Thoát ra khỏi vỏ ốc của bản thân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có một số người sinh ra đã nhút nhát trong khi một số người khác vốn dĩ lại bạo dạn và hòa đồng. Hầu hết mọi người đều ở khoảng giữa “hướng nội” và “hướng ngoại”.[1] Cho dù khuynh hướng tính cách tự nhiên của bạn là gì, những thứ như chứng sợ xã hội và thiếu tự tin có thể dễ dàng khiến bạn tách biệt với những người xung quanh. Tuy nhiên, rất may mắn khi bạn có thể học cách huấn luyện não bộ và thoát khỏi lớp vỏ ấy!

Các bước[sửa]

Suy nghĩ tích cực[sửa]

  1. Tìm hiểu sự khác nhau giữa hướng nội và nhút nhát. Có một sự khác biệt rõ rệt giữa hướng nội và nhút nhát đến nỗi bạn không thể nói chuyện với ai đó tại một bữa tiệc. Hướng nội là một đặc điểm tính cách: là điều làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc và thoải mái. Ngược lại, nhút nhát đến từ cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng về việc tương tác với người khác. Tìm hiểu để biết được liệu bạn là người hướng nội hay chỉ đơn giản là bạn quá nhút nhát để có thể bước ra khỏi chiếc vỏ của mình.[2]
    • Những người hướng nội thường có xu hướng thích ở một mình. Họ cảm thấy như được “nạp năng lượng” khi không có ai bên cạnh. Họ thích đi chơi với mọi người nhưng họ thường thích đi với một nhóm nhỏ và có những buổi gặp gỡ nhẹ nhàng thay vì những bữa tiệc lớn. Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc và thoải mái khi ở một mình, giống như thỏa mãn một như cầu của bản thân, vậy thì có lẽ bạn là người hướng nội.[3]
    • Nhút nhát có thể gây ra cảm giác lo lắng khi tương tác với người khác. Không giống như những người hướng nội cảm thấy thích thú khi ở một mình, những người nhút nhát thường mong ước rằng họ có thể tương tác nhiều hơn với mọi người nhưng lại quá e ngại để làm vậy.[4]
    • Nghiên cứu đã chứng minh rằng nhút nhát và hướng nội gần như không có liên quan với nhau – nói cách khác, bạn nhút nhát không đồng nghĩa với việc bạn là người hướng nội và hướng nội không đồng nghĩa với việc bạn “ghét mọi người”.[5]
    • Bạn có thể thực hiện trắc nghiệm của trường Đại học Wellesley (bằng tiếng Anh) để kiểm tra mức độ nhút nhát của bản thân.[6] Nếu điểm của bạn lớn hơn 49, đồng nghĩa với việc bạn là người vô cùng nhút nhát, và nếu điểm của bạn dưới 34 điểm, điều đó cho thấy rằng bạn không quá rụt rè. [7]
  2. Biến ngộ nhận thành tự nhận thức. Rất khó để có thể bước ra khỏi vỏ bọc của bản thân khi bạn cảm thấy như mọi người đều đang chú ý đến nhất cử nhất động của bạn. Nhưng khoa học đã chứng minh rằng người chỉ trích, phê bình chúng ta nhiều nhất chính là bản thân chúng ta – thông thường, người khác thậm chí còn không hề nhận ra những lời nói hớ mà chúng ta cho là không thể chấp nhận được. Hãy học cách đánh giá hành động của bản thân trên khía cạnh chấp nhận và thấu hiểu thay vì chỉ trích.[8][9]
    • Ngộ nhận bắt đầu từ nỗi xấu hổ và tủi thẹn. Chúng ta lo lắng rằng người khác đang đánh giá chúng ta một cách khắc nghiệt như chúng ta tự phê bình bản thân mình vì những sai sót và nhầm lẫn.
    • Ví dụ về một suy nghĩ ngộ nhận như “Thật không thể tin nổi là mình lại nói như vậy. Nghe chẳng khác gì lời của một đứa ngớ ngẩn”. Suy nghĩ này chỉ trích bản thân bạn và không có bất cứ lợi ích nào cho tương lai.
    • Một suy nghĩ tự nhận thức như “Ôi, mình đã hoàn toàn quên mất tên của người đó rồi! Mình cần phải tìm ra một vài cách để có thể nhớ tên của người khác tốt hơn mới được”. Suy nghĩ này cho bạn biết rằng bạn đã làm sai một điều gì đó nhưng nó không có nghĩa là cuộc sống của bạn đến đó là chấm hết. Nó cũng chấp nhận rằng bạn có thể làm khác đi trong tương lai.
  3. Hãy nhớ rằng không có ai quan sát bạn gần như chính bạn. Những người gặp khó khăn trong việc bước ra khỏi chiếc vỏ của mình thường bị mắc kẹt trong suy nghĩ rằng mọi người xung quanh đang quan sát nhất cử nhất động của họ, chờ đợi họ thất bại. [9] Khi bạn ở trong một hoàn cảnh tương tác xã hội, bạn có dành toàn bộ thời gian để quan sát từng hành động của từng người trong căn phòng không? Dĩ nhiên là không rồi – bạn còn bận tập trung vào những điều thật sự quan trọng đối với bạn. Và đoán xem? Hầu hết mọi người đều như vậy.[10]
    • ”Cá nhân hóa” là một nhận thức sai lầm thường gặp, hoặc một cách nghĩ không có lợi mà não bộ của bạn đã tạo thành thói quen. Cá nhân hóa khiến bạn cảm thấy tội lỗi đối với những việc không thuộc trách nhiệm của bạn. Nó có thể khiến bạn xem mọi thứ là chuyện của mình trong khi những việc đó không hề liên quan gì đến bạn.[11]
    • Học cách thách thức sự cá nhân hóa bằng việc nhắc nhở bản thân rằng không hẳn tất cả mọi chuyện đều là do bạn. Rằng người đồng nghiệp không đáp lại cái vẫy tay thân thiện của bạn không phải là đang tức giận với bạn; có lẽ cô ấy không nhìn thấy bạn hoặc có lẽ cô ấy đã có một ngày thật mệt mỏi, hoặc cô ấy đang lo lắng về những điều mà bạn thậm chí còn không biết. Việc ghi nhớ rằng mọi người đều có đời sống nội tâm phong phú với vô vàn suy nghĩ, cảm xúc và ước muốn có thể giúp nhắc nhở bạn rằng hầu hết mọi người đều quá bận rộn để dành thời gian cho việc quan sát bạn.
  4. Thách thức các suy nghĩ tự chỉ trích. Có lẽ bạn e ngại không muốn bước ra khỏi chiếc vỏ của mình vì bạn thường xuyên nhắc nhở bản thân tất cả những điều bạn đã làm và phá hỏng hoàn cảnh xã hội đó. Có lẽ bạn sẽ rời đi với suy nghĩ “Mình quá yên lặng”, “Nhận xét duy nhất mà mình đưa ra cũng thật ngớ ngẩn” hoặc “Mình nghĩ rằng mình đã xúc phạm người A người B nào đó”. Chắc hẳn tất cả chúng ta đều đã từng nói hớ một điều gì đó nhưng chúng ta cũng đều đã thành công trong giao tiếp xã hội. Thay vì cứ mãi ám ảnh bởi những điều tồi tệ mà bạn đã làm hoặc không làm, hãy tập trung vào những điều tích cực. Nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể khiến người khác cười và họ trông thật sự rất vui vẻ khi gặp bạn hoặc bạn đã đưa ra một ý kiến tuyệt vời về một điều gì đó.
    • "Nhận thức một chiều" là một kiểu nhận thức sai lầm thường gặp khác. Nó xảy ra khi bạn chỉ tập trung vào những việc tồi tệ và bỏ qua tất cả những điều tích cực. Đây là một xu hướng tự nhiên của con người.[12]
    • Chống lại nhận thức một chiều bằng cách để tâm hơn đến những trải nghiệm của bản thân và chủ động thừa nhận những điều tích cực. Bạn có thể mang bên mình một cuốn sổ nhỏ để ghi chép mỗi khi có một điều tốt đẹp nào đó xảy ra với bạn, cho dù đó chỉ là một điều vô cùng nhỏ nhặt. Bạn cũng có thể ghi lại những khoảnh khắc này trên twitter hoặc là Instagram.
    • Khi bạn thấy bản thân đang có những suy nghĩ tiêu cực, hãy lôi danh sách những điều tích cực ra và nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể làm tốt rất nhiều việc. Và với những điều mà bây giờ bạn chưa làm được, bạn có thể học!
  5. Tìm ra những điều khiến bạn đặc biệt. Nếu bạn muốn thoát khỏi chiếc vỏ của mình, bạn cần phải có đủ tự tin và hài lòng với chính con người bạn. Nếu bạn hạnh phúc với bản thân, bạn sẽ có xu hướng chia sẻ con người bạn với người khác. Hãy nghĩ về những việc khiến bạn trở nên đặc biệt: khiếu hài hước kỳ quặc của bạn, kinh nghiệm đi du lịch, sự thông minh mà bạn có được sau khi đọc rất nhiều sách. Hãy tự hào về những điều khiến bạn là chính bạn và nhắc nhở bản thân rằng bạn thật sự có những phẩm chất xứng đáng để thể hiện trong lần tiếp theo khi bạn bước ra ngoài thế giới.
    • Lập danh sách những điều mà bạn cảm thấy tự hào ở bản thân trên một khía cạnh nào đó.
    • Không có gì là quá “nhỏ” để đưa vào danh sách này! Chúng ta thường có thói quen hạ thấp tài năng và thành tựu của bản thân (một kiểu nhận thức sai lầm khác), cho rằng những điều chúng ta biết không tuyệt vời bằng những điều người khác có thể làm được. Nhưng không phải ai cũng biết cách chơi ukulele hay nấu món trứng bác một cách hoàn hảo hay tìm được những thỏa thuận mua sắm tốt nhất. Cho dù bạn có thể làm gì đi chăng nữa, hãy tự hào về điều đó.
  6. Tưởng tượng ra thành công. Trước khi bạn tham gia vào một tình huống tương tác xã hội, hãy hình dung ra bản thân hiên ngang bước vào phòng, mọi người vui vẻ khi nhìn thấy bạn và họ phản ứng nhiệt tình khi tương tác xã hội với bạn. Bạn không nhất thiết phải tưởng tượng ra mình là trung tâm của sự chú ý (trên thực tế có thể bạn không hề mong muốn điều đó một chút nào!), nhưng bạn nên hình dung ra viễn cảnh mà bạn trông đợi. Nó sẽ giúp bạn nỗ lực hơn nữa để đạt được.[13][14]
    • Có hai loại tưởng tượng, và bạn cần phải sử dụng cả hai loại này để có kết quả tốt nhất. Với “tưởng tượng kết quả”, bạn sẽ tưởng tượng ra bản thân đạt được mục tiêu mà bạn đề ra. Hãy nhắm mắt lại và hình dung xem những tương tác xã hội tiếp theo của bạn sẽ thú vị và vui vẻ như thế nào. Tưởng tượng ra ngôn ngữ cơ thể, lời nói và cử động của bạn cũng như những phản ứng tích cực của mọi người. Hình dung ra họ mỉm cười với bạn, bật cười trước những câu đùa của bạn và vô cùng vui vẻ khi đi chơi cùng bạn.
    • Với “tưởng tượng quá trình”, bạn phải tưởng tượng ra các bước bạn cần để đạt được mục tiêu. Ví dụ như, để có được tương tác xã hội dễ dàng và thoải mái đó, bạn-của-tương-lai đã làm những gì? Chuẩn bị một vài chủ đề “tán gẫu”? Nâng cao tinh thần với một vài câu khẳng định tích cực? Hành động gì sẽ giúp tăng khả năng thành công của bạn?
    • Về cơ bản, tưởng tượng là một lần “diễn tập” tinh thần. Nó cho phép bạn “luyện tập” một tình huống trước khi trải qua nó. Bạn cũng có thể xác định những khó khăn tiềm ẩn và tìm cách khắc phục chúng.
    • Tưởng tượng có thể giúp bạn hoàn thành mục tiêu của bản thân bởi vì nó thật sự có thể đánh lừa não bộ tin rằng bạn đã làm được những điều đó.[15]

Nâng cao tự tin[sửa]

  1. Giỏi một việc nào đó. Một cách khác để xây dựng sự tự tin và có thêm động lực để nói chuyện với người khác đó là học một điều gì đó mới. Có thể là bất cứ điều gì từ trượt băng nghệ thuật cho tới văn học sáng tạo hay nấu ăn món Ý. Bạn không nhất thiết phải quá xuất chúng trong những việc đó; điều quan trọng là bạn đã cố gắng và thừa nhận thành công của bản thân. Giỏi một điều gì đó không chỉ giúp bạn tăng thêm tự tin mà còn cho bạn nhiều chủ đề để nói chuyện với người khác hơn. Ngoài ra nó còn có thể giúp bạn có thêm một vài người bạn nữa. [16]
    • Nếu bạn đã giỏi một điều gì đó thì thật tuyệt vời. Hãy cho nó vào danh sách những điều khiến bạn trở nên đặc biệt. Và đừng e ngại thử những điều mới.
    • Học kỹ năng mới cũng giúp đầu óc bạn trở nên nhanh nhạy hơn. Khi não bộ thường xuyên bị thách thức với những thông tin và nhiệm vụ mới, nó sẽ trở nên linh hoạt và dễ thích nghi hơn – và điều đó vô cùng có lợi cho việc thoát khỏi lớp vỏ của mình.[17]
    • Thử tham gia một lớp học! Cho dù đó là lớp yoga cho người mới bắt đầu hay lớp dạy nấu món Ý 101, lớp học là một cách tuyệt vời để kết nối với mọi người, những người cũng đang học một điều gì đó mới mẻ đối với họ. Bạn sẽ có thể nhận thấy rằng mọi người đều mắc sai lầm trong suốt quá trình hướng tới thành công, và có lẽ bạn thậm chí còn gắn bó với mọi người thông qua sở thích mới của mình.
  2. Buộc bản thân bước ra khỏi phạm vi an toàn. Việc trốn trong chiếc vỏ ốc của mình có thể sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái. Bạn biết bạn giỏi những gì và bạn không bao giờ phải làm những điều khiến bạn sợ hãi hay không thoải mái. Vấn đề đó là nếu bạn cứ ở mãi trong phạm vi an toàn bạn sẽ đánh mất sự sáng tạo và khám phá của bản thân. Làm một điều gì đó mà bạn chưa từng làm sẽ giúp bạn thoát ra khỏi lớp vỏ của mình.[18]
    • Ép buộc bản thân bước ra khỏi phạm vi an toàn đồng nghĩa với việc chấp nhận nỗi sợ và những điều không chắc chắn, và rằng việc cảm thấy như vậy là hoàn toàn bình thường. Bạn không thể để những cảm giác đó ngăn cản bạn khám phá thế giới. Nếu bạn luyện tập mạo hiểm cho dù bạn có chút lo sợ, bạn sẽ cảm thấy việc tiếp tục mạo hiểm trở nên dễ dàng hơn.[19]
    • Các nhà tâm lý học đã khám phá ra rằng bạn thật sự cần một chút lo lắng để có thể trở nên sáng tạo hơn. Mọi người thường làm việc chăm chỉ hơn khi họ cảm thấy không chắc chắn về tình hình và điều này sẽ giúp tăng hiệu suất công việc. [20]
    • Mặt khác, chắc hẳn bạn sẽ không muốn cố gắng quá nhiều và quá nhanh chóng. Khi quá căng thẳng não bộ của bạn sẽ ngừng hoạt động. Vì vậy, đôi lúc bạn có thể ép buộc bản thân một chút nhưng hãy thật kiên nhẫn với chính mình.[21]
    • Điều này không có nghĩa là bạn phải chơi nhảy dù nếu việc đứng ở ban công tầng hai cũng khiến bạn sợ hãi. Nhưng cho dù là bạn thử học nhảy salsa, leo núi hay tự làm món sushi, hãy tự hứa với chính mình là bạn sẽ bắt đầu làm những việc nằm ngoài phạm vi an toàn của bản thân.
  3. Đặt ra một vài mục tiêu “dễ”. Một cách có thể sẽ khiến bạn cảm thấy thất vọng khi gặp thất bại đó là kỳ vọng hoàn hảo ngay từ đầu. Thay vào đó, hãy nâng cao tự tin của bản thân bằng cách đặt ra một vài mục tiêu trông có vẻ khó khăn nhưng có thể đạt được. Khi mức độ tự tin của bạn tăng lên, bạn có thể đặt ra cho bản thân những mục tiêu khó hơn.[22]
    • Cố gắng nói chuyện với một người trong cuộc họp mặt. Có thể sẽ quá sức đối với bạn khi ở trong hoàn cảnh mà bạn phải “làm chủ căn phòng” và tương tác với tất cả mọi người, đặc biệt là nếu bạn chỉ vừa mới bắt đầu quá trình cố gắng bước ra khỏi lớp vỏ của mình. Thay vào đó, hãy nhắm đến việc chỉ nói chuyện với một người duy nhất. Điều đó là hoàn toàn có thể làm được! Và khi bạn thực hiện được như vậy, bạn sẽ có thể tự xem đó như một “thành công của chính bản thân”.[22]
    • Tìm kiếm những người cũng rụt rè giống như bạn. Bạn không phải là người duy nhất gặp vấn đề trong việc hòa nhập với mọi người! Lần tới khi bạn tham gia một buổi họp mặt, hãy nhìn xung quanh và tìm kiếm ai đó khác đang cảm thấy không thoải mái hoặc đang đứng một mình trong góc. Hãy đi tới và giới thiệu về bản thân. Có thể bạn là nguồn cảm hứng họ cần để thoát ra khỏi lớp vỏ của chính họ.[23]
  4. Hiểu rằng bạn có khả năng thất bại. Không phải tất cả những tương tác của bạn sẽ diễn ra tốt đẹp. Không hẳn tất cả mọi người đều sẽ phản ứng nhiệt tình khi bạn tiếp cận với họ. Đôi lúc một vài điều bạn nói sẽ không có kết quả như mong muốn. Đừng lo lắng! Chấp nhận khả năng không chắc chắn và những kết quả khác với kế hoạch của bản thân sẽ giúp bạn cởi mở hơn trong việc kết nối với người khác.[24]
    • Xem những khó khăn hay thất bại đó như bài học kinh nghiệm cũng có thể giúp bạn ngừng xem chúng (hoặc bản thân) là “thất bại”. Khi chúng ta suy nghĩ sai lầm về bản thân như những con người thất bại, chúng ta sẽ mất đi động lực để tiếp tục cố gắng, bởi vì có cố gắng cũng chẳng được gì. Thay vào đó, hãy tìm kiếm những điều bạn có thể học hỏi từ mỗi tình huống, thậm chí cả những tình huống không thoải mái hay không diễn ra như bạn mong muốn.
    • Ví dụ như, bạn thử giới thiệu bản thân với ai đó tại một bữa tiệc nhưng anh ta không hứng thú với việc nói chuyện với bạn và quay người đi chỗ khác. Điều này thật tệ, nhưng đoán xem? Nó không phải là thất bại; nó cũng không thật sự là một sai lầm bởi bạn đã có sức mạnh và sự can đảm để bước ra thế giới bên ngoài. Có thể bạn sẽ học được một bài học hữu ích từ trải nghiệm đó nữa, ví dụ như quan sát các tín hiệu chứng tỏ người đó không có hứng thú nói chuyện và hiểu được rằng cách người khác phản ứng như thế nào không phải là do lỗi của bạn.
    • Khi bạn cảm thấy xấu hổ vì một điều gì đó, hãy nhắc nhở bản thân rằng tất cả mọi người đều mắc sai lầm. Có thể bạn đã hỏi ai đó về bạn gái của anh ta trong khi tất cả những người khác đều biết rằng anh ta vừa mới bị “đá” cách đây mấy tuần. Có lẽ bạn nhận thấy rằng bạn đã nói quá nhiều về tuổi thơ của bản thân với ám ảnh về những cuộc phiêu lưu. Tất cả đều ổn -- ai cũng đã từng như vậy. Điều quan trọng là bạn vấp ngã, nhưng bạn có thể đứng dậy lần nữa. Đừng để một sai lầm xã hội ngăn cản bạn cố gắng trong tương lai.

Bước ra ngoài thế giới[sửa]

  1. Thể hiện bản thân là một người có thể tiếp cận. Một phần của việc bước ra khỏi chiếc vỏ của chính mình đó là làm cho người khác muốn nói chuyện với bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mọi người có thể nghĩ bạn ngạo mạn hoặc vô lễ chỉ bởi vì bạn quá xấu hổ để tạo cho người khác một ấn tượng tích cực vể bản thân. Bạn có thể thay đổi điều này ngay hôm nay. Lần tới khi ai đó tiến lại phía bạn và bắt đầu nói chuyện, hãy cười thật tươi với họ, đứng thẳng, thả lỏng hai tay, và nhiệt tình hỏi xem anh ấy hay cô ấy đang cảm thấy thế nào. Khi mà bạn đã quen với việc trốn trong chiếc vỏ của mình, bạn sẽ phải tập luyện để có thể thân thiện hơn, nhưng bạn có thể làm được.[25]
    • Nếu bạn cảm thấy ngại ngùng, có thể bạn sẽ ôm lấy một cuốn sách hoặc là chiếc điện thoại, nhưng điều này sẽ khiến mọi người nghĩ rằng bạn quá bận rộn để nói chuyện với họ.
    • Bạn vẫn có thể trở nên cởi mở và gần gũi kể cả khi bạn đang ngại ngùng. Cho dù bạn không nói gì nhiều, việc gật đầu, nhìn thẳng vào mắt người nói, mỉm cười đúng thời điểm, và ánh nhìn thể hiện là bạn đang rất vui vẻ là những biểu hiện của “một người thực sự lắng nghe”. [26] Việc lắng nghe chân thành sẽ giúp mọi người cảm thấy bạn có hứng thú và bị thu hút vào cuộc trò chuyện. Nếu bạn chỉ đứng đó và nhìn chăm chăm xuống sàn nhà, mọi người có thể sẽ quên mất sự tồn tại của bạn.
    • Cố gắng nhắc lại một vài ý kiến then chốt của cuộc nói chuyện làm nền tảng cho sự đóng góp của bạn. Điều này không chỉ cho thấy rằng bạn đang lắng nghe mà còn giúp những người khác cảm thấy được công nhận. Chẳng hạn, nếu bạn đang lắng nghe một ai đó nói về chuyến đi Nha Trang của cô ấy, bạn có thể nói những điều như “Nghe tuyệt quá! Tôi chưa bao giờ đến Nha Trang, nhưng tôi đã từng đến Đà Nẵng.”
    • Nếu việc nói về bản thân bạn vẫn còn đang quá khó khăn, đây là một cách bạn có thể sử dụng cho tới khi nào bạn cảm thấy thoải mái hơn một chút để nói về bản thân mình.
  2. Hỏi mọi người những câu hỏi mở. Khi bạn đang trò chuyện với mọi người, việc hỏi họ một vài câu hỏi đơn giản là một cách rất tuyệt, cho dù đó là câu hỏi về bản thân họ, các kế hoạch của họ, hay bất cứ điều gì họ đang nói đến đi nữa. Việc đặt câu hỏi cũng là một cách giảm căng thẳng trong tương tác xã hội bởi vì bạn sẽ không nói về bản thân quá nhiều, nó còn cho thấy sự hứng thú và thúc đẩy cuộc nói chuyện. Bạn không cần phải đặt ra cả ngàn câu hỏi hay tìm hiểu quá kỹ càng về đời tư khiến họ không thoải mái; hãy khéo léo đưa ra một câu hỏi thân thiện khi thích hợp.[27]
    • Rõ ràng, đối với những người rụt rè việc mở lời để giới thiệu về bản thân họ sẽ khó khăn hơn. Vậy nên đây sẽ là một cách tốt để bắt đầu.
    • Những câu hỏi mở sẽ giúp cho người kia có thể chia sẻ điều gì đó về họ, thay vì những câu hỏi “có” hoặc “không”.
    • Một vài câu hỏi mở có thể kể đến như “Bạn mua chiếc áo đẹp như vậy ở đâu thế?” hoặc là “Bạn thích cuốn sách nào và tại sao?” hoặc là “Quanh đây nơi nào phù hợp nhất để uống cafe?”
  3. Bắt đầu chia sẻ về bản thân bạn. Khi bạn đã thoải mái hơn với người mà bạn đang nói chuyện, hoặc thậm chí là với bạn của bạn, bạn có thể bắt đầu mở lòng đối với họ. Dĩ nhiên, bạn không nên chia sẻ những bí mật thầm kín nhất, to lớn nhất ngay từ đầu, nhưng bạn có thể dần dần tiết lộ từng thứ một. Hãy gạt bỏ đi những áp lực. Bạn có thể kể một câu chuyện hài hước về giáo viên của bạn hoặc cho mọi người xem một bức ảnh dễ thương của Muffins, chú thỏ bạn đang nuôi. Nếu ai đó nói về chuyến đi đến Đà Lạt của anh ấy, hãy nói về một chuyến đi đầy rắc rối cùng với gia đình của bạn tại đó. Bước từng bước nhỏ là điểm mấu chốt.
    • Bạn có thể chia sẻ một chút bằng việc nói "Tôi cũng vậy" hoặc "Tôi hiểu ý của bạn. Có một lần tôi…" khi mọi người nói về những trải nghiệm của họ.
    • Cho dù là chia sẻ những câu chuyện ngốc nghếch hay những chi tiết nhỏ nhặt cũng có thể giúp bạn bước ra khỏi vỏ bọc của mình. Khi mọi người tích cực đáp lại những gì bạn nói, bạn sẽ dần cởi mở hơn.
    • Bạn không cần phải là người đầu tiên chia sẻ điều gì đó về bản thân mình. Hãy đợi vài người mở lời trước.
    • Mặc dù việc nói về bản thân mình quá nhiều khi không cần thiết là khá bất lịch sự nhưng việc bạn hoàn toàn im lặng cũng được coi là không phải phép. Nếu một người đang chia sẻ với bạn khá nhiều điều, và bạn chỉ ậm ừ cho qua thì người đó có thể sẽ bị tổn thương vì bạn không thoải mái để chia sẻ về chính mình. Cho dù chỉ là câu “Tôi cũng vậy!” cũng sẽ khiến cho mọi người thấy gắn kết với bạn hơn.
  4. Làm chủ những cuộc nói chuyện phiếm. Chẳng có bất cứ điều gì là nhỏ nhặt đối với một cuộc nói chuyện phiếm. Rất nhiều tình bạn đẹp và những mối quan hệ thân thiết đều bắt đầu từ những cuộc nói chuyện về thời tiết hoặc là đội thể thao của khu vực. Một vài người nói rằng “Tôi không nói chuyện phiếm” bởi vì họ nghĩ chúng vô nghĩa và tốn thời gian. Tuy nhiên việc tạo ra một cuộc nói chuyện đơn giản và không áp lực với người lạ là cách để bạn tìm hiểu về họ nhiều hơn. Nói chuyện phiếm thực sự đem đến cho mọi người cơ hội để hòa nhập bằng những chủ đề không mang tính cá nhân quá cao. Khi mọi người lần đầu gặp nhau, họ thường quyết định chia sẻ những thông tin về bản thân mà họ cho là “an toàn”. Cuộc nói chuyện phiếm tạo ra nhiều cơ hội để chia sẻ những thông tin “an toàn” và bước từng bước nhỏ để tạo dựng lòng tin. Để gợi mở một cuộc nói chuyện phiếm, bạn chỉ cần biết cách để khiến người đó cảm thấy thoải mái, đưa ra những câu hỏi lịch sự, chia sẻ một điều gì đó về bản thân, và giữ mạch nói chuyện ổn định.[28]
    • Sử dụng tên của người đó trong cuộc nói chuyện. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy họ có ý nghĩa đối với bạn.
    • Sử dụng những gợi ý để bắt đầu cuộc nói chuyện. Nếu người đó đang đội một chiếc mũ của đội Manchester United, bạn có thể hỏi xem anh ấy thích đội bóng nào, hoặc là anh ấy đã trở thành người hâm mộ như thế nào.
    • Bạn có thể nói một câu đơn giản sau đó đưa ra một câu hỏi. Chẳng hạn, bạn có thể nói, “Tôi đã ở nhà cả tuần vì trời mưa. Tôi phải giúp mẹ tôi làm rất nhiều việc vặt. Còn anh thì sao? Anh có làm gì thú vị hơn không?”
  5. Đọc vị mọi người. Đọc vị người khác là một kỹ năng xã hội có thể giúp bạn khiến cuộc nói chuyện vui vẻ hơn và giúp bạn bước ra khỏi lớp vỏ bọc của mình. Có được sự nhạy bén để biết được người đó đang cảm thấy hào hứng và sẵn sàng nói chuyện hay đang xao nhãng hoặc phiền muộn có thể giúp bạn quyết định được bạn nên nói gì – hoặc liệu bạn có nên nói chuyện với họ hay không.
    • Bạn cũng cần phải hiểu được tâm lý chung của mọi người trong nhóm nữa; liệu họ có nhiều trò đùa nội bộ và khó chấp nhận những người ngoài, hay họ thuộc kiểu sẽ cảm thấy hứng thú với bất cứ điều gì? Điều này sẽ giúp bạn biết được bạn nên thể hiện bản thân ở mức độ nào.
    • Nếu ai đó mỉm cười và bước đi chầm chậm giống như cô ấy đang không hướng tới một đích đến cụ thể, vậy thì cô ấy sẽ muốn nói chuyện với bạn hơn là ai đó đang ướt đẫm mồ hôi, bực tức lướt tin nhắn, hay đang cắm đầu đi nhanh như gió.
  6. Tập trung vào thời điểm nói. Khi bạn đang trò chuyện với mọi người, hãy tập trung vào những việc đang diễn ra: hoàn cảnh của buổi nói chuyện, biểu hiện trên gương mặt, nội dung mà mọi người đang đề cập đến, vân vân. Đừng để ý đến những điều bạn đã nói ra năm phút trước hay những gì bạn sẽ nói trong năm phút tới khi bạn có cơ hội để tham gia góp ý. Bạn có nhớ phần “ngừng việc ngộ nhận”? Nó không chỉ áp dụng cho những suy nghĩ mỗi ngày, mà còn đặc biệt áp dụng cho việc điều chỉnh tâm trí bạn trong cuộc nói chuyện.[28]
    • Nếu bạn quá bận rộn chỉ để lo lắng về mọi thứ bạn đã nói hoặc sẽ nói, bạn sẽ không thể chú ý đến cuộc nói chuyên và sẽ không thể đóng góp những ý kiến hợp lý. Nếu bạn xao nhãng hay lo lắng, những người khác sẽ nhận ra.
    • Nếu bạn nhận ra bản thân đang thực sự xao nhãng hoặc lo lắng về cuộc nói chuyện, hãy đếm từng nhịp hít thở của bạn cho đến 10 hoặc 20 (Dĩ nhiên là đừng làm mất mạch nói chuyện). Điều này có thể giúp bạn tập trung vào thời điểm nói và ít chú tâm hơn đến những chi tiết khác.

Biến điều đó thành thói quen[sửa]

  1. Bắt đầu nói "đồng ý" và ngừng biện hộ. Nếu bạn muốn biến việc bước ra khỏi chiếc vỏ của mình trở thành một thói quen vậy thì đó không chỉ là về việc làm chủ những kỹ năng xã hội cho hiện tại mà nó còn là việc tạo ra thói quen giao lưu với mọi người, tham dự những sự kiện mới, và giữ cho đời sống xã hội của bạn phong phú. Bạn có thể sẽ từ chối bởi vì bạn sợ những tình huống ngoài xã hội, không muốn cảm thấy ngượng ngùng khi bạn không biết rõ những người trong bữa tiệc, hoặc bởi vì bạn thà ở một mình còn hơn là giao lưu với người khác.
    • Lần tới khi người khác mời bạn cùng làm một việc gì đó, hãy thử hỏi bản thân có phải bạn từ chối chỉ vì sợ hãi hoặc lười nhác chứ không phải vì một lý do chính đáng hay không. Nếu nỗi sợ hãi khiến bạn không thể tiến về phía trước, hãy nói “không” với nó và bước ra ngoài!
    • Bạn không nhất thiết phải đồng ý đi cùng với một cô bạn cùng lớp nào đó tới câu lạc bộ "những người yêu côn trùng" hoặc với tất cả những gì bạn được yêu cầu. Hãy chỉ đưa ra mục tiêu nói đồng ý thường xuyên hơn. Bạn có thể làm được điều đó.
  2. Mời mọi người cùng làm một điều gì đó. Một phần của việc bước ra khỏi vỏ ốc của bản thân không chỉ đơn giản là chấp nhận làm những việc người khác muốn làm mà còn là bắt đầu kế hoạch cho chính những điều bạn mong muốn nữa. Nếu bạn muốn được biết đến như một người hòa đồng và thân thiện hơn, vậy thì đôi lúc bạn nên là người nắm quyền chủ động. Cho dù bạn chỉ mời mọi người qua nhà để cùng gọi pizza và xem phim Scandal hay mời một người bạn cùng lớp đi uống café, mọi người sẽ dần xem bạn như một người có nhiều điều thú vị để làm.[29]
    • Chắc hẳn bạn sẽ lại cảm thấy sợ cảm giác bị từ chối. Có thể mọi người sẽ nói không, nhưng phần lớn là bởi vì họ bận.
    • Ngoài ra, nếu bạn mời mọi người làm một điều gì đó, có nhiều khả năng rằng họ cũng sẽ làm điều tương tự đối với bạn.
  3. Hiểu được rằng bạn không thể thay đổi hoàn toàn. Nếu bạn vô cùng nhút nhát, hướng nội, vậy thì, bạn sẽ không thể trở thành một người hay buôn chuyện chỉ sau một tháng. Những người hướng nội không thể thật sự trở nên hướng ngoại hoặc người thoải mái và bạo dạn nhất trong căn phòng để đứng lên và thể hiện những bản chất tốt đẹp của bản thân.[30]
    • Vì vậy, đừng nản lòng nếu bạn không thể bắt đầu nhảy nhót trên bàn hay thu hút ánh nhìn của tất cả mọi người xung quanh. Có lẽ bạn cũng không hề muốn như vậy.
  4. Hãy nhớ nạp lại năng lượng cho bản thân. Nếu bạn là kiểu người hướng nội, bạn sẽ cần thời gian để nạp lại năng lượng cho bản thân sau khi tương tác xã hội bởi những người hướng ngoại sẽ có thêm sức mạnh từ người khác trong khi những người hướng nội sẽ cảm thấy kiệt sức khi xung quanh có nhiều người. Và nếu năng lượng của bạn cạn kiệt, bạn cần cho bản thân một vài giờ để ở một mình và nạp lại năng lượng.
    • Mặc dù có thể bạn sẽ muốn lấp kín lịch trình tương tác xã hội của mình nhưng hãy luôn nhớ dành ra một "khoảng thời gian cho bản thân," cho dù điều đó có hơi bất tiện.
  5. Tìm kiếm những người thật sự hiểu bạn. Hãy cùng đối mặt với nó. Có thể đến cuối cùng bạn cũng không bao giờ phá vỡ được lớp vỏ của mình để trở thành một con người hoàn toàn khác. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy thoải mái hơn với việc bước ra khỏi lớp vỏ của bản thân, bạn sẽ có thể tìm thấy những người thật sự hiểu bạn, những người giúp bạn cảm thấy thoải mái. Có thể đó là một nhóm năm người bạn thân, những người để cho bạn thật sự thả lỏng, hát hò như những kẻ ngốc và nhảy theo bài "The Macarena". Nhưng nhóm nhỏ này có thể giúp bạn đương đầu với mọi chuyện khi ở nơi đông người.
    • Tìm ra những người thật sự hiểu bạn sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, tự tin và thoát ra khỏi vỏ bọc của bản thân về lâu về dài. Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa?
  6. Phát triển từ những điều gây khó chịu. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc phá vỡ lớp vỏ của mình, có thể là bởi vì bạn thường rời khỏi phòng bất cứ khi nào bạn cảm thấy không thoải mái. Nếu bạn nhận thấy bản thân đang ở trong một tình huống xã hội khi mà bạn không quen biết nhiều người ở đó, không có gì để đóng góp cho hoàn cảnh đó hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy như bạn không thuộc về nơi đó, có thể bạn sẽ muốn rời đi, viện cớ để được về sớm hoặc im lặng lùi về phía sau. Giờ thì bạn không nên rời đi khi mọi chuyện trở nên khó khăn – thay vào đó hãy cố gắng tận hưởng trong hoàn cảnh không thoải mái của bản thân và bạn sẽ nhận thấy rằng nó không tồi tệ như bạn vẫn tưởng.
    • Bạn càng thường xuyên ở trong hoàn cảnh không quen thuộc thì việc đó sẽ càng trở nên dễ dàng với bạn hơn trong những lần tiếp theo. Hãy hít một hơi thật sâu và tự nhủ với bản thân rằng đó không phải là tận thế và tìm ra cách để bắt đầu cuộc nói chuyện – hoặc chỉ đơn giản là tỏ ra như bạn đang rất vui vẻ.

Lời khuyên[sửa]

  • Mọi người sẽ không thể hiểu được tính cách của bạn nếu họ không bao giờ nói chuyện với bạn! Nếu trông bạn thật tốt bụng và ăn mặc chỉnh tề, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn! Hãy cười lên!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://psychcentral.com/blog/archives/2013/09/11/7-persistent-myths-about-introverts-extroverts/
  2. https://www.psychologytoday.com/blog/the-introverts-corner/200910/introversion-vs-shyness-the-discussion-continues?collection=101164
  3. http://www.myersbriggs.org/my-mbti-personality-type/mbti-basics/extraversion-or-introversion.htm
  4. https://www.psychologytoday.com/blog/singletons/200811/shyness-biologically-based-mental-disorder-or-personality-quirk
  5. Cheek, J. M., & Melchior, L.A. (1990). Nhút nhát, ngộ nhận và e dè. In H. Leitenberg (Ed.), Cẩm nang về Chứng Lo sợ Xã hội và Đánh giá (pp. 47-82). New York: Plenum Publishing.
  6. http://academics.wellesley.edu/Psychology/Cheek/research.html
  7. http://academics.wellesley.edu/Psychology/Cheek/howshy.html
  8. https://www.psychologytoday.com/articles/200406/self-conscious-get-over-it
  9. 9,0 9,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2014/01/26/how-to-be-less-self-conscious/
  10. http://www.oprah.com/spirit/Martha-Becks-Cure-for-Self-Consciousness
  11. http://www.apsu.edu/sites/apsu.edu/files/counseling/COGNITIVE_0.pdf
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/wired-success/201406/are-we-hardwired-be-positive-or-negative
  13. http://www.entrepreneur.com/article/242373
  14. http://www.psychologytoday.com/blog/flourish/200912/seeing-is-believing-the-power-visualization
  15. http://news.stanford.edu/news/2015/january/resolutions-succeed-mcgonigal-010615.html
  16. http://www.pickthebrain.com/blog/top-7-ways-learning-improves-confidence/
  17. http://www.psychologicalscience.org/index.php/news/releases/learning-new-skills-keeps-an-aging-mind-sharp.html
  18. http://www.forbes.com/sites/kathycaprino/2014/05/21/6-ways-pushing-past-your-comfort-zone-is-critical-to-success/
  19. http://www.nytimes.com/2011/02/12/your-money/12shortcuts.html?pagewanted=all&_r=1
  20. http://psychclassics.yorku.ca/Yerkes/Law/
  21. http://online.wsj.com/article/SB10001424052702303836404577474451463041994.html
  22. 22,0 22,1 http://www.anxietybc.com/self-help/effective-communication-improving-your-social-skills
  23. http://blogs.wsj.com/atwork/2015/04/03/an-introverts-advice-for-getting-ahead-2/
  24. http://www.forbes.com/sites/danschawbel/2013/04/21/brene-brown-how-vulnerability-can-make-our-lives-better/
  25. http://www.scienceofpeople.com/2013/07/body-language-of-attraction/
  26. http://www.mindtools.com/CommSkll/ActiveListening.htm
  27. http://changingminds.org/techniques/questioning/open_closed_questions.htm
  28. 28,0 28,1 http://www.ou.edu/class/bc2813/ConversationTips/MasteringSmallTalk.htm
  29. http://www.personalitytutor.com/how-to-introduce-people.html
  30. https://www.psychologytoday.com/blog/the-introverts-corner/201102/mistakes-introverts-make