Tự học có hướng dẫn
Tự học là một hình thức học. Vậy hoạt động tự học cũng phải có mục đích, nội dung và phương pháp phù hợp. Hình thức tự học có hướng dẫn vừa phải đảm bảo thực hiện đúng quan điểm dạy học hiện đại vừa phù hợp với đặc điểm nhận thức của HS.
Cần hiểu mối quan hệ giữa dạy và tự học là quan hệ giữa tác động bên ngoài và hoạt động bên trong. Tác động dạy của GV là bên ngoài hỗ trợ cho HS tự phát triển, chỉ có tự học của HS mới là nhân tố quyết định sự phát triển của bản thân HS. Hình thức tự học có hướng dẫn là hướng dẫn để HS tự học. Trong tự học có hướng dẫn, HS nhận được sự hướng dẫn từ hai nguồn : từ tài liệu hướng dẫn và trực tiếp từ GV.
- Nguồn hướng dẫn qua tài liệu: Tài liệu SGK hóa học thường chỉ trình bày kiến thức mà không có những chỉ dẫn về phương pháp hoạt động để dẫn đến kiến thức, để hình thành kĩ năng. Bởi vậy HS rất bị động, đọc đến dòng nào trong SGK thì biết đến dòng ấy không hiểu phương hướng bước đi kế hoạch như thế nào và sau khi học xong cũng không thể tự rút ra được điều gì về phương pháp làm việc để vận dụng cho các bài sau. Để khắc phục tình trạng đó tài liệu hướng dẫn tự học ngoài việc trình bày nội dung kiến thức, còn hướng dẫn cả cách thức hoạt động để phát hiện vấn đề, thu thập thông tin, xử lí thông tin, rút ra kết luận, kiểm tra và đánh giá kết quả...
- Nguồn hướng dẫn trực tiếp của GV qua các giờ lên lớp: Hiện nay theo quy đinh của Bộ giáo dục đào tạo, môn Hoá học trong các trường THPT có thời gian từ 2-3 tiết/ tuần, thời gian đó nếu để giảng giải kiến thức thì quá ít và sẽ phiến diện nếu để HS hoàn toàn tự học thì cũng không được. Chúng tôi cho rằng có thể tận dụng thời gian tiếp xúc giữa GV và HS để GV tổ chức, hướng dẫn và rèn luyện cho HS những kĩ năng tự học cụ thể. Rất nhiều HS từ trước đến nay vẫn học tập một cách thụ động, ghi chép học thuộc, áp dụng máy móc, chỉ dựa vào lời giảng của GV, hầu như không có thói quen tự học , thậm chí đọc xong một đoạn trong SGK, không thể tự tóm tắt được nội dung chính, đặc biệt là không thể rút ra phương pháp chung để thực hiện một loại hoạt động nào đó, thí dụ: nghiên cứu một định luật hóa học phải làm những gì ? Rèn luyện kĩ năng tự học cho HS là một quá trình lâu dài phức tạp và luôn luôn được củng cố, nâng cao và bổ sung thêm , bởi vậy tốt nhất là nên dành thời gian tiếp xúc giữa GV và HS ở trên lớp để thực hiện công việc đó.
Hoạt động tự học của HS có nhiều khâu, nhiều bước, được tiến hành thông qua các hoạt động học tập của chính bản thân họ. Đây là quá trình tự giác, tích cực, tự lực chiếm lĩnh tri thức khoa học bằng hành động của chính mình hướng tới những mục đích nhất định. Vì vậy, quá trình tổ chức dạy học phải làm cho hoạt động học của HS chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động. HS biết tự sắp xếp, bố trí các công việc sẽ tiến hành trong thời gian tự học, biết huy động các điều kiện, phương tiện cần thiết để hoàn thành từng công việc, biết tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả hoạt động tự học của chính mình.
Như vậy khái niệm tự học ở đây được hiểu là hoạt động tự lực của HS để chiếm lĩnh tri thức khoa học đã được qui định thành kiến thức học tập trong chương trình và SGK với sự hướng dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp của GV thông qua các phương tiện học tập như tài liệu tự học có hướng dẫn, tài liệu tra cứu, giáo án điện tử,...
HS không dùng SGK phổ thông mà sử dụng tài liệu viết riêng cho họ tự học . Tài liệu tự học có hướng dẫn cung cấp cho HS nội dung kiến thức và phương pháp học nội dung kiến thức đó.
Các nguyên tắc của dạy tự học có hướng dẫn tại lớp (tự học từng phần của tài liệu tại lớp dưới sự hướng dẫn của GV là giai đoạn trung gian sau đó tự học tại nhà)
- Nguyên tắc bảo đảm hình thành ở HS kĩ năng tự học từ thấp lên cao, tự học từng phần cho đến tự học hoàn toàn.
- Nguyên tắc bảo đảm cho GV thu nhận thông tin phản hồi về kết quả học tập của HS sau quá trình tự học và giúp đỡ điều chỉnh nhịp độ học tập của HS khi cần thiết.
Nội dung của phương pháp "dạy tự học có hướng dẫn"
Mục đích của phương pháp này là tạo điều kiện cho HS tự học được dễ dàng và tận dụng điều kiện có một số thời gian làm việc với GV để tranh thủ sự hướng dẫn của GV mà rèn luyện phương pháp, kĩ năng tự học, việc nắm vững kiến thức, rèn luyện năng lực. Như vậy nội dung của phương pháp "dạy tự học có hướng dẫn" sẽ bao gồm hoạt động của GV và HS:
- GV biên soạn "tài liệu tự học có hướng dẫn", hướng dẫn HS cách sử dụng tài liệu. HS theo hướng dẫn trong tài liệu mà tự lực hình thành kiến thức, kĩ năng,...
- GV sử dụng những giờ lên lớp để rèn luyện cho HS kĩ năng, kĩ xảo tự học, đánh giá kết quả, điều chỉnh kế hoạch.
Như vậy, trong cách dạy học này có hai kiểu hướng dẫn được phối hợp với nhau:
- Hướng dẫn bằng lời viết ngay trong tài liệu, đó là những chỉ dẫn về kế hoạch, về phương pháp giải quyết vấn đề, thu thập, xử lí thông tin... nhằm định hướng cho HS có thể tự lực thực hiện các hành động học một cách có ý thức, có phương hướng rõ ràng.
- Hướng dẫn ngay tại lớp những loại hoạt động cụ thể để rèn luyện kĩ năng tự học. GV theo dõi giúp đỡ, uốn nắn, điều chỉnh ngay tại lớp. Trong chương sau chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn về nội dung của "tài liệu tự học có hướng dẫn" và việc rèn luyện kĩ năng tự học cho HS.
Những năm đầu thế kỉ XXI đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu để cải tiến phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và phát huy tính tích cực, hứng thú học tập của người học và đã có những tác dụng nhất định.
Nguồn: webdayhoc.net
Xem thêm[sửa]
- Tập tin:Van dung PPDH GQVD de huong dan Sinh vien tu hoc.pdf, Nguyễn Trọng Hòa - Trường CĐSP Quảng Trị