Hạ sốt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bị sốt là triệu chứng chung của hiện tượng nhiễm virus, lây nhiễm bệnh, cháy nắng, sốc nhiệt hoặc thậm chí là do thuốc kê đơn.[1] Nhiệt độ tăng lên chính là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lây nhiễm và các loại bệnh. Một khu vực ở não có tên vùng dưới đồi não sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát thân nhiệt, nó sẽ thay đổi trong ngày từ mức nhiệt thông thường 37 độ C và dịch chuyển một hoặc hai độ. Sốt thường được định nghĩa là hiện tượng tăng thân nhiệt trên mức nhiệt độ cơ thể bình thường là 37 độ C.[2] Mặc dù sốt là quá trình tự nhiên có tác dụng chữa lành cho cơ thể, nhưng trong nhiều hoàn cảnh bạn chỉ mong giảm bớt được cảm giác khó chịu do bị sốt hoặc thậm chí là muốn đi gặp bác sĩ.

Các bước[sửa]

Giảm Sốt bằng Thuốc[sửa]

  1. Uống acetaminophen hoặc ibuprofen. Những thuốc này đều sẵn bán không cần kê đơn và có hiệu quả giảm sốt tức thời.[3] Những loại thuốc này có thể giúp cả trẻ nhỏ và người lớn cảm thấy thoải mái khi cơ thể đã được chữa lành.
    • Hỏi tư vấn bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho bất cứ trẻ nhỏ nào dưới hai tuổi uống thuốc (công thức dành cho trẻ em hoặc trẻ sơ sinh), và không bao giờ cho trẻ dưới sáu tháng tuổi uống ibuprofen.[4]
    • Không dùng quá liều lượng được chỉ định. Đặc biệt chú ý đến liều lượng cho trẻ. Đừng đặt lọ thuốc trong tầm tay của trẻ, vì nếu uống quá liều lượng được chỉ định có thể rất nguy hiểm.
    • Uống acetaminophen từ 4 đến 6 tiếng một lần, nhưng đừng vượt quá liều lượng được chỉ định trên bao bì.[5]
    • Uống ibuprofen từ 6 đến 8 tiếng một lần, nhưng đừng vượt quá liều lượng được chỉ định trên bao bì.[5]
  2. Tránh kết hợp thuốc cho trẻ nhỏ. Đừng cho trẻ uống quá một liều thuốc không được kê đơn tại cùng một thời điểm để điều trị thêm các triệu chứng khác. Nếu bạn cho trẻ uống một liều acetaminophen hoặc ibuprofen, đừng cho trẻ uống thêm thuốc ho hoặc bất cứ loại thuốc nào khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước tiên. Có một số loại thuốc nhất định sẽ phản ứng với nhau theo nhiều cách có thể làm tổn hại đến sức khỏe con bạn.[3]
    • Với trẻ sơ sinh trên 6 tháng, trẻ lớn, và người lớn, uống thay đổi giữa acetaminophen và ibuprofen đều an toàn. Liều lượng thông thường là dùng acetaminophen mỗi 4-6 tiếng và ibuprofen từ 6-8 tiếng, phụ thuộc vào liều uống.
  3. Uống aspirin chỉ khi bạn đã trên 18 tuổi.[6] Aspirin là một loại thuốc giảm sốt hiệu quả cho người lớn, miễn là uống theo liều lượng được chỉ định. Không bao giờ được cho trẻ em uống aspirin dành cho người lớn, vì có thể gây hội chứng Reye, hội chứng rối loạn có nguy cơ gây tử vong.[3]

Giảm bớt Triệu chứng Sốt với Liệu pháp Tại nhà[sửa]

  1. Uống nhiều chất lỏng. Giữ cho cơ thể đủ nước là việc rất quan trọng khi bị sốt, vì thân nhiệt tăng cao có thể gây mất nước.[7] Uống nước và những chất lỏng khác để cơ thể đẩy lùi virus hoặc vi khuẩn gây sốt. Tuy nhiên, bạn nên tránh uống đồ uống có chứa caffeine và chất cồn vì những loại đồ uống này có thể làm hiệu tượng mất nước nghiêm trọng hơn.
    • Trà xanh có thể giúp giảm sốt và tăng cường hệ miễn dịch.[8]
    • Nếu bạn thấy buồn nôn hoặc bị nôn khi bị sốt, tránh nước hoa quả, sữa, đồ uống nhẹ có đường và đồ uống có ga. Những loại đồ uống này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc gây nôn mửa.[9]
    • Cố gắng thay những đồ ăn rắn bằng cháo hoặc nước súp giúp bổ sung nước cho cơ thể (nhưng cần chú ý đến nồng độ muối). Kem que cũng là cách hấp thu chất lỏng hiệu quả giúp hạ thân nhiệt.
    • Nếu bạn bị nôn, bạn có thể bị mất cân bằng điện giải. Khi đó bạn cần uống dung dịch bù nước hoặc đồ uống dùng trong thể thao có điện giải.[10][11]
    • Trẻ em dưới một tuổi ít bú sữa mẹ hoặc trẻ bỏ bú nên thường xuyên được cho uống dung dịch bù nước có chứa điện giải, như Pedialyte, để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết.[12]
  2. Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Ngủ là phương pháp tự nhiên để cơ thể hồi phục khi bị ốm; trên thực tế, ngủ quá ít cũng khiến bạn bị ốm.[13] Cố gắng gượng và tiếp tục làm việc cũng làm tăng thân nhiệt của bạn.[14] Khi bạn đảm bảo mình ngủ đủ giấc sẽ cho phép cơ thể sử dụng năng lượng để chống lây nhiễm thay vì phải dùng năng lượng vào hoạt động nào khác.
    • Nghỉ không đi làm, hoặc nếu con bạn bị ốm, hãy để con nghỉ ở nhà không phải đi học. Trẻ được ngủ thêm sẽ hồi phục nhanh hơn, hơn nữa nguồn gây sốt có thể lây lan, nên tốt nhất là để trẻ ở nhà. Rất nhiều người bị sốt do virus và những virus này sẽ vẫn có tính lây lan cao khi cơn sốt vẫn còn.[5]
  3. Mặc quần áo nhẹ, dễ thở. Đừng ủ mình hoặc con bạn bằng chăn hoặc nhiều lớp quần áo. Bạn có thể cảm thấy lạnh, nhưng nhiệt độ cơ thể bạn sẽ không thể giảm đi nếu bạn đắp chăn ấm hoặc mặc quần áo ấm. Chỉ mặc cho mình hoặc con những bộ đồ ngủ vừa đủ ấm.[5]
    • Đừng cố “làm đổ mồ hôi” trong cơn sốt bằng cách ủ ấm người bị sốt.
  4. Ăn đồ ăn như bình thường. Mặc dù người xưa hay nói rằng “cứ mặc kệ cơn sốt đừng ăn gì cả”, nhưng đây không phải là lời khuyên hữu ích. Cứ tiếp tục cung cấp dưỡng chất cho cơ thể với những thực phẩm lành mạnh để hồi phục nhanh hơn. Ăn cháo gà như thông lệ là một lựa chọn hay, vì vừa cung cấp rau lại vừa có protein.[15]
    • Nếu bạn không có hứng muốn ăn, cố thử thay đồ ăn rắn bằng cháo hoặc súp để bù lại nước cho cơ thể.
    • Ăn những thực phẩm có lượng nước cao, như dưa hấu để giữ cho cơ thể bạn có đủ nước.[11]
    • Nếu bạn buồn nôn hoặc bị nôn khi sốt, cố gắng ăn những loại đồ ăn mềm như bánh quy mặn hoặc sốt táo.[15]
  5. Thử các liệu pháp thảo dược. Một số liệu pháp thảo dược có thể giúp giảm sốt hoặc hỗ trợ cho hệ miễn dịch của bạn chống lại những nguyên nhân gây sốt. Tuy nhiên, các phương pháp thảo dược và tự nhiên có thể làm ảnh hưởng đến thuốc bạn uống và những điều kiện sức khỏe khác nên bạn cần hỏi tư vấn bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ hình thức nào.[8]
    • Xuyên tâm liên được sử dụng rộng rãi trong Y học Cố truyền Trung Quốc để điều trị cảm lạnh, đau họng, và sốt. Sử dụng 6g một ngày trong vòng 7 ngày. Đừng dùng xuyên tâm liên nếu bạn bị túi mật hoặc bệnh tự miễn, đang có thai hoặc cố gắng có thai, hoặc đang dùng thuốc huyết áp cao hay thuốc làm loãng máu như warfarin.
    • Cỏ thì có thể giúp hạ sốt bằng cách thúc đẩy đổ mồ hôi. Nếu bạn bị dị ứng với cỏ phấn hương hoặc hoa cúc, bạn có thể bị dị ứng với cỏ thì. Đừng dùng cỏ thì nếu bạn phải dùng thuốc làm loãng máu hay thuốc huyết áp cao, thuốc giảm axit dạ dày, liti, hoặc thuốc chống trầm cảm. Trẻ em và phụ nữ có thai không nên sử dụng cỏ thì. Bạn có thể thêm một ít cỏ thì vào nước tắm ấm (không phải nước nóng) có thể có tác dụng giảm sốt.[16][17]
    • Mặc dù có tên gọi là giảm sốt, nhưng cây feverfew không thực sự có tác dụng tốt trong việc giảm sốt.[18]
  6. Tắm nước ấm. Chuẩn bị bồn nước ấm hoặc thư giãn bằng vòi tắm nước ấm là một cách vô cùng dễ dàng và thoải mái giúp giảm sốt. Nước ấm hoặc nước bằng với nhiệt độ phòng là nhiệt độ phù hợp để hạ thân nhiệt mà không làm mất đi sự cân bằng của cơ thể. Tắm nước ấm sẽ đặt biệt hữu dụng sau khi uống thuốc giảm sốt.[5]
    • Đừng tắm hoặc tắm cho trẻ nhỏ bằng nước nóng. Bạn nên tránh tắm bằng nước lạnh vì có thể sẽ bị rét run và thực sự sẽ làm tăng nhiệt độ bên trong cơ thể. Nếu bạn muốn tắm, nhiệt độ thích hợp nhất là nước ấm, hoặc chỉ cao hơn nhiệt độ phòng.[5]
    • Nếu con bạn bị sốt, bạn có thể tắm cho bé bằng miếng bọt biển nhúng trong nước ấm. Nhẹ nhàng tắm rửa toàn thân cho bé, lau khô người bằng khăn mềm, mặc quần áo cho bé nhanh chóng để bé không bị quá lạnh, khiến bé bị rét run và làm nhiệt độ cơ thể tăng lên.
  7. Đừng bao giờ lau người bằng rượu để giảm sốt. Lau người bằng rượu là một phương pháp trị liệu xa xưa mọi người dùng để giảm sốt, nhưng phương pháp này khiến nhiệt độ cơ thể giảm đi nhanh chóng và vô cùng nguy hiểm.[19][5]
    • Lau người bằng rượu cũng có thể khiến người ốm bị hôn mê nếu bị ngấm vào người, nên phương pháp này không thích hợp hoặc để rượu gần trẻ nhỏ.[20]

Cặp Nhiệt độ[sửa]

  1. Chọn nhiệt kế. Có một số loại nhiệt kế, bao gồm nhiệt kế điện tử và nhiệt kế thủy tinh (thủy ngân).[21] Phương pháp đo nhiệt độ phổ biến nhất cho trẻ lớn hoặc người lớn là đặt nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế thủy tinh bên dưới lưỡi, nhưng có một số loại nhiệt kế khác có sử dụng các phương pháp thay thế để đo nhiệt độ cơ thể.
    • Nhiệt kế điện tử có thể sử dụng đo ở miệng hoặc hậu môn (xem bên dưới) hoặc dưới cánh tay (mặc dù cách đo này làm giảm độ chính xác của kết quả đo). Nhiệt kế sẽ kêu bíp khi quá trình đo hoàn tất, và nhiệt độ đo được sẽ hiển thị lên màn hình.
    • Nhiệt kế tai được sử dụng để đo ở lỗ tai, và nhiệt kế sẽ đo nhiệt độ bằng tia hồng ngoại. Điểm yếu của nhiệt kế loại này là một cục dáy tai hay hình dạng của lỗ tai có thể làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả đo.
    • Nhiệt kế trán sử dụng tia hồng ngoại để đo nhiệt độ. Những nhiệt kế này rất hiệu quả vì đo nhanh chóng và ít phải động chạm vào cơ thể. Để sử dụng loại nhiệt kế này, bạn sẽ trượt nhiệt kế từ trán đến động mạch thái dương, phía xương ngay trên xương gò má. Khá khó để đặt đúng vị trí, nhưng đo vài lần có thể cải thiện được độ chính xác của kết quả đo.
    • Nhiệt kế ti giả có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh. Những nhiệt kế này tương tự như nhiệt kế điện tử đo ở miệng, nhưng chúng vô cùng hoàn hảo cho em bé khi dùng ti giả. Kết quả đo đỉnh sẽ được hiển thị khi đo xong.
  2. Kiểm tra nhiệt độ. Sau khi chọn xong nhiệt kế, bạn sẽ đo nhiệt độ theo phương thức thiết kế của nhiệt kế (đo ở miệng, ở tai, ở động mạch thái dương, hay hậu môn cho bé (xem bên dưới). Nếu bạn sốt cao trên 39.4 độ C,[22] bạn có em bé trên 3 tháng bị sốt 38.8 độ, hay bạn có em bé sơ sinh (0-3 tháng) bị sốt trên 38 độ C, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức. [23]
  3. Đo nhiệt độ ở hậu môn cho trẻ nhỏ. Cách đo nhiệt độ chính xác nhất cho trẻ em là qua lỗ hậu môn, nhưng bạn phải sử dụng cực kỳ thận trọng để không làm xuyên qua ruột của bé. Loại nhiệt kế phù hợp nhất để đo nhiệt độ ở hậu môn là nhiệt kế điện tử.
    • Bôi một chút sáp dầu hoặc gel bôi trơn trên đầu nhiệt kế.
    • Đặt bé nằm sấp. Nhờ thêm người khác trợ giúp nếu cần thiết.
    • Cẩn thận đặt đầu nhiệt kế đi vào sâu khoảng 1.3 cm vào trong hậu môn của bé.
    • Giữ nhiệt kế và bé trong khoảng 1 phút, cho đến khi bạn nghe tiếng bíp. Đừng để mặc bé hoặc nhiệt kế để tránh làm bé bị thương.
    • Bỏ nhiệt kế ra và đọc số chỉ trên màn hình.
  4. Để cơn sốt phát triển và tự hết. Nếu chỉ là cơn sốt nhẹ (lên đến 38.8 độ ở người lớn hoặc trẻ trên 6 tháng tuổi), lời khuyên ở đây là không cần thiết phải giảm sốt hoàn toàn. Cơ thể bị sốt là dấu hiệu phát triển của vấn đề khác, nên nếu bạn cố hạ sốt có thể làm ẩn đi vấn đề sâu xa hơn.
    • Điều trị cơn sốt quá mức cũng làm ảnh hưởng đến cơ chế kháng virus hoặc lây bệnh của tự nhiên của cơ thể. Nhiệt độ cơ thể khi đã hạ sốt có thể là môi trường thuận lợi cho những cá thể ngoại lai hoạt động, nên tốt hơn là để cơn sốt tự phát triển và hạ dần đi.[3]
    • Để cơn sốt tự phát triển và hạ dần không được khuyến khích với những người bị mất miễn dịch, đang dùng thuốc hóa trị liệu, hoặc những người mới phẫu thuật.[24]
    • Thay vì cố gắng làm hạ cơn sốt, nên áp dụng những biện pháp để bản thân hoặc con bạn cảm thấy thoải mái trong quá trình cơn sốt phát triển và hạ dần, như nghỉ ngơi, uống chất lỏng, và giữ cho cơ thể thoáng mát.[25]

Nhận biết Khi nào Cần Đi Bác sĩ[sửa]

  1. Nhận biết các triệu chứng của cơn sốt. Không phải nhiệt độ cơ thể bình thường của ai cũng là 38 độ C. Thân nhiệt bình thường của mọi người chênh lệch nhau một hoặc hai độ là điều bình thường.[26] Thậm chí nếu chỉ là một cơn sốt nhẹ cũng không cần phải quá bận tâm.[5] Những triệu chứng của cơn sốt nhẹ bao gồm:
    • Cảm thấy không thoải mái, hơi nóng
    • Mệt mỏi chung chung
    • Cơ thể ấm
    • Rét run
    • Đổ mồ hôi
    • Phụ thuộc vào nguyên nhân của cơn sốt, bạn cũng có thể thấy mình có những triệu chứng sau: đau đầu, đau cơ, chán ăn hoặc mất nước.
  2. Gọi ngay cho bác sĩ nếu bị sốt cao.[19] Người lớn nên đi khám bác sĩ nếu sốt cao hơn 39.4 độ C. Thân nhiệt của trẻ em nhạy cảm với những tác động của cơn sốt nhiều hơn người lớn. Hãy gọi ngay cho bác sĩ trong những trường hợp sau đây:[26]
    • Bạn có trẻ sơ sinh dưới ba tháng tuổi bị sốt trên 40 độ C.
    • Bạn có trẻ nhỏ từ ba đến sáu tháng tuổi bị sốt cao trên 38.8 độ C.
    • Bạn có trẻ em ở bất cứ độ tuổi nào bị sốt cao trên 38.8 độ C
    • Bạn hoặc người lớn khác bị sốt cao trên 39.4 độ C, đặc biệt đi kèm với trạng thái lơ mơ ngủ hoặc dễ bị kích động.
  3. Gọi ngay cho bác sĩ nếu cơn sốt kéo dài quá vài ngày. Một cơn sốt kéo dài hơn hai hoặc ba ngày có thể là dấu hiệu của vấn đề sâu xa hơn cần phải điều trị riêng biệt. Đừng cố gắng tự chẩn đoán cho bản thân hoặc con mình; hãy đi đến bác sĩ để được khám chuyên môn. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:[26][5]
    • Cơn sốt kéo dài trên 24 tiếng đồng hồ ở trẻ dưới 2 tuổi
    • Cơn sốt kéo dài 72 tiếng đồng hồ (3 ngày) ở bất kỳ trẻ nào trên 2 tuổi
    • Cơn sốt kéo dài liên tục 3 ngày ở người lớn.
  4. Nhận biết khi nào cần đến can thiệp y tế ngay lập tức. Nếu cơn sốt đi kèm với những triệu chứng cho thấy những vấn đề khác, hoặc khi người bị sốt đang ở trong các trường hợp phạm tội giảm nhẹ, bạn cần liên lạc với bác sĩ, dù cơn sốt có cao đến đâu. Đây là một số tình huống bạn nên tìm kiếm trợ giúp y tế ngay lập tức:[27][28]
    • Bệnh nhân bị khó thở
    • Phát ban hoặc xuất hiện nốt đỏ trên da
    • Bệnh nhân lờ đờ hoặc mê sảng
    • Bệnh nhân nhạy cảm bất thường với ánh sáng
    • Bệnh nhân bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư hoặc HIV
    • Bệnh nhân mới đi đến quốc gia khác
    • Bị sốt do tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ quá cao như nhiệt độ ngoài trời quá cao hay phải ngồi trong phương tiện quá nóng bức
    • Người bị sốt phàn nàn họ có những triệu chứng khác như đau họng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau tai, phát ban, đau đầu, đi ngoài ra máu, đau bụng, khó thở, mơ hồ, đau cổ, hoặc đau khi đi tiểu.
    • Cơn sốt đã giảm nhưng người bệnh vẫn biểu hiện như đang bị sốt
    • Nếu người bệnh bị co giật, hãy gọi ngay số 115

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn hỏi tư vấn cán bộ y tế trước khi cho trẻ dưới 2 tuổi uống thuốc.
  • Cần nắm được những chỉ định cập nhật về liều lượng thuốc. Ví dụ, nồng độ thuốc chai acetaminophen cho trẻ sơ sinh gần đây đã chuyển sang nồng độ nhẹ hơn (từ 80 mg/0.8 mL sang 160 mg/5 mL).

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.scientificamerican.com/article/what-causes-a-fever/
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/basics/causes/con-20019229
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 http://www.mayoclinic.com/health/fever/DS00077/DSECTION=treatments-and-drugs
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/ART-20050997
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 5,5 5,6 5,7 5,8 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003090.htm
  6. http://www.medscape.com/viewarticle/809415
  7. http://www.emedicinehealth.com/fever_in_adults/page6_em.htm#home_remedies_for_fever_in_adults
  8. 8,0 8,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/fever-of-unknown-origin
  9. http://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-nausea-vomiting-prevention
  10. http://www.medicinenet.com/nausea_and_vomiting/page7.htm#what_are_home_remedies_for_nausea_or_vomiting
  11. 11,0 11,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000122.htm
  12. http://www.mayoclinic.com/health/fever/DS00077/DSECTION=lifestyle-and-home-remedies
  13. http://www.webmd.com/sleep-disorders/excessive-sleepiness-10/immune-system-lack-of-sleep
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/basics/lifestyle-home-remedies/con-20019229
  15. 15,0 15,1 http://www.webmd.com/cold-and-flu/features/the-truth-behind-moms-cold-and-flu-advice
  16. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/yarrow
  17. http://learningherbs.com/remedies-recipes/herbs-for-fever/
  18. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/feverfew
  19. 19,0 19,1 http://www.babycenter.com/404_how-can-i-reduce-my-childs-fever-without-using-medicine_10338495.bc
  20. http://www.nationwidechildrens.org/fever
  21. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/infant-and-toddler-health/in-depth/thermometer/art-20047410
  22. http://www.emedicinehealth.com/fever_in_adults/page4_em.htm#when_to_seek_medical_care
  23. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/ART-20050997
  24. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/art-20050997
  25. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/basics/lifestyle-home-remedies/con-20019229
  26. 26,0 26,1 26,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/basics/symptoms/con-20019229
  27. http://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/fever/Pages/When-to-Call-the-Pediatrician.aspx
  28. http://www.emedicinehealth.com/fever_in_adults/page4_em.htm#when_to_seek_medical_care

Liên kết đến đây