Xử lý vết xước sâu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không giống như vết cắt đi qua lớp da và chạm đến phần cơ bên dưới, vết xước là vết thương không qua hết lớp da. Tuy nhiên vết xước có thể đau và chảy máu. Nếu có vết xước sâu, bạn có thể thử chăm sóc tại nhà hoặc đến phòng khám. Nói chung, các vết xước sâu có thể ép, rửa và băng tại nhà.

Các bước[sửa]

Xem xét vết thương[sửa]

  1. Phân biệt vết thương. Đôi khi vết xước sâu và vết rách trông có vẻ giống nhau. Trước khi xử lý vết xước, bạn cần xác định đó đúng là vết xước. Điều này rất quan trọng vì các vết rách hay vết cắt có thể cần phải khâu hoặc nối. Vết xước chỉ là vết trầy nông trên da.
    • Nếu vết thương sâu hơn 1 cm, bạn nên tìm sự chăm sóc y tế để điều trị và khâu vết thương.[1]
  2. Rửa tay. Trước khi chăm sóc vết thương, bạn cần đảm bảo tay phải sạch. Nếu vết thương không chảy máu dữ dội, bạn cần dành thời gian rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Nếu vết xước sâu ở vị trí bàn tay, cố gắng đừng để xà phòng vào vết thương vì sẽ rất xót.[1]
  3. Rửa bằng nước. Sau khi đã xác định đúng là vết xước, bạn cần rửa sạch bằng nước. Để vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ cát sạn có thể xâm nhập vào khi bị thương. Nước rửa cần hơi âm ấm. Tiếp tục để nước chảy lên vết thương từng đợt vài phút, kiểm tra lại giữa mỗi đợt để đảm bảo không còn cát sạn trong vết thương.
    • Nếu không có sẵn nguồn nước sạch, bạn có thể dùng mảnh vải phủi cát sạn nhìn thấy ra khỏi vết thương.[1]
    • Nếu thấy vết thương chảy nhiều máu, bạn cần rửa thật nhanh để loại bỏ cát sạn, sau đó chuyển sang bước kế tiếp.
  4. Ép lên vết thương. Khi các mảnh vụn to đã được loại bỏ, bạn cần phải cầm máu. Để làm điều này, bạn hãy lấy một mảnh vải, khăn hoặc gạc sạch đắp lên vết thương và ép chặt. Nếu chỉ có áo cũ hoặc mảnh vải bẩn, bạn cũng đừng lo nhiễm trùng. Vết thương sẵn đã bẩn vì nó chưa được sát trùng, do đó bạn đừng quá lo về nhiễm trùng. Lúc này bạn nên tập trung vào việc cầm máu.
    • Khi đang ép vết thương, không nên kiểm tra vết thương ít nhất trong vòng 7-10 phút. Nếu nhấc ra quá sớm, các cục máu đông sẽ bật ra và vết thương lại chảy máu.
    • Nếu đã ép 7-10 phút và vết thương đã ngưng chảy máu, bạn có thể làm sạch vết thương.[2][1]
  5. Tìm sự chăm sóc y tế. Nếu gạc ép vết thương ướt đẫm máu hoặc thấy tia máu phun ra, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Đây là dấu hiệu cho thấy vết thương của bạn là nghiêm trọng và cần phải xử lý chuyên khoa ở cơ sở y tế. Điều này có thể xảy ra với các vết xước có diện tích rộng như vết trầy xước trên mặt đường hoặc vết xước quá dài.[1]
    • Ngoài ra cũng có một số yếu tố về sức khỏe có thể đòi hỏi bạn phải đến bệnh viện nếu vết thương khá sâu. Nên đến bệnh viện ngay nếu bạn có bệnh rối loạn chảy máu, tiểu đường, các bệnh tim, thận, gan và hệ miễn dịch kém. Vết xước sâu có thể đặt bạn trong tình trạng nguy hiểm nếu kết hợp với các bệnh lý khác sẵn có.[3]

Rửa vết thương[sửa]

  1. Loại bỏ mảnh vụn hoặc cát sạn trong vết thương. Một số mảnh vụn hoặc sạn có thể kẹt trong da và không trôi ra khi rửa, nhất là với các vết xước. Khi máu đã ngừng chảy, bạn hãy kiểm tra vết thương xem còn mảnh vụn nào trong da không. Nếu có, bạn có thể dùng nhíp nhẹ nhàng gắp ra; nếu không được, bạn hãy đến phòng khám để bác sĩ lấy ra.
    • Không chọc nhíp sâu vào da, nếu không bạn có thể khiến mình bị thương thêm.
    • Nếu không có mảnh vụn hoặc cát sạn, bạn có thể chuyển sang bước kế tiếp.[1]
  2. Làm sạch vết thương bằng dung dịch sát trùng. Khi máu đã ngừng chảy, bạn hãy để nước ấm chảy lên vết thương để rửa sạch máu. Tiếp đó giội lên vết thương các dung dịch sát trùng như cồn, ô-xy già hoặc dung dịch providone-Iodine. Bạn cũng có thể nhúng ướt gạc trong dung dịch và nhẹ nhàng chấm lên vết thương để rửa sạch. Bạn cần chuẩn bị tinh thần vì có thể sẽ xót.[4] Thấm khô vết thương bằng gạc vô trùng hoặc khăn sạch.
    • Quá trình này có thể làm gián đoạn sự đông máu trên vết thương và máu có thể chảy lại. Hiện tượng này là bình thường và không phải là biểu hiện của vết thương nghiêm trọng, vì sau đó bạn có thể cầm máu.
  3. Bôi kem kháng sinh lên vết xước. Dù bạn nghĩ rằng mọi bụi bẩn và mảnh vụn đã được loại bỏ hết, vết thương vẫn có khả năng nhiễm trùng. Vì vậy, bôi thuốc kháng sinh bao giờ cũng là một ý hay. Thuốc mỡ cũng sẽ duy trì độ ẩm trên vết xước, giúp vết thương không bị nứt và xấu đi khi cử động. Một lớp mỏng thuốc mỡ hoặc bột kháng sinh phủ lên vết thương là đủ.[5]
    • Neosporin, Polysporin và Bacitracin là 3 trong số các sản phẩm thông dụng.
    • Ban đầu bạn có thể dùng nước ô-xy già để rửa vết thương, nhưng không nên dùng lâu dài do ô-xy già có thể gây tổn thương cho mô bên trong và xung quanh vết thương.
  4. Băng vết thương. Sau khi bôi thuốc mỡ, bạn cần băng vết thương. Dùng gạc hoặc băng rộng để băng vết thương. Dùng băng dính y tế dán các cạnh gạc để giúp ngăn chặn bụi đất, vi trùng và các vật chất khác khỏi xâm nhập vào vết thương. Nếu vết xước không quá rộng, bạn có thể dùng băng y tế rộng thay vì gạc.
    • Các vật liệu này có thể mua được ở hầu hết các hiệu thuốc.
    • Gạc cuộn sẽ dễ dùng hơn nếu vết thương ở trên các khớp hay cử động. Bạn có thể cố định gạc cuộn trên vết thương dễ dàng hơn và nó cũng khó bong ra hơn.
  5. Thay gạc. Thay gạc trên vết thương 2-3 lần mỗi ngày. Tháo băng để rửa sạch vết thương và thay băng mới, đồng thời bạn có thể quan sát vết thương để kiểm tra hiện tượng nhiễm trùng nếu có. Không để băng trên vết thương quá 24 tiếng.[6]
    • Bạn nên thay băng mỗi khi ướt hoặc bẩn, vì băng bị bẩn sẽ khiến vết xước có thể nhiễm trùng.
  6. Quan sát dấu hiệu nhiễm trùng. Mặc dù bạn cố gắng giữ sạch, vết xước vẫn có khả năng nhiễm trùng. Điều này tùy thuộc vào kích thước của vết xước và các yếu tố khác như tuổi tác, sức khỏe tổng thể và bất cứ bệnh lý nào khác, chẳng hạn như tiểu đường và béo phì. Các yếu tố này cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian chữa lành vết thương. Các dấu hiệu nhiễm trùng là đỏ xung quanh vết thương hoặc trên mép vết thương, đặc biệt nếu hiện tượng này lan rộng. Vết thương cũng có thể bắt đầu tiết dịch hoặc mủ.
    • Nếu kèm theo đó là sốt, có thể bạn đã bị nhiễm trùng.

Xử lý vết thương nhiễm trùng[sửa]

  1. Đến bác sĩ. Nếu bạn nghĩ vết thương bị nhiễm trùng hoặc vết thương chảy máu không ngừng ngay cả sau khi đã ép, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế. Nếu bị thương một thời gian và có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn cũng nên đến bác sĩ. Tình trạng nhiễm trùng nếu để kéo dài có thể dẫn đến nhiễm độc máu và các bệnh lý khác nguy hiểm đến tính mạng.[7]
    • Nếu bị sốt hoặc vùng da xung quanh vết thương ấm nóng, bạn hãy đến bệnh viện.
    • Nếu vết xước chảy dịch vàng hoặc xanh, bạn cần đến bác sĩ.
    • Nếu nhận thấy vùng da xung quanh vết thương chuyển màu vàng sáng hoặc đen, bạn hãy đến bệnh viện.
  2. Tiêm phòng uốn ván. Nếu vết thương nhiễm trùng, bạn sẽ được tiêm phòng uốn ván. Các mũi tiêm phòng uốn ván thường được tiêm 10 năm một lần, nhưng nếu vết thương khá sâu, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiêm một mũi phòng uốn ván.[8]
    • Bạn nên tiêm ngay sau khi bị thương để đảm bảo không phát triển bệnh uốn ván.
  3. Uống thuốc kháng sinh. Nếu vết xước sâu hoặc nhiễm trùng nặng, thông thường bạn sẽ phải uống kháng sinh để chống hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng thêm. Thuốc kháng sinh thường được sử dụng nhất là erythromycin. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhiễm tụ cầu vàng (MRSA), bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc mạnh hơn. Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc.
    • Thông thường bạn sẽ được bác sĩ kê toa thuốc hàm lượng 250 mg, 4 lần mỗi ngày trong 5-7 ngày, uống trước bữa ăn từ nửa tiếng đến 2 tiếng để thuốc được hấp thụ tối đa.
    • Bạn cũng có thể được kê toa thuốc giảm đau, tùy vào mức độ đau của vết thương.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-cuts/basics/art-20056711
  2. Hoffman, R, EJ Benz Jr., and LE Heslop, Hematology Basic Principles and Practice, Laboratory Evaluation of Hemostatic and Thrombotic Disorders
  3. Myers, Ehren. RNotes. 2nd edition. E.A Davis Company. 2003
  4. Kapur, Vanita, and Anil Kumar Marwaha, Comparison of super-oxidized solution versus Betadine, Indian Journal of Surgery, 2011 Jan 73 (1) 48-53
  5. Doenges, Moorhouse, & Murr. Nursing Care Plans: Guidelines for Individualizing Client Care Across the Lifespan. 7th edition. E.A Davis Company. 2006
  6. Jacknin, J. (2001). Smart medicine for your skin: A comprehensive guide to understanding conventional and alternative therapies to heal common skin problems. New York: Avery.
  7. http://www.medicinenet.com/cuts_scrapes_and_puncture_wounds/article.htm
  8. Kozier & Erb. Fundamentals of Nursing: Concepts, Process, and Practice. 8th Edition. Prentice Hall. 2008.