Ostrinia nubilalis (Sâu đục thân hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Ostrinia nubilalis au trung.jpg
Ấu trùng Ostrinia nubilalis.
Tập tin:Ostrinia nubilalis thanh trung.jpg
Thành trùng Ostrinia nubilalis.

Sâu đục thân hại bắp (tên khoa học Ostrinia (=Pyrausta) nubilalis Hubner, còn có tên là Ostrinia furnacalis (Guenée)) là một loài côn trùng thuộc họ Pyralidae (Ngài Sáng), bộ Lepidoptera (Cánh Vảy).

Phân bố[sửa]

Ostrinia nubilalis xuất hiện nhiều ở các quốc gia trồng bắp trên thế giới như Ấn Độ, Ba Lan, Bulgaria, Canada, Hungary, Indonesia, Italy, Liên Xô cũ, Mỹ, Nhật Bản, Pakistan, Tiệp Khắc, Triều Tiên, Trung Quốc.

Ký chủ[sửa]

Ở Việt Nam, O. nubilalis gây hại chủ yếu trên cây bắp; ngoài ra, sâu còn xuất hiện trên các loại cây như đay, họ Cà, lúa miến và một số loài cỏ thuộc họ Poaceae (Hòa Thảo) dùng làm thức ăn cho gia súc.

Bướm thường hoạt động vào ban đêm. Bướm đực có thân dài từ 12-14 mm, sải cánh rộng từ 22-28 mm. Cánh trước màu vàng tươi đến vàng nhạt, có hai sọc gảy khúc màu nâu hơi đậm chạy ngang cánh dọc cạnh ngoài, tiếp theo về phía ngực là các sọc gảy khúc khác nhưng màu nhạt hơn; cạnh trước và cạnh ngoài cánh màu đậm hơn khoảng giữa cánh và cạnh sau. Cánh sau màu sáng hơn và các đường vân mờ hơn cánh trước. Bướm cái có chiều dài thân từ 13-16 mm, sải cánh rộng 25-30 mm, cấu trúc vân trên cánh bướm cái giống bướm đực nhưng màu nhạt hơn. Thời gian sống của bướm cái khoảng 10 ngày. Một bướm cái có thể đẻ từ 10-200 trứng.

Trứng có hình bầu dục dẹp, khi mới đẻ màu trắng sữa, mặt trên trơn bóng. Vài ngày sau trứng có một chấm đen trông rõ dần lên. Thời gian ủ trứng từ 4-7 ngày.

Ấu trùng mới nở màu hồng, đầu đen, càng lớn sâu đổi dần thành màu trắng sữa. Mỗi đốt bụng có sáu đốm đen tròn, giữa đốm có một sợi lông mọc dài ra. Sâu lớn đủ sức dài từ 15-22 mm, màu nâu vàng, có những sọc nâu mờ chạy dọc trên lưng từ đầu đến cuối thân. Ấu trùng có 6 tuổi, phát triển từ 18-41 ngày.

Nhộng màu nâu nhạt, dài khoảng 15-19 mm. Giai đoạn nhộng phát triển từ 5-12 ngày, trung bình từ 7-12 ngày.

Tập quán sinh sống và cách phá hại[sửa]

Bướm rất thích ánh sáng đèn và hoạt động nhiều từ lúc chiều tối đến sáng. Ban ngày bướm thường trốn trong bẹ lá hoặc trong đọt cây bắp hay các bờ cỏ dại. Hai đến ba ngày sau khi vũ hóa bướm bắt đầu đẻ trứng. Bướm cái có tính chọn lọc nơi đẻ trứng, chỉ thích đẻ trứng ở những ruộng bắp xanh tốt và cây đang ở giai đoạn sinh trưởng thích hợp như cây có chiều cao trên 50 cm, nhưng thích nhất là những ruộng bắp sắp trổ cờ.

Trứng được đẻ thành ổ xếp chồng lên nhau như vảy cá, ít khi đẻ thành từng cái riêng lẻ, bướm đẻ nhiều ổ trứng trong nhiều đêm, mỗi đêm một ổ. Số trứng trên mỗi ổ thay đổi tùy nơi đẻ thích hợp hay không, thường từ 100-300 cái. Ổ trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá, nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở mặt trên và được gắn chặt vào mặt lá, trứng láng bóng, rất dễ nhận diện.

Sau khi nở, sâu ăn hết vỏ trứng và chất keo phủ ổ trứng, xong bò quanh ổ trứng một thời gian ngắn, sau đó phân tán nhả tơ nhờ gió đưa từ lá này sang lá khác hay từ cây này sang cây khác. Sâu gây hại mọi bộ phận của cây bắp tùy giai đoạn tăng trưởng của cây. Sâu tuổi nhỏ thích các lá chưa mở ra, bẹ lá hay vỏ trái bắp hay râu bắp hoặc hoa đực (cờ bắp) vì ở tuổi 1 và 2 sâu chưa có khả năng đục vào thân.

Tùy giai đoạn tăng trưởng của cây bắp mà sâu có cách gây hại khác nhau như sau:

  • Nếu bắp còn non, chưa có lóng, sâu chui vào loa kèn, ăn các lá còn cuốn lại.
  • Nếu bắp đã có lóng thì bắt đầu từ tuổi 2-3 sâu chui vào nách lá và ăn ở mặt trong bẹ lá, sau đó đục vào thân, ngay phía trên mắt, và ăn dần lên. Sâu không thể đục qua mắt được nên phải chui ra ngoài mỗi khi muốn sang lóng khác. Trên một thân cây bắp có rất nhiều sâu sinh sống. Sâu gây hại nhiều nhất ở các tuổi 3, 4, 5 và đầu tuổi 6. Ngoài thân cây bắp, sâu còn tấn công trên cờ bắp, lúc còn ở bên trong thân hay đã trổ, ăn hoa đực, nhất là hạt phấn còn non. Sâu còn tấn công vào trái nhưng chỉ ăn vỏ hoặc lõi trái bắp. Thiệt hại do sâu đục thân gây ra nặng nhất là ở giai đoạn bắp đã trổ cờ, làm gảy cây hay gảy cờ, có khi đến 50%. Khi sống trên cờ bắp, ấu trùng phát triển nhanh hơn, thân to hơn và bướm đẻ nhiều trứng hơn.

Sâu làm nhộng bên trong đường đục, ngay phía trên lổ đục vào, đầu quay xuống dưới gần lổ đục và có tơ bít kín miệng lổ đục lại. Đôi khi sâu bò ra ngoài và làm nhộng giữa bẹ và thân, nhất là lúc mưa nhiều.

đồng bằng sông Cửu Long, trong một năm bắp được trồng thành 2 vụ chính là:

  1. Vụ thứ nhất vào các tháng 5, 6, 7; trong thời gian này các ruộng bắp gieo trể bị thiệt hại nặng hơn các ruộng chính vụ hay gieo sớm.
  2. Vụ thứ nhì vào các tháng 10, 11, 12; trong vụ này các ruộng bắp gieo sớm bị hại nhiều hơn các ruộng gieo trể vì ẩm độ ở các tháng đầu cao hơn các tháng sau.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số[sửa]

Thời tiết[sửa]

  • Nhiệt độ thích hợp cho sâu phát triển là từ 15-32°C.
  • Ẩm độ: sâu cần ẩm độ không khí rất cao, vì ẩm độ ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ nở của trứng và sâu. Ẩm độ thích hợp là từ 95-100%.

Thức ăn[sửa]

  • Sâu tuổi 1 và 2 thích những phần non mềm, nhiều nước, ít xơ như hoa đực lúc chưa nở, phần lá bên trong nõn hay râu trái bắp non.
  • Sâu từ tuổi 3 trở đi thích những bộ phận ít nước nhưng nhiều đường như lóng thân cây bắp trổ cờ, lõi trái bắp hay hạt bắp non. Nhìn chung, sâu đục thân bắp thích nhất bắp ở giai đoạn trổ cờ.

Thiên địch[sửa]

Trong thiên nhiên sâu thường bị một số loài ong và ruồi ký sinh làm giảm mật số rất nhiều.

Biện pháp phòng trị[sửa]

  • Thu hoạch trái xong nên cắt thân cây sát gốc, chôn vùi hay cho gia súc ăn, dọn sạch ruộng bắp vì sâu và nhộng vẫn còn tồn tại trong thân cây bắp trong thời gian dài sau khi thu hoạch.
  • Nếu trồng bắp trong đầu mùa mưa thì phải trồng sớm đồng loạt. Nếu trồng trong vụ Đông Xuân nên xuống giống trể hơn.
  • Sau vụ bắp nên luân canh với loại cây không phải là ký chủ của loài sâu này để cắt đứt nguồn thức ăn của sâu.
  • Dùng thuốc hột rải vào loa kèn hay nách lá xong tưới nước.
  • Áp dụng thuốc nước ngay lúc bướm đang đẻ trứng hay sâu tuổi nhỏ đang còn ở trong nách lá hay trong loa kèn của cây bắp còn non.

Thư viện hình ảnh[sửa]

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305