Phòng ngừa tiêu chảy

Từ VLOS
(đổi hướng từ Phòng ngừa Tiêu chảy)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước và thường đi kèm với triệu chứng chướng bụng, đau thắt bụng và đầy hơi. [1] Mặc dù có thể gây phiền toái khi bạn đi du lịch và khó tiếp cận nhà vệ sinh công cộng nhưng tiêu chảy trong thời gian ngắn không phải là bệnh đáng báo động. Mặt khác, tiêu chảy kéo dài hơn vài ngày thường là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến mất nước, mệt mỏi nếu bệnh không được điều trị. Nếu lo lắng rằng bản thân có thể bị tiêu chảy, bạn có thể áp dụng những phương pháp dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Các bước[sửa]

Giữ Vệ sinh để Phòng ngừa Tiêu chảy[sửa]

  1. Giữ tay sạch. Nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp tính là do nhiễm trùng từ một số loại vi sinh, bao gồm vi rút, vi khuẩn hoặc kí sinh trùng. [2] Nhiễm trùng thường được truyền vào cơ thể do tay bị nhiễm bẩn nên việc rửa tay với nước sạch và xà phòng thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng ngừa tiêu chảy.
    • Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, nên rửa tay sạch sau khi thay tã, chơi với thú cưng và xử lý tiền.
    • Xoa tay với xà phòng ít nhất 20 giây trước khi rửa lại bằng nước và nhớ rửa cả phần dưới móng tay.
    • Vi rút thường gây tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ nhỏ) bao gồm vi rút Rota, vi rút Noro và vi rút Adeno.[3]
    • Vi khuẩn thường gây tiêu chảy bao gồm Salmonella, Campylobacter, Shigella, E. coli. và C. Difficile. Động vật nguyên sinh như Protozoa như Cryptosporidium, Giardia và Entamoeba cũng có thể gây tiêu chảy.[4]
    • Không rửa tay quá nhiều bằng dung dịch rửa tay kháng khuẩn chứa cồn vì sản phẩm này có thể tạo ra khuẩn kháng thuốc gọi là siêu khuẩn và loại khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
  2. Rửa sạch rau củ quả. Bề mặt của nông sản tươi (hoa quả và rau củ) thường bị nhiễm khuẩn (ví dụ như khuẩn E. coli) từ thành phần trong đất trồng và giun sán từ ấu trùng.[2] Do đó, cần rửa sạch tất cả nông sản tươi trước khi chế biến và/hoặc tiêu thụ.
    • Ngâm rau củ quả trong nước ấm khoảng 30 phút và dùng bàn chải sạch cùng một ít muối nở để chà sạch, cuối cùng rửa lại bằng nước.
    • Chất khử trùng tự nhiên thích hợp để rửa rau củ quả gồm có giấm trắng, i-ốt pha loãng, axit citric, nước cốt chanh tươi, nước muối và keo bạc.
    • Đôi khi, nông sản tươi có thể lây truyền một số chủng gây bệnh E. coli và khi vào ruột, chúng có thể tạo ra độc tố gây tiêu chảy. Những khuẩn này (gọi là Enterotoxigenic E. coli hay ETEC) là nguyên nhân phổ biến gây "bệnh tiêu chảy ở du khách".[2]
  3. Uống nước sạch. Nước máy có thể có vị không ngon nhưng ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, hầu hết nguồn nước đều được khử trùng bằng clo và các hóa chất khác nên ít có khả năng lây truyền tác nhân gây tiêu chảy. Tuy nhiên, vệ sinh nước uống ở các quốc gia đang phát triển và quốc gia nhiệt đới lại chưa đảm bảo. Vì vậy, bạn nên tránh uống nước máy (nước vòi), đá viên hoặc đánh răng bằng nước máy khi đến các quốc gia này. [5] Thay vào đó, hãy dùng nước đóng chai có bán trong các cửa hàng (không mua ở ven đường).
    • Nước ở các quốc gia phát triển vẫn có thể bị nhiễm bẩn. Do đó, nên cẩn thận khi sử dụng nguồn nước giếng nếu sống ở khu vực nông thôn. Nước giếng có thể bị nhiễm phân động vật hoặc phân người hoặc chất thải chứa vi khuẩn.
    • Nếu không yên tâm về chất lượng nguồn nước máy tại nhà, bạn có thể lắp đặt hệ thống lọc nước thẩm thấu ngược nhiều giai đoạn. Hệ thống này có khả năng lọc các hạt vật chất và kí sinh trùng cũng như hóa chất độc hại có thể gây đau bụng và tiêu chảy.

Thay đổi Chế độ ăn để Phòng ngừa Tiêu chảy[sửa]

  1. Nấu chín thực phẩm dễ bị hỏng. Thực phẩm nhiễm vi khuẩn (thường được gọi là ngộ độc thực phẩm) là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy. [5] Hamburger đặc biệt có nguy cơ gây tiêu chảy cao vì nhiều bộ phận của bò (bao gồm ruột chứa vi khuẩn) được kết hợp với nhau để tạo ra món ăn này. Vì vậy, bạn nên chế biến kỹ Hamburger, bít tết, thịt gia cầm, hải sản và trứng, đồng thời chế biến bằng nhiệt độ cao để tiêu diệt vi khuẩn bên trong.
    • Chế biến thức ăn bằng lò vi sóng không phải là cách hiệu quả và đáng tin cậy để tiêu diệt vi khuẩn. Thay vào đó, dùng nồi hầm, chảo chiên, chảo lòng sâu và vỉ nướng được vệ sinh sạch để chế biến thức ăn sẽ tốt hơn.
    • Dùng riêng thớt để chuẩn bị thịt sống và khử trùng thớt thường xuyên.
    • Ngộ độc Salmonella là tình trạng ngộ độc thức ăn do khuẩn Salmonella Enterica gây ra và khuẩn này thường có trong thịt bò, thịt gia cầm, sữa chưa tiệt trùng và trứng.
    • Luôn rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sống.
  2. Tránh tiêu thụ thực phẩm gây tiêu chảy. Một số thực phẩm thường gây kích thích hoặc co thắt dạ dày/đường ruột, từ đó gây tiêu chảy trong thời gian ngắn, đặc biệt là ở người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc có vấn đề về tiêu hóa như Hội chứng Ruột Kích thích (IBS). [3] Thực phẩm cần tránh tiêu thụ gồm có đồ chiên nhiều dầu mỡ, sốt cay từ ớt Cayenne pepper, thực phẩm quá nhiều chất xơ không hòa tan (ví dụ như vỏ hoa quả hoặc rau củ) và thực phẩm nhiều fructose, bánh nướng ngọt.[6]
    • Kết hợp nhiều nhóm thực phẩm với nhau trong cùng bữa ăn có thể gây tiêu chảy ở một số người. Kết hợp thực phẩm thường gây tiêu chảy vì một số loại (ví dụ như thịt) cần thời gian tiêu hóa dài hơn các thực phẩm khác (ví dụ như hoa quả) nên dạ dày phải đưa hoặc là thực phẩm chưa được tiêu hóa một phần, hoặc là thực phẩm được tiêu hóa quá nhiều vào đường ruột khi bạn kết hợp thực phẩm với nhau.
    • Ăn các món khai vị, món chính và tráng miệng (ví dụ như thịt, mì ống, rau củ và hoa quả) cách nhau một thời gian ngắn, không ăn cùng lúc có thể giúp phòng ngừa đau bụng và tiêu chảy.
    • Gluten cũng có thể gây kích thích đường ruột và tiêu chảy nên người nhạy cảm với gluten (đặc biệt là người bệnh Celiac) nên tránh ăn ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và hắc mạch.
    • Nước uống có thể kích thích tiêu chảy gồm có cà phê, thức uống chứa nhiều caffeine và nước có ga chứa đường hóa học (Aspartame hoặc Sorbitol).
  3. Không tiêu thụ chế phẩm từ sữa động vật nếu cơ thể không dung nạp lactose. Chứng không dung nạp lactose là tình trạng cơ thể không thể sản xuất đủ lượng enzym (lactase) cần thiết để tiêu hóa đường trong sữa (lactose). Lactose không được tiêu hóa sẽ vào ruột già và trở thành thức ăn cho lợi khuẩn trong ruột già, từ đó sinh ra sản phẩm phụ là khí. Triệu chứng khi cơ thể không dung nạp lactose bao gồm đầy hơi, chướng bụng, co thắt bụng và tiêu chảy. [6]
    • Giảm hoặc tránh tiêu thụ chế phẩm từ sữa động vật, đặc biệt là sữa, kem bông, kem lạnh và sữa lắc, nếu nghi ngờ cơ thể không dung nạp lactose.
    • Khả năng sản xuất enzym lactase giảm nhanh sau tuổi thiếu niên, đồng nghĩa với việc nguy cơ không dung nạp lactose sẽ tăng khi bạn càng lớn tuổi.[4]
    • Nếu muốn tiêu thụ chế phẩm sữa mà không bị tiêu chảy do không dung nạp lactose, bạn có thể mua viên nang lactase ở hiệu thuốc và uống 1-2 viên mỗi bữa ăn để giúp tiêu hóa lactose.
    • Cẩn trọng khi uống sữa chưa tiệt trùng và ăn phô mai mềm vì chúng có nguy cơ cao chứa vi khuẩn có hại gây tiêu chảy.

Dùng Thuốc để Phòng ngừa Tiêu chảy[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ nếu thường xuyên bị tiêu chảy. Thỉnh thoảng bị tiêu chảy là bình thường nhưng sẽ là vấn đề đáng lưu tâm nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy. Đi khám bác sĩ ngay nếu:[7]
    • Bị tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày
    • Đau dữ dội ở bụng hoặc trực tràng
    • Mất nước
    • Sốt trên 39 độ C
    • Có máu hoặc mủ trong phân hoặc phân đen, khó đi ngoài
  2. Tham khảo bác sĩ về thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy hoặc ngừa tiêu chảy, tùy thuộc vào nguyên nhân. Lạm dụng kháng sinh có thể tiêu diệt "lợi khuẩn" trong ruột già, gây mất cân bằng và vấn đề về tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy. [4] Mặt khác, nếu bị nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây tiêu chảy mãn tính, việc dùng kháng sinh trong thời gian ngắn có thể giúp chống lại bệnh nhiễm trùng. Sử dụng kháng sinh là phương pháp nhiều rủi ro vì thuốc có thể phòng ngừa nhưng cũng có thể gây tiêu chảy. Do đó, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
    • Ngộ độc thực phẩm thường tự khỏi trong vòng vài ngày (nhiều nhất là một tuần) nên thuốc kháng sinh ít được kê đơn, trừ khi bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu.
    • Nếu sử dụng kháng sinh như hướng dẫn mà vẫn gây tiêu chảy, bạn nên cân nhắc việc dùng thực phẩm chức năng bổ sung probiotic (chứa các chủng lợi khuẩn thường có trong ruột già) trong khi và thậm chí là một tuần sau khi uống kháng sinh.[8]
    • Các thuốc khác có thể kích thích tiêu chảy bao gồm thuốc nhuận tràng, thuốc huyết áp, hóa trị, thuốc giảm cân và thuốc kháng axit (thuốc chứa magie).[3]
  3. Thử dùng thuốc không kê đơn. Mặc dù không được khuyên dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng thuốc chữa tiêu chảy không kê đơn như Loperamide (Imodium A-D) và Bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol, Kaopectate) có thể giúp giảm tỉ lệ mắc hoặc phòng ngừa tiêu chảy. Thuốc Loperamide chống lại bệnh tiêu chảy bằng cách làm chậm tốc độ đi qua đường ruột của thức ăn và nước uống, từ đó giúp nước được hấp thụ nhiều hơn trong quá trình đến ruột và tạo phân rắn hơn. Thuốc Bismuth subsalicylate phát huy công dụng bằng cách trực tiếp thấm hút nước và chất độc hại trong ruột, đồng thời cản trở sự sinh sôi của một số vi khuẩn và vi rút. [9]
    • Bên cạnh khả năng thấm hút nước, Bismuth subsalicylate còn có đặc tính kháng khuẩn và kháng sinh. [10] Tuy nhiên, không nên dùng Bismuth subsalicylate cho người dị ứng với Aspirin.
    • Thuốc chữa tiêu chảy có thể khiến tình trạng nhiễm vi khuẩn và giun sán trở nên nặng hơn vì tiêu chảy thường là cách cơ thể loại bỏ độc tố và vi sinh vật.
  4. Cân nhắc việc dùng thảo dược. Nguyên liệu tự nhiên từ thực vật thường là lựa chọn tốt để thay thế chế phẩm dược trong việc phòng ngừa, điều trị tiêu chảy và cũng ít gây tác dụng phụ hơn. Ví dụ, lá của một số loại thực vật như lá mâm xôi đen, việt quất và mâm xôi đỏ rất giàu tannin – chất làm se giúp hấp thụ nước và làm dịu cơn co rút ở ruột.[11]
    • Trà thảo dược có thể giúp phòng ngừa và điều trị tiêu chảy. Hắc trà, ví dụ như trà Earl Grey, cũng giàu tannin nhưng caffeine trong lá trà có thể gây phản tác dụng trong việc phòng ngừa tiêu chảy. Các loại trà thảo dược khác an toàn và có thể dùng điều trị tiêu chảy gồm có trà hoa cúc, trà gừng và trà thì là.
    • Không ăn quá nhiều quả mọng tươi cùng lúc vì chúng chứa nhiều đường fructose và chất xơ có thể khiến bệnh tiêu chảy nặng hơn.
    • Lưu ý rằng một số thảo mộc có thể kích thích tiêu chảy, gồm có phan tả diệp, nghệ và lô hội.

Lời khuyên[sửa]

  • Tiêu chảy do nhiễm khuẩn (ngộ độc thực phẩm) thường có nhiều triệu chứng hơn nhiễm vi rút ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến đi ngoài phân lỏng, nôn mửa, sốt và co thắt bụng dữ dội.
  • Ngộ độc Salmonella phát triển khoảng 12-24 tiếng sau khi ăn thực phẩm nhiễm bẩn và kéo dài khoảng 4-7 ngày.
  • Cẩn trọng khi ăn nông sản tươi, đặc biệt là rau trộn, ở nhà hàng tại các quốc gia đang phát triển hoặc các nước nhiệt đới. Rau xà lách và rau trong nhà có có thể được rửa bằng nước nhiễm bẩn hoặc không được rửa. Vì vậy, bạn nên gọi các món ăn từ thực phẩm xào hoặc chế biến kỹ.
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước khi bị tiêu chảy và luôn nhớ bổ sung chất điện giải (muối khoáng như kali và natri).

Cảnh báo[sửa]

  • Tiếp nhận y tế ngay nếu bạn hoặc trẻ nhỏ có triệu chứng mất nước nghiêm trọng do tiêu chảy (khô miệng, mắt trũng, khát nước trầm trọng, lú lẫn, mệt mỏi, giảm lượng nước tiểu).

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây