Tăng cường lòng tự trọng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các vấn đề về lòng tự trọng có thể khiến bạn cảm thấy như bạn là một người thất bại hoặc không xứng đáng được quan tâm. Tuy nhiên, mỗi người đều có những phẩm chất tốt đẹp và khả năng đáng được xem trọng. Nếu bạn đang chật vật để nâng cao lòng tự trọng của bản thân, bạn có thể thực hiện một số hành động cụ thể để bắt đầu tăng thêm sự tự tin. Bên cạnh đó, khi phát triển một thái độ tích cực, bạn sẽ định hướng đúng trên con đường trở thành một cá nhân quyết đoán hơn.

Các bước[sửa]

Phát triển lối sống tích cực[sửa]

  1. Quan tâm đến bản thân. Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm để nâng cao lòng tự trọng là dành riêng thời gian và sự quan tâm cho bản thân. Thể hiện rằng bạn xem trọng chính mình là bước tiên quyết để nhìn nhận cách người khác đánh giá bạn. Đảm bảo bạn làm những điều sau:[1]
    • Tập thể dục thường xuyên[2]
    • Phát triển thói quen hằng ngày cho bản thân để trở nên vui vẻ, như tắm nước nóng khi kết thúc một ngày hay đi bộ vào buổi chiều.
    • Học một kỹ năng hay sở thích mới, phát triển tài năng, hay chỉ cần tìm hiểu những chủ bạn đề yêu thích[3][2]
    • Cảm thấy thoải mái với nơi bạn sống! Dành thời gian để dọn dẹp và trang trí nhà cửa, thậm chí chỉ đơn giản là sắp xếp lại giá sách.
  2. Ăn uống lành mạnh. Để cảm thấy khỏe mạnh, bạn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này có nghĩa là ăn theo chế độ ăn cân bằng. Một số loại vitamin như vitamin D và vitamin B12 có thể hỗ trợ cải thiện tâm trạng.[4][5]
    • Nguồn vitamin D lý tưởng gồm có: cá hồi, sản phẩm bơ sữa và nước trái cây bổ dưỡng.
    • Nguồn vitamin B12 bổ ích có trong: gan, ngũ cốc dinh dưỡng và sản phẩm bơ sữa.
  3. Dành thời gian để làm những việc bạn thích. Lòng tự trọng thấp có nguy cơ gây ra nhiều căng thẳng. Tuy nhiên, nếu bạn dành thời gian để làm những việc yêu thích, bạn có thể giải tỏa căng thẳng và kết nối với nhận thức về giá trị bản thân.[6][2] Đọc sách, áp dụng tài năng âm nhạc hay nghệ thuật của bạn, đi xem phim hay chơi trò chơi, dành thời gian với bạn bè, bất cứ việc gì bạn thích!
  4. Hoàn thành việc gì đó. Vấn đề về lòng tự trọng thường có liên quan đến cảm giác thất bại. Một giải pháp cho cảm giác này là đề ra mục tiêu và đạt được nó để có ý thức hoàn thành điều gì đó. Thậm chí một thành tựu nhỏ cũng sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và thỏa mãn hơn.[6]
    • Cải thiện bề ngoài và sự tiện nghi cho ngôi nhà của bạn là một việc lý tưởng để bắt đầu: lau dọn nhà, sắp xếp tủ chén, trang trí, v.v.
    • Quan tâm đến những nhiệm vụ có mức độ căng thẳng thấp và dễ dàng như chạy việc vặt hay đến cửa hàng tạp hoá cũng có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu khi hoàn thành.
    • Bạn cũng có thể lên kế hoạch cho những mục tiêu dài hạn như giảm hay xoá nợ, học một kỹ năng mới, giảm cân, v.v.
  5. Diện quần áo đẹp. Dù ngoại hình không nên là động lực chính của bạn, việc cân nhắc diện mạo có thể tạo ra hiệu quả tích cực đến lòng tự trọng của bạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cần phải mua những bộ quần áo đắt tiền. Bạn có thể mặc bất cứ quần áo nào giúp bạn cảm thấy tự tin, và cảm giác nội tâm đó sẽ thể hiện ra bên ngoài![6]
  6. Thưởng cho bản thân. Bạn có thể thể hiện bạn xem trọng bản thân nếu bạn thỉnh thoảng mang lại cho mình điều gì đó đặc biệt. Tự thưởng cho bản thân cho thấy bạn quan tâm đến tất cả những điều bạn làm, nhất là nếu phần thưởng đó đến sau khi bạn đã thực sự chăm chỉ làm việc.[6]
    • Phần thưởng không cần phải ở dạng vật chất. Bạn cũng có thể thưởng cho bản thân bằng những trải nghiệm. Ví dụ, bạn đến buổi hoà nhạc sau khi hoàn thành một dự án lớn tại công ty hay trường học.
  7. Dành thời gian với những người tốt. Nếu muốn tăng cường lòng tự trọng, hãy ở bên cạnh những người tích cực, biết ủng hộ và tử tế. Tránh những người tiêu cực, xem thường bạn, hay dường như làm bạn nản chí.[6]
  8. Rèn luyện lòng tử tế. Nếu bạn gặp khó khăn để cảm thấy thoải mái với bản thân, thử hành động tử tế với người khác. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi bạn giúp đỡ ai đó. Thể hiện bạn quan tâm đến người khác cũng tăng cường sự mong đợi rằng người khác nên quan tâm đến bạn.[6] Hãy thử:
    • Có hành động tử tế ngẫu nhiên, như trả tiền bữa ăn cho một người lạ.
    • Đến thăm bạn bè hoặc người thân bị bệnh.
    • Giúp đỡ hàng xóm với công việc sân vườn.
    • Làm tình nguyện vì mục đích tốt đẹp ở cộng đồng.[3][2]

Thừa nhận những phẩm chất tốt của bạn[sửa]

  1. Lập danh sách tích cực. Dành thời gian cân nhắc những mặt tích cực trong cuộc sống có thể tạo ra động lực để thúc đẩy lòng tự trọng. Bằng cách luôn có những suy nghĩ tốt đẹp, bạn sẽ đẩy sự tiêu cực ra khỏi tâm trí.[6] Thử lập danh sách:
    • Những điều bạn cảm thấy biết ơn.
    • Phẩm chất tốt đẹp của bạn (như tốt bụng, kiên nhẫn, và suy nghĩ chính chắn).[7]
    • Ưu điểm hay tài năng bạn sở hữu (như tác phong làm việc tốt, khả năng nghệ thuật hay âm nhạc, kỹ năng trong lĩnh vực học thuật hay chuyên môn, v.v). [3]
  2. Thử bài tập khen ngợi lẫn nhau. Ngồi lại với một người bạn, thành viên gia đình, hay ai đó mà bạn tin tưởng. Thay phiên khen ngợi nhau hay mô tả những phẩm chất tốt đẹp của người khác. Bài tập đơn giản này sẽ nâng cao lòng tự trọng của riêng bạn và của người khác.[6]
  3. Giữ “một cuốn album tích cực”. Thu thập những thứ tán dương bạn và những phẩm chất tốt đẹp của bạn. Đó có thể là những tấm ảnh, lá thư, phần thưởng, đồ lưu niệm của những nơi mà bạn đã đến và những vật gợi nhớ đến những sự kiện tích cực trong cuộc đời bạn.[6] Đảm bảo bạn tiếp tục bổ sung vào cuốn album và xem nó khi bạn cảm thấy mình cần tăng cường lòng tự trọng.
    • Đó không cần phải ở dạng album thật sự. Bất cứ hình thức tập hợp nào cũng sẽ có ích, như một cái hộp hay kệ trưng bày.
  4. Tạo lịch dành cho lòng tự trọng. Sử dụng một cuốn lịch, và mỗi ngày tạo lịch trình cho một việc nhỏ giúp bản thân cảm thấy tốt hơn. Đó có thể là: “Nấu bữa ăn yêu thích”, “Gọi điện thoại cho một người bạn”, hay “Đi bộ trong công viên”. Ghi chú những điều được hoàn thành mỗi ngày, và suy ngẫm cảm giác của bạn sau đó.[6]

Tạo thái độ tích cực[sửa]

  1. Chuyển đổi suy nghĩ tiêu cực. Vấn đề về lòng tự trọng thường phát sinh bởi sự căng thẳng hay khủng hoảng từ bên ngoài. Trong khi bạn không thể ngăn chặn điều này, bạn có khả năng kiểm soát phần nào đó cách bạn suy nghĩ về các sự việc. Khi bạn cảm nhận được suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, hãy dừng lại và chuyển chúng thành điều tích cực hơn.[8][6][2]
    • Khi bạn có suy nghĩ tự chỉ trích (như “Mình thật ngu ngốc”), bạn cần hỏi chính mình: “Đó có phải là sự thật không? Mình sẽ nói điều đó với ai hoặc về ai đó khác? Mình có nhận được bất cứ điều gì khi suy nghĩ như vậy không? Mình sẽ đạt được gì nếu chấm dứt lối suy nghĩ đó?”
    • Tập trung vào những suy nghĩ điều chỉnh tinh tế để nhấn mạnh cách nhìn nhận một tình huống theo hướng tích cực. Ví dụ, thay vì nghĩ “Mình sẽ không để bản thân bị phân tâm ở trường nữa”, hãy thử nói: “Mình dự định sẽ phát triển tác phong học tập tốt”.
    • Thử bài tập đơn giản sau. Gấp đôi một tờ giấy. Trên một mặt giấy, viết bất kỳ suy nghĩ tiêu cực của bạn về bản thân. Trên mặt còn lại, viết một suy nghĩ tích cực tương ứng để thay thế suy nghĩ tiêu cực.
  2. Chấp nhận thất bại. Không ai có thể thành công ở tất cả mọi lĩnh vực mọi lúc. Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra và cảm thấy hài lòng với nỗ lực của mình khi bạn thực sự cố gắng làm gì đó. Bạn cũng có thể nghĩ đến cách rút ra bài học từ sai lầm.[7][2]
    • Ví dụ, nếu bạn không làm tốt một bài kiểm tra (thậm chí bạn đã học rất chăm chỉ), hãy dành một ít thời gian thừa nhận nỗ lực của bạn. Nếu trước đây bạn không học chăm chỉ, liệu bạn có thể đã làm bài tốt hơn, và bạn cần xem xét lại sai lầm của mình nhằm tìm ra cách để cải thiện trong tương lai.
  3. Lắng nghe bản thân. Cơ thể và tâm trí thường nói ra điều bạn cần làm, do đó việc lắng nghe nhu cầu của mình có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Đó có thể là điều đơn giản như ngủ nhiều hơn nếu cảm thấy mệt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy bản thân thường xuyên nghĩ đến việc sống gần hơn với gia đình, thì đó có thể là điều quan trọng cần làm.[6]
  4. Đừng so sánh bản thân với người khác. Cuộc sống thường mang tính cạnh tranh, nhưng quan trọng là đặt ra tiêu chuẩn cho bản thân thay vì cố gắng để phù hợp với người khác.[7] Bạn cần nhận ra rằng tất cả mọi người đều không xuất sắc ở mọi lĩnh vực, và mỗi người có điểm mạnh riêng. Nếu bạn cảm thấy mình muốn cải thiện một vài khía cạnh trong cuộc sống, hãy lập mục tiêu làm điều đó vì bản thân, và đừng lo lắng về điều người khác làm hay nghĩ.[2]
    • Ví dụ, nếu bạn muốn phát triển khả năng thể thao như bóng rổ hay quần vợt, bạn cần đặt một mục tiêu cho sự cải thiện cá nhân, thay vì chỉ cố gắng để phù hợp hay đánh bại ai khác.
  5. Tìm sự hỗ trợ. Nếu cảm thấy mình có vấn đề với lòng tự trọng, bạn không cần phải xử lý nó một mình. Những người bạn tốt và gia đình sẽ sẵn lòng giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, dành thời gian với bạn, và chia sẻ những phẩm chất tốt đẹp của bạn. Bạn cũng có thể tìm một nhóm hỗ trợ hay tư vấn ở khu vực của mình để làm việc cùng nhau và tìm ra cách để phát huy lòng tự trọng.[3]
  6. Xác định nguyên nhân của vấn đề. Hiểu được điều gì khiến bạn cảm thấy lòng tự trọng thấp sẽ giúp bạn xử lý vấn đề. Đôi khi, một số nguyên nhân cụ thể khó có thể xác định được, nhưng những tác nhân thường gặp gồm có:[8]
    • Tình huống quan trọng, như dự án lớn ở công ty hay trường học.
    • Thay đổi quan trọng trong cuộc sống cá nhân hay nghề nghiệp, như kết thúc một mối quan hệ hay mất việc.
    • Cơn khủng hoảng, như bệnh tật, thương tích, hay vấn đề tài chính.
    • Bắt nạt.
    • Nhận thức tiêu cực về cảm nhận ngoại hình cơ thể[9]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây