Xác định bệnh viêm phổi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng các túi khí trong phổi. Bệnh có thể là do vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm bắt đầu phát triển. Viêm phổi nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ, người lớn và người có hệ miễn dịch kém. Nếu nghi ngờ bản thân có thể bị viêm phổi, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Bệnh viêm phổi thường được điều trị một cách hiệu quả. [1]


Các bước[sửa]

Nhận biết triệu chứng[sửa]

  1. Xác định triệu chứng viêm phổi. Viêm phổi cần được điều trị kịp thời trước khi bệnh trở nặng. Triệu chứng có thể dần xấu đi trong vòng vài ngày hoặc đột ngột nghiêm trọng ngay từ đầu. Dấu hiệu viêm phổi gồm có: [2][2]
    • Sốt
    • Toát mồ hôi và run rẩy
    • Cảm giác khó chịu ở ngực khi ho hoặc thở, đặc biệt là khi thở sâu
    • Thở nhanh, thở không sâu. Triệu chứng này có thể chỉ xảy ra khi bạn hoạt động thể chất
    • Mệt mỏi
    • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Đây là những triệu chứng phổ biến ở trẻ sơ sinh
    • Ho. Bạn có thể ho ra cả chất nhầy có màu vàng, xanh, nâu đỏ hoặc hồng và chất nhầy có máu
    • Đau đầu
    • Không cảm thấy đói
    • Ngón tay chuyển màu trắng
    • Lú lẫn. Triệu chứng này thường ở người lớn tuổi bị viêm phổi.
    • Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường. Triệu chứng này thường gặp nhất ở người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch kém.
    • Đau khớp, đau sườn, đau bụng trên hoặc đau lưng
    • Nhịp tim tăng nhanh
  2. Đi khám bác sĩ nếu cho rằng bản thân bị viêm phổi. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Viêm phổi có thể gây chết người nếu không được điều trị. Nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng sẽ tăng cao nếu bạn thuộc một trong các nhóm nguy cơ cao sau:[2][3]
    • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
    • Người lớn trên 65 tuổi
    • Người mắc các vấn đề khác về sức khỏe như HIV/AIDS, bệnh tim hoặc bệnh về phổi
    • Người đang tiếp nhận hóa trị
    • Người đang uống thuốc ức chế miễn dịch
  3. Mô tả triệu chứng cho bác sĩ. Cách này giúp bác sĩ biết được bạn đã bị bệnh bao lâu và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cần cho bác sĩ biết:[4]
    • Bạn có bị khó thở hoặc thở nhanh ngay cả khi đang nghỉ ngơi không
    • Bạn đã ho bao lâu và cơn ho có trở nặng không
    • Bạn có ho ra chất nhầy màu vàng, xanh hoặc hồng không
    • Bạn có bị đau ngực khi hít thở không
  4. Để bác sĩ nghe phổi. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn kéo áo cao hoặc cởi áo để dùng ống nghe nghe tiếng phổi. Quá trình này không gây đau, nếu có không thoải mái thì chỉ là do ống nghe lạnh khi chạm vào da trần. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn hít thở sâu trong khi dùng ống nghe để nghe phía trước và sau ngực.[4]
    • Phổi phát ra tiếng soàn soạt hay răng rắc là dấu hiệu của nhiễm trùng.
    • Bác sĩ có thể chạm lên ngực bạn khi nghe. Cách này giúp phát hiện xem phổi có đầy chất lỏng hay không.
  5. Tiếp nhận xét nghiệm bổ sung nếu bác sĩ chỉ định. Có nhiều cách để bác sĩ xác định bạn có bị nhiễm trùng phổi không và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm như: [3][5]
    • Chụp X-quang ngực. Cách này giúp bác sĩ xác định bạn có bị nhiễm trùng phổi không và nhiễm trùng ở bên nào, vùng nhiễm trùng rộng lan rộng bao nhiêu (nếu có). Chụp X-quang không gây đau. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn mặc áo tạp dề lót chì để bảo vệ cơ quan sinh sản. Cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai vì chụp X-quang có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.[6]
    • Cấy máu hoặc cấy đờm. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy máu hoặc yêu cầu bạn ho đờm vào lọ đựng mẫu. Mẫu máu hoặc đờm sẽ được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây nhiễm trùng.
    • Nếu đã nhập viện và/hoặc sức khỏe tổn thương nghiêm trọng, có thể bạn sẽ cần tiếp nhận thêm các xét nghiệm khác. Xét nghiệm có thể bao gồm xét nghiệm khí máu động mạch để xác định xem phổi có đang cung cấp đủ khí O2 không; chụp CT nếu bạn đang ở phòng cấp cứu; hoặc xét nghiệm chọc dò màng phổi, tức chuyên gia sẽ dùng kim đâm xuyên qua da và cơ ngực để lấy một lượng nhỏ chất lỏng đem đi xét nghiệm.

Điều trị viêm phổi[sửa]

  1. Uống kháng sinh. Sẽ mất vài ngày xét nghiệm để xác định loại kháng sinh hiệu quả. Trong thời gian chờ, bác sĩ có thể kê một loại kháng sinh phổ rộng hơn để bắt đầu điều trị. Tương tự, đôi khi xét nghiệm không phát hiện thấy bất thường - không đủ đờm hoặc không nhiễm trùng máu (dẫn đến kết quả cấy máu âm tính). Khi đã xác định được phép điều trị, triệu chứng viêm phổi phải cải thiện trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Mặc dù vậy, bạn vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi trong hơn một tháng.[7][8]
    • Hầu hết bệnh nhân dùng kháng sinh điều trị viêm phổi đều có thể điều trị tại nhà. Đi khám bác sĩ ngay nếu triệu chứng không cải thiện sau 2 ngày hoặc trở nặng. Đó là dấu hiệu bạn cần dùng thuốc khác.
    • Bạn có thể vẫn bị ho trong 2-3 tuần sau khi uống hết kháng sinh. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng này xảy ra.
    • Kháng sinh không hiệu quả trong điều trị viêm phổi do vi-rút. Thay vào đó, hệ miễn dịch sẽ phải chống lại vi-rút.
  2. Uống nhiều nước. Sốt, toát mồ hôi và ớn lạnh có thể là dấu hiệu mất nước. Vì vậy, bạn cần uống đủ nước để cơ thể chống lại bệnh. Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, bạn có thể sẽ phải nhập viện. Uống nhiều nước hơn nếu thấy khát hoặc có triệu chứng: [8]
    • Kiệt sức, đau đầu, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu tối màu hoặc đục[9]
  3. Kiểm soát cơn sốt. Nếu được bác sĩ cho phép, bạn có thể hạ sốt bằng thuốc không kê đơn như Ibuprofen (Advil, Motrin IB và các thuốc khác) hoặc Acetaminophen (Tylenol và các thuốc khác).
    • Không uống Ibuprofen nếu dị ứng với Aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác, bị hen suyễn, có vấn đề về thận hoặc loét dạ dày.[8]
    • Không cho trẻ nhỏ hoặc trẻ vị thành niên uống thuốc chứa Aspirin.
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc để đảm bảo không xuất hiện tương tác thuốc với thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn, nguyên liệu thảo mộc hoặc thực phẩm chức năng bạn đang uống.
    • Phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc trẻ nhỏ không tự ý uống thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.
  4. Hỏi bác sĩ về thuốc giảm ho. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm ho nếu không thể ngủ được do ho quá nhiều.[7] Tuy nhiên, ho cũng giúp loại bỏ chất nhầy khỏi phổi và giúp bạn lành bệnh, phục hồi nhanh hơn. Do đó, bác sĩ có thể không khuyến nghị uống thuốc giảm ho. [8]
    • Có thể giảm ho bằng cách uống nước ấm pha chanh và mật ong. Phương pháp này giúp xoa dịu cơn đau do ho.
    • Nếu uống thuốc giảm ho, ngay cả thuốc không kê đơn, bạn cũng cần đọc kỹ thành phần để đảm bảo thành phần trong thuốc không giống thành phần trong các thuốc chữa bệnh khác bạn đang uống. Nếu thành phần trùng, bạn cần trao đổi với bác sĩ để tránh uống quá liều.
  5. Nội soi phế quản nếu bị viêm phổi do hít phải vật thể lạ. Tình trạng này xảy ra khi bệnh nhân ho và vô tình hít phải vật thể nhỏ vào phổi. Trong trường hợp này, bạn cần lấy vật thể ra khỏi phổi. [8]
    • Bác sĩ sẽ đưa ống nhỏ qua mũi hoặc miệng, vào phổi để lấy vật thể lạ ra. Bạn có thể sẽ cần uống thuốc để gây tê mũi, miệng và đường hô hấp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể được gây mê hoặc uống thuốc giúp thư giãn. Bạn sẽ phục hồi sau khi loại bỏ vật thể lạ khỏi phổi.
  6. Đến bệnh viện nếu chăm sóc tại nhà không giúp giảm triệu chứng bệnh. Có thể bạn cần nhập viện để tiếp nhận chăm sóc đặc biệt nếu không thể chống lại nhiễm trùng phổi tại nhà và triệu chứng trở nặng. Bạn có thể cần ở bệnh viện đến khi sức khỏe ổn định nếu:[7]
    • Là người lớn trên 65 tuổi
    • Rơi vào tình trạng lú lẫn
    • Nôn mửa và không thể uống thuốc
    • Thở nhanh và cần được đặt máy thở
    • Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường
    • Tim đập nhanh bất thường (trên 100) hoặc thấp bất thường (dưới 50)
  7. Đưa trẻ đến bệnh viện nếu triệu chứng bệnh không chuyển biến tốt. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường cần được nhập viện. Triệu chứng nghiêm trọng cho thấy trẻ cần được chăm sóc khẩn cấp, thậm chí sau khi bắt đầu điều trị, gồm có: [7]
    • Khó tỉnh táo
    • Khó thở
    • Thiếu oxi trong máu
    • Mất nước
    • Nhiệt độ cơ thể thấp

Nguồn và Trích dẫn[sửa]