Hiện tượng “đọc trong não” và các sai sót chính tả khi viết bài

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hiện tượng “đọc trong não”[sửa]

Đây là hiện tượng thường xảy ra khi những người viết bài tự kiểm tra lại bài viết của mình. Việc kiểm tra lại bài viết là cần thiết để tránh các lỗi chính tả, sửa lỗi ngữ pháp, chau chuốt lại câu văn. Hiện tượng này xảy ra khi người viết đọc lại bài của mình nhiều lần nhưng vẫn không phát hiện và sửa hết lỗi chính tả. Các sai sót này xuất nhiều hơn khi bài viết được thực hiện bằng bàn phím đánh chữ. Nhưng nếu người đọc không phải là người viết bài thì các lỗi chính tả này rất dễ bị phát hiện. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ tính chất xử lý các thông tin từ mắt của bộ não giữa người viết bài và người đọc bài là khác nhau. Người viết bài khi tự đọc bài viết của mình thường bỏ qua các thông tin do mắt đưa tới mà dùng những cái mình đã sử dụng cho bài viết để thay thế cho các thông tin từ mắt đưa vào não, những từ sai sót về chính tả nếu có trong bài viết sẽ bị thay thế bằng các thông tin đúng về từ đó đã ghi trong não. Nói cách khác, thay cho việc đọc các ký tự trên trang viết, não đọc các thông tin đã được ghi trong nó theo các liên kết mà nó thiết lập khi viết bài, vì vậy các sai sót trong trang viết không được nhận ra. Trong trường hợp này, mặc dù mắt vẫn đọc, vẫn tạo ra các kích thích thần kinh thị giác nhưng các kích thích đó không được não tiếp nhận để xử lý. Trường hợp này cũng có thể gọi là “có nhìn mà không thấy”. Sigmund Freud, người khám phá ra hiện tượng phân tâm gọi hiện tượng này là hành vi nghe sai hay nhìn sai. Việc thay thế các thông tin do mắt tiếp nhận bằng các thông tin sẵn có trong não là một phương pháp xử lý thông tin của não. Do quá trình này diễn ra đồng thời với quá trình đọc bài viết nên hiện tượng này thường ít được quan tâm. Nhưng nếu không khắc phục sẽ trở thành những thói quen viết sai chính tả cho người viết. Hiện tượng này là mặt trái của sự nhận thức sáng tạo. Nhận thức sáng tạo là khả năng nhận biết về đối tượng nhiều hơn các thông tin do hệ thống các cơ quan cảm giác tiếp nhận. Trong nhận thức sáng tạo, bộ não cũng sử dụng các thông tin đã có trong não để xử lý các thông tin mới tiếp nhận bằng các hình thức bổ xung, thay thế, điều chỉnh các kích thích thần kinh đến từ các cơ quan cảm giác để hiểu rõ về đối tượng hơn những thông tin do đối tượng cung cấp. Các thông tin được đọc trong não sẽ thay thế các thông tin do mắt tiếp nhận nên có nhiều trường hợp đối tượng bị làm cho khác đi trong não. Khi đọc lần đầu bài viết của người khác, người đọc có xu hướng tiếp nhận đầy đủ và chính xác các thông tin trong bài viết cho nên dễ phát hiện ra các lỗi hơn người viếy tự đọc bài của mình.

Để khắc phục các lỗi chính tả (và một số lỗi khác), người viết không nên tự kiểm tra bài viết của mình mà nhờ người khác kiểm tra hộ để tìm được các lỗi đó. Trong trường hợp phải tự kiểm tra thì tốt nhất là không nên kiểm tra ngay sau khi vừa kết thúc bài viết để bộ não có thời gian tạm quên đi bài viết, khi đó việc đọc lại bài viết của mình sẽ giống như việc đọc bài viết của người khác. Còn trong trường hợp phải kiển tra ngay thì nên đọc lại nhiều lần để không bỏ sót lỗi.

Có nhiều nguyên nhân tạo nên lỗi chính tả khi viết bài như không nắm vững chính tả, tạo thành các thói quen viết tắt, tự tạo ra kiểu viết mới,v.v... Lỗi chính tả do hiện tượng “đọc trong não” chỉ là một trong số các lỗi đó. Nói chung các lỗi chính tả đều mang đến những bất lợi cho người viết. Ngoài sự đánh giá về tính cẩn thận hay cẩu thả, bài viết nhiều lỗi chính tả còn mang đến sự khó chịu cho người đọc hoặc tạo ra sự hiểu nhầm, hiểu sai. Những điều này còn mang đến hậu quả xấu khi những bài viết này là bài thi khi vì chúng mà bài thi bị hạ điểm.

Hiện tượng “đọc trong não” trong hoạt động thần kinh[sửa]

Hiện tượng “đọc trong não” là một trong rất nhiều hiện tượng thần kinh như hiện tượng dễ nhớ, hiện tượng chóng quên, hiện tượng nhớ nhầm, hiện tượng nói lắp, hiện tượng nói lặp ( hai hiện tượng này là khác nhau), nói nhịu,v.v…hoặc có khi bạn đọc gặp lại một người quen từ rất lâu và bạn không thể nào nhớ được tên của người đó. Khi bạn học ngoại ngữ mà nhiều từ có tiếp đầu ngữ giống nhau thì bạn có thể nhầm nghĩa của từ nọ sang từ kia, v.v…Có thể kể ra rất rất nhiều hiện tượng thần kinh khác nhau. Việc não lấy các thông tin sẵn có trong chúng để thay thế các thông tin truyền về từ hệ thống các giác quan không có gì là khó hiểu và không có gì khác khi chúng ta tưởng tượng ra hình ảnh chú cừu hay một thứ gì đó khi chúng ta nhìn vào đám mây. Nói cụ thể hơn thì bên cạnh hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt còn có một hình ảnh nào đó gần giống với hình ảnh được nhìn thấy. Chuyện cổ tích Việt nam đã có một hình ảnh được nhân cách hoá, đó là chuyện về nàng Tô Thị. Một tảng đá có nhánh đã được nhìn ra thành hình ảnh một người phụ nữ bồng con chờ chồng. Một điều chắc chắn rằng là con bò nhìn thấy tảng đá đó thì chúng không bao giờ có thêm được hình ảnh người phụ nữ bồng con. Nhưng với con người thì điều này là có thể và còn hơn thế khi từ hình ảnh người phụ nữ bồng con phát triển thành một câu chuyện tình chung thuỷ sắt son. Và câu chuyện này là một ví dụ về ba phương thức hoạt động cao cấp của hệ thần kinh. Hệ thần kinh của động vật đa bào, tuỳ theo mức độ tiến hoá và năng lực thần kinh mà chúng có thể có từ một đến năm phương thức hoạt động thần kinh. Hai phương thức cấp thấp và phổ biến nhất là phản xạ không điều kiện, phản xạ có điều kiện, ba phương thức hoạt động cao cấp là phản ứng thần kinh, hoạt động sáng tạo và hoạt động trí tuệ. Sự tương ứng với câu chuyện về nàng Tô Thị trên đây thể hiện như sau: Hình ảnh tảng đá ứng với phản ứng thần kinh, hình ảnh người phụ nữ bồng con bên cạnh hình ảnh tảng đá đó là hoạt động sáng tạo, còn hoạt động trí tuệ tạo ra câu chuyện người phụ nữ bồng con chờ chồng. Những bài viết ngắn khó có thể giúp bạn đọc hiểu được về hoạt động thần kinh tiến hoá cao và ba phương thực hoạt động cao cấp của hệ thần kinh. Sự thay thế hoặc bổ xung thông tin chỉ là một trong nhiều hoạt động hoặc là một phần trong hoạt động cao cấp của hệ thần kinh. Còn có nhiều hoạt động thần kinh khác như mơ ngủ, ghi nhớ, học hỏi, tư duy, suy nghĩ, tưởng tượng, v.v...Tuy các hoạt động đó là khác nhau, nhưng khi chúng được thực hiện bởi cùng một hệ thần kinh thực hiện, chúng có những điểm, những nét, những biểu hiện giống nhau. Điều này có nghĩa là nếu nắm được hoặc hiểu được về một hoạt động này thì cũng có thể hiểu được một phần hoặc toàn bộ hoạt động thần kinh khác. Ví dụ nếu các hình ảnh xuất hiện trong các giấc mơ là rất gần với các hình ảnh thực tế thì hệ thần kinh hoạt động chủ yếu với phương thức phản ứng thần kinh và các phương thức thấp hơn, nếu có nhiều sự biến đổi các hình ảnh đó nhưng vẫn có thể nhận ra các chi tiết thuộc về các hình ảnh thực tế thì bộ não có năng lực hoạt động sáng tạo. Khi các hình ảnh trong giấc mơ rất xa lạ, chưa được thấy bao giờ trong thực tế thì điều này có nghĩa phương thức hoạt động trí tuệ đã thực hiện điều này. Đánh giá năng lực hoạt động thần kinh có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định năng lực làm việc. Khi một người không có năng lực sáng tạo được sắp xếp làm việc ở vị trí liên tục phải tạo ra cái mới thì người đó sẽ không thể làm được việc gì. Nhưng nếu xếp người có năng lực sáng tạo vào vị trí tuân thủ đúng mọi quy định, quy trình thì vừa tạo ra sự lãng phí vừa có thể hỏng việc vì người có năng lực sáng tạo sẽ có cảm giác khó chịu khi phải làm việc giống như một cái máy.

Liên kết đến đây