Ngừng khóc

Từ VLOS
(đổi hướng từ Ngừng Khóc)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khóc là kết quả tự nhiên của cảm xúc và là phản ứng dễ hiểu trước nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, nhưng đôi khi bạn có thể thấy mình ở trong tình huống không đúng lúc hoặc không thích hợp để khóc. Hoặc trong trường hợp khác, bạn thấy ai đó khóc và muốn giúp họ bình tĩnh lại. Dù trong tình huống nào thì cũng có những hoạt động thể chất và tinh thần để giúp bạn ngừng khóc.

Các bước[sửa]

Ngăn Nước mắt về Thể chất[sửa]

  1. Thử chớp mắt, hoặc cố gắng không chớp mắt. Với một số người, chớp mắt nhanh nhiều lần có thể làm phân tán và hút lại nước mắt vào tuyến lệ, ngăn chặn những giọt nước mắt đầu tiên chảy xuống. Ngược lại, một số người lại thấy rằng không chớp mắt và mở to mắt hết cỡ thực ra lại ngăn nước mắt hình thành nhờ làm căng các cơ quanh mắt. Bạn cần phải thực hành mới biết mình thuộc nhóm nào.[1]
  2. Bóp vào mũi. Vì tuyến lệ xuất phát từ bên cạnh mũi dẫn đến đầu ra trong mí mắt, việc bóp vào sống mũi và hai bên mũi đồng thời nhắm chặt mắt có thể chặn đường lệ đạo. (Động tác này có hiệu quả nhất nếu thực hiện trước khi nước mắt bắt đầu chảy).[2]
  3. Mỉm cười. Các nghiên cứu cho thấy việc mỉm cười có tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần. Nụ cười cũng tác động tốt lên cách nhìn của người khác đối với bạn. Hơn nữa, mỉm cười còn chống lại những triệu chứng của hiện tượng khóc, giúp bạn dễ cầm nước mắt hơn.[3]
  4. Làm mát. Một cách để làm dịu những cảm xúc căng thẳng và khó chịu là vỗ nước lạnh lên mặt. Không những tạo sự thư giãn, động tác này còn giúp bạn tăng năng lượng và tập trung hơn.[4]. Bạn cũng có thể vỗ nước lạnh lên cổ tay và vào sau tai. Ngay bên dưới bề mặt da ở các vùng này có các động mạch chủ chảy qua, và việc làm mát da có thể đem lại hiệu quả xoa dịu lên toàn bộ cơ thể.[5]
  5. Uống trà. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh có chứa L-Theanine có thể giúp thư giãn và giảm căng thẳng, đồng thời còn tăng mức tỉnh táo và tập trung. Vì vậy nếu lần sau nếu cảm thấy chìm ngập và nước mắt đang dâng lên, bạn hãy tự đãi mình một tách trà xanh.[6]
  6. Cười thành tiếng. Cười là một dạng trị liệu dễ dàng và ít tốn kém mà có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giải tỏa bớt những cảm xúc gây khóc hoặc trầm cảm. Tìm điều gì đó khiến bạn cười và đem lại sự khuây khỏa mà bạn đang cần. [7]
  7. Thử phương pháp thư giãn tiến triển. Khóc thường xảy ra khi có sự căng thẳng kéo dài. Phương pháp thư giãn này cho phép cơ thể thả lỏng các cơ bị căng và xoa dịu tâm trí. Đó cũng là một hoạt động nhận thức vì nó dạy bạn nhận ra cảm giác của cơ thể khi bực bội và căng thẳng so với khi thư giãn và điềm tĩnh. Bắt đầu từ các ngón chân, căng từng nhóm cơ của cơ thể trong khoảng 30 giây, dần dần lên đến đầu. Động tác này còn đem lại lợi ích trong việc chữa chứng mất ngủ và ngủ không yên giấc.[8]
  8. Giành quyền kiểm soát. Có nghiên cứu cho rằng các cảm giác bất lực và thụ động thường là nguyên nhân gây khóc. Để ngăn chặn cơn khóc, bạn hay chuyển trạng thái cơ thể từ thụ động thành hoạt động. Việc này có thể chỉ đơn giản là đứng dậy và đi quanh phòng, hoặc mở và nắm hai bàn tay để tác động đến các cơ bắp, đồng thời nhắc nhở cơ thể rằng những hành động của bạn là tự nguyện và bạn đang trong vòng kiểm soát.[9].
  9. Dùng cảm giác đau để gây xao lãng. Cái đau thể xác có thể khiến bạn quên đi nỗi đau tinh thần, và nhờ vậy bạn ít muốn khóc hơn. Bạn có thể tự cấu mình (ví dụ vào phần giữa ngón cái và ngón trỏ hoặc vào mu bàn tay), cắn vào lưỡi hoặc cho tay vào túi quần và kéo lông chân.[10]
    • Nếu nhận thấy mình đã tự làm thâm tím hoặc tổn thương, bạn phải ngừng ngay phương pháp này và cố gắng sử dụng một hoặc nhiều chiến thuật khác.
  10. Bước lùi lại. Bạn hãy rời khỏi tình huống, theo nghĩa đen. Nếu cuộc tranh cãi khiến bạn sắp khóc, bạn hãy nhã nhặn xin phép rời khỏi một lúc. Rời khỏi tình huống không có nghĩa là trốn chạy mà là để tập trung lại cảm xúc và loại bỏ nguy cơ xung đột sắp xảy ra. Trong thời gian này, bạn hãy thực hiện một số phương pháp khác để đảm bảo không khóc khi quay trở lại phòng và tiếp tục tranh luận. Mục đích của bạn trong việc này là đưa bản thân trở lại trạng thái kiểm soát được cảm xúc.[11]

Ngăn Nước mắt Với các Bài tập Tinh thần[sửa]

  1. Hoãn khóc. Đây là một phần của việc kiểm soát phản ứng cảm xúc. Khi cảm thấy sắp khóc, bạn hãy tự nhủ rằng bạn không thể khóc bây giờ, nhưng bạn sẽ cho phép mình được khóc sau đó. Hít một hơi sâu và tập trung nén lại những cảm xúc khiến bạn rơi nước mắt. Tuy việc này lúc đầu có thể khó khăn, nhưng việc chủ ý nhận ra những cảm xúc của bạn và tạo điều kiện cho cơ thể phản ứng một cách thích hợp vào thời điểm thích hợp sẽ là giải pháp lâu dài giúp bạn khóc đúng lúc.
    • Lưu ý rằng việc hoàn toàn chế ngự cơn khóc vào mọi lúc không bao giờ là một ý hay, vì sự ức chế có thể gây ra những tổn hại lâu dài cho cảm xúc, đồng thời gia tăng các triệu chứng hồi hộp và trầm cảm. Bạn nhớ tìm dịp để bộc lộ cảm xúc của mình.[11]
  2. Tập thiền. Thiền là một phương pháp lâu đời giúp giảm stress, đẩy lùi phiền muộn và giải tỏa lo âu. Bạn cũng không cần phải là người chuyên tập yoga mới có thể thu được lợi ích của thiền. Chỉ cần tìm một nơi yên tĩnh, nhắm mắt lại và tập trung thở. Hít vào sâu và thở ra chậm rãi, đều đặn, bạn sẽ nhận thấy rằng các cảm giác tiêu cực sẽ hầu như tan biến ngay tức khắc.[12][13]
  3. Tìm những thứ giúp bạn xao lãng. Tìm điều gì đó bên ngoài cảm xúc tiêu cực và tập trung vào nó. Nghĩ về một điều khiến bạn hạnh phúc hoặc bật cười. Xem những đoạn phim hài hước về loài vật trên internet. Bạn cũng có thể thử tập trung vào điều mà mình đang mong đợi. Nếu là người giỏi giải quyết vấn đề, bạn hãy giải một bài toán hay làm một dự án nhỏ. Nếu những việc đó có vẻ không có tác dụng, bạn hãy tưởng tượng ra một khung cảnh yên bình, tập trung vào những chi tiết ở nơi đó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.[14] Điều này sẽ buộc não tập trung vào cảm giác khác ngoài cảm giác buồn bã, tức giận hoặc lo sợ.
  4. Nghe nhạc. Âm nhạc đem lại nhiều lợi ích trong việc kiểm soát stress. Nhạc êm dịu có thể giúp chúng ta trầm tĩnh lại, trong khi những bản nhạc với ca từ đồng cảm có thể tiếp thêm nghị lực và giúp chúng ta khẳng định bản thân. Hãy chọn loại nào thích hợp với bạn và gạt đi nước mắt bằng một danh sách những bản nhạc chọn lọc.[15]
  5. Hãy cảm nhận. Tập trung vào bản thân mình trong thời khắc hiện tại, hương vị của món ăn, cảm giác của làn gió lướt trên da, của quần áo mặc trên người khi bạn cử động. Khi bạn tập trung vào điều đang hiện hữu và thực sự chú ý vào các giác quan, áp lực tinh thần sẽ vơi bớt, và bạn sẽ nhận ra vấn đề mà mình đang đối mặt không nghiêm trọng đến vậy.[16]
  6. Biết ơn. Chúng ta thường khóc khi bị chìm ngập bởi những điều không như ý xảy ra trong cuộc sống, hoặc bởi những vấn để chúng ta phải đối mặt. Hãy hít một hơi thật sâu và nghĩ rằng vấn đề bạn đang gặp phải cũng không đến mức trầm trọng so với những vấn đề mà bạn có thể hoặc đã từng phải đối mặt. Hãy tự nhắc nhở mình về những điều tốt đẹp mà bạn đang có và biết ơn. Ghi nhật ký để nhắc bản thân về những may mắn của bạn và nó sẽ giúp bạn vượt qua những thời điểm thử thách.[17]

Đương đầu với Nguyên nhân Gây Khóc[sửa]

  1. Xác định nguồn cơn. Có phải cảm giác muốn khóc đi kèm với những cảm xúc, sự kiện, nhân vật hoặc một dạng áp lực nào đó? Có phải nó bắt nguồn từ một điều gì đó mà bạn có thể hạn chế tiếp xúc hoặc tương tác?
    • Nếu câu trả lời là “phải”, bạn hãy tìm cách tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với nguồn đó. Điều này có thể chỉ đơn giản là tránh cuộc đối thoại dài dòng với một đồng nghiệp làm tổn thương cảm giác của bạn, hay tránh xem những bộ phim buồn hoặc bạo lực.
    • Nếu câu trả lời là “không”, bạn hãy suy nghĩ đến việc nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ trị liệu để tìm ra chiến lược đối phó. Điều này đặc biệt thích hợp nếu bạn đã xác định nguồn cơn của những cảm xúc tiêu cực khiến mình phát khóc là mâu thuẫn với người thân trong gia đình hoặc những người thân yêu của bạn.
  2. Nhận thức về các cảm xúc khi chúng xảy ra. Tuy rằng khi cơn khóc đến vào lúc không thích hợp thì những điều gây xao lãng là có ích, nhưng bạn cũng nên dành thời gian ngồi một mình ở nơi an toàn để trải nghiệm cảm xúc của mình một cách chân thực. Hãy xem xét nội tâm, phân tích cảm giác của mình, tìm những nguyên nhân và giải pháp có thể thực hiện. Phớt lờ cảm xúc hoặc cố gắng đè nén cảm xúc vào mọi lúc là phản tác dụng cho việc hàn gắn và cải thiện vấn đề. Thực ra những vấn đề đang tồn tại có thể vẫn âm ỉ trong tiềm thức của bạn và làm cơn khóc dâng lên.[18]
  3. Góp nhặt những điều tốt đẹp. Xây dựng thói quen kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực và tự nhủ về những điều tốt đẹp của bản thân. Cố gắng duy trì tỷ lệ 1:1 giữa suy nghĩ tích cực và tiêu cực bất cứ khi nào có thể. Bạn sẽ không những cảm thấy hạnh phúc hơn, mà còn có thể ngăn chặn những xúc cảm bất chợt bằng cách luyện tập cho trí não biết rằng bất kể việc gì xảy ra, bạn vẫn là một người xứng đáng và có giá trị.
  4. Viết nhật ký để hiểu được nguồn cơn khiến bạn rơi nước mắt. Nếu cảm thấy khó cầm nước mắt hoặc thậm chí không biết vì sao mình lại khóc, việc viết nhật ký có thể giúp bạn hiểu gốc rễ của vấn đề. Nhật ký có thể tác động tích cực lên sức khỏe của bạn, giúp bạn nhìn thấy được lợi ích từ một sự kiện đầy áp lực và làm sáng tỏ những suy nghĩ và cảm giác của bạn.[19][20] Viết ra những giận dữ và nỗi buồn có thể làm vơi bớt những căng thẳng trong cảm xúc, giúp bạn nén khóc. Bạn cũng sẽ hiểu mình hơn, trở nên tự tin hơn và nhận biết được những tình huống hoặc con người có hại và cần phải loại ra khỏi cuộc sống của bạn.[20]
    • Thử viết nhật ký khoảng 20 phút mỗi ngày. Hãy thực hành “lối viết tự do”, trong đó bạn không cần bận tâm đến chính tả, chấm câu hoặc bất cứ những điều “nên như thế”. Hãy viết thật nhanh sao cho bạn không thể “kiểm duyệt” mình.[20] Bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì những điều học được và cảm giác dễ chịu hơn làm sao.
    • Nhật ký cho phép bạn tự do diễn đạt cảm xúc của mình mà không phán xét hay kiềm chế.[19]
    • Nếu đã từng trải qua một sự kiện sang chấn, viết nhật ký có thể giúp bạn xử lý cảm xúc và thực sự khiến bạn có cảm giác kiểm soát hơn. Hãy viết về những chi tiết của sự kiện và cảm giác mà bạn đã trải qua để tận dụng tối đa hiệu quả của việc viết nhật ký.[19]
  5. Tìm sự giúp đỡ. Nếu có vẻ như không gì có thể giúp bạn kiềm chế cơn khóc và những cảm xúc tiêu cực, và điều đó tác động đến các mối quan hệ hoặc nghề nghiệp, bạn hãy đi bước đầu tiên hướng đến giải pháp bằng cách liên lạc với bác sĩ trị liệu. Thông thường vấn đề sẽ được giải quyết với liệu pháp hành vi; tuy nhiên, nếu trong đó có nguyên nhân bệnh lý, bác sĩ có thể giúp bạn điều trị thích hợp bằng thuốc men.
    • Nếu có những triệu chứng trầm cảm, bạn hãy tìm sự trợ giúp từ chuyên gia tư vấn hoặc bác sĩ tâm thần. Các triệu chứng trầm cảm bao gồm: cảm giác buồn dai dẳng hoặc “trống rỗng”, cảm giác vô vọng, tội lỗi và / hoặc vô giá trị; có ý nghĩ tự sát; năng lượng bị giảm sút, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, trở nên chán ăn hoặc thèm ăn và /hoặc thay đổi về cân nặng.[21]
    • Nếu có những suy nghĩ tự sát, bạn hãy tìm sự giúp đỡ ngay lập tức. Bạn có thể gọi đường dây nóng số 1800 1567 để được tư vấn. Nếu bạn sống ở Mỹ, hãy gọi đường dây nóng Phòng chống Tự sát Quốc gia Mỹ số 1 (800) 273-8255, hoặc vào trang web IASP để tìm đường dây trợ giúp ở quốc gia bạn sinh sống. Hoặc bạn có thể gọi cho một người mà bạn tinh tưởng để bộc lộ cảm giác của mình.
  6. Biết khi nào bạn đang đau khổ. Buồn đau là một phản ứng tự nhiên trước mất mát; đó có thể là sự ra đi của một thành viên trong gia đình, mất đi một mối quan hệ, công việc, sức khỏe hoặc bất cứ mất mát nào khác.[22] Đau khổ mang tính riêng biệt – không có cách nào là “đúng” trong việc thể hiện nỗi khổ đau, cũng không có thời gian nhất định nào cho than khóc. Bạn có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều năm, và sẽ trải qua nhiều cung bậc thăng trầm của cảm xúc.[22]
    • Tìm sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Chia sẻ những mất mát là một trong những nhân tố quan trọng nhất để hồi phục từ mất mát. Nhóm hỗ trợ hoặc chuyên gia tư vấn chuyên xử trí đau buồn cũng có thể giúp ích.[22]
    • Qua thời gian, những cảm giác buồn đau sẽ nguôi ngoai. Nếu bạn không thấy có tiến triển gì, mà ngược lại dường như cảm giác còn tệ hơn, nỗi đau khổ của bạn có thể đã phát triển thành trầm cảm nặng hoặc chứng đau buồn phức tạp. Hãy liên lạc với bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn xử trí buồn đau để được giúp đỡ.[22]

Dỗ trẻ Sơ sinh và Trẻ em Nín Khóc[sửa]

  1. Biết nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc. Bạn nên nhớ rằng khóc là hình thức giao tiếp duy nhất mà trẻ sơ sinh có thể sử dụng để biểu lộ nhu cầu của trẻ. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ và suy nghĩ xem điều gì khiến trẻ khó chịu. Một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc là:
    • Đói: Thông thường cứ sau hai hoặc ba tiếng là trẻ sơ sinh cần được ăn.
    • Nhu cầu được bú: Trẻ sơ sinh có bản năng tự nhiên là mút vú mẹ và bú vì chúng được nuôi nấng theo cách đó.
    • Cô đơn: Em bé cần tương tác với mọi người để lớn lên thành đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc, và chúng thường khóc khi muốn được âu yếm.
    • Mệt mỏi. Trẻ mới sinh cần ngủ nhiều, có khi ngủ đến 16 tiếng một ngày.
    • Khó chịu: Suy nghĩ về hoàn cảnh khi trẻ khóc và cảm giác mà trẻ có thể đang trải qua để đoán được những nhu cầu và mong muốn bình thường của trẻ. .
    • Kích thích quá mức: Quá nhiều sự kích thích về tiếng ồn, chuyển động hay hình ảnh có thể làm trẻ sơ sinh choáng ngợp và khóc.
    • Bệnh: Thông thường dấu hiệu đầu tiên khi trẻ ốm, dị ứng hoặc bị thương là khóc hoặc không đáp lại cử chỉ âu yếm.[23]
  2. Đặt câu hỏi với trẻ lớn hơn. Không như trò đoán ý mà chúng ta chơi với trẻ sơ sinh, trẻ lớn hơn có nhiều hình thức giao tiếp phức tạp hơn, và chúng ta có thể hỏi trẻ, “Làm sao thế?” Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ cũng diễn đạt được như người lớn, do đó quan trọng là bạn hỏi những câu đơn giản và phải đoán chừng khi trẻ không thể mô tả vấn đề một cách chi tiết.
  3. Chú ý xem trẻ có bị thương không. Trẻ nhỏ lúc đang rối loạn có thể khó mà trả lời, do đó điều quan trọng với cha mẹ và người chăm sóc là lưu ý đến hoàn cảnh và tình trạng thể chất của trẻ khi trẻ khóc.
  4. Làm trẻ xao lãng. Nếu trẻ bị đau hoặc buồn bực, bạn có thể giúp bằng cách làm trẻ quên đi cho đến khi cái đau dịu xuống. Cố gắng hướng sự chú ý của trẻ vào thứ bé thích. Xác định xem trẻ có thể bị thương ở chỗ nào, nhưng hãy hỏi về tất cả các bộ phận khác trên cơ thể trẻ ngoại trừ chỗ đau thực sự. Như vậy trẻ sẽ tập trung vào những bộ phận khác mà không nghĩ về chỗ đau.
  5. Trấn an trẻ. Trẻ con thường khóc khi phản ứng với hình phạt hoặc sau một tương tác tiêu cực với người lớn hay với các trẻ khác. Khi điều này xảy ra, bạn hãy xác định liệu có nên ra tay dàn xếp không (chẳng hạn phạt đứa trẻ gây sự phải ngồi yên) nhưng luôn nhắc cho trẻ biết rằng trẻ luôn được an toàn và yêu thương, cho dù có xảy ra xung đột.
  6. Cho trẻ ngồi một mình. Mọi đứa trẻ đều thỉnh thoảng có lúc cư xử không tốt. Tuy nhiên nếu trẻ dùng cách khóc lóc, giận dữ hoặc la hét để đòi thứ mình muốn, điều quan trọng là phải ngăn chặn sự liên kết giữa hành vi xấu và sự thỏa mãn.
    • Nếu trẻ ở tuổi chập chững tập đi hoặc trẻ còn nhỏ nổi cơn thịnh nộ, bạn hãy đưa bé vào một căn phòng yên tĩnh và để trẻ ngồi đó cho đến khi cơn giận của trẻ qua đi. Đưa trẻ trở lại môi trường giao tiếp khi trẻ đã nguôi cơn giận.
    • Nếu đứa trẻ đang giận dữ đã đủ lớn để đi được và biết làm theo lệnh, bạn hãy yêu cầu trẻ về phòng riêng, và bảo rằng khi nào bình tĩnh thì trẻ có thể quay trở lại nói cho bạn biết trẻ muốn gì và tại sao lại tức giận. Việc này cũng dạy cho trẻ cách đối phó với cảm giác tức giận và thất vọng sao cho hiệu quả, trong khi vẫn đảm bảo trẻ cảm nhận được lòng yêu thương và tôn trọng của bạn.

An ủi một Người lớn đang Khóc[sửa]

  1. Hỏi xem họ có cần giúp không. Không như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn có đủ năng lực tự xác định tình trạng của họ và có cần giúp đỡ hay không. Trước khi tiến đến và cố gắng giúp đỡ, bạn cần hỏi họ có cần bạn giúp không. Nếu người đó đang bị tổn thương về tình cảm, có thể họ cần thời gian và không gian riêng để xử lý cảm xúc của họ trước khi cần chia sẻ với một người khác. Đôi khi chỉ cần tỏ ý muốn giúp đỡ cũng đã đủ để giúp một người đương đầu với đau buồn.
    • Nếu tình huống không quá nghiêm trọng và người đang khóc chấp nhận chuyển hướng, bạn hãy kể một truyện cười hoặc chuyện gì hài hước. Bình luận về điều gì vui vui hoặc lạ thường mà bạn đọc được trên mạng. Nếu họ là người lạ hoặc người chỉ quen sơ, bạn hãy hỏi họ về những câu hỏi thận trọng về điều họ thích.
  2. Xác định nguyên nhân gây ra nỗi đau. Đó là nỗi đau thể xác hay tinh thần? Người đó trải qua một cú sốc hay là nạn nhân theo cách nào đó? Bạn hãy đặt những câu hỏi nhưng cũng nên quan sát tình huống và hoàn cảnh xung quanh để tìm manh mối.
    • Nếu người đó đang khóc và có vẻ đang cần trợ giúp y tế, bạn hãy gọi số cấp cứu 115 (Nếu ở Mỹ, gọi số 911) ngay lập tức. Ở bên cạnh họ cho đến khi sự trợ giúp đến. Nếu người đó đang ở vị trí không an toàn, bạn đưa họ vào một nơi an toàn hơn gần đó nếu có thể.
  3. Thể hiện sự tiếp xúc cơ thể một cách phù hợp. Nếu người đó là bạn bè hoặc người thân của bạn, có lẽ một cái ôm hay nắm tay có thể giúp ích. Ngay cả một vòng tay choàng qua vai cũng thành một nguồn hỗ trợ và an ủi. Tuy nhiên những tình huống khác nhau đòi hỏi cách tiếp xúc cơ thể khác nhau. Nếu bạn không chắc người đó có thoải mái với hình thức giúp đỡ này không, bạn luôn luôn phải hỏi họ.
  4. Tập trung vào điều tích cực. Không nhất thiết phải thay đổi đề tài, bạn hãy cố gắng tập trung vào các mặt tích cực của chính vấn đề gây ra nỗi buồn đau. Chẳng hạn trong trường hợp họ mất một người thân, bạn hãy nhắc đến những khoảng thời gian hạnh phúc đã từng chia sẻ với người đó và những điều đáng yêu của họ. Nếu có thể, bạn hãy hồi tưởng những kỷ niệm vui có thể khơi lên một nụ cười hoặc tiếng cười nếu có thể. Khi có khả năng cười, người ta sẽ kiềm chế được cơn khóc đang dâng lên, và đồng thời cải thiện được tâm trạng.
  5. Hãy để họ khóc. Khóc là một phản ứng tự nhiên của đau khổ. Trừ một số trường hợp không thích hợp hoặc không đúng lúc thì việc để cho một người được khóc hoàn toàn là một lựa chọn an toàn và hữu ích nhất, miễn là không làm hại đến ai .

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu nghi ngờ một người nào đó hoặc bản thân bạn bị trầm cảm hoặc thấy rằng những cơn khóc đi kèm với hành động tự làm hại mình, bạn hãy tìm sự trợ giúp ngay lập tức bằng cách gọi cho bác sĩ hoặc vào trang contacting a suicide help line để tìm kiếm sự trợ giúp.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://news.essilorusa.com/stories/detail/how-to-stop-crying-7-easy-tips-for-tear-control
  2. http://www.webmd.com/eye-health/tear-duct-anatomy
  3. http://www.scientificamerican.com/article/smile-it-could-make-you-happier/
  4. http://www.lesaviezvous.net/en/science/why-splashing-cold-water-on-your-face-relaxes-you.html
  5. http://www.healthline.com/human-body-maps/posterior-auricular-artery
  6. http://www.drugs.com/npc/l-theanine.html
  7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1375238/?tool=pubmed
  8. http://www.anxietybc.com/sites/default/files/MuscleRelaxation.pdf
  9. http://www.jstor.org/stable/10.1086/657240?seq=1#page_scan_tab_contents#full_text_tab_contents
  10. http://www.healthguidance.org/entry/16972/1/How-to-Prevent-Yourself-From-Crying.html
  11. 11,0 11,1 http://www.webmd.com/balance/features/why-we-cry-the-truth-about-tearing-up?page=4
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3118731/?tool=pubmed
  13. https://www.psychologytoday.com/blog/enlightened-living/200804/yogic-breathing-remedy-anxiety
  14. https://www.uhs.uga.edu/stress/relax.html
  15. http://www.webmd.com/balance/guide/blissing-out-10-relaxation-techniques-reduce-stress-spot?page=2
  16. http://www.webmd.com/balance/guide/blissing-out-10-relaxation-techniques-reduce-stress-spot
  17. http://www.webmd.com/balance/guide/blissing-out-10-relaxation-techniques-reduce-stress-spot?page=3
  18. http://www.scientificamerican.com/article.cfm?id=negative-emotions-key-well-being
  19. 19,0 19,1 19,2 http://link.springer.com/article/10.1207/S15324796ABM2403_10#page-1
  20. 20,0 20,1 20,2 http://psychcentral.com/lib/the-health-benefits-of-journaling/
  21. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/men-and-depression/signs-and-symptoms-of-depression/index.shtml
  22. 22,0 22,1 22,2 22,3 http://www.helpguide.org/articles/grief-loss/coping-with-grief-and-loss.htm
  23. http://www.webmd.com/parenting/baby/tc/crying-child-that-is-not-acting-normally-topic-overview

Liên kết đến đây