Thành viên:Cao Xuân Hiếu/Note: John von Neumann Institute
Mission:
- Being the Center of Excellence of VNU HCM; nucleus of research and educational excellence in Knowledge Science, Systems Science and Information Science.
- Being the “home” for young Vietnamese scientists from abroad to return.
Chất lượng của đào tạo đại học và sau đại học, cũng như chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ là một yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước. Điều này càng rõ trong lúc chúng ta hội nhập quốc tế và khi nền kinh tế tri thức đang ngày càng trở nên quan trọng với mọi quốc gia. Không đào tạo được lớp trẻ tinh hoa gắn với sự phát triển đất nước, không có những tập thể nghiên cứu giỏi về khoa học và công nghệ ở trình độ cao của thế giới, chúng ta sẽ không vượt ra khỏi việc chỉ lắp ráp và gia công sản phẩm hoặc bán tài nguyên sẽ cạn kiệt một ngày nào đó.
Điều đáng lo ngại là nghiên cứu khoa học và công nghệ của ta đang tụt hậu quá xa so với các nước trên thế giới, và không chỉ thế còn tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực. Báo chí một vài năm qua đã đưa ra nhiều số liệu về sự tụt hậu này với thống kê từ những nguồn đáng tin cậy. Cũng vậy, chất lượng đào tạo sau đại học của ta rất đáng báo động và không thu hút được các sinh viên có năng lực thực sự. Không chỉ là sự tụt hậu mà điều nguy hiểm nữa là bản chất và giá trị của nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học trong nước đang bị biến đổi một cách lệch lạc so với chuẩn mực chung trên thế giới.
Thực tiễn phát triển giáo dục ở các nước tiên tiến trên thế giới đã cho thấy nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học có mối liên quan hữu cơ mật thiết với nhau. Nội dung chính trong đào tạo sau đại học, đặc biệt với đào tạo Tiến sĩ, là học các kiến thức nâng cao và làm nghiên cứu khoa học. Mặt khác, các sinh viên cao học và nghiên cứu sinh là nguồn nhân lực quan trọng để giải quyết các vấn đề nghiên cứu đặt ra thông qua các luận án tốt nghiệp. Do vậy, một đất nước không thể có một nền khoa học công nghệ tốt nếu không có một nền đào tạo sau đại học tốt, và ngược lại. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp cũng có quan hệ hỗ tương với nhau trong việc làm cho một đất nước trở nên giàu mạnh thật sự về cả vật chất và trí tuệ. Sự phát triển của công nghiệp cần có nghiên cứu khoa học để cách tân các qui trình và sản phẩm, có ý nghĩa sống còn trong một thị trường cạnh tranh. Ngược lại, công nghiệp có tài lực để có thể đầu tư cho các nghiên cứu khoa học vốn mang tính rủi ro nhưng nếu thành công sẽ mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với kinh phí đầu tư.
Theo những số liệu được công bố, tỷ lệ kinh phí đầu tư ở Nhật Bản trong những năm gần đây cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển (R&D) là 14%, 23% và 63%, trong đó các doanh nghiệp đóng góp và thực hiện khoảng 74% phần nghiên cứu phát triển. Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào nghiên cứu phát triển và hợp tác với các cơ quan nghiên cứu đã cho phép họ luôn sáng tạo được tri thức mới, liên tục cách tân và do đó tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
Tuy không có số liệu, có thể thấy là các tập đoàn nhà nước và công ty của ta hầu như chưa có nghiên cứu phát triển và những đổi mới cần thiết để cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu hóa sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Chúng ta cũng chưa có những cách hiệu quả để gắn kết các nghiên cứu ở đại học với sản xuất. Giới công nghiệp trong nước cần nhận thức được vai trò của nghiên cứu khoa học và đầu tư cho nghiên cứu phát triển như ở các nước tiên tiến, và chuẩn bị sớm cho việc cạnh tranh với các công ty và tập đoàn công nghiệp từ bên ngoài vào trong một tương lai rất gần.
Các điều kiện cần để phát triển nghiên cứu khoa học có chất lượng thật sự, và cũng là các nguyên nhân chính của sự yếu kém về nghiên cứu khoa học trong nước hiện nay, là: (1) lực lượng những người làm nghiên cứu giỏi; (2) điều kiện làm việc tốt và mức lương ổn định và thỏa đáng; và (3) cơ chế và chính sách quản lý và hoạt động hiệu quả.
Lực lượng khoa học và giáo viên đại học ở mỗi nước đang phát triển phụ thuộc rất nhiều vào số người được đào tạo tại các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học còn hạn chế, do lương còn thấp phải lo nhiều cách để có thêm thu nhập, do những cơ chế chưa đủ linh hoạt để khuyến khích và hỗ trợ sáng tạo, có thể thấy rằng lực lượng tinh hoa được đào tạo về khoa học và công nghệ ở nước ngoài của ta chưa làm được sứ mạng đem khoa học và công nghệ vào sự phát triển của đất nước.
Ba điều kiện nói trên lại tác động qua lại với nhau. Lương bổng và điều kiện làm việc tốt đòi hỏi những người làm nghiên cứu phải có năng lực thật sự để mang lại hiệu quả cho sự đầu tư. Mặt khác để thu hút lực lượng tinh hoa được đào tạo ở nước ngoài trở về thì cần phải có một môi trường làm việc tiên tiến và mức thu nhập sao cho họ có thể yên tâm làm nghiên cứu trong nước.
Như vậy cả ba vấn đề nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, và phát triển công nghiệp, cũng như ba điều kiện về lực lượng nghiên cứu, lương bổng, và môi trường làm việc, đều có quan hệ nhân quả kiểu con gà-và-quả trứng. Do đó không thể giải quyết từng vấn đề, hoặc đáp ứng từng điều kiện, một cách riêng rẽ mà cần phải làm đồng bộ và tiến dần từng bước.
Trước hết, để tạo đà xoay chuyển một tình thế như vậy, nhà nước cần có một quyết sách cho phép một số cơ chế và chính sách nghiên cứu khoa học có tính đột phá. Thứ hai, cần có các mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt đó. Thứ ba, việc đột phá cần tập trung vào một số đơn vị với một số lĩnh vực mũi nhọn cụ thể để có thể tạo nên một hiệu quả nhất định ban đầu.
Trong những năm gần đây, rất nhiều nước trên thế giới đã đầu tư vào các chương trình Trung Tâm Xuất Sắc (COE - Center of Excellence) nhằm cải cách đại học, qua việc hỗ trợ có định hướng để tạo ra các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế bên trong các đại học. Như một định nghĩa ngắn gọn về Trung Tâm Xuất Sắc, đó là nơi nhằm đạt được các thành tựu cao nhất trong một phạm vi hoạt động cụ thể.
Các ví dụ là Viện Courant của Trường Đại học New York. Viện Nghiên Cứu Tiên Tiến của Trường Đại học Princeton, hay Viện Khoa Học Thông Tin của Trường Đại học Nam California. Nhật Bản cũng đã có chương trình COE thế kỷ 21 bắt đầu năm 2002 nhằm nâng một số đại học của Nhật Bản lên nhóm các đại học hàng đầu thế giới, qua việc nâng cao chuẩn giáo dục và nghiên cứu. Trong các năm 2002-2004, nước Nhật đã tuyển chọn và xây dựng 251 Trung Tâm Xuất Sắc tại phần lớn các đại học hàng đầu của mình.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hầu như chúng ta chưa có khái niệm Trung Tâm Xuất Sắc và chưa có các Trung Tâm Xuất Sắc như đã được xây dựng và phát huy kết quả tại nhiều quốc gia. Trung Tâm Xuất Sắc John Von Neumann được đề xuất nhằm xây dựng một hình mẫu cho một giải pháp đột phá góp phần vực dậy và phát triển nền nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Trung Tâm Xuất Sắc John Von Neumann có 3 nhiệm vụ chính:
- Nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết của quốc gia và các vấn đề cơ bản trên thế giới về khoa học hệ thống, tri thức, và thông tin,
- Tổ chức liên kết đào tạo sau đại học theo phương pháp tiên tiến và chuẩn mực thế giới, cung cấp nhân sự trình độ cao cho các trường đại học và giới công nghiệp và dịch vụ ở Việt Nam,
- Nghiên cứu phát triển với các tập đoàn và công ty trong nước để cách tân các qui trình và công nghệ, đương đầu với thách thức trong thị trường thương mại toàn cầu hóa.
Xem thêm[sửa]
- Trung tâm xuất sắc
- "Đặc khu tri thức" và giá của tri thức khoa học, Nguyễn Văn Tuấn
- Đại học Leuven, một mô hình "đặc khu tri thức"?, Trần Thanh Minh
- Để đột phá giáo dục, phải tạo "đặc khu tri thức", Hồ Bất Khuất