Xử lý khi bị mèo cào

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mèo là loài vật tinh nghịch, khó đoán, có khi hung hãn. Nếu hay tiếp xúc với mèo, thỉnh thoảng bạn có thể bị mèo cào. Mèo có móng sắc nhọn để tự vệ, đôi khi chúng có thể gây ra những vết cào khá sâu. Chăm sóc vết mèo cào đúng cách sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng từ vết thương.

Các bước[sửa]

Đánh giá Vết thương do Mèo Cào[sửa]

  1. Xác định mèo. Điều quan trọng là phải có thông tin về con mèo vừa cào bạn. Nếu là mèo nhà bạn nuôi hoặc mèo của bạn thân bạn thì có thể coi đó là “mèo nhà”. Bạn có thể tự xử lý vết thương nếu không quá nặng, đồng thời biết chính xác thông tin về con mèo đó:[1]
    • Mèo đã được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
    • Mèo có sức khỏe tốt.
    • Mèo hầu như ở trong nhà.
  2. Tìm chăm sóc y tế nếu bạn không biết về con mèo đã cào bạn. Mèo lạ có thể không được tiêm vắc –xin, do đó bạn có thể cần điều trị phòng ngừa nhiễm vi khuẩn, uốn ván hoặc bệnh dại. Đặc biệt là khi vết cào kèm vết cắn (có đến 80% nguy cơ nhiễm trùng), bạn cần đến bác sĩ để được chăm sóc y tế.
  3. Đánh giá vết thương. Cách điều trị thích hợp dựa vào độ nghiêm trọng của vết thương. Vết mèo cào nào cũng có thể gây đau, nhưng độ sâu của vết thương sẽ cho biết nó có trầm trọng hay không.
    • Vết thương nông xảy ra ở lớp ngoài cùng của da và hơi rướm máu có thể coi là vết thương ngoài da.
    • Vết thương sâu hơn xuyên qua nhiều lớp da và chảy máu khá nhiều có thể coi là nghiêm trọng.[1]
  4. Quyết định cách điều trị thích hợp. Vết thương ngoài da do mèo nhà cào có thể xử lý ở nhà. Tuy nhiên, vết thương do mèo lạ cào hoặc vết thương nghiêm trọng (sâu) do mèo nhà cào cần được chuyên viên y tế đánh giá.

Xử lý Vết thương Ngoài da ( Ít nguy hiểm hơn )[sửa]

  1. Rửa tay. Trước khi xử lý vùng da bị mèo cào, cần đảm bảo bàn tay phải sạch và vô trùng. Dùng xà phòng và nước ấm (hoặc nước nóng) để rửa tay ít nhất trong 20 giây. Chú ý rửa kẽ ngón tay và dưới móng tay. Sau đó xả nước lại thật sạch.[2]
  2. Rửa vết thương. Dùng nước máy để rửa vết mèo cào và vùng da xung quanh.[3] Tránh dùng nước quá nóng vì có thể làm chảy máu nhiều hơn.
  3. Rửa vùng da bị mèo cào. Dùng xà phòng rửa kỹ vùng da bị tổn thương. Cố gắng rửa cả vết thương và vùng da xung quanh (ví dụ nếu bị mèo cào ở cánh tay thì nên rửa cả cánh tay thay vì chỉ rửa riêng vết mèo cào). Sau khi rửa bằng xà phòng, xả kỹ lại bằng nước sạch.[3]
    • Không chà xát lên vùng da trầy xước, vì như vậy có thể sẽ gây thêm tổn thương (bầm tím) cho các mô.
  4. Thoa thuốc mỡ lên vết cào. Bạn cần xử lý vết mèo cào bằng thuốc mỡ sát trùng.[3] Có thể sử dụng loại thuốc mỡ kháng sinh tổng hợp như Neosporin; các loại thuốc mỡ này có chứa neomycin, một loại kháng sinh giúp chữa lành vết đứt rất hiệu quả.[4]
    • Thuốc mỡ kháng sinh tổng hợp có thể bôi lên vết thương ba lần một ngày.[5]
    • Bacitracin là một lựa chọn tốt cho người bị dị ứng với các loại thuốc mỡ kháng sinh tổng hợp thông thường.
    • Không cần uống kháng sinh nếu vết thương là ở ngoài da do mèo nhà cào.[6]
  5. Không băng kín vết thương. Chỉ nên điều trị ở nhà vết thương ngoài da do mèo nhà cào, do đó vết thương này không cần băng kín. Giữ sạch vết thương trong thời gian chữa trị, nhưng nên để vết thương tiếp xúc với không khí trong lành.

Xử lý Vết thương Sâu[sửa]

  1. Điều trị y tế. Các vết thương sâu hơn có thể kèm chảy nhiều máu và cần uống thuốc kháng sinh để ngừa viêm nhiễm, cho dù con mèo đó đã được tiêm phòng đầy đủ.[1] Thông thường bạn sẽ được kê toa thuốc Augment 875/125 mg, uống hai lần mỗi ngày trong 7 đến 10 ngày.
    • Trước khi được chăm sóc y tế, có thể bạn cần sơ cứu ở nhà.
    • Bạn nhất định phải đến bác sĩ sau khi thực hiện các bước sau đây để xử lý vết thương:
  2. Cầm máu. Nếu vết thương chảy nhiều máu, dùng khăn sạch để ép lên vết thương. Ép chặt vào chỗ chảy máu và giữ nguyên cho đến khi máu bớt chảy. Bạn cũng có thể cần để vết thương cao hơn đầu.[3]
  3. Rửa sạch vùng da bị thương. Sau khi rửa tay thật sạch, nhẹ nhàng rửa vùng da tổn thương bằng xà phòng và rửa lại bằng nước sạch.[3] Không chà xát khi rửa vì vết thương có thể chảy máu lại.
  4. Thấm khô vết thương. Dùng chiếc khăn sạch khác để thấm khô hoàn toàn vết thương và vùng da xung quanh.
  5. Băng vết thương. Các vết thương sâu cần được băng lại bằng băng dính cá nhân (Band-Aid), băng bướm, hoặc gạc sạch.[3]
    • Nếu vết thương rộng, cần kéo hai mép vết thương sát lại với nhau và dán băng bướm, một loại băng có thể giúp khép miệng vết thương. Nếu cần, bạn có thể dùng nhiều băng bướm để khép kín miệng vết thương, giúp vết thương mau lành.
    • Nếu không có băng dính, bạn có thể băng bằng gạc và giữ cố định bằng băng y tế.

Đánh giá Rủi ro do Vết Mèo Cào[sửa]

  1. Tránh viêm nhiễm. Một số vết thương do mèo cào và hầu hết vết thương do mèo cắn có thể gây viêm nhiễm. Rửa sạch vết thương và thoa thuốc mỡ kháng sinh như Neosporin hoặc Bacitracincó thể giảm đáng kể rủi ro nhiễm trùng. Vết thương bị nhiễm trùng cũng cần phải uống thuốc kháng sinh. Những dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm:[7]
    • Đau nhiều, sưng, đỏ hoặc nóng xung quanh vết thương
    • Xuất hiện những vệt đỏ từ vết thương
    • Dịch chảy ra từ vết thương
    • Sốt cao
  2. Đề phòng bệnh mèo cào. Bệnh mèo cào, bệnh phổ biến nhất lây truyền qua mèo do vi khuẩn bartonella henselae gây ra. Mèo đóng vai trò là nguồn lây bệnh, nhất là mèo con và mèo có bọ chét. Có khoảng 40% mèo mang vi khuẩn trong một vài thời điểm, nhưng không có dấu hiệu mắc bệnh.[8]
    • Một số mèo mắc bệnh mèo cào có thể phát triển bệnh tim, loét trong miệng hoặc nhiễm trùng mắt.[8]
    • Dấu hiệu đầu tiên của bệnh mèo cào ở người thường là nốt sưng nhỏ ở vùng mèo cào hay cắn, kèm theo đó là sưng hạch bạch huyết ở nách, háng hoặc cổ. Tiếp đến là sốt, mệt mỏi, mắt đỏ, đau khớp và đau họng. [8]
    • Bệnh mèo cào ở người có thể gây ra những chứng bệnh nghiêm trọng về mắt, não, gan hoặc tổn thương lách.[8]
    • Người thiếu sức đề kháng có nguy cơ biến chứng cao hoặc thậm chí tử vong do bệnh sốt mèo cào.
    • Các phương pháp chẩn đoán bệnh mèo cào thường là xét nghệm huyết thanh học B henselae, nhưng cũng có thể chẩn đoán bằng nuôi cấy vi khuẩn, mô bệnh học, hoặc phản ứng chuỗi trùng hợp. Bệnh được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh như azithromycin, rifampin, gentamicin, ciprofloxacin, clarithromycin hoặc bactrim.[8]
  3. Xác định bạn có bị bệnh nấm da (hắc lào). Hắc lào là một bệnh nhiễm nấm, đặc trưng với các mảng da hình tròn, phồng và đóng vảy cứng.[9]
    • Nấm da thường gây ngứa.
    • Nấm da có thể được điều trị bằng thuốc mỡ kháng nấm như miconazole hoặc clotrimazole.
  4. Đánh giá nguy cơ nhiễm ký sinh trùng toxoplasmosis. Toxoplasmosis là một loại ký sinh trùng ở mèo và lây lan qua phân mèo. Bạn có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng toxoplasmosis parasite, toxoplasma gondii qua vết mèo cào, đặc biệt nếu móng mèo có dính phân.[10]
    • Người bị nhiễm ký sinh trùng có thể có biểu hiện sốt, đau nhức mình và hạch sưng to. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây tổn thương não, mắt, phổi, và đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Do đó phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc với khay vệ sinh của mèo hoặc phân mèo trong suốt thai kỳi.
    • Điều trị bệnh toxoplasmosis bằng thuốc chống ký sinh trùng như pyrimethamine.[10]
  5. Chú ý triệu chứng của các bệnh khác. Mèo có thể mang các mầm bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn bị mèo cào và có các triệu chứng sau đây:
    • Sốt
    • Sưng ở đầu hoặc cổ
    • Các mảng da đỏ, ngứa hoặc đóng vảy
    • Đau đầu dữ dội, choáng váng hoặc chóng mặt

Ngăn ngừa Mèo Cào[sửa]

  1. Không phạt mèo vì đã cào người. Cào là hành vi tự vệ bình thường của mèo, do đó trừng phạt mèo vì cào có thể khiến nó hung hăng hơn về sau.
  2. Cắt móng cho mèo. Bạn có thể cắt móng mèo bằng bấm móng tay thông thường. Bấm móng cho mèo mỗi tuần một lần có thể hạn chế tổn thương do mèo cào.[11]
  3. Tránh chơi đùa mạnh bạo. Không chơi đùa mạnh bạo với mèo trưởng thành và cả mèo con. Chơi đùa kiểu này có thể khuyến khích chúng cào cắn bạn và những người khác.
  4. Nuôi mèo trưởng thành. Hầu hết mèo bỏ được tật xấu cắn và cào khi qua tuổi mới lớn sang tuổi trưởng thành, từ 1 đến 2 năm. Nếu cơ thể nhạy cảm với vết trầy xước do mèo cào hoặc thiếu sức đề kháng, bạn nên cân nhắc nuôi mèo trưởng thành thay vì mèo con.[8]

Lời khuyên[sửa]

  • Trị bọ chét cho mèo. Việc này không làm mèo thay đổi hành vi cào cắn, nhưng có thể giảm thiểu rủi ro biến chứng như bệnh sốt mèo cào. Tham khảo bác sĩ thú y về phương pháp tốt nhất giữ cho mèo không nhiễm bọ chét.
  • Lưu ý cắt hoặc mài móng cho mèo.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn tìm chăm sóc y tế nếu bị mèo lạ cào, vết thương sâu hoặc người bị mèo cào thiếu sức đề kháng.
  • Tránh tiếp xúc với mèo hoang hay mèo đi lạc nếu có thể.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây