Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/1

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tôi rất háo hức khi được đọc cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử”. Đây là một cuốn sách lý thú. Lý thú bởi nó nó được viết bởi một tín đồ tôn giáo chính thống yêu khoa học. Nói đến tôn giáo, trong suy nghĩ bình thường thì đó là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm. Nhưng cuốn sách này đã không thể hiện toàn bộ quan niệm duy tâm của Phật giáo mà đã thể hiện những quan điểm tiến bộ mang tính khoa học của Phật giáo về thế giới khách quan, so sánh một số quan niệm của Phật giáo và khoa học về thế giới tự nhiên và đề xuất của Đạt lai lạt ma về sự nghiên cứu chung giữa Phật giáo và khoa học về ý thức. Sự lý thú đó đã khiến tôi không thể không viết một vài lời bình về cuốn sách này, đặc biệt là các quan niệm về ý thức, một lĩnh vực mà tôi rất quan tâm với tư cách là một người nghiên cứu về hoạt động thần kinh cao cấp.

Là một người không biết ngoại ngữ, nói đúng hơn là kém ngoại ngữ đến mức coi như không biết gì, nên tôi không thể đọc trực tiếp được các tài kiệu bằng tiếng nước ngoài. Cảm ơn dịch giả Võ Quang Nhân đã dịch sách và chú giải cẩn thận và thành viên Nguyễn Thế Phúc đã tải lên để những người như chúng tôi có được cuốn sách đáng đọc.

Có thể có người thắc mắc là tại sao một người như tôi không biết ngoại ngữ mà lao vào nghiên cứu khoa học, hơn thế lại nghiên cứu về hoạt động thần kinh cao cấp, một lĩnh vực không dính dáng gì đến chuyên môn và cồng việc hàng ngày của mình? Có thể câu trả lời nằm ở chữ “Duyên” theo quan niệm của Phật giáo và một trạng thái gần như “ thiền” mà tôi được tiếp nhận ( không biết từ đâu). Phần lớn những ý tưởng và nội dung chính của những nghiên cứu của tôi về hoạt động thần kinh cao cấp mà tôi đưa lên thư viện này đều hình thành trong trạng thái, gọi một cách nôm na là nửa mê nửa tỉnh. Mê bởi khi trong trạng thái đó tôi không tiếp nhận các kích thích thần kinh từ bên ngoài. Tỉnh bởi tôi vẫn nhận ra được những gì đang diễn ra trong não của mình. Nói cách khác, có nhiều điều được tôi viết ra đã nảy sinh trong đầu óc mình mà theo cách nhìn của Phật giáo là “ý thức tự nó” bởi nó không được đưa từ ngoài vào theo cách học hỏi. Nhưng tôi hiểu được rằng đó không phải “ý thức tự nó”. Tôi sẽ phân tích rõ hơn điều này khi bình về trạng thái thiền.

Các vấn đề được nêu lên trong cuốn sách là khá nhiều, do vậy không thể bình luận hết được. Tôi chỉ tập trung vào một số vấn đề và trình bày theo sự xuất hiện của chúng. Nếu tôi có chậm đưa các bài viết lên là bởi tôi không có nhiều thời gian dành riêng cho việc này.

Hướng tới khoa học và nhận thức về khoa học[sửa]

Đây là những lời bình về Chương I: Quán chiếu. Với những người không theo tôn giáo và được hưởng những thành quả của khoa học thì khoa học chỉ là một cái gì đó tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại và do đó việc tìm hiểu, đánh giá về khoa học rất hời hợt. Tôi còn nhận được lời đánh giá về các lý thuyết khoa học giống như cái áo mặc trên người, còn các nhà khoa học là những thợ may- thợ khéo tay thì chiếc áo sẽ được sử dụng và sử dụng lâu, còn không thì nó sẽ bị vứt bỏ hoặc chỉ sử dụng được trong một thời gian ngắn. Có thể có những nhà khoa học rất tâm huyết với khoa học, nhưng sự tâm huyết đó chỉ vì khoa học.

Đạt lai Lạt ma đã thể hiện cái nhìn thấu đáo về vị trí, vai trò của khoa học trong sự phát triển của nhân loại, gồm cả mặt tích cực và mặt tiêu cực có thể. Sự hướng tới khoa học của Đạt lai Lạt ma xuất phát từ sự thấu hiểu này: (trích) “Việc thấy được tầm quan trọng to lớn của khoa học và nhận biết địa vị thống trị không tránh khỏi của nó trong thế giới đã thay đổi một cách cơ bản thái độ của tôi với khoa học, từ chỗ tò mò trở thành một kiểu hành động gấp rút. Trong Phật giáo, lý tưởng tâm linh cao nhất là để nuôi dưỡng lòng từ bi cho mọi chúng sinh hữu tình[1] và đề làm cho phúc lợi của họ được mở rộng tối đa. Từ khi còn rất ấu thơ, tôi đã được tạo duyên để chăm chút cho lý tưởng này và cố gắng để thi hành nó trong mọi hành vi. Vậy nên, tôi đã muốn hiểu biết khoa học vì nó cho tôi một lãnh vực mới để thám sát trong cuộc truy tầm để hiểu được bản chất về thực tại của tôi. Tôi cũng muốn học hỏi nó, bởi vì nó là cách thức mạnh mẽ để liên lạc với các thấu hiểu được góp nhặt từ chính truyền thống tâm linh của mình. Cho nên, với tôi, nhu cầu làm việc với lực lượng [khoa học] mạnh mẽ này trong thế giới của chúng ta cũng đã trở thành một loại sứ mệnh tâm linh.” Chúng ta có thể thấy sự hướng tới khoa học thể hiện trên hai mặt :Truy tầm bản chất thực tại và phục vụ cho lý tưởng tâm linh cao nhất của Phật giáo Tây tạng. Sở dĩ tôi nói riêng cho Phật giáo Tây tạng bởi Phật giáo nói chung chỉ nuôi dưỡng lòng từ bi và giúp cho việc diệt khổ trên phương diện tâm lý. Để có thể đạt được điều này ( diệt khổ trên phươnmg diện tâm lý ) điều quan trọng là phải từ bỏ được các ham muốn vật chất. Khi phúc lợi được mà rộng sẽ khuyến khích sự ham muốn vật chất .Sự ham muốn vật chất sẽ ngày càng gia tăng khi nguồn của cải vật chất được tạo ra ngày càng nhiều và đa dạng. Khi ham muốn gia tăng thì buộc con người phải làm việc nhiều hơn, căng thẳng hơn và con đường diệt khổ sẽ càng khó khăn hơn. Khoa học giúp cho sự gia tăng phúc lợi xã hội và do đó giúp “diệt khổ” về mặt thân xác những không giúp diệt khổ về mặt tâm trí và trong nhiều trường hợp làm gia tăng nỗi khổ về tâm trí như sự gia tăng áp lực công việc tạo căng thẳng thần kinh mà từ đó nhiều người không chịu đựng nổi phải tìm đến cái chết. Ngược lại Sự diệt khổ của Phật giáo là sự diệt khổ trong tâm trí mà không giúp diệt khổ về mặt thân xác.

Tôi không đi sâu vào việc Đạt lai Lạt ma xác định vị trí và vai trò của Khoa học, mà muốn nói về sự thể hiện những mặt tiêu cực có thể của khoa học trong cuốn sách. Đạt lai Lạt ma đã nhận rõ được vấn đề cần có một sự quản lý khoa học hoặc phải đề cao đạo đức khoa học. Sự quản lý khoa học hay đạo đức khoa học không phải là không có. Vấn đề là sự quản lý đó nhằm mục đích gì và đạo đức khoa học được thấm nhuần đến đâu. Các Nhà nước đều cố gắng quản lý khoa học nhằm tạo ra nhiều giá trị và của cải vật chất, nâng cao phúc lợi xã hội. Nhưng bên cạnh đó là sự quản lý nhằm mục đích chính trị và thương mại. Sự quản lý ở khía cạnh thứ hai này rất dễ dẫn đến những hậu qua tai hại khó lường từ việc ứng dụng các thành quả của khoa học, trong đó có việc ứng dụng các kết quả khoa học chưa được dự liệu các mặt tiêu cực có thể. Hậu quả nhãn tiền là sự biến đổi mạnh mẽ của khí hậu. Mà sự biến đổi đó nhiều khi xoá sạch những cố gắng nâng cao phúc lợi xã hội. Hậu quả khác phải kể đến là sự phát sinh và gia tăng các loại bệnh tật nan y.

Vấn đề đạo đức trong khoa học nên bắt đầu từ đâu? Từ chỗ mưu cầu khám phá thế giới tự nhiên hay từ chỗ ứng dụng các thành tựu khoa học? Theo tôi thì vấn đề đạo đức khoa học nên đặt ra ngay từ chỗ mưu cầu bởi mỗi nhà khoa học khó có thể tự mình làm được tất cả và cũng không thể làm được đồng thời cả hai việc hiểu biết thế giới tự nhiên và xác định được lợi ích và hậu quả tai hại của việc sử dụng các khám phá khoa học. Trong việc này, đạo đức khoa học thể hiện ở chỗ công bố sớm hay muộn các kết quả nghiên cứu. Khi những khám phá khoa học mà việc sử dụng chúng có thể có những hậu quả nghiêm trọng thì việc công bố chúng có thể là không có đạo đức nếu người có khám phá biết có hậu quả xấu mà vẫn cố tình công bố. Sẽ là thiếu và rất mất công bằng khi yêu cầu về đạo đức chỉ đặt ra cho các nhà khoa học. Các nhà quản lý khoa học cũng cần có đạo đức khoa học và điều này càng phải được đề cao trong những người sử dụng các thành tựu khoa hoc.

Có một quan điểm rất lạ trong tư duy của Đạt lại lạt ma. Tôi không nghiên cứu về Phật giáo nên không biết trong giáo lý Phật giáo có thể hiện quan điểm đó không. Vì vậy tôi đã lấy làm lạ khi Đạt lai Lạt ma viết: “Quan điểm cho rằng tất cả các khía cạnh của thực tại đều có thể quy giảm về vật chất và các hạt vật lý của nó, theo ý tôi, có vị trí siêu hình tương đương không thua gì với vị trí siêu hình của quan điểm cho rằng có một cơ chế thông minh đã sáng tạo ra và điều khiển thực tại.” Quan điểm cho rằng không có một cơ chế thông minh đã sáng tạo ra và điều khiển thực tại có lẽ đã tạo nên sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác và làm cho Phật giáo có những điểm gần với khoa học chăng? Tôi đồng tình với Đạt lai Lạt ma trong việc đánh giá về chủ nghĩa khoa học duy vật: “Một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật khoa học trọng căn là nó dẫn tới tầm nhìn thiển cận và có thể nảy sinh ra chủ nghĩa hư vô Chủ nghiã hư vô, chủ nghiã duy vật, và chủ nghĩa quy giảm tất cả có các vấn đề nêu trên từ tầm nhìn triết học, đặc biệt là tầm nhìn con người, bởi vì chúng có tiềm lực làm nghèo kiệt đi cách thức mà chúng ta nhìn chính mình.”

Hướng tới khoa học để sử dụng các thành quả của khoa học để làm lành mạnh các nhận thức tâm linh của Phật giáo là một điều chỉ có thể nảy sinh trong suy nghĩ trong một con người đam mê khoa học, đã thấu hiểu về những điều mà nhận thức tâm linh khó nhận thức đầy đủ và hiểu được sức mạnh của khoa học trong việc khám phá bản chất của thực tại, . Nhưng sẽ có không nhiều các nhà khoa học chấp nhận điều ngược lại là sử dụng các phương pháp của Phật giáo để làm sáng tỏ và đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học mặc dù khoa học chưa thấu triệt được bạn chất của thực tại và không thể phủ nhận được một số thành tựu nhận thức mà Phật giáo đã thu được. Với Đạt lại Lạt ma thì chủ nghĩa quy giản trong khoa học chỉ làm nghèo đi cách thức mà chúng ta nhìn nhận chính mình. Với tôi thì không chỉ có vậy mà chủ nghĩa quy giản còn làm nghèo đi cách thức mà chúng ta nhìn nhận thực tại và hơn thế là sự sai lầm trong nhận thức. Để có năng lượng cho hoạt động, cơ thể chúng ta thực hiện phân giải glucid. Phản ứng hoá học này khi diễn ra trong các tế bào cơ thì sinh ra sự co cơ, còn khi diễn ra trong các tế bào thần kinh lại tạo nên các phản xạ thần kinh và làm cho ý thức được khởi lên. Những người chủ trương quy giản sẽ không bao giờ và không thể trả lời được câu hỏi tại sao cùng một phản ứng hoá học những diễn ra tai hai nơi khác nhau trong cùng một cơ thể lại cho những hệ quả khác nhau.

Mục lục[sửa]

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/2

Liên kết đến đây