Nephotettix cincticeps (Rầy xanh hại lúa)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rầy xanh (hại lúa) Nephotettix cincticeps (Uhler) là một loài côn trùng thuộc họ Cicadellidae (Rầy Lá), bộ Homoptera (Cánh Đều).

Phân bố[sửa]

Các loài rầy xanh hiện diện ở khắp các quốc gia trồng lúa trên thế giới như Ấn Độ, Đài Loan, Nhật, MaLaysia, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.

Ký chủ[sửa]

Ngoài cây lúa, Nephotettix cincticeps còn có thể sinh sống trên lúa mì, bắp, lúa hoang, các loại cỏ như cỏ lồng vực, cỏ Hordenium vulgarae, Leersia, Poa.

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Thành trùng có đỉnh đầu có một băng đen ngang, phần giáp giữa đầu ngực không đậm, cánh không có đốm đen. Thân hình có hình thoi dài, màu xanh lục hơi vàng, chỉ có một dạng cánh dài, cơ thể dài từ 4,5-5,5 mm. Đốt chày chân sau có hai hàng gai đều đặn ở hai bên. Thành trùng cái có bộ phận đẻ trứng bén nhọn hình răng cưa ở dưới bụng. Thời gian sống của thành trùng từ 10-25 ngày. Một thành trùng cái đẻ từ 20-200 trứng. Số trứng mỗi ổ thay đổi từ 8-16 cái.

Trứng có dạng giống hình hạt gạo nhưng hơi cong, dài từ 0,9-1 mm, màu trắng trong khi mới đẻ, khi sắp nở chuyển thành màu nâu và có hai điểm mắt màu đỏ. Trứng được đẻ thành từng hàng từ 8-16 cái trên gân chính của lá hay bẹ lá. Thời gian ủ trứng khoảng từ 5-12 ngày. Trứng nở rộ nhất từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa và tỉ lệ nở rất cao.

Ấu trùng rầy xanh màu trắng sữa, cơ thể thon dài, có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 15-20 ngày.

Tập quán sinh sống[sửa]

Thành trùng các loài rầy xanh bay vào ruộng lúa rất sớm, khi cây lúa còn nhỏ. Thành trùng ban ngày trốn ở thân cây hay phía dưới tán lá lúa, tối bò lên phía trên lá để chích hút. Khi di chuyển rầy có thể bò ngang và nhảy. Thành trùng rầy xanh bị thu hút nhiều bởi ánh sáng đèn và vào đèn nhiều lúc trăng tròn và có thể di chuyển rất xa.

Rầy thích đẻ trứng trên lúa xanh tốt, rậm rạp, ít ánh sáng, ẩm độ cao và sau khi vũ hoá từ 3-7 ngày rầy cái có thể đẻ trứng. Trứng thường được đẻ vào buổi sáng, chiều và tối nhưng thường nhất là từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Rầy cái dùng bộ phận đẻ trứng rạch gân chính của phiến lá hoặc bẹ lá đẻ thành từng ổ xếp hàng một đều đặn.

Ấu trùng rầy xanh mới nở thường tập trung ở mặt dưới lá và có thể chích hút nhưng không hoạt động. Vài ngày sau rầy bắt đầu nhảy và bò. Buổi sáng ẩm độ cao, trời mát, rầy thường bò lên tán lá để sinh sống, buổi trưa trời nắng gắt rầy non thường trốn dưới tán lá. Nếu bị khuấy động rầy có thể nhảy từ bụi lúa này sang bụi lúa khác hoặc nhảy xuống nước và bò lên thân cây một cách dễ dàng. Ấu trùng thường lột da vào buổi sáng từ 6-9 giờ. Lúc lột da rầy ở yên một chỗ, thân rất yếu, không hoạt động, nếu bị rơi xuống nước rầy nhảy lên thân cây lúa rất khó khăn.

Khả năng chịu đựng của rầy rất kém, nếu nhịn đói 2 ngày rầy có thể chết.

Cách gây hại[sửa]

Các loài rầy xanh gây hại cây lúa bằng hai cách:

  • Trực tiếp: Thành trùng và ấu trùng chích hút mọi bộ phận của cây lúa như gân, bẹ, lá và ngay cả đòng lúa còn non làm cây bị héo khô, gây hiện tượng "cháy rầy".
  • Gián tiếp:
  1. Vết đẻ trứng cũng như vết chích hút của rầy làm cho phần mô cây lúa tại đó bị hư.
  2. Phân do rầy tiết ra có chứa chất đường thu hút nấm đen tới làm cản trở quang hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
  3. Rầy chích hút cây lúa bệnh sẽ lưu giữ mầm bệnh trong cơ thể, sau đó truyền sang cây lúa mạnh. Loài Nephotettix nigropictus (Stal) ít truyền bệnh nhất, các loài còn lại đều truyền cho cây lúa các bệnh như tungro, vàng lùn, lá cam, vàng lụi. Đây là nguyên nhân rầy xanh gây hại trầm trọng cho cây lúa hơn là sự chích hút trực tiếp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số[sửa]

Thức ăn[sửa]

Rầy xanh thích giống lúa có lá xanh tốt. Lúa sạ thích hợp cho rầy hơn lúa cấy. Rầy phát triển nhiều ở nương mạ hoặc ruộng ướt, ruộng gần làng, gần đường đi, trũng. Đối với cây lúa thì rầy thích lúa ở giai đoạn tăng trưởng mạnh như làm đòng, ngậm sữa.

Thời tiết[sửa]

Điều kiện thích hợp cho rầy phát triển là nhiệt độ tương đối cao, ẩm độ cao.

Thiên địch[sửa]

Biện pháp phòng trị[sửa]

Biện pháp canh tác[sửa]

  • Để đất nghỉ một thời gian, cắt đứt nguồn thức ăn của rầy.
  • Cày vùi gốc rạ sau khi gặt.
  • Trồng giống lúa chín sớm.

Biện pháp hóa học[sửa]

  • Ngâm rễ mạ trong dung dịch thuốc lưu dẫn từ 6-12 giờ trước khi cấy bảo vệ cây mạ khoảng 20 ngày, trong khi nếu áp dụng thuốc lưu dẫn trong nương mạ có thể bảo vệ cây lúa từ 30-40 ngày, nhất là nếu dùng các loại thuốc chôn vùi dưới gốc lúa.
  • Áp dụng các loại thuốc đặc trị rầy.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305