Giữ bình tĩnh trong những lúc khó khăn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trải qua những thời điểm khó khăn là một phần của cuộc sống. Đôi khi cuộc sống giống như một mê cung đầy thách thức, nơi mà bạn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, chúng có thể khiến bạn cảm thấy mất tập trung, choáng ngợp và vô vọng. Hãy bắt đầu giải quyết vấn đề này bằng cách tìm ra những giải pháp làm dịu căng thẳng về cảm xúc ngay lập tức. Học cách xử lý cảm xúc để giảm bớt xung đột và căng thẳng bên trong bạn. Hãy chấp nhận thời điểm khó khăn là điều xảy ra với tất cả mọi người. Những giải pháp dưới đây sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn, nhiều năng lực hơn, và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.

Các bước[sửa]

Giữ Bình tĩnh trong Giây lát[sửa]

  1. Thực hiện bài tập hít thở. Bước đầu tiên để giữ bình tĩnh trong những thời điểm khó khăn là thư giãn tâm trí và cơ thể để có thể nghĩ thông thoáng, có lý trí và cố gắng hết sức vượt qua những thách thức mà bạn phải đối mặt. [1] Hít thở luôn là người bạn tốt của bạn. Hãy để cơ thể cung cấp ôxi giúp thư giãn cơ và đưa ôxi lên não. Bằng cách tập trung vào nhịp thở, bạn đang giúp tâm trí và cảm xúc có được sự nghỉ ngơi thật cần thiết.
    • Bạn có thể thực hiện việc hít thở sâu ở bất cứ nơi nào: tại nơi làm việc, tại nhà, trong xe ô tô, khi rửa bát, khi tắm hoặc bất cứ lúc nào bạn cảm thấy sự lo lắng đang len lỏi trong người bạn.
    • Nếu có thể, hãy cố tập trung vào việc hít thở bằng bụng.
  2. Thử tắm nước nóng. Nước nóng giúp giảm căng thẳng tích tụ trong cơ bắp vào những lúc bị áp lực. Hãy đảm bảo bạn quan tâm đến cơ thể và giữ cho tay chân, các cơ và xương càng thư giãn càng tốt.
  3. Giãn cơ nhẹ. Giải phóng sự căng thẳng trong cơ thể bằng cách vận động. Rung lắc chân tay và giãn cơ nhẹ. Đừng bao giờ làm quá sức và đảm bảo bạn không tự gây áp lực khiến mình bị đau hoặc khó chịu. Mục đích là giúp bạn tĩnh tâm và thư giãn cơ thể, không phải là tạo thêm căng thẳng.
  4. Trải nghiệm với kỹ thuật vỗ nhẹ. Vỗ nhẹ, hay Kỹ thuật Giải phóng Cảm xúc (Emotional Freedom Techniques - EFT), là kỹ thuật gõ vào các điểm huyệt để giải phóng căng thẳng hoặc những cảm xúc choáng ngợp.[2],[3]
    • Xác định vấn đề đang khiến bạn phải suy nghĩ.
    • Xác định các điểm trên cơ thể để vỗ. Một số trong những điểm đó là:[4]
      • Cạnh ngoài của bàn tay, phần thịt mềm.
      • Giữa đỉnh đầu.
      • Đầu lông mày.
      • Xương bên ngoài cạnh mắt.
      • Nhân trung.
    • Dùng hai ngón tay gõ nhẹ vào một trong những điểm trên. Gõ khoảng 5 lần vào điểm đó. Rồi chuyển sang điểm tiếp theo.
    • Lặp lại sự tin tưởng vào bản thân. Ví dụ, khi vỗ, bạn hãy nói với chính mình rằng: “Mặc dù cảm thấy mình đang chuẩn bị khóc mỗi phút nhưng mình thực sự hoàn toàn tin tưởng vào bản thân”.
  5. Thử các bài tập tưởng tượng. Một trong những cách dễ nhất để thư giãn tâm trí là sử dụng biện pháp tưởng tượng đơn giản khi bạn đếm ngược từ 10 đến 1. Giống như bài tập thở, phương pháp này có thể thực hiện ở mọi nơi, và bạn chỉ cần thêm hình ảnh về các con số trong đầu. Bắt đầu từ số 10 khi bạn hít sâu căng bụng. Thở ra khi đếm số 9. Khi bạn tưởng tượng ra các số nhỏ dần, hãy hình dung chúng đang di chuyển từ trên xuống dưới trong cơ thể bạn.
    • Chú ý xem bạn bị căng thẳng ở cơ bắp nào và để hơi thở cũng như sự tập trung vào con số giải phóng sự căng thẳng đó.
  6. Làm một hộp lưu niệm để lưu giữ những vật nhắc rằng bạn là người mạnh mẽ. Liên hệ với những biểu tượng hay hình ảnh gợi nhớ những điều giúp bạn cảm thấy dễ chịu hoặc an toàn. Bạn có thể để vào trong hộp bất cứ vật gì tạo cảm hứng để bạn tiếp tục sống và duy trì sự thanh thản. Cảm thấy mạnh mẽ, đầy năng lực có thể giúp bạn tĩnh tâm để đối mặt với những thời điểm khó khăn. [5]
    • Ví dụ, gấu teddy có thể mang ý nghĩa hoài niệm về sự an toàn và thoải mái, hoặc có những bộ phim tạo cảm hứng cho bạn. Có thể hình ảnh một người nổi tiếng nào đó nhắc bạn phải mạnh mẽ khi đối mặt với nghịch cảnh. Nhìn vào những bức ảnh của con mình hoặc những người bạn yêu quý có thể đem lại cho bạn cảm giác đầy năng lực.
  7. Hãy nhớ tự thưởng cho chính mình. Thưởng cho bản thân vì bạn xứng đáng khi vượt qua những thời điểm khó khăn. Sự tiết chế là điều mấu chốt nhưng bạn có thể tự thưởng vì mình đã giữ bình tĩnh. Hãy đi xem phim, hay đi bộ trong công viên. Tự thưởng khi vượt qua thách thức sẽ giúp bạn điều chỉnh được cảm xúc và giữ bình tĩnh.[6]
    • Các nghiên cứu cho thấy phát triển sự linh hoạt để có thể chuyển sự chú ý từ những gì bạn thấy khó khăn sang những điều bạn thích thú là rất quan trọng để kiểm soát cảm xúc tiêu cực.[7]

Giải phóng Cảm xúc Một cách an toàn[sửa]

  1. Viết nhật ký cảm xúc. Giải phóng cảm xúc là cách hay để giúp bản thân cảm thấy bình tĩnh trong những lúc khó khăn. Có thể nhiều lúc bạn cảm thấy tức giận, bất lực, lo sợ, buồn, đau khổ hoặc xấu hổ khi cuộc sống đẩy bạn vào nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Khi cảm xúc bị kìm nén, chúng sẽ làm tăng sự sợ hãi và không thể kiểm soát. Học cách trân trọng cảm xúc cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về phương pháp xử lý những cảm xúc đó. [8]
    • Sử dụng nhật ký để viết những điều giúp bạn giải phóng cảm xúc và luôn nhớ rằng, dù cảm xúc ấy có đau đớn nhường nào thì đó cũng chỉ là cảm xúc và sẽ qua đi. Bạn là một thực thể và cách tốt nhất để giải phóng cảm xúc là tìm ra chúng và viết trong nhật ký điều gì tốt nhất đối với bạn.
  2. Thể hiện sự tức giận một cách an toàn. Sử dụng nhật ký cảm xúc, liệt kê tất cả những người, vật, hoàn cảnh, áp lực xã hội, vấn đề tài chính, thiệt hại, v.v… khiến bạn giận dữ. Viết chúng ra những mảnh giấy và xé những mảnh giấy đó đi. Cố gắng tập trung vào sự tức giận, chú ý xem bạn cảm thấy sự tức giận ở đâu trong cơ thể cũng như liệu có những điều khiến bạn tức giận sẽ xuất hiện. Tưởng tượng một cách có chủ ý rằng bạn giải phóng sự tức giận khi xé các mảnh giấy.[9]
    • Trên thực tế, các chuyên gia không khuyến khích bạn thể hiện sự tức giận bằng cách đập phá mọi vật, hay làm gì đó bạo lực để giải phóng sự tức giận. Những hành động đó có thể làm tăng cảm giác giận dữ hơn là làm dịu chúng.[10]
    • Ngoài ra, tập thể dục cũng là một cách hay để giải phóng sự tức giận bị dồn nén. Một vài nghiên cứu cho thấy chạy bộ hoặc tập các bài aerobic khác sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn sau khi trải qua những điều khó chịu.[11] Đó là nhờ việc tập thể dục giải phóng endorphin, một chất hóa học tự nhiên giúp tinh thần trở nên phấn chấn.[12]
    • Hãy tham khảo thêm các bài viết cùng chuyên mục để biết cách thể hiện sự tức giận an toàn, lành mạnh.
  3. Ghi chép về nỗi buồn trong nhật ký. Sử dụng nhật ký cảm xúc, viết về điều gì khiến bạn buồn trong tình trạng hiện tại. Bạn có bị tổn thương bởi hành động của người khác hoặc bởi điều gì đó đã xảy ra? Bạn có buồn vì đã để tuột mất cơ hội? Bạn có buồn vì thời điểm khó khăn bạn đang trải qua đơn giản là buồn không? Hãy viết ra càng nhiều càng tốt, nhớ rằng mọi cảm xúc đều có giá trị, dù là nhiều hay ít.
  4. Hãy cho phép bản thân được khóc. Khi buồn, cách tốt nhất giải phóng cảm xúc là khóc. Nếu bạn thấy thoải mái hơn khi ở một mình, hãy tìm một chỗ riêng tư như trong phòng của bạn, lái xe hoặc đi tắm. Hãy cảm nhận nỗi buồn nằm ở đâu trong cơ thể bạn và trân trọng cảm xúc đó càng lâu càng tốt. Đôi khi xem phim buồn, hoặc nghe bài hát khơi gợi nỗi buồn cũng có thể giúp ích.
    • Trong nhật ký cảm xúc, hãy viết ra bạn cảm thấy buồn như thế nào, cơ thể cảm nhận ra sao, điều gì giúp bạn chạm vào được nỗi buồn. Nỗi buồn thường xuất hiện trong những lúc khó khăn, hãy dũng cảm nhận biết nỗi buồn và giải phóng chúng.[13]
  5. Nhận biết sự sợ hãi. Sự sợ hãi có lẽ là cảm xúc lớn nhất xen vào quá trình giữ bình tĩnh trong những lúc khó khăn. Sợ hãi chỉ là một cảm xúc, giống như những cảm xúc khác. Bằng cách thừa nhận sợ hãi như nó vốn có, một phản ứng về cảm xúc như vẫn áp dụng đối với các cảm xúc khác, bạn có thể từng bước đối mặt với nỗi sợ. Sự sợ hãi thường xuất hiện trong đầu bạn với dưới dạng như: “Mình không thể làm được điều đó” hay “Mình sợ phải thay đổi” hay “Mình sợ điều gì sẽ xảy ra”. Sự thật về nỗi sợ là nó thường gắn với tương lai.
    • Trong nhật ký cảm xúc, bạn hãy viết ra tất cả những gì bạn lo ngại liên quan đến thời điểm khó khăn bạn đang trải qua. Sau đó, ghi lại những kết quả có thể xảy ra mà bạn nghĩ được, dù là tích cực hay tiêu cực. Bạn cũng nên viết ra những thay đổi bạn cần phải thực hiện với cuộc sống có thể khiến bạn lo sợ. Viết ra những lý do khiến bạn sợ hãi khi thực hiện những thay đổi đó.
    • Tiếp tục viết đến khi nào bạn tìm ra được căn nguyên nỗi sợ. Giải phóng cảm xúc ở ngưỡng mà bạn có thể chủ động được và ít nhất là biết được các lựa chọn có thể giúp bạn bình tĩnh. Bạn không thể loại bỏ những tình huống khó khăn trong cuộc sống nhưng bạn có thể hiểu được nỗi sợ và điều đó sẽ giúp làm dịu nỗi sợ. [13]
  6. Cân nhắc các cách để xử lý nỗi sợ. Sau khi tìm hiểu kỹ điều gì khiến bạn lo sợ trong nhật ký, bạn có thể bắt đầu các bước giải quyết nỗi sợ. Bước đầu tiên là hiểu được sợ hãi là phản ứng tự nhiên của con người; ai cũng trải qua nỗi sợ ở mức độ nào đó.[14] Đối với sự lo lắng, cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là nắm bắt được điều đó và từ từ giải quyết. [15] Sau đó, hãy sử dụng nhật ký để tìm cách tiếp cận nỗi sợ và vượt qua chúng.
    • Ví dụ, tưởng tượng rằng bạn chán làm việc vì chẳng bao giờ được khen cả. Tuy nhiên, bạn sợ phải nói điều đó ra. Chỉ mỗi suy nghĩ phải nói chuyện với lãnh đạo của mình đã khiến bạn sợ hãi.
    • Tìm hiểu lý do vì sao bạn sợ. Có phải vì lãnh đạo của bạn thường không lắng nghe ý kiến của người khác, và bạn sợ rằng ông ấy sẽ không nghe bạn? Có phải vì bạn không cảm thấy tự tin khi nói chuyện với những người ở vị trí lãnh đạo? Bạn có sợ rằng đưa ra ý kiến về việc khen thưởng cho công việc của bạn nghe có vẻ như là đòi hỏi và bạn sẽ bị mất việc? Xác định nguyên nhân khiến bạn lo sợ sẽ giúp bạn thực hiện bước tiếp theo.
    • Khi đã biết được vì sao bạn sợ, hãy cân nhắc các cách tiếp cận tình huống để giải quyết nỗi sợ. Ví dụ, nếu bạn không cảm thấy tự tin khi nói chuyện với lãnh đạo, bạn có thể đề nghị một người bạn cùng tập với mình. Hãy viết ra lời bạn sẽ nói với lãnh đạo theo cách mà bạn mong muốn và theo cách bạn sợ kết quả sẽ như vậy. Rồi tập trước với bạn mình. Đây là cách an toàn để giải quyết vấn đề và giúp bạn thêm tự tin.
    • Hãy kiên nhẫn với bản thân. Xử lý nỗi sợ là một quá trình học hỏi cả đời, và có thể mất thời gian để vượt qua những nỗi sợ bạn đang đối mặt.

Nhận biết Sức mạnh Bên trong của bạn[sửa]

  1. Ngồi thiền. Thiền định khuyến khích bạn nắm bắt những giây phút của cuộc sống hiện tại, chấp nhận điều đó mà không phán xét. Cách này giúp bạn nhận biết mình mạnh mẽ như thế nào.[16] Nhiều nghiên cứu cho thấy tập ngồi thiền đem lại lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất, từ giảm nhịp tim và tăng cường hệ miễn dịch đến cải thiện cảm xúc về sự tĩnh tâm và khỏe mạnh. Thiền định còn có thể giúp điều chỉnh lại cách não của bạn phản ứng với sự căng thẳng.[17] Có nhiều cách thiền định, mặc dù kiểu thiền được nghiên cứu nhiều nhất là thiền "chánh niệm".[18]
    • Nếu không thể tìm được lớp học thiền ở gần, bạn có thể tìm thấy nhiều khóa học trực tuyến. Trung tâm Nghiên cứu Tỉnh thức UCLA có một số hướng dẫn thiền định dưới dạng tệp MP3 có thể tải về được.[19]
    • Ngoài ra, còn có một số ứng dụng di động cung cấp bài tập thiền có hướng dẫn và các bài thiền ngắn.
    • Và tất nhiên, wikiHow có nhiều bài viết có thể giúp bạn học cách thiền.
  2. Hãy thử kỹ thuật chánh niệm. Chánh niệm đã được chứng minh về mặt khoa học. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng kỹ thuật chánh niệm có thể giúp bạn tĩnh tâm và thư giãn hơn, cải thiện các mối quan hệ, tăng khả năng thấu cảm, và thậm chí giảm huyết áp.[20][21]
    • Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Khoa học Tốt hơn nữa (Greater Good Science Center) của trường Đại học California, Berkeley, có trang web với nhiều kỹ thuật chánh niệm mà bạn có thể thử áp dụng trong cuộc sống.
    • Bạn có thể thực hiện nhiều bài tập chánh niệm chỉ trong vài phút mỗi ngày. Ví dụ, lần tới bạn có một món ăn vặt, hãy thưởng thức món ăn đó chậm rãi. Cố gắng tập trung vào mọi khía cạnh của trải nghiệm đó, sử dụng mọi giác quan của bạn. Bạn ngửi, nhìn, nghe thấy, nếm và chạm vào thứ gì? Nó có giống như khi bạn ăn thức ăn không? Bạn có cảm nhận được thức ăn trôi từ cổ họng xuống dạ dày không? Tập trung vào những điều nhỏ bé sẽ giúp bạn luyện được chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày.[22]
  3. Hãy động viên bản thân bằng cách xem lại những kết quả đã đạt được. Trong cuộc sống, bạn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhỏ. Trong nhật ký cảm xúc, bạn hãy viết ra cảm xúc của mình – buồn, giận dữ, sợ hãi, xấu hổ - và cách bạn xử lý những cảm xúc đó. Hãy ghi lại cách bạn phản ứng, bạn đã làm gì và xử lý tình huống ra sao.
    • Ghi ra những kết quả mà bạn tự hào. Viết về lần cuối cùng bạn khiến người khác mỉm cười. Liệt kê những đặc điểm tính cách của mình mà bạn yêu thích, những gì khiến bạn trở nên can đảm, những lúc bạn phải kiên nhẫn. Bổ sung những điều này vào danh sách mỗi ngày.
  4. Tạo khẩu hiệu về sức mạnh bên trong của bạn. Hãy thoải mái với ý tưởng rằng bạn biết sức mạnh của mình và tự tin rằng dù kết quả thế nào đi nữa, bạn sẽ vượt qua điều đó trong cuộc sống dù phải mất thời gian. Ghi những khẩu hiệu nhỏ như: “Mình mạnh mẽ hơn mình nghĩ” hoặc điều gì đó tương tự. Treo khẩu hiệu cạnh giường hoặc gương nhà tắm.[23]
  5. Sửa những suy nghĩ tiêu cực thành khẳng định tích cực. Bạn rất dễ bị rơi vào tình trạng tự than vãn và nghĩ ra những thứ như: “Mình đáng bị như vậy” hay “Đó là bởi vì mình là người kém cỏi”. Giữ bình tĩnh trong những lúc khó khăn bằng cách nhận biết giá trị bản thân. Nuôi dưỡng cảm xúc lành mạnh về giá trị bản thân thực sự sẽ giúp bạn vững vàng khi cuộc sống gặp khó khăn.
    • Liệt kê tất cả những suy nghĩ tiêu cực về bản thân liên quan đến tình huống và sửa thành những câu nói thực tế, tích cực. Những câu nói rõ ràng như: “Mọi việc luôn thất bại trong cuộc đời mình” có thể gặm nhấm cảm xúc về giá trị bản thân. Cố gắng điều chỉnh những câu nói như vậy bằng suy nghĩ như: “Cuộc sống thật lắm thách thức. Ai cũng phải trải qua những thời điểm khó khăn. Cũng có lúc trong cuộc đời mình mọi việc diễn ra suôn sẻ”. Bạn có thể liệt kê những thành công, chỉ để nhắc nhở mình thôi! [24]
  6. Duy trì nhật ký về lòng biết ơn. Sống với cách nhìn lành mạnh, bao quát, có cơ sở về điều gì thực sự quan trọng trong cuộc đời bạn có thể giúp bạn bình tĩnh vào những lúc biến động. Hiểu bản thân và vị trí của bạn trong cuộc sống là cách vững chắc để bình tĩnh trong những thời điểm khó khăn. [25]
    • Trong nhật ký cảm xúc, bạn hãy liệt kê những điều bạn biết ơn. Viết ra những thứ bạn biết ơn mỗi ngày, dù lớn hay nhỏ. Có thể bạn nhìn thấy một vạt cỏ xanh hơn bình thường. Hãy viết điều đó trong nhật ký biết ơn. Có thể hôm nay bạn không bỏ cuộc và quyết định đối mặt với thách thức một cách tốt nhất mà bạn làm được. Đôi khi không bỏ cuộc là cách tốt nhất ta có thể làm. Hãy viết: “Hôm nay, mình đã không từ bỏ” bằng chữ đậm và hãy tự hào vì chính mình.
    • Nếu điều này hữu ích thì việc quan sát khung cảnh ngoài trời sẽ cho bạn cái nhìn về thế giới thiên nhiên kỳ lạ, sự bí ẩn của cuộc sống và vẻ đẹp của vạn vật xung quanh chúng ta. Hãy mạnh mẽ hơn khi hiểu rằng con người có khả năng sống sót trong mọi tình huống khó khăn, và bạn là một trong những người đó.
  7. Tìm ý nghĩa của sự chống chọi. Một phương pháp xử lý hiệu quả để vượt qua những thời điểm khó khăn là tìm thấy ý nghĩa của bản thân, sự chống chọi và nghịch cảnh. Hãy sử dụng nhật ký, viết ra những điều bạn học được từ khó khăn bạn đang phải trải qua. Viết ra những cơ hội khiến bạn trở nên can đảm, những gì bạn học được, và cách bạn quyết định trưởng thành từ trải nghiệm đó. Viết ra những thứ giúp bạn tiếp tục sống. Viết ra lý do vì sao bạn chọn cách xử lý khó khăn trong cuộc sống.
    • Tại sao bạn lại quyết định tìm cách bình tĩnh để có thể xử lý khó khăn? Có phải vì con bạn không? Vì bản thân? Những người bạn yêu quý? Vật nuôi? Hay bởi vì bạn cần cuộc sống? Chủ quan hóa ý nghĩa của bản thân sẽ giúp bạn tập trung và bình tĩnh khi phải vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống. [26]

Chăm sóc Bản thân[sửa]

  1. Nghỉ ngơi thật nhiều. Việc bạn quan tâm đến bản thân trong những lúc khó khăn để có thể trẻ hóa và khỏe mạnh là vô cùng quan trọng. Thậm chí nếu bạn khó ngủ thì hãy đảm bảo bạn dành thời gian ít nhất là nằm xuống với mắt nhắm và nghỉ ngơi. Hãy trân trọng một điều rằng cơ thể và trí não của bạn đã làm việc quá sức để vượt qua tình huống căng thẳng và bạn cần thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục.
  2. Có thói quen ăn uống lành mạnh. Một số người phản ứng lại với sự căng thẳng bằng cách ăn quá ít hoặc quá nhiều. Bạn nên có nhật ký luôn ở bên cạnh để ghi chép những thứ bạn ăn. Cũng có những phần mềm ứng dụng trên máy tính hoặc thiết bị di động để đảm bảo bạn dung nạp đủ calo và không quá buông thả do bị căng thẳng.
    • Ăn những thực phẩm lành mạnh tốt cho cơ thể và trí não của bạn như hoa quả, rau củ, đạm và ngũ cốc có lợi cho sức khỏe.
  3. Tập thể dục. Thực hiện một số vận động sẽ giúp đầu óc thông thoáng và giảm căng thẳng. Thậm chí 10 phút đi bộ cũng giúp làm dịu căng thẳng. Khiêu vũ cũng rất hữu ích về cả tinh thần và thể chất.[27]
    • Đi lại trong 10 phút. Chạy ngắn. Vận động để máu được tuần hoàn và để giảm căng thẳng.
  4. Sử dụng đội ngũ hỗ trợ. Nếu bạn có bạn bè hoặc người thân yêu có thể tin cậy được, hãy dựa vào họ để giúp bạn vượt qua tình huống khó khăn. Hãy cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ và chia sẻ tâm tư. [28]
  5. Cân nhắc gặp bác sĩ trị liệu. Giữ bình tĩnh trong những lúc khó khăn có thể dẫn đến quá tải. Bạn có thể thấy mình không kiểm soát được cảm xúc, hoặc nổi giận với người khác. Bạn có thể gặp vấn đề mất ngủ nghiêm trọng. Nếu bạn không kiểm soát được, có lẽ đến lúc tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ trị liệu. Nếu bạn liên tục bị trầm cảm, buồn bã, hoặc vô vọng ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày thì hãy nói chuyện với bác sĩ trị liệu. Bác sĩ có thể hướng dẫn, giúp bạn tìm được sự tĩnh tâm cần thiết.[29]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/stress-management/basics/definition/prc-20021046
  2. http://eft.mercola.com/
  3. http://www.emofree.com/eft-tutorial/tapping-basics/what-is-eft.html
  4. http://www.emofree.com/eft-tutorial/tapping-basics/how-to-do-eft.html
  5. Laughlin, Charles D.; Tiberia, Vincenza A. Archetypes: Toward a Jungian Anthropology of Consciousness. Anthropology of Consciousness. Fall2012, Vol. 23 Issue 2, p127-157.
  6. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3624966/
  7. Derryberry & Rothbart, 1997; Lonigan & Phillips, 2001; White, Helfinstein, Reeb-Sutherland, Degnan, & Fox, 2009
  8. Rietti, Sophie. Emotion-Work and the Philosophy of Emotion. Journal of Social Philosophy. Spring2009, Vol. 40 Issue 1, p55-74.
  9. Mikolajczak, Moïra; Nelis, Delphine; Hansenne, Michel; Quoidbach, Jordi. If you can regulate sadness, you can probably regulate shame: Associations between trait emotional intelligence, emotion regulation and coping efficiency across discrete emotions. Personality & Individual Differences. Apr2008, Vol. 44 Issue 6, p1356-1368.
  10. http://www.apa.org/topics/anger/control.aspx
  11. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20479481
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/hidden-motives/201008/anger-and-exercise
  13. 13,0 13,1 Mikolajczak, et al.
  14. https://www.psychologytoday.com/blog/the-career-within-you/201209/how-feel-less-frightened
  15. https://www.psychologytoday.com/blog/insight-therapy/201009/overcoming-fear-the-only-way-out-is-through
  16. http://selfdeterminationtheory.org/SDT/documents/2003_BrownRyan.pdf
  17. http://news.harvard.edu/gazette/story/2012/11/meditations-positive-residual-effects/
  18. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/meditation/in-depth/meditation/art-20045858
  19. http://marc.ucla.edu/body.cfm?id=22
  20. http://marc.ucla.edu/workfiles/pdfs/MARC-mindfulness-research-summary.pdf
  21. http://mindfulexperience.org/evidence-base.php
  22. https://www.psychologytoday.com/blog/in-practice/201302/6-mindfulness-exercises-each-take-less-1-minute
  23. McCarley, Patricia. Patient Empowerment and Motivational Interviewing: Engaging Patients To Self-Manage Their Own Care. Nephrology Nursing Journal. Jul/Aug2009, Vol. 36 Issue 4, p409-413.
  24. Davey, Maureen; Eaker, Dawn Goettler; Walters, Lynda Henley. Resilience Processes in Adolescents: Personality Profiles, Self-Worth, and Coping. By: Journal of Adolescent Research, v18 n4 p347-62 Jul 2003.
  25. Taormina, Robert J. Adult Personal Resilience: A New Theory, New Measure, and Practical Implications. Psychological Thought. 2015, Vol. 8 Issue 1, p35-46. 12p. DOI: 10.5964/psyct.v8i1.126.
  26. Das, Ajit K. Frankl and the realm of meaning. By: Journal of Humanistic Education & Development. Jun98, Vol. 36 Issue 4, p199.
  27. http://www.apa.org/research/action/fit.aspx
  28. Strine, Tara W.; Chapman, Daniel P.; Balluz, Lina; Mokdad, Ali H. Health-related quality of life and health behaviors by social and emotional support. Social Psychiatry & Psychiatric Epidemiology. Feb2008, Vol. 43 Issue 2, pp. 151-159.
  29. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/men-and-depression/signs-and-symptoms-of-depression/sadness.shtml

Liên kết đến đây