Mục tiêu của đánh giá trên lớp học
Các nghiên cứu quan sát hoạt động của giáo viên ưên lớp học đã chỉ ra rằng giáo viên thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh vì các mục tiêu khác nhau. Có thể tóm tắt thành các mục tiêu chính sau: phân loại học sinh; lên kế hoạch và tiến hành giảng dạy; phản hồi và khích lệ; phán đoán, xếp hạng việc học tập và mức độ tiến bộ.
Mục lục
Phân loại học sinh[sửa]
Hầu hết giáo viên phải ra quyết định phân loại học sinh. Bất cứ khi nào giáo viên chia học sinh thành nhóm học tập, ví dụ môn tập đọc hoặc môn Toán, hay tổ chức nhóm cùng nhau học tập, các cặp hay nhóm làm bài trong lớp, hoặc đề nghị cho một học sinh cụ thể nào đó được học với một giáo viên cụ thể vào năm tới, thì khi đó giáo viên sẽ đưa ra các đánh giá vì mục đích phân loại.
Một quyết định phân loại khác của giáo viên là xác định học sinh có điểm bài kiểm tra các kĩ năng cơ bản dưới điểm chuẩn trong kì kiểm tra định kì toàn trường, hay quốc gia và xếp các em đó vào nhóm học sinh yếu cần có sự hỗ trợ đặc biệt.
Các nghiên cứu cho thấy các quyết định phân loại của giáo viên đều được thực hiện vì lí do học tập và dựa trên các kết quả kiểm tra, đánh giá.
Lên kế hoạch và điều chỉnh hoạt động giảng dạy[sửa]
Các quyết định lên kế hoạch giảng dạy, điều chỉnh tiến trình giảng dạy trong một lớp học thường phải dựa trên các kết quả kiểm tra, đánh giá. Chẳng hạn, giáo viên phải thay đổi cách dạy của mình vào giữa bài học nếu phát hiện thấy nhiều học sinh trong lớp không hiểu bài và bắt đầu mất trật tự. Giáo viên cũng có thể tạm dừng việc dạy bài mới để ôn lại bài của ngày hôm trước nếu các câu trả lời của học sinh cho thấy rằng cả lớp không nắm vững bài trước đó. Lần khác, giáo viên thay đổi cách dạy: dừng thuyết trình và chuyển sang sử dụng một câu chuyện hoặc trò chơi tạo hứng khởi cho việc tiếp thu bài học, khi học sinh bắt đầu chán và mất trật tự.
Các quan sát trên lớp học cho thấy rất nhiều đánh giá của giáo viên nhằm mục tiêu lên kế hoạch và kiểm soát, điều chỉnh hoạt động giảng dạy.
Phản hồi và khích lệ[sửa]
Một mục tiêu quan trọng khác của kiểm tra, đánh giá trong lớp học là đưa ra các phản hồi và khích lệ học sinh.
Ý kiến phản hồi chính xác về sự thể hiện kĩ năng học tập rất cần thiết để thúc đẩy học sinh tiến bộ. Ví dụ, giáo viên khen ngợi học sinh A vì kết quả làm bài kiểm ưa, em thể hiện sự tiến bộ, nhắc nhở học sinh B vì phát hiện ra những lỗi trong bài kiểm tra do em làm ẩu, tính toán sai... Trong mỗi trường hợp, giáo viên đã sử dụng các thông tin từ kết quả kiểm tra, đánh giá trong từng lĩnh vực học tập để đưa ra phản hồi cho học sinh về điểm mạnh, thiếu sót của các em.
Đánh giá quá trình nhằm phản hồi, điều chỉnh, khích lệ học sinh là một yêu cầu, nhiệm vụ chính, rất quan trọng của giáo viên đứng lớp. Để đưa ra được các ý kiến như thế này, người giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc học tập và hành vi ứng xử của học sinh.
Chẩn đoán các vấn đề của học sinh[sửa]
Các nghiên cứu về đánh giá trên lớp học đã chỉ ra rằng phần lớn các kiểm tra, đánh giá của giáo viên được dùng để xác định và điều chỉnh vấn đề của học sinh,
Giáo viên phải kiểm tra, đánh giá phát hiện sớm các khó khăn trong học tập của học sinh và luôn giám sát những học sinh có vấn đề về học tập hoặc vấn đề về hành vi trong lớp mình. Ví dụ trong lớp có những học sinh kém toán, sợ học môn tiếng Anh, kém tập trung chú ý, tăng động... Xác định được những vấn đề này, giáo viên có thể tiến hành các hoạt động giúp đỡ cần thiểt, kịp thời để học sinh tiến bộ, đôi khi có những học sinh cần phải được chẩn đoán và giúp đỡ đặc biệt ngoài lớp học (cần sự đánh giá chẩn đoán của các chuyên gia tâm lí lâm sàng hoặc tư vấn tâm lí học đường).
Theo các chuyên gia đánh giá giáo dục phần nhiều dữ liệu kiểm tra, đánh giá do giáo viên thu thập, được dùng để nhận biết, hiểu và khắc phục các vấn đề và khó khăn trong học tập của học sinh.
Phán đoán giá tri xếp loại học tập và phân định mức độ tiến bộ[sửa]
Một số quyết định của giáo viên liên quan đến phán đoán giá trị, xếp loại học tập và xác định mức độ tiến bộ của học sinh so với các bạn khác trong lớp. Ví dụ: giáo viên chấm điểm bài kiểm tra toán hay ngữ văn của học sinh, hoàn thành bản mô tả báo cáo tiến bộ hàng tháng của từng học sinh; giáo viên quyết định tự soạn bài kiểm tra cho môn Toán hơn là sử dụng bài kiểm tra có sẵn trong sách giáo khoa; giáo viên chữa bài tập về nhà của học sinh và họp với phụ huynh của một học sinh có kết quả học tập yếu kém... Như vậy phần lớn thời gian của giáo viên được dùng để thu thập thông tin nhằm phán đoán giá trị học sinh hoặc xếp loại mức độ tiến bộ trong học tập cùa các em.
Tóm lại kiểm tra, đánh giá có những mục đích, mục tiêu khác nhau, mỗi loại mục đích, mục tiêu cụ thể đòi hỏi sử dụng tương ứng những loại hình kiểm tra, đánh giá phù hợp. Mỗi loại hình kiểm tra, đánh giá thường chỉ có ưu thế và thích hợp cho một loại mục đích, mục tiêu đánh giá nào đó. Do vậy giáo viên phải rõ mục đích, mục tiêu cho từng nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá để chọn lựa loại hình, công cụ đánh giá phù hợp.
Nguồn[sửa]
- Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh; môn Toán cấp trung học phổ thông; Vụ giáo dục trung học; 2014