Bệnh đốm lá nhỏ (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh đốm lá nhỏ hại bắp được gây ra do nấm Bipolaris maydis.

Bệnh có tên tiếng Anh là Southern leaf blight hoặc leaf spot.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh xuất hiện khắp năm châu, đã bộc phát thành dịch bệnh vào năm 1970 ở Hoa Kỳ do dòng T của nấm bệnh tấn công lên giống bắp đực bất thụ tế bào chất (Tcms = Texas male sterile cytoplasm), là giống được trồng chủ lực (85% diện tích), và đã gây tổn thất được ước tính khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Dòng O thì xuất hiện chủ yếu ở các vùng nhiệt đới cận nhiệt đới, và ít gây hại hơn; tuy nhiên, nếu dùng dòng O để chủng bệnh nhân tạo cho các giống bắp dễ nhiễm bệnh, thì thất thu năng suất có thể lên đến 50%.

Bệnh còn tấn công lên các cây thuộc họ Hòa Thảo và cây cọ dầu.

Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]

Trên lá, đốm bệnh có nhiều dạng và màu sắc khác nhau: có đốm hình chữ nhật, hình thoi hoặc hình ellipse, màu vàng, nâu vàng hoặc nâu đỏ, có viền nâu tím bao quanh, dài 5-10 mm và được giới hạn bởi hai gân phụ của lá. Sự thay đổi hình dạng và màu sắc của đốm bệnh là do giai đoạn phát triển của bệnh, điều kiện thời tiết, phản ứng của giống bắp trồng... ngoài ra, còn do đặc tính gây hại của dòng nấm bệnh:

  • Trên lá: dòng nấm O tạo ra những đốm bệnh hình chữ nhật với viền màu nâu, có kích thước nhỏ 0,6 x 1,2-1,9 cm; còn dòng nấm T thì tạo vết bệnh to hơn, hình chữ nhật hoặc hình thoi với viền màu màu nâu đỏ.
  • Trên thân: dòng T tạo vết bệnh giống như trên lá, còn dòng O không tạo vết bệnh trên thân.
  • Trên trái: dòng T tạo ra lớp mốc như nỉ đen, còn dòng O không tạo vết bệnh trên trái. Bệnh làm chết các mô chứa diệp lục tố, làm giảm khả năng quang hợp, làm thân cây yếu ớt, lá không còn bổ dưỡng trong chăn nuôi, giảm năng suất hạt. Khi hạt giống bị nhiễm bệnh, cây con có thể sẽ chết. Bệnh rất phổ biến ở những vùng có khí hậu ấm áp, ẩm ướt, như ở vùng nhiệt đới. Bệnh có thể tấn công từ khi cây mới có 2-3 lá đến lúc thu hoạch. Cây thiếu dinh dưỡng, bệnh càng trầm trọng thêm.

Có hai dòng gây hại đã được xác định là dòng T và dòng O. Dòng C (tấn công giống bắp có tế bào chất C) là dòng thứ ba, mới được xác định tại Trung Quốc.

Bào tử đính có hình thoi dài, hơi cong, màu nâu vàng, gồm nhiều tế bào,có 2-15 vách ngăn, kích thước 25-140 x 10-21 μm.

Bào đài đính có màu nâu, mọc riêng lẻ hay kết thành chùm, gồm nhiều tế bào với 4-17 vách ngăn, kích thước 162-487 x 5-9 μm, mang 1-8 đính bào tử.

Giả bao nang (pseudothecia) có miệng, hình cầu, màu đen, kích thước 0,4-0,6 x 0,4 mm, chứa nhiều nang (asci). Mỗi nang có 4 nang bào tử; nang bào tử gồm 6-10 tế bào, kích thước: 6-7 x 130-340 μm. Giai đoạn sinh sản hữu tính hiếm khi xảy ra trong điều kiện tự nhiên.

Mầm bệnh tạo bào tử từ cây bệnh hoặc xác cây bệnh. Bào tử được gió mang đi lây nhiễm vào các lá bắp, đốm bệnh xuất hiện và 5-6 ngày sau đó sẽ cho ra bào tử. Dòng O ít gây hại hơn dòng T. Ở lô hạt được thu thập từ ruộng nhiễm bệnh, có đến 99% hạt có sự hiện diện của dòng T, trong khi không thấy dòng O mặc dù nó cũng có khả năng gây hại trên hạt.

Bệnh cũng được truyền từ hạt; tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở dòng T, còn ở dòng O thì chưa có bằng chứng rõ ràng. Cây con phát triển từ hạt bị nhiễm dòng T, sẽ bị héo chết trong vòng 3-4 tuần sau khi trồng.

Việc xác định dòng nấm gây bệnh được dựa vào triệu chứng bệnh xuất hiện trên cây con (4 tuần tuổi) khi được chủng bệnh. Ngay sau khi chủng bệnh, cây con được giữ nơi có ẩm cao (95%) trong 24 giờ để bệnh phát triển.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Dùng giống kháng bệnh. Giống kháng bệnh có nhiều dạng: dạng kháng bệnh bằng phản ứng cho đốm bệnh màu vàng, do di thể rhm; dạng kháng bệnh bằng phản ứng cho đốm bệnh nhỏ, vùng bị hại ít, dạng này được chi phối bởi nhiều di thể. Tính kháng dòng O được chi phối bởi nhân, còn tính kháng dòng T được chi phối bởi nhân và tế bào chất. Ở đồng bằng sông Cửu Long, các giống ít nhiễm bệnh được ghi nhận là: Western yellow, Thái sớm hổn hợp, Mehico 4 và Mehico 7. Các giống dễ nhiễm bệnh là: Taiwan 11, Đỏ Đài Loan, Răng ngựa.

Khử hạt với Maneb, Captan, hoặc với hỗn hợp Carboxin Thiram. Bón phân đầy đủ và cân đối NPK.

Phun thuốc ngừa trị bệnh như ở bệnh đốm lá to (hại bắp). Trong điều kiện nhà lưới, có thể dùng vi khuẩn đối kháng để phòng trị bệnh.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/