Hạn chế đeo bám người khác

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhận ra bản thân đang trở nên đeo bám là bước đầu nhằm cải thiện hành vi của bạn. Nếu bạn là một người hay đeo bám, bạn sẽ luôn cảm thấy ám ảnh bởi một người mới ngay khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên, cho dù đó là tình bạn hay tình yêu. Sau đó, bạn sẽ thường xuyên gọi điện cho họ, đề nghị đi chơi hầu hết thời gian, thậm chí cảm thấy buồn bã hay bị bỏ rơi nếu như phải làm điều gì đó một mình. Nếu bạn nhìn thấy hình ảnh của mình trong những hành vi kể trên, hay nếu người nào đó yêu cầu bạn cho họ không gian riêng thì đã đến lúc cố gắng cải thiện bản thân, thay đổi cách tiếp cận những mối quan hệ để hạn chế việc đeo bám người khác. WikiHow hôm nay sẽ hướng dẫn bạn cách làm điều đó.

Các bước[sửa]

Cải thiện bản thân[sửa]

  1. Xây dựng lòng tự tin. Một số người trở nên đeo bám vì họ không hài lòng với chính mình, họ luôn cảm thấy bất an về việc ở một mình, bị bỏ lại phía sau hay bị ai đó phớt lờ. Người hay đeo bám thậm chí có thể trở nên hoang tưởng thái quá vì cho rằng mọi người đang đi chơi mà không rủ họ, vì không ai thích họ cả. Bạn nên bỏ qua những cảm giác này và yêu thương bản thân hơn. Khi bạn trở nên tự tin, bạn sẽ không bị ám ảnh bởi ý nghĩ mọi người đang rời bỏ mình và sẽ trở nên bớt đeo bám hơn.
    • Nghĩ về ít nhất ba điều làm cho bạn trở nên đặc biệt và học cách yêu quý bản thân.
    • Tự hài lòng về điểm mạnh nào đó của bạn, có thể là khả năng chạy bộ, công việc vất vả của bạn hay khả năng làm cho người khác cười.
    • Sở hữu ngôn ngữ cơ thể của một người tự tin. Đứng thẳng người, hai cánh tay đặt xa khỏi ngực và mỉm cười thật nhiều.
    • Xác định những thiếu sót của bản thân. Không ai là hoàn hảo cả, nhận biết được những thiếu sót của mình sẽ giúp bạn cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân.
  2. Cải thiện những vấn đề về lòng tin. Nhiều người trở nên đeo bám vì họ có vấn đề về lòng tin, điều đó có thể xuất phát từ cảm giác bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ, bị bạn thân hoặc người yêu bỏ mặc những lúc khó khăn. Tuy rằng những nỗi đau này khá lớn, nhưng bạn vẫn phải học cách tiếp xúc với những người mới vì quá khứ không thể nào quyết định được tương lai.
    • Học cách quên đi những người hay sự việc đã tổn thương bạn trong quá khứ, sau đó tiến lên xây dựng một tương lai tốt đẹp, lành mạnh hơn cho tất cả các mối quan hệ.
    • Nói với bản thân rằng đeo bám người khác không phải là cách để làm cho họ trung thành hơn với bạn – trên thực tế, đeo bám chỉ càng đẩy họ ra xa bạn hơn mà thôi.
    • Không nên thất vọng về bản thân. Bạn không thể khắc phục hết vấn đề về lòng tin chỉ trong một đêm – nhưng bạn có thể cải thiện từng chút một để cảm thấy tin tưởng mọi người hơn mà không phải kè kè bên họ.
  3. Giảm bớt sự lo lắng. Đa số hành vi đeo bám đều bắt nguồn từ sự lo lắng – có thể bạn lo sợ phải cô đơn suốt đời, lo lắng về việc không có nổi một người bạn thân hay sợ người ta nhạo báng sau lưng bạn ngay khi bạn vừa rời khỏi phòng. Cũng có thể bạn băn khoăn về việc phải cố gắng quá nhiều để tìm hiểu những người hay mối quan hệ mới, vì thế bạn bám lấy một hoặc một số người mà bạn đã biết rõ để đối phó với nỗi sợ của mình.
    • Khi bạn có nhiều nỗi lo lắng trộn lẫn với áp lực – bạn có thể cảm thấy lo ngại vì thế giới của bạn rối tung và bận rộn, bạn phải đối mặt với nhiều thứ đến nỗi bạn sắp đi đến giới hạn của mình. Hãy làm điều gì đó để giảm thiểu căng thẳng, chẳng hạn như thiền, tập yoga và ngủ đủ giấc, xem liệu bạn có bớt lo lắng hơn không.
    • Trước khi bước vào một căn phòng đông người, bạn chỉ cần hít thở thật sâu. Nói với bản thân rằng bạn nên nói chuyện với những người lạ và mở rộng mối quan hệ của mình thay vì cứ dính chặt lấy người mà bạn cần.
  4. Tâm sự với ai đó. Nếu bạn cảm thấy mình thật phiền phức khi cứ phụ thuộc vào mẹ, bạn trai hay bạn thân quá nhiều, hãy nói chuyện với một người nào đó về vấn đề của bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách mở lòng với cô bạn thân, người yêu hay thành viên nào đó trong gia đình về những vấn đề của mình. Nếu bạn cảm thấy mất kiểm soát, hãy nói chuyện với bác sỹ tâm lý xem liệu vấn đề của bạn có liên quan đến những hội chứng rối loạn lo âu hay trầm cảm không.
    • Nói chuyện với người nào đó có thể giúp bạn xác định nguyên nhân dẫn đến bản năng đeo bám của bạn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta trở nên đeo bám – có thể bạn đã lớn lên trong gia đình đông thành viên và luôn phải đấu tranh để nhận được sự chú ý, hay bạn chia tay người yêu cũ vì cả hai đã không dành đủ thời gian cho nhau và bạn đang cố gắng khắc phục sai lầm một cách thái quá.

Quản lý những mối quan hệ[sửa]

  1. Cho người khác không gian cá nhân. Cho ai đó không gian là cách tốt nhất để duy trì sự lành mạnh trong mối quan hệ. Bất kể đó là bạn thân hay người yêu thì bạn nên biết rằng, việc ít gặp nhau sẽ làm cho người đó trân trọng bạn hơn khi cả hai gặp lại. Khi hai người ở bên cạnh nhau suốt ngày, cảm giác chán ghét sẽ tự nhiên nảy sinh, bởi vì mỗi người không có thời gian để nhớ nhung hay kể cho người kia nghe về những điều thú vị diễn ra khi họ không gặp mặt.
    • Cho người đó không gian cá nhân. Không nên nhắn tin, gọi điện thoại hay "xuất hiện" để đi chơi với người đó một cách thường xuyên. Điều này khá phiền toái, thậm chí là bất lịch sự. Bạn chỉ nên tìm ai đó khi họ cũng muốn gặp bạn.
    • Đừng “bao phủ” lấy họ. Nếu bạn luôn kè kè bên cạnh, hỏi han về mọi chi tiết nhỏ trong ngày của chàng mà không cho anh ấy cơ hội nào để làm việc của mình, bạn sẽ khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt.
    • Cố gắng dành ra ít nhất ba lần không gặp gỡ sau mỗi lần bạn đi thăm anh ấy. Mặc dù bạn đang yêu người ấy đến nỗi không thể buông tay khỏi anh ta thì nên nhớ rằng: không có gì là mãi mãi.
    • Tận hưởng việc theo đuổi những sở thích của bạn những khi bạn ở một mình. Đừng xem chúng như thể "cách giết thời gian" để được gặp lại người ấy.
    • Học cách đọc những dấu hiệu. Nếu ai đó cần thời gian ở một mình, anh ấy hay cô ấy sẽ thường xuyên không nghe điện thoại của bạn, hạn chế gặp bạn hay nói rằng họ đang có một tuần bận rộn. Đừng cố tìm đến người ấy nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này, hãy cho họ thời gian thoải mái.
  2. Làm chậm tiến độ lại khi gặp gỡ người mới. Những người có tính đeo bám thường nắm chặt ngay một người, cho dù họ chỉ vừa gặp gỡ hay mới qua lại vài lần. Đây là một cơ chế phòng vệ cho thấy người hay đeo bám sợ người kia sẽ không đáp lại tình cảm của họ hoặc sẽ ra đi, vì thế họ phải tấn công càng sớm càng tốt. Cứ từ từ và thư giãn, đừng hẹn gặp anh ấy hay cô ấy nhiều hơn một lần trong tuần.
    • Nếu kế hoạch của bạn là dành toàn bộ thời gian giao tiếp xã hội của mình để vây quanh một người mới, bạn sẽ làm cho anh ấy hoảng sợ.
    • Đừng đột ngột mở lòng và nói về việc bạn đang tìm kiếm một người bạn/người yêu mới ra sao – họ sẽ lùi lại ngay.
    • Không nên chủ động đề xướng mọi cuộc hẹn với người mới. Đảm bảo sự cân bằng và cả hai đều cố gắng như nhau.
  3. Đừng suy nghĩ trẻ con. Đa số những người có tính đeo bám cho rằng ai cũng cần sự chăm sóc của họ và thế là họ mải mê giúp đỡ hay cho người khác lời khuyên trong khi đối phương không hề cần. Thỉnh thoảng, người khác cũng cần bạn giúp, nhưng đừng “phủ sóng” sự hiện diện của bạn với tất cả những người mà bạn gặp, cho rằng cuộc sống của họ sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu đi sự quan tâm hay lời khuyên của bạn.
    • Nếu ai đó cần bạn giúp, họ sẽ đề nghị, vì thế đừng cho rằng mọi người luôn cần sự chăm sóc của bạn.
  4. Theo dõi ngôn ngữ cơ thể của bản thân. Ngôn ngữ hình thể của bạn có thể trở nên áp đảo người khác và làm cho bạn như đang cố gắng quá nhiều để tồn tại trong không gian cá nhân của họ. Nếu bạn đang gặp gỡ một người bạn, không nên đứng sát họ, ôm ấp, đụng chạm quá mức, nghịch tóc hay đồ trang sức của đối phương, nếu không bạn có thể khiến họ khó chịu.
    • Khi ở bên người yêu, âu yếm hoặc hôn là điều bình thường, nhưng nếu bạn cứ nắm tay suốt 100% thời gian và dính lấy người ấy trong mọi bữa tiệc hay sự kiện xã hội thì có vẻ bạn đang hơi quá đà.
    • Mặc dù chúng ta nên tập trung vào đối tượng giao tiếp, thế nhưng đừng dồn ép họ bằng cách tiếp xúc bằng mắt liên tục hay không cho người đó nói chuyện với những người khác.
  5. Đừng để người khác ỷ lại vào bạn. Một trong những hệ lụy của việc đeo bám là bạn sẽ bị xem thường. Những người hay bấu víu có thể đánh mất phẩm giá cá nhân vì họ vây quanh người khác mọi lúc mọi nơi – nếu bạn là một người như vậy, bạn bè hay người yêu của bạn sẽ biết chắc rằng họ chỉ cần lên tiếng, bạn sẽ xuất hiện ngay trong chớp mắt để giúp đỡ hoặc đi chơi với họ. Nếu bạn không muốn bị xem thường, hãy giữ cho mình không phải lúc nào cũng ở quanh hay “cần là có”.
    • Hãy nhớ rằng bạn vẫn còn những người khác trong mạng lưới xã hội của mình – nghĩ đến việc đi chơi với họ và đừng bám lấy một người hầu hết thời gian.
    • Nhắc đến những việc khác mà bạn phải làm, cho dù đó là đồ án ở trường, buổi sinh hoạt câu lạc bộ bóng đá hay kế hoạch cho bữa tiệc sinh nhật của mẹ bạn. Cho người khác biết rằng bạn cũng bận rộn và tìm cách xếp họ vào lịch trình của bạn chứ không phải là sắp xếp lại cuộc sống của bạn để gặp họ.
    • Mặc dù bạn không nên đặt bạn bè sang một bên, tuy nhiên cũng không cần phải bắt điện thoại của họ ngay lập tức hay trả lời tin nhắn Facebook chỉ sau vài giây, nếu không thì họ sẽ nghĩ là bạn không có gì để làm.
  6. Tận hưởng việc duy trì khoảng cách lành mạnh. Khi đã học được cách ngừng đeo bám, bạn sẽ tự nhiên thích duy trì một khoảng cách lành mạnh với người mà bạn yêu quý. Bạn sẽ có thời gian để giải quyết những vấn đề riêng, theo đuổi những đam mê cũng như mục tiêu và trân trọng người đó hơn mỗi khi gặp lại. Có một cuộc sống bận rộn và thú vị sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn so với việc dành hầu hết thời gian ở bên một người mà không làm điều gì khác.
    • Tìm niềm vui trong việc duy trì một vài hay thậm chí nhiều mối quan hệ tốt đẹp khác để không phải dành thời gian suy nghĩ về một người.
    • Gặp gỡ người ấy sau một khoảng thời gian. Đừng ngại hỏi, "Mình không làm phiền bạn quá nhiều trong tuần này phải không?" Khi bạn nhận thức được khuynh hướng bám víu của mình, bạn sẽ có khả năng đối phó tốt hơn với nó.
    • Nghĩ về việc bạn yêu bản thân mình như thế nào sẽ giúp bạn biết cách để ở một mình và làm những gì bạn thích. Trở thành một người hài lòng với việc ở một mình sẽ khiến cho mọi người tự nhiên bị hút về phía bạn nhiều hơn.

Tận hưởng cuộc sống ý nghĩa[sửa]

  1. Theo đuổi những sở thích của bạn. Cách dễ nhất để ngừng đeo bám là làm cho cuộc sống của bạn trở nên bận rộn và thú vị đến nỗi có quá nhiều việc để làm. Nếu bạn không có nhiều thứ để làm cho bản thân thì bạn sẽ có xu hướng muốn dành hết thời gian để ở bên cạnh bạn trai hay bạn thân của bạn. Khi cuộc sống của bạn được lấp đầy bằng những hoạt động thú vị và bổ ích, bạn sẽ ít đeo bám người khác hơn. Sau đây là những điều nên thử:
    • Xác định niềm đam mê. Có thể bạn có một tình yêu với nhiếp ảnh, yoga hay âm nhạc mà bạn chưa từng phát hiện ra. Đừng ngại bước ra khỏi vùng an toàn và thử điều gì đó mới mẻ, biết đâu chúng lại trở thành thứ mà bạn sẽ dành phần lớn thời gian sau này.
    • Chọn cho mình một loại hình thể dục - thể thao. Chạy bộ, tập thể hình hay thậm chí là đăng ký một khóa kickboxing, hãy tìm thứ gì đó mà bạn có thể giải phóng phần lớn năng lượng và cảm thấy hài lòng về bản thân trong quá trình tập luyện. Nếu bạn tham dự một lớp thể dục thẩm mỹ, tự cam kết sẽ đi tập ít nhất hai đến ba lần trong tuần, từ đó bạn sẽ hình thành một nếp sinh hoạt cá nhân không liên quan đến người khác.
    • Dành ra vài tiếng mỗi tuần cho sở thích cá nhân. Có thể là sáng tác thơ ca, làm vườn hay làm đồ handmade, dù là việc gì thì hãy đầu tư ít nhất vài tiếng mỗi tuần để thực hiện. Không chỉ giúp bạn cảm thấy bản thân hoàn thiện hơn vì được làm điều mình thích, bạn còn trở nên thích thú hơn trong việc là chính mình.
  2. Theo đuổi những mục tiêu của riêng bạn. Điều này cũng quan trọng như việc theo đuổi sở thích cá nhân để không trở nên đeo bám. Theo đuổi những mục tiêu riêng sẽ giúp bạn tập trung vào ước mơ ngắn hạn hoặc dài hạn và duy trì sự chú tâm vào những gì sắp tới cho chính bản thân chứ không phải chú ý vào cô bạn thân hay chị gái của bạn. Tuổi tác không phải là vấn đề, hãy đề ra một số mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để suy ngẫm về bản thân và giữ cho mình luôn bận rộn.
    • Đặt ra một số mục tiêu ngắn hạn. Có thể là đọc xong quyển sách nào đó trong tuần hay hoàn thành công thức nấu ăn mới. Viết ra hạn chót cho những mục tiêu vào bảng kế hoạch của bạn nhằm duy trì động lực cho mình.
    • Lên kế hoạch đạt được những mục tiêu dài hạn. Cho dù là tốt nghiệp loại Giỏi, phỏng vấn đậu visa hay hoàn thành cuốn tiểu thuyết của bạn, hãy lập kế hoạch để biến giấc mơ thành hiện thực. Bạn sẽ có nhiều vấn để để suy nghĩ hơn là việc bạn trai bạn định làm gì mỗi tối.
    • Viết về những mục tiêu trong nhật ký. Nhật ký có thể giúp bạn “giữ vững” việc bạn là ai và tương lai tốt đẹp nào dành cho bạn. Như vậy bạn có thể tập trung vào những điều quan trọng với bản thân.
  3. Mở rộng mạng lưới xã hội của bạn. Đây là một cách tuyệt vời để giảm thiểu tính đeo bám. Nếu bạn chỉ có vỏn vẹn hai người bạn, hay bạn trai của bạn cũng là người bạn thật sự duy nhất của bạn trong thành phố, bạn sẽ phải bấu víu vào họ nhiều hơn. Vòng tròn xã hội càng rộng thì trải nghiệm về cuộc sống sẽ càng phong phú và chúng ta sẽ ít tập trung hơn vào những dự định của người ấy. Sau đây là những cách để bạn phát triển mạng lưới xã hội:
    • Không phải có đến mười người bạn thân thì mới gọi là quan hệ rộng. Bạn chỉ cần rủ thêm vài người bạn bình thường cùng đi uống cà phê, hay biến một người bạn xã giao thành bạn bè bình thường.
    • Tỏ ra thân thiện hơn với đồng nghiệp hay bạn học của bạn. Điều này sẽ giúp nảy sinh những tình bạn mới hoặc bạn sẽ có điều gì đó để làm. Thậm chí chỉ cần tham dự những buổi tiệc tùng bên ngoài cùng với đồng nghiệp một tháng hai lần thôi, bạn cũng có thể mở rộng mạng lưới xã hội của mình.
    • Giữ liên lạc với bạn cũ. Có thể bạn đã gạt vài người bạn cũ sang một bên chỉ vì quá bận rộn tập trung vào một người. Hãy liên lạc lại với họ và xin lỗi về điều đó.
    • Đừng ngại rủ bạn bè đi chơi. Nếu bạn thật sự mến một cô gái nào đó trong bữa tiệc, hỏi xem liệu cô ấy có muốn đăng ký một lớp yoga tại trung tâm của bạn hay cùng nhau đi mua sắm khi có dịp không.
  4. Học cách thích ở một mình. Đa số những người đeo bám thường thích dành đến 99% thời gian của họ với những người khác. Họ luôn luôn muốn đi cùng một ai đó và gặp khó khăn nếu phải ở một mình. Tận hưởng "thời gian cho bản thân" là cách quan trọng để xây dựng sự tự tin, tìm ra thứ khiến bạn vui vẻ và giảm bớt sức ép cũng như thời gian ở bên cạnh người khác. Sau đây là một số cách để tận hưởng thời gian “một mình”:
    • Đi bộ đường dài. Không chỉ đem lại sức khỏe, đi bộ còn giúp bạn thông suốt hơn.
    • Tìm kiếm niềm vui trong văn hóa đọc. Đọc không chỉ là một hình thức giải trí hay giáo dục, có câu “Sách là người bạn tốt của con người”.
    • Trang trí nhà cửa. Trang hoàng lại không gian cá nhân của bạn có thể giúp bạn kết nối với những thứ hấp dẫn bạn và cảm thấy hứng thú hơn trong việc dành thời gian cho không gian sống của mình.
  5. Tham gia tình nguyện. Tình nguyện không chỉ là một cách hay để giúp đỡ cộng đồng mà còn giúp bạn thấy mình trở nên cần thiết và có ích, lấp dần đi cảm giác thiếu thốn. Những công việc ý nghĩa mà bạn có thể làm là hỗ trợ nấu cơm từ thiện, nhặt rác ở công viên hay dạy chữ cho trẻ em nghèo, v.v...
    • Khi bị thu hút bởi một hoạt động tình nguyện nào đó, bạn nên tự quy định sẽ thực hiện điều đó ít nhất một hoặc hai lần mỗi tuần. Đây là một cách khác để duy trì sự bận rộn và lấp kín lịch trình bằng những hoạt động riêng không phụ thuộc vào ai khác.
    • Tình nguyện cũng có thể giúp bạn mở rộng các mối quan hệ. Bạn có thể tìm được một người bạn đồng hành hợp ý từ trong những hoạt động xã hội và bắt đầu một tình bạn mới.

Lời khuyên[sửa]

  • Áp dụng quy tắc “càng xa, càng nhớ”. Mỗi người trong cuộc sống của bạn đều quan trọng đối với bạn và bạn đối với họ cũng thế. Và, bạn càng dành cho người ấy nhiều không gian cá nhân thì họ sẽ càng trân trọng bạn hơn bởi vì bạn không phải lúc nào cũng ở trong tầm tay họ. Tương tự như vậy, không phải lúc nào họ cũng nằm trong tầm tay bạn, bạn có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh rằng người khác cảm thấy ngột ngạt vì mình. Bạn đang sử dụng không gian để thiết lập một tiêu chuẩn rõ ràng và sắp xếp lại mối quan hệ với người đó.
  • Nhận ra những dấu hiệu cho thấy hành vi đeo bám của chính mình. Người mà bạn đeo bám sẽ tỏ ra khó chịu và thất vọng về bạn. Đừng để bị cám dỗ và dùng chúng để thao túng lại họ; thay vào đó, hãy xem chúng như một tấm gương phản chiếu chính hành vi của bản thân và tìm cách khác để tương tác với những người đó, cho họ không gian cá nhân và tìm ra cách riêng để đối phó.
  • Nếu bạn là người bị đeo bám, hãy đề nghị những hoạt động riêng lẻ nhằm phát triển sở thích và thế mạnh của người ấy. Giúp người đó dần dần nhận ra rằng tốt hơn hết họ nên theo đuổi những thứ họ thích làm (mà không phải sở thích của bạn) với người nào đó hay một mình họ là đủ. Để sự chuyển đổi trở nên dễ dàng hơn, hãy kết hợp những hoạt động riêng lẻ với ít nhất một hoạt động chung nhằm cân bằng sự thay đổi trong cách tiếp cận mối quan hệ của bạn .
  • Nếu bạn lệ thuộc vào người khác về những điều quan trọng như đi khỏi nhà, chăm sóc cá nhân cơ bản hay những điều tương tự thì hãy thành thật tự hỏi bản thân rằng tại sao. Đó có thể là hội chứng sợ đám đông hay bệnh về tâm thần nào đó. Tìm kiếm sự điều trị ngay, vì cũng như những bệnh về thể chất khác, bệnh tâm thần là có thật và có khả năng làm con người yếu đi. Tuy nhiên, nếu bạn cần sự giúp đỡ vì những lý do đặc biệt về thể chất thì đó không phải là sự đeo bám cần phải điều trị. Thay vào đó, hãy mở rộng mạng lưới hỗ trợ dành cho bạn và khám phá những dịch vụ hiện có, tìm cho mình những sản phẩm chuyên nghiệp nhằm thực hiện những việc mà bạn không thể tự làm.

Cảnh báo[sửa]

  • Sự đeo bám kéo dài sẽ bào mòn lòng kiên nhẫn của người mà bạn đeo bám, đối với bất kỳ mối quan hệ nào. Sau một thời gian, thậm chí đến những người kiên nhẫn nhất cũng sẽ cảm thấy bất lực cũng như bị thao túng bởi vì lúc nào họ cũng có một “cái đuôi”.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]