/830002
  7. Hempel S, Newberry SJ, Maher AR, et al. Probiotics for the prevention and treatment of antibiotic-associated diarrhea: a systematic review and meta-analysis. JAMA. 2012;307:1959-1969.
  8. Johnston BC, Ma SS, Goldenberg JZ, et al. Probiotics for the prevention of Clostridium difficile-associated diarrhea: a systematic review and meta-analysis. Ann Intern Med. 2012;157:878-888.

Liên kết đến đây