Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/6: Các quan niệm về ý thức

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tôi đã nêu nội dung sinh học cho định nghĩa về ý thức. Nếu so sánh với các quan niệm về ý thức của Phật giáo, của triết học Mác-Lê thì quan niệm của tôi về ý thức đã có sự khác biệt. Nó không quá rộng như quan niệm của Phật giáo để khó tìm được sự giải thích tại sao có những loài động vật vẫn tồn tại được khi các cá thể non xa rời bố mẹ từ khi mới chào đời và có loài mà con non chỉ có khả năng tự tồn tại khi được bố mẹ chăm sóc và dạy dỗ trong một khoảng thời gian sau khi sinh, nhưng cũng không quá hẹp như định nghĩa của Lê nin để không thể giải thích được tại sao nhiều con vật có thể huấn luyện thực hiện được nhiều động tác phức tạp trong rạp xiếc và cũng gỡ cho khoa học không phải mô tả hình thù, cấu tạo của ý thức như thế nào và không tìm cách để “điều chế” ý thức và “tiêm ý thức vào não” khi ý thức được xác định không phải là vật chất. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa Phật giáo, khoa học và phép biện chứng duy vật (nâng cao). Đây là một quan niệm về ý thức mới và như vậy trong cái kho quan niệm về ý thức có thêm một mặt hàng nữa. Câu hỏi đặt ra là có cần thêm một quan niệm nữa không khi đã có nhiều quan niệm về ý thức và cái nào là đúng? Ý thức có khá nhiều bí ẩn và vậy có nhiều quan niệm khác nhau về ý thức là điều không khó hiểu. Ý thức có một, nhưng nó được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau và sự thể hiện của nó trong mỗi góc độ lại khác nhau. Điều quan trọng nhất là phải tìm được một quan niệm, một định nghĩa có khả năng phản ánh đầy đủ nhất về ý thức. Để làm rõ hơn điều này, tôi xin phân tích thêm về một số quan niệm về ý thức mà Đạt lai lạt ma đã nêu ra trong chương 6 của cuốn “ Vũ trụ trong một nguyên tử ”. Có thể đặt ra nhiều câu hỏi cho từng quan niệm và nếu quan niệm không đúng sẽ có nhiều câu hỏi không trả lời được hoặc sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong quan niệm. Đó là các trường hợp đã xảy ra trong quan niệm của Phật giáo và của Triết học Mác- Lê nin mà tôi đã phân tích trong bài [[Một số lời bình sau khi đọc Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/5: Ý thức là gì?. Tôi xin phân tích thêm một số vấn đề.

Trước hết, trong bài trước tôi đã phân tích để đi đến kết luận rằng ý thức không phải là vật chất, nó chỉ là kết quả của các quá trình vận động của vật chất hay một tiến trình vật lý mà không phải là một tiến trình vật lý. Điều này tương tự như quan điểm của Phật giáo tâm thức giới không thể quy giản vào trong thế giới của vật chất mặc dù phải dựa vào thế giới đó để hoạt hóa, có nghĩa là một tiến trình vật lý trong não bộ có thể khởi lên ý thức. Ý thức chỉ có thể khởi lên từ một tiến trình vật lý nào đó nhưng không phải bất kỳ tiến trình vật lý nào xảy ra trong não đều khởi lên một ý thức. Một người học thuộc một câu nói tiếng nước ngoài ( có nghĩa là tiến trình vật lý đã được thiết lập) nhưng hoàn toàn không hiểu nghĩa của câu đó thì khi anh ta nghe người khác nói hoặc chính anh ta nói câu nói đó sẽ không có một ý thức nào đó được khởi lên. Nhưng khi cho anh ta biết ý nghĩa của câu nói đó thì ý thức trong não anh ta sẽ hiển lộ theo ý nghĩa của câu nói. Một ví dụ đơn giản hơn: cho một người đi theo một con đường có nhiều ký hiệu khác nhau, anh ta nhìn thấy tất cả các ký hiệu đó nhưng không hề thực hiện một hành vi nào để đáp ứng lại các ký hiệu đó. Khi yêu cầu anh ta lặp lại hành trình đó với điều kiện anh ta phải thực hiện một số hành động tương ứng với mỗi ký hiệu, nếu không sẽ bị phạt thì ý thức thựchiện hành động xuất hiện trong não anh ta mỗi lần nó tiếp nhận thông tin về ký hiệu được chuyển đến từ các giác quan. Luận điểm này làm rõ hơn tính phi vật chất của ý thức đồng thời xác định sự phụ thuộc của ý thức vào thế giới vật chất. Đây là một nhận thức rất quan trọng. Do ý thức được khởi lên từ một tiến trình vật lý trong hệ thần kinh nên mọi tác động làm thay đổi tiến trình vật lý đó đều có thể làm thay đổi ý thức. Các tiến trình vật lý giống nhau có thể khởi nên các ý thức giống nhau hoặc có thể khác nhau và những ý thức giống nhau có thể được khởi nên từ các tiến trình vật lý khác nhau ( các hệ thống ngôn ngữ khác nhau cùng trình hiện một ý thức). Không có ý thức nào không gắn liền với một tiến trình vật lý và được khởi lên mà không bắt dầu từ một tiến trình vật lý. Đây là điều khác biệt với nhận thức Phật giáo cho rằng tâm thức giới vẫn thụ hưởng một trạng thái tách biệt với vật chất giới. Không thể quy giản ý thức ( hay tâm thức) vào một tập hợp con (là bộ não ) của vật chất nhưng cũng không thể tách rời ý thức ra khỏi vật chất. Câu hỏi đặt ra là tại sao không thể tách rời ý thức khỏi vật chất? Trả lời cho câu hỏi này là một câu hỏi khác: nếu ý thức tách rời khỏi vật chất ( dù ở hình thức nào) thì nó ngự trị ở đâu trong vũ trụ này khi khoa học đã không tìm thấy nó tại nơi mà nó hiển lộ là bộ não? Và nếu tách rời được thì câu hỏi vật chất có trước hay ý thức có trước lại được đặt ra và như vậy sẽ dẫn đến suy luận rằng ý thức không chỉ giới hạn trong các chúng sinh hữu tình nữa mà đã có từ trước đó. Còn bộ não, nơi chứa đựng ý thức nếu bị hỏng hoặc bị tiêu hủy thì ý thức cũng bị mất theo. Một vấn đề nan giải là chúng ta lại không biết một tiến trình vật lý nào sẽ khởi nên một ý thức. Mỗi tiến trình vật lý gắn với một chuỗi hoạt động của các tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ hay lỏng lẻo, tạm thời hay lâu dài. Chúng ta, trong một giới hạn nào đó, chỉ có thể kích thích cho tiến trình vật lý vận hành hoặc xóa bỏ tiến trình vật lý đó trên cơ sở kích thích cho các tế bào thần kinh hoặc phá hủy chúng, phá hủy mối liên hệ giữa chúng để xóa đi hoặc thay đổi tiến trình vật lý và do đó làm thay đổi ý thức đã có. Tự nhiên, theo các quy luật vận động rắc rối của nó sẽ tạo ra các chuỗi tế bào thần kinh để cho ý thức được khởi lên.

Khi nêu luận điểm trên đây tôi có thể biết rằng Đạt lai lạt ma và những người có cùng quan điểm sẽ tranh luận lại với tôi rằng ý thức có thể tách rời khỏi vật chất mà bằng chứng là ví dụ về các hiểu biết bản năng của các con vật mới sinh đã biết tìm đến nguồn thức ăn hoặc ví dụ về những đứa trẻ nhớ rõ về “tiền kiếp”. Đạt lai lạt ma viết: “Tôi biết một trường hợp đáng ghi nhớ về một bé gái trẻ ỏ Kanpur trong bang Uttar Pradesh thuộc Ấn Độ vào đầu thập niên 1970. Mặc dù ban đầu cha mẹ em gạt bỏ mô tả của bé gái về một cặp cha mẹ khác tại một nơi đặc biệt mà cô bé đã miêu tả, giải thích của bé đã rất cụ thể khiến họ bắt đầu nghiêm túc nghe theo em. Khi hai người vốn được em xác nhận là cha mẹ trong kiếp sống trước đến gặp, cô bé đã kẻ với họ các chi tiết đặc biệt mà chỉ có những người thân trong gia đình mới có thể biết về cái chết của đứa con của họ. Kết quả là khi tôi gặp cô ta; hai cha mẹ kia cũng đã ôm chầm lấy cô như là thành viên trong gia đình họ. Đây chỉ là một chứng cứ nhỏ nhặt, nhưng những hiện tượng như thế thì không thể dể dàng bỏ qua.” Tôi xin nói thêm là trên một số báo của Việt nam cũng đã mô tả một số trường hợp như vậy ở Việt nam. Điều này như là các chứng cứ thuyết phục rằng ý thức có thể tách rời khỏi vật chất và ý thức là cái có sẵn, ý thức chỉ chờ một cơ hội để thâm nhập vào một cơ thể sống giống như linh hồn vậy. Đây là những hiện tượng mà khoa học nếu chỉ cho ý thức là tiến trình vật lý và bất kỳ quan niệm nào cho ý thức là vật chất hoặc quy giản về vật chất sẽ không thể giải thích được bởi nếu xét trên quan điểm di truyền thì những đứa trẻ nhớ lại tiền kiếp của mình chắc chắn sẽ không có hệ thống gen di truyền của cha mẹ tiền kiếp mà chỉ có hệ thống gen của cha mẹ trực tiếp sinh ra chúng, do đó ý thức không truyền lại theo con đường di truyền. Thực tế với những chứng cứ và quan điểm này Phật giáo đã tách ý thức ra khỏi vật chất và tất nhiên sẽ vấp vào câu hỏi tôi đã nêu trên đây và câu hỏi nữa là nếu có tiền kiếp thì tại sao dân số thế giới lại tăng lên được nếu như số lượng tiền kiếp là có hạn?. Vậy lý giải như thế nào về các hiện tượng “nhớ về tiền kiếp”? Trên đây tôi đã nêu quan điểm ý thức gắn liền với một tiến trình vậ lý và tiến trình vật lý gắn liền với một chuỗi hoạt động của các tế bào thần kinh, các tiến trình vật lý giống nhau sẽ khởi lên các ý thức giống nhau. Sự “nhớ lại tiền kiếp” là biểu hiện của các tiến trình vật lý giống nhau trong các bộ não khác nhau. Vậy tại sao trong các bộ não khác nhau lại có thể có các tiến trình vật lý giống nhau hoặc nói cụ thể hơn có các chuỗi hoạt động thần kinh giống nhau. Đây chính là chỗ mà khoa học chưa vươn tới. Khoa học chưa biết não bộ ghi nhớ như thế nào mặc dù có thể biết khu vực nào của não bộ phụ trách hoạt động nào. Các chức năng thần kinh của bộ não được hình thành theo hai con đường: di truyền và tiếp nhận mới từ bên ngoài trong quá trình sinh trưởng. Các chức năng thần kinh hình thành theo con đường di truyền là các chức năng mang tính bản năng và được hình thành trong suốt quá trình tiến hóa của loài. Còn các chức năng mới được hình thành trong một đời cá thể động vật thông qua dạy dỗ, học hỏi hoặc tự trải nghiệm. Các chức năng thần kinh mang tính bản năng có sự biểu hiện giống nhau giữa các cá thể trong cùng loài, còn các chức năng mới mang tính đặc thù của từng cá thể. Mặc dù các chức năng thần kinh mới mang tính đặc thù, nhưng nếu có sự hình thành giống nhau trong các hệ thần kinh của các cá thể trong cùng loài thì chúng cũng sẽ có sự thể hiện giống nhau. Đây là điều sẽ ( hoặc đã ) xảy ra. Ý của tôi muốn nói về trường hợp nhớ lại “tiền kiếp” mà Đạt lai lạt ma đã nêu. Hai hệ thần kinh khác nhau nhưng có sự ghi nhớ mới giống nhau đã thể hiện như là một. Vấn đề là tại sao một người phải tiếp xúc trực tiếp với thực tế mới có được sự ghi nhớ về hoàn cảnh sống, cha mẹ mình hay ý thức chỉ hình thành trong cuộc đời của cá thể, còn người kia được thụ hưởng sự ghi nhớ đó mà không tiếp xúc trực tiếp? nói cách khác, các cấu trúc ghi nhớ của một người (tiền kiếp) được hình thành qua các giác quan, còn người kia ( hậu kiếp) được hình thành như thế nào bởi chắc chắn là không phải thông qua các giác quan. Xin bạn đọc xem lại lời bình thứ tư khi tôi viết về linh hồn. Nếu không có linh hồn thì chúng ta sẽ không thể nào giải thích được sự sống và cái chết, và tôi cũng viết rằng ứng cử viên nặng ký nhất của linh hồn là năng lượng. Thực tế thì trong loạt bài Ý nghĩa triết học của mối quan hệ đặc biệt giữa vật chất và năng lượng tôi đã khẳng định linh hồn là năng lượng, và năng lượng này có chức năng làm cho các cấu trúc vật chất vận động theo một tiến trình vật lý để hiển lộ sự sống. Còn chức năng thứ hai của năng lượng làm cho vật chất có cấu trúc. Sự ghi nhớ của các tế bào thần kinh cũng được hình thành bởi các dòng năng lượng. Bằng cách nào đó mà các tế bào thần kinh ghi nhớ mới tiếp nhận được một dòng năng lượng đủ cho nó hình thành cấu trúc chức năng thần kinh và nó có đủ lượng vật chất cần thiết thì chức năng thần kinh của nó được hình thành. Dòng năng lượng đã tạo nên một cấu trúc vật chất sẽ trú ngụ trong cấu trúc vật đó và nếu do một tác động nào đó làm cho cấu trúc bị phân rã thì dòng năng lượng đó sẽ thoát ra ngoài. Các dòng năng lượng đã tạo nên các cấu trúc ghi nhớ mới về cha mẹ, cuộc sống của người tiền kiếp đã thoát ra ngoài khi não của người đó bị phân hủy và xâm nhập được vào não của người hậu kiếp, tạo nên được một số cấu trúc ghi nhớ mới trong não của người hậu kiếp giống với của người tiền kiếp để rồi tạo nên các tiến trình vật lý giống nhau trong hai bộ não khác nhau làm hiển lộ một số ý thức giống nhau. Xin bạn đọc lưu ý bởi dù giải thích như vậy và cho rằng cách giải thích này là đúng thì ý thức vẫn không phải là cái có sẵn bởi chúng ta còn phải đề cập đến một số biếu hiện khác của hiện tượng như là điều kiện để cho hiện tượng này có thể xảy ra như cha mẹ của người tiến kiếp và hậu kiếp không quá cách xa nhau về tuổi tác, về khu vực đia lý, điều kiện xã hội, tuổi của người hậu kiếp... Có không nhiều, thậm trí là có thể có quá ít sự biểu hiện của các ý thức giống nhau qua các thế hệ. Hai ví dụ ý thức chỉ xuất hiện sau khi có sự giải thích ý nghĩa của câu tiếng nước ngoài và ý nghĩa các tín hiệu trên đường đi cho thấy ý thức là không có trước và không có tiền kiếp nào giúp cho việc bộ não tự hiểu nghĩa của câu tiếng nước ngoài hay ý nghĩa của các ký hiệu. Còn hiện tượng tiền kiếp hậu kiếp là một ví dụ sinh động của mối quan hệ đặc biệt giữa vật chất và năng lượng mà tôi nêu trong bài Ý nghĩa triết học của mối quan hệ đặc biệt giữa vật chất và năng lượng .

Phật giáo cho rằng ý thức bao gồm sáu thức, trong đó có năm thức thuộc về các giác quan. Nhưng ví dụ không xuất hiện ý thức khi một người không hiểu nghĩa khi nghe câu nói tiếng nước ngoài cho thấy không phải cứ có tác động lên các giác quan là có ý thức xuất hiện. Ý thức chỉ xuất hiện trong những trường hợp các tác động đó đem đến một ý nghĩa nào đó mà bộ não có khả năng tiếp nhận và phân tích ý nghĩa của sự tác động. Trong một số trường hợp khác, các tác động lên các cơ quan được cơ thể phản ứng lại nhưng không thông qua sự phân tích, ví dụ như khi tay sẽ rụt lại khi chạm vào một cái cốc nóng hoặc mắt nhắm lại khi nó phát hiện có vật thể đang lao vào nó là những phản ứng mang tính bản năng. Mà như tôi đã nêu là các phản ứng mang tính bản năng không thuộc về ý thức. Các phản ứng mang tính bản năng mang tính cơ học và không đi kèm sự nhận thức, không có sự phân biệt đối tượng tác động và do đó nhiều khi các phản ứng là không phù hợp với đối tượng. Mặt khác, các thông tin do các giác quan chuyển về hệ thần kinh trung ương cũng không phải luôn phản ánh đúng thực tại, không được hệ thần kinh trung ương tiếp nhận và đánh giá đúng ( thể hiện trong nhiều giấc mơ hoặc tạo nên các ảo giác, các nhận thức sai lệch mà một trường hợp trong số đó tôi nêu trong bài Hiện tượng “đọc trong não” và các sai sót chính tả khi viết bài ). Như vậy, việc xếp các thức thuộc về các giác quan vào trong ý thức sẽ dẫn dến sự nhận thức sai lệch về ý thức. Ý thức chỉ bao hàm nội dung của thức thứ sáu trong quan niệm Phật giáo.

Có một điểm chung giữa Phật giáo và khoa học hiện tại là chỉ xem xét sự hiển lộ của ý thức ở con người. Phật giáo đã cho ý thức có trong tất cả các chúng sinh hữu tình. Nhưng phương pháp nghiên cứu tập trung vào sự hiển lộ của ý thức trong bộ não con người mà Đạt lai lạt ma nêu trong cuốn sách, đó là dùng ngôi nhân xưng thức nhất. Khoa học cũng chỉ sử dụng các thiết bị hiện đại trong việc truy cứu ý thức trong bộ não người. Sự so sánh hoạt động của não bộ với một mô hình điện toán hay trí thông minh nhân tạo sẽ không bao giờ dẫn đến sự hiểu hiết về ý thức bởi chúng ta có thể sản xuất hàng loạt các máy tính giống nhau nhưng không bao giờ có thể tạo ra được hai bộ não giống nhau. Dùng ngôi nhân xưng thứ nhất để tìm hiểu ý thức, như Đạt lai lạt ma nêu, là dùng trí tuệ để hiểu về trí tuệ. Tôi nhất trí với quan điểm này bởi chỉ có trí tuệ mới hiểu được trí tuệ. Khoa học sẽ không thể hiểu được đầy đủ và cặn kẽ về ý thức nếu khoa học chỉ xem xét các hiện tượng thần kinh thông qua các thí nghiệm và các thiết bị khoa học mà không sử dụng các phương pháp suy luận triết học, trong đó có triết học Phật giáo. Khoa học sẽ bế tắc khi cùng một ý thức nhưng được trình hiện bới các hệ thống ngôn ngữ khác nhau. ( cùng để diễn ta một việc nhưng bộ não của người bình thường sẽ chỉ đạo hoạt động của hệ thống phát âm để tạo thành lời nói, còn của người câm là các cử chỉ điệu bộ của các bộ phận khác trên cơ thể).Nhưng nếu khoa học phải sử dụng đến suy luận triết học thì khoa học lại không còn là khoa học nữa. Vì vậy, ý thức thuộc về phạm trù triết học. Dùng ngôi nhân xưng thứ nhất của triết học Phật giáo thì chỉ có thể hiểu được sự vận hành ý thức của chính mình, của một số người và do đó sự hiểu biết về ý thức sẽ không thấu đáo. Đây là mâu thuẫn với quan niệm ý thức có trong tất cả các chúng sinh hữu tình bởi khi quan sát sự hiển lộ ý thức của người khác, của các chúng sinh hữu tình khác thì người nghiên cứu về ý thức đã ở ngôi nhân sinh thứ ba.

Sự kết hợp giữa triết học duy vật biện chứng, triết học Phật giáo và khoa học sẽ là con đường đúng để có tri kiến lớn của nhân loại về ý thức và tri kiến đó không chỉ là để làm giảm nhẹ khổ đau mà một điều lớn hơn, đó là cần hình thành trong mỗi con người những ý thức tốt đẹp, không mang khổ đau đến cho người khác.

Mục lục[sửa]

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/1

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/2

Một số lời bình sau khi đọc “ Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt lai Lạt ma/3

Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/4

Những câu hỏi chưa có trả lời về ý thức

Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/5: Ý thức là gì?

Một số lời bình sau khi đọc “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Đạt Lai Lạt Ma/7: Thiền và Ý thức?

Liên kết đến đây