Nhận diện hành vi hung hăng thụ động

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hung hăng thụ động là một kiểu hành vi đối phó với xung đột nhưng không thực sự giải quyết xung đột, hơn nữa còn có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ. Người có hành vi hung hăng thụ động thường cư xử theo kiểu thoạt đầu ra vẻ đồng thuận, nhưng sau đó lại hành xử khác. Bạn có thể nghe người ta mô tả người hung hăng thụ động là người “hai mặt”.[1] Những người này kìm nén các cảm giác như bất đồng, giận dữ, bức xúc hoặc đau đớn mà không biểu lộ với người gây ra những tổn thương đó (phần “thụ động”), sau đó hành động theo kiểu “hung hăng” để ngấm ngầm phá hoại, làm xói mòn mối quan hệ hoặc làm tổn thương người kia nhằm trả đũa. Có phải bạn nghi ngờ mình đang đối mặt với hành vi hung hăng thụ động? Vậy thì bạn hãy học cách nhận diện hành vi này để giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ cá nhân.

Các bước[sửa]

Nhận diện hành vi hung hăng thụ động[sửa]

  1. Lưu ý đến những toan tính làm bạn tức giận. Người hung hăng thụ động thường thích làm người khác nổi giận và mất bình tĩnh, trong khi họ vẫn tỏ ra thản nhiên và cư xử như thể họ không làm gì sai. Nếu bạn cảm thấy ai đó đang cố tình chọc tức bạn nhưng lại tỏ ra thân thiện và điềm tĩnh thì có thể bạn đang đối mặt với một người hung hăng thụ động.[2]
    • Ví dụ, có thể bạn nhận thấy cô bạn cùng phòng thường dùng đồ trang điểm của bạn, ngay cả sau khi bạn đã yêu cầu cô ấy không làm vậy. Nếu bạn tỏ thái độ về việc này mà cô ấy đáp lại bằng thái độ câm lặng thì có lẽ đó là hành vi hung hăng thụ động. Có thể cô ta giả vờ như không biết rằng bạn bực bội về điều đó, thậm chí có vẻ khoái chí vì đã chọc tức được bạn.
  2. Xác định những lời “khen đểu”. Người hung hăng thụ động có thể đưa ra những lời khen với hàm ý mỉa mai. Thực ra đó là những lời xúc phạm được ngụy trang bằng sự khen ngợi. Người bị “khen đểu” thậm chí có thể không nhận ra sự xúc phạm, nhưng người đưa ra lời khen đó lại cảm thấy thỏa mãn vì hành động của họ.[2]
    • Ví dụ, một người hung hăng thụ động có thể khen đồng nghiệp vốn là đối thủ của mình vừa được thăng chức bằng những câu như, “Chúc mừng anh nhé! Vậy là tốt quá rồi. Sau bao nhiêu năm cố gắng thì cuối cùng anh cũng được thăng chức”. Câu khen này ngụ ý rằng người được khen chẳng mấy thành công vì mất quá nhiều thời gian mới đạt được điều đó.
  3. Ngẫm nghĩ về những lần họ nuốt lời hứa hoặc phá vỡ cam kết. Người hung hăng thụ động thường hay hứa hẹn, nhưng sau đó lại nuốt lời như một kiểu trả đũa. Một số người hung hăng thụ động thường cố tình phá vỡ cam kết để khiến người khác thất vọng.[3]
    • Ví dụ, cô bạn của bạn đồng ý giúp bạn làm một số việc nhà, nhưng đến sáng hôm đó lại nhắn tin rằng cô ấy không khỏe nên không thể đến giúp bạn được. Điều này nếu xảy ra một hai lần thì có thể hiểu được, nhưng nếu cô bạn đó lần nào cũng viện cớ để không giúp thì có lẽ cô ta đang tỏ thái độ hung hăng thụ động.
  4. Xem xét thái độ giận dỗi, thu mình lại và câm lặng. Người hung hăng thụ động còn có đặc điểm là không chịu nói ra những điều khiến họ bực dọc - ngoài miệng thì nói không sao, nhưng trong lòng lại hậm hực.[4]
    • Ví dụ, người bạn hung hăng thụ động của bạn một mực bảo rằng, “Tôi không giận gì đâu!” nhưng rõ ràng là cô ấy tỏ thái độ bằng cách im lặng trong thời gian xảy ra bất đồng, hoặc không nhận điện thoại hay trả lời tin nhắn của bạn.[4]
    • Tuy nhiên một số người gặp khó khăn trong việc biểu đạt cảm giác của mình nhưng không hẳn là người hung hăng thụ động. Người hung hăng thụ động thực sự tỏ thái độ giận dỗi hoặc thu mình lại kèm với những đặc điểm khác của hành vi hung hăng thụ động, đặc biệt là xu hướng sau đó đột ngột bùng nổ giận dữ hoặc ngấm ngầm phá hoại mối quan hệ.
  5. Để ý xem cách người đó cư xử với những người khác. Trong mối quan hệ mới, một người cho dù cực kỳ hung hăng thụ động cũng có thể kiềm chế trong cách cư xử với bạn vào lúc ban đầu. Tuy nhiên bạn cũng có thể nhận ra những dấu hiệu cho thấy người đó có cách hành xử lành mạnh hay có xu hướng hung hăng thụ động qua việc quan sát cách họ đối xử với những người khác, như người yêu cũ hoặc những người bề trên như cha mẹ hoặc sếp của họ.[3]
    • Người đó có thường hay nói xấu sau lưng những người khác mà không bao giờ nói thẳng với họ về những điều khiến mình bực bội? Cô ấy có thường thuận theo mọi người nhưng sau đó lại khiến họ thất vọng? Có phải cô ấy không tỏ lòng trìu mến, quan tâm, hoặc dùng con cái để làm công cụ mặc cả (ví dụ như trong quan hệ với chồng cũ hoặc với cha mẹ của mình)? Đây là những đặc điểm của tính cách hung hăng thụ động.
    • Đừng quên rằng mặc dù người đó không đối xử tệ với bạn, nhưng một khi mối quan hệ trở nên thân thiết hơn, rất có khả năng bạn cũng sẽ bị đối xử giống như cách họ đối xử với những người khác.
  6. Lưu ý đến những lời châm biếm. Nhiều người dùng cách châm biếm để gây cười, nhưng một số người không ngừng mỉa mai để che giấu sự thực rằng họ không có khả năng biểu đạt rõ ràng cảm giác thực của mình.[3]
    • Bạn hãy nhớ rằng người hung hăng thụ động có đặc trưng là không thể bộc lộ cảm giác của mình trong thời điểm hiện tại, do đó anh ta kìm nén sự bức xúc hoặc giận dữ trong lòng và xử lý sau. Nỗi bức xúc hoặc tức giận có thể được bộc lộ thoáng qua bằng những sự châm biếm, đặc biệt là những lời mỉa mai cay đắng và ác ý.[5]
  7. Tìm các kiểu thức. Hầu như tất cả mọi người, ngay cả những người lành mạnh, vào lúc này hay lúc khác đều có thể có những hành vi giống những hành vi hung hăng thụ động như mỉa mai, không giữ lời hứa, viện cớ, tránh né và kể ơn.
    • Nhưng vấn đề của người hung hăng thụ động là những hành vi như vậy tạo thành nếp hoặc làm tổn hại các mối quan hệ do tính chất lặp đi lặp lại.[6]

Đối chất với người hung hăng thụ động[sửa]

  1. Hãy thẳng thắn. Bạn nên nói với người đó một cách trực tiếp nhưng với thái độ không gay gắt hoặc kích động, cho họ biết rằng hành vi của họ đã tác động đến bạn như thế nào.[7] Cố gắng tập trung vào chính bạn và cảm giác của bạn thay vì tập trung vào người đó. Ví dụ thay vì nói, “Anh đã làm hỏng dự án của chúng ta,” bạn hãy thử nói, “Tôi thấy là dự án của chúng ta không được tốt lắm, và tôi muốn chúng ta phải làm tốt hơn lần sau”.[8]
    • Nếu bạn nói với người đó rằng hành vi của họ đang làm tổn thương bạn, gần như họ sẽ phủ nhận tất cả (đừng quên là những người hung hăng thụ động không thích nói về cảm giác của họ - chắc chắn là họ không thích bị nhắc đến chuyện đó!). Bạn hãy bám vào sự thực và đưa ra dẫn chứng, nhưng cũng nên chuẩn bị tinh thần người đó sẽ phản kháng và phủ nhận.[9]
  2. Cố gắng thấu hiểu. Người hung hăng thụ động có thể che giấu những cảm giác tự ti hoặc những vấn đề có từ thời thơ ấu khiến họ khó diễn đạt cảm giác của mình một cách hiệu quả.[7]
    • Nếu người đó chịu cởi mở đôi chút, đồng thời bạn sẵn sàng thông cảm và khoan phán xét, việc trò chuyện có thể giúp bạn hiểu được căn nguyên khiến họ có hành vi hung hăng thụ động.[3]
    • Hỏi thăm họ về thời thơ ấu, thời trẻ, những mối quan hệ trước đây (đặc biệt là những mối quan hệ có kết thúc không vui), hoặc những tình huống trong cuộc sống khiến trí não của họ có thể đã phản ứng ngược. Hãy nhớ rằng hành vi hung hăng thụ động thường là một chiến thuật đối phó của những người từng trải qua những trải nghiệm tiêu cực khiến họ có cảm giác yếu đuối và bất lực.[3]
  3. Quyết định xem mối quan hệ này có đáng để bạn gìn giữ không. Dựa vào cách phản ứng của người đó khi bạn chất vấn về hành vi hung hăng thụ động của họ, bạn có thể nhận ra liệu có cơ hội để cứu vãn mối quan hệ không, hay người đó có vẻ sẽ không bao giờ thay đổi.[3]
    • Đôi khi tránh né là chiến thuật duy nhất để không phải làm nạn nhân của hành vi hung hăng thụ động. Nhưng nếu người đó chịu thừa nhận và sẵn sàng sửa đổi, bạn sẽ có nhiều cách để cải thiện mối quan hệ của mình qua những chiến thuật giao tiếp hiệu quả.

Giao tiếp trong các mối quan hệ có tính hung hăng thụ động[sửa]

  1. Xây dựng lòng tin. Trong một mối quan hệ, mỗi bên đều cần lòng tin để giao tiếp hiệu quả hơn mà không phải dùng đến hành vi hung hăng thụ động.
    • Tin vào chính mối quan hệ: Để có thể yên tâm biểu lộ những cảm giác thực sự của mình khi bị tổn thương, bị xúc phạm hoặc giận dữ, bạn cần phải có lòng tin rằng cho dù có nói hoặc làm gì thì bạn vẫn được chấp nhận và yêu thương. Việc xây dựng lòng tin trong mối quan hệ là một quá trình đòi hỏi thời gian và chỉ đạt được khi hai bên đều không ngừng tỏ ra đáng tin cậy và luôn ở bên nhau cho dù có điều gì xảy ra.[10]
    • Tin vào chính người đó. Để nói ra suy nghĩ của mình, người hung hăng thụ động phải cảm thấy rằng họ có giá trị, rằng những ý kiến và cảm giác của họ xứng đáng được lắng nghe. Đặc biệt, người yêu của bạn cần phải xây dựng lòng tự tin để vun đắp tình cảm với bạn hoặc thành công trong các mối quan hệ khác. Hãy đọc bài viết hữu ích của wikiHow để tìm lời khuyên về cách xây dựng lòng tự tin.
  2. Học cách nhận biết cảm giác của bản thân. Bước này đặc biệt quan trọng cho cả hai người trong một mối quan hệ có tính hung hăng thụ động. Nhiều khi những người hung hăng thụ động không nhận ra và xác định đúng cảm giác của chính họ trong khoảnh khắc hiện tại, sau đó họ ngẫm nghĩ lại tình huống và nhận ra rằng họ cảm thấy khó chịu, bị tổn thương, v.v…
    • Tìm hiểu về cách mà cơ thể bạn biểu hiện sự giận dữ, buồn bã, khó chịu hoặc các cảm giác khác. Khi trải qua một phản ứng cảm xúc, bạn hãy lưu ý những biểu hiện của cơ thể mình: Có phải tim bạn đập nhanh, lòng bàn tay ướt mồ hôi, ngực như bị siết chặt? Có phải bạn không thể suy nghĩ sáng suốt? Có phải bạn không thể tìm được từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ của mình? Sau đó, bạn hãy xem lại tình huống và cố gắng xác định cảm giác của bạn khi đó. Việc hiểu về cảm giác thể chất của bạn và liên hệ những cảm giác đó với những phản ứng cảm xúc sẽ giúp bạn xác định được cảm giác của mình vào lần sau.[7]
  3. Thiết lập những quy tắc giao tiếp mới. Nếu mối quan hệ đã bị tổn hại vì những hành vi như hung hăng thụ động xảy ra trước đây thì rõ ràng là những quy tắc cũ, dù được nói rõ hay không, đã không có tác dụng. Việc trao đổi một cách thẳng thắn về những quy tắc mới để mọi người biết những điều mong muốn trong mối quan hệ là điều cần thiết.
    • Tỏ ra tôn trọng. Duy trì những quy tắc về cách hành động chín chắn và hợp lý trong trường hợp xảy ra bất đồng, bao gồm không đóng sầm cửa, không chửi rủa, không mỉa mai, không xúc phạm hoặc đe dọa, hay bất cứ điều gì khác liên quan đến sự tôn trọng.[11]
    • Dành không gian riêng cho nhau. HIểu rằng sau cuộc tranh cãi một số người cần phải có thời gian để nguôi bớt trước khi thảo luận về sự việc một cách có lý lẽ và đi đến giải pháp thỏa mãn cho cả hai bên.
    • Nói ra những suy nghĩ của bạn. Điều quan trọng là bạn không nên “thụ động” và tránh né nói về cảm giác của mình, trong khi người có khuynh hướng hung hăng thụ động cũng gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc của họ.[7] Thay vì thế, bạn hãy nghĩ ra các chiến thuật để giúp hai bên đều nói lên cảm giác và mong muốn của mình mà không phải lo lắng về những hậu quả xấu có thể xảy ra. Một chiến thuật hiệu quả là cả hai bên viết ra những cảm giác của mình. Điều này có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong lúc nóng giận.
  4. Đừng trở thành người dung dưỡng. Không ít người bị thu hút đến với bạn bè hoặc người yêu có xu hướng hung hăng thụ động với mong muốn “sửa chữa” người đó hoặc vì hành vi không lành mạnh của người đó đem lại cảm giác quen thuộc và an toàn (ví dụ, nếu bạn lớn lên với người nuôi dưỡng hung hăng thụ động, có thể bạn sẽ tìm bạn đời hoặc bạn bè cũng có xu hướng này).[3]
    • Có thể bạn đang góp phần củng cố cách cư xử hung hăng thụ động của người đó nếu bạn dung dưỡng họ, bao biện cho hành vi xấu hoặc những lần không giữ lời hứa của họ, và ra tay “cứu nguy” mỗi lần họ làm sai.[3]
    • Bạn cũng có thể tạo điều kiện cho hành vi đó nếu bạn cam chịu làm nạn nhân, bạn không chỉ ra hành vi đó và để yên cho họ ngược đãi bạn. Điều này ngụ ý cho người kia hiểu rằng bạn sẽ không phản ứng với hành vi xấu.[3]
    • Có thể bạn cũng đang khuyến khích hành vi hung hăng thụ động nếu bạn trừng phạt người đó vì họ đã nói ra suy nghĩ của họ. Có phải bạn hờn dỗi hoặc tức giận nếu bạn của bạn nói rằng họ không muốn đi chơi? Cách cư xử như vậy sẽ khiến người đó sẽ tìm cớ thoái thác vì sợ bạn nổi giận. Tương tự như vậy, nếu bạn không chịu trao đổi về những cảm giác của hai bên trong mối quan hệ tình cảm, người yêu của bạn sẽ khó mở lòng với bạn mà chỉ giữ hờn giận trong lòng.

Cảnh báo[sửa]

  • Hành vi hung hăng thụ động có thể biến thành bạo hành tinh thần. Những dấu hiệu cảnh báo là người đó làm bẽ mặt bạn, sỉ nhục và hạ thấp bạn; người đó toan tính kiểm soát bạn hoặc làm bạn xấu hổ; người đó buộc tội bạn về những điều bạn không làm hoặc đổ lỗi cho bạn về những vấn đề của họ; người đó không quan tâm đến cảm giác của bạn; hoặc người đó không cho phép bạn có ranh giới riêng.[12]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]