Viết nên một câu chuyện hay

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Con người vốn dĩ là những người kể chuyện. Nhưng khi phải viết nên một câu chuyện hay, bạn có thể sẽ cảm thấy bối rối, ngay cả khi bạn sở hữu trí tưởng tượng sống động và vô vàn ý tưởng tuyệt vời. Bạn sẽ muốn tạo nên một tác phẩm độc đáo, chứ không phải sáo rỗng! Để viết nên một câu chuyện hay, bạn cần phải tìm cảm hứng, phát triển nội dung, và sau đó, xem xét lại những gì mà bạn đã viết cho đến khi bạn đã tạo nên câu chuyện hay nhất có thể. Nếu bạn muốn viết một mẩu truyện ngắn hay, bạn chỉ cần thực hiện theo các bước đơn giản sau:

Các bước[sửa]

Tìm cảm hứng[sửa]

  1. Tìm cảm hứng bằng cách chú ý đến thế giới và môi trường xung quanh. Nếu bạn muốn viết một mẩu truyện ngắn hay, hoặc thậm chí là truyện dài, bạn cần phải nhớ không ngừng quan sát và lắng nghe, và cho phép thế giới truyền cảm hứng cho bạn! Bạn có thể tham khảo ý kiến của người khác về thế giới xung quanh họ, vì câu chuyện mà bạn sẽ viết là dành cho nhiều dạng khán giả, vì vậy, bạn không nên chỉ theo sát quan điểm của riêng mình. Bạn cũng không nên dành quá nhiều thời gian, công sức hoặc mô tả quá mức trong tác phẩm của mình. Sau đây là một vài biện pháp khá tuyệt vời để thu thập chi tiết có thể dẫn dắt bạn hình thành một mẩu truyện ngắn:
    • Đọc sách. Kinh nghiệm sẽ giúp ích cho bạn. Đọc sách rất tốt cho não bộ, nó sẽ giúp cung cấp cho bạn khái niệm về một quyển sách hay được xuất bản. Tất nhiên, trên thế giới này có hàng triệu quyển sách, tuy nhiên, bạn nên cố gắng đi đến thư viện địa phương và tìm kiếm loại sách phù hợp với sở thích của bạn. Mỗi con người và mỗi quyển sách đều khác nhau. Có thể chúng sẽ cung cấp cho bạn một vài câu văn hay để bắt đầu, truyền nguồn cảm hứng, và cho bạn biết về đề tài mà bạn muốn viết. Bạn nên đọc nhiều loại sách khác nhau để tăng cường vốn từ và bạn sẽ nhanh chóng sở hữu tiền đề cho một câu chuyện tuyệt vời.
    • Nhận biết đặc điểm tiêu biểu thú vị của nhân vật. Có lẽ bạn nhận thấy rằng người hàng xóm của bạn thích nói chuyện với cây trồng của họ hoặc thường dẫn mèo đi dạo vào mỗi buổi sáng. Một lần nữa, phương pháp này có nghĩa là bạn cần phải hợp tác với thế giới xung quanh. Chị/em gái của bạn có phải là người lập dị? Có thể cô ấy sở hữu đặc tính này trong tính cách của mình. Bạn nên suy nghĩ về cuộc sống nội tâm của dạng người này để xem liệu bạn có thể xây dựng được một câu chuyện từ đó hay không.
    • Chú ý đến môi trường xung quanh. Bạn có thể đi dạo hoặc dành một chút thời gian để ngồi quan sát trong công viên và xem bạn sẽ tìm được điều gì. Có lẽ bạn sẽ trông thấy một bó hoa hồng nằm bên một rãnh nước, hoặc một đôi giày thể thao mới trên chiếc ghế trong công viên. Bằng cách nào mà chúng có mặt ở đó? Hãy suy ngẫm và mơ mộng!
    • Lắng nghe mọi người khi họ trò chuyện. Chỉ cần một câu nói thú vị mà bạn nghe thoáng qua cũng có thể tạo cảm hứng cho bạn viết nên một câu chuyện hoàn chỉnh. Có thể bạn sẽ nghe một ai đó nói rằng "Không ai hiểu tôi cả...", hoặc "Chú chó nhà tôi thích tra tấn mọi người đàn ông mà tôi hẹn hò...". Liệu chúng có đủ để bạn bắt đầu một câu chuyện? Chắc chắn là đủ!
  2. Lấy cảm hứng từ viễn cảnh "Sẽ ra sao nếu như…". Đây là phương pháp tuyệt vời khác để bắt đầu một mẩu truyện ngắn. Khi bạn chú ý đến thế giới, bạn không nên chỉ tập trung vào sự thật mà hãy nhớ chú tâm vào khả năng có thể xảy ra. Khi bạn thật sự chú ý đến một câu chuyện mà bạn nghe hoặc hình ảnh mà bạn trông thấy, hãy tự hỏi bản thân rằng "Nhưng sẽ ra sao nếu như nó diễn ra theo cách này thay vì cách đó?", hoặc "Người đó sẽ làm gì nếu…". Theo sát tư tưởng này sẽ giúp bạn khám phá sự bí ẩn đang ám ảnh bạn.
    • Bạn không cần phải biết rõ kết thúc của câu chuyện khi chỉ mới bắt đầu. Thật ra, không biết hết mọi chuyện trước khi bắt đầu viết truyện sẽ giúp bạn khám phá nhiều khả năng có thể xảy đến hơn và giúp câu chuyện của bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
    • Viễn cảnh "sẽ ra sao nếu như" có thể thiên về thực tế hoặc hoàn toàn thiên về ảo tưởng. Bạn có thể hỏi bản thân rằng "Sẽ ra sao nếu như chú chó nhà mình bắt đầu nói chuyện với mình?", hoặc "Sẽ ra sao nếu như người hàng xóm yêu mến chú chó nhà mình quá mức đến nỗi một ngày nào đó họ sẽ bắt cóc nó?"
  3. Tìm cảm hứng từ trải nghiệm của bản thân. Mặc dù truyện ngắn thuộc thể loại tiểu thuyết, có khá nhiều mẩu truyện ngắn thiên về tự truyện. Nếu bạn đang viết về một điều gì đó thật sự đã xảy đến cho bạn hoặc một người nào đó mà bạn biết thì đây là thể loại văn xuôi hiện thực, nhưng tìm cảm hứng thông qua trải nghiệm của bản thân và nâng cấp nó lên mức độ tiểu thuyết mới mẻ là kế hoạch tuyệt vời để viết truyện ngắn, đặc biệt nếu bạn cảm thấy như thể bạn "không có gì để viết".
    • Nhiều người cho rằng bạn cần "viết những gì bạn biết". Tư duy phổ biến là nếu bạn lớn lên tại một nông trại ở Ba Vì, hoặc nếu bạn dành 10 năm để cố gắng trở thành một họa sĩ ở Đà Lạt, bạn nên viết về trải nghiệm này thay vì phỏng đoán về cuộc sống của một người nào đó tại nơi mà bạn chưa từng đến.
    • Nhiều nhà văn nói rằng bạn nên "viết về yếu tố mà bạn không biết trong điều bạn biết". Điều này có nghĩa là bạn cần phải bắt đầu từ phạm vi mà bạn quen thuộc và tiến đến khám phá yếu tố khiến bạn tò mò hoặc không biết rõ.
    • Nếu bạn quá chú tâm vào sự kiện thật sự đã diễn ra, bạn sẽ không có chỗ cho sự sáng tạo. Ví dụ, có lẽ bạn từng có một người bạn thời thơ ấu, người đã dọn đi nơi khác mà không thông báo cho bất kỳ ai, hoặc có thể là khi còn nhỏ, bạn bị mê hoặc bởi người điều hành Vòng đu quay và luôn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với người đó. Bạn nên khám phá thế giới này và xây dựng câu chuyện từ đó.
  4. Lấy cảm hứng từ câu chuyện mà bạn đã từng nghe. Luôn nhớ chú ý đến câu chuyện có thể giúp bạn tạo nên một tiểu thuyết thật tuyệt vời mà bạn bè hoặc người thân của bạn đã kể. Nếu mẹ hoặc bà của bạn thường kể về thời thơ ấu của họ, bạn nên viết chúng ra giấy. Cố gắng hình dung xem trưởng thành trong một thời điểm hoặc một nơi khác sẽ như thế nào và bắt đầu viết về các khả năng. Không nên bực bội nếu bạn không biết gì về thời điểm đó; bạn luôn có thể nghiên cứu về nó.
    • Khi một người bạn của bạn nói với bạn rằng "Bạn sẽ không tin nổi chuyện đã xảy đến cho tôi trong tuần trước…", hãy chú tâm. Đây có thể sẽ là phần mở đầu cho tác phẩm của bạn.
    • Câu chuyện có thể xuất phát từ nơi bạn hoàn toàn không nghĩ đến. Có lẽ là người DJ trên radio đang hồi tưởng về thưở nhỏ của mình trong một vài câu nói ngắn gọn, và bạn bất ngờ bị lôi cuốn bởi suy nghĩ về cuộc đời của người đó.
    • Bạn nên cẩn thận: nếu bạn bị mang tiếng là nhà văn "đánh cắp" câu chuyện của người khác để sử dụng cho tiểu thuyết của mình, mọi người sẽ trở nên ngần ngại trong việc mở lòng với bạn.
  5. Lấy cảm hứng từ bối cảnh. Câu chuyện có thể đến từ ý thức mạnh mẽ về nơi chốn. Trong giai đoạn này, bạn cần phải biết rõ thể loại truyện mà bạn viết. Bối cảnh của truyện Khoa học Viễn tưởng có thể là phòng thí nghiệm dưới lòng đất, hoặc một câu chuyện kinh dị trong căn chòi xiêu vẹo. Bạn không cần phải lấy cảm hứng từ bãi biển tuyệt đẹp hoặc từ kỳ nghỉ tuyệt vời mà bạn đã có tại Venice. Thay vì vậy, hãy tìm cảm hứng từ sự bình dị. Bạn nên suy nghĩ về những mùa hè mà bạn đã trải qua trên vườn táo nhà bà của bạn khi bạn còn nhỏ; nhớ về thời điểm mà bạn vui đùa tại tầng hầm trong nhà người bạn thân thời phổ thông/trung học/tiểu học.
    • Viết về địa điểm có thể giúp bạn phát triển nhân vật thú vị và sự mâu thuẫn.
  6. Tìm cảm hứng từ bài tập viết. Bài tập viết đã giúp rất nhiều nhà văn phát triển sự sáng tạo của mình, tìm kiếm cảm hứng tại nơi mà họ không ngờ đến, và ép buộc họ phải viết khi họ cảm thấy như thể họ "không có ý tưởng". Bạn có thể bắt đầu bằng cách tập viết mỗi ngày trong vòng 10 – 15 phút để khởi động tư duy, hoặc thậm chí là tập viết trong vòng 1 giờ ngay cả khi bạn hoàn toàn không có cảm hứng. Sau đây là một vài bài tập viết tuyệt vời để giúp bạn bắt đầu:[1]
    • Bắt đầu câu chuyện với lời mở đầu: "Tôi chưa từng nói cho bất kỳ ai biết điều này". Nếu câu chuyện của bạn dựa trên ngôi thứ nhất, bạn có thể bắt đầu bằng "Cô ấy đóng cửa lại. Những giọt nước mắt lăn dài trên má. Có phải anh ta đã lừa dối cô ấy?".
    • Ngắm nhìn bức tranh của một trang trại bình thường trên cánh đồng. Sau đó, mô tả nó theo quan điểm của người vừa mới phạm tội giết người. Thực hiện tương tự nhưng với quan điểm của cô gái vừa mất đi người mẹ của mình. Quan sát sự ảnh hưởng trong cách suy nghĩ của nhân vật đến cái nhìn của họ đối với thế giới. Hãy đặt mình vào tình thế của nhân vật!
    • Bạn chỉ cần viết trong 10 – 15 phút. Xem xét lại mọi điều mà bạn đã viết để sửa lỗi.
    • Chọn người mà bạn hoàn toàn không ưa trong cuộc sống. Bây giờ, bạn có thể viết một câu chuyện dựa trên quan điểm của người đó. Cố gắng khiến người đọc cảm thông với người đó càng nhiều càng tốt. Hãy nhớ rằng – đây là câu chuyện của bạn!
    • Cho phép nhân vật đem lại ngạc nhiên cho bạn. Viết về nhân vật mà bạn nghĩ rằng bạn biết khá rõ, và sau đó, hãy để người này thực hiện một điều gì đó khiến bạn hoàn toàn bất ngờ. Quan sát xem liệu điều này sẽ dẫn dắt bạn đến đâu. Nó sẽ khiến câu chuyện của bạn trở nên hấp dẫn hơn.
    • Sự tranh cãi. Hình thành cuộc tranh cãi giữa hai nhân vật về yếu tố vô cùng tầm thường, ví dụ như người nào sẽ đi đổ rác, hoặc người nào sẽ trả tiền cho bộ phim. Bạn nên nói rõ rằng cuộc tranh cãi này là về một điều gì đó to tát và nghiêm trọng hơn như ai sẽ kết thúc mối quan hệ này, hoặc ai đã cho đi quá nhiều nhưng không nhận lại được bất kỳ điều gì. Hãy để cho đoạn hội thoại làm công việc của mình. Tuy nhiên, tránh làm nó trở nên nhàm chán.
    • Ngôn ngữ cơ thể. Viết mô tả cho hai nhân vật đang ngồi cạnh nhau trong vòng 500 từ. Bạn cần phải cho đọc giả của bạn nhận thấy rõ cảm giác mà hai nhân vật này dành cho nhau mà không sử dụng đến lời đối thoại.
  7. Tìm cảm hứng từ các mẩu truyện ngắn. Nếu bạn muốn thành thạo trong việc viết truyện ngắn, bạn cần phải tham khảo càng nhiều truyện ngắn càng tốt. Bạn nên đọc cả thể loại truyện kinh điển lẫn đương đại, và sử dụng kỹ năng viết lách của người khác để tạo cảm hứng cho chính mình viết nên câu chuyện ngắn của riêng bạn. Sau đây là danh sách một vài loại truyện ngắn kinh điển và đương đại có thể giúp ích cho bạn:
    • "The Lady with the Little Dog" (Người Đàn bà và Chú chó Nhỏ) của Chekhov.
    • "The Cask of Amontillado" (Thùng rượu Amontillado) của Edgar Allan Poe.
    • "A Clean, Well-Lighted Place" (Một Nơi Sạch sẽ, Sáng sủa) của Ernest Hemingway.
    • "A Worn Path" (tạm dịch: Lối mòn) của Eudora Welty.
    • "Cathedral" (Thánh đường) của Raymond Carver.
    • "The Dead Past" (tạm dịch: Quá khứ Đã qua) của Isaac Asimov.
    • "The Veldt" (Đồng cỏ) của Ray Bradbury.
    • "The Things They Carried" (Những thứ Họ Mang theo) của Tim O'Brien.
    • "The Beggar Maid" (Người Hầu gái Nghèo) của Alice Munro.
    • "Girl" (Con gái) của Jamaica Kincaid.
    • "Where Are You Going, Where Have You Been?" (tạm dịch: Anh đi đâu, Anh đã ở đâu?) của Joyce Carol Oates.
    • "A Temporary Matter" (Chuyện Nhất thời) của Jhumpa Lahiri.
    • "How to Date a Brown Girl, Black Girl, White Girl, or Halfie" (tạm dịch: Cách để Hẹn hò với Cô gái Da nâu, Da đen, Da trắng, hoặc Lai) của Junot Diaz.
    • "Cloud busting" (tạm dịch: Mơ mộng) của Malorie Blackman.
    • "The Metamorphosis" (Hóa thân) của Franz Kafka.

Cải thiện khả năng viết truyện[sửa]

  1. Tham dự lớp học viết lách. Lớp học viết lách là phương pháp tuyệt vời để tìm hiểu về kỹ năng để viết nên những quyển sách và truyện hay. Bạn nên tìm kiếm lớp học tập trung vào kỹ năng viết lách nói chung hoặc chuyên sâu về lĩnh vực nào đó mà bạn quan tâm. Viết truyện có nhiều dạng khác nhau, từ sách thiếu nhi cho đến bài viết cho tạp chí.
  2. Rèn luyện cách mô tả con người, động vật, sự vật và phong cảnh. Ngoài ra, bạn cũng nên luyện tập cách viết về tâm trạng, cảm xúc, và phản ứng của mình. Một nhà văn giỏi là người biết cách mô tả mọi yếu tố này theo cách sáng tạo nhất. Cố gắng luyện tập mô tả mọi sự vật xung quanh bạn.
    • Ví dụ, giả sử như bạn sở hữu rèm cửa màu tím. Trông chúng như thế nào? Chúng khiến bạn nhớ về điều gì? Chúng có mặt ở vị trí nào trong phòng?
    • Tuy nhiên, bạn không nên diễn tả quá mức, vì hành động này có thể làm chậm câu chuyện. Bạn chỉ cần cố gắng vẽ nên bức tranh chân thực trong tâm trí của đọc giả.
  3. Tập trung vào phương pháp viết truyện một cách lôi cuốn. Không người nào lại muốn đọc một tác phẩm nhàm chán hoặc không gây tò mò. Sử dụng từ ngữ độc đáo. Đọc lướt qua từ điển và tìm từ ngữ gây chú ý nhiều nhất cho bạn. Hoặc, bạn có thể lắng nghe chương trình phát thanh mà bạn yêu thích. Hãy hài hước và khiến người đọc muốn trở nên hào hứng hơn với câu chuyện của bạn. Mục tiêu ở đây là giành được sự chú ý của đọc giả và khiến họ muốn đọc tác phẩm của bạn nhiều hơn.
  4. Viết đúng ngữ pháp. Bạn nên chắc chắn rằng người đọc có thể hiểu rõ những điều mà bạn viết. Viết theo kiểu "như zị" có thể khiến người đọc bối rối, và khi bạn viết một quyển sách chuyên sâu, bạn nên sử dụng từ ngữ cao cấp hơn và tránh lỗi chính tả "củ rít". Tuy nhiên, nếu nhân vật của bạn trò chuyện với ngôn ngữ "như zị", bạn nên giữ chúng trong dấu nháy kép và trung thành với cách nói chuyện cũng như suy nghĩ thật sự của nhân vật.
  5. Viết bằng cả trái tim. Nếu viết lách là đam mê của bạn, bạn nên chia sẻ nó như một người kể chuyện chân thật, người luôn đắm chìm trong câu chuyện của mình. Viết về mọi điều mà bạn thích và yếu tố mà bạn nghĩ rằng chúng phù hợp cho câu chuyện của bạn. Bạn nên học cách viết bằng cả trái tim.
    • Lắng nghe lời phê bình có tính xây dựng và biết rõ thời điểm chúng sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng viết lách của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên nhận thức rõ lời chỉ trích xuất phát từ sự cằn nhằn hoặc ganh tị. Cùng với luyện tập, dần dần, bạn sẽ dễ dàng hiểu thêm về vấn đề này.

Phát triển câu chuyện của bạn[sửa]

  1. Phát triển quan điểm của bản thân. Hầu hết mọi truyện ngắn đều được viết dưới góc nhìn (ngôi) của người thứ nhất, thứ hai, hoặc thứ ba. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu, bạn chỉ nên theo sát một loại. Sau đây là 3 loại ngôi và cách sử dụng chúng:
    • Ngôi thứ nhất. Ngôi thứ nhất là người kể chuyện trực tiếp từ quan điểm của nhân vật, người sử dụng chủ từ "tôi" để nói về mình. Ví dụ: "Tôi chưa từng nói cho ai biết điều này". Ngôi thứ nhất là biện pháp tuyệt vời nếu bạn muốn theo sát suy nghĩ và quan điểm của nhân vật, nhưng nó có thể sẽ khá hạn chế nếu quan điểm của nhân vật chỉ có giới hạn. Ngôi thứ nhất sẽ là góc nhìn dễ dàng nhất khi bạn mới bắt đầu viết lách.
    • Ngôi thứ ba. Ngôi thứ ba là khi bạn viết về nhân vật sử dụng chủ từ "anh ấy" hoặc "cô ấy" từ cái nhìn của người ngoài cuộc, chẳng hạn như "Anh ấy đã rất mệt". Trong ngôi thứ ba, tác giả có thể tiến gần đến suy nghĩ của nhân vật hoặc tiến xa khỏi chúng.
    • Ngôi thứ hai. Ngôi thứ hai đề cập trực tiếp đến người đọc dưới chủ từ "bạn". Ví dụ như "Bạn đang bước vào văn phòng của tôi". Đây là kỹ thuật khá tuyệt vời để tạo sự chú ý cho độc giả, nhưng nó có thể sẽ trở nên quá mức.
  2. Mở rộng cốt truyện. Mỗi mẩu truyện ngắn đều cần phải có cốt truyện để thu hút người đọc, khiến họ thắc mắc về chuyện sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này không có nghĩa là câu chuyện của bạn phải bao gồm sự rượt đuổi tốc độ hoặc một án mạng; khán giả vẫn sẽ muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi việc chỉ xoay quanh cuộc trò chuyện của hai người bên tách cà phê. Mặc dù, mỗi mẩu truyện ngắn đều khác nhau, sau đây là một vài nhân tố cơ bản:
    • Sự gia tăng trong hành động/sự diễn giải: điều này thường xuất hiện trong phần đầu của truyện ngắn, khi các nhân vật chính, bối cảnh, và trọng tâm của xung đột được giới thiệu với đọc giả. Tuy nhiên, một vài câu chuyện lại bắt đầu bằng hành động và khiến người đọc phải đi ngược thời gian để tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra.
    • Mâu thuẫn: điểm nhấn của câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều cần phải có cao trào, hoặc nếu không, người đọc sẽ không muốn đọc tiếp, bất kể sự bóng bẩy trong ngôn từ của câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều cần đến xung đột hoặc đỉnh điểm của căng thẳng; nó có thể kịch tích như cuộc chiến của hai người đàn ông vì một người đàn bà, hoặc một cô gái đang tự hỏi liệu bạn của cô ấy có mời cô ấy đi dự tiệc hay không. Bản chất của mâu thuẫn không quan trọng – điều quan trọng là người đọc phải quan tâm đến vấn đề đang diễn ra.
    • Sự giảm dần trong hành động: giải pháp của câu chuyện. Sau khi xung đột đã được bàn luận và giải quyết, bạn cần phải chấm dứt câu chuyện. Nhưng hầu hết truyện ngắn thường sẽ không sở hữu kết thúc có hậu, hoặc thậm chí là kết thúc rõ ràng. Nhiều câu chuyện kết thúc bằng một từ hoặc hình ảnh khiến người đọc phải suy nghĩ. Nếu câu chuyện chỉ đơn thuần là "đặt dấu chấm hết" vào phút cuối, bạn đã loại bỏ một vài sự bí ẩn và sự lôi cuốn của nó.
  3. Khai thác nhân vật. Câu chuyện của bạn cần phải sở hữu một hoặc nhiều nhân vật có thể thu hút sự quan tâm hoặc thậm chí là gốc rễ của vấn đề, ngay cả khi họ không phải là công dân gương mẫu hoặc người tốt tính. Bạn có thể mô tả họ theo nhiều cách thức phù hợp khác nhau. Sau đây là một vài phương pháp để cung cấp cho đọc giả cảm giác rõ ràng về nhân vật:
    • Mô tả điều họ nói. Lời hội thoại hoàn hảo sẽ hình thành cái nhìn sâu sắc về ý định của nhân vật – đặc biệt nếu cuộc hội thoại không tương xứng với suy nghĩ của họ.
    • Diễn tả hành động của họ. Nhân vật của bạn có thức giấc vào lúc 6 giờ sáng mỗi ngày mà không cần sử dụng báo thức, hay là họ dành hàng giờ để ấn nút "snooze" (hoãn báo thức) trước khi thức dậy? Hành động nhỏ có thể giúp xây dựng nhân vật, tuy nhiên, ban đầu, chúng sẽ trông có vẻ như không đáng kể.
    • Diễn tả ngoại hình của họ. Nhân vật của bạn có “diện” quần áo đẹp khi đi chợ, hoặc mỉm cười điên cuồng trong giây phút đắm chìm trong nỗi buồn sâu thẳm? Ngoại hình của nhân vật sẽ cho mọi người biết về trạng thái tinh thần của người đó.
    • Mô tả cách họ tương tác với người khác. Có phải nhân vật của bạn vô cùng nhút nhát, hoặc quá hống hách đến nỗi mọi người xung quanh không muốn họ mở miệng? Có phải người đó đối xử tốt với người hầu bàn vì mẹ của anh ta cũng đã từng là người hầu bàn, hay anh ta là một tên đểu giả bởi vì một cô phục vụ nào đó đã từng làm tan nát trái tim anh ta, hay bởi vì anh ta chỉ đơn giản là thích làm vậy? Quan sát cách anh ta tương tác với thế giới có thể tiết lộ rất nhiều điều về bản thân người đó.
  4. Khai thác cuộc hội thoại. Lời đối thoại giữa các nhân vật thường sẽ được đặt trong dấu nháy kép. Cuộc hội thoại có thể tiết lộ khá nhiều thứ về nhân vật từ điều mà họ muốn hoặc không muốn nói. Bạn nên hình thành cuộc đối thoại tương tự như khi chúng được trình bày bởi hai con người thật sự thay vì quá hoa mỹ và gượng ép. Bạn nên đọc to đoạn hội thoại để xem liệu nó có tự nhiên như một người nào đó đang trò chuyện hay không.
    • Lời đối thoại giữa hai nhân vật cũng sẽ cung cấp khá nhiều gợi ý về nghị lực của họ.
    • Bạn cũng nên chú ý đến yếu tố không được diễn đạt bằng từ ngữ. Ví dụ, nếu một cậu bé đang buồn vì cha của cậu đã bỏ lỡ trận đấu bóng chày, nếu cậu bé ấy không nói về trận đấu này khi cả hai gặp nhau và thay vì vậy, cậu lại nói rằng "Công việc của cha thế nào?", hành động này sẽ cho biết rất nhiều về cậu bé ấy.
    • Tránh sử dụng từ ngữ dài dòng như "Mai đã nêu ra rằng ..." thay vì "Mai nói rằng..."
  5. Phát triển bối cảnh. Bối cảnh của truyện ngắn có thể rất quan trọng hoặc không ảnh hưởng nhiều đến sự kiện đang được bộc lộ. Nếu bối cảnh câu chuyện của bạn là tại một ngôi nhà thông thường không liên quan đến câu chuyện thì sẽ không sao. Nhưng nếu nhân tình của nhân vật đột nhập vào căn nhà mà anh ta chia sẻ cùng vợ của mình thì mọi chi tiết nhỏ đều quan trọng, bởi vì nó sẽ cho biết về mối quan hệ tình cảm của nhân vật với vợ của mình – và suy nghĩ của cô nhân tình về vấn đề này. Bạn cần quyết định tầm quan trọng của bối cảnh và phát triển nó sao cho phù hợp.
    • Ngay cả khi bối cảnh không quan trọng đối với câu chuyện, bạn nên tránh gây bối rối cho người đọc bằng cách cho họ biết về địa điểm diễn ra sự kiện, thậm chí nếu nó chỉ là ngôi làng nhỏ ở Tây Nguyên, hoặc ngôi trường phổ thông không tên tại một nơi nào đó.
    • Khoảng thời gian cũng được xem như một phần của bối cảnh. Nếu câu chuyện của bạn lấy bối cảnh từ những năm 1960, bạn nên cung cấp cho người đọc đầy đủ gợi ý, hoặc trình bày một cách rõ ràng, để họ không dành một nửa câu chuyện với suy nghĩ rằng nó diễn ra trong hiện tại.
  6. Phát triển giọng điệu của bạn. Trong văn viết, giọng điệu là phương pháp độc đáo trong việc sử dụng từ ngữ để cho thấy rằng bạn là người duy nhất có thể viết nên chúng. Ngôn từ của bạn cần phải sở hữu kiểu cách, giai điệu, và nhịp mà không người nào có thể sao chép chúng. Ban đầu, cố gắng bắt chước nhà văn viết truyện ngắn khác mà bạn yêu thích là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng khi bạn ngày càng tiến bước trong sự nghiệp viết truyện ngắn của mình, bạn nên tìm kiếm cách độc đáo để bộc lộ suy nghĩ và ý tưởng của bản thân.
    • Giọng điệu diễn tả âm điệu trong từ ngữ của tác giả, chứ không phải chỉ là âm điệu của từ ngữ mà nhân vật sử dụng. Mỗi ngôn từ trong truyện ngắn sẽ góp phần hình thành giọng điệu của tác giả.
  7. Tránh xa “cạm bẫy” trong việc viết truyện ngắn. Mặc dù, bạn có thể tham khảo một vài hướng dẫn, không có bất kỳ một nguyên tắc rõ ràng nào mà bạn phải tuân thủ để xây dựng câu chuyện hay ho hoặc tồi tệ. Tuy nhiên, bạn vẫn có khả năng cải thiện cơ hội viết nên mẩu truyện ngắn thành công bằng cách tránh thực hiện một vài lỗi lầm phổ biến mà nhà văn khác đã từng phạm phải. Sau đây là một vài điều mà bạn có thể suy nghĩ khi bạn tiến bước với câu chuyện của mình:
    • Không "cung cấp quá nhiều thông tin cùng một lúc". Bạn không nên cho người đọc biết về mọi điều mà họ cần phải biết ngay khi câu chuyện vừa mới bắt đầu. Nếu bạn dành 3 trang giấy để mô tả nhân vật và hành động trước khi mọi chuyện thật sự xảy đến, người đọc sẽ cảm thấy mệt mỏi.
    • Tránh hình thành cái kết “đoản hậu”. Không người nào lại thích đọc một câu chuyện nào đó chỉ để phát hiện ra rằng mọi việc chỉ là một giấc mơ, hoặc rằng toàn bộ câu chuyện được trình bày từ quan điểm của người ngoài hành tinh. O. Henry đã từng rất nổi tiếng cho thể loại kết thúc này, nhưng ngày nay, nó được xem là khá sáo rỗng.
    • Giữ cho mọi thứ luôn đơn giản. Có lẽ bạn nghĩ rằng sử dụng ngôn ngữ hoa mỹ, cao sang để viết truyện ngắn là một cách hay. Nhưng điều này chỉ đúng khi bạn đang viết truyện về cuộc sống thượng lưu trong lâu đài lộng lẫy, trong hầu hết mọi ý tưởng chủ đạo, tốt nhất là bạn nên giữ cho mọi chuyện ngắn và đơn giản.
    • Tránh diễn giải sự việc trong cuộc đối thoại. Lời dẫn truyện, không hội thoại, cần phải cho đọc giả biết thông tin cơ bản của câu chuyện. Lời đối thoại chỉ nên được sử dụng để cung cấp thêm thông tin về nhân vật và về sự khó khăn cũng như mối quan hệ của họ, chứ không phải là phơi bày "sự thật" của câu chuyện. Ví dụ, một nhân vật nào đó không nên nói rằng, "Sang à, mặc dù bạn đã 20 tuổi và đây là năm học thứ hai của bạn tại trường Đại học Kinh tế…" bởi vì đây là yếu tố mà cả hai nhân vật đều đã biết rõ.
    • Trình bày rõ ràng về cao trào của câu chuyện. Bất kỳ người đọc nào cũng phải có thể trả lời câu hỏi "Mối đe dọa ở đây là gì?" trong khi đọc truyện của bạn và sau khi họ đã hoàn tất nó. Nếu đọc giả kết thúc câu chuyện và không hiểu rõ về cao trào của nó, câu chuyện của bạn đã thất bại.

Xem lại câu chuyện của mình[sửa]

  1. Đọc lại câu chuyện của bạn sau một khoảng thời gian. Hãy nghỉ ngơi đôi chút – ngay cả khi là chỉ trong 1 ngày. Sau đó, bạn có thể xem lại câu chuyện của mình với cái nhìn mới mẻ hơn, và cố gắng đọc nó dưới góc độ của một đọc giả thay vì nhà văn. Là độc giả, bạn nghĩ câu văn nào không cần thiết hoặc khá rối rắm? Bạn muốn biết thêm sự thật nào? Điểm nào trong cốt truyện quá rõ ràng hoặc quá phức tạp? Đọc lại câu chuyện của mình bằng đôi mắt tỉnh táo có thể cung cấp cho bạn quan điểm mới mẻ về điều mà bạn cần phải thay đổi.
    • Đôi khi, chỉ cần in câu chuyện mà bạn đang viết trong chương trình soạn thảo văn bản Word ra giấy sẽ giúp bạn xem xét chúng với góc nhìn mới mẻ hơn.
    • Nếu bạn thật sự muốn cải thiện câu chuyện nhưng lại cảm thấy quá khó khăn, bạn nên bỏ qua nó trong 1 – 2 tháng. Bạn sẽ cảm thấy khá ngạc nhiên trước vô vàn cái nhìn sâu sắc hơn mà bạn đã đạt được trong khoảng thời gian này.
    • Ngừng tiếp tục câu chuyện của mình trong một khoảng thời gian ngắn là bước khá tốt, nhưng bạn không nên kéo dài quá trình này quá lâu đến nỗi bạn đánh mất sự hào hứng.
  2. Tìm kiếm sự phản hồi. Nếu bạn đã sẵn sàng để đưa câu chuyện của bạn đến với thế giới, bạn có thể chia sẻ nó với một người bạn thân, nhà văn đồng nghiệp, giáo viên tiếng Việt, hoặc thậm chí là nhóm nhà văn mà bạn quen biết. Cần nhớ không nên tìm kiếm ý kiến về câu chuyện trước khi hoàn thành nó, hoặc nếu không, bạn sẽ cảm thấy không vui trước sự phê bình. Tham gia hội thảo về viết lách cùng những người có cùng chí hướng, người nghiêm túc cống hiến cho một bài viết hay sẽ giúp bạn giành được quan điểm mới mẻ về tác phẩm của riêng mình.
    • Lời phản hồi chỉ có thể đem lại lợi ích cho bạn nếu bạn chấp nhận nó. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã viết nên một câu chuyện hoàn hảo nhất, bạn sẽ không thể nào lắng nghe ý kiến của người khác.
    • Bạn nên chắc chắn rằng bạn đưa tác phẩm của mình cho đọc giả phù hợp. Nếu bạn đang viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nhưng bạn lại trao nó cho người bạn cũng là nhà văn nhưng chưa từng đọc về tiểu thuyết viễn tưởng trước đây, bạn sẽ không nhận được lời nhận xét tốt nhất.
  3. Xem lại câu chuyện của mình bằng cách sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau. Có khá nhiều cách thức khác nhau để bạn duyệt lại tác phẩm, và nó tùy thuộc vào bản thảo đầu tiên của câu chuyện và khối lượng công việc còn lại mà bạn phải thực hiện. Nhiều mẩu truyện phải cần đến nhiều hơn 10 bản thảo để tạo nên tác phẩm phù hợp, vì vậy, đừng nản lòng nếu bạn có cảm giác như thể bạn phải thay đổi mọi thứ. Khi bạn đọc lại tác phẩm, bạn nên suy nghĩ về những yếu tố sau:
    • Sự cần thiết trong việc thay đổi góc nhìn. Có thể bạn nghĩ rằng câu chuyện của bạn sẽ hay hơn khi được kể ở ngôi thứ nhất, nhưng trong lần đọc thứ hai, bạn lại nhận thấy rằng ngôi thứ ba sẽ khiến câu chuyện của bạn trở nên hấp dẫn hơn.
    • Cắt bỏ từ ngữ dài dòng. Quy tắc theo kinh nghiệm là cắt bớt 250 từ trong câu chuyện (với điều kiện là nó dài ít nhất 10 trang giấy) sau khi bạn tin chắc rằng bạn đã hoàn thành tác phẩm. Bạn sẽ khá ngạc nhiên trước số lượng từ ngữ dài dòng không cần thiết mà bạn tìm được.
    • Giảm bớt sự rối rắm. Bạn nên tự hỏi bản thân xem liệu bạn có hoàn toàn hiểu rõ câu chuyện đang diễn ra nếu bạn không phải là người viết nên câu chuyện này. Có lẽ bạn nhận thấy rằng nội dung câu chuyện khá rõ ràng đối với bạn, nhưng đọc giả của bạn có thể sẽ cảm thấy bối rối.
    • Cần nhớ bao gồm thêm cảm giác, âm thanh, v.v. Cảm xúc khiến câu chuyện trở nên sống động hơn. Vì dù sao đi nữa, nếu không có cảm xúc thì câu chuyện đó sẽ như thế nào?
    • Tiến hành nghiên cứu thêm nếu cần. Nếu bạn đang viết truyện lấy bối cảnh từ thời kỳ Chiến tranh Đông Dương tại Việt Nam trong những năm 1945 – 1975 và nhận ra rằng bạn thật sự không biết nhiều thông tin như bạn nghĩ về khoảng thời gian này, đã đến lúc bạn cần phải vùi mình vào sách vở để tìm hiểu thông tin đủ để có thể viết nên câu chuyện thuyết phục về giai đoạn này.
    • Hãy kiên trì. Khi bạn thất vọng, bạn nên nhắc nhở bản thân rằng bản thảo đầu tiên của tác phẩm sẽ không bao giờ tốt đẹp – nhưng nếu bạn viết tiếp bản thảo thứ hai, ba, và bốn, bạn sẽ có khả năng viết nên một mẩu truyện ngắn tuyệt vời.

Lời khuyên[sửa]

  • Con người không thường trò chuyện với câu nói hoàn chỉnh. Họ đưa ra câu trả lời bằng 1 từ duy nhất. Vì vậy, thỉnh thoảng, bạn có thể sử dụng từ ngữ như “Ừ, hmm”, v.v. Tuy nhiên, không nên lạm dụng chúng quá mức! Cuộc đối thoại tốt không phải sao chép chính xác như lời nói thật sự: nó là câu nói trong đời thật nhưng đã được cắt bỏ mọi phần nhàm chán.
  • Tìm kiếm ý nghĩa của tên gọi trực tuyến để đặt tên cho nhân vật của bạn. Đây là biện pháp khá tốt nếu bạn không thể tạo nên một cái tên phù hợp cho một nhân vật cụ thể nào đó. Ví dụ, nếu nhân vật của bạn là người lương thiện, bạn có thể tìm kiếm "Ý nghĩa" của từ "lương thiện" trực tuyến. Hầu hết mọi trang web sẽ liệt kê cho bạn danh sách tên gọi phù hợp với mô tả của bạn. Tên Thiện Đạo cũng có nghĩa là "lương thiện", vì vậy bạn có thể gọi nhân vật của mình bằng cái tiên này.
  • Không ngừng chỉnh sửa. Kiểm tra dấu câu, lỗi chính tả, ngữ pháp, và tất nhiên là cả ý nghĩa của câu – nhưng nhớ đừng quên câu hỏi quan trọng. Hành động và phản ứng của nhân vật đó có hợp lý hay không? Bạn có đang hình thành đường tắt cho cốt truyện của mình, khiến nó trở nên nhàm chán hoặc nông cạn?
  • Xây dựng câu chuyện dựa trên nhân vật, và nên nhớ rằng, nhân vật của bạn sẽ không thể giữ mãi một độ tuổi nhất định, họ sẽ trưởng thành, tâm trạng và đôi khi là tính cách của họ sẽ thay đổi, và họ cũng có thể dễ dàng trở nên buồn bã hoặc khích động. Bạn nên hình thành độ tuổi phù hợp mà bạn có thể tận dụng cho nhân vật của bạn.
  • Lấy cảm hứng viết truyện từ kinh nghiệm trong cuộc sống của bản thân.
  • Giảm thiểu sử dụng từ ngữ đối thoại thừa thãi (ví dụ, “An nói”, hoặc “Mai thì thầm”). Có phải bạn đang thắc mắc muốn biết làm cách nào để bạn có thể phân biệt người nào đang nói? Bằng cách hình thành giọng điệu độc đáo cho từng nhân vật và giữ cho cuộc hội thoại bám sát khung cảnh. Con người di chuyển khi họ nói chuyện. Nếu bạn bắt buộc phải sử dụng từ “nói”, đừng ngần ngại (khiến người đọc cảm thấy bối rối sẽ tồi tệ hơn), nhưng nếu bạn đã xây dựng khung cảnh cụ thể, bạn sẽ cảm thấy rằng nó không cần thiết. Tận dụng từ ngữ lắp bắp, âm giọng, giọng điệu hóng hách, giọng điệu dễ bảo, hoặc lời nói lướt nhanh trong lựa chọn từ ngữ của mình. Bạn nên cẩn thận trong việc sử dụng tiếng địa phương. Không nên lạm dụng quá mức nếu bạn cần phải dùng đến chúng. Khi bạn biết rõ về nhân vật của mình, bạn sẽ có ý tưởng rõ ràng về giọng nói của họ, cách họ bộc lộ bản thân, và những điều mà họ không bao giờ nói.
  • Hãy chắc chắn rằng cốt truyện không quá rối rắm, nếu quá nhiều sự việc diễn ra cùng một lúc, hãy ngừng lại. Nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian ngắn và làm trống tâm trí. Đọc lại tác phẩm từ đầu đến cuối là một phương pháp khá tốt, nó sẽ giúp bạn hình thành quan điểm mới mẻ và giúp bạn suy nghĩ về bước tiếp theo.
  • Không nên sao chép từ những quyển sách khác. Nếu bạn bị “tắt mạch văn” (writer's block), hãy tìm kiếm cảm hứng.
  • Sử dụng ngôn ngữ thuộc cảm giác. Đây là chìa khóa thu hút đọc giả vào câu chuyện của bạn. Bạn nên bảo đảm rằng người đọc có thể "trông thấy, ngửi thấy và nghe thấy" khung cảnh xung quanh. Hãy vẽ nên bức tranh bằng từ ngữ - bạn sẽ không muốn tác phẩm của mình trở nên nhàm chán hoặc quá thẳng thừng, nhưng thay vào đó, bạn nên giúp đọc giả có thể hình dung về mọi việc. Sau đó, một lần nữa, trừ khi bạn là tiểu thuyết gia Marcel Proust, không nên mô tả từng chiếc lá trên từng cái cây hoặc nếu không, bạn sẽ khiến cốt truyện trở nên dài lê thê.
  • Không nên ngừng viết tại điểm mà bạn không thể suy nghĩ được điều gì. Nếu bạn làm vậy, bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn thành tác phẩm của mình. Hãy ngừng tại nơi mà bạn đã có sẵn kế hoạch trong đầu.
  • Không chỉnh sửa câu chuyện ngay lập tức, vì bạn sẽ không thể nhận thấy lỗi hoặc lỗ hổng trong cốt truyện. Hãy chờ một vài ngày khi bạn có thể xem xét tác phẩm với cái nhìn mới mẻ hơn.
  • Tạo nên nhiều bản thảo trước khi tiến hành thực hiện bản viết cuối cùng. Phương pháp này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc chỉnh sửa.

Cảnh báo[sửa]

  • Nhớ thay đổi độ dài của câu.
  • Không nên kéo dài câu chuyện hoặc chủ đề. Chỉ nên cung cấp đủ chi tiết để khuyến khích sự hiểu biết và sự quan tâm.
  • Để biến câu chuyện của bạn trở nên thú vị hơn, không nên đạo văn của người khác. Cần phải có thời gian để bạn có thể viết nên một câu chuyện hay, vì vậy, hãy kiên nhẫn!
  • Tránh sử dụng từ ngữ to tát, bóng bẩy quá thường xuyên. Chúng không chuyên nghiệp, tương tự như bạn nhờ một chiếc máy vi tính viết chúng thay bạn, nhưng bạn cũng không nên dùng từ ngữ nhàn chán, sáo rỗng quá nhiều.
  • Sẽ khá dễ dàng và tự nhiên để bạn mô tả một cách chân thật nhất về người mà bạn biết rõ, chẳng hạn như gia đình bạn. Bạn có thể ngụy trang cho nhân vật của mình đủ để không xúc phạm đến gia đình hoặc hoặc nếu không, họ sẽ xem bạn như là người xấu trong một khoảng thời gian.
  • Mô tả phong cảnh quá dài dòng sẽ đưa bạn vào ngõ cụt.
  • Tránh chỉnh sửa khi đang viết. Hành động này sẽ làm chậm quá trình viết lách của bạn. Thay vào đó, bạn nên thường xuyên nghỉ giải lao và chỉnh sửa khi có thể.
  • Tắt mạch văn là tình trạng phổ biến. Bạn sẽ cảm thấy thất vọng nhưng đừng đầu hàng; hãy nghỉ ngơi và thư giãn tâm trí. Bạn nên nhớ đến cụm từ BIC - Bum In Chair (Đặt Mông xuống Ghế), bạn chỉ cần luôn ghi nhớ cụm từ này trong đầu, mọi việc đều xoay quanh BIC!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây