Scirpophaga incertulas (Sâu đục thân màu vàng hại lúa)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sâu đục thân màu vàng hại lúa, còn gọi là sâu bướm hai chấm, có tên khoa học là Scirpophaga incertulas (Walker) (còn gọi là Tryporyza incertulas, Schoenobius incertulas, Scirpophaga incertullus, Tryporyza incertullus, Schoenobius incertullus, Scirpophaga bipunctifer, Tryporyza bipunctifer, Schoenobius bipunctifer), là một loài côn trùng thuộc họ Pyralidae (Ngài Sáng), bộ Lepidoptera (Cánh Vảy).

Phân bố[sửa]

Tập tin:Scirpophaga incertulas.jpg
Thành trùng Scirpophaga incertulas.

Các loài sâu đục thân lúa được ghi nhận xuất hiện tại các quốc gia như Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Burma, Indonesia, Cambodia, Lào, Malaysia, Nepal, New Guinea, Philippines, Pakistan, Sri Lanka, Việt Nam, miền nam các nước Nhật, Trung Quốc và Triều Tiên.

Ký chủ[sửa]

Tập tin:Sau duc than hai lua trieu chung.jpg
Triệu chứng "bông bạc" trên lúa do sâu đục thân gây ra.

Ngoài cây lúa, các loài sâu đục thân lúa có thể sinh sống được trên các loại cây như mía, bắp, lúa hoang, các loại cỏ như Sacclolepsis, Scirpus, Etaria, Phragmites, Typha, Panicum paspalum, Zizania, Echinochloa. Đặc biệt là S. incertulas chỉ sống trên lúa và lúa hoang.

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Bướm cái có chiều dài thân từ 10-13 mm, sải cánh rộng từ 23-30 mm, thân và cánh có màu vàng nhạt, giữa cánh có một chấm đen to. Cuối bụng có chùm lông màu vàng nhạt dùng để phủ lên ổ trứng. Bướm đẻ đêm thứ ba sau khi vũ hóa và liên tiếp từ 2-6 đêm, cao nhất là đêm thứ 2 và 3, một bướm cái có thể đẻ từ 200-300 trứng. Trứng được đẻ thành từng ổ từ 50-80 cái và mỗi đêm một bướm cái đẻ từ 3-6 ổ trứng.

Bướm đực có thân dài từ 8-10 mm, sải cánh rộng từ 18-20 mm. Đầu, ngực và cánh trước màu nâu nhạt. Cánh trước có dạng hình tam giác, giữa có một chấm đen nhỏ. Từ góc trên của cánh trước có một vệt xiên vào giữa cánh màu nâu đen lợt, cạnh ngoài cánh có 8-9 chấm đen nhỏ. Thời gian sống của bướm đực khoảng 4-5 ngày và của bướm cái từ 5-7 ngày.

Trứng nhỏ, màu trắng, thời gian ủ trứng từ 5-8 ngày.

Sâu non màu trắng sữa, đầu màu nâu nhạt, lớn đủ sức dài 20-25 mm. Sâu có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 25-35 ngày.

Nhộng dài 10-15 mm, màu nâu nhạt, kéo dài từ 7-10 ngày.

Vòng đời S. incertulas từ 45-70 ngày.

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Bướm vũ hóa vào ban đêm và có thể giao phối ngay sau khi vũ hóa và 2 ngày sau bắt đầu đẻ trứng. Bướm thích đẻ trứng trên những đám ruộng xanh tốt, rậm rạp. Ban ngày bướm ẩn trong tán lá lúa rậm rạp gần mặt nước. Bướm bắt đầu hoạt động mạnh khi trời vừa tối và mạnh nhất từ 19-20 giờ đối với bướm cái và từ 23 giờ khuya đến 1 giờ sáng đối với bướm đực. Bướm rất thích ánh sáng đèn và vào đèn nhiều lúc trăng tròn. Bướm có thể bay xa đến 2 km để tìm thức ăn.

Sâu non mới nở gặm ăn chất keo và lông phủ lên ổ trứng hay ở đáy ổ trứng chui ra. Sâu tấn công cây lúa bằng hai cách tùy giai đoạn sinh trưởng của cây lúa:

  • Lúa ở giai đoạn mạ hoặc đẻ nhánh. Sâu mới nở nhả tơ nhờ gió đưa sang các bụi lúa lân cận hoặc một số rớt xuống nước và nhờ gió đưa theo dòng nước phân tán đến các cây khác. Khoảng 90% sâu phân tán được đến các cây khác, nhưng chỉ 40% trong số trên là có thể sống và đục được vào thân cây lúa. Sau khi phân tán đến các lá, sâu chui vào bên trong bẹ lá, ăn mặt trong của bẹ từ 3-5 ngày. Sang tuổi 2, miệng đủ cứng, sâu đục thân cây lúa chui vào bên trong thân, ngay phía trên mắt và thường dùng tơ bịt kín lỗ đục để nước không chui vào. Sâu ăn phá đọt non của cây lúa làm cho dưỡng chất và nước không di chuyển lên nuôi đọt được nên đọt bị héo khô, gọi là "chết đọt".
  • Lúa sắp trổ hoặc mới trổ. Sâu đục qua lá bao đòng chui vào giữa thân xong bò dần xuống phía dưới ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn chất dinh dưỡng nuôi bông làm cho bông bị lép trắng gọi là "bông bạc".

Ở tuổi nhỏ sâu có thể sống trong thân cây mạ, khi cơ thể lớn (tuổi 3), sâu chui ra ngoài vì thân cây nhỏ so với cơ thể sâu; sâu cắn đứt thân mạ một đoạn ngắn hoặc cắn đứt một đoạn lá xong cuốn lại thành ống và sống trong đó, khi di chuyển sâu mang theo mình đoạn thân mạ hoặc cuốn lá đó, do đó sâu đục thân còn có tên gọi là sâu ống. Thời gian sinh trưởng của sâu non, tỉ lệ bướm cái và đực và số lượng trứng của mỗi bướm cái sinh sống trên mạ thường kém hơn so với sâu sống trên lúa đã cấy.

Tỉ lệ sâu đục vào thân cây lúa cao hoặc thấp tùy theo tuổi của cây:

  • Cây lúa ở giai đoạn mạ hay còn nhỏ, bẹ ôm sát thân, không thuận lợi cho sâu non vì khó đục được vào bên trong thân cây lúa, do đó sâu phải kéo dài thời gian phát triển. Sâu sống trong ruộng mạ càng lâu tỉ lệ chết càng nhiều. Việc nhổ mạ đem cấy cũng làm tăng tỉ lệ chết của sâu non.
  • Khi cây lúa đẻ nhánh bẹ rất mềm, sâu đục vào dễ dàng. Trên lúa đứng cái, các tầng bao lá dày cứng và nhiều, sâu đục vào khó khăn nên thường bị chết nhiều. Giai đoạn làm đòng, lúa chỉ có một bao đòng nên sâu đục vào bên trong thân cây lúa dễ dàng. Lúc lúa trổ, thân cây lúa cứng nên sâu khó xâm nhập.

Đặc điểm của sâu này là chỉ một con sống trong một thân cây lúa; khi hết thức ăn sâu chui ra ngoài tấn công sang cây khác, do đó sâu có khả năng phá hại rất cao.

Sâu cần ẩm độ cao để hóa nhộng (trên 90%), do đó, sâu thường làm nhộng bên trong thân cây lúa hoặc dưới mặt đất độ 1-2 cm, đôi khi nếu đồng ruộng khô hạn sâu có thể chui xuống cách mặt đất độ 10 cm để hóa nhộng. Trước khi hóa nhộng sâu đục sẵn một lỗ ở thân cây lúa, chừa lại lớp biểu bì để khi nở bướm chui ra ngoài.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số[sửa]

Thời tiết[sửa]

Ẩm độ cao (trên 90%) thích hợp đối với hầu hết các loài sâu đục thân lúa. Nhiệt độ từ 19-300°C thích hợp cho bướm hoạt động và sâu phát triển.

Thức ăn[sửa]

Ở giai đoạn vươn lóng sâu đục vào dễ dàng vì cây lúa mềm. Ở giai đoạn phân hóa đòng sâu dễ dàng đục vào bên trong thân cây làm cho cây bị hiện tượng chết đọt nhiều.

Thiên địch[sửa]

Trứng sâu đục thân thường bị ký sinh bởi ong thuộc các họ Eulophidae, Scelionidae, Trichogrammatidae, thành trùng ký sinh đẻ trứng vào trứng sâu trước khi trứng được phủ lông. Trứng sâu đục thân còn bị vạc sành, dế ăn và ăn cả lông phủ ổ trứng. Sâu và nhộng các loài sâu đục thân cũng bị ký sinh nhưng với tỉ lệ thấp, riêng ấu trùng tuổi 1 thường dễ bị côn trùng có ích ăn vì chưa chui vào bên trong thân cây.

Biện pháp phòng trị[sửa]

Biện pháp canh tác[sửa]

  • Trồng giống lúa kháng sâu đục thân.
  • Trồng giống chín sớm và nhảy chồi nhiều.
  • Cắt bỏ ổ trứng trên nương mạ trước khi cấy.
  • Khi gặt chừa gốc rạ thấp.
  • Đốt đồng, cày chôn gốc rạ, phơi đất ngay sau khi gặt.
  • Cho ruộng ngập nước trước khi cấy hoặc gieo.
  • Không bón nhiều phân đạm.

Biện pháp hóa học[sửa]

Theo Cục Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật (1991), nên áp dụng thuốc khi sâu đạt các mật số sau:

  • Lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Lúa sạ khoảng 2 ổ trứng/m2, lúa cấy, 1 ổ trứng/20 bụi lúa. Trong cả 2 trường hợp trên nếu ruộng ngập sâu hơn 5 cm, có thể áp dụng thuốc nước hay thuốc hột, nếu ruộng ngập sâu ít hơn 5 cm, áp dụng thuốc nước.
  • Lúa ở giai đoạn từ làm đòng đến trổ, 1 ổ trứng/m2 đối với lúa sạ hay 1 ổ trứng/bụi đối với lúa cấy.

Theo International Rice Research Institute (IRRI - Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế):

  • Ở giai đoạn nhảy chồi, sử dụng thuốc hột hay thuốc nước đều có hiệu quả, nhưng nếu ruộng có mực nước thường xuyên thấp hơn 5 cm, nên phun thuốc nước.
  • Ở giai đoạn phân hóa đòng đến trổ, sử dụng thuốc hột không có hiệu quả, chỉ có thuốc nước để diệt ổ trứng, bướm và sâu tuổi nhỏ chưa chui vào thân cây.

Có thể sử dụng thuốc nước lúc sâu vừa mới nở ra, chưa chui vào bên trong thân cây lúa.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305