Để trông có vẻ tự tin

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tất cả chúng ta, ngay cả những người tự tin nhất, ai cũng có lúc hồi hộp, lo âu và do dự. Tuy nhiên người tự tin biết cách xử trí những khoảnh khắc đó và tận dụng nghị lực mạnh mẽ của mình. Một phong thái tự tin có thể thu hút sự chú ý tích cực và mở ra những cơ hội mới. Ngay cả khi bạn không cảm thấy tự tin, phương pháp “giả vờ cho đến khi biến thành sự thật” có thể giúp ích cho bạn ngay thời điểm đó, với hy vọng lòng tự tin thực sự sẽ đến sau. Mặc dù có lẽ không thể tự tin vào mọi lúc, bạn vẫn có thể học những kỹ năng để thể hiện khi thực sự cần thiết, như khi trả lời phỏng vấn xin việc làm, khi thuyết trình, hoặc khi dự sự kiện. Hãy tập luyện để cải thiện ngôn ngữ cơ thể, tương tác xã hội và xây dựng một phong cách sống tự tin.

Các bước[sửa]

Dùng Ngôn ngữ Cơ thể Tự tin[sửa]

  1. Hình dung một người thiếu tự tin trông như thế nào. Có lẽ cô ấy đầu cúi thấp, vai rũ xuống, cố gắng thu mình lại và tránh giao tiếp bằng mắt. Dáng điệu này gắn với sự phục tùng và lo sợ.[1] Ngôn ngữ cơ thể này cho thấy rằng bạn đang hồi hộp, dễ phục tùng và thiếu tự tin. Việc thay đổi dáng điệu và ngôn ngữ cơ thể sẽ thay đổi ấn tượng của người khác về bạn, thái độ của họ đối với bạn và cuối cùng là thay đổi nhận thức của chính bạn về bản thân mình.
    • Nếu thấy không thoải mái khi thực hiện phương pháp này trước mọi người, bạn hãy tập luyện trước gương hoặc trước máy quay cho đến khi cảm thấy thoải mái hơn. Bạn cũng có thể thực hành với một người bạn thân và xem phản hồi.
  2. Đứng thẳng và đầu ngẩng cao. Đứng và bước đi với hai vai cân bằng và hơi đưa ra phía sau. Mặt hướng thẳng về trước và cằm giữ cân bằng. Bước đi như thể thế giới này là của bạn, mặc dù có thể bạn không nghĩ như vậy.
    • Tưởng tượng bạn đang treo một sợi dây gắn từ đỉnh đầu của bạn.[2] Thử giữ cho đầu không bồn chồn quay xung quanh bằng cách chọn một điểm cố định để nhìn vào. Tập trung vào điểm đó thay vì để đầu liên tục chuyển động.
  3. Học cách đứng yên. Những người đang hồi hộp thường liên tục đổi trọng tâm cơ thể từ bên này sang bên kia, cựa quậy hoặc nhịp nhịp chân. Thử đứng với chân giang rộng bằng hông. Giữ trọng tâm cân bằng giữa hai chân.[2] Khi giữ cân bằng và chắc chắn, đôi bàn chân sẽ giúp bạn tránh cảm giác như đang cần phải đi đâu đó.
    • Giữ hai chân cân bằng ngay cả khi ngồi. Bạn sẽ có vẻ hồi hộp nếu hai chân xoắn lại hoặc gõ nhịp.
  4. Chiếm không gian. Hãy chống lại bản năng nghiêng người tới trước hay giấu cánh tay dưới tay vịn khi ngôi trên ghế tựa. Thay vào đó, bạn hãy mở rộng và chiếm lấy không gian xung quanh mình. Đây gọi là điệu bộ quyền lực. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng những người giữ điệu bộ quyền lực khi dự phỏng vấn sẽ cảm thấy tự tin hơn và cũng thể hiện ra bên ngoài sự tư tin đó.[3] Sau đây là vài dáng điệu quyền lực bạn có thể thử:
    • Khi ngồi xuống, hãy dựa vào lưng ghế. Đặt tay lên tay vịn nếu có.
    • Khi đứng, bạn để vai mở rộng, hai tay chống hông.
    • Dựa vào tường, nhưng đừng rũ người xuống. Điều này vô tình sẽ khiến bạn có vẻ như đang làm chủ bức tường hoặc cả căn phòng.[4]
  5. Dùng sự đụng chạm một cách hiệu quả. Nếu bạn đang muốn thu hút sự chú ý của ai đó, hãy chạm vào vai người đó. Bạn cần cân nhắc tình huống và sự tương quan để biết tiếp xúc như thế nào là thích hợp. Ví dụ như, nếu bạn có thể khiến một cô gái chú ý chỉ đơn giản bằng cách gọi tên cô ấy, thì sự đụng chạm cơ thể có vẻ như hơi quá. Nhưng khi bạn muốn gọi ai đó ở một nơi hẹn đông đúc, ồn ào thì một cái chạm nhẹ lên vai có thể thu hút sự chú ý của cô ấy.
    • Bạn nhớ là chỉ chạm nhẹ thôi. Dùng lực quá mạnh có thể biểu thị sự lấn át, trái với thái độ điềm tĩnh và tự tin.
  6. Để tay ở tư thế tự tin. Khi đứng hay ngồi, bạn nên để tay gần như yên một chỗ. Tư thế tự tin thường là để mở phần trước mặt và thân mình thay vì khép lại trước người đối diện. Sau đây là vài gợi ý:[5][6]
    • Đan hai tay vào nhau để sau lưng hoặc sau đầu.
    • Cho hai tay vào túi quần, nhưng để hở ngón cái.
    • Để hai khuỷu tay lên bàn, hai bàn tay chạm nhau ở đầu ngón tay tạo thành hình ngọn tháp. Đây là một tư thế rất quả quyết, tốt nhất là được sử dụng khi đàm phán, phỏng vấn và hội họp.
  7. Cẩn thận với cử chỉ của bàn tay. Cử động của bàn tay đi kèm mỗi từ nói ra có thể là biểu hiện của sự hồi hộp hoặc hăng hái, tùy vào nền văn hóa nơi bạn ở. Tùy trường hợp, nhưng bạn nên kiểm soát cử chỉ thì vẫn tốt hơn. Để hai cánh tay ở mức ngang eo và các cử động gần như giới hạn trong không gian đó. Điều này sẽ khiến bạn có vẻ đáng tin hơn.[7]
    • Lòng bàn tay để mở và thả lỏng trong các tình huống xã hội. Lòng bàn tay hoặc nắm tay cứng rắn thể hiện sự năng nổ hoặc lấn át, thường được các chính trị gia sử dụng.
    • Giữ khuỷu tay ở hai bên sườn. Bàn tay hơi chếch về một bên khi ra điệu bộ để khỏi chặn đằng trước thân mình.

Dùng Sự Tương tác Xã hội Tự tin[sửa]

  1. Giao tiếp bằng mắt. Duy trì giao tiếp bằng mắt khi nói hoặc nghe người khác nói là một dấu hiệu của sự tự tin và quan tâm. Đừng bao giờ xem điện thoại, nhìn xuống sàn hoặc liên tục nhìn quanh phòng. Những cử chỉ như vậy sẽ khiến bạn có vẻ bất lịch sự, lo lắng và thậm chí khó chịu.[3] Cố gắng giao tiếp bằng mắt ít nhất là trong nửa thời gian của cuộc đối thoại.[7]
    • Để bắt đầu, bạn hãy cố nhìn vào mắt người đối diện một khoảng thời gian đủ để biết mắt người đó có màu gì.[7]
  2. Bắt tay chặt. Một cái bắt tay chặt có thể ngay lập tức khiến bạn có vẻ tin tưởng và tự tin. Đưa tay ra mời người kia bắt tay khi bạn đang tiến đến. Nắm tay đủ chặt, nhưng không làm đau tay người kia. Lắc tay lên xuống hai hoặc ba lần rồi thả tay ra.[8]
    • Nếu lòng bàn tay bị ướt mồ hôi, bạn hãy để khăn giấy trong túi và lau trước khi giơ tay ra bắt.
    • Đừng bao giờ đưa ra cái bắt tay yếu ớt hoặc khiến người kia có cảm giác như cầm vào con cá chết. Cái bắt tay như vậy sẽ khiến bạn có vẻ yếu đuối.[7]
  3. Nói chậm và rõ. Nếu bạn thường nói lộn xộn khi cố gắng diễn đạt ý kiến của mình một cách vội vã, vậy thì bây giờ bạn hãy chậm lại. Dừng lại một vài giây trước khi nói, bạn sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho phản ứng của mình, khiến bạn có vẻ thư giãn và tự tin hơn.[4]
    • Khi nói chậm lại, giọng nói của bạn cũng trầm hơn. Điều này có thể khiến bạn dường như tự tin và có vẻ chỉ huy.[4]
  4. Thường xuyên mỉm cười. Nụ cười sẽ nhanh chóng đem lại cho bạn vẻ ấm áp, thân thiện và dễ gần. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng người ta thường yêu mến và nhớ về những người mỉm cười với họ.[7] Nếu gặp khó khăn khi mỉm cười một cách tự nhiên, bạn chỉ cần mỉm cười thoáng qua rồi trở lại nét mặt bình thường.
    • Tiếng cười cũng là một cách hay để bộc lộ và nâng cao lòng tự tin vào lúc thích hợp. Tránh liên tục cười khúc khích vì như thế có vẻ như bạn đang hồi hộp hoặc ngạo mạn.[9]
  5. Ngừng xin lỗi. Khi thấy mình liên tục xin lỗi, ngay cả đối với những việc lặt vặt, giờ là lúc bạn phải thay đổi. Bạn sẽ có được cảm giác và hành động tự tin hơn.[10] Nói với bạn bè thân của mình rằng bạn đang cố gắng luyện tập để tự tin. Sau khi xin lỗi ai về điều gì đó không cần thiết, bạn hãy nói “khoan, sao tôi lại phải xin lỗi nhỉ?”. Nếu có thể bông đùa về việc đó thì bạn không phải sợ mình đã xúc phạm ai.
    • Mặt khác, bạn hãy chấp nhận những lời khen một cách duyên dáng. Khi có ai đó khen mình, bạn hãy mỉm cười và nói “cảm ơn”. Đừng phản ứng bằng cách hạ mình xuống, hoặc hạ thấp giá trị những thành tích của bạn (“nó chẳng là gì”).
  6. Đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng. Tôn trọng trong cách cư xử với người khác cho thấy bạn đánh giá họ như mọi người, bạn không e sợ họ và bạn tự tin vào bản thân mình. Tránh bị cuốn vào các câu chuyện đàm tiếu, đừng ngồi lê đôi mách. Như vậy là bạn đã tỏ ra thoải mái với chính mình.[11]
    • Như vậy những người khác có thể sẽ biết tôn trọng bạn và cũng được truyền cảm hứng từ bạn. Họ cũng sẽ thôi không lôi kéo bạn vào những tình huống căng thẳng và kịch tính nữa vì họ biết bạn sẽ không can dự.
  7. Thực hành những kỹ năng giao tiếp mới trên đây. Hãy đi dự tiệc hoặc dự sự kiện để thực hành một số các kỹ năng trên. Nhớ là bạn không cần phải tiếp cận và làm quen với tất cả mọi người trong nhóm. Thậm chí cả buổi tối chỉ trò chuyện với một người, bạn cũng nên coi đây là một thắng lợi. Nếu bạn không thấy thoải mái khi bước ra ngoài để thực hành và chọn cách tập luyện ở nhà thì hãy tranh thủ sự giúp đỡ của một người bạn.
    • Ví dụ như, bạn có thể nhờ bạn của mình làm khán giả hoặc người phỏng vấn nếu bạn đang chuẩn bị cho buổi thuyết trình hoặc phỏng vấn. Nếu cảm thấy thoải mái, hãy mời bạn của bạn đi cùng đến buổi thuyết trình. Như vậy bạn có thể tập trung vào người bạn thân của mình hơn là chú ý vào mọi người trong phòng.

Xây dựng một Lối Sống Tự tin[sửa]

  1. Nhìn vào mặt tốt nhất của bạn. Việc chăm sóc tốt bản thân là điều quan trọng để được hạnh phúc. Cơ thể sạch sẽ, vẻ ngoài ưa nhìn và sức khỏe của bạn xứng đáng để bạn nỗ lực, nhất là khi bạn đang cố gắng gây ấn tượng trong một buổi phỏng vấn xin việc hoặc trong buổi hẹn hò. Diện mạo và ấn tượng đầu tiên có một sức mạnh to lớn. Vẻ bảnh bao có thể cho bạn lợi thế khiến người khác dễ lắng nghe và tiếp nhận hơn. Bạn sẽ có vẻ đẹp đẽ và tự tin trong phút chốc.
    • Mỗi ngày dành thì giờ cho việc vệ sinh thân thể. Tắm rửa, đánh răng và dùng mỹ phẩm khử mùi mỗi khi cần.
    • Mặc trang phục nào khiến bạn cảm thấy mình đẹp. Sự tự tin của bạn sẽ được nâng lên nếu bạn mặc trang phục nào khiến bạn thấy dễ chịu và thoải mái.
  2. Đánh giá tốt về bản thân. Hành động với phong thái tự tin sẽ giúp bạn có vẻ tự tin hơn, nhưng điều không kém quan trọng là bạn phải tìm được giá trị của mình. Điều này sẽ khiến bạn thực sự tự tin. Bạn là một người đặc biệt, tài năng, và có nhiều người muốn nhìn thấy bạn hạnh phúc. Nếu đang vất vả để làm điều này, bạn hãy liệt kê những thành quả của mình. Đừng ngại tự chúc mừng chính mình.[12]
    • Trung thực với mọi người và với chính mình. Khi người khác thấy bạn có thể tin vào bản thân và biết thừa nhận những lỗi lầm, họ sẽ quý mến và có lẽ cũng sẽ tin cậy bạn hơn.
  3. Học cách kiểm soát nỗi sợ hãi. Những người thiếu tự tin thường sợ phạm sai lầm, hoặc sợ mình thể hiện như một người không phù hợp. Mỗi khi lo lắng xuất hiện trong đầu, bạn hãy hít thở sâu và tự nhủ, “Mình sẽ làm được. Nỗi lo sợ của mình là phi lý”. Bạn nên nhận biết lỗi lầm hoặc thất bại, nhưng đừng chìm đắm trong đó.
    • Khi đã bước đầu xây dựng được lòng tự tin, hãy thử làm việc gì đó mà bạn cảm thấy hồi hộp hơn. Đối với nhiều người, đây có thể là việc đặt câu hỏi trong một đám đông, hoặc việc thừa nhận rằng mình không biết một điều gì đó.
  4. Tạo nên một tinh thần tự tin. Khi thiếu tự tin, có thể bạn tập trung vào những sự kiện tiêu cực đã nhào nặn nên cuộc sống của bạn. Đừng nhìn vào những lỗi lầm và coi đó là thất bại mà hãy coi đó là bài học để bạn phát triển nhân cách và sự tự tin. Hãy nhớ rằng mỗi sai lầm là một cơ hội để học hỏi và cải thiện trong lần sau.[13]
    • Hãy nhắc nhở bản thân về tất cả những lần mà bạn đã thành công. Tất cả mọi người, cho dù họ có tự tin và bảnh bao đến đâu, đều cũng có lúc phạm sai lầm. Cách mà bạn xử lý sai lầm mới là quan trọng về lâu dài.
  5. Bắt đầu viết nhật ký. Bạn có thể giảm stress khi đặt bút lên giấy ghi ra những suy nghĩ đầy áp lực của mình (trái với việc cứ để suy nghĩ lan man trong đầu), và hành động viết cũng cho phép bạn nghĩ về sự việc theo một cách khác.[14] Để mở đầu cuốn nhật ký, bạn thử viết những câu như, “Những điều tôi cảm thấy tự hào là những điều tôi cần phải nhớ mỗi khi xáo động”. (Điều này dễ viết nhất khi bạn đang có tâm trạng tốt). Những điều như thế luôn luôn đúng, nhưng khi đang ở tâm trạng xấu, lo lắng hoặc thiếu tự tin, chúng ta thường bỏ qua. Việc giữ bản danh sách này bên mình có thể giúp bạn nhớ rằng bạn có những thứ để cảm thấy tự tin.
    • Ví dụ, bạn có thể liệt kê như sau, “Tự hào vì mình biết chơi đàn ghi-ta”, “Tự hào vì mình là nhà leo núi”, “Tự hào vì mình có thể khiến bạn bè cười khi họ buồn”.
  6. Tự hỏi mình những câu hỏi xây dựng lòng tự tin. Nguồn tự tin lớn nhất đến từ chính bạn. Khi cảm thấy thiếu tự tin, bạn hãy hỏi bản thân: Tôi có điều gì mà người khác không có? Điều gì khiến tôi trở thành một thành viên đóng góp cho xã hội? Những thách thức của tôi là gì và tôi có thể hoàn thiện mình như thế nào? Điều gì cho tôi cảm giác mình có giá trị? Nhắc nhở bản thân rằng bạn không thể đòi hỏi mình phải hoàn hảo vào mọi lúc vì điều này không thực tế.
    • Ví dụ như nếu thấy hồi hộp trước một buổi phỏng vấn, bạn hãy dành ra năm phút trước khi bước vào phỏng vấn để thử áp dụng phương pháp kiểm soát stress và xây dựng lòng tự tin. Tự nhắc nhở mình rằng bạn chuẩn bị và dự phỏng vấn là có mục đích. Giơ tay lên cao và giang rộng, sau đó chống hai tay lên hông. Lắc người để thả lỏng và hít một hơi thật sâu. Thở mạnh ra và tự nhủ rằng mình làm được.

Xử trí Nỗi Lo sợ[sửa]

  1. Hiểu rằng nỗi lo sợ ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn. Đôi khi người ta thường suy nghĩ quá nhiều về bản thân và sợ rằng họ thể hiện thế nào đó khiến người khác nghĩ xấu về họ. Ai cũng đều có lúc lo sợ và hồi hộp, và điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy sợ đến mức để nó tác động đến cuộc sống và giao tiếp hàng ngày thì bây giờ có lẽ là lúc phải xử lý một số nỗi sợ đó.[15]
  2. Kiểm soát cơ thể. Cơ thể bạn đang nói gì với bạn? Tim bạn đang đập mạnh? Bạn đang toát mồ hôi? Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm giúp bạn sẵn sàng hành động (ví dụ như phản xạ “chiến đấu hoặc bỏ chạy”), nhưng đôi khi sự xúc động này có thể gây ra quá nhiều sợ hãi và lo lắng. Cơ thể bạn đang cảm thấy gì?
    • Hãy tự hỏi, “Điều gì trong tình huống này khiến mình hồi hộp và lo sợ?” Có thể bạn đang lo sợ ngồi sai chỗ trong bữa ăn tối trang trọng hay sợ nói điều gì sai khiến bạn phải ngượng ngùng.
  3. Đánh giá điều làm bạn lo sợ. Xác định xem liệu nỗi lo sợ này có giúp đỡ bạn theo cách nào đó, hay nó ngăn cản bạn làm việc hoặc sống theo cách của bạn. Một số điều khác bạn cần hỏi là:
    • Tôi đang sợ xảy ra điều gì?
    • Tôi có chắc rằng nó sẽ xảy ra không? Chắc đến mức nào?
    • Nó đã xảy ra bao giờ chưa? Kết quả xảy ra lần trước là gì?
    • Điều gì là tồi tệ nhất có thể xảy ra?
    • Điều gì tốt nhất có thể xảy ra (mà tôi có thể bỏ lỡ nếu không thử)?
    • Khoảnh khắc này có ảnh hưởng đến cuộc sống tiếp theo của tôi không?
    • Những kỳ vọng và niềm tin của tôi có thực tế không?
    • Nếu một người bạn của tôi ở địa vị của tôi, tôi sẽ khuyên bạn điều gì?
  4. Học cách xử trí nỗi sợ bằng cách hít thở sâu. Hít thở sâu vài lần có thể rất hiệu quả và sẽ giúp bạn kiểm soát sự hồi hộp. Nó còn khiến tim bạn đập chậm lại. Nếu có thể, bạn hãy thử đặt một tay lên bụng và thở sâu sao cho chỉ bàn tay trên bụng chuyển động mà lồng ngực vẫn giữ nguyên.
    • Động tác này gọi là “thở bụng”. Hít thở sâu có thể giúp bạn thư giãn và giảm hồi hộp.[16]
  5. Tập thiền và chánh niệm. Chúng ta thường cảm thấy lo âu và hồi hộp khi cảm thấy không thể kiểm soát. Nếu bạn đang đứng trước một tình huống căng thẳng, hãy bỏ ra vài phút để tập thiền hoặc dùng liệu pháp viết ra trước khi bước vào tình huống đó. Như vậy, bạn sẽ bình tĩnh hơn để có thể bắt đầu.[17]
    • Nếu có những suy nghĩ phiền toái dai dẳng dẫn tới lo âu, bạn có thể cảm thấy không thể kiểm soát. Thiền và chánh niệm sẽ giúp bạn nhận thức được ý nghĩ đó và quên nó đi.
  6. Viết ra điều làm bạn lo sợ hoặc hồi hộp. Hãy hỏi mình những câu hỏi đánh giá nỗi lo sợ đó xuất phát từ đâu. Việc này sẽ giúp bạn dõi theo những suy nghĩ và nỗi sợ của mình, xác định kiểu thức, nghĩ về nỗi sợ theo một cách khác và xua nó ra khỏi tâm trí bạn.[18]
    • Nếu lúc đó bạn không thể thực hiện được, bạn hãy viết nó ra sau đó. Điều quan trọng là bạn đã thực hiện và đi đến tận nguồn gốc nỗi sợ của mình.

Lời khuyên[sửa]

  • Liên tục thực hành. Càng luyện tập thì bạn càng làm chủ được nó.
  • Hãy làm điều gì đó có thể gây lúng túng hơn điều mà bạn thực sự phải làm. Càng làm quen với cảm giác lúng túng thì bạn càng ít cảm thấy thực sự lúng túng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Briñol, P., Petty, R.E., & Wagner, B. (2009). Body posture effects on self-evaluation: A self-validation approach. European Journal of Social Psychology, 39, 1053-1064.
  2. 2,0 2,1 http://changingminds.org/techniques/body/confident_body.htm
  3. 3,0 3,1 http://www.scienceofpeople.com/2014/05/look-feel-confident-using-body-language/
  4. 4,0 4,1 4,2 http://www.psychology24.org/how-to-appear-more-confident-immediately/
  5. http://www.simplybodylanguage.com/hand-gesture.html
  6. http://westsidetoastmasters.com/resources/book_of_body_language/chap6.html
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 7,4 http://www.forbes.com/sites/carolkinseygoman/2013/08/21/12-body-language-tips-for-career-success/
  8. http://www.thekindtips.com/job-interview-tips-on-how-to-shake-hands/
  9. http://www.mrselfdevelopment.com/2013/05/15-keys-to-incredible-confidence/
  10. http://www.pbs.org/thisemotionallife/blogs/10-real-ways-overcome-embarrassment
  11. http://womanitely.com/common-habits-confident-people/
  12. http://www.entrepreneur.com/article/242763
  13. http://www.forbes.com/sites/amyanderson/2013/05/15/people-can-change-their-past-put-mistakes-behind-you/
  14. Purcell, M. (2013). The Health Benefits of Journaling. Psych Central. Retrieved on May 22, 2015, from http://psychcentral.com/lib/the-health-benefits-of-journaling/
  15. http://www.getrichslowly.org/blog/2009/02/17/how-to-build-confidence-and-destroy-fear/
  16. http://www.anxietycoach.com/breathingexercise.html
  17. http://www.health.harvard.edu/blog/mindfulness-meditation-may-ease-anxiety-mental-stress-201401086967
  18. http://www.anxietybc.com/sites/default/files/adult_hmsocial.pdf

Liên kết đến đây