Viết Một Bài Phê Bình Phim

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dù một bộ phim có dở tệ hay là một kiệt tác nghệ thuật, nếu có người đi xem thì nó vẫn đáng để bình. Một bài phê bình phim hay cần mang tính giải trí, thuyết phục, đầy ắp thông tin và đưa ra một ý kiến độc đáo mà không làm lộ quá nhiều cốt truyện. Một bài phê bình phim “tuyệt vời” hoàn toàn có thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Hãy đọc tiếp để biết cách phân tích một bộ phim, sáng tạo nên một luận điểm hay và viết một bài phê bình thật thú vị như bài mẫu.

Các bước[sửa]

Nghiên Cứu Các Nguồn Tài Liệu[sửa]

  1. Hãy tập hợp những thông tin cơ bản về bộ phim. Bạn có thể làm điều này trước hoặc sau khi xem phim nhưng bạn chắc chắn nên tìm thông tin trước khi viết bài phê bình vì bạn sẽ cần dùng đến những thông tin này trong bài viết của mình. Đây là những thông tin bạn cần biết:
    • Tiêu đề của bộ phim và năm phát hành.
    • Tên đạo diễn.
    • Tên các diễn viên chính.
    • Thể loại.
  2. Ghi chú về bộ phim khi xem. Trước khi bạn ngồi xuống và bắt đầu xem phim, hãy kiếm một tập giấy hay một chiếc laptop để ghi chú. Các phim đều rất dài và bạn có thể dễ dàng quên mất các chi tiết hoặc những điểm chính trong cốt truyện. Việc ghi chú giúp bạn ghi lại những chi tiết nhỏ nhặt để bạn có thể quay lại dùng sau này.
    • Ghi chú mỗi lần có điểm nào đó nổi bật đối với bạn, dù điểm đó hay hay dở. Đó có thể là trang phục, trang điểm, thiết kế cảnh quay, âm nhạc… Hãy nghĩ đến việc chi tiết này liên quan thế nào đến phần còn lại của bộ phim và nó có ý nghĩa gì trong bối cảnh bài phê bình phim của bạn.
    • Ghi chú những kiểu mẫu hành vi mà bạn bắt đầu chú ý đến khi bộ phim hé mở.
    • Thường xuyên dùng nút tạm dừng để đảm bảo bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì và tua lại nếu cần thiết.
  3. Phân tích cơ chế của bộ phim. Phân tích những yếu tố khác nhau kết hợp lại trong bộ phim khi bạn xem. Trong hoặc sau khi xem phim, hãy tự hỏi bản thân về ấn tượng mà bộ phim để lại cho bạn ở những lĩnh vực sau:
    • Đạo diễn. Hãy chú ý đến đạo diễn và cách họ chọn để khắc hoạ hay giải thích các sự kiện trong câu chuyện. Nếu bộ phim có tiết tấu chậm hoặc không có những chi tiết mà bạn cho là cần thiết, bạn có thể quy cho đạo diễn. Nếu bạn đã xem các bộ phim khác với cùng đạo diễn, hãy so sánh chúng và xác định xem bạn thích bộ phim nào nhất.
    • Nghệ thuật quay phim. Kĩ thuật nào đã được sử dụng để quay bộ phim? Những yếu tố bối cảnh nào giúp tạo nên không khí nhất định cho phim?
    • Kịch bản. Đánh giá kịch bản, bao gồm những đoạn hội thoại và cách khắc hoạ nhân vật. Bạn có thấy cốt truyện sáng tạo và khó đoán hay nhàm chán và yếu kém? Những lời nói của các nhân vật có chấp nhận được đối với bạn không?
    • Biên tập. Bộ phim có rời rạc hay liền mạch từ cảnh này đến cảnh khác? Hãy ghi chú về cách sử dụng ánh sáng và các hiệu ứng khác ở xung quanh. Nếu bộ phim có những hình ảnh được tạo nên từ máy tính, hãy nghĩ về việc trông chúng có giống thật và phù hợp với bộ phim hay không.
    • Thiết kế trang phục. Sự lựa chọn trang phục có phù hợp với phong cách của bộ phim hay không? Chúng có góp phần làm nổi bật không khí chung của phim hay hoàn toàn lệch lạc?
    • Thiết kế bối cảnh. Hãy chú ý đến cách bối cảnh phim ảnh hưởng đến các yếu tố khác. Nó có tăng thêm hay giảm bớt ấn tượng về bộ phim đối với bạn? Nếu bộ phim được quay ở một địa điểm thực thì địa điểm này có đáng chọn không?
    • Âm thanh hoặc nhạc phim. Nó có hài hoà với các cảnh hay không? Nó có được sử dụng quá nhiều hoặc quá ít hay không? Nó có tạo tính hồi hộp hay không? Có buồn cười hay gây khó chịu không? Phần nhạc phim có thể là yếu tố quyết định cho cả bộ phim, đặc biệt là nếu các ca khúc có thông điệp hoặc ý nghĩa cụ thể.
  4. Xem lại một lần nữa. Bạn không thể hoàn toàn hiểu được bộ phim nếu chỉ xem một lần, đặc biệt là nếu bạn thường dừng lại để ghi chú. Hãy xem lại ít nhất một lần nữa trước khi viết bài phê bình của mình. Chú ý đến các chi tiết mà bạn có thể đã bỏ qua ở lần xem thứ nhất. Lần này hãy tập trung vào những chi tiết khác, nếu bạn đã ghi chú nhiều về diễn xuất ở lần xem đầu tiên thì hãy tập trung vào nghệ thuật quay phim ở lần xem thứ hai.

Viết Bài Phê Bình Phim Của Mình[sửa]

  1. Đưa ra một luận điểm dựa trên phân tích của mình. Sau khi đã nghiên cứu kĩ lưỡng bộ phim này, bạn có thể mang tới quan điểm độc đáo nào cho người đọc? Hãy nghĩ ra một luận điểm, một ý tưởng trung tâm để thảo luận và củng cố nó bằng những quan sát về các yếu tố đa dạng trong phim. Luận điểm của bạn cần được bàn đến ngay ở đoạn đầu của bài phê bình. Việc có một luận điểm sẽ giúp bạn vượt ra khỏi giai đoạn tóm tắt và tiến đến lĩnh vực phê bình phim mà bản thân nó là một dạng nghệ thuật xứng đáng. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để tìm ra một luận điểm hấp dẫn cho bài phê bình của mình:
    • Bộ phim có phản ánh một sự kiện gần đây hay một vấn đề nóng hổi không? Đây có thể là cách để đạo diễn đề cập đến những vấn đề quan trọng hơn. Hãy tìm các cách để kết nối nội dung phim với thế giới “thực”.
    • Bộ phim có thông điệp gì hay có cố gắng khơi gợi phản ứng hoặc cảm xúc cụ thể nào từ khán giả? Bạn có thể nói về việc bộ phim có đạt được những mục đích của nó hay không.
    • Bộ phim có mối liên hệ cá nhân nào với bạn hay không? Bạn có thể viết một bài phê bình dựa trên những cảm xúc của riêng mình và thêm vào những câu chuyện cá nhân để làm cho nó thật hấp dẫn với độc giả.
  2. Sau đoạn văn viết về luận điểm, viết một đoạn tóm tắt cốt truyện ngắn. Sẽ rất hữu ích cho độc giả khi biết trước họ sẽ được xem gì khi họ quyết định đi xem bộ phim mà bạn đang phê bình. Hãy viết một đoạn tóm tắt ngắn gọn về cốt truyện, trong đó bạn nêu tên những nhân vật chính, miêu tả bối cảnh và viết sơ qua về mối xung đột chính hay ý nghĩa của bộ phim. Đừng bao giờ vi phạm nguyên tắc số một của một bài phê bình phim: đừng cho độc giả biết quá nhiều. Đừng “phá hỏng” bộ phim trước khi độc giả được xem!
    • Khi nêu tên các nhân vật ở đoạn tóm tắt cốt truyện, hãy liệt kê tên các diễn viên ngay sau đó trong dấu ngoặc đơn.
    • Tìm một nơi để nhắc đến tên đạo diễn và tên đầy đủ của bộ phim.
    • Nếu bạn cảm thấy mình cần phải đề cập đến các thông tin hay tình tiết bộ phim cho độc giả biết, hãy cảnh báo họ trước.
  3. Chuyển qua phần phân tích bộ phim. Hãy viết một vài đoạn văn nói về những chi tiết thú vị của bộ phim để củng cố luận điểm của bạn. Hãy bàn về diễn xuất, cách đạo diễn, nghệ thuật quay phim, bối cảnh… Sử dụng giọng văn rõ ràng và hấp dẫn để thu hút độc giả.
    • Giữ cho bài viết của bạn rõ ràng và dễ hiểu. Đừng dùng quá nhiều thuật ngữ chuyên môn trong nghệ thuật làm phim mà hãy giữ ngôn ngữ rõ ràng và dễ tiếp cận.
    • Trình bày cả những sự kiện diễn ra trong phim và ý kiến của bạn. Ví dụ, bạn có thể viết, “Nhạc nền Baroque vô cùng mâu thuẫn với bối cảnh ở thế kỉ 20.” Viết như vậy sẽ giàu thông tin hơn là chỉ viết đơn giản, “Sự lựa chọn âm nhạc trong phim khá kì lạ.”
  4. Dùng nhiều ví dụ để củng cố các ý kiến của bạn. Nếu bạn bày tỏ một quan điểm về bộ phim thì hãy củng cố nó bằng một ví dụ mang tính mô tả. Hãy miêu tả nội dung các cảnh quay, diễn xuất của một diễn viên nhất định, góc quay và những thứ khác. Bạn cũng có thể trích lời thoại để bày tỏ quan điểm của mình. Cách này sẽ giúp độc giả cảm nhận về bộ phim và đồng thời giúp bạn thể hiện ý kiến phê bình phim của mình.
  5. Ghi dấu ấn cho bài phê bình. Bạn có thể coi bài phê bình của mình như một bài luận văn đại học trang trọng, nhưng sẽ thú vị hơn nhiều nếu bạn biến nó thành của mình. Nếu phong cách viết của bạn thường dí dỏm và hài hước thì bài phê bình của bạn cũng không phải ngoại lệ. Nếu bạn nghiêm túc và luôn tạo ấn tượng, điều đó cũng rất hiệu quả. Hãy để ngôn ngữ và phong cách viết của bạn phản ánh quan điểm cùng cá tính riêng của bạn. Độc giả sẽ thấy thú vị hơn nhiều.
  6. Kết thúc bài phê bình của bạn bằng một kết luận. Nó cần tóm gọn luận điểm ban đầu của bạn và cung cấp lời khuyên khán giả có nên đi xem bộ phim hay không. Bản thân kết luận của bạn cũng cần hấp dẫn và thú vị vì đây đã là phần kết bài viết của bạn.

Trau Chuốt Cho Tác Phẩm Của Mình[sửa]

  1. Biên tập lại bài phê bình của bạn. Khi bạn đã viết xong bản nháp đầu tiên, hãy đọc lại và quyết định xem nó có mạch lạc và có cấu trúc phù hợp hay không. Bạn có thể cần dịch chuyển các đoạn văn, xoá các câu, thêm vào các chi tiết ở vài chỗ để làm phong phú thêm cho những đoạn thiếu thông tin. Hãy biên tập bài phê bình của bạn ít nhất một lần, có thể là 2 hay 3 lần cho đến khi bạn cho rằng nó đã đủ hoàn hảo.
    • Hãy tự hỏi xem bài phê bình của bạn có đi đúng hướng luận điểm hay không. Phần kết luận có tóm lược lại những ý kiến mà bạn đã nêu ra ban đầu không?
    • Xác định xem bài phê bình của bạn có chứa đầy đủ thông tin về bộ phim hay không. Bạn có thể cần quay lại và thêm vào các mô tả để độc giả hiểu rõ hơn về nội dung của bộ phim.
    • Xác định xem bài phê bình của bạn có đủ thú vị khi đứng một mình hay không? Bạn có đóng góp gì đặc biệt đối với phần thảo luận về bộ phim không? Các độc giả sẽ nhận được gì khi đọc bài phê bình của bạn mà họ không thể có được nếu chỉ đơn thuần xem bộ phim?
  2. Kiểm tra lại lỗi trong bài phê bình của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn đã viết đúng tất cả tên của diễn viên và viết chính xác ngày tháng. Sửa chữa những lỗi đánh máy, sai ngữ pháp và những lỗi đánh vần sai nữa. Một bài phê bình “sạch sẽ” và đã được kiểm tra lỗi sẽ chuyên nghiệp hơn nhiều so với một bài đầy những lỗi sai ngớ ngẩn.
  3. Đăng hoặc chia sẻ bài phê bình của bạn. Đăng lên blog của bạn, chia sẻ nó trên một diễn đàn thảo luận phim, đăng lên Facebook hoặc gửi email cho bạn bè và gia đình. Phim ảnh là hình thức nghệ thuật tinh tuý của thời đại chúng ta, và cũng như bất cứ loại hình nghệ thuật nào, chúng đều tạo nên những tranh cãi, đồng thời cung cấp một nơi cho con người tự nhìn nhận bản thân và có ảnh hưởng vô cùng lớn đến văn hoá của chúng ta. Tất cả những điều này có nghĩa là chúng đáng được bàn luận, dù chúng có dở tệ hay là những tác phẩm xuất sắc. Xin chúc mừng ý kiến đóng góp của bạn cho phần thảo luận.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy hiểu rằng một bộ phim không hợp với thị hiếu của bạn không có nghĩa là bạn phải viết một bài phê bình chê bai nó thậm tệ. Một nhà viết phê bình giỏi là một người giúp người khác tìm được một bộ phim mà họ sẽ thích, và vì bạn không cùng gu xem phim với những người khác, bạn cần có khả năng nói cho họ biết có khả năng thích bộ phim hay không, kể cả khi bạn không thích.
  • Đọc thật nhiều các bài phê bình phim và nghĩ đến những yếu tố giúp một số bài phê bình hữu ích hơn các bài phê bình khác. Giá trị của một bài phê bình không phải lúc nào cũng nằm ở tính chính xác (các độc giả đồng ý với người phê bình đến mức nào) mà nằm ở tính hữu dụng (người phê bình có thể dự đoán các độc giả sẽ thích bộ phim chính xác đến đâu).
  • Nếu bạn không thích bộ phim, đừng lăng mạ hay tỏ ra xấu tính. Nếu có thể, tránh xem những bộ phim mà bạn chắc chắn sẽ ghét.
  • Đừng quên rằng không được bật mí những chi tiết cho biết trước nội dung phim!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây