Kỹ năng cơ bản đánh giá độ xác thực của một bài báo về sức khoẻ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khi internet chưa ra đời, con người dựa vào chủ yếu truyền hình, báo chí và sách vở để thu thập kiến thức. Ngày nay, hầu hết các thông tin chỉ còn cách bạn một cái click chuột, mọi thứ bạn có thể hỏi google ngay, hay các trang mạng xã hội, đặc biệt facebook, chia sẻ và cập nhật thông tin từng giờ từng phút. Ngày xưa, thông tin được đưa lên đều được sàng lọc bởi người đưa tin và cần thời gian dài để chứng thực, còn ngày nay sự nhanh chóng đôi lúc đi kèm với sự thiếu chọn lọc. Điển hình là những bài báo nói về nguy cơ gây ung thư và cách chữa ung thư, khiến cộng đồng hoang mang, có một số độc giả thực hiện theo và có những kết cục không mong muốn. Thế làm sao phân biệt được một bài báo thiếu xác thực và một bài báo đáng tin? Đây là một kỹ năng thiết yếu trong thế giới công nghệ thông tin hiện nay, nhưng rất tiếc hiếm trường học nào đào tạo kỹ năng này cho học sinh sinh viên. Ruy Băng Tím xin gởi đến bạn đọc những điều cơ bản trong kỹ năng này.

5 phần chính cần được xem xét khi đánh giá mức độ xác thực của một bài viết bao gồm:

  1. Tác giả
  2. Nguồn lưu hành bài viết
  3. Ngày tháng cập nhật
  4. Nội dung bài viết
  5. Xếp hạng độ tin cậy của nghiên cứu.

1. Tác giả[sửa]

Tên tác giả[sửa]

Tác giả có thể là một hay nhiều người hay một nhóm viết lên những thông tin. Tên tác giả một bài viết nên được để tên đàng hoàng ở đầu hoặc cuối bài bởi tác giả chính là người chịu trách nhiệm mọi thông tin được đưa ra, đặc biệt khi có chất vấn về tính xác thực của thông tin. Nếu người đó không để tên hay chỉ để viết tắt, nghĩa là người viết không chịu trách nhiệm với nội dung mình viết ra, liệu bài báo đó có đáng tin?

Tuy nhiên, cũng cố một số trường hợp đặc biệt bài viết được viết bởi một nhóm tác giả, nên không thèm theo tên từng người (thường là những bài viết trên trang web của chính phủ hay tổ chức lớn). Trong trường hợp này độ tin tưởng của bài viết được đánh giá tiếp vào yếu tố thứ 2 – nguồn lưu hành bài viết.

Chuyên môn phù hợp[sửa]

Ngoài tên người viết ra, tốt nhất là kèm theo một vài dòng giới thiệu về tác giả (đang làm việc ở đâu, chuyên về phần nào, viết về mảng gì,…) hay có link ẩn trong tên tác giả dẫn đến trang riêng có những thông tin về tác giả để người đọc tự đánh giá liệu người viết có đủ khả năng và chuyên môn để đưa ra, thảo luận và bảo vệ nội dung trong bài viết. Những bài viết về sức khoẻ đáng tin chỉ khi được viết bởi chuyên gia trong ngành sức khoẻ, chứ không phải ca sĩ hay nhà văn nổi tiếng không có kiến thức chuyên môn mà chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Tuy nhiên, vì kỹ năng phân biệt và đánh giá độ xác thực của một bài báo còn kém trong một bộ phận cộng đồng nên tin tức được viết bởi người nổi tiếng lại có sức ảnh hưởng hơn trong khi độ xác thực vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

2. Nguồn lưu hành bài viết[sửa]

Nguồn lưu hành bài viết rất đa dạng, có thể là một trang báo chí, một trang mạng phi chính phủ, một trang mạng của một công ty, một trang cá nhân trên mạng xã hội, …

Mục đích[sửa]

Bất cứ nguồn nào được lập nên cũng có một mục đích nhất định, và thông tin này thường được đề cập trong phần “Về Chúng Tôi” hay “About Us”. Ở đây, bạn sẽ biết được liệu nguồn đó có muốn quảng cáo hay rao bán một sản phẩm nào không, nếu có bạn sẽ nhận ra thông tin sẽ có phần thiên vị cho sản phẩm họ muốn bán. Sự thiên vị, đơn chiều và thiếu khách quan làm giảm đi độ tin cậy của thông tin.

Đuôi địa chỉ trang web[sửa]

Đôi khi đuôi địa chỉ trang web cũng rất hữu ích cho việc đánh giá mức độ đáng tin cậy, ví dụ:

  • .gov: một cơ quan của chính phủ
  • .edu: một cơ sở giáo dục: trường học, đại học…
  • .org: thường là tổ chức phi lợi nhuận, nhóm chuyên gia, nhóm nghiên cứu xã hội hay hội ủng hộ một điều gì đó.
  • .com: có thể là bất cứ loại nào (trừ chính phủ và cơ sở giáo dục) cũng có thể là tổ chức phi lợi nhuận hay trang thương mại.

Thông tin liên lạc[sửa]

Một website đáng tin sẽ có thông tin liên lạc rõ ràng mà bạn có thể dễ dàng liên lạc để góp ý, thảo luận hay đặt câu hỏi.

3. Nội dung bài viết[sửa]

Tài liệu tham khảo hay dẫn link ngoài[sửa]

Một bài viết về sức khoẻ có độ xác thực cao khi liệt kê ra được hoặc dẫn link đến bài nghiên cứu gốc hay bài viết gốc để giúp người đọc kiểm chứng những thông tin được đưa trong bài viết, đặc biệt là những bài viết chứa nhiều số liệu và những kết luận liên quan.

Sự phù hợp với kiến thức đương đại[sửa]

Kiến thức đương đại được công nhận là do một quá trình dài nghiên cứu và kiểm nghiệm, nên bất cứ một thông tin nào đi ngược lại hay phản lại những kiến thức đương đại cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi vội tin và có những hành động phản ánh niềm tin đó.

Ví dụ: Hầu hết các tổ chức sức khoẻ uy tín trên thế giới, điển hình là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), khuyến cáo rằng hút thuốc tăng nguy cơ ung thư phổi, tuy nhiên vẫn còn một số bài viết ủng hộ hút thuốc và cho rằng hút thuốc làm giảm nguy cơ ung thư phổi. Đấy là một ví dụ điển hình về việc không phù hợp với kiến thức đương đại và cần phải nghi vấn độ chân thật của những luận điểm được đưa ra trong bài viết ủng hộ hút thuốc lá.

Link bài viết cho rằng thuốc lá giảm nguy cơ ung thư phổi (tiếng Anh).

Từ ngữ được dùng trong bài viết[sửa]

Nếu là một bài viết khách quan, từ ngữ cũng phải phản ánh lên điều đó. Những mỹ từ như “thần dược” hay những hứa hẹn rằng sẽ hoàn toàn khỏi bệnh thường được dùng nhiều như một chiêu quảng cáo vì mục đích thương mại. Để đạt được một sức khoẻ tốt hay chữa được bệnh đặc biệt là ung thư, không thể dựa vào chỉ một yếu tố riêng lẻ hay “thần dược” mà phải là sự tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc thể chất, tinh thần, thuốc thang và dinh dưỡng.

4. Ngày tháng cập nhật[sửa]

Ngày tháng bài viết được đăng tải hay chỉnh sửa cũng rất quan trọng trong việc đánh giá độ xác thực của nó. Kho tàng kiến thức khoa học được cập nhật và thay đổi liên tục, nên bài viết càng cũ thì mức độ đáng tin càng giảm. Ngoại lệ là một số kiến thức khoa học nền tảng và phổ thông, vốn được giảng dạy ở trường học.

5. Xếp hạng độ tin cậy của bài nghiên cứu[sửa]

Đa số những bài viết về sức khoẻ thường nhắc đến nghiên cứu, nhưng nghiên cứu có rất nhiều loại và mức độ đáng tin cậy của bằng chứng lại khác nhau.

Hệ thống phân cấp chứng cứ (Theo trường đại học Dartmouth, Hoa Kỳ)

Hệ thống phân cấp chứng cứ (Theo trường đại học Dartmouth, Hoa Kỳ)

Đỉnh tháp là 1. Đánh giá tổng hợp có hệ thống có vị trí cao nhất, còn càng về cuối chân tháp là 7. thông tin cơ bản/ ý kiến chuyên gia có vị trị thấp nhất.

1) Đánh giá tổng hợp có hệ thống (systematic reviews)[sửa]

Một loại nghiên cứu tìm kiếm toàn bộ các nghiên cứu liên quan đến một chủ đề nhất định, loại bỏ những nghiên cứu có khiếm khuyết trong khâu thực hiện, và dùng phương pháp thống kê để tổng hợp kết quả những nghiên cứu đã được chọn lọc để đưa ra một kết quả thống nhất. Đứng đầu trong loại này là nghiên cứu tổng hợp meta-analysis. Những bài viết đề cập kết quả của nghiên cứu tổng hợp, đặc biệt là meta-analysis, thì bằng chứng đáng tin cậy nhất.

2) Tổng hợp bằng chứng được thẩm định (critically-appraised topics)[sửa]

Một bản tóm ngắn gọn bằng chứng từ nhiều nghiên cứu liên quan đến một chủ đề nhất định, thường tập trung vào một câu hỏi lâm sàng. Đây cũng là một phiên bản tối giản và ít khắt khe hơn của loại 1) đánh giả tổng hợp có hệ thống (systematic reviews).

3) Bài viết tóm tắt cá nhân (critically-appraised individual articles)[sửa]

Một bài viết tóm tắt và đánh giá một vài nghiên cứu liên quan đến một chủ đề nhất định.

4) Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (randomized controlled trials)[sửa]

Một thử nghiệm trong đó người tham gia được chia ra thành 2 hay nhiều nhóm khác nhau một cách ngẫu nhiên để nhận được một hay nhiều biện pháp can thiệp lâm sàng. Một nhóm trong số đó sẽ được dùng làm nhóm đối chứng (control group) để so sánh với nhóm khác. Một trong số phương pháp thường được sử dụng ở nhóm đối chứng là cho bệnh nhân uống giả dược (placebo, thực chất là một viên đường, không có tác dụng gì hết), so sánh với nhóm được uống thuốc đang được nghiên cứu, để loại trừ hiệu ứng giả dược (placebo effect, tức là bệnh nhân có cảm giác bớt bệnh, nhưng thực chất chỉ là một hiệu ứng tâm lý chứ không phải tác dụng thật).

5) Nghiên cứu đoàn hệ (cohort studies)[sửa]

Một nghiên cứu quan sát và theo dõi nhóm người tham gia từ thời điểm được chọn và có thể kéo dài đến tương lai để đánh giá những yếu tố nguy cơ dẫn đến một căn bệnh nào đó.

6) Báo cáo ca bệnh/ nghiên cứu ca bệnh (reports/ case series)[sửa]

Một báo cáo hay nghiên cứu theo dõi quá trình tiến triển bệnh hay lành bệnh một số bệnh nhân riêng lẻ. Một số trường hợp cá biệt trong báo cáo ca bệnh thường là nguồn cho những tin đồn. Một ví dụ nổi trội là vào năm 2015, bà Lý 45 tuổi tại Trung Quốc uống sữa đậu nành liên tục trong gần 3 năm rồi bị ung thư, được chữa trị bởi bác sĩ Tôn Nhất Hồng tại bệnh viện thành phố Ninh Ba. Ca này đã gây hoang mang cho rất nhiều người bởi mối lo sợ về nguy cơ ung thư, nhưng đa số không hiểu rằng đấy chỉ là một ca bệnh riêng lẻ, chứ không phản ánh sự ảnh hưởng của đậu nành lên đại đa số, và mức độ đáng tin của bằng chứng chỉ xếp hạng thứ 6.

7) Thông tin cơ bản/ ý kiến của chuyên gia (background information/ expert opinion)[sửa]

Thông tin cơ bản bao gồm những quan sát và kết quả của nghiên cứu trong ống nghiệm hay trên động vật không phải con người. Con người là một tổng thể phức tạp hơn rất nhiều, nên những kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm hay trên động vật chỉ có đủ sức để tạo nên giả thuyết cho các nghiên cứ lâm sàng trên người, chứ không thể đặt ngang hàng với kết quả nghiên cứu lâm sàng được.

Ý kiến chuyên gia cũng không được đánh giá cao trong hệ phân cấp chứng cứ bởi nó có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm cá nhân và dễ gây tranh cãi.

Tổng kết[sửa]

5 phần chính cần được xem xét khi đánh giá mức độ xác thực của một bài viết bao gồm:

  1. Tác giả
  2. Nguồn lưu hành bài viết
  3. Ngày tháng cập nhật
  4. Nội dung bài viết
  5. Xếp hạng độ tin cậy của Nghiên cứu.

Để thuận tiện cho việc ghi nhớ, bạn có thể nhớ TNNNN hay T4N.

Như mọi kỹ năng khác, kỹ năng phân biệt và đánh giá độ xác thực của một bài báo cũng cần được trau dồi và luyện tập thường xuyên. Thời gian đầu khó tránh khỏi việc mất nhiều thời gian cho những bước này, nhưng càng về sau khi những kỹ năng cơ bản này sẽ dần ăn sâu thành thói quen mỗi lần đọc của bạn, bạn chỉ cần mất rất ít thời gian để xác định có nên tin một bài viết hay không. Thói quen này cũng sẽ giúp bạn chọn lọc thông tin một cách hiệu quả hơn và giảm thiểu những rủi ro không đáng có cho bản thân và gia đình vì những nguồn tin thất thiệt.

Ruy Băng Tím cũng cam kết mỗi bài viết của nhóm đều thoả mãn 5 yêu cầu cơ bản trên để đảm bảo chất lượng bài viết cũng như củng cố được niềm tin của bạn đọc dành cho nhóm.

Lưu ý: Không nên dựa hoàn toàn vào thông tin trên mạng để có những quyết định liên quan đến sức khoẻ của bản thân và gia đình. Bạn nên tìm kiếm những người có kiến thức chuyên môn hay bác sĩ có kiến thức và hiểu rõ tình trạng của bạn để được tư vấn thêm.

Thông tin tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm thông tin: Tee Nguyễn
  • Đóng góp ý kiến: TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu City of Hope, Hoa Kỳ) và Nguyễn Cao Luân.
  • Ngày đăng: 28/06/2016
  • Ngày cập nhật: 28/06/2016

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Deciding wether a source is reliable. Center for Diseases Control. [cited 2016 June 27th]. Available from: http://www.cdc.gov/des/consumers/research/understanding_deciding.html
  2. Fiding and evaluating online resources. National Center for Complementary and Integrative Health, 2014. [cited 2016 June 27th]. Available from: https://nccih.nih.gov/health/webresources
  3. Online information: Can you trust it? National Institute on Aging, 2016. [cited 2016 June 27th]. Available from: https://www.nia.nih.gov/health/publication/online-health-information
  4. How can I tell if a website is reliable? University of Texas, Lee College. [cited 2016 June 27th]. Available from: https://www.edb.utexas.edu/petrosino/Legacy_Cycle/mf_jm/Challenge%201/website%20reliable.pdf
  5. Cancer information on internet. American Cancer Society, 2014. [cited 2016 June 27th]. Available from: http://www.cancer.org/cancer/cancerbasics/cancer-information-on-the-internet
  6. Evidence-based medicine resources. Dartmouth Biomedical Library. [cited 2016 June 27th]. Available from: http://www.dartmouth.edu/~biomed/resources.htmld/guides/ebm_psych_resources.html
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • Ruy Băng Tím
  • Tee Nguyễn hiện là sinh viên ngành dược tại University of Washington, Seattle, Mỹ. Tee cũng đang làm việc cho chuỗi nhà thuốc Bartell Drugs-Seattle, Ban Gây Quỹ của University of Washington, và là thành viên của Global Brigades (một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận thực hiện những dự án sức khoẻ, kinh tế và nhân quyền cho một số nước đang phát triển).

Xem thêm[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này