Giai thoại văn học Việt Nam/Chế sĩ tử đương thời

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tương truyền Nguyễn Công Trứ về hưu thường cưỡi bò đi chơi đây đó, đuôi bò đeo một cái mo cau để "che miệng thế gian". Ngất ngưởng trên lưng bò, ông ngâm nga:

Miệng thế khó đem bưng nó lại,

Lòng ta chưa dễ bóc ai coi.

Một lần cưỡi bò đi chơi, ông gặp một đám sĩ tử trên đường trẩy kinh thi hội cùng đường. Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng tiến đến bắt chuyện:

"-Chào các thầy. Lão có nghe lỏm được đoạn văn của một nhà danh sĩ, xin đọc các thầy nghe rồi các thầy luận giảng giùm cho lão mấy nhé."

Nghe nói chuyện nghề nghiệp của mình, các sĩ tử khoái lắm, nhao nhao hỏi:

"-Vâng, xin cụ đọc ngay cho chúng tôi nghe!"

Ông làm ra vẻ nhớ lại, rồi lấy điệu lắc lư đọc:

"-Sông Nhĩ-Hà sâu ba mươi sáu thước nước, chim ăn chim béo, cá không ăn cá bay về núi Hồng-Sơn. Nhớ thuở xưa, vua Thần-Nông giá sắt, vua Đế Thuấn canh vân, cùng quăng cùng quẳng cùng quằng, tổng bất ngoại bò vàng chi liếm lá."

Các thầy cử nghe xong không ai bảo ai, tấm tắc khen hay: văn kêu, ý lạ. Nhưng khi Nguyễn Công Trứ hỏi đến bình giảng thế nào thì ai nấy đều "tịt mít" không hiểu ý tứ ra làm sao.

Chia tay rồi, các thầy cử vẫn còn bàn tán mãi mà không hiểu nổi. Nguyễn Công Trứ về nhà kể lại với mấy ông bạn già rồi ôm bụng mà cười. Số là đoạn văn ấy chỉ có âm hưởng mà hoàn toàn không có nghĩa gì cả, ông đặt ra cốt để chế thói văn chương sáo rỗng mà vô nghĩa của sĩ tử đương thời!

Sau này câu "cùng quăng cùng quẳng cùng quằng" cũng như "bò vàng liếm lá" thường dùng để chỉ lối văn chương sáo rỗng.

Xem thêm[sửa]


← Mục lục

Liên kết đến đây