Giai thoại văn học Việt Nam/Kỷ vật vô giá
Cô đầu V, [1] người làng Bình Lục - Hà Nam, lúc đã luống tuổi bỏ nghề về quê lấy một người chồng làm ruộng. Nhờ siêng năng cần cù, vợ chồng dựng được nhà mới. Ở gian giữa, cạnh bàn thờ gia đình, cô đặt bàn thờ mẹ nuôi, tức bà trùm ngày xưa khi cô còn theo nghiệp hát xướng.
Hôm ăn mừng nhà mới vợ chồng cô V mời bà con quen biết, trong đó có anh đồ vừa mới đến dạy học ở làng. Sau khi xem nhà cửa, chợt anh thấy câu đối nôm treo trước bàn thờ mẹ nuôi gia chủ liền đến gần đọc. Câu đối viết:
"Giàu làm kép, hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ,"
"Cá kể đầu, rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con."
Thầy đồ có vẻ thích thú lắm, rồi chợt quay lại hỏi chủ nhà:
"-Thưa bác, cháu hỏi thực, hình như hồi xưa bác có làm nghề hát xướng?"
Bà chủ ngạc nhiên cười:
"-Quả đúng như thế. Nhưng tại sao thầy biết?"
Thầy đồ cười rồi hỏi tiếp:
"-Ai làm cho bác câu đối này?"
"-À! Đó là cả một chuyện dông dài. Đấy là câu đối cụ Tam nguyên viết cho. Cụ chả là người huyện tôi. Trong huyện thuở đó hễ ai có việc hiếu hỉ gì đều đến xin câu đối của cụ. Mẹ nuôi tôi mất mà chẳng có con cái gì, chỉ có tôi là con nuôi nên tôi phải đứng ra lo liệu ma chay. Muốn cho được chu tất tôi liền đến xin cụ đôi câu đối nôm để thờ, lúc ấy cụ còn sống. Mà thầy thấy câu đối thế nào?"
Thầy đồ cười:
"-À, thảo nào... Quả là kỷ vật vô giá cụ để lại, bác hãy giữ gìn trân trọng. Câu đối không những hay, đầy đủ tình nghĩa, mà còn tả được cuộc sống của người đã khuất []. Bác để ý vế hữu có chữ kép đối với chữ đầu ở về tả, chứ tống táng đối với chữ tình tang, chữ phách đối với chữ đàn. Đầu, kép, phách, đàn, tống táng, tình tang chẳng phải tả cảnh đàn hay sao?"
Chủ nhà nghe giảng bấy giờ mới hiểu, vừa mừng vừa cảm động.
Chú giải[sửa]
- ↑ Theo Giai thoại văn học Việt Nam của Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch đã nói ở bài chính. Bài này cũng theo tương đối sát văn bản đó.
Xem thêm[sửa]
- Giai thoại văn học Việt Nam/Nằm cùng thì cho
- Giai thoại văn học Việt Nam/Chừa rượu
- Giai thoại văn học Việt Nam/Nợ ca trù
- Giai thoại văn học Việt Nam/Phỗng sành
- Giai thoại văn học Việt Nam/Bầy tôi
- « Mới nhất
- ‹ Mới hơn
- Cũ hơn ›