Trị co thắt cơ bắp

Từ VLOS
(đổi hướng từ Trị Co thắt Cơ bắp)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Co thắt cơ bắp có thể xảy ra ở bất kì phần cơ nào trên cơ thể, bao gồm cơ xương, cơ bắp vế, cơ lưng, cơ bàn tay, và các cơ trơn như ở đường tiêu hóa. Đây là tình trạng cơ co rút không theo chủ ý bắt nguồn từ sự thiếu nước, cơ làm việc quá tải, hay do thiếu hoàn toàn các chất điện giải cần thiết.[1] Tình trạng này cũng xảy ra khi dây thần kinh bị kích ứng. Dù cách điều trị chứng co thắt cơ còn tùy thuộc vào vị trí cơ và nguyên nhân của nó, nhưng đa phần các trường hợp đều không nghiêm trọng và có thể tự trị ở nhà.[2]

Các bước[sửa]

Trị Co thắt Cơ tại Nhà[sửa]

  1. Dừng hoạt động. Khi cơ bắt đầu co bạn phải dừng hoạt động đó ngay. Co thắt cơ có thể xảy ra khi bạn đang tập thể dục hay khi đang làm công việc nhà. Ngay khi dấu hiệu co cơ xuất hiện bạn phải dừng công việc đó lại và tìm cách xử lý tình trạng này.[3]Co thắt cơ gây đau nhưng nói chung không đáng lo về lâu dài.[3]
    • Thử mát xa và xoa bóp chỗ cơ bị co. Hoạt động mát xa giúp thả lỏng cơ và tăng tuần hoàn máu tới khu vực này.[4]
  2. Để cơ bắp nghỉ ngơi. Bạn nên để chỗ cơ bị đau nghỉ dưỡng vài ngày, đặc biệt nếu xảy ra ở cơ lưng. Cảm giác đau sau khi co thắt là bình thường, ngoài ra có thể cơ còn căng cứng và bạn cần thời gian để chỗ đó phục hồi lại tình trạng ban đầu. Bạn nhớ nhẹ nhàng vận động chỗ cơ này trong thời gian nghỉ để ngăn ngừa cứng cơ.
    • Bạn có thể vận động nhẹ chỗ cơ bị ảnh hưởng nhưng phải ngừng lại nếu cảm thấy sắp bị chuột rút hay đau. Thử bước đi nhẹ nhàng hay làm động tác kéo giãn, nhưng bạn không được xoắn hay uốn cong thân trên.
  3. Kéo giãn. Việc kéo giãn có thể mang lại hiệu quả khi có chuột rút hay co thắt cơ. Khi kéo giãn, bạn nhớ đẩy phần cơ đó theo hướng ngược lại với hướng bị rút, làm nó giãn dài hơn, nhưng thao tác phải nhẹ nhàng và không kéo giãn quá mức. Khi cảm thấy đau thì bạn phải ngừng ngay. Nếu có cảm giác chỗ cơ đó chặt thì bạn nên giữ yên động tác kéo và không cố dùng thêm lực. Mỗi động tác kéo bạn cần giữ yên khoảng 30 giây.[5]
    • Đối với chuột rút ở bắp chân, bạn đứng cách tường khoảng một mét, chống hai cánh tay lên tường trong khi giữ thẳng đầu gối và lưng. Gót chân nên để đụng sàn.[6] Nghiêng người về trước, khi đó bạn cảm thấy cơ bắp chân giãn ra. Cảm giác này có thể làm bạn thấy dễ chịu hoặc cũng bình thường, nhưng nếu đau thì phải dừng lại.[5]
    • Đối với chuột rút bàn chân hay bắp chân, ngồi xuống và uốn cong các ngón chân về phía mũi, ngoài ra bạn có thể nhẹ nhàng kéo bàn chân về phía đầu. Động tác này làm bạn cảm thấy cơ bắp chân và bàn chân bị kéo.
    • Khi chuột rút cơ gân kheo, bạn ngồi trên sàn nhà và duỗi dài chân trước mặt, bàn chân không chĩa ra trước và cũng không uốn cong. Bẻ người tại thắt lưng nhưng phải giữ thẳng lưng, hạ thấp ngực xuống chân. Dừng uốn khi bạn cảm thấy cơ phía sau chân bị kéo căng.[5]
    • Khi chuột rút ở đùi, bạn tựa vào một bề mặt chắc chắn và nắm lấy mắt cá chân, nhẹ nhàng kéo bàn chân ngược về phía sau.[4] Lực kéo hướng dọc theo mặt trước của đùi.
    • Đối với chuột rút ở bàn tay, đặt lòng bàn tay ép lên trên tường và đẩy tay vào tường, với ngón tay úp xuống.[6]
  4. Thực hiện động tác tập nhẹ khi cơ lưng co thắt. Các bài tập nhẹ có thể hữu ích cho cơn co thắt ở lưng. Bạn chỉ tập khi tình trạng co thắt đã giảm bớt hoặc chỉ bị chuột rút nhẹ, và không được tập nếu tình trạng nghiêm trọng hay rất đau. Bất kì động tác nào làm cơ lưng co thắt dữ dội hơn thì bạn phải ngừng ngay.
    • Bước đi với đầu gối nâng cao hơn mức bình thường, đồng thời giữ lưng thẳng. Cách đi này tạo chuyển động kéo nhẹ cho phần lưng dưới và có thể làm hết co thắt.[7]
    • Nâng cánh tay qua đầu, lập lại 10 lần và giữ yên từ 5-10 giây. Mỗi ngày bạn thực hiện từ 3-4 lần để kéo giãn cơ ở lưng.[8]
    • Nằm trên sàn và kéo nhẹ đầu gối lên ngực. Giữ 10 giây và đổi bên. Lập lại động tác từ 5-10 lần, mỗi ngày tập 2-3 lần.[3] Bạn cũng có thể cùng lúc kéo cả hai đầu gối lên ngực. Các chuyển động này giúp kéo giãn lưng dưới trong khi để phần cơ còn lại nghỉ ngơi và "thả lỏng".[7]
  5. Sử dụng đệm làm nóng hay túi chườm lạnh. Sức nóng giúp cơ thả lỏng và ngừng có thắt, trong khi lạnh làm giảm sưng và đau. Lần đầu tiên bị co thắt bạn nên dùng túi chườm lạnh, đặt túi đá lên trên chỗ cơ đó trong vài ngày đầu tiên. Mỗi lần chườm bạn để túi đá trong thời gian 20-30 phút và cách nhau từ 3-4 giờ. Sau đó nếu tình trạng co thắt vẫn còn thì bạn dùng khăn ướt nóng đắp lên từ 20-30 phút trong suốt ngày.[9]
    • Nhớ câu nói: "Chườm nóng khi chơi và chườm lạnh khi nghỉ". Bạn nên chườm nóng khi cần vận động sau đó, và chườm lạnh khi được nghỉ ngơi hoặc ngồi yên.
    • Chườm nóng trong thời gian 15 phút sau mỗi 4 giờ, cho đến khi hoàn toàn không còn chuột rút. Chườm lạnh từ 12-15 phút sau mỗi 2 giờ trong vài ngày đầu tiên.
    • Sử dụng đệm làm nóng hoặc tấm dán nóng, túi nước đá hoặc tấm dán lạnh. Bạn cũng có thể sử dụng chai nước nóng hay chai nước đông lạnh, hoặc bọc nước đá vào tấm vải hay dùng một túi đậu đông lạnh.[3]
  6. Uống đủ chất lỏng và chất điện giải. Khi cơ bắp mất nước bạn phải tái cung cấp cho nó. Nước và chất điện giải (dưới dạng nước ép hoa quả, thức uống thể thao v.v…) có thể tái bổ sung nguồn cung ứng đang bị suy giảm. Natri, kali, canxi và magiê rất cần thiết để giúp chức năng co và thả của cơ bắp hoạt động tốt hơn.
    • Nếu bạn biết trước thời điểm cần vận động nhiều hay sử dụng cơ bắp ở cường độ cao thì nên thay thế bổ sung các chất dinh dưỡng bằng nước uống điện giải và nước.[10]
    • Co thắt cơ đôi khi là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt vitamin hay khoáng chất trong cơ thể. Bạn nên dùng viên đa vitamin hay đa khoáng chất có chất lượng cao.

Trị Co thắt Cơ bằng Thuốc[sửa]

  1. Trị co thắt cơ bằng thuốc giảm đau không kê toa. Đôi khi co cơ khiến bạn rất đau, khi đó bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc giảm đau không kê toa, chẳng hạn như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Tiêu biểu của các thuốc này là ibuprofen (Advil) hay naproxen sodium (Aleve).[3] Bạn cũng có thể thử uống thuốc acetaminophen (Tylenol).[11]
  2. Uống thuốc kháng viêm. Thuốc này làm giảm tình trạng viêm hay sưng quá mức ở khu vực co thắt, đồng thời giúp tăng tuần hoàn máu để mau khỏi hơn. Nhiều khả năng bác sĩ khuyên bạn dùng một loại thuốc kháng viêm không cần kê toa (như ibuprofen) như là biện pháp điều trị đầu tiên.[12]
    • Tác dụng phụ phổ biến nhất của ibuprofen là làm phát sinh các vấn đề về đường tiêu hóa, nhưng không nghiêm trọng bằng các tác dụng phụ do aspirin gây ra. Tác dụng phụ của ibuprofen bao gồm: buồn nôn, ợ nóng, tiêu chảy, khó tiêu, táo bón, chuột rút ở bụng, chóng mặt, nhức đầu, bồn chồn hay phát ban.[13]
  3. Uống thuốc giãn cơ. Nếu bạn bị chấn thương hay khi co thắt cơ thường xuyên xảy ra, hoặc tái đi tái lại, bạn nên đi khám bệnh. Bác sĩ có thể kê thuốc làm giãn cơ và tăng tuần hoàn máu.[14] Hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất kì loại thuốc nào khiến cơ co thắt.[15]
    • Thuốc Flexeril (cyclobenzaprine) là thuốc thường được kê để trị chứng co thắt cơ ở mức độ trung bình cho tới nặng, nó tác động tới hệ thần kinh trung ương để làm giãn cơ. Mặc dù là loại thuốc hiệu quả nhưng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen đã cho thấy hiệu quả hơn đối với triệu chứng co thắt cơ cấp tính.[13]
    • Một số thuốc giãn cơ rất dễ gây nghiện, bạn ghi nhớ điều này để giám sát liều lượng uống.
  4. Thảo luận với bác sĩ nếu co thắt cơ thuộc loại mãn tính. Dù có thể trị tại nhà nhưng nếu cơn co thắt khiến bạn rất đau, diễn ra thường xuyên, kéo dài hay ảnh hưởng tới các cơ khác, khi đó bạn cần đi khám bệnh. Có khả năng đó là triệu chứng của một vấn đề khác ẩn bên trong cần được điều trị.[16]
    • Bình thường bản thân hiện tượng co thắt cơ không phải là bệnh, mà đó chỉ là dấu hiệu cho thấy có vấn đề khác cần được chẩn đoán và điều trị. Phạm vi nguyên nhân rất rộng, có thể chỉ là do vận động cơ quá mức cho đến bệnh rối loạn biến dưỡng đối với trường hợp co thắt mãn tính.

Trị Co thắt cơ Trơn[sửa]

  1. Phân biệt triệu chứng co thắt cơ trơn. Các triệu chứng không giống nhau vì còn tùy thuộc vào cơ nào bị co. Co thắt ruột gây đau nhói và tiêu chảy, trong khi đó co thắt cơ đường tiểu thường xảy ra khi có sỏi thận, khiến đau nhói, buồn nôn và nôn. Nếu bạn bị co thắt cơ đường hô hấp hoặc gặp khó khăn khi thở thì cần được cấp cứu ngay lập tức, triệu chứng có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp.
    • Loại trừ hay trị các vấn đề về đường ruột, như sỏi túi mật hay bướu. Co thắt đường tiểu thường sẽ giảm bớt sau khi bạn tiểu ra sỏi hay phẫu thuật lấy sỏi thận ra. Bạn có thể uống thuốc giảm đau trong khi chờ thải sỏi ra ngoài.[15]
  2. Tìm biện pháp can thiệp y khoa đối với co thắt cơ đường tiêu hóa, đường tiểu, hay đường hô hấp. Đáng tiếc là bạn không thể kiểm soát các cơ trơn này, chúng có ở những cơ quan như tim và dạ dày. Co thắt cơ ở đây đôi khi là dấu hiệu của một tình trạng y khoa mà bạn chưa tìm ra.[15]
  3. Uống thuốc. Nếu cơ trơn co thắt ở mức độ nặng thì bác sĩ có thể kê thuốc cho bạn uống. Ví dụ, các thuốc như thuốc kháng cholinergic có hiệu quả với co thắt cơ đường ruột, mà nguyên nhân không bắt nguồn từ việc thay đổi chế độ ăn hay lối sống.
    • Bác sĩ kê thuốc làm phục hồi hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh, hoặc tiêm dung dịch botox làm tê liệt các cơ bị ảnh hưởng. Bạn nên thảo luận những lựa chọn này với bác sĩ.
  4. Uống thuốc chống co thắt nếu mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Hội chứng ruột kích thích làm xuất hiện tình trạng co thắt cơ ruột, và thuốc chống co thắt có tác dụng làm giãn ruột, giải trừ cơn đau. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn gặp hội chứng này, họ sẽ kê đúng loại thuốc chống co thắt và lập phác đồ điều trị cho bạn.[17]
  5. Lên lịch đi vệ sinh đối với co thắt cơ bàng quang. Có một cách để trị co thắt cơ bàng quang là đi vệ sinh đều đặn sau mỗi 1,5 tới 2 giờ. Cách làm này giúp làm trống bàng quang và hy vọng tình trạng sẽ giảm dần. Một khi tần suất co thắt thưa dần bạn hãy giảm bớt số lần đi tiểu.
    • Bài tập Kegel, còn gọi là bài tập sàn chậu, có thể giảm co thắt bàng quang nhờ làm săn chắc và thả lỏng cơ tại cơ quan này. Để siết chặt cơ vùng chậu, bạn siết cơ bàng quang giống như đang cố ngừng tiểu nửa chừng, hoặc giống như khi bạn cố nhịn xì hơi. Bạn có thể nhờ bác sĩ hướng dẫn cụ thể nếu không biết cách làm đúng.[18]
  6. Chườm nóng nếu bị co thắt cơ bụng. Chườm nóng có thể làm giảm chuột rút và co thắt ở tất cả các cơ trên cơ thể. Nằm thẳng và quấn túi chườm quanh bụng, nhớ không đặt trực tiếp đệm làm nóng lên cơ thể.[19] Chườm trong thời gian 10 tới 15 phút, và không để lâu hơn 20 phút liên tục. Thư giãn trong khi chờ đợi.[20]
    • Để làm túi chườm nóng, bạn tìm một tấm vải lớn đủ để che hết bụng sau khi được gấp lại. Bọc vải xung quanh đệm làm nóng hay một chai nước nóng. Sau đó quấn khăn tắm hay vải xung quanh cơ thể để giữ mọi thứ cố định.

Ngăn ngừa Co thắt Cơ[sửa]

  1. Uống nhiều chất lỏng. Cung cấp đủ nước là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa co thắt cơ, vì dễ xảy ra tình trạng chuột rút nếu cơ thiếu nước. Điều này càng quan trọng nếu bạn đang tập thể dục. Bạn nên uống ít nhất 6 tới 8 cốc nước hay thức uống lành mạnh khác trong suốt ngày.[21]
    • Bổ sung chất điện giải, đặc biệt là natri và kali trong khi tập thể dục hay ốm đau. Bạn có thể bổ sung thông qua chế độ ăn hay thức uống tăng cường chất điện giải.[6]
  2. Tạo thói quen cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Giữ cơ thể khỏe mạnh bằng cách ăn đúng loại thực phẩm và chất dinh dưỡng, đó là cách phòng ngừa co thắt cơ. Điều chỉnh chế độ ăn có thể giảm co thắt cơ ruột gây ra bởi hội chứng ruột kích thích. Kali, chất chống ôxi hóa và các chất béo lành mạnh đặc biệt tốt đối với phòng ngừa co thắt cơ. Người ta nhận thấy các thực phẩm dưới đây có thể hữu ích:
    • Chuối, khoai tây, nước mận khô và hoa quả sấy khô,[22] cam, gạo lứt, quả bơ, cải bó xôi,[23] hải sản, hạnh nhân, hạt lanh, yến mạch, hạt mè, đậu hũ và cải xoăn.[22]
  3. Tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm chuột rút vì nó làm giãn và săn chắc cơ.[24] Tập thể dục cũng có ích với các cơ bị chấn thương. Phương pháp tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng có thể giúp phục hồi cơ bắp theo thời gian, từ đó giảm tần suất xảy ra co thắt. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng cải thiện sức khỏe tổng quát của bạn.
    • Nhờ bác sĩ hay chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập thể dục để giúp giảm co thắt cơ.[21]
  4. Tập giãn cơ đều đặn. Đơn giản vì co thắt là tình trạng cơ bị rút lại, nên việc kéo giãn sẽ giúp ngăn ngừa rút cơ. Các bài tập này giữ cho cơ luôn thả lỏng và hoạt bát hơn.[22] Bạn nhớ làm động tác kéo giãn cơ trước và sau khi tập bất kì bài tập thể dục nào, đặc biệt nếu bài tập đó đòi hỏi phải gắng sức hoặc kéo dài.[25][4]
    • Nếu bạn thường bị chuột rút vào ban đêm thì nhớ kéo giãn chỗ cơ đó trước khi đi ngủ để thả lỏng chúng.[26] Bạn cũng có thể thực hiện bài tập làm tăng nhịp tim nhẹ, như chạy trên xe đạp tập thể dục để thả lỏng cơ và ngăn ngừa chuột rút.[25]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn bị co thắt cơ mãn tính hoặc tái đi tái lại thì nên đi khám bệnh. Mọi người đều gặp tình trạng này vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng nếu chuột rút hay co thắt diễn ra thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu của một nguyên nhân khác chưa biết và cần có biện pháp can thiệp y khoa.
  • Đông đá nước trong chiếc cốc bằng nhựa mềm, gỡ đáy cốc và mát xa mặt nước đá lạnh lên trên chỗ cơ bị rút trong thời gian 10-12 phút. Nghỉ 20 phút và tiếp tục mát xa, làm 6 lần mỗi ngày.[7]
  • Tắm bồn hay tắm vòi sen bằng nước nóng để giảm chuột rút. Nếu tắm trong bồn thì bạn nên cho vào đó một ít muối Epsom.[4]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Agabegi, S. (2013). Step-up to medicine (3rd ed.). Philadelphia: Wolters Kluwer/Lippincott Williams & Wilkins.
  2. http://www.medicinenet.com/muscle_spasms/article.htm
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 http://www.joint-and-muscle-pain-management.com/back-spasm.html
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 http://www.webmd.com/pain-management/muscle-spasms-cramps-charley-horse#2
  5. 5,0 5,1 5,2 http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00200
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.emedicinehealth.com/muscle_cramps/page7_em.htm
  7. 7,0 7,1 7,2 http://www.sportsinjurybulletin.com/archive/1090-lower-back-spams.htm
  8. http://www.med-health.net/Back-Spasms.html
  9. http://www.cumc.columbia.edu/student/health/pdf/M/Muscle%20Spasms.pdf
  10. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1150229/
  11. http://www.consumerreports.org/cro/2009/12/treating-muscle-spasms-and-spasticity/index.htm
  12. http://www.aafp.org/afp/2008/0801/p365.html
  13. 13,0 13,1 http://www.rxlist.com/ibuprofen-drug/clinical-pharmacology.htm
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/muscle-cramp/basics/treatment/con-20014594
  15. 15,0 15,1 15,2 http://www.aarp.org/health/conditions-treatments/info-02-2012/charley-horse-leg-cramps-relief-tips.html
  16. http://www.webmd.com/pain-management/muscle-spasms-cramps-charley-horse?page=2
  17. http://www.patient.info/health/antispasmodic-medicines
  18. http://www.emedicinehealth.com/understanding_bladder_control_medications/page3_em.htm
  19. http://www.uchospitals.edu/online-library/content=P00918
  20. http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4483
  21. 21,0 21,1 http://www.wisegeekhealth.com/what-is-a-muscle-spasm.htm
  22. 22,0 22,1 22,2 http://www.nativeremedies.com/ailment/muscle-spasms-and-twitches.html
  23. http://www.aarp.org/health/conditions-treatments/info-02-2012/charley-horse-leg-cramps-relief-tips.2.html
  24. http://abcnews.go.com/Health/CommonPainProblems/story?id=4047881
  25. 25,0 25,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/muscle-cramp/basics/prevention/con-20014594
  26. http://www.emedicinehealth.com/muscle_cramps/article_em.htm

Liên kết đến đây