Thành viên:Cao Xuân Hiếu/Note: Trung tâm xuất sắc
Trung tâm xuất sắc cần được hiểu như là những đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ được sự ưu đãi về ngân sách và chính sách. Ở một ngữ nghĩa nào đó những trung tâm này giống như các đặc khu nghiên cứu khoa học với mục đích thúc đẩy nghiên cứu khoa học về một hướng hoặc một chuyên ngành nhất định; có thể hoặc không bao gồm việc giải quyết một vấn đề hoặc một bài toán, một yêu cầu cụ thể của xã hội. Việc xây dựng và phát triển những trung tâm như vậy giúp một đất nước có thể 1) tập trung các nguồn lực vào một vài hướng khoa học, công nghệ mũi nhọn nhất định; 2) thí điểm các mô hình quản lý khoa học mới, tiên tiến tạo tiền đề đổi mới mô hình quản lý của các ngành khoa học, công nghệ khác trên toàn đất nước. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả giới thiệu mô hình Hiệp hội các viện nghiên cứu Max Planck của nước Đức để làm mô hình nghiên cứu cho các Trung tâm xuất sắc (TTXS) ở VN.
Mục lục
Hiệp hội Max Planck[sửa]
Hiệp hội này có tên đầy đủ là Max-Planck-Gesellschaft zur Förderung der Wissenschaften Eingetragener Verein, Max Planck Society for the Advancement of Science, dịch nghĩa Hiệp hội Max Planck về (nghiên cứu) khoa học cao cấp được thành lập từ năm 1948 (tiền thân là Hiệp hội Kaiser Wilhelm thành lập năm 1911). Hiệp hội này gồm 80 viện thành viên (một số nằm ngoài nước Đức) và trở thành trung tâm nghiên cứu (bên ngoài trường Đại học) đứng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học và đứng thứ 3 về nghiên cứu công nghệ (dựa trên độ ảnh hưởng của các công bố khoa học) theo bảng xếp hạng của tạp chí uy tín Times Higher Education (THE) năm 2006 [1]. Hiệp hội Max Planck quy tụ 4,889 nhà khoa học (2009) với 32 giải Nobel đã được trao. Về mặt hành chính, đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận và không thuộc chính phủ. Ngân sách hoạt động chính của Hiệp hội là nhận từ chính phủ Đức (chiếm khoảng 80%) và phần còn lại là từ ngân sách của các tiểu bang, từ Liên hiệp châu Âu, các quỹ cá nhân và các dịch vụ thu về. Tổng ngân sách năm 2010 dành cho các viện Max Planck (trừ trường hợp đặc biệt là Viện Max Planck về vật lý plasma) là khoảng 1.23 tỷ euros [2] (tăng gần 3% so với năm 2009). Nhiệm vụ chính của Hiệp hội là thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của các viện thành viên (hiện có 80 viện thành viên [3]).
Thực tế, mỗi viện Max Planck tập trung vào một lĩnh vực nghiên cứu cơ bản (có thể đa ngành) thuộc 1) khoa học tự nhiên, 2) khoa học sự sống và y học, 3) khoa học xã hội và nhân văn. Những lĩnh vực này thường khó thực hiện được trong khuôn khổ một trường đại học bởi vì 1) tính đa ngành phức tạp (không phù hợp với mô hình tổ chức theo khoa, ngành thông thường); 2) đòi hỏi một lượng đầu tư lớn về nhân lực và thiết bị (mà khuôn khổ một trường Đại học khó đáp ứng). Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã được tiến hành với sự cộng tác của một (hoặc một vài) nhóm nghiên cứu viện Max Planck với các đồng nghiệp thuộc các trường Đại học hoặc Viện nghiên cứu bên ngoài, mà trong đó, Viện Max Planck cung cấp các dịch vụ và thiết bị nghiên cứu cao cấp. Gần đây, để tăng cường sự kết nối với các trường ĐH uy tín, Hiệp hội Max Planck tài trợ cho một số nhóm nghiên cứu (Max Planck Research Groups, MPRG) hay trường nghiên cứu (International Max Planck Research Schools, IMPRS) trực thuộc các trường Đại học.
Để đảm bảo các Viện Max Planck có thể đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với sự phát triển khó lường của khoa học công nghệ thế giới, đồng thời duy trì tính cạnh tranh cao của các nghiên cứu cơ bản, Hiệp hội Max Planck được điều hành bởi 696 cộng tác viên (là các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới) bao gồm 257 thành viên đến từ các tổ chức nghiên cứu và số còn lại là tham gia với tư cách cá nhân (tháng 5 năm 2010). Những thành viên này (Supporting Members) định kỳ gặp mặt tại các phiên họp toàn thể (General Meetings), cùng với một số thành viên danh dự (Honor Members) và thành viên chỉ định (ex officio Members) để biểu quyết những thay đổi về điều lệ của Hiệp hội và bầu ra Nghị viện của Hiệp hội (The Senate).
Nghị viện Hiệp hội Max Planck là trung tâm quyền lực và điều hành của Hiệp hội, bao gồm 32 thành viên được bầu ra từ phiên họp toàn thể và 15 thành viên chỉ định có quyền bỏ phiếu. Các thành viên chỉ định bao gồm Chủ tịch Hiệp hội (the President), Chủ tịch Hội đồng Khoa học (the Chairperson of the Scientific Council), các chủ tịch của các tiểu ban khoa học (3 tiểu ban), Tổng thư ký Hiệp hội (the Secretary General, trực tiếp điều hành bộ phận hành chính của Hiệp hội), 3 nhà khoa học được lựa chọn từ mỗi tiểu ban khoa học, chủ tịch Công đoàn (the Chairperson of the general works council) cùng với 5 bộ trưởng hoặc thư ký bộ trưởng đại diện cho chính quyền liên bang và các bang. Các thành viên danh dự cũng là thành viên nghị viện có quyền tư vấn (không có quyền biểu quyết) và các chủ tịch của những tổ chức nghiên cứu lớn ở Đức cũng được mời tham dự (dự khán).
Nghị viện Hiệp hội là nơi quyết định mở mới hoặc đóng cửa Viện thành viên (trong lịch sử Hiệp hội đã có 2 viện phải đóng cửa và 1 viện phải sát nhập), chỉ định thành viên khoa học và ban giám đốc các viện thành viên cùng với phân bổ ngân sách. Nghị viện Hiệp hội bầu ra chủ tịch Hiệp hội (nhiệm kỳ 6 năm), bầu thành viên Hội đồng Điều hành (Executive Committee) và chỉ định Tổng thư ký. Hội đồng Điều hành chịu trách nhiệm tư vấn cho chủ tịch Hiệp hội và chuẩn bị nội dung cho các quyết định quan trọng của Hiệp hội. Tổng thư ký cùng các thành viên Hội đồng Điều hành (9 thành viên gồm chủ tịch, 5 phó Chủ tịch, thủ quỹ và 2 thành viên nghị viện) gộp chung thành Ban quản trị Hiệp hội. Trong đó, chủ tịch Hiệp hội là nhà đại diện Hiệp hội, đề ra các quy định về chính sách nghiên cứu và điều hành thông qua Nghị viện, Hội đồng Điều hành và các phiên họp toàn thể. Trong các tình huống khẩn cấp, chủ tịch Hiệp hội có quyền đưa ra quyết định.
Hội đồng Khoa học của Hiệp hội là bao gồm các thành viên khoa học và các ban giám đốc của các viện và trung tâm thành viên. Một số thành viên khoa học từ các viên nghiên cứu bên ngoài cũng được mời tham dự như khách mời với quyền tư vấn. Hội đồng Khoa học thường họp hàng năm một hoặc 2 lần (nếu cần). Hội đồng chia là 3 tiểu ban khoa học 1) Khoa học tự nhiên; 2) Khoa học sự sống và Y học; 3) Khoa học xã hội và nhân văn. Các tiểu ban khoa học trực thuộc Hội đồng Khoa học của Hiệp hội là nơi chịu trách nhiệm chuẩn bị các nghị quyết có tính xác đáng khoa học cũng như đưa ra các đề xuất liên quan đến việc chỉ định Thành viên Khoa học cũng như thiết lập hay đóng cửa các viện hay phòng ban trực thuộc. Các tiểu ban phải tổng hợp các báo cáo hàng năm lên Hội đồng Khoa học. Quyền tham gia Hội đồng Khoa học (nhiệm kỳ 3 năm) là kết quả bầu cử của các viện thành viên lựa chọn từ những nhà khoa học của mình.
Để bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học, các viện Max Plack phải thu hút được các nhà khoa học đẳng cấp quốc tế để chịu trách nhiệm vận hành các viện được trang bị tối tân. Khi đó, Nghị viện Hiệp hội phê duyệt những nhà khoa học này trở thành Thành viên Khoa học hay Ban Giám đốc của các viện thành viên trong một quá trình tuyển lựa gắt gao với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ các Viện Max Planck và cơ quan nghiên cứu bên ngoài. Những Thành viên Khoa học này sẽ được cung cấp một quyền tự quyết tối đa cùng với một ngân sách đầy đủ cho phép họ và các nhóm nghiên cứu của họ có thể phát triển nghiên cứu trong một lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến chuyên ngành của họ. Với một cơ cấu tổ chức lĩnh hoạt, Hiệp hội Max Planck có thể đóng lại các hướng nghiên cứu sau khi đã hoàn thành. Ngoài ra, các viện Max Planck được phép mời các nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước trở thành Thành Viên Khoa học Ngoài viện, điều này thúc đẩy và tối ưu hóa các khả năng hợp tác và mối quan hệ khoa học với giới khoa học bên ngoài viện. Quá trình chỉ định và phê duyệt cũng được tiến hành tại Nghị viện Hiệp hội.
Các Ban Cố vấn Khoa học và Ban Giám sát là các bộ phận quan trọng của Hiệp hội. Trách nhiệm Ban Cố vấn Khoa học (với 97% đến từ các trường và viện bên ngoài Hiệp hội, 75% là thành viên quốc tế) là thẩm định chất lượng nghiên cứu khoa học của các viện thành viên, điều này bảo đảm Hiệp hội sử dụng hợp lý các nguồn ngân sách luôn hạn hẹp. Ngoài ra, những đánh giá này cũng cung cấp thông tin hỗ trợ cho các quyết định về cơ cấu tổ chức của Hiệp hội nói chung và từng thành viên nói riêng. Chủ tịch Hiệp hội là người chỉ định thành viên ban cố vấn khoa học dựa trên các đề nghị của các viện thành viên (có khả năng nằm ngoài danh sách đề nghị). Những Ban cố vấn Khoa học tiến hành thẩm định các viện thành viên 2 năm một lần, hoặc đột xuất khi có yêu cầu của Chủ tịch Hiệp hội. Mỗi viện thành viên có một ban cố vấn khoa học riêng. Xét toàn Hiệp hội, hiện có 150 nhà khoa học người Đức và 610 nhà khoa học nước ngoài đang hoạt động trong các Ban cố vấn.
Vai trò chính của Ban Giám sát là thiết lập mối quan hệ tin cậy giữa các viện nghiên cứu và cộng đồng nói chung. Các thành viên giám sát (bên ngoài giới khoa học) có quyền đặt câu hỏi về các chính sách khoa học, cũng như các vấn đề về tổ chức, tài chính của các viện. Hiện nay, 53 viện thành viên có Ban Giám sát riêng và tổng số có 517 thành viên đang hoạt động trong các ban giám sát này.
Theo như nhận định của Ủy ban Quốc tế Kiểm định Hệ thống của Hiệp hội Max Planck và Quỹ nghiên cứu quốc gia Đức DFG (1999): "Vị trí hàng đầu của Hiệp hội Max Planck trong hệ thống nghiên cứu Đức là hệ quả của 2 nhân tố: 1) các thành viên khoa học đã đạt được những kết quả nghiên cứu có giá trị quốc tế ..., và 2) toàn Hiệp hội tận hưởng sự tự do đáng kể trong việc sử dụng các nguồn ngân sách cơ bản mà họ nhận được ..." ("Die herausragende Position der Max-Planck- Gesellschaft im deutschen Forschungssystem beruht auf zwei Faktoren: erstens auf den international anerkannten Forschungsleistungen ihrer Wissenschaftlichen Mitglieder ..., zweitens auf einer auflagenfreien, institutionellen Grundfinanzierung ... " [4]).
Những thực tại cần lưu ý khi áp dụng tại VN[sửa]
Cùng với mô hình Hiệp hội Max Planck trên, tác giả bài viết đề xuất và bàn luận những vấn đề cụ thể dưới đây có liên quan đến mô hình "trung tâm xuất sắc" (TTXS) với đặc thù Việt Nam:
Nguồn kinh phí xây dựng và vận hành TTXS
Việc đầu tư cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ là quá trình lâu dài, tốn kém và trên một mức độ nhất định nếu so sánh với việc đầu tư vào sản xuất và kinh doanh thì tính rủi ro là đáng kể. Tuy nhiên, đây là con đường cấp thiết phải đi nếu một quốc gia muốn duy trì mức tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm phụ thuộc vào công nghê cao của nước ngoài. Bởi vậy, việc có xây dựng thành công mô hình quản lý khoa học hiệu quả, tích cực và có khả năng cạnh tranh cao so với khu vực là yếu tố sống còn.
Nguồn kinh phí để đầu tư vào các lĩnh vực này nên được đa dạng hóa nhưng trước mắt ngân sách nhà nước và các khoản vay do nhà nước bảo lãnh vẫn phải đóng vai trò chủ đạo. Các nguồn kinh phí từ khối doanh nghiệp, từ các nhà đầu tư nước ngoài cần được tạo điều kiện khuyến khích [5][6][7].
Các hướng nghiên cứu KH & CN nào nên xây dựng TTXS
Thủ tướng chính phủ gần đây đã công bố danh mục các ngành công nghệ và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên[8]. Đây là tiến đề để lựa chọn một vài ngành chính mà nội lực (bao gồm nhân lực, thiết bị và hướng tiếp cận) có tính cạnh tranh cao với nền tảng khoa học quốc tế, có khả năng tạo những đóng góp đáng kể vào tri thức nhân loại. Việc xây dựng TTXS ở các ngành công nghệ thời thượng nhưng thiếu hụt nhân lực sẽ làm tăng mức chi phí và rủi ro đầu tư.
Trong trường hợp Hiệp hội Max Planck, họ tuân thủ "nguyên tắc Harnack" (đặt theo tên của nhà thần học Adolf von Harnack [9]) dựa vào sự tự do trong khoa học và nguyên tắc ủng hộ người xuất sắc nhất. Cụ thể, một viện Max Planck chỉ thành lập khi Hiệp hội mời được những nhà khoa học hàng đầu thế giới về lãnh đạo. Các nhà khoa học trong các Viện Max Planck được tự do lựa chọn đề tài nghiên cứu và họ được cung cấp những điều kiện làm việc tối ưu và tự do chọn lựa các cộng sự của mình.
Xây mới hoàn toàn hay chuyển đổi một số Viện nghiên cứu thành TTXS?
Từ khi ý tưởng xây dựng những TTXS ở VN được đề xuất (2004), nhiều nhà khoa học và quản lý KH đã thảo luận về câu hỏi này. Đa số các ý kiến thiên về việc xây mới các TTXS với lý do tách các TTXS ra khỏi mô hình quản lý khoa học chưa hiện đại hiện hành[10]. Việc xây mới TTXS làm tăng chi phí xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị, cơ cấu lại nhân lực nhưng bù lại đơn giản hóa việc quản lý và đầu tư.
Về mặt cơ cấu hành chính nhỏ gọn trong các Viện Max Planck, mỗi viện thường chỉ gồm 4 đến 5 phòng ban nghiên cứu khoa học (departments). Chủ nhiệm các phòng này luân phiên đảm nhiệm chức vụ Viện trường, trưởng phòng khác sẽ chịu trách nhiệm phó Viện trưởng. Mỗi phòng thường có hơn 10 nhóm nghiên cứu, và đây là đơn vị hạt nhân của nghiên cứu khoa học. Những nhóm nghiên cứu này được lãnh đạo bởi 1 nghiên cứu viên chính, người đồng thời là thành viên khoa học của Hiệp hội Max Planck và được phê duyệt bởi Nghị viện Hiệp hội và chịu sự giám sát về mặt chất lượng và hiệu quả khoa học của Ban cố vấn khoa học của Viện. Mỗi trưởng nhóm nghiên cứu toàn quyền lựa chọn đề tài nghiên cứu và nhân viên trong nhóm. Đa số các trưởng nhóm và nghiên cứu viên khoa học trong Viện được gắn với Viện thông qua các hợp đồng có thời hạn nhất định, số lượng vị trí cố định (biên chế) là rất nhỏ (chủ yếu dành cho các nhân viên hành chính, các kỹ thuật viên, và một số ít trưởng nhóm nghiên cứu xuất sắc có thể trở thành trưởng các phòng nghiên cứu).
Nhân lực cho TTXS đến từ đâu? và cách nào thu hút và giữ chân nguồn nhân lực đó
Những nhà nghiên cứu khoa học ở các ngành KH CN cao, đôi khi được ưu ái ví với nhân tài, thực tế là các "người lao động" có nền tảng trí thức cao. Những người lao động này được gắn với các đơn vị nghiên cứu bằng các hợp đồng lao động. Do đó, việc tiếp nhận hay gia hạn các hợp đồng lao động, duy trì các nguồn kinh phí nghiên cứu KH là điều kiện cần để những người lao động này có thể làm việc. Tuy nhiên, do đa số các quốc gia trên thế giới đều có chính sách ưu đãi để thu hút những người lao động loại này, phân biệt với người lao động phổ thông nên nguồn nhân lực này tương đối linh động và thường di chuyển đến những nơi có nhiều điều kiện ưu đãi hơn[11]. Đây là một cuộc chơi không công bằng với những nước nghèo như Việt Nam nhưng phương thức đối đầu duy nhất là duy trì mức ưu đãi cạnh tranh với khu vực. Việc "ngăn sông cấm chợ" là không thể thực thi và cực kỳ tiêu cực. Các biện pháp ràng buộc cũng bao gồm cả việc "định hướng tư tưởng" được cho rằng thiếu hiệu quả.
Một đặc thù trong các hoạt động nghiên cứu khoa học là nhu cầu kết nối giữa những nhà khoa học với nhau, là một thành tố hình thành nên cái gọi là môi trường nghiên cứu KH[12]. Trên một thế giới phẳng như hiện nay, môi trường nghiên cứu KH thuận lợi là nơi mà các nhà khoa học có thể dễ dàng và tự do kết nối "hữu cơ" với giới khoa học quốc tế. Việc kết nối này cụ thể là những hoạt động 1) hợp tác nghiên cứu và giảng dạy, 2) tổ chức và tham gia hội nghị, hội thảo, tập huấn KHCN và 3) hợp tác công bố kết quả KH hay đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Những kết nối này phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của các hoạt động nghiên cứu KH và chính nó biểu thị vị thế khoa học của một quốc gia.
Như vậy bài toán đặt ra đối với chính phủ VN là nếu anh duy trì mức đãi ngộ và môi trường nghiên cứu KH cạnh tranh với Thái Lan và Singapore thì anh giữ chân hoặc thu hút được một bộ phận những nhà khoa học người Việt trẻ có trình độ nghiên cứu khoa học cấp quốc tế. Trong số những người này, những nhà nghiên cứu trẻ (dưới 45 tuổi) và đã nghiên cứu ít nhất 5 năm sau Tiến sĩ ở các nước có nền KHCN tiên tiến cần được trọng điểm ưu tiên để thu hút. Những học giả này sẽ đóng vai trò đào tạo một cách hiệu quả lớp học giả trẻ hơn và ít kinh nghiệm hơn ở trong nước [13]. Trong trường hợp của Hiệp hội Max Planck, họ thường cung cấp những gói hỗ trợ cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc bao gồm lương ưu tiên (gồm cả ưu đãi về điều kiện sinh hoạt và thuế) cho trưởng nhóm nghiên cứu, lương cho một số lượng cộng sự và kỹ thuật viên, ngân sách nghiên cứu cho một vài đề tài trong 2-3 năm, ngân sách nhất định cho trang thiết bị). Sau kết thúc gói hỗ trợ, Viện cam kết giữ lại một số ưu đãi cho một vài năm tiếp theo tùy thuộc vào đánh giá của Ban cố vấn khoa học.
Thước đo và cơ chế kiểm soát bảo đảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Việc thay đổi và hiện đại hóa cơ chế quản lý chất lượng và năng lực khoa học của VN không thể tiến hành một sớm một chiều. Tuy nhiên, những cơ chế này có điều kiện thử nghiệm và tối ưu hóa trên các mô hình TTXS trước khi được áp dụng đại trà toàn bộ các đơn vị nghiên cứu KH khác. Mỗi quốc gia có những quy định cụ thể khác nhau nhưng đều phải dựa trên các tiêu chí được giới khoa học quốc tế chấp nhận rộng rãi, đó là công bố khoa học quốc tế. Có rất nhiều bài bình luận khá sâu và chi tiết về vấn đề này [14][15][16][17][18].
Dựa trên triết lý "giá trị của một tổ chức không phụ thuộc vào học thuyết mà tổ chức ấy theo đuổi nhưng phụ thuộc vào hệ thống người quản lý hệ thống ấy", tác giả đề xuất việc mạnh dạn mở rộng số lượng thành viên các hội động tư vấn và thẩm định khoa học, đặc biệt tăng tỷ lệ các nhà khoa học trẻ trong các tổ chức này. Ngoài ra, từng bước xây dựng các hội đồng tư vấn và thẩm định chuyên ngành hẹp, và mở rộng với sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài và/hoặc các nhà khoa học người Việt tại nước ngoài. Công khai và cập nhật lý lịch khoa học của các nhà khoa học tham gia các hội đồng khoa học cũng như chủ nhiệm các đề tài khoa học được cấp vốn. Cũng cần công bố công khai thang điểm và xếp hạng của các đề tài đã được hoàn thành cùng với nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- ↑ Tạp chí Times Higher Education của Anh Quốc
- ↑ Nguồn ngân sách này được coi là tương đối nhỏ, không lớn hơn ngân sách dành cho 2 trường ĐH lớn ở Đức, hay chỉ bằng 1/2 ngân sách dành cho trường Americas Stanford University, trường ĐH tốt nhất thế giới. Báo cáo tài chính năm 2009 của Hiệp Hội Max Planck
- ↑ Danh sách bằng tiếng Anh từ trang chủ của Hiệp hội
- ↑ Báo cáo Kiểm định của DFG năm 1999
- ↑ Tân Chủ tịch VEF: 'Sẵn sàng đầu tư vào giáo dục VN'
- ↑ Làng khoa học và công nghệ Việt kiều
- ↑ Nhóm Sáng kiến Khoa học Thiên niên kỷ MSI
- ↑ Quyết định của Thủ tướng chính phủ ngày 19 tháng 7, 2010
- ↑ Ông là người sáng lập ra Hiệp hội Kaiser Wilhelm, tiền thân của Hiệp hội Max Planck và nguyên tắc này đã được duy trì đến hiện nay và được thừa nhận là chìa khóa của sự thành công của Hiệp hội Max Planck Tiểu sử Adolf von Harnack trên Wikipedia tiếng Anh
- ↑ Trung tâm xuất sắc sẽ tăng thêm tiềm lực cho Việt Nam
- ↑ Viện KIST Hàn Quốc đã thành công trong việc mời các nhà khoa học người Triều Tiên ở nước ngoài về bằng việc đảm bảo 1) quyền tự chủ trong nghiên cứu; 2) những điều kiện sống ổn định; 3) một môi trường nghiên cứu tuyệt diệu; và 4 nâng cao uy tín xã hội của họ Kist – Viện nghiên cứu theo hợp đồng
- ↑ Toàn văn phát biểu của GS.Ngô Bảo Châu có đoạn: "Từ trải nghiệm ở Pháp cũng như ở Mỹ, tôi hiểu ra rằng môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn được xếp ở vị trí đầu tiên, cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học, không phân biệt già trẻ, cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học."
- ↑ Bài phân tích Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế: Chín sai lầm phổ biến có chỉ ra việc đào tạo mới và tại chỗ những nhà nghiên cứu trẻ là con đường cần thiết để duy trì ổn định nguồn nhân lực chất lượng cao
- ↑ "Đặc khu tri thức" và giá của tri thức khoa học, Nguyễn Văn Tuấn
- ↑ Đánh giá định lượng ấn phẩm nghiên cứu khoa học
- ↑ Môi trường nghiên cứu khoa học
- ↑ Hiến kế 'đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực'
- ↑ Thư ngỏ gửi Thủ tướng
Chú thích[sửa]
- Viết theo đơn đặt hàng của tạp chí Hoạt động Khoa học
- Mong nhận được ý kiến và bình luận của tất cả mọi người trước khi hoàn thành bản thảo.
Đọc thêm[sửa]
- John von Neumann Institute
- Danh mục công nghệ và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên
- Nguyên PTT Vũ Khoan ngẫm về thành quả của Ngô Bảo Châu
- "Đặc khu tri thức" và giá của tri thức khoa học, Nguyễn Văn Tuấn
- Đại học Leuven, một mô hình "đặc khu tri thức"?, Trần Thanh Minh
- Để đột phá giáo dục, phải tạo "đặc khu tri thức", Hồ Bất Khuất
- Một trung tâm xuất sắc ở Saudi Arabia, Nguyễn Văn Tuấn
- Nhóm Sáng kiến Khoa học (SIG) và các dự án
- Việt Nam có thị trường giáo dục rất lớn
- Tân Chủ tịch VEF: 'Sẵn sàng đầu tư vào giáo dục VN'
- Nông nghiệp đã có khóan 10, còn khoa học-công nghệ thì sao?
- Môi trường nghiên cứu khoa học
- Hiến kế 'đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực'
- Thư ngỏ gửi Thủ tướng
- “Xã hội hậu khoa học” và những gợi suy cho Việt Nam, Christopher T.Hill
- Đánh giá định lượng ấn phẩm nghiên cứu khoa học
- Làm toán hay không làm toán, GS Nguyễn Tiến Dũng