Học toán như thế nào – Jo Boaler/Phần 2. Mọi học sinh đều có thể học giỏi toán

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phần đông đều tin rằng giỏi toán hay không là do trời sinh. Và một trong những thách thức lớn nhất cho giáo viên và phụ huynh là phá bỏ huyền thoại này, cho rằng chỉ có một số nhỏ học sinh là có thể giỏi toán mà thôi.

Có phải giỏi toán là do bẩm sinh?[sửa]

Các học sinh cũng thường nghĩ thế. Nhưng khi tôi đưa ra những minh chứng mà tôi sắp sửa trình bày cho các bạn thì các em thực sự đã thay đổi lộ trình học tập của mình. Thế thì trước tiên, tại sao tư tưởng chỉ có một số ít học sinh có thể giỏi toán lại phổ biến đến như vậy, nhất là ở các nước Anh và Mỹ và các nước phương Tây.

Trên TV, hàng ngày các học sinh bị dội bom bằng những thước phim trong đó các học sinh đều than thở, dò đầu bức tay và dẩy nẩy khi cha mẹ bắt làm bài tập toán ở nhà. Thế là thành kiến cho rằng toán là khó đã hình thành nếp suy nghĩ hằn sâu trong trí não của các bé.

Tính mềm dẻo của bộ não[sửa]

Hãy nhìn một vài phát hiện gần đây về bộ não con người. Và phát hiện chủ yếu là sự mềm dẻo của bộ não. Không như một số người thường nghĩ người này có năng khiếu học toán hay một môn nào đó và người kia thì không, thật ra sự phát triển của bộ não thật rất ấn tượng. Giờ đây ta biết rằng sự mềm dẻo của bộ não nằm trong năng lực thay đổi và tái tạo kéo dài đến suốt đời.

Trong những năm gần đây, có nhiều minh chứng đáng kinh ngạc cho thấy khả năng tái tạo những nơ-rôn thần kinh mới và các kết nối mới. Khi hoạt động học tập xảy ra, khớp thần kinh bắt đầu phát xung động. Các dòng điện phát động và tạo ra những nơ-rôn và điểm kết nối mới, và lộ trình của khớp thần kinh giống như những vết chân trên cát. Chúng chỉ trở thành con đường hằn sâu nếu được đi lại nhiều lần.

Còn nếu không, chúng sẽ mờ dần và biến mất. Bộ não rất linh hoạt và thay đổi từng phút một. Nó mất đi và tạo lại những kết nối một cách đáng phấn khởi.

Tôi lấy ví dụ về nghề tài xế taxi ở thủ đô Luân Đôn. Mọi tài xế ở đây phải thuộc 320 tuyến đường giúp họ nhớ và học đến 25.000 đường phố và 20.000 dấu ấn và địa điểm quan trọng trong bán kính 6 dặm chung quanh Charing Crossing ở Luân Đôn. Việc này vô cùng phức tạp, và họ phải qua được bài kiểm tra được gọi là Kiến Thức.

Mọi tài xế taxi đen phải qua được bài kiểm tra Kiến Thức này. Phải cần đến hai đến bốn năm học tập để có thể qua được Kiến Thức Toàn Luân Đôn. Và một khi bạn qua được, bạn có thể làm việc ở bất kỳ đâu trong thành phố Luân Đôn.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong thời gian từ khi các bác tài bắt đầu học tập và kết thúc khóa, bộ phận hippocampus của họ (cấu trúc nằm bên trong thuỳ thái dương của não bộ) đã phát triển lớn hơn. Khi họ về hưu hoặc thôi làm nghề lái xe, bộ phận này thoái hóa và teo hẳn lại. Họ cũng thấy rằng khi so sánh bộ não của cánh tài xế taxi với tài xế xe buýt Luân Đôn vốn không cần học nhiều tuyến đường phức tạp, thì hippocampus của tài xế taxi lớn hơn của tài xế xe buýt. Chính quá trình học tập và sử dụng thông tin về mạng lưới giao thông phức tạp để đạt đến kỹ năng lái xe an toàn và hiệu quả này là tác nhân của sự phát triển hippocampus.

Một ví dụ thứ hai về sự phát triển não bộ là câu chuyện của một bé gái chín tuổi mà phân nửa bộ não đã bị cắt bỏ. Em bị chứng động kinh và họ phải cắt bỏ phân nửa não bộ của bé.

Lúc đầu toàn bộ phân nửa bên trái của thân thể bé bị tê liệt, nhưng bé đã làm các bác sĩ vô cùng kinh ngạc khi chỉ trong vài tuần các mối kết nối thần kinh của bé đã sống lại và chỉ trong một thời gian ngắn tất cả chức năng của bé đã phục hồi do sự phát triển nhanh chóng và không tin được của não bộ của em.

Và đây là một ví dụ thứ ba rất thú vị. Các nhà nghiên cứu của Học Viện Sức Khỏe Tâm Trí Quốc Gia tìm thấy rằng sau ba tuần tham gia, ba tuần làm việc khác biệt của những tình nguyện viên tham gia thí nghiệm, các cấu trúc bộ não của họ đã thay đổi.

Vì thế hiện giờ ta có thể kết luận rằng, chỉ trừ một số ít người bị bệnh thiểu năng trí tuệ, thì mọi học sinh đều có thể đạt thành tích cao nhất trong toán học, ở mọi cấp lớp trong thời kỳ trung học. Những quốc gia khác đều tin tưởng vào điều này nên các học sinh của họ đều làm tốt hơn học sinh chúng ta ở Anh và Mỹ. Chẳng hạn Nhật bản.

Thật là mỉa mai trong khi có trẻ phát triển được phân nửa bộ não hay thay đổi bộ não của mình một cách hiệu quả thì chúng ta lại cho rằng những con em chúng ta không thể phát triển một vài nơ-rôn cần thiết để học được đại số.

Nếp suy nghĩ tiêu cực và tích cực[sửa]

Các học sinh bước vào lớp toán, một số thấy toán thật dễ dàng, một số thấy nó thực sự thử thách, nhưng điều đó không phản ánh tiềm năng tương lai của chúng. Thật ra các học sinh này đều có những trải nghiệm khác nhau từ khi còn nhỏ và một số trải nghiệm này đã làm những khớp thần kinh khởi động hay tắt ngấm.

Vì thế trong vai trò là một giáo viên, trách nhiệm chúng ta là cắt đứt quỹ đạo của những học sinh đã không qua những trải nghiệm thử thách, và cung cấp cho mọi học sinh môi trường thử thách và phong phú nhất như có thể.

Nếu bộ não chúng ta có thể thay đổi trong ba tuần, bạn thử nghĩ trong một năm với giáo trình đúng đắn học sinh chúng ta sẽ phát triển đến thế nào.

Vậy thì, nhắc lại, các thí nghiệm cho ta biết một số điều. Thứ nhất mọi đứa trẻ có thể học giỏi toán từ cấp 1 đến cấp 3. Thứ nhì ta được biết về tiềm năng phát triển của bộ não, dù cho các học sinh đang đứng từ thứ bậc nào thì tiềm năng của chúng là rất lớn. Điều thứ ba là mọi quá trình học tập mới đều làm thay đổi năng lực của các bạn. Các giáo viên, các phụ huynh, và nhất là các học sinh cần phải loại bỏ quan niệm cứng nhắc là giỏi toán là bẩm sinh, là không thể thay đổi cũng như bộ não từ lúc sinh ra đến lúc chết là vẫn như cũ, bất di bất dịch, trái ngược với những gì các nhà khoa học đã phát hiện.

Khi Carol Dweck xuất bản quyển sách này năm 2007, nó mau chóng trở thành sách bán chạy nhất, và đã khởi xướng một cuộc cách mạng trong giáo dục.

Tôi chưa từng thấy có cuốn sách nào đã tạo nên một tiếng vang lớn đến vậy, trong đó tác giả báo cáo là có hai nếp suy nghĩ và người ta thuộc một trong hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những người có nếp suy nghĩ bảo thủ cứng nhắc, tin rằng mọi người sinh ra đều có một vốn thông minh nhất định và do đó bạn không thể thay đổi khả năng làm toán của mình, năng khiếu toán là món quà bẩm sinh. Và nhóm thứ hai có nếp suy nghĩ theo hướng phát triển, tin rằng khả năng toán và sự thông minh phát triển với trải nghiệm.

Hai niềm tin này ảnh hưởng lớn lao đến định hướng học tập. Những người có đầu óc phát triển thường kiên trì, và biết học tập từ những sai lầm, và lấy những thành công của người khác làm nguồn động viên cho mình. Ngược lại những người có đầu óc cứng nhắc không thích thất bại, do đó không muốn bị người ta cho là không thông minh và thường tránh những công việc có tính thách đố với bất cứ giá nào. Họ rất sợ thất bại khi chọn những khóa học và nghề nghiệp.

Những học sinh mang một trong hai nếp suy nghĩ tích cực và tiêu cực ngay từ lúc lên ba, và một trong nguyên nhân hình thành là do cha mẹ quá khen con cái mình là thông minh. Mặc dù họ khen với dụng ý tốt, nhưng khi họ cứ mãi khen “Ôi, con mẹ giỏi quá!”, chẳng mấy chốc đứa trẻ sẽ nghĩ mình là cực kỳ thông minh, là thần đồng. Nhưng sau đó khi gặp thất bại, các bé sẽ nghĩ là “Ôi, mình không thông minh cho lắm”. Do đó điều quan trọng các phụ huynh nên nhớ là không nên khen con em mình mà chỉ khen những gì con em mình làm. Hãy nói chẳng hạn, “Wow, tốt lắm, con đã học được rồi đó”, hay “Con đã học làm điều đó tốt lắm.”

Quyển sách của Carol cho ta nhiều ý tưởng như vậy. Và như trong cuộc phỏng vấn, bà cho biết những lời khen ban cho bé trong ba năm đầu đời sẽ hình thành nếp nghĩ của đứa trẻ năm năm sau đó, vì thế điều này thực sự quan trọng. Thành ra những lời khen có thể tác động tức thời đến các học sinh. Một trong những nghiên cứu của Carol liên hệ đến 400 học sinh lớp năm, và các em được yêu cầu thực hiện một bài kiểm tra dễ, ngắn, và hầu hết các em đều làm tốt. Sau đó phân nửa các em được khen là thông minh còn phân nửa còn lại được khen là đã cố gắng nhiều khi làm bài này. Sau đó, các em lại được yêu cầu làm thêm một bài kiểm tra thứ hai bằng một trong hai cách: hoặc chọn làm một bài kiểm tra tương đối đơn giản hoặc chọn một bài kiểm tra thử thách hơn nhưng có thể phạm nhiều lỗi hơn. 90% các em được khen ngợi là có cố gắng đều chọn bài kiểm tra khó hơn, trong khi đa số các em được khen thông minh thì lại chỉ chọn bài kiểm tra dễ.

Do đó ta cần quan sát một số dữ kiện thực sự thú vị về những nếp nghĩ hình thành trong các học sinh.

Hãy nhìn vào đồ thị dưới đây, cho thấy điều gì xảy ra khi học sinh nhận một can thiệp từ bên ngoài. Kết quả là đối với các học sinh lớp 7 suốt bốn tháng học hành giảm cho đến khi có sự can thiệp thì hết giảm sút (đường gấp khúc). Còn những học sinh không nhận được can thiệp thì vẫn tiếp tục giảm sút. Và chỉ những can thiệp để thay đổi nếp nghĩ mới tạo ra sự thay đổi. Các học sinh trong thí nghiệm đều học cùng một giáo viên với cùng một sách giáo khoa.

Các tác động của nếp suy nghĩ cũng rất công bình. Với sự can thiệp thay đổi của nếp suy nghĩ, các học sinh Mỷ Đa Đen cho thấy sự tiến bộ nhanh nhất về điểm số. Ta cũng nhận thấy rằng nếp suy nghĩ tích cực đã loại bỏ những cách biệt thành tựu giữa nam và nữ. Ngay cả ở mức độ SAT (một chứng chỉ khả năng toán cuối cấp ba) cao nhất, khi mà sự khác biệt giữa khả năng toán của nam và nữ hiện rõ, nhưng nếu chỉ xét các học sinh có đầu óc tích cực, sự khác biệt đã biến mất.

Sở hữu một đầu óc tích cực là điều chúng ta muốn tất cả học sinh và thầy giáo đều phải có.

Thông điệp lớn nhất là trí thông minh có tính linh hoạt. Nhưng các học sinh, giáo viên, trường học, và phụ huynh lại đối xử những người học toán như là những người có đầu óc tương đối cố định.

Hai bài tiếp theo sẽ cung cấp cho bạn những ý tưởng dạy như thế nào để được một đầu óc phát triển và cổ vũ cho phụ huynh và giáo viên suy nghĩ theo hướng tích cực.

Mục lục[sửa]

Tác giả và Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây