Bệnh đốm lá to (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh đốm lá to hại bắp được gây ra do nấm Exserohilum turcicum.

Bệnh có tên tiếng Anh là Northern leaf blight, leaf blight hoặc Turcicum leaf blight.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh được phát hiện từ năm 1878 ở Mỹ. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các vùng rồng bắp trên thế giới, như ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Ở nước ta, bệnh khá phổ biến nhưng không gây hại nghiêm trọng. Trên thế giới, mức độ gây hại của bệnh này biến thiên rất nhiều, tùy vùng canh tác, có thể làm giảm năng suất hạt từ 2-50%, và bệnh cũng có thể bộc phát thành dịch. Năm 1970, bệnh đã gây hại toàn bộ vành đai bắp ở Mỹ. Trong một trận dịch bệnh vào năm 1985 ở phía Bắc bang Carolina (Mỹ), dòng nấm 1 (race 1) của nấm gây bệnh đã làm làm cháy đến 75% lá trên ruộng bệnh. Bệnh còn làm cho lá bắp không còn giá trị dinh dưỡng trong chăn nuôi bò. Các khảo sát về sự thất thu năng suất cho thấy đây là bệnh có tiềm năng gây hại rất quan trọng, cần được quan tâm.

Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]

Trên lá có đốm bệnh hình thuyền, màu vàng nâu hoặc xám, kích thước 1-15 x 1 cm, thường xuất hiện ở các lá dưới rồi lan dần lên các lá trên. Các đốm có thể liên kết lại làm cả lá bị cháy.

Qua phân tích, cho thấy bệnh càng nặng khi nồng độ ion Ca và Zn cao trong lá bi và nồng độ ion K thấp. Ở giống kháng bệnh, đốm bệnh nhỏ hơn, có màu xám trắng với viền màu vàng nhạt. Mô tế bào nơi đốm bệnh của giống kháng, thường chết nhanh, làm mầm bệnh không phát triển được. Phản ứng này thường thấy ở bắp Răng ngựa, bắp ngọt.

Bệnh thường xảy ra vào giai đoạn bắp trổ cờ trở về sau. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể làm chết cây con hoặc làm cây bị lùn khi mầm bệnh hiện diện liên tục trong ruộng bắp. Sau khi bắp phun râu được 4 tuần, nếu chỉ có dưới 30% diện tích lá bị bệnh và bệnh chỉ ở các lá dưới thì năng suất sẽ không bị thiệt hại đáng kể. Cây bị bệnh này thường bị phụ nhiễm các bệnh thối thân và rễ.

Bệnh còn tấn công trên cây lúa miến và nhiều loại cỏ: johnsongrass, sudangrass, gamagrass.

Bào tử đính có màu nâu vàng sậm, dạng hình thoi hoặc hình con suốt (spindle-shaped), hơi cong, gồm nhiều tế bào với 1-9 vách ngăn, kích thước 30-150 x 12-28 μm. Chúng được sinh ra trên các bào đài đính phát triển thành chùm. Bào đài đính có màu nâu ô-liu, kích thước: 7-9 x 150-250 μm. Bào tử đính có thể sống đến 12 năm ở O°C và ẩm độ thấp (49-58%). Ở 25°C và ẩm độ là 49%, bào tử đính chỉ sống dưới 6 tháng. Giai đoạn hoàn toàn (sinh sản hữu tính) hiếm khi xảy ra trong thiên nhiên; các giả bao nang (pseudothecia) được thấy trong môi trường nuôi cấy, có dạng hình cầu, kích thước 13-17 x 42-78 μm, chứa nhiều nang bào tử (ascospores); mỗi nang bào tử gồm 4 tế bào.

Tính biến động của mầm bệnh hiện diện trong ba dòng nấm gây hại trên cây bắp; các dòng khác thì gây hại trên các cây khác.

Nấm bệnh lưu tồn trong xác cây bệnh và trong đất, dưới dạng bào tử đính và bào tử bì (chlamydospores). Mầm bệnh không được lan truyền từ hạt giống.

Nấm bệnh xâm nhập vào lá, sáu ngày sau, mô tế bào bị nhiễm bệnh sẽ héo khô. trong điều kiện ẩm ướt hoặc sau cơn mưa, nấm bệnh tạo bào tử ở hai mặt của vết bệnh, làm cho bệnh lây lan lên các lá bên trên. Điều kiện phát sinh phát triển bệnh là: trời mát và ẩm, buổi sáng có sương mù, cây vào giai đoạn trổ cờ và nhất là ở các vùng có vĩ độ cao.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Vệ sinh đồng ruộng, không bón quá nhiều đạm, cần bón thêm kali.

Luân canh với chu kỳ hai năm. Chọn trồng giống kháng bệnh, các giống kháng bệnh này có nguồn gốc từ các vùng Colombia, Caribean, Peru, Venezuela. Chọn giống dài ngày vì ít nhiễm bệnh hơn giống ngắn ngày.

Khi cây cao khoảng 0,5 m, nên phun thuốc ngừa bệnh. Các thuốc có chứa Maneb hoặc Chlorothalonil hoặc Propiconazole đều có hiệu quả trong việc phòng trị bệnh này, phun định kỳ 5-7 ngày/lần.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/

Liên kết đến đây