Sử dụng thuật ngữ không thống nhất trong ngành giáo dục

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thông thường mỗi khi nghiên cứu một vấn đề nào đó trước hết người ta tiếp cận nó ở khái niệm. Các nhà nghiên cứu nói vui, đây là động tác “đập vỡ khái niệm”.

Tuy nhiên, nhìn vào cách sử dụng thuật ngữ không thống nhất trong ngành giáo dục (GD) thì thấy, hình như một số khái niệm vẫn chưa rõ ràng. Đáng lưu ý là, đã có nhiều công trình nghiên cứu về đổi mới phương pháp, tốn rất nhiều thời gian và tiền của (kể cả dự án vay tiền nước ngoài) nhưng có cái khái niệm thì chưa thống nhất nổi.

"Cải cách" hay "Đổi mới"

Năm 2000. ngành GD thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc “Đổi mới chương trình GD phổ thông”. Trong các văn bản chính thống của Bộ GD-ĐT đều dùng chữ “đổi mới”, nhưng trên nhiều diễn đàn, một vài vị trong ngành GD vẫn cứ nói là “cải cách”.

Tương tự là chương trình THPT phân ban lần thứ 2 bắt đầu thí điểm vào năm học 2003 – 2004. Nhiều cán bộ giáo dục vẫn nói rằng đây là chương trình chuyên ban. Sau này, khi chương trình phân ban có nhiều ý kiến khác nhau thì ở một số hội nghị, người ta lại nói chệch đi thành "dạy học phân hoá".

1 hiện tượng, 7 khái niệm khác nhau

Rồi đến hôm, cả xã hội giật mình vì báo chí đăng đây đó học sinh bỏ học hàng loạt. Nguyên nhân chủ yếu được xác minh là nhiều học sinh ngồi nhầm lớp. Một số em lớp 6 vẫn chưa đọc thông viết thạo nên bỏ học. Thế nhưng, nhiều người nói nhất định không phải nhầm lớp mà là sai lớp. Nhầm lớp, sai lớp như nên mới có bằng giả. Mà không! Nhiều người khẳng định đấy là bằng thật 100%, chỉ có “học giả” thôi.

Nhầm lớp, sai lớp, xuất hiện nhiều bằng thật - học giả khiến dư luận gióng lên nhiều hồi chuông báo động thì ngành GD phát động một phong trào đổi mới phương pháp dạy học. Phong trào này được một dự án của Bộ “hỗ trợ đỡ đầu”. Hội thảo, báo cáo được tổ chức ở nhiều nơi.

Nhưng cho tới một hội thảo nọ, người ta bỗng giật mình khi bà Nguyễn Thu Dung, Khoa Sư phạm (nay là ĐH Giáo dục), thuộc ĐHQG Hà Nội cho biết, theo một nghiên cứu chưa đầy đủ thì có tới 7 khái niệm, thuật ngữ khác nhau để chỉ cùng một hiện tượng.

Ví dụ như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp học, đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy …v.v.

Theo bà Dung thì đã có nhiều công trình nghiên cứu về đổi mới phương pháp, tốn rất nhiều thời gian và tiền của ( kể cả dự án vay tiền nước ngoài) nhưng có cái khái niệm thì chưa thống nhất nổi.

Không thể "nôm na" trong khoa học

Nhiệt liệt hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp dạy học, nhiều trường rầm rộ đi mua máy chiếu, máy tính để chuyển từ đọc – chép sang nhìn – chép. Và thế là một khái niệm mới ra đời: Giáo án điện tử. Nhiều nơi khoe nhà trường “đã thực hiện giáo án điện tử".

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT) có lẽ cũng sốt ruột và cũng hơi ngượng nên đã kêu gọi thầy, cô đừng gọi là giáo án điện tử nữa. Nó chỉ là bài giảng điện tử thôi.

Với các khái niệm như "bậc" và "cấp" (trong cấp, bậc học) thì chính bản thân nhiều nhà giáo cũng dùng lẫn lộn.

Ví dụ như cấp tiểu học, bậc tiểu học; cấp THCS, bậc THCS…

Không biết trong các văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT dùng cách nào, nhưng nếu sử dụng phương tiện Google trên Internet tra cứu thì số lượng dùng "cấp tiểu học" gấp 3 lần "bậc tiểu học".

Cách đây vài năm, khi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án gộp kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông làm một thì cũng có rất nhiều cách nói, cách viết khác nhau, trên báo chí: kỳ thi có mục tiêu kép, kỳ thi 2 trong 1, một kỳ thi 2 mục đích…v.v.

Sau đó, Bộ GD- ĐT mới nghĩ được cái tên chung để gọi hình thức thi này: Kỳ thi THPT quốc gia. Đúng là, đẻ con mãi rồi mới đặt tên.

Nói đến thi, lại nhớ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa rồi có nhiều nét mới. Đó là chấm chéo và thi theo cụm. Không biết có phải vì chấm chéo không mà môn văn ở một địa phương nọ điểm thấp bất ngờ. Thế là có chuyện "chấm chặt" và "chấm lỏng". Nhưng đã có barem cho từng ý, vậy tại sao còn chấm chặt, chấm lỏng? Chấm chặt, chấm lỏng hay là chấm chưa chính xác?

Cũng như việc người ta nói nhiều đến chương trình nặng, chương trình nhẹ. Thế nào là nặng và thế nào là nhẹ?

Những thuật ngữ này có thể “diễn nôm”. Nhưng trong lý luận và trong khoa học thì không thể nôm na được .

Ngô Thiệu Phong

Nguồn[sửa]

Ghi chú[sửa]

Tiêu đề của bài viết đã được sửa bởi Thành viên Nguyễn Thế Phúc.

Ý kiến của bạn[sửa]