Bạn cần lắng nghe học sinh của mình nhiều hơn

Từ VLOS
(đổi hướng từ Nghệ thuật lắng nghe)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Là giáo viên, các bạn hẳn chẳng còn xa lạ với những khái niệm như dạy học tích cực, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, dạy học dự án... Tất cả những phương pháp này cung cấp cho các bạn những kĩ thuật đa dạng để tích cực hoá vai trò của học sinh trong lớp học, khiến cho giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn. Tuy nhiên, hẳn không ít khi bạn vẫn cảm thấy bế tắc. Sau khi bạn hăm hở và vất vả thi triển vô vàn các kĩ thuật kĩ xảo, học sinh của bạn vẫn dửng dưng, không nhúc nhích. Trong khi đó, rất nhiều giáo viên không hề tỏ ra mình đang đổi mới phương pháp, chẳng phô diễn kĩ thuật hay kiến thức, họ vẫn có một sức hút nào đó khiến học sinh bị thu phục và cảm hoá. Khi họ cất lời, tất cả học sinh đều im phăng phắc. Chúng dường như thuần phục một cách vô điều kiện.

Vậy cái gì làm nên sự hấp dẫn của những giáo viên ấy? Vậy đâu là điều cốt lõi của dạy học? Bí ẩn gì nằm bên trong một bài giảng thành công? Cái gì làm nên một người giáo viên thực sự?

Bạn cần lắng nghe nhiều hơn[sửa]

Có một điều mà có lẽ không ít giáo viên ngày nay đã quên, đó là bạn cần lắng nghe học sinh của mình nhiều hơn. Điều cốt lõi này, bí mật giản dị này, tiếc thay, lại chẳng phải phát kiến gì mới mẻ và vì thế nó đã bị phần lớn giáo viên lãng quên.

Bạn cần phải nghĩ đến học sinh từ khi đang ngồi đặt những dòng đầu tiên trên giáo án, khi xác định mục tiêu bài học, khi lựa chọn kiến thức trọng tâm, khi thiết kế các hoạt động, khi đánh giá kết quả học tập, khi giao bài tập về nhà. Nếu không thực sự hiểu được học sinh của mình, bạn không thể dạy chúng. Các giáo án được thiết kế sẵn không giúp bạn thành công, thậm chí chúng có thể biến bạn thành một cái máy lười suy nghĩ, bởi không thể có một giáo án chung cho mấy chục triệu học sinh trên khắp cả nước.

Vậy làm thế nào để hiểu học sinh của bạn? Bạn cần lắng nghe chúng nhiều hơn.

Bạn phải lắng nghe từng cử chỉ, hành động, biểu hiện của chúng trong lớp học. Có đứa trẻ sẽ không ngừng ngọ ngoạy chân tay trong lúc đang rất tập trung và cố gắng ghi nhớ bài học. Có đứa trẻ ngọ ngoạy chân tay để thể hiện một sự bất mãn sâu sắc với bài học cũng như một sự phản kháng mạnh mẽ đối với giáo viên. Có đứa ngọ ngoạy bởi chúng có nhu cầu được giao tiếp trong khi qui định của lớp học là không được làm ồn. Có đứa ngọ ngoạy có thể là vì chúng đã bị dính chặt vào cái bàn trong một thời gian quá lâu ngoài sức chịu đựng. Có đứa chỉ đơn giản là cần được một khoảnh khắc tự do để thư giãn đầu óc. Có vô vàn lí do để một đứa trẻ ngọ ngoạy trong lớp. Bạn cần lắng nghe để nhìn thấy chúng đang thực sự ngọ ngoạy vì cái gì.

Đôi lúc, một ánh mắt lơ đãng cũng có thể là dấu hiệu cho những điều thật sự hệ trọng. Chúng có thể đang bước sang tuổi dậy thì, thời điểm mà tâm hồn lũ trẻ thường treo ngược cành cây. Cũng có thể chúng đang mang vào lớp học rất nhiều ưu tư về cuộc sống ngoài cổng trường. Có thể đó là biểu hiện của một lỗ hổng nào đó trong kiến thức khiến chúng nản lòng và mất tập trung. Có thể sức khoẻ của chúng đang không được ổn… Làm thế nào để có thể tìm ra cái gì đang ẩn giấu đằng sau ánh mắt ấy, bạn buộc phải lắng nghe.

Lắng nghe bằng mắt[sửa]

Để là một giáo viên thực sự, tầm mắt của bạn phải đủ rộng để không bỏ sót bất cứ một góc nhỏ nào trong lớp học. Thường thì giáo viên hay tập trung ánh mắt vào những bạn học giỏi hoặc những bạn cá biệt trong lớp, và khi đã hoàn toàn bất lực trước những học trò cá biệt, giáo viên thường bỏ chúng ra ngoài tầm mắt, và đi tìm cảm hứng trong những học sinh gương mẫu. Phần lớn những học sinh không có gì nổi bật hoặc quá phá bĩnh sẽ bị coi là những kẻ ngoài lề, và mắt bạn lập tức gạt chúng ra bên ngoài tầm quan sát một cách vô thức. Trong suốt khoảng thời gian bị lãng quên đó, không ít em thường thường bậc trung đã âm thầm nỗ lực để gây ấn tượng với thầy cô, muốn thay đổi bản thân mình, nhưng những cánh tay rụt rè, ngập ngừng của chúng đã bị lướt qua. Và chúng đã cảm thấy thất vọng bởi dù mình có cố gắng bao nhiêu, mình cũng chẳng bao giờ lọt vào mắt xanh của thầy cô. Vì thế, một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng để hiểu học sinh của bạn là hãy mở rộng tầm mắt và mở rộng tâm hồn bạn để bao quát cả lớp học và đón nhận những thay đổi dù là nhỏ nhất trong mỗi học sinh của bạn.

Lắng nghe bằng tai[sửa]

Nhưng bạn không chỉ cần lắng nghe bằng mắt. Bạn cần nghe bằng tai. Sự thay đổi nào đó trong giọng nói của một học sinh, cũng như sự thay đổi của các loại hợp âm trong lớp học có thể là một dấu hiệu cho bạn biết chúng đang nghĩ gì. Khi một đứa trẻ ngày thường luôn phát biểu rất dõng dạc, bỗng một ngày trở nên ngập ngừng, do dự, thì có thể có một sự xáo trộn nào đó đang xảy ra trong cuộc sống cũng như trong tâm hồn chúng. Khi bạn bước vào lớp và lớp học huyên náo hơn mức bình thường, bạn có thể cần phải dừng lại đôi phút để quan sát và phân tích xem điều gì đang thực sự diễn ra bên trong… Lắng nghe bằng tai là điều vô cùng cần thiết mỗi khi bạn bước vào lớp học.

Có những khi bạn bước vào lớp học, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, không có xáo trộn gì đặc biệt, không có âm thanh nào làm bạn cảm thấy lo ngại, không có hình ảnh nào gợi nên một điều gì khá lạ, nhưng bạn vẫn có một cảm giác nào đó, một cái gì đó thiếu sinh khí, uể oải hơn thường ngày, hoặc căng thẳng, hoặc e ngại… Tất cả những cảm giác đó thật mơ hồ, nhưng rõ ràng bạn đang cảm thấy có điều gì đó không ổn. Lúc đó bạn cũng cần phải dừng lại, lắng nghe và lắng nghe nhiều hơn.

Lắng nghe bằng trái tim[sửa]

Là giáo viên, bạn không chỉ cần phải lắng nghe bằng các giác quan, bạn cần phải cảm nhận học sinh của bạn bằng trực giác, bằng sự quan tâm thường trực. Thực hành lắng nghe sâu, lắng nghe bằng tất cả các giác quan, bằng sự yêu thương, tha thứ, lòng bao dung, từng ngày từng ngày một, bằng mong mỏi ghi nhận dù là những tiến bộ rất nhỏ của mỗi học sinh, đến một lúc nào đó, bạn sẽ thực sự hiểu được học sinh của mình là ai và chúng đang nghĩ gì. Học sinh của bạn mong mỏi chúng được lắng nghe. Chúng cần biết bao một người hiểu thấu suy nghĩ của chúng, chỉ ra cho chúng con người bên trong thực sự của chúng, cái con người mâu thuẫn mà chính chúng cũng không thể hiểu. Khi bạn thực sự lắng nghe sâu, bạn sẽ không cần mất nhiều thời gian để nhồi nhét kiến thức hay thi triển kĩ thuật. Bạn cảm nhận chúng bằng trái tim của bạn, chúng cảm nhận được tâm hồn của bạn. Những sự giao tiếp vô hình đó là cái cần thiết để tạo nên một mối quan hệ bền chặt, một sự tin tưởng sâu xa trong lớp học của bạn.

Phán đoán chính xác[sửa]

Nhưng làm thế nào để đưa ra những phán đoán chính xác sau khi đã có đầy đủ thông tin. Như bạn đã biết, đằng sau một dấu hiệu có thể tri giác được, là vô vàn những lí do sâu xa mà bạn không bao giờ có thể biết hết. Vậy làm cách nào để không suy đoán nhầm lẫn?

Nền tảng kiến thức về sinh lí học, tâm lí học, xã hội học sẽ giúp bạn. Tôi vẫn sinh viên sư phạm phải đọc rất nhiều sách để hiểu biết cặn kẽ con người. Các qui luật của tâm lí, cơ chế của cảm xúc… sẽ giúp bạn hiểu rõ những gì đang diễn ra trong tâm hồn của từng đứa trẻ, và dự đoán trước những gì sẽ diễn ra, cũng như cách để kiểm soát những phản ứng tiêu cực. Kiến thức về sinh lý học giúp bạn hiểu rõ đâu là những yếu tố thuộc về thiên bẩm mà bạn cần phải chấp nhận với lòng cảm thông, và đâu là những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến hành vi của học sinh mà bạn cần điều chỉnh. Kiến thức về xã hội học sẽ giúp bạn phân tích những luồng ảnh hưởng đa dạng của gia đình, nhà trường, xã hội, bạn bè… đang hàng ngày tác động đến đứa trẻ, để thông cảm với chúng hoặc can thiệp để loại trừ tận gốc nguyên nhân. Tất cả những kiến thức này, nếu trường Sư phạm không dạy bạn, thì bạn buộc phải tự học trước khi trở thành một giáo viên thực sự. Không những thế, bạn liên tục phải cập nhật những tri thức mới để có thể hiểu học sinh của mình một cách sâu sắc hơn. Nhiều giáo viên đã không tự trang bị những kiến thức nền này, và đó là lí do tại sao họ luôn cố gắng để đổi mới phương pháp, song vẫn không đạt được thành công như ý muốn.

Không có một công việc nào khó khăn như việc nỗ lực để trở thành một người giáo viên thực sự. Ta không có một công thức nào để có thể “điều chế” ra một giáo viên giỏi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thực sự làm được một điều gì đó cho học sinh của mình, cho sự nghiệp của mình, bạn có thể bắt đầu bằng bài tập lắng nghe. Lắng nghe và hãy lắng nghe nhiều hơn nữa.

Tác giả, nguồn, chú thích[sửa]

  • Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội
  • Nguồn: Học Thế Nào
  • Chú thích: Tiêu đề và các tiểu mục được Nguyễn Thế Phúc thêm vào khi đăng lại trên VLOS

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này